Taj Mahal- “Giọt lnước mắt đọng trên má thời gian”

Cập nhật: 27/12/2018 Lượt xem: 7167

Taj Mahal- “Giọt lnước mắt đọng trên má thời gian”

Đền Taj Mahal - Ấn Độ.

Taj Mahal, ngôi đền nổi tiếng ở Ấn Độ được xem là biểu tượng của tình yêu bất diệt giữa hoàng đế Shah Jahan và hoàng hậu Mumtaz Mahal. Đền Taj Mahal nằm ở thành phố Agra bang Utar Pradesh, phía bắc Ấn Độ. Ngôi đền được xây bằng đá trắng trên một không gian rộng lớn, hài hòa làm tôn lên vẻ đẹp diễm lệ, thanh khiết của nó. Với kiến trúc Ấn - Hồi đặc trưng, Taj Mahal lung linh trên trời xanh như một viên ngọc quý làm ngây ngất bất cứ ai có dịp được chiêm ngưỡng.

Lịch sử xây dựng Taj Mahal gắn liền với câu chuyện về tình yêu bất diệt của hoàng đế Shah Jahan (lên ngôi năm 1627) với người vợ yêu quý là hoàng hậu Mumtaz Mahah. Bà không may qua đời ở tuổi 38 sau khi sinh người con thứ 2 và là người con thứ 14 của vua (1631).

Hoàng đế Shah Jahan 

Shahab-ud-din Muhammad Shah Jahan I (còn gọi là Shah Jehan) (5.01.1592 - 31.1.1666) là vua của đế quốc Mogul ở tiểu lục địa Ấn Độ từ năm 1628 đến 1658. Cái tên Shah Jahan theo tiếng Ba Tư (Iran) nghĩa là "Chúa tể của thế giới". Ông là vị Hoàng đế thứ năm của Mogul, sau BaburHumayunAkbar và Jahangir.

Năm 1622, cuộc tạo phản vua cha Jahangir của Shah Jahan thất bại, phải hòa giải và vào năm 1628 ông lên ngôi ở Agra. Triều đại của ông mở mang bờ cõi tới tận cao nguyên Deccan ở Đông Ấn Độ, và sau đó Shah Jahan là vị Hoàng đế Mogul đầu tiên thống nhất được toàn bộ bán đảo Ấn Độ. Đó cũng là thời gian mà Đế quốc lên tới đỉnh cao hoàng kim của nó. Tuy nhiên, năm 1653, ông lại mất thành phố Kandahar và Afghanistan về tay đế quốc Ba Tư.

Là một trong những Hoàng đế kiệt xuất của Mogul, Shah Jahan rất quan tâm đến nghệ thuật và kiến trúc đã được thể hiện trong việc xây dựng các thánh đường và lăng tẩm lớn như Taj Mahal ở Agra, lăng mộ dành cho người vợ yêu quý của ông là Mumtaz Mahal (1593-1631). Nhà vua dời đô từ Agra tới thành phố Delhi, tái thiết lại thành Shjahanabad, và cho xây dựng một pháo đài tại đây, thường được gọi là Pháo đài Đỏ. Mặc dù Shah Jahan là tín đồ Hồi giáoẤn Độ giáo rất được ưa chuộng; hội họa và văn học phát triển và các cung điện nổi tiếng với vẻ đẹp hoành tráng.

Tuy nhiên, cũng như Jahangir, Shah Jahan là một ông vua tàn bạo vô độ, và trong thời gian ông trị vì nhân dân đã phải gánh chịu đủ thứ thuế má, lao dịch, binh dịch. Năm 1658, Shah Jahan ngã bệnh, những người con của ông đã chém giết lẫn nhau để giành ngai vàng, đó là một nguyên nhân dẫn đến sự xuống dốc của nhà Mogon. Cuối cùng, người con thứ tư Aurangzeb lên ngôi và giam vua cha vào pháo đài Agra. Shah Jahan qua đời 7 năm sau (1666), được mai táng ở đền Taj Mahal bên cạnh mộ người vợ yêu quý của ông Mumtaz Mahal.

Hoàng hậu Mumtaz Mahal

Mumtāz Mahal (4.1593 – 17.6.1631) là tên thường gọi của hoàng hậu Arjumand Banu Begum, vợ hoàng đế Shah Jahan của đế quốc Mogul. Phụ thân của bà là nhà quý tộc người Ba Tư Abdul Hasan Asaf Khan, từng là thống sứ của Lahore, ông cũng là anh trai của Nur Jahan (hoàng hậu của tiên đế Jahangir). Mumtāz Mahal là người theo đạo Hồi thuộc hệ phái Shia (Shi'a Muslim), bà lấy hoàng tử Khurram (tên khai sinh của Shah Jahan) vào ngày 10 tháng 5 năm 1612 khi được 19 tuổi. Shah Jahan lên nối ngôi năm 1627. Bà là người vợ thứ ba của ông và rất được sủng ái. Mahal mất ở Burhanpur thuộc Deccan (ngày nay được gọi là Madhya Pradesh) trong khi sinh người con gái thứ 2 Gauhara Begum cũng là người con thứ 14 của vua. Thi hài được lưu trữ trong 23 năm ở Burhanpur cho đến khi đền Taj Mahal ở Agra hoàn thành, công trình được Jahan xây dựng để tưởng nhớ người vợ, ngày nay ngôi đền đã trở thành di sản văn hóa thế giới được UNESCO công nhận và là một trong 7 kỳ quan của thế giới mới do tổ chức NOW khởi sướng.

Mối tình của Hoàng đế Shah Jahan  Hoàng hậu Mumtaz Mahal

Theo sexologie-magazine.com thì truyền thuyết kể lại rằng vào một ngày đẹp trời năm 1607 đã diễn ra một buổi đại lễ của triều đình. Ngày hôm đó, những người quí tộc của hậu điện đi mua hàng nào là nước hoa, áo dạ hội, kem thoa. Theo thông lệ, đàn ông không được phép vào chợ tư nhân Meena, nếu như họ cải lại thì đao phủ sẽ chặt tay, chặt chân họ. Nhưng có những ngoại lệ, vào những ngày rất đặc biệt, lúc đó vai tuồng đảo ngược lại, giống như lễ canaval của những nước phương Tây. Chợ Meena khi đó mở ra, đám đông tràn vào, nào là công hầu, người bình thường đủ mọi tầng lớp. Những cô gái điếm đổ xô vào trở nên rất hỗn tạp gọi nhau í ới, nhạc và nhảy múa là không khí của lễ hội. Những quí tộc trẻ đua tài hùng biện, làm sao tìm ra được vần thơ hay nhất, những câu đối mang tính tâm linh nhất nhằm thu hút sự chú ý của những cô gái trẻ.

Hoàng tử Khurram, sẽ trở thành vị Hoàng Đế thứ năm của triều đại Moghol, là con trai của vua Jahangir, là cháu trai của Akbar, là một người thanh niên trẻ đẹp trai mới 16 tuổi mà tài năng của chàng đã được nhiều người biết đến: tính tình can đảm, hiếu chiến, có khiếu làm thơ, hát hay, và viết đẹp … Tại chợ Meena, người chàng bổng dưng như bất động khi nhìn thấy nàng công chúa Arjumand Banu Begam, tuổi 15 xinh đẹp. Đúng là tiếng sét ái tình!. Ngay hôm sau, hoàng tử xin vua cha cho phép cưới nàng Arjumand về làm vợ. Vua cha Jahangir chấp nhận lời đề nghị của Hoàng tử, nhưng nhà vua yêu cầu phải đổi sang ngày khác theo lời các nhà chiêm tinh trong triều đình. Thế rồi một năm trôi qua, Hoàng Tử Khurram lấy vợ nhưng không phải kết hôn với người mà chàng đã từng yêu dấu như đề nghị với vua cha ban đầu, mà kết hôn với nàng công chúa Ba Tư. Phong tục Hồi Giáo là đa thê, nên hoàng tử của những triều đại Moghols sẽ phải duy trì một số lớn hầu thiếp. Nhưng cặp tình nhân còn phải chờ đợi 5 năm, mà không thể nói chuyện với nhau, cũng không trao đổi trước khi có thể cưới nhau vào ngày được các nhà chiêm tinh gia trong triều đình ấn định, là ngày 27/03/1612, lúc này Hoàng Tử Khurram đã có hai vợ . Ngày đó đã đến, theo phong tục của Hồi Giáo buổi lễ đã diễn ra tại nhà tân giai nhân, nhưng vào lúc nửa đêm, nhà vua cho triệu tập những khách mời để cùng tham gia yến tiệc, niềm hân hoan cực hiếm. Dưới vẻ đẹp yêu kiều của nàng dâu, nhà vua phong cho nàng nhiều danh hiệu cao qúi và đặt lại tên cho nàng. Từ nay về sau, nàng sẽ không còn là nàng công chúa Ba Tư nữa, mà tên mới của nàng là “Mumtaz Mahal”, tên này mang ý nghĩa là “ người được yêu mến nhất trong cung điện”.

Sau ngày cưới, đôi vợ chồng son quyến luyến nhau không rời nửa bước, nàng Mutaz Mahal rất xinh đẹp, có tấm lòng cao thượng được mọi người quí trọng, và nàng được xem như mẫu người phụ nữ lý tưởng. Về phía hoàng tử, chàng ngày càng trưởng thành và ra vẻ đàn ông, chỉ 16 năm sau, ngày 4 tháng Giêng năm 1628, chàng được tiến cử ngôi báu Moghol và lấy hiệu là Hoàng Đế Shah Jahan. Ngày lễ ăn mừng lên ngôi của nhà vua kéo dài suốt cả tháng, nhưng Shah Jahan đã nhanh chóng nhận thấy có nhiều vấn đề nảy sinh trong vương triều rộng lớn của mình, không ngờ lại quá đa đoan. Tuy nhiên, mối diễm tình với nàng Mumtaz Mahal vẫn tốt đẹp như ngày nào. Trong suốt 19 năm chung sống, nhà vua hạ sinh được 14 đứa con, nhưng chỉ còn lại 7 người. Năm 1630, trong lúc mở chiến dịch chống lại phần tử ly khai Khan Jahan Lodi, Hoàng đế Shah Jahan cho phép nàng Mumtaz Mahal đi theo ra trận, mặc dù lúc đó nàng đang bụng mang dạ chửa đứa con thứ hai. Ngày sinh con đã được báo trước và hoàng đế đã gửi một thông điệp tốt lành: đứa con thứ 14, một bé gái khỏe mạnh vừa mới chào đời, nhưng không có tin tức gì của người mẹ. Những thông điệp khác cũng đã được gửi đến, nhưng nàng vẫn bặt vô âm tín. Hoàng đế hiểu là có chuyện chẳng lành: Nàng Mumtaz Mahal đã lâm trọng bệnh sau khi sinh con và yêu cầu Hoàng đế phải quay về ngay. Shah Jahan tức tốc lên ngựa để đến bên người vợ yêu dấu, và không muốn xa nàng nữa. Vào một buổi sáng, nàng đã đi vào giấc ngủ nghìn thu, khi đó nàng 38 tuổi. Theo tài liệu ghi chép còn lưu lại, vua Shah Jahan đã tan nát cõi lòng sau khi hoàng hậu Mumtaz qua đời. Thậm chí, ông ra lệnh cho các địa phương để tang hoàng hậu trong hai năm.

Lúc sinh thời, Mumtaz Mahal được vua yêu chiều và tin tưởng đến nỗi được giao cho cả con dấu hoàng gia, được các nhà thơ đương thời không ngớt làm thơ ca ngợi vẻ đẹp, sự quyến rũ và lòng nhân hậu. Sau khi người vợ yêu dấu mất đi, Shah Jahan lui vào phòng ở ẩn không thiết triều trong một năm. Khi xuất hiện trở lại, tóc ông bạc trắng, lưng còng đi và mặt đầy nếp nhăn. Shah Jahan dành toàn bộ quỹ thời gian sống còn lại để chỉ huy việc xây lăng mộ ở Agra. Tuy nhiên bất hạnh thay, ông đã bị chính Aurangzeb, con trai của mình và bà vợ yêu Mumtaz Mahal, tiếm ngôi. Hoàng tử Aurangzeb đã giết chết ba anh trai cùng cha khác mẹ và bắt giam vua cha vào pháo đài Agra. Cho đến tận lúc cuối đời, Shah Jahan chỉ được phép ở trong tòa tháp có ban công trông ra lăng mộ Taj Mahal. Ông chỉ có thể ngắm mộ vợ từ xa mà không thể đến thăm bà. Kịch bản này hầu như lặp lại lần đảo chính bất thành của Shah Jahan đối với vua cha Jahangir 36 năm về trước.

Nơi an táng ban đầu Hoàng hậu Mumtaz Mahal trước khi Taj Mahal được xây dựng xong

Theo bài viết của Diệu Linh (thế giới điện ảnh) thì Ahukhana là nơi an giấc ngàn thu ban đầu của hoàng hậu Mumtaz. Nằm cách khoảng 500 dặm về phía Tây Nam các đường phố náo nhiệt ở Agra (tiểu bang Madhya Pradesh) là một thành phố hẻo lánh, buồn tẻ Burhanpur. Ở đó, ngập trong dòng khách du lịch, là tàn tích lung linh của Ahukhana, nơi an táng ban đầu của hoàng hậu Mumtaz.

Lão ông Mohammed Shehzada Asif Khan, 72 tuổi, nhiếp ảnh gia, người từng tổ chức Lễ hội tôn vinh Mumtaz Mahal ở Burhanpur trong vòng 40 năm qua, không giấu niềm tự hào cho biết: “Với tư cách là đại diện cho các cư dân của nền văn minh cổ đại rực rỡ, tận đáy lòng chúng tôi biết ơn sâu sắc đến di sản văn hóa của ông cha. Nhưng với con số từ 7 đến 8 triệu lượt du khách đổ về Taj Mahal mỗi năm, nhưng không một ai hay biết về sự tồn tại của Ahukhanalăng mộ đầu tiên của hoàng hậu Mumtaz Mahal”. 

Đại sảnh ở Burhanpur - nơi di hài hoàng hậu Mumtaz Mahal được quàn trong suốt 6 tháng

Ahukhana được xây dựng vào khoảng thế kỷ 16 dùng làm công viên nuôi dưỡng hươu nai cho hoàng đế Shah Jahan. Vườn thượng uyển nằm trên một khuôn viên rộng tới 6 dặm, nó bao gồm 2 khối cấu trúc chính, một tòa cung điện nhỏ được trang trí với hình hoa văn gân lá cây cùng với một hàng cột trụ được biết đến dưới cái tên Baradari. Chính cái Baradari này là nơi đã tiệm di hài của hoàng hậu Mumtaz khoảng 6 tháng sau khi bà qua đời. Tuy nhiên đến ngày nay, tòa lăng mộ bị bỏ hoang phế với cỏ dại mọc bạt ngàn, những vách tường vẽ lam nham chữ graffiti, các hàng cột xuất hiện nhiều vết nứt đáng báo động.

Hoàng đế Shah Jahan cai trị một đế quốc rộng lớn từ thủ đô Delhi ở phía Bắc đất nước. Cuối thập niên 1620, đế chế của nhà vua bị bao vây bởi những cuộc nổi dậy từ các vương quốc Deccani ở miền Nam Ấn. Nhằm dập tắt tình trạng bất ổn, Shah Jahan đã thiết lập một trung tâm chỉ huy ở Burhanpur (cửa ngõ dẫn vào miền Nam Ấn Độ, nơi nổi tiếng với sản phẩm vải hoa và “hang ổ” thuốc phiện), và trực tiếp điều binh khiển tướng từ chính thành phố này trong suốt 2 năm.

Hoàng đế Shah Jahan sống ở cung điện lớn Shahi Qilla trên bờ sông Tapti nằm không xa vườn hươu. Trong chính tòa cung điện đó hoàng hậu Mumtaz đã tạ thế đột ngột trong lúc hạ sinh đứa con thứ 2 và cũng là người con thứ 14 của vua vào ngày 17 tháng 6 năm 1631. Về chuyện này, có đoạn viết: “Suy nhược vì bị băng huyết, hoàng hậu Mumtaz thì thào vào tai người chồng đang tột cùng đau khổ vì yêu vợ, nàng cầu xin chàng đừng lấy vợ nữa. Lời đề nghị cuối cùng của hoàng hậu là xây cho nàng một lăng mộ như bối cảnh thiên đường trên Trái đất như những gì mà trong các giấc mơ của hoàng hậu đã trải qua. Các quan trong triều đình Shah Jahan đã tỉ mỉ ghi chép lại hoàn cảnh về cái chết của hoàng hậu chỉ vài phút sau khi bà sinh con gái: Khi mang viên trân châu cuối cùng, thân thể hoàng hậu như hệt một con trai”.

 Một tuần sau khi hoàng hậu Mumtaz tắt hơi thở, hoàng đế Shah Jahan không thiết triều, có vẻ như cuộc sống không còn có gì có thể khiến ngài lưu luyến nữa. Sử gia Nandkishore Devda cho biết: “Triều đình cấp tập lo tang lễ cho hoàng hậu, các quan lại đều bận y phục trắng. Sầu muộn vì thương vợ vắn số đến nỗi tóc của vua Shah Jahan chuyển sang xám bạc chỉ trong một đêm, và 1 năm tiếp theo đó nhà vua càng không ngó ngàng gì tới các thú vui trần thế.

Vào dịp lễ hội Eid, nhà vua đau khổ khóc than, ngậm ngùi buồn bã trước sự mất mát của người vợ mà người nhất mực yêu dấu”. 6 tháng sau ngày mất, xác của hoàng hậu Mumtaz được ướp như thể người đang còn sống ngay tại Ahukhana. Vào mỗi thứ Sáu hàng tuần, nhà vua đọc kinh cầu an Fateha cầu mong linh hồn vợ nhanh siêu thoát tại Baradari.

Thời kỳ hoàng hậu Mumtaz còn sống, Ahukhana được dùng làm nơi nghỉ mát của hoàng gia Mughal, nơi đây có những đài phun nước cùng những dòng kênh rải đầy cánh hoa hồng. Khu phức hợp Baradari được xây dựng toàn bằng đá sa thạch màu hoa hồng và được trang trí lộng lẫy bằng vô số bức bích họa tinh xảo. Cảnh sắc huy hoàng đó ngày nay không còn nữa.

Một tuyến đường mòn đầy bùn dẫn vào phế tích, nơi đây hầu như không thể lui tới chí ít là vào mùa mưa. Vì không được duy tu đúng cách thế nên dù mang tầm quan trọng lịch sử, nhưng không có nhiều du khách đến thăm Ahukhana, lác đác chỉ độ 80 đến 100 người mỗi tháng mà thôi. Mặc dù khảo sát, nhưng ban quản lý lại không bỏ tiền sửa chữa nên thành thử tình hình càng thêm tồi tệ.

Theo bài viết của Nguyễn Thanh Hải (giáo dục thời đại), 6 tháng sau khi hoàng hậu Mumtaz qua đời, vào ngày 14 tháng 12 năm 1631, một đoàn tang lễ hoành tráng đã một lần nữa di quan hoàng hậu từ Burhanpur đến Agra. Suốt 22 năm cho tới khi lăng mộ Taj Mahal được hoàn thiện (năm 1653), xác ướp của hoàng hậu đã được giữ bí mật ở đâu đó trên bờ sông Yamuna.

Tuy nhiên đối với cư dân ở Burhanpur, lăng mộ đầu tiên của cố hoàng hậu còn hơn cả một nhà mồ, nó là một phần kho báu trong lịch sử của Mughal theo một lẽ riêng. Burhanpur là nơi có số đông đảo người dân đam mê di sản, họ chỉ ra rằng tòa lăng mộ trắng ngà Taj Mahal có thể đã được dựng lên thay cho Ahukhana. Ông Rafiq Shaikh, cư dân Burhanpur tròn 52 tuổi, người nặng lòng với các câu chuyện dân gian, cho rằng có 3 lý do để hoàng đế Shah Jahan không dùng Burhanpur là nơi an táng vĩnh viễn người vợ yêu dấu của mình.

3 lý do đó là: “Cát ở Burhanpur đa phần là bị nhiễm mối không thích hợp để giữ ổn định cho một cấu trúc khổng lồ; Đá cẩm thạch dùng để dựng lăng mộ Taj Mahal được chuyển tới từ Rajasthan, nơi này nằm gần Agra hơn;  Hoàng đế muốn hình ảnh của tòa lăng mộ phản chiếu xuống dòng sông khi nó được xây dựng xong. Vì dòng sông Tapti ở Burhanpur có dòng chảy hẹp hơn sông Yamuna, vì thế để giúp thu hút vẻ đẹp lung linh của Taj Mahal, hoàng đế Shah Jahan đã chốt chọn Agra”.

Đối với người dân ở Burhanpur,  phế tích Ahukhana vẫn còn đáng giá, và nhiều hải cảng giàu có mong muốn bảo vệ nó. Gần đây, Bộ Du lịch Ấn Độ đã khởi động một dự án gọi là “Chấp nhận di sản”, trong đó kêu gọi các cá nhân quyên tiền bạc để dùng vào việc duy tu Ahukhana, nơi này sẽ có các tiện nghi cơ bản và tiên tiến tùy thuộc vào tiến độ sửa chữa kịp thời.

Ông Mahajan tự hào nói: “Chúng tôi đang nghiên cứu về công tác hậu cần, và kêu gọi những người quan tâm đầu tư thêm về thời gian và tiền bạc để bảo vệ Ahukhana. Thành phố chúng tôi ăn sâu vào lịch sử triều đại Mughal và chúng tôi hy vọng một ngày nào đó thế giới sẽ thừa nhận tầm quan trọng văn hóa này”.

Vẻ đẹp của Taj Mahal

Trong chút chớm lạnh của buổi sớm, một màn sương còn giăng mắc lại trên Taj Mahal như chiếc khăn mỏng manh trên gương mặt người thiếu nữ. Rồi bình minh đến, bắt đầu bằng ánh vàng rót mật trên đỉnh mái vòm duyên dáng bằng cẩm thạch trắng. Khi mặt trời nâng mình lên cao giữa không trung, cả ngôi đền nhuốm mình trong những tia nắng tinh khôi đầu ngày, tựa hồ như một giấc mơ tuyệt đẹp. Không, đây không phải là mơ cũng không phải hình ảnh thường thấy trong các cuốn sách du lịch, mà là thực. Taj Mahal đang thực sự hiển hiện trước mắt du khách từ khắp nơi trên thế giới đổ về.

Bước qua cánh cổng lớn, bạn sẽ nhìn thấy Taj Mahal lộng lẫy soi bóng xuống bể nước gióng theo trục bắc – nam, bao quanh bởi hai hàng cây xanh đều tăm tắp. Ở các góc của lăng là bốn ngọn tháp sừng sững, hai kiến trúc bằng đá sa thạch đỏ (thánh đường và nhà khách) nằm cách lăng một khoảng cách cân xứng. Các mặt của ngôi đền cũng hoàn toàn giống hệt nhau với cổng vòm và kinh Quran được chạm khắc trên đá cẩm thạch trắng. Người Mughal coi sự cân xứng là biểu tượng của cân bằng và hòa hợp trong đế chế của mình. Họ đã làm được điều mà ngay cả các kiến trúc sư trong kỷ nguyên hiện đại cũng phải sửng sốt: độ cân xứng song phương dọc đường trục trung tâm.

Điều thú vị là điểm bất đối xứng duy nhất lại nằm ở ngôi mộ của người đã dựng nên công trình: chiếc quan tài của hoàng hậu Mumtaz nằm ở chính giữa lăng trong khi quan tài của Shah Jahan lại nằm lệch trục. Truyền thuyết kể rằng, hoàng đế dự định xây một lăng Black Taj cho riêng mình nhưng ông qua đời khi kế hoạch còn dang dở. Do đó, mộ của ông được thêm vào Taj Mahal chứ không nằm trong thiết kế ban đầu.

Phần chính của công trình là lăng mộ hình bát giác cao 75 mét với mái vòm bằng đá cẩm thạch và sa thạch, trang trí hình một bông hoa sen nhằm nhấn mạnh chiều cao. Đỉnh cao nhất là một hình chạm đầu mái mạ vàng, pha trộn phong cách Ba Tư và các yếu tố Hindu. Nội thất bên trong lăng cũng không kém phần thanh nhã, các chi tiết trang trí đạt đến độ tinh xảo sánh ngang với nghệ thuật kim hoàn.

20 đặc điểm của Taj Mahal

1. Vua Shah Jahan xây dựng Taj Mahal để tưởng nhớ người vợ thứ ba, hoàng hậu Mumtaz Mahal. Bà đã qua đời khi sinh đứa con thứ 14 của họ ở tuổi 40, sau 30 giờ lâm bồn.

2. Bốn tòa tháp quanh Taj Mahal được đặt ở xa tòa nhà chính hơn so với thông thường, để nếu chúng có đổ xuống cũng không làm tổn hại đến lăng chính.

3. Thời Anh đô hộ Ấn Độ, khu vườn quanh lăng được cải tạo lại theo kiểu vườn ở London. Trước đó, vườn cây của Taj Mahal được trồng nhiều hoa hồng và hoa thủy tiên.

4. Taj Mahal có một thánh đường và vẫn hoạt động. Vào thứ sáu hàng tuần, lăng mộ đóng cửa để các tín đồ có thể vào trong cầu nguyện.

5. Theo truyền thuyết, các nghệ sĩ và kiến trúc sư liên quan tới việc xây dựng lăng Taj Mahal đã bị giết để họ không bao giờ có thể “xây một công trình đẹp như thế nữa”. Nhưng các nhà sử học cho rằng họ chỉ được yêu cầu ký giao kèo thôi.

6. Taj Mahal là hình dung của vua Shah Jahan về nơi ở của hoàng hậu Mumtaz trên thiên đường.

7. Khoảng 20.000 người đã làm việc suốt ngày đêm trong 22 năm (1632-1653) để hoàn tất lăng mộ khổng lồ này. Chi phí xây dựng Taj Mahal lên tới 320 triệu rupee (tương đương 1 tỷ USD thời đó).

8. Ustad Ahmad Lahauri, người được coi là kiến trúc sư trưởng của Taj Mahal, không phải là người Ấn Độ mà là người Ba Tư tới từ Iran.

9. Vua Shah Jahan tới lăng mộ bằng cách đi thuyền trên sông Yamuna phía sau Taj Mahal.

10. Những người vợ khác của Shah Jahan và những người hầu ngài yêu quý nhất được chôn trong các lăng ngay ngoài Taj Mahal.

11. Hơn 1.000 con voi được sử dụng để vận chuyển các vật liệu nặng trong quá trình xây lăng.

12. Có 28 loại đá quý và bán quý được khảm lên đá cẩm thạch tại lăng Taj Mahal. Ngọc lam được đưa đến từ Tây Tạng, ngọc bích từ Trung Quốc, các tảng đá cẩm thạch trắng - vật liệu xây dựng chính - được đưa tới từ Rajasthan.

13. Sau khi lăng Taj Mahal hoàn tất, Shah Jahan bị chính con trai ông - Aurangzeb - giam lỏng vào năm 1658. Nhà vua chỉ có thể ngắm nhìn Taj Mahal từ cửa sổ trong 8 năm cuối đời.

14. Phần đá hoa cương trắng của lăng mộ đang chuyển thành màu vàng do độ ô nhiễm không khí cao ở Agra. Chỉ các phương tiện chạy bằng điện mới được phép tới gần lăng và chính phủ đã công bố một vùng bảo vệ môi trường có diện tích hơn 10.000 km2 xung quanh Taj Mahal nhằm kiểm soát độ ô nhiễm tại đây.

15. Taj Mahal đang nứt vỡ với tốc độ đáng báo động do thiếu hụt nước ngầm phía dưới công trình. Phần móng gỗ, trước kia ngập nước, đang dần mục ruỗng. Ngay cả các tòa tháp cũng bắt đầu nghiêng.

16. Vào từng thời điểm trong ngày, Taj Mahal có màu sắc khác nhau. Nhiều người cho rằng sự thay đổi đó giống như tính tình của phụ nữ.

17. Vào thế kỷ 19, lính Anh đã đẽo mất những viên đá quý trên tường lăng. Đến cuối thế kỷ 19, tổng trấn Anh, ngài Curzon, đã yêu cầu tái thiết lại lăng mộ và tặng một chiếc đèn lớn treo trong Taj Mahal.

18. Nhà thơ đoạt giải Nobel của Ấn Độ, Rabindranath Tagore, đã ví Taj Mahal như là “giọt nước mắt đọng trên má thời gian”.

19. Các dòng chữ trên lăng mộ mô tả và ca ngợi hoàng hậu Mumtaz.

20. Sau khi qua đời, Shah Jahan được đưa vào Taj Mahal và an nghỉ cạnh người vợ yêu dấu.

Đặc điểm kiến trúc của Taj Mahal

Tāj Mahal là một lăng mộ nằm tại AgraẤn ĐộHoàng đế Mogon Shāh Jahān, trong tiếng Ba Tư Shah Jahan có nghĩa là "chúa tể thế giới", đã ra lệnh xây nó cho người vợ của mình là Mumtaz Mahal, khi bà qua đời. Công việc xây dựng bắt đầu năm 1631 và hoàn thành năm 1653.

Taj Mahal được coi là hình mẫu tuyệt vời nhất của Kiến trúc Mogon, một phong cách tổng hợp các yếu tố của các phong cách Kiến trúc Ba TưThổ Nhĩ KỳẤn Độ, và Hồi giáo. Tuy phần mái vòm bằng đá cẩm thạch trắng của lăng là phần nổi bật nhất, thực tế Taj Mahal là một tổng hợp các phong cách kiến trúc. Nó được liệt vào danh sách các Địa điểm Di sản Thế giới của UNESCO năm 1983 và được miêu tả là một "kiệt tác được cả thế giới chiêm ngưỡng trong số các di sản thế giới". Việc xây dựng Taj Mahal đã được giao phó cho một hội đồng quản trị của kiến ​​trúc sư dưới sự giám sát của triều đình, bao gồm Abd ul-Karim Khan Ma'mur, Makramat Khan, và Ustad Ahmad Lahauri. Lahauri được coi là người thiết kế chính.

Shah Jahan, vị hoàng đế của Đế quốc Mogon trong giai đoạn cực thịnh của nó, nắm trong tay nhiều nguồn tài nguyên to lớn. Năm 1631 người vợ thứ ba của ông đã qua đời khi sinh đứa con gái thứ hai, và cũng là đứa con chung thứ mười bốn của họ. Shah Jahan không thể khuây khoả trước mất mát đó. Những cuốn biên niên sử triều đình thời kỳ đó chứa nhiều câu chuyện liên quan tới nỗi buồn đau của Shah Jahan trước cái chết của Mumtaz; chúng chính là cơ sở của những câu "chuyện tình" được cho là cảm hứng tạo nên Taj Mahal. Ví dụ, 'Abd al-Hamid Lahawri, đã ghi chép rằng, trước khi bà chết vị hoàng đế có "hai mươi sợi râu bạc," nhưng sau đó không còn sợi nào không bạc cả.

Việc xây dựng đền Taj Mahal đã bắt đầu tại Agra ngay sau cái chết của Mumtaz năm 1632. Lăng chính được hoàn thành năm 1648, và các công trình xung quanh cùng vườn cây hoàn thành năm năm sau đó. Tới thăm Agra năm 1663, nhà du lịch người Pháp François Bernier đã viết:

Tôi sẽ kết thúc bức thư này với những dòng miêu tả về hai lăng mộ tuyệt vời và chúng chính là sự vượt trội đáng kể nhất của Agra trước Delhi. Một lăng được Jehan-guyre xây lên để vinh danh người cha Ekbar; và Chah-Jehan đã xây lăng kia để tưởng nhớ vợ mình Tage Mehale, một phụ nữ đẹp và nổi tiếng khác thường, người được chồng yêu thương rất mực tới mức có ghi chép rằng trong suốt cuộc đời và khi bà chết đức vua đã luôn ở bên và hầu như đã muốn theo bà vào trong mộ.

 

Mộ Humayun được xây dựng năm 1560 về cơ bản có cùng kiểu mô hình như Taj Mahal.

Lăng Taj Mahal là nơi phát triển nhiều truyền thống kiến trúc, đặc biệt là kiến trúc HinduBa Tư và kiến trúc Mogon trước đó. Một số cảm hứng đặc trưng lấy từ một số công trình Timur và Mogon đã thành công trước đó. Chúng gồm Gur-e Amir (mộ của Timur, người khởi lập triều Timur, tại Samarkand), Mộ của Humayun, Mộ Itmad-Ud-Daulah (thỉnh thoảng được gọi là Baby Taj), và chính Jama Masjid của Shah Jahan tại Delhi. Dưới sự bảo trợ của ông, công trình Mogon đã đạt tới đỉnh cao hoàn thiện mới. Trong khi các công trình Mogon chủ yếu được xây bằng đá sa thạch đỏ, Shah Jahan đã sử dụng đá cẩm thạch trắng được khảm các loại đá bán quý khác để xây Taj Mahal.

Các thợ thủ công Hindu, đặc biệt là các nhà điêu khắc và thợ đá, đã mở rộng phạm vi buôn bán ra toàn châu Á vào thời điểm đó, và tài nghệ của họ được những người chịu trách nhiệm xây lăng mộ lưu tâm tìm kiếm. Tuy kiến trúc cắt đá là đặc điểm chủ yếu của những công trình xây dựng ở thời kỳ đó nhưng nó lại ít ảnh hưởng tới Taj Mahal (chạm khắc chỉ là một hình thức của yếu tố trang trí), các công trình Ấn Độ khác như cung điện Man Singh tại Gwalior là một nguồn cảm hứng cho hầu hết kiến trúc cung Mogon và cũng là nguồn cảm hứng của đài kỷ niệm chhatris bên trong Taj Mahal.

Vườn:

Phức hợp này được đặt trong và ngoài một charbagh lớn (Charbagh có nghĩa phản chiếu các khu vườn thiên đàng). Một Vườn Mogon tiêu chuẩn thường được chia thành bốn phần. Với kích thước 320 m × 300 m, vườn có những đường đi đắp cao chia mỗi phần của nó thành 16 bồn hoa hay luống hoa thấp. Một bể nước bằng đá marble cao ở trung tâm vườn, khoảng giữa mộ và cổng chính, và một bể phản chiếu gióng theo trục bắc nam phản chiếu hình ảnh Taj Mahal. Mọi nơi trong vườn đều được bố trí những đường đi với các hàng cây và vòi phun nước.

Vườn charbagh được vị hoàng đế Mogon đầu tiên là Babur đưa vào Ấn Độ, đây là kiểu thiết kế lấy cảm hứng từ các vườn cây Ba Tư. Trong các văn bản thần bí Hồi giáo thời kỳ Mogon, thiên đàng được miêu tả là một khu vườn lý tưởng, phong phú. Nước đóng một vai trò quan trọng trong những phần miêu tả đó: Ở Thiên đường, những cuốn sách đó viết, bốn con sông bắt nguồn từ một dòng suối ở trung tâm hay một quả núi, và chúng chia khu vườn thành bốn phần bắc, tây, nam và đông. Đa số các charbagh của Mogon đều có hình tam giác, với một ngôi mộ hay ngôi đình lớn ở trung tâm vườn. Vườn Taj Mahal lại đặt yếu tố chính, ngôi mộ, ở phía cuối chứ không phải ở giữa vườn. Nhưng sự tồn tại của một Mahtab Bagh hay "Vườn Ánh trăng" mới được khám phá ở phía bên kia Yamuna cho ta một cách giải thích khác—rằng chính Yamuna được tích hợp vào thiết kế vườn, và mang ý nghĩa là một trong những dòng sông của Thiên đường.

Cách bố trí của khu vườn, và các đặc điểm kiến trúc của nó như các vòi phun nước, gạch, và các lối đi lát đá marble, những luống hoa theo các hình khác nhau cùng những đặc điểm khác, tương tự với Shalimar, và cho thấy vườn có thể cũng đã được kiến trúc sư Ali Mardan thiết kế. 

Những lời miêu tả đầu tiên về khu vườn nói tới sự phong phú của các loài thực vật, gồm hoa hồngthuỷ tiên hoa vàng, và các loại cây ăn quả. Khi Đế quốc Mogon suy tàn, khu vườn cũng tàn tạ theo. Khi người Anh nắm quyền kiểm soát Taj Mahal, họ đã thay đổi cảnh quan để khiến nó giống với những vườn cỏ tại Luân Đôn.

Các công trình phía ngoài:

Phức hợp Taj Mahal được bao quanh bởi một bức tường đá sa thạch đỏ có bố trí lỗ châu mai ở ba cạnh. Mặt quay ra con sông không có tường bao. Bên ngoài bức tường là nhiều công trình phụ trợ khác, gồm cả lăng mộ của những người vợ khác của Shah Jahan, và một ngôi mộ lớn cho người hầu thân cận của Mumtaz. Các công trình đó, chủ yếu được xây dựng bằng đá sa thạch đỏ, nói chung nhỏ hơn các ngôi mộ Mogon cùng thời kỳ.

Phía bên trong (vườn), bức tường được xây mặt trước bằng những mái vòm với cột chống, một đặc điểm điển hình cả các đền thờ Hindu sau này đã được tích hợp vào các thánh đường Mogon. Bức tường được đặt rải rác một số ngôi nhà nhỏ mái vòm, và các công trình nhỏ có thể từng được dùng làm nơi quan sát hay đài chiêm ngưỡng (như cái gọi là Ngôi nhà Âm nhạc, hiện được dùng như bảo tàng).

Cổng chính là một cấu trúc kỷ niệm được xây chủ yếu bằng đá marble. Phong cách làm ta liên tưởng tới phong cách kiến trúc Mogon của các vị hoàng đế Mogon trước đó. Cổng mái vòm của nó phản ánh hình ảnh cổng mái vòm của ngôi mộ, và trên các vòm cung pishtaq của nó được trang trí bằng những nét chữ viết. Cổng được trang trí với các motif hoa lá theo kiểu phù điêu đắp nổi thấp và khảm. Những vòm trần và những bức tường được trang trí các hình học phức tạp, như những hình được tìm thấy tại các công trình xây bằng đá sa thạch khác trong phức hợp.

Phía trong

Ở góc xa nhất của phức hợp, hai công trình xây bằng đá sa thạc đỏ lớn mở ra hai phía lăng mộ. Tường phía sau chúng song song với các bức tường bao phía tây và phía đông.

Hai công trình này là hình ảnh phản chiếu của nhau. Công trình phía tây là một thánh đường; phía đối diện của nó là jawab hay "sự đối diện", mục đích chính của nó là để tạo sự cân bằng kiến trúc (và có thể nó từng được sử dụng như một nhà khách ở thời Mogon). Sự khác biệt giữa chúng là jawab không có mihrab, một hốc tường bên trong hướng về phía Mecca, và sàn của jawab có kiểu thiết kế hình học, trong khi sàn thánh đường Hồi giáo được khảm 596 tấm thảm của người cầu nguyện bằng đá marble đen.

Thánh đường Taj Mahal:

Thiết kế căn bản của thánh đường tương tự với những thánh đường khác được Shah Jahan xây dựng, đặc biệt là thánh đường Jama Masjid tại Delhi: một sảnh dài nổi lên với ba lớp mái vòm. Các thánh đường Mogon giai đoạn này chia sảnh điện thành ba khu vực: một điện chính với các điện nhỏ hơn ở hai bên. Tại Taj Mahal, mỗi điện dẫn tới một sảnh mái vòm lớn.

Mộ:

Điểm nhấn của Taj Mahal là lăng mộ đá cẩm thạch trắng. Giống như hầu hết lăng mộ Mogon khác, các yếu tố căn bản đều có nguồn gốc Ba Tư: một tòa nhà đối xứng với iwan, một ô cửa hình vòm, trên đỉnh là một vòm lớn.

Lăng mộ đứng trên một bệ hình vuông. Cấu trúc nền lớn và có nhiều phòng. Phòng chính là nơi đặt bia kỷ niệm Shah Jahan và Mumtaz (mộ ở dưới một cấp).

Mỗi bên vòm chính, các lối đi có mái vòm phụ được sắp xếp bên trên và bên dưới. Motif sắp xếp pistaq được lặp lại tại khu góc xoi. Thiết kế hoàn toàn đồng nhất và như nhau ở mọi phía tòa nhà. Bốn tháp, ở mỗi góc chân cột, đối diện với các góc xoi, tạo thành khung bao mộ.

Vòm đá mable trên mộ là điểm đáng chú ý nhất. Nó cao bằng với nền tòa nhà khoảng 35m. Chiều cao của nó nổi bật nhờ được đặt trên một cấu trúc hình trụ cao khoảng 7 mét. Vì hình dạng của nó, vòm thường được gọi là vòm củ hành. Đỉnh vòm được trang trí một bông hoa sen, với vai trò nhấn mạnh chiều cao. Đỉnh cao nhất là một hình chạm đầu mái mạ vàng, theo phong cách pha trộn Ba Tư truyền thống và các yếu tố Hindu.

Hình dạng vòm được nhấn mạnh bởi bốn buồng nhỏ hơn đặt ở bốn góc. Vòm của buồng tuân theo hình dạng củ hành của vòm chính. Đáy hình cột của chúng mở qua mái mộ, và dẫn ánh sáng vào bên trong. Buồng cũng có đỉnh là các hình chạm đầu mái mạ vàng.

Các đường xoắn ốc trang trí kéo dài cách đáy tường, và là điểm nhấn quang học cho chiều cao vòm.

Hình chạm đầu mái:

Đỉnh của mái vòm chính có một chóp nhọn dát vàng. Cho tới những năm đầu 1800 đỉnh chóp được làm bằng vàng, ngày nay nó được làm từ đồng. Hình chóp chính là bằng chứng rõ ràng cho thấy có sự hòa nhập giữa truyền thống Ba Tư và những yếu tố trang trí Hindu. Trên cùng của hình chóp là một Mặt Trăng theo motif Hồi giáo truyền thống, có hai đầu nhọn hướng lên trời. Do vị trí của nó ở trên đầu mái, hai đầu nhọn của Mặt Trăng và đỉnh chóp tạo thành một hình đinh ba, gợi lại một biểu tượng truyền thống Hindu là Shiva. Những đỉnh tháp đều có dạng củ hành tương tự nhau. Đỉnh tháp trung tâm giống hệt như một chén đựng nước thánh của người Hindu.

Tháp:

Tại mỗi góc của mặt nền lăng mộ là các ngọn tháp theo kiểu giáo đường Hồi giáo: bốn ngọn tháp lớn cao hơn 40m. Một lần nữa các ngọn tháp đã thể hiện xu hướng chủ đạo cơ bản của Taj Mahal là sự đối xứng và thiết kế lặp lại. Các ngọn tháp được thiết kế với công năng tương tự như các ngọn tháp truyền thống ở giáo đường Hồi giáo, đó là nơi các thầy tu kêu gọi những tín đồ sùng đạo cầu nguyện. Mỗi ngọn tháp được chia làm ba phần bằng nhau rõ rệt bởi hai ban công, dùng để rung chuông cho tháp. Trên đỉnh mỗi ngọn tháp là ban công cao nhất với một chhatri trên cùng, phản chiếu lại những thiết kế trên hầm mộ. Chhatri của các ngọn tháp đều có những chi tiết hoàn thiện giống nhau: thiết kế hình hoa sen, trên cùng là hình chạm đầu mái. Mỗi ngọn tháp đều được xây hơi nghiêng ra phía ngoài của mặt nền, để cho khi tháp có bị sụp đổ thì các mảnh vụn cũng sẽ có xu hướng rơi ra xa hầm mộ.

Trang trí:

Các trang trí bên ngoài đền Taj Mahal được đánh giá là những trang trí đẹp nhất thời vương triều Mogon. Một chi tiết trang trí nổi bật chính là các dòng chữ pishtaq nổi tiếng. Các chữ pistaq phía dưới được viết nhỏ hơn phía trên để khi từ dưới nhìn lên, ta có cảm tưởng là các chữ này to bằng nhau. Chúng được viết bằng sơn, hoặc bằng vữa, hoặc bằng đá khảm hoặc đơn giản hơn là chạm khắc thẳng vào vách tường.

Các đoạn văn trên tường đền Taj Mahal được viết theo kiểu Thuluth, một kiểu chữ rất đẹp và bóng bẩy do Amanat Khan tạo ra giống như chữ thư pháp. Chúng được khảm bởi các loại đá quý như đá hoa và cẩm thạch, đặc biệt các đoạn chữ viết trên bệ đá cẩm thạch của đài tưởng niệm trong đền lại càng chi tiết và thanh nhã hơn. Một số đoạn văn trong kinh Koran cũng được trang trí trên tường đền, tương truyền rằng đích thân Amanat Khan đã chọn những đoạn này.

Khi bước vào cổng Taj Mahal, có một dòng chữ viết như sau: O Soul, you are at rest. Return to the Lord at peace with Him, and He at peace with you. (tạm dịch là: Này linh hồn, mi đang yên nghỉ. Hãy trở về bên Thượng đế, bình yên với Ngài, và Ngài bình yên với mi.)

Nội thất bên trong lăng Taj Mahal đã vượt ra khỏi những yếu tố trang trí truyền thống. Có thể nhận xét không hề cường điệu, lăng mộ đúng là một món trang sức. Những chi tiết trang trí ở đây không phải là tranh khảm mà là chạm khắc. Vật liệu trang trí trên bề mặt không phải là cẩm thạch hay ngọc bích mà là đá quý hay đá bán quý. Mỗi chi tiết trang trí ngoại thất của hầm mộ đều được đánh giá lại với nghệ thuật kim hoàn.

Xây dựng:

Taj Mahal được xây trên một vùng đất ở phía nam của thành phố cổ Agra. Khu vực có diện tích gần 3 acre (khoảng 12.000 m2) được đào lên, lấp đầy bụi để giảm thấm, và ở độ cao 50 mét (160 ft) so với bờ sông. Ở khu vực mộ, các giếng được đào lên và lấp đầu cuội sỏi để tạo móng cho mộ. Thay vì dùng tre chống đỡ, những người thợ đã xây dựng một giàn giáo bằng gạch lớn phản chiếu ngôi mộ. Giàn giáo rất to lớn theo ước tính mất khoảng vài năm để những người thợ tháo dỡ nó.

Theo truyền thuyết, Shah Jahan ra lệnh rằng bất cứ ai cũng có thể giữ những viên gạch lấy từ giàn giáo, và do đó nó đã bị những người nông dân tháo dỡ chỉ trong một đêm. 15 km (9,3 mi) đường dốc bằng đất đầm nện được xây dựng để vận chuyển đá cẩm thạch và các vật liệu khác đến để xây dựng công trình và các đội gồm 20 hoặc 30 con lạc đà được dùng để kéo các khối đá trên các toa xe có cấu tạo đặc biệt. Một hệ thống ròng rọc phức tạp được sử dụng để nâng các khối đá lên đến vị trí thiết kế. Nước được lấy từ sông bằng một loạt các purs, theo cơ chế dùng sức kéo của súc vật, đổ vào một hồ chứa nước lớn và đưa lên các bồn phân phối lớn. Nó được đưa qua 3 bồn chứa nhỏ hơn, từ đó cấp đến các phức hợp.

Các trụ và ngôi mộ mất khoảng 12 năm để hoàn thành. Phần còn lại của khu phức hợp mất thêm 10 năm và đã được hoàn thành theo thứ tự tháp, nhà thờ Hồi giáo và Jawab, và cổng. Vì phức hợp được xây dựng trong nhiều giai đoạn, nên có sự khác biệt về ngày hoàn thành do những quan điểm khác nhau về sự "hoàn thành". Ví dụ, riêng lăng mộ, về cơ bản hoàn thành năm 1643, nhưng công việc vẫn còn tiếp tục để hoàn thành những phần còn lại của khu phức hợp. Dự toán chi phí xây dựng có sự khác biệt do những khó khăn trong dự toán chi phí theo thời gian. Tổng chi phí đã được ước tính là khoảng 32 triệu Rupees tại thời điểm đó.

Vật liệu xây dựng Taj Mahal được lấy từ nhiều nơi trên khắp Ấn Độ và châu Á và có hơn 1000 con voi được sử dụng để vận chuyển vật liệu xây dựng. Đá cẩm thạch trắng mờ được mua từ Makrana, Rajasthan, jasper từ Punjabjade và pha lê từ Trung Quốc. Turquoise từ Tây Tạng và Lapis lazuli từ Afghanistan, trong khi sapphire từ Sri Lanka và carnelian từ Ả Rập. Tổng cộng có 28 loại đá quý và bán quý được khảm vào đá cẩm thạch trắng.

Việc xây dựng Taj Mahal đã được giao cho một hội đồng quản trị của kiến ​​trúc sư dưới sự giám sát của triều đình, bao gồm Abd ul-Karim Khan Ma'mur, Makramat Khan, và Ustad Ahmad Lahauri

20.000 lao động được sử dụng từ khắp miền bắc Ấn Độ. Các nhà điêu khắc từ Bukhara, nhà thư pháp từ Syria và Ba Tư, người xếp lớp đá từ miền nam Ấn Độ, người cắt đá từ Baluchistan, một chuyên gia trong việc xây dựng tháp pháo, một người chỉ chuyên khắc hoa trên đá cẩm thạch, trong tổng số 37 người tạo ra tuyệt tác này.

Taj Mahal lúc chiều tà, toàn bộ đền trở nên vàng rực.

Toàn cảnh Taj Mahal nhìn từ trên cao.

Taj Mahal tỏa sáng như viên ngọc trai rực rỡ trong ánh trăng đêm. (Ảnh: MDig).

Bên trong Taj Mahal (Dulichkinhdo.com).

Taj Mahal in bóng xuống dòng sông Yamuna.

Tham khảo:

1. https://khoahoc.tv/den-taj-mahal-an-do-67153

2. https://news.zing.vn/20-su-that-khong-ngo-ve-lang-taj-mahal-post517364.html

3. https://sites.google.com/site/kyquan9a13/ky-quan-the-gioi-moi/den-taj-maha-an-do

4. https://www.dkn.tv/doi-song/taj-mahal-giot-le-cua-thoi-gian-noi-hoai-niem-ve-mot-nguoi-phu-nu-tai-sac-ven-toan.html

5.https://drdaochum.wordpress.com/2008/01/22/taj-mahal-cau-chuy%E1%BB%87n-tinh-con-mai-v%E1%BB%9Bi-th%E1%BB%9Di-gian/

6. https://baomoi.com/4-moi-tinh-bat-diet-chon-tham-cung/c/11540432.epi

7. https://vi.wikipedia.org/wiki/Mumtaz_Mahal

8. http://thegioidienanh.vn/taj-mahal-huyen-thoai-tinh-yeu-9929-9929.html

9. https://giaoducthoidai.vn/the-gioi/tan-tich-lung-linh-noi-an-tang-hoang-hau-an-do-3945609-b.html

10. https://vi.wikipedia.org/wiki/Taj_Mahal

 

 


CHIA SẺ BÀI VIẾT

Bài cùng chủ đề

Bài về chủ bút

    Tinh hoa nhân loại

      Khoa học

        Văn học

          SÁCH CỦA TÔI