Biểu tượng Linga - Yoni trong các đền tháp Chăm Pa

Cập nhật: 23/02/2018 Lượt xem: 15692

Biểu tượng Linga - Yoni trong các đền tháp Chăm Pa

Ký sự ảnh của Hà Hoàng Kiệm

Vào thăm các đền tháp Chăm Pa nằm dọc theo các tỉnh miền trung nam bộ từ Quảng Nam đến Khánh Hòa, chúng ta thấy một đặc điểm tín ngưỡng Chăm là thờ hai biểu tượng: Linga (dương vật) và Yoni (âm vật), có tháp lại kết hợp cả hai Yoni ở dưới, Linga cắm giữa Yoni ở trên. Vậy tín ngưỡng tôn giáo này bắt nguồn từ đâu. Bài viết dưới đây giúp lý giải điều đó.

Tín ngưỡng phồn thực đã có từ thời nguyên thủy, cách đây hàng chục vạn năm. Khi đó, con người đã biết có âm, có dương thì mới có muôn loài. Vì thế mà họ thờ âm vật (Yoni) và dương vật (Linga). Từ tín ngưỡng nguyên thủy, dần dần đã biến thành tôn giáo. Một trong những tôn giáo lớn là Ấn Độ giáo mang tính chất phồn thực mạnh mẽ, thờ biểu tượng cặp đôi Linga và Yoni như vậy.

Ảnh: Nguyễn Văn Kự

Cội nguồn Linga-Yoni

Nơi ra đời của biểu tượng này chính là vùng thung lũng sông Indus, Ấn Độ của cư dân Sumerian và Dravidan với những tục thờ âm vật, âm lực, thần mẹ, tiến tới tâm thức về nguồn gốc của mọi sự sáng tạo là cặp đôi dương vật và âm vật, thể hiện ở biểu tượng Linga và Yoni. Bước vào ngưỡng cửa của Ấn Độ Giáo, cặp đôi Linga-Yoni lại hóa thân vào vị thần vĩ đại nhất là Shiva. Theo truyền thuyết, thần Shiva xuất hiện lần đầu là một cột lửa có hình dương vật, biểu tượng của sự sáng tạo, sinh sôi phát triển. Sau đó, không chỉ Linga, mà cả Yoni cũng hòa vào một cặp thành Linga-Yoni, thành biểu tượng của thần với đặc tính dương (Linga) và âm (Yoni). Cặp đôi này thường được thờ trong các ngôi tháp Ấn Độ giáo.

Ảnh: Nguyễn Văn Kự

Theo sự lan tỏa của Ấn Độ giáo, cặp đôi biểu tượng đã có mặt không những ở Ấn Độ mà còn ở khắp châu Á trong đó có Việt Nam. Người Việt có tục thờ Nõ-Nường, còn duy trì đến nay trong hội “linh tinh tình phộc” ở ngôi miếu “đụ đị” làng Tứ Xã, Lâm Thao, Phú Thọ”. Đêm 11 rạng ngày 12 tháng giêng hàng năm, cụ thủ từ lấy một cặp dương vật và âm vật bằng gỗ được sơn màu rồi đưa cho một cặp trai gái. Trong đêm tối không đèn nến, người nam cầm dương vật gỗ đâm 3 lần vào âm vật gỗ do người nữ cầm, sau tiếng hô “linh tinh tình phộc”. Nếu đâm trúng lỗ cả 3 lần, thì năm đó dân làng được mùa lúa. Tại Nhật Bản, tín ngưỡng thờ dương vật và âm vật cũng phổ biến thể hiện trong các lễ rước từ xưa tới nay ở vùng Komaki, tỉnh Aichi hay ở Kawasaki. Những dương vật bằng gỗ được làm thật to, nhiều người khiêng qua các đường phố…

Ảnh: Nguyễn Văn Kự

Có thể thấy, tục thờ dương vật và âm vật không của riêng cư dân nông nghiệp nào. Cặp đôi biểu tượng Linga-Yoni ra đời cũng trong bối cảnh chung đó.

Linga-Yoni trong văn hóa Chăm Pa

Số lượng Linga nhiều nhất Đông Nam Á thuộc về nền văn hóa Chăm, miền Trung Việt Nam. Nghệ nhân Chăm tạo hình Linga khá gần với hiện thực và Yoni có phần cách điệu hơn với nhiều loại hình Linga khác nhau như Linga hình trụ tròn mà tiêu biểu là ở các tháp Hòa Lai, Pô Na Ga, Chánh Lộ; Linga là khối 4 cạnh, phần trên chụm lại như hình búp sen như ở tháp Pô Rô MêLinga gồm 2 phần: phần trên hình trụ tròn, phần dưới là khối vuông như ở tháp phía tây đền Pô Na Ga; Linga gồm 3 phần: trên có hình trụ tròn, giữa là khối bát giác, dưới là khối vuông. Đây là loại Linga phổ biến trong văn hóa Chăm, tìm thấy ở Mỹ Sơn, Trà Kiệu, Bình Định…

Ảnh: Nguyễn Văn Kự

Đẹp nhất là một số ít Linga được khắc hình mặt thần Shiva ở các tháp Pô Klông Garai, Pô Sanư và mới đây ở Mỹ Sơn vào cuối năm 2012 (hiện vật này đã được xếp vào loại Bảo vật Quốc gia). Loại này có tên là Mukha-Linga. Đôi khi, thay vì khắc họa hình thần Shiva, thì người Chăm lại chế tạo Vương miện đội đầu cho Linga và gọi là Kosa, thậm chí tạo tượng đầu Thần gắn lên phần đầu Linga (như tượng đầu thần Shiva bằng vàng ở huyện Đại Lộc, Quảng Nam, nay được trưng bày ở Bảo tàng Quảng Nam). Việc gắn Vương miện, khắc họa thần Shiva lên hình tượng dương vật hàm ý tỏ lòng tôn kính vị thần vĩ đại nhất này.

Ảnh: Nguyễn Văn Kự

Loại hình Yoni trong văn hóa Chăm cũng đa dạng: hình chữ nhật, hình vuông, hình tròn hay xung quanh hình tròn lại trang trí một dãy nhũ hoa phụ nữ…

Linga –Yoni tại thánh địa Cát Tiên và trong văn hóa Óc Eo

Biểu tượng Linga lớn nhất Đông Nam Á được tìm thấy trong di tích Cát Tiên (huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng). Các nhà khảo cổ cho rằng di tích không phải thuộc văn hóa Chăm Pa mà chỉ là một di tích đồng thời với Chăm Pa ở vùng Nam Tây Nguyên, cũng chịu ảnh hưởng của Ấn Độ giáo.

Các nhà khảo cổ đã tìm thấy một quần thể đền tháp, đài thờ ở khu thánh địa này. Đáng lưu ý, các nhà khảo cổ tìm được ở đây một số lượng lớn Linga và Yoni. Có 5 cặp đủ cả 2 biểu tượng. Bên cạnh đó còn có 18 Linga và 8 Yoni đơn lẻ. Phần lớn các biểu tượng này được làm bằng đá sa thạch, ngoài ra còn có các chất liệu vàng, bạc, đồng, thạch anh, gốm…

Cặp biểu tượng lớn nhất được đặt trong lòng ngôi tháp chính ở đây. Linga cao 2,1m, đặt dựng đứng chia làm 3 phần: trên cùng là hình trụ, tròn đầu, được mài nhẵn bóng, có đường gân nổi chạy quanh và vươn lên đến tận đỉnh. Phần giữa có hình bát giác, phần dưới có hình vuông, mỗi cạnh có số đo là 68cm.

Làm bệ đỡ cho Linga là Yoni có kích thước lớn, có hình vuông, mỗi cạnh 2,26m, dày 24cm. Một cạnh của Yoni có vòi thò ra dài 70cm. Mặt trên của Yoni được khoét trũng và có gờ bao quanh. Khi làm lễ tắm cho Linga, người xưa tưới nước vào đầu Linga, nước sẽ chảy trên mặt Yoni và theo vòi ra ngoài. Người xưa quan niệm uống được thứ nước thiêng sẽ gặp nhiều may mắn, con cháu đầy đàn. Hiện nay, nghi lễ tắm cho Linga và uống nước thiêng chảy từ vòi Yoni vẫn còn được bảo lưu trong các ngày lễ hội Ka Tê của đồng bào miền Trung nước ta.

Bên cạnh đó, các nhà khảo cổ cũng tìm thấy cặp biểu tượng này trong văn hóa Óc Eo, vùng đồng bằng sông Cửu Long. Khai quật, họ đã tìm được nhiều cặp đôi biểu tượng Linga-Yoni có niên đại từ thế kỷ 2 trước Công Nguyên đến thế kỷ 12 sau Công Nguyên với số lượng khá nhiều: 86 cặp đôi biểu tượng bằng đất nung, đá, thạch anh…

Biểu tượng Linga-Yoni tại miền Bắc

Ấn Độ giáo cùng với các đền tháp có sự ảnh hưởng sâu sắc trong các nền văn hóa phía Nam. Tại miền Bắc, ảnh hưởng của Phật giáo mạnh mẽ hơn. Các ngôi đền, tháp Chăm vắng bóng. Tuy vậy, sau những cuộc giao tranh Chăm Pa – Đại Việtvăn hóa Chăm cũng đã giao lưu với văn hóa Đại Việt, bắt đầu rõ nét từ những năm cuối của thế kỷ thứ 10 với cuộc Nam tiến của Hoàng Đế Lê Đại Hành năm 982. Các chuyên gia cho rằng những cây cột Kinh ở Hoa Lư đã phảng phất bóng dáng của những chiếc Linga đã được cách điệu và Việt hóa.

Đến thời Lý, từ năm 1020, Vua Lý Thái Tông đã đem quân đi đánh Chiêm Thành, sự giao lưu văn hóa giữa hai quốc gia cổ đại lại được tăng cường. Nhờ thế mà những chiếc Linga đã xuất hiện ở miền Bắc.

Chỉ riêng tỉnh Thanh Hóa, các nhà nghiên cứu đã thấy biểu tượng Linga bằng gỗ ở Lạch Trường, hòn đá có hình Linga ở chùa Mầu (Cẩm Thủy) hay ở chùa Nam (Đông Sơn)…

Nhưng biểu tượng Linga đẹp nhất, to nhất chính là cột đá ở Chùa Dạm (Bắc Ninh). Tuy nhiên, trên đầu cột có những lỗ mộng hình chữ nhật nên các chuyên gia cho rằng chiếc cột này có tác dụng để đỡ một công trình kiến trúc khác nữa. Tuy nhiên, có thể ban đầu, chức năng của cột vẫn phải là Linga, rồi mới biến đổi chức năng thành một cột đỡ kiến trúc khác ở giai đoạn sau.

Ảnh: Nguyễn Văn Kự

Chất liệu của cột làm bằng đá cát là nguyên liệu quen thuộc để chế tạo Linga của người Chăm. Thời điểm dựng cột đá là năm 1105 lúc mà nhà Lý huy động nhiều tù binh người Chăm xây chùa, dựng tháp. Trong bối cảnh đó, chuyện dựng biểu tượng Linga ở sân chùa Dạm là điều có lý.

Cột đá chùa Dạm mang dáng vẻ của Linga với phần trên hình trụ, phần dưới hình vuông. Phần giữa rất ngắn nhưng cũng đủ nhận ra có những góc vát thể hiện 8 cạnh. Đặc biệt, ở phần trên hình trụ có những đường chỉ chìm được khắc lõm chạy vòng quanh là một chỉ dấu mang đặc trưng rõ nét của giới tính trong Linga Chăm.

Trên thân cột đá chùa Dạm được khắc hình tượng đôi rồng Lý, mà rồng trong văn hóa Đại Việt chính là biểu tượng Vua. Phải chăng những người thợ Chăm khắc biểu tượng Vua vào Linga đá chùa Dạm là một cách sùng kính như hình tượng thần Shiva hay các Vua Chăm cũng được khắc trên Linga?  Và như thế, cây cột đá chùa Dạm phải là một dạng Linga đặc biệt: Mukha-Linga? Chiếc Linga chùa Dạm còn gây nhiều tranh cãi nhưng đã là một tác phẩm mỹ thuật vô giá, chứng minh sự hòa nhập sắc thái Chăm trong kho tàng di sản của nước ta.

 

Linga-Yoni được thờ trong tháp Po Naga, Nha trang, Khánh Hòa

Ảnh Hà Hoàng Kiệm

 

Liga – Yoni được thờ trong tháp đôi Hưng Thạnh, Đống Đa, Quy Nhơn Bình Định

Ảnh Hà Hoàng Kiệm

 

Thánh địa Mỹ Sơn và biểu tượng Linga ở Mỹ Sơn

Ảnh Hà Hoàng Kiệm

Nguồn: Trịnh Sinh. http://wanderlusttips.com/2016/04/27/31306/


CHIA SẺ BÀI VIẾT

Bài cùng chủ đề

Bài về chủ bút

    Tinh hoa nhân loại

      Khoa học

        Văn học

          SÁCH CỦA TÔI