Đón tết Đinh Dậu chẳng giống ai!
Ký sự ảnh của Hà Hoàng Kiệm
Tết Đinh Dậu (2017) chúng tôi chọn cách đón tết khác người, chẳng giống ai. Ngày 24 tết, trong khi nhà nhà đi mua cá chép, thắp hương mời ông công ông táo thì chúng tôi “cưỡi” máy bay ngắm mây để vào Phú Quốc. Ngày 01 tết, mọi người đang hí húi sửa soạn mâm cơm đầu năm thì chúng tôi mới trở về nhà. Thế đấy ba gia đình chúng tôi rủ nhau chọn những ngày này để đi du ngoạn chẳng giống ai:
- Theo luận thuyết của Đức Lão Tử “Ta không tranh thì không ai tranh với ta”. Đúng như thế, chuyến bay vào Phú Quốc rất vắng, không phải xếp hàng ở sân bay, cứ một mạch đi qua cửa check in vào phòng chờ, rồi chiếc máy bay mang nhãn hiệu Estonia có cả tiếp viên Nga và tiếp viên Vietjet aire, lượng hành khách không lấp kín nửa số ghế. Thế là chúng tôi thoái mái di chuyển chọn ghế thích hợp nhất để quan sát bầu trời và mặt đất. Hôm về cũng vậy, không gặp phải sự chen chúc ở sân bay Phú Quốc, từ Nội Bài về Hà Nội đường vắng, xe luôn đạt tốc độ 80km/h. Đức Lão tử sinh thành từ thế kỷ thứ 6 TCN, vậy mà triết lý của ông đến thế kỷ 21 vẫn đúng, Hì Hì...
- Cũng vì “Ta không tranh với ai” mà “chẳng có ai tranh với ta” nên giá vé máy bay giảm 2/3 so với ngày thường. Giá vé một chiều Nội Bài Phú Quốc chỉ còn 399.000VNĐ/người, giá vé khứ hồi bao gồm cả các phụ phí chỉ 1.300.000VNĐ/người (ngạc nhiên chưa).
- Đây là thời điểm mà thời tiết và khí hậu ở Phú Quốc đẹp nhất. Buổi trưa thường nắng nhẹ, nhiệt độ không quá 30 độ C, buổi tối nhiệt độ thường 24-25 độ C, nhiều gió, sóng biển vừa phải rất phù hợp cho tắm biển. Trốn cái rét ở miền Bắc vào tắm biển ở đây thật thú vị.
- Cả đảo hầu như không có khách du lịch Việt (trừ đoàn khách khác người của chúng tôi) mà rất đông khách nước ngoài như Pháp, Châu Âu, Hàn, Nhật vì thế khá yên tĩnh không có các tiếng Dô, Dô… ầm ỹ trong các quán nên rất dễ chịu.
- Vì không có khách Việt, các dịch vụ trên đảo cũng không phải chen chúc ồn ào, mọi thứ đều rất trôi chảy. Với 8 ngày 7 đêm ăn chơi, khám phá tẹt ga, chui rúc hết các ngõ ngách trên hòn đảo xinh đẹp này, bình quân mỗi người mới hết có 6.5 triệu VNĐ.
- Thử đón tết trên đảo xem cư dân ở đây đón tết như thế nào cũng là một khám phá thú vị.
Như vậy có tới 6 cái gạch đầu dòng về cái lợi của chuyến đi, sao mà các bà vợ lại có sự lựa chọn thông minh như vậy được nhỉ? Nói như một nhà bình luận trong một bộ phim của Mỹ: đơn giản đó là thiên tài (tranh thủ nịnh vợ một tí).
Mọi lần các chuyến bay về phía nam đều vòng ra biển Đông, nhưng lần này cắt theo đường thẳng trong đất liền từ Nội bài qua Lào, qua Caphuchia để tới Phú Quốc nên chỉ mất 2h10 phút (nhanh hơn so với bay vào Sài Gòn). Thế là tôi có cơ hội quan sát các đập thủy điện của Lào, Camphuchia và cả Biển Hồ nữa.
Biển Hồ Campuchia phía đầu nguồn nối với sông Me Kong
Eo biển hẹp giữa Phú Quốc và Campuchia chỉ cách nhau 4,5km cũng hiện ra, chúng tôi nhìn thấy cả bờ biển Phú Quốc và Bờ biển Campuchia.
Phú Quốc đây rồi, một hòn đảo có diện tích lớn nhất trong các hòn đảo của Việt Nam. Đảo nằm trong vịnh thái Lan, có hình thù giống lục địa Nam Mỹ và có diện tích 567km2 (56.700ha) tương đương diện tích của đảo quốc Singapore và của Hà Nội cũ. Khoảng 10 năm trước đảo còn rất hoang sơ, nhưng những năm gần đây quá trình xây dựng để đảo trở thành một đặc khu kinh tế đang được triển khai.
Phía bờ tây của đảo, một con đường rất đẹp 4 làn xe nối từ Gành Dầu, mũi phía tây - bắc đảo với cảng An Thới mũi phía nam đảo. Còn một con đường đẹp 4 làn xe xuyên qua khu rừng quốc gia nối từ thị trấn Dương Đông ở trung tâm bờ tây của đảo với Bãi Thơm ở mũi đông bắc đảo. Từ Bãi Thơm tới Hàm Linh và Bãi vòng dọc theo bờ đông đảo, con đường làm bằng xi măng cũng đang được hoàn thiện. Đảo dài 49 km, địa hình thiên nhiên thoai thoải chạy từ bắc xuống nam với 99 ngọn núi đồi. Tuy nhiên, cụm đảo nhỏ của cảng An Thới bị ngăn cách hẳn với phần mũi phía nam của đảo bởi một eo biển có độ sâu tới hơn 60 m mà đảo cuối là hòn thơm. Dân số đảo Phú Quốc trước năm 1975 chỉ hơn 5.000 người, đến 1012 là 103.000 người và đến nay khoảng 120.000 người.
Về lịch sử, Năm 1671, một người Hoa tên Mạc Cửu (Mạc Kính Cửu), quê ở Lôi Châu tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, mang cả gia đình, binh sĩ và một số sĩ phu khoảng 400 người lên thuyền rời khỏi Phúc Kiến. Sau nhiều ngày lênh đênh trên biển cả, phái đoàn Mạc Cửu đổ bộ lên một vùng đất hoang trong vịnh Thái Lan. Sau khi dò hỏi và biết vùng đất này thuộc ảnh hưởng Chân Lạp, phái đoàn liền tìm đường đến Oudong xin tị nạn, nhưng lúc đó nội bộ Chân Lạp có loạn.
1680, Mạc Cửu đã lập ấp rải rác từ Vũng Thơm, Trủng Kè, Cần Vọt, Rạch Giá, Cà Mau. Hà Tiên trở thành thương cảng quan trọng, thôn ấp định cư nằm sát mé biển, thuận tiện cho ghe thuyền tới lui, hoặc ở đất cao theo Giang thành, sông Cái Lớn, sông Gành Hào, Ông Đốc để canh tác. Ông lập ra 7 sòng bạc dọc bờ biển, trong đó có Phú Quốc (Koh Tral). Thủ phủ đặt tại Mán Khảm (tức Hà Tiên), sau đổi thành Căn Khẩu. Tiếng đồn vang xa, lưu dân gốc Hoa từ khắp nơi trong vịnh Thái Lan xin vào đây lập nghiệp, dần dần vùng đất này trở thành một lãnh địa phồn vinh với tên gọi mới: Căn Khẩu Quốc. Đảo Koh Trai cũng đổi tên thành Phú Quốc (vùng đất giàu có).
Năm 1708, Mạc Cửu liên lạc được với Chúa Quốc Nguyễn Phúc Chu. Năm 1714, Mạc Cửu xin làm thuộc hạ của chúa Nguyễn và được phong chức tổng binh cai trị đất Căn Khẩu. Năm 1724, Mạc Cửu dâng luôn toàn bộ đất đai và được phong làm đô đốc cai trị lãnh thổ Căn Khẩu, đổi tên thành Long Hồ dinh. Năm 1735, Mạc Cửu mất, con là Mạc Sĩ Lân, sau đổi thành Mạc Thiên Tứ, được phong làm đô đốc, kế nghiệp cha cai trị Long Hồ dinh. Gia đình họ Mạc được Ninh vương Nguyễn Phúc Chú nâng lên hàng vương tôn. Long Hồ dinh đổi tên thành Hà Tiên trấn.
Năm 1739, Mạc Thiên Tứ lập thêm bốn huyện: Long Xuyên (Cà Mau), Kiên Giang (Rạch Giá), Trấn Giang (Cần Thơ) và Trấn Di (Bắc Bạc Liêu). Năm 1755, Nặc Nguyên nhờ Mạc Thiên Tứ dâng chúa Nguyễn lãnh thổ hai phủ Tầm Bôn (Tân An, Long An) và Lôi Lập (Gò Công) để được về Nam Vang cai trị. Năm 1758, chúa Nguyễn đưa Nặc Tôn (Ang Ton II) lên làm vua và được tặng thêm lãnh thổ Tầm Phong Long (Châu Đốc và Sa Đéc). Nặc Tôn tặng riêng Mạc Thiên Tứ lãnh thổ 5 phủ miền Đông-Nam Chân Lạp. Năm phủ này là vùng duyên hải ven bờ Cổ Công, giáp với vùng người Thái kiểm soát cho đến Mang Khảm, bờ đất liền đối diện phía Đông Bắc đảo Phú Quốc, đã được Mạc Thiên Tứ dâng hết cho Võ vương Nguyễn Phúc Khoát. Võ vương sát nhập tất cả các vùng đất mới vào trấn Hà Tiên, giao cho Mạc Thiên Tứ cai trị.
Thời Pháp thuộc, Pháp đặt Phú Quốc làm đại lý hành chính, thuộc hạt thanh tra Kiên Giang, rồi Rạch Giá. Đồng thời, Pháp còn mở cảng Dương Đông cho tàu thuyền các nước vào buôn bán, năm 1924 đặt làm quận Phú Quốc, thuộc tỉnh Hà Tiên. Sau năm 1956, quận Phú Quốc thuộc tỉnh Kiên Giang, các làng gọi là xã, giải thể xã Phú Dữ, còn hai xã Dương Đông và Hàm Ninh, dân số năm 1965 là 12.449 người.
Năm 1949, khi quân Trung Hoa Dân quốc thua trận trước Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, Hoàng Kiệt một tướng lĩnh Quốc dân đảng, gốc tỉnh Hồ Nam, dẫn hơn 30.000 quân chạy sang Việt Nam lánh nạn. Lúc bấy giờ, thực dân Pháp cho họ ra đóng quân tại phía Nam đảo Phú Quốc. Sau đó, năm 1953, họ về Đài Loan theo Tưởng Giới Thạch. Đội quân Trung Hoa này bỏ lại nhà cửa, đồn điền,... Pháp thấy vậy tận dụng nhà cửa có sẵn, lập ra nhà tù rộng khoảng 40 hecta gọi là "Trại Cây Dừa", có sức giam giữ 14.000 tù nhân.
Thời kỳ Việt Nam cộng hòa, Phú Quốc là một duyên khu của hải quân.
Sau ngày 30 tháng 04 năm 1975, Phú Quốc là huyện của tỉnh Kiên Giang, gồm thị trấn Dương Đông và 3 xã: Cửa Dương, Dương Tơ, Hàm Ninh.
Ngày 4 tháng 5 năm 1975, một toán quân Khmer Đỏ đột kích đảo Phú Quốc. Ngày 10 tháng 5 năm 1975, Khmer Đỏ dùng tàu đổ bộ LSM và 3 tàu tuần tra PCF đưa quân đánh chiếm đảo Thổ Chu, dồn hơn 500 người dân Việt Nam trên đảo đưa về Campuchia và tàn sát toàn bộ. Ngày 27 tháng 5 năm 1975, hải quân nhân dân Việt Nam giải phóng đảo Thổ Chu.
Ngày 11 tháng 02 năm 2003, Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị định 10/2003/NĐ - CP, thành lập thị trấn An Thới, thành lập xã Hòn Thơm. Như vậy, huyện Phú Quốc có 2 thị trấn (Dương Đông là huyện lỵ, thị trấn An Thới) và 8 xã (Xã Bãi Thơm, xã Cửa Cạn, xã Cửa Dương, xã Dương Tơ, xã Gành Dầu, xã Hàm Ninh, xã Hòn Thơm, xã Thổ Châu). Ngày 17 tháng 9 năm 2014, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1676/QĐ-TTg công nhận huyện đảo Phú Quốc là đô thị loại II.
Đảo Phú Quốc có nhiều bãi tắm đẹp, đẹp nhất vẫn là bãi Sao với dải cát trắng mịn, làn nước biển trong suốt, sóng biển vừa phải.
Bãi Sao, bãi biển đẹp nhất Phú Quốc.
Khu vực tây bắc đảo là Gành Dầu đã được tập đoàn Vin Group đầu tư một khu công viên nước và vườn thú bán hoang dã Safari.
Công viên nước và vườn thú Safari.
Chào xuân Đinh Dậu đêm giao thừa tại chùa Pháp Quang.
Đi phượt trong rừng Quốc Gia.
Chèo thuyền Kayac trên sông Cửa Cạn.
Giống chó Phú Quốc, còn gọi là chó xoáy vì trên lưng có xoáy lông rất đặc trưng, con này có hai xoáy và màu lông vàng rất đẹp. Đây là giống chó nổi tiếng vì sự khôn ngoan và nhanh nhẹn có thể sánh với chó Bec - gie. Chó Phú Quốc là giống chó cực kỳ quý và đã từng gặt hái những thành công lừng lẫy trên đấu trường quốc tế. Chó Phú Quốc có đặc điểm Lông xoáy, chân màng vịt, khôn như chó Béc-giê.
Trước tiên, đã nói chó Phú Quốc là chó phải có đốm lông xoáy trên lưng. Rất dễ nhận ra chòm xoáy lông đặc biệt này trên lưng chó Phú Quốc.
Thứ đến, người ta... "đồn", chân của chó Phú Quốc có cái màng như màng ở chân vịt. Nhờ vậy, chó Phú Quốc bơi rất giỏi!
Một đặc điểm khác của chó Phú Quốc là rất tinh khôn. Có người còn nói, nó còn dễ dạy hơn cả chó Béc-giê.
Chó Phú Quốc có đầu nhỏ, mõm dài, ngực nở, bụng thon, đuôi cong lên trên, chạy rất nhanh nên có khả năng săn thú rất tốt. Chó Phú Quốc khôn hơn chó nhà nên nó quyến luyến chủ và biết nghe lời, lại bảo vệ chủ hết mình. Theo như lời đồn, một chú chó Phú Quốc đã từng phi thân chặn một con rắn hổ định cắn chủ. Chú chó lãnh nguyên miếng ngoạm của con rắn và chịu hy sinh để cứu chủ...
Đợi chờ đêm quán Bar và tán tỉnh trong vườn Hồ Tiêu.
Ngơ ngác lạc trong chợ đêm Phú Quốc tìm mua bánh tét đón xuân.
Làm thuê cho một xưởng nước mắm Phú Quốc để học trộm nghề.
Nước mắm Phú Quốc là một đặc sản nổi tiếng vì được làm bằng loài cá cơm vùng biển Phú Quốc. Mắm phú Quốc màu vàng sánh, thơm và đạt tới 40 độ đạm. Vịnh Thái Lan không có bão lớn, biển yên tĩnh, có nhiều rong biển và phù du làm thức ăn cho các loài cá cơm, cho nên có nguồn lợi cá cơm rất lớn. Việc sử dụng nguồn lợi này để làm nước mắm ở Phú Quốc đã có lịch sử trên 200 năm. Cuối thế kỷ 19, người dân trên đảo Phú Quốc đã bán nước mắm sang Campuchia, Thái Lan. Tuy nhiên, nước mắm Phú Quốc chỉ nổi tiếng từ những năm 1950, đạt cực thịnh vào những năm 1965-1975. Trong thời kỳ bao cấp ở giai đoạn 1975-1986, ngành sản xuất này mất dần thị phần, nhiều nhà thùng đóng cửa, chuyển nghề. Tuy nhiên, kể từ khi nền kinh tế dần chuyển sang cơ chế thị trường, nghề làm nước mắm ở Phú Quốc dần dần hồi phục. Đến nay, nước mắm Phú Quốc đã đạt 8 triệu lít/năm.
Trước năm 1945, ở Phú Quốc đã có gần 100 nhà thùng làm nước mắm, chủ yếu tập trung ở Dương Ðông và Cửa Cạn. Trong thời gian chiến tranh, các nhà thùng ở Cửa Cạn bị tàn phá, nên các nhà thùng dần chuyển qua Dương Ðông và An Thới như hiện nay.
Bây giờ ngoài miền Bắc đang rét và mưa xuân, thế mà ở đây các vườn sim đang nở hoa tím biếc. Ở chợ Phú Quốc, sim chín được bán với giá 150.000đ/kg. Màu hoa sim tím đã đi vào thơ ca, nhưng ở đây những vườn sim không chỉ để tỏ tình mà quả sim còn được tạo ra một sản phẩm độc đáo đó là rượu sim. Những người thích rượu có thể thưởng thức rượu sim 40 độ, chị em phụ nữ có thể dùng vang sim 12 độ hoặc mật sim (siro sim). Vị rượu hơi chan chát, ngòn ngọt thoang thoảng hương sim. Uống rượu sim trong ngày xuân trên cầu cảng An Thới thật tuyệt.
Lặn biển ngắm san hô bên đảo hòn thơm. Hòn đảo này ở ngoài khơi mũi An Thới đã được tập đoàn Vingroup đang đầu tư thành khu nghỉ dưỡng, có thể thấy các các chân cột cáp treo từ mũi An Thới vươn ra tới đảo, dự kiến tháng 4/2017 hệ thống cáp treo này sẽ đi vào hoạt động sẽ là cáp treo trên biển dài nhất thế giới.
Vẻ đẹp hoang sơ khiến các cô nàng U50 bỗng hóa thành teen.
Từ bãi Gành Dầu, có thể nhìn thấy đất Căm Pu Chia là dẫy núi mờ mờ phía xa. Ông chủ quán ở bãi Gành dầu đang chơi đờn ca tài tử theo thỉnh cầu của khách.
Chùa Hộ Quốc tọa lạc trên sườn núi nhìn ra biển Đông là một địa điểm có cảnh đẹp kỳ thú và linh thiêng.
Không khí thanh bình, thời tiết đẹp, bãi biển đẹp, đồ ăn ngon và một cảm giác thư thái trong những ngày xuân trên hòn đảo cực nam của tổ quốc. Bạn bè gọi điện chúc tết, tôi nói rằng theo lệnh của Thủ Tướng tết năm nay không tặng quà cũng không nhận quà, có lẽ chúng tôi là người chấp hành tốt nhất. Chúc các bạn đón xuân vui vẻ, an khang, hạnh phúc.