Núi đá bia, Phú Yên

Cập nhật: 22/02/2018 Lượt xem: 7371

Huyền thoại Thạch Bi Sơn – Núi Đá Bia Phú Yên

Tết Mậu Tuất (2018) chúng tôi tổ chức một chuyến du xuân dọc nam trung bộ. Chẳng là thời chiến tranh, đứng trên dãy trường sơn nhìn về phía đông xuống Phú Yên thấy trên mặt biển những chấm đen của tàu thuyền, phía trên là những dàn máy bay trực thăng như những đàn chuồn chuồn, trong bờ là những căn nhà lầu lấp loáng dưới ánh nắng. Đó là lãnh địa của đối phương mà hàng ngày vẫn trút những làn đạn pháo dàn từ tàu chiến trên biển về phía chúng tôi trên dãy Trường Sơn, tôi đã có một ước ao không biết đến khi nào mình được đặt chân lên bờ biển kia. Bây giờ sau 43 năm kết thúc chiến tranh, chúng tôi mới có điều kiện đặt chân đến để khám phá dọc miền duyên hải này. Chúng tôi tới Quy nhơn thăm chùa Thiên Hưng, Mộ Hàn Mặc Tử, tháp đôi Hưng Thạnh, bãi biển Kỳ Co, rồi vào Tuy Hòa Phú Yên. Ở đó có Eo Gió, mũi Đại Lãnh, đền thờ Quang trung dựng trên nền ngôi nhà mà ba anh em Nguyễn Huệ, Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ đã lớn lên mà bên phải có cây me, bên trái có giếng nước mà ba anh em hàng ngày vẫn chơi đùa. Tới thăm nhà thờ Mằng Lăng, ghềnh đá đĩa, địa danh trên phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, tháp Nhạn, xóm Rớ với làn rêu xanh mướt trên kè chắn sóng, rồi vào Tuy Hòa. Tới Tuy Hòa, Phú Yên, nhìn về phía nam bạn sẽ thấy một ngọn núi sừng sững in trên nền trời trong xanh, đỉnh núi có một tảng đá cao trên 80m dựng đứng như một tấm bia, người ta gọi là núi đá bia. Có nhiều huyền thoại về núi này khiến tôi tò mò tìm hiểu.

Núi Đá Bia có tên chữ là Thạch Bi Sơn, nằm trong dãy Đại Lãnh,  xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa, phía Nam tỉnh Phú Yên, có độ cao 706 mét so với mặt nước biển. Ngày trước muốn lên được đỉnh Đá Bia không phải là chuyện dễ dàng: cây cối rậm rạp, dây leo quấn chằng chịt, nhất là những con vắt đeo bám quanh người. Nhưng nay, đã có một con đường từ phía nam Đèo Cả thông lên bằng những bậc cấp, do Đoàn Thanh Niên Phú Yên thực hiện từ năm 2001 sau nhiều lần tổ chức du khảo.

Núi Đá Bia nằm doi ra sát mặt biển tạo thành những mỏm đá mà từ biển nhìn vào giống những hình thù kỳ dị như đầu sư tử, đầu rồng. Trên chóp đỉnh núi có một tảng đá khổng lồ đứng vươn thẳng lên trời cao, quanh năm mây trắng che phủ. Đứng dưới chân tảng đá, phải ngửa mặt mới trông thấy tầng chót vót đỉnh cao.

Trên tầng cao bao la, nhìn về hướng tây là núi rừng trùng điệp, là những mái ngói đỏ ẩn mình trong màu xanh mạ non; nhìn ra phía đông mênh mông màu xanh nước biển; ngước mặt nhìn trời trời cao lồng lộng, thăm thẳm xanh. Thỉnh thoảng vài lọn mây trắng kéo qua có thể vói tay chạm vào được. Gió ngàn reo quanh triền đá, sóng biển lao xao thầm thì dưới kia và những cánh chim hải âu xoải cánh dài như nối liền một giao khúc giữa đất trời hội tụ nơi thiêng liêng này, khiến mọi người đứng trên tầng cao dễ có cảm tưởng như đang đứng trên chốn bồng lai tiên cảnh, như những chàng Từ Thức lạc non tiên, và hơn hết như được sống lại một thuở hào hùng của cha ông thời mở cõi.

Bên dưới kia, về hướng đông-nam là ngọn hải đăng Mũi Điện toả quầng sáng trắng lung linh soi biển đêm, là ngọn đèn dẫn đường mở ra những hướng đi tới những chân trời mới lạ, há chẳng làm hài lòng tiền nhân trên chót vót tầng cao kia sao?

Nhiều bộ sử Việt đã chép lại vắn tắt thời kỳ vua Lê Thánh Tông thân chinh đánh dẹp quân Chiêm Thành quấy nhiễu bờ cõi và lấy núi Đá Bia phân định ranh giới hai nước Việt-Chiêm và có khắc bia trên đó ghi niên hiệu Hồng Đức. Song nội dung văn bia đó chỉ là truyền khẩu, bởi vết tích để lưu lại thì không thấy được gì ngoài một tảng đá cao sừng sững bám quanh là những loài cây ký sinh cùng những đụn mây trắng xốp ôm quanh.

Trong Phủ Biên Tạp Lục, quyển II Lê Quý Đôn mô tả Đá Bia như sau: “Núi Thạch Bi ở phủ Phú Yên là chỗ tiên triều (tức Lê Thánh Tông, ghi chú của người viết) phân địa giới với Chiêm Thành. Núi đến rất xa, tự đầu nguồn liên lạc đến bờ biển. Núi này cao hơn các núi khác. Thánh Tông đánh được Chiêm Thành, lấy đất đặt xứ Quảng Nam, lập dòng dõi vua Chiêm Thành cũ, phong cho đất tự núi ấy trở về phía Tây, tạc đỉnh núi lập bia làm địa giới, xoay lưng về phía Bắc, mặt về phía Nam, lâu ngày dấu chữ đã mòn mất. Họ Nguyễn đánh Chiêm Thành lấy đất đặt các phủ Bình Khang, Diên Khánh. Đường tự Phú Yên vào Bình Khang theo chân núi, sắc đá đều đen. Tháng 12 năm Tân Mão, chợt có một tiếng sét rất to, đá biến thành sắc trắng cả, trông xa một tòa núi Thạch Bi đứng sững như đá vôi. Nguyễn Phúc Thuần sai đến tế”. [15, tr.21].

Theo sách Đại Nam Nhất Thống Chí thì chép: “Vua Lê Thánh Tông đánh đuổi Chiêm Thành chạy khỏi núi Đại Lãnh, bèn cho khắc chữ vào Đá Bia làm mốc giới”. [11,tr.64]

Còn theo Việt Sử Toàn Thư của Phạm Văn Sơn thì chép như sau: “Đầu tháng Tư, quân Nam chinh về tới Nghệ An… Tháng Sáu vua hạ chiếu lấy những đất mới của Chiêm Thành làm phủ Thừa Tuyên, Quảng Nam… Vua còn cho san (phá) cái đỉnh núi cao nhất ngoài bờ biển giáp địa giới nước Nam Bang (Phan Rang) để dựng thành cái bia làm giới hạn, gọi núi ấy là núi Thạch Bi, nay là dãy núi giáp giới Phú Yên-Khánh Hoà chạy dài xuống tận biển tạo thành mũi Varrella” [56, tr.408]

Ông Nguyễn Siêu, trong “Phương Đình Dư Địa Chí” [33, tr 219] cho rằng, bi văn khắc vào núi đá Bia có câu:

“Chiêm Thành quá thử, binh bại quốc vong
An Nam quá thử, tướng tru binh chiết”

Dịch nghĩa:

“Chiêm Thành vượt qua, binh bại nước mất
An Nam vượt qua, tướng chết quân tan”

Trong khi đó các sách của người Trung Hoa như các quyển: Quảng Châu ký, Tùy Thư, Thông Điển, Tân Đường Thư, Tần Thư Địa Lý chí, Nam Việt chí, Thái Bình Ngự lãm đều cho rằng Đá Bia là nơi viên tướng nhà Hán là Mã Viện đã cho trồng cột đồng để phân ranh giới: phía Bắc là đất Nhật Nam thuộc nhà Hán, phía Nam là đất của nước Tây Đồ Di. Tên núi lúc ấy là Đồng Trụ Sơn, đến đời vua Lê Thánh Tông khắc bia mới đổi là Thạch Bi Sơn.

Thạch Bi Sơn đi vào thơ văn

Lê Thánh Tôn đã khắc gì trên núi đá bia ? Khoảng 300 năm sau đến thời Lê Quý Đôn (1726 - 1784) thì ghi chép trong sách Phủ biên tạp lục là nét chữ đã mòn hết, điều này cũng phù hợp với câu tục ngữ "trăm năm bia đá thì mòn". Về nội dung văn bia, các tài liệu ghi chép rất khác nhau, tựu chung có ba nội dung như sau: “Chiêm Thành quá thử, binh bại quốc vong, An Nam quá thử, tướng tru binh chiết” nghĩa là"Chiêm Thành vượt qua nơi này, binh thua nước mất, An Nam vượt qua nơi này, tướng chết quân tan"; hoặc "Dĩ Nam Chiêm Thành, dĩ Bắc dân triều mệnh Việt Nam" nghĩa là“Từ đây về Nam là Chiêm Thành, từ đây về Bắc dân chịu mệnh Việt Nam"; cũng có tài liệu nói rằng văn bia chỉ đề hai chữ "Hồng Đức”, là niên hiệu của vua Lê Thánh Tông

Bài thơ nổi tiếng nhất là bài của Phan Thanh Giản viết khi đi ngang qua Thạch Bi Sơn, nhìn cảnh thiên nhiên hùng vĩ và nhớ lại sử xưa, đã cảm tác bài thơ như sau:

Nhất phiến sơn đầu thạch
Cao quyền xuất bích tiêu
Phân cương Hán trụ lập
Trú tất Đường binh lưu
Cổ triện bạch vân ám
Thần công thanh sử phiêu
Lặc bia nhân hà khứ
Hàn khách tứ thiều thiều.  

Bài thơ này đã được dịch ra quốc ngữ và đăng trên báo Tiếng Dân từ năm 1938:

Mảnh đất đầu non dựng
Từng cao ngất một phương
Chia bờ nêu cột Hán
Đuổi giặc trú xe Đường
Chữ triện mây lu nét
Công thần sử rọi gương
Chạm bia người đã vắng
Lữ khách chạnh lòng thương.

Cách đây hơn 63 năm, khi có mặt trong đoàn quân Nam tiến hướng vào mặt trận đèo Cả, thi sĩ Hữu Loan đã để lại cho đời bài thơ "Đèo Cả" nổi tiếng nhất trong đời thơ của ông và được chọn là một trong 100 bài thơ hay nhất trong thế kỷ 20:

"Đèo Cả! Đèo Cả!
Núi cao ngất
Mây trời Ai Lao
Sầu đại dương….
Những người đi Nam tiến
Dừng lại đây giữa đèo núi quê hương
Tóc tai trùm vai rộng
Không nhận ra người làng
Rau khe cơm vắt áo pha màu sa trường
Ngày thâu vượn hót
Đêm canh gặp hùm lang thang…"

Ông Nguyễn Đình Tư, người viết địa chí Phú Yên, trong quyển “Non Nước Phú Yên”, ông có bài thơ đường luật vịnh về Đá Bia:

Sừng sững non cao đá một hòn
Trải bao mưa nắng vẫn không sờn
Quanh co sườn núi đường lên xuống
Trắng xoá chân non sóng dập dờn
Sự nghiệp ngàn năm bia đá tạc
Biên cương một thuở cột đồng chôn
Công lao tiên tổ còn lưu đó
Ai nỡ lòng nào phụ nước non.

Còn trong dân gian thì có rất nhiều câu ca dao, hò vè có liên quan đến núi Đá Bia:

Chiều chiều mây phủ Đá Bia
Đá Bia mây phủ chị kia mất chồng
Mất chồng như nậu mất trâu
Chạy lên chạy xuống cái đầu chơm bơm

Hay:

Chóp Chài đội mũ
Mây phủ Đá Bia
Ếch nhái kêu lia
Trời mưa như đổ

Và:

Sông Bàn Thạch quanh co uốn khúc
Núi Đá Bia cao ngất tầng mây
Sông kia, núi nọ còn đây
Mà người thuở trước ngày nay đâu rồi?

Admin thấy bài Đường luật ở trên gieo vần hơi gượng nên mạn phép tác giả sửa như sau (bỏ chữ cột đồng vì không thích chuyện cột đồng Mã Viện)

Sừng sững mây cao đá một hòn
Trải bao mưa nắng vẫn không mòn
Quanh co sườn núi đường men đá
Trắng xoá chân đèo sóng vỗ non
Sự nghiệp ngàn năm bia đá tạc
Biên cương một thuở tích xưa còn
Công lao tiên tổ còn lưu đó
Ai nỡ lòng nào phụ nước non.

Phan Thanh Giản khi đi ngang qua Thạch Bi Sơn, nhìn cảnh thiên nhiên hùng vĩ và nhớ lại sử xưa, đã cảm tác bài thơ như sau:

Nhất phiến sơn đầu thạch
Cao quyền xuất bích tiêu
Phân cương Hán lập trụ
Trú tất Đường binh lưu
Cổ triện bạch vân ám
Thần công thanh sử phiêu
Lặc bia nhân hà khứ
Hàn khách tứ thiều thiều

Bài thơ này đã được dịch ra quốc ngữ và đăng trên báo Tiếng Dân từ năm 1938:

Mảnh đất đầu non dựng
Từng cao ngất một phương
Chia bờ nêu trụ Hán
Đuổi giặc trú xe Đường
Chữ triện mây lu nét
Công thần sử soi gương
Chạm bia người đã vắng
Hành khách chạnh lòng thương.

Ông Nguyễn Đình Tư, người viết địa chí Phú Yên, trong quyển “Non Nước Phú Yên”, ông có bài thơ đường luật vịnh về Đá Bia:

Sừng sững non cao đá một hòn
Trải bao mưa nắng vẫn không sờn
Quanh co sườn núi đường lên xuống
Trắng xoá chân non sóng dập dờn
Sự nghiệp ngàn năm bia đá tạc
Biên cương một thuở cột đồng chôn
Công lao tiên tổ còn lưu đó
Ai nỡ lòng nào phụ nước non.
 [ 45, tr.120]

Còn trong dân gian thì có rất nhiều câu ca dao, hò vè có liên quan đến núi Đá Bia:

Chiều chiều mây phủ Đá Bia
Đá Bia mây phủ chị kia mất chồng
Mất chồng như nậu mất trâu
Chạy lên chạy xuống cái đầu chơm bơm

Hay:

Chóp Chài đội mũ
Mây phủ Đá Bia
Ếch nhái kêu lia
Trời mưa như đổ

Và:

Sông Bàn Thạch quanh co uốn khúc
Núi Đá Bia cao ngất tầng mây
Sông kia, núi nọ còn đây
Mà người thuở trước ngày nay đâu rồi?

Núi Đá Bia còn được các nhà hàng hải Pháp thời đó gọi là Ngón Tay Chúa (Le Doigt de Dieu) vì theo họ khi đi ngoài biển nhìn vào, tảng đá trên núi dựng cao giống ngón tay chỉ lên trời cao. Đó là điểm tiêu để làm căn cứ cho tàu chạy dọc theo biển Đông. Sau này, năm 1890 một sĩ quan hải quân người Pháp tên Varella cho xây một ngọn hải đăng định vị cho tàu bè qua lại. Chính vị trí này, dân địa phương gọi là Mũi Điện, còn trong sách địa lý hàng hải thì gọi Mũi Varella.

Dị bản:

Theo dân tộc Êđê thì: Núi Đá Bia còn gọi là Kút H’Phil. Đó là tên người vợ thứ 3 (dân tộc Êđê) của vua Chăm Poromê (có 3 người vợ: vợ cả người Chăm, vợ hai người Kinh, vợ ba người Êđê), khi bà chết được chôn tại đây, mộ đắp cao thành núi.

Còn người Chăm gọi Đá Bia là Hduơn Ktol, có nghĩa là núi Cùi Bắp vì trông hình dạng rất giống chiếc cùi bắp cắm trên cao. Một ngày kia, thủ lĩnh của bộ tộc Chăm ra lệnh toàn bộ các chiến binh phải thử cung tên của mình để kiểm tra hiệu quả của loại vũ khí này. Tất cả đều leo lên ngọn núi cao Chư Sê và giương cung nỏ, nhắm vào tiêu điểm là núi Cùi Bắp để bắn. Tất cả các mũi tên đồng loạt bật khỏi dây cung và xuyên thủng núi Cùi Bắp tạo thành một đường hầm chạy thẳng ra biển. Ngày nay người Chăm vẫn tin rằng dưới chân núi Đá Bia, đoạn từ QL1A ra biển có một đường hầm rộng, thẳng tắp. Đó là đường hầm do tổ tiên họ thử cung tên ngày xưa.

(Theo lời kể của nhà nghiên cứu văn hoá dân gian Ka Sô Liễng và bà con người Chăm H’Roi ở Ea Charang, Krông Pa)

Nguồn: https://mangphuyen.com/huyen-thoai-thach-bi-son-nui-da-bia-phu-yen.html

 


CHIA SẺ BÀI VIẾT

Bài cùng chủ đề

Bài về chủ bút

    Tinh hoa nhân loại

      Khoa học

        Văn học

          SÁCH CỦA TÔI