Bến phà xưa
Ký sự ảnh của Hà Hoàng Kiệm, BV 103, HVQY
Đặt cái tiêu đề này dễ làm người ta nhầm tưởng đây là một câu chuyện tình được hồi tưởng lại. Không phải, chỉ là hoài niệm của một người lính đã qua thời chiến tranh mà thôi. Chẳng là nghe người ta nói động Thiên Đường (Quảng Bình) đúng là một thiên đường, thế là trí tò mò và máu khám phá của chúng tôi lại được đánh thức, chúng tôi quyết định tới đó vào hai ngày nghỉ cuối tuần của tháng 7.2016.
Chiếc xe giường nằm dừng lại một thị trấn vùng núi lúc 5 giờ sáng thứ 7, tìm được khách sạn bên đường mà chúng tôi đã đặt phòng trước qua mạng, tranh thủ ngủ thêm một chút nữa rồi dậy chạy tản bộ dọc theo phố núi hít thở không khí mát mẻ của vùng núi đá yên tĩnh. Chúng tôi chạy tới bến đò, một bến đò được xây dựng mới khá đẹp bên con sông Son có những quán cà phê và hàng hóa làm bằng tre sậy rất nghệ thuật. Bên kia sông là dãy núi đá sừng sững, vách núi dựng thẳng xuống dòng sông trong xanh. Đây là bến đò đón khách đi thăm động Phong Nha.
Khách sạn phố núi và bến đò bên dòng sông Son đón khách đi thăm động Phong Nha.
Bến thuyền sông Son và quán cà phê có kiến trúc bằng tre tuyệt đẹp.
Sông Son được đánh giá là dòng sông còn nguyên sơ, một thắng cảnh tuyệt đẹp do thiên nhiên ban tặng cho con người. Dòng sông Son thơ mộng với màu xanh thủy lục uốn lượn quanh những dãy núi đá vôi Kẻ Bàng là nét độc đáo của khu vực Phong nha Kẻ Bàng. Con sông này được người bản địa gọi với một cái tên hết sức dân dã: sông Tróc. Đây là một chi lưu của sông Gianh và chảy hoàn toàn trên địa phận tỉnh Quảng Bình. Một phần thượng nguồn của sông dài 7.729m, chảy ngầm trong các núi đá vôi ở vườn quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng và chảy ra từ cửa động Phong Nha nằm trên đất làng Phong Nha, xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch. Nó hợp lưu với sông Gianh tại gần thị trấn Ba Đồn. Có nhiều truyền thuyết về tên gọi của dòng sông này. Một truyền thuyết cho rằng vì vào đầu thế kỷ 19, quân Tây Sơn bị quân của Nguyễn Ánh giết chết nhiều tại sông này, máu loang ra đỏ cả dòng sông. Truyền thuyết khác kể về một chuyện tình giữa một cô gái con nhà giàu và một chàng trai con nhà nghèo. Mặc dù bị gia đình phản đối do không môn đăng hộ đối, cô gái vẫn sắt son. Cuối cùng hai người dẫn nhau tới dòng sông này tự vẫn. Người dân quanh vùng cảm động trước mối tình của hai người nên đặt tên là sông Son. Tuy nhiên, nhiều người địa phương nói rằng gọi là sông Son vì vào mùa mưa lũ, nước sông rất đỏ. Một truyền thuyết khác kể rằng: Thủa ấy ở vùng rừng núi trùng điệp này có một ông lão làm nghề săn bắn chỉ sinh được một cô con gái. Mới vừa độ tuổi trăng tròn, cô đã là một sơn nữ thuộc loại tuyệt thế giai nhân. Bên cạnh đó cô còn có biệt tài thổi sáo. Mỗi khi tiếng sáo của cô cất lên thì cá đang lặn dưới sâu bỗng ngoi lên mặt nước, chim đang bay trên trời bỗng sà xuống cành cây. Lạ nữa là bao nhiêu muông thú đang gầm gừ, gào thét, đánh nhau loạn xạ trong rừng tất thảy đều im lặng để lắng nghe. Tiếng lành đồn xa về người con gái tài sắc vẹn toàn đó chẳng bao lâu đã lan từ rừng xuống biển, thậm chí đã lan sang nước Lão Qua (nước Lào). Dĩ nhiên, không biết bao nhiêu chàng trai tuấn tú tài hoa, xuất thân trong các gia đình thuộc loại “danh gia vọng tộc” tìm đến đây, mong được lọt vào đôi mắt xanh của cô, nhưng tất cả đều bị từ chối, vì nguyên do cô đã có chồng sắp cưới. Khổ nỗi, chẳng một ai gần xa trong vùng biết “người chồng sắp cưới của cô” là ai, ở đâu cả. Nhưng đây lại là sự thật, nói đúng hơn đây là một sự thật mang tính huyền thoại. Dò tìm mãi dân làng mới biết rằng: Một đêm hè trăng thanh gió mát, người đẹp trèo lên các mô đá hình đầu voi nhô ra giữa con suối chảy vòng sau núi ngồi ngắm cảnh, rồi lấy sáo ra thổi. Lát sau, cô chợt thấy có cái gì như ngôi sao băng rạch một đường sáng rực rỡ từ phía dòng sông ngân hà thẳng đến khu rừng mà cô đang ở. Từ trong quầng sáng một chàng trai tuấn tú, dũng mãnh cưỡi con tuấn mã kiêu hùng đi đến bên mô đá hình đầu voi. “Đừng sợ! Ta đến đây để cầu hôn nàng. Nếu không từ chối thì mời nàng lên ngựa cùng ta dạo chơi một chuyến trên trời trước khi về ra mắt thân phụ của nàng.” Lạ thay, chỉ với những lời đơn sơ mộc mạc như thế của chàng trai, mà đã làm cho trái tim nàng rung động. Rồi, như bị một phép màu nào sai khiến, nàng ngoan ngoãn trèo lên lưng ngựa, tin tưởng ngồi phía sau chàng trai. Thoáng chốc con tuấn mã tung vó lao đi, rồi phóng vun vút giữa chòm sao này qua chòm sao khác giữa cõi thiên hà trong tiếng reo vui hớn hở của đôi trai tài gái sắc. Nhưng bất thình lình, chàng trai cho dừng ngựa với khuôn mặt bất chợt trở nên buồn rầu, sầu não, chàng quay lại nói với nàng: "Chúng ta không thể tiếp tục cuộc vui chơi nữa rồi, vì phụ mẫu ta có lệnh gọi ta về Ngọc Điện”. Sao chàng biết? – Cô gái ngơ ngác hỏi. Nàng nhìn vào đây thì rõ. Nói rồi, chàng trai đưa ngón tay đeo nhẫn lên trước mặt cô gái. Cô gái nhìn vào cái mặt ngọc ngũ sắc trên nhẩn và nhìn thấy hai cụ già đẹp lão lạ lùng, đang giơ tay vẫy gọi và nói bằng một thứ tiếng gì đó mà nàng không hiểu được. Đang vui, bỗng đứt giây đàn. Chàng trai ngậm ngùi tiếp: Chúng ta tạm chia tay nhau nhé, ta tặng nàng chiếc nhẩn này, nên nhớ bao giờ có chuyện nguy cấp đe doạ đến tính mạng thì nàng ghé miệng vào mặt nhẩn gọi lên ba tiếng ‘Về với em” dù xa xôi cách trở đến mấy, ta cũng đằng mây giá vũ đến cứu nàng. Con tuấn mã chở hai người về đến hạ giới, và cặp uyên ương chia tay nhau trong niềm hối tiếc, thẩn thơ. Vào thời kỳ này, lời đồn ở phía tây Châu Bố Chính (Động Phong Nha ) có một người con gái tài sắc vẹn toàn đã đến tai một tên lãnh chúa. Tên này có một toà lâu đài uy nghi tráng lệ xây cất trên ngọn núi cao bốn mùa mây phủ. Hắn ta giàu thuộc loại “phú gia địch quốc” uy quyền ngang trời dọc đất. Tuy vợ lớn, vợ bé đã hàng đàn, hàng đống nhưng nghe đến chuyện người con gái trẻ đẹp hắn đã vô cùng thèm khát và rắp tâm chiếm đoạt nàng bằng được. Sau nhiều lần cắt cử gia nhân, lính tráng đem sính lễ đến ra mắt ông lão thợ săn để cầu hôn cô gái, nhưng không được, tên lãnh chúa cử một bọn tâm phúc đầu trâu mặt ngựa đến rình rập, rồi nhân lúc cô gái ra bờ suối ngồi thổi sáo, đã bắt cóc cô gái đặt lên mình voi chở về lâu đài. Từ đó, ngày hai lần, tên lãnh chúa đến ra mắt cô gái và lần nào hắn cũng mang theo một mâm ngọc ngà châu báu đến cầu xin nàng trao tình yêu cho hắn, nhưng cô gái một mặt từ chối, vì lý do “Tôi đã có chồng chưa cưới. Tôi không thể lấy ngài được”. Cuối cùng, tên lãnh chúa tức giận hét lên: “Giống lừa ưa nặng, nói ngọt không nghe! Người tưởng ta dễ dàng để một miếng mồi ngon như ngươi lọt qua khỏi tay ta sao?.” Cặp mắt ốc nhồi long lên sòng sọc, cả giọng nói rít qua kẽ răng và điệu cười khả ối của tên lãnh chúa khiến cô gái biết rằng mình đã ở thế nguy nan. Giây phút đó, cô nhớ đến chiếc nhẩn mà người yêu trao tặng và lời căn nhặn của chàng. Lạ thay, nhìn vào ngón tay, chiếc nhẫn đã bị mất từ bao giờ, không còn nhẫn quý. Cô gái hốt hoảng đưa mắt nhìn quanh và nhanh chóng nhận ra, gian phòng cô bị giam nằm trong tầng cao nhất toà lâu đài của tên lãnh chúa. Phía sau là vách núi dựng đứng cao nghìn thước, thẳng xuống một hồ nước ngập trong sương khói lờ mờ. Trong khi tên lãnh chúa dần tiến về phía cô, thì cô từng bước lùi về phía cửa sổ cuối phòng. Này ngài lãnh chúa hãy dừng lại. Cô thét lên: “Tôi đã có chồng chưa cưới. Nếu ngài tiến đến nữa, thì ngài sẻ tìm thấy một xác chết”. Nhưng lãnh chúa vẩn tiến tới. nhanh như cắt, cô gái nhảy thoát lên khung cửa sổ. “Tình quân ơi! Hãy về đây với em!”. Nàng kêu lên câu đó và nhào mình ra khỏi cửa, bay đi như con thiên nga xuống lòng hồ. Ngay lập tức cả toà lâu đài uy nghi, đường bệ tự nhiên rung ring, chao đảo, phát ra những tiếng kêu lắc rắc, rồi sụt dần, sụt dần xuống tận âm ty địa ngục nào đó. Đồng thời, nước từ các con khe, ngọn suối nhiều nơi trong vùng núi đá ào ạt đổ xuống hồ. Tức nước vỡ bờ, sức nước đã dội phá bờ hồ thành một dòng chảy, ào ạt đổ về xuôi, chảy thông ra biển. Dòng nước chảy đến đâu thì phía trên những con cò, con hạc, con vạc, con sếu và phía dưới là những con cá hanh, cá trẻm, cá vược, cá chình tung lượn về theo đó. Dòng nước chảy đến đâu thì ở đó ít lâu sau, những nương dâu, bãi mía, những cánh đồng lúa, nương khoai, những làng quê trù phú mọc lên và chẳng bao lâu đã trở thành một vùng quê thanh bình cảnh sắc xinh tươi, ít nơi nào sánh kịp. Lúc đó, có một vị đạo sĩ từ phương bắc trên đường đi tìm thuốc "trường sinh bất lão” đã dừng lại đây một thời gian vì mến cảnh sinh tình. Ngài hết sức ngạc nhiên vì con sông xanh biếc mà chưa có tên gọi. Lắng nghe dân làng kể chuyện, ngài hiểu rằng, sự ra đời dòng sông thơ mộng này gắn với sự quyên sinh chung thuỷ của người con gái miền sơn cước tài hoa mà bạc mệnh thuở nào, nên ngài nảy ý định lấy tên nàng đặt tên cho dòng sông. Oái ăm thay, chẳng một ai ở đây biết tên nàng là gì. Ngẫm ra, ngài thấy nàng chết khi còn SON trẻ, lại quyên sinh để giữ cho được tấm lòng SON SẮT THUỶ CHUNG với người mình yêu. Do vậy, vị đạo sĩ bèn đặt tên cho dòng sông này là SON. Dân làng vô cùng cảm kích, xúc đông với cái chết của người con gái tài hoa, đoan chính, với tên gọi ân nghĩa được đặt cho dòng sông, nên từ đó dòng sông được dân làng truyền gọi là SON. Mãi mãi cho đến ngày nay dòng sông vẫn giữ được màu lục thuỷ, xanh ngắt, thuỷ chung của mình.
Dòng sông Son với làn nước trong xanh ngọc bích chảy ra từ cửa động Phong Nha đổ vào sông Gianh.
Chúng tôi đi tản bộ dọc con sông trở về khách sạn và tìm một chỗ ăn sáng. Bỗng tôi thấy một bến phà cũ cảm giác quen quen, hình như mình cũng đã từng đặt chân tới đây, sao mà cái cảm giác quen quen ấy càng ngày càng rõ rệt. Tôi tần ngần đứng ngắm hai bên bờ bến phà và láng máng nhớ lại vào khoảng tháng 12 năm 1972, chúng tôi hành quân qua huyện Bố Trạch Quảng Bình để vượt dốc ba thang sang sườn tây Trường Sơn để vào chiến trường miền nam. Tây Trường Sơn thuộc đất bạn Lào nên không bị đánh bom. Buổi sáng sớm lờ mờ khi chúng tôi vừa qua khỏi một bến phà, nhưng khi đó không phải phà mà là hàng trăm chiếc thuyền lá tre mỗi thuyền chở được quảng 5 chú lính lao như con thoi giữa hai bờ để đưa đoàn chúng tôi qua sông tranh thủ khi trời chưa sáng. Qua sông rồi hành quân bộ khoảng một cây số lên một con mương nổi giữa cánh đồng thì có 4 chiếc máy bay thần sấm F105 của Mỹ lao tới ở cự ly rất thấp, tiếng máy bay như muốn xé rách màng nhĩ của chúng tôi.
Máy bay F-105 Thần sấm, át chủ bài của không quân Mỹ những năm 1965 -1966 .
Chúng tôi được lệnh nằm xuống tại chỗ không ai được nhúc nhích. Tôi nằm xuống vệ mương ngửa cổ nhìn 4 chiếc máy bay thần sấm đen sì lần lượt trúc xuống cắt hai trái bom một rồi lại ngóc đầu bay lên. Bom nổ đinh tai, nước bắn lên từng cột. Thật may mắn đoàn quân của chúng tôi đã lên bờ hết, nhưng còn các o chở thuyền và những chiếc thuyền chắc vẫn ở dưới sông. Sau vài loạt bom ban đầu trúng dòng sông, tiếng súng 12 ly 7 từ đỉnh ngọn núi đá bên bờ sông xối xả bắn lên làm những chiếc F4 chưa kịp cắt bom phải ngóc đầu lên thế là bom bay sang bờ phía bên kia nổ tung. Cũng thật may mắn là những chiếc F4 bay từ phía chúng tôi sang bên kia chứ nếu không chúng tôi đã hứng trọn những quả bom lạc rồi. Đúng rồi, kia là ngọn núi ngay bờ sông mà những khẩu 12 ly 7 bắn lên hồi đó.
Bến phà với ngọn núi đá đặt những khẩu 12 ly 7 năm xưa.
Tôi nhìn thấy một tấm bia bằng xi măng cũ kỹ, tiến lại gần thì đúng rồi đây là bến phà thuộc xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch Quảng Bình, nơi mà quân Mỹ đánh phá ác liệt những năm 1965 -1975 vì đây là con đường độc đạo mà các đoàn quân nam tiến đi vào con đường mòn Hồ Chí Minh bên đất Lào.
Tấm bia bằng xi măng ghi lại chứng tích lịch sử của bến phà. Bên kia dưới chân ngọn núi là tượng đài được dựng lên để ghi dấu sự ác liệt của nơi này trong chiến tranh.
Khu di tích lịch sử bến đò sông Son xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình ở bờ phía Tây.
Trở về khách sạn trong tâm trạng lâng lâng hoài niệm. Trong đoàn quân của chúng tôi hôm ấy vào chiến trường có người trở lại nhưng nhiều người không bao giờ trở lại nữa, họ mãi mãi nằm lại đất phương nam. Tôi là một người may mắn không chỉ còn trở lại mà còn may mắn gặp lại bến phà lịch sử năm xưa. Tìm hiểu về lịch sử bến đò được biết Bến phà Xuân Sơn thuộc địa phận xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch là một trong những điểm di tích quốc gia đặc biệt thuộc hệ thống di tích lịch sử đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh trên đất Quảng Bình. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đây là một trong những bến phà huyết mạch trên tuyến vận tải tiếp tế, chi viện chiến lược cho chiến trường miền Nam. Trước đây, bến Xuân Sơn chỉ là một bến đò ngang phục vụ nhân dân qua lại trên sông Son. Năm 1965, cùng với sự ra đời của đường 20 Quyết Thắng, bến phà Xuân Sơn chính thức ra đời với nhiệm vụ đưa người, xe sang sông, bảo đảm cho các hướng chi viện từ đường 12 và đường 15 cùng vượt khẩu với đường 20 Quyết Thắng. Trong thời kỳ đầu, đơn vị sử dụng phà 18 tấn của Ty Giao thông Quảng Bình chuyển sang với nhiệm vụ chủ yếu là kéo phà bằng tay thông hai bến Xuân Sơn - Phong Nha. Lực lượng tham gia xây dựng và bảo vệ bến phà lúc này do Ty Giao thông Quảng Bình quản lý. Năm 1966, Đại đội cầu phà Xuân Sơn được thành lập, lấy phiên hiệu là C16 cầu phà, thuộc Binh trạm 14, Đoàn 559 phụ trách. Do nằm ở vị trí quan trọng trên tuyến vận tải chi viện chiến lược cho chiến trường miền Nam nên bến phà Xuân Sơn trở thành trọng điểm đánh phá rất khốc liệt, tọa độ lửa trong kháng chiến chống Mỹ. Đế quốc Mỹ muốn hủy diệt tất cả sự sống trên vùng bến phà Xuân Sơn nhằm ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc vào miền Nam, chúng thường xuyên cho máy bay ném bom oanh tạc xuống khu vực Xuân Sơn - Phong Nha, đặc biệt là tại bến phà. Do địch đánh ác liệt ở phà Xuân Sơn, để kịp thời thông tuyến chi viện cho chiến trường miền Nam, cán bộ, chiến sỹ công binh và nhân dân địa phương đã tổ chức mở thêm bến phà Nguyễn Văn Trỗi (còn gọi là bến phà B, cách phà Xuân Sơn - bến phà A về phía thượng nguồn sông Son khoảng 4 km, cách cửa động Phong Nha khoảng 800m) phối hợp cùng phà Xuân Sơn đưa người và xe sang sông. Đồng thời, lúc này, phương tiện vận chuyển cũng được tăng cường như phà, canô và đặc biệt là phao để gắn cầu. Sau một thời gian, địch phát hiện được nên chúng cho máy bay đánh phá ác liệt hai bờ nam, bắc Xuân Sơn. Dưới làn bom đạn của địch, các chiến sỹ của Đại đội cầu phà không hề run sợ mà càng nêu cao ý chí quyết tâm đánh Mỹ. Để hạn chế thiệt hại do bom đạn của kẻ thù, bộ đội ta đã chọn động Phong Nha làm nơi cất giấu cầu phà, canô cũng như các khí tài khác. Nghị quyết đơn vị lúc này đưa ra là: “Động là nhà, bến phà là trận địa”. Mỗi ngày vào khoảng 17 giờ, những chiếc phà, ca nô từ động Phong Nha trở lại hai bến phà làm nhiệm vụ vận chuyển tiếp tế đôi bờ. Rạng sáng, những chiếc phà, ca nô, cầu phao lại được tháo ra để kéo vào giấu tại động Phong Nha. Càng thua đau trên chiến trường miền Nam, đế quốc Mỹ càng tập trung đánh phá với mức độ ác liệt hơn trước. Ban ngày, chúng cho các loại máy bay L19 trinh thám, chụp ảnh quan sát dọc bờ sông Son. Đêm đến, chúng sử dụng máy bay C130 thả đèn dù, pháo sáng nhằm dò tìm mục tiêu để đánh phá. Bến phà Xuân Sơn được ví như chiếc túi đựng bom của không lực Hoa Kỳ. Nhiều loại máy bay với đủ các loại bom đạn mà Mỹ bắn phá miền Bắc đều được chúng dội xuống ở đây. Đặc biệt, chúng sử dụng bom tia laze, bom từ trường, thủy lôi thả xuống trên dòng sông Son. Năm 1968, mức độ đánh phá của giặc Mỹ càng dữ dội và khốc liệt hơn. Ước tính mỗi ngày có khoảng 12 đến 16 tốp máy bay bắn phá, liên tục từ ngày này sang ngày khác, tuần này sang tuần khác. Trên đoạn sông Son từ bến Xuân Sơn vào cửa động Phong Nha với chiều dài chưa đầy 5 km nhưng có lúc địch thả 60 đến 80 quả bom. Hai bên bến phà bị bắn phá tan hoang, xơ xác. Địch còn sử dụng rocket bắn vào cửa động Phong Nha hòng đánh sập hang động, phá hủy và làm hỏng nhiều phà, bắn cháy nhiều ca nô khi qua sông, đánh cháy nhiều hàng hóa ở bãi tập kết hàng phía nam. Đặc biệt, nhiều cán bộ, chiến sỹ, nhân viên đã bị thương và hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ bảo vệ bến phà. Cán bộ, chiến sỹ đơn vị phà Xuân Sơn đã chiến đấu anh dũng, quyết tâm đưa xe thông bến. Các chiến sỹ, nhân viên bến phà cùng với dân quân địa phương, thanh niên xung phong và các lực lượng bộ đội chiến đấu ngoan cường bảo đảm cho mạch máu giao thông thông suốt.
Cửa động Phong Nha hiện nay không còn là nơi giấu thuyền và phà để tránh bom và tên lửa của Mỹ mà là nơi đón các thuyền của khách du lịch tới thăm động.
Hai bên bờ nam - bắc sông Son, ta bố trí trận địa pháo 12,7 ly, 37 ly, 57 ly... để yểm trợ, bảo vệ bến phà. Ban chỉ huy bến phà đã chủ động, sáng tạo phân chia chiến sỹ thành nhiều tổ: tổ rà pháo, mở bom mìn, tổ vận chuyển phà và tổ quan sát chiến đấu. Để hạn chế sự đánh phá của địch, bộ đội ta đã có nhiều sáng kiến như dùng nam châm buộc dưới đáy những thùng phuy để cho ca nô, phà kéo đi rà phá bom từ trường. Có chiến sỹ đã dũng cảm ôm mìn lặn xuống sông buộc vào những quả bom chưa nổ để phá. Giữa năm 1968, khi cầu phao bị đánh chìm, cả đơn vị tập đã trung lực lượng để kéo phà ngay dưới làn mưa bom bão đạn của kẻ thù để cho xe thông chuyến. Trong những năm tháng ấy, nhiều cán bộ, chiến sỹ, thanh niên xung phong của ta đã anh dũng hy sinh để bảo vệ phà, ca nô, khí tài phục vụ chiến trường. Các anh Trần Vân đã hy sinh anh dũng khi đang chỉ huy vượt sông, anh Trần Văn Tưởng bị thương ở bụng vẫn lái ca nô cập bến phà an toàn. Anh Phan Thanh Chạy khi phá bom từ trường đã anh dũng hy sinh. Các anh Hồ Đăng Rích, Lê Đức Tín, Võ Thế Chơn… tình nguyện đi phá bom từ trường, trước khi đi đơn vị đã làm lễ truy điệu sống. Biết bao mồ hôi và xương máu của chiến sĩ, nhân viên bến phà, thanh niên xung phong đã đổ xuống nơi đây để lập nên những chiến công thầm lặng cho đoàn xe được nối tiếp đôi bờ, bảo đảm yêu cầu chi viện cho chiến trường với một ước mơ và hoài vọng thiêng liêng là giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Bến phà Xuân Sơn được xếp hạng di tích lịch sử quốc gia năm 1986. Ngày 9-12-2013, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 2383/QĐ-TTg xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt đối với bến phà Xuân Sơn thuộc hệ thống di tích đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh ở Quảng Bình. Di tích bến phà Xuân Sơn hiện nay nằm trong quần thể khu du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng gồm bến phà, tượng đài Chiến thắng, nhà bia tưởng niệm, trở thành "địa chỉ đỏ" trên hành trình du lịch về nguồn, thăm chiến trường xưa.
Sau bữa sáng chúng tôi thuê một chiếc xe máy tự đi tới động Thiên Đường. Quả thật danh bất hư truyền, căn động lớn với mái vòm như nhà thờ hồi giáo với vô số nhũ đá, măng đá, cột đá đủ các loại như một cung điện được mệnh danh là Thiên cung dưới lòng đất. Động Thiên Đường được phát hiện năm 2005, Hiệp hội hang động Hoàng gia Anh khám phá từ năm 2005-2010 và năm 2010 họ công bố hang này có tổng chiều dài là 31,4 km (gấp 10 lần số Pi: 3,14), hang dài nhất châu Á lúc bấy giờ và có độ sâu 150m. Động được tập đoàn Trường Thịnh đầu tư đường nối vào cửa động, bậc thang và đường bên trong động với chiều dài 1,1 km và đã đón khách tham quan từ ngày 3 tháng 9 năm 2010. Con đường bằng gỗ có lan can hai bên giúp du khách đi sâu vào trong động để ngắm nhìn, cảnh đẹp thay đổi theo mỗi bước chân đi sâu vào trong động. Những bức ảnh không thể lột tả được hết vẻ đẹp huyền ảo của những nhũ đá nhưng cũng cứ post lên đây vài ảnh để các bạn thưởng thức.
Cửa động rất nhỏ chỉ một hai người chui lọt nhưng vào bên trong là cả một cung điện khổng lồ nguy nga tráng lệ.
Bên trong động.
Măng đá.
Đây nữa những măng đá tự nhiên huyền diệu.
Sự hùng vĩ và tráng lệ ẩn chứa trong hang.
Như một cung điện dưới lòng đất.
Lưu lại vài bức ảnh làm kỷ niệm.
Trên đường trở về cảnh đẹp làm chúng tôi không thể không dừng lại để ghi vài tấm ảnh, Đây là thác hoa và con đường trong rừng.
Buổi chiều chúng tôi lên thuyền đi vào động Phong Nha.
Động Phong Nha đẹp nhưng không thể so sánh được với động Thiên Đường.
Sáng hôm sau chúng tôi lên xe bus xuống biển Nhật lệ. Một vùng cửa sông đã ghi lại nhiều dấu tích chiến tranh.
Đây là cửa sông Nhật Lệ đổ ra biển.
Hết lái đò rồi lại bán cà phê ở vùng đất nắng lửa trang trang cũng thú vị.
Thư dãn bên bờ biển nhật lệ chiều hè tháng 7. 2016.
Tới thăm tượng đài mẹ Suốt và cây cầu Nhật Lệ, nơi xưa không có cầu, mẹ Suốt chèo đò đưa bộ đội qua sông. "Lặng nghe mẹ kể ngày xưa / Chang chang cồn cát nắng trưa Quảng Bình / Mẹ rằng: Quê mẹ Bảo Ninh / Mênh mông sóng biển lênh đênh mạn thuyền.... Một tay lái chiếc đò ngang / Bến sông Nhật Lệ, quân sang đêm ngày / Sợ chi sóng nước tàu bay / Tây kia ta đã thắng, Mỹ này ta chẳng thua!..."
Kết thúc hai ngày cuối tuần, buổi tối chủ nhật ngồi trong quán cà phê chờ đến giờ xe chạy được tiếp chuyện một bà du khách Pháp, bà tới thăm Việt Nam lần đầu và hôm nay cũng từ Nhật Lệ ra Hà Nội, bà nói bà thích đi thăm phố cổ Hà Nội. Tôi giới thiệu cho bà một số đặc điểm của phố cổ Hà Nội đó là những công trình kiến trúc Pháp, bà rất thích.
Tạm biệt Quảng Bình với cái nắng thật dữ dội làm tôi cháy da cháy thịt mất mấy tháng mới trở lại bình thường, đúng là “trang trang cồn cát nắng trưa Quảng Bình”.