Khám phá Đà Lạt và cao nguyên trung phần hè 2016

Cập nhật: 02/08/2016 Lượt xem: 4645

Khám phá Đà lạt, cao nguyên trung phần và tìm hiểu nguồn gốc loại rượu thuốc huyền thoại của các quý ông, rượu Ama Kông! Hè 2016

Ký sự ảnh của Hà Hoàng Kiệm, BV 103

Hè 2015 Bộ môn –Khoa Phục hồi chức năng BV103 của chúng tôi đã tới Đà Nẵng, thành phố được nhiều người nói là nơi đáng để sống nhất ở Việt Nam. Tới để cảm nhận sự thay đổi ở nơi đây, tới để được thổi thêm luồng sinh khí vào lòng nhiệt huyết xây dựng bộ môn – khoa và tăng sự gắn kết giữa các thành viên trong Bộ môn – Khoa cùng nhau xây dựng và phát triển Bộ môn khoa thành một địa chỉ tin cậy và đáng tìm đến của người bệnh.

 

Còn hè 2016 thì sao?

Cao nguyên Lâm Viên, nơi mà nhà bác học Alecxandre Yersin phát hiện ra năm 1893, nay là thành phố Đà Lạt nổi tiếng là mục tiêu đặt chân tới của thầy trò chúng tôi trong hè 2016. Thành phố này có gì hấp dẫn vậy, có thể nói gọn lại mấy vấn đề sau.

- Alecxandre Emile Jean Yersin, nhà bác học nổi tiếng thế giới là người tìm ra vi khuẩn dịch hạch, ông cũng là người điều chế thành công kháng huyết thanh kháng bệnh dịch hạch và đẩy lui bệnh dịch hạch. Tên ông đã được đặt cho vi khuẩn dịch hạch là Yersenia Pestis, các bác sĩ y khoa không ai không biết tên ông. Ông là người đã khám phá ra cao nguyên Lâm viên năm 1893, để ba năm sau (1899) ông thuyết phục được toàn quyền Đông Dương là Paul Doumer cho xây dựng thành thành phố nghỉ dưỡng cho người châu Âu và nay là Đà Lạt. Điều đó hấp dẫn chúng tôi, những người làm ngành y nên có một lần đặt chân đến nơi đây.

 Alexandre Émile Jean Yersin (sinh ngày 22 tháng 9 năm 1863 tại Aubonne, Tổng Vaud, Thụy Sĩ - mất ngày 1 tháng 3 năm 1943 tại Nha Trang, Việt Nam) là bác sĩ y khoa, nhà vi khuẩn học, và nhà thám hiểm người Pháp gốc Thụy Sĩ. Ông là người khám phá ra Cao nguyên Lâm Viên và vạch ra một con đường bộ từ Trung Kỳ sang Cao Miên, cũng là người thành lập và là hiệu trưởng đầu tiên của Trường Y Đông Dương (tiền thân của Đại học Y Hà Nội), người thành lập Viện Pasteur Nha Trang, người đặt nền móng cho ngành thú y Đông Dương. Ông còn là người đầu tiên đưa giống cây cao su và cây canh-ki-na (quinquina) vào trồng ở Việt Nam.

Yersin đã tìm ra trực khuẩn gây bệnh dịch hạch, sau này được đặt theo tên ông: Yersinia pestis. Người điều chế ra huyết thanh kháng dịch hạch và đẩy lùi bệnh dịch hạch.

Ông đã có 52 năm (1891 - 1943) gắn bó với mảnh đất Nha Trang - Việt Nam, được người dân Nha Trang gọi với cái tên trìu mến là ông Năm. Trước khi mất ông để lại di chúc với nguyện vọng "Tôi muốn được chôn ở Suối Dầu. Yêu cầu ông Bùi Quang Phương giữ tôi lại tại Nha Trang, đừng cho ai đem tôi đi nơi khác. Mọi tài sản còn lại xin tặng hết cho Viện Pasteur Nha Trang, và những người cộng sự lâu năm. Đám táng làm giản dị, không huy hoàng không điếu văn." Theo nguyện vọng của ông, ông được chôn cất ở tư thế nằm sấp hai tay giang rộng như để ôm trọn mảnh đất mà ông coi như quê hương thứ hai của mình. 

- Đà Lạt được mệnh danh là thành phố ngàn hoa, ở đây có rất nhiều loài hoa lạ được trồng thi nhau khoe sắc mà không ở nơi nào có được do khí hậu và thổ nhưỡng ưu đãi cho nơi này.

- Đà Lạt còn nổi tiếng là thành phố trong sương, với những cảnh đẹp mê đắm lòng người, từ nơi này tạo nên rung cảm cho bao bài hát ra đời, nhiều bài hát của Trịnh Công Sơn cũng gắn với Đà Lạt.

- Đà Lạt còn nổi tiếng với khí hậu 4 mùa trong một ngày, từ đây mà các loại rau xanh và trái cây đi khắp cả nước. Đà Lạt còn là xứ sở của Artiso một loại dược thảo cũng là một loại rau được ưa chuộng, các loại xí – muội được làm từ các loại quả và những món ăn độc đáo của xứ sở này.

Chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ hấp dẫn để khám phá lắm rồi.

    

21h ngày 7.7.2016 chiếc máy bay Boing 737 của Jestar Pacific hạ cánh xuống sân bay Liên Khương, Đà Lạt. Hôm nay là một ngày may mắn, thời tiết đẹp nên không có chuyến bay nào bị delay hay cancel, vì ngay ngày hôm sau đã có 9 chuyến bay đến sân bay Liên khương bị cancel vì thời tiết xấu.

Chúng tôi được xe đón về khách sạn VietXo petro, một khách sạn 4 sao chỉ cách chợ trung tâm bên hồ Xuân Hương khoảng 3km. Thế là ngay trong buổi tối hôm ấy mọi người cũng không bỏ lỡ cơ hội thưởng thức hương vị đêm Đà Lạt.

 

Đây là quang cảnh chợ đêm Đà Lạt mặc dù lúc này đã hơn 10h đêm, giữa mùa hè nhưng ngoài trời thì se lạnh.

Thật may mắn, ngay trước cửa khách sạn chúng tôi ở là nhà Bảo tàng văn hóa và xã hội của Đà Lạt, ở đây rất nhiều nội dung hấp dẫn. Phải nói nếu so sánh với nhiều bảo tàng của các tỉnh khác thì đây là bảo tàng được trưng bày khá hệ thống, nhiều hình ảnh và hiện vật hấp dẫn. Tôi tìm được nhiều tư liệu về chuyến thám hiểm của Yersin đang muốn tra cứu ở đây.

 

Đây là tấm bản đồ vẽ năm 1862 ghi lại hành trình 3 chuyến thám hiểm của Yersin mà cao nguyên Lâm Viên được phát hiện trong chuyến thám hiểm thứ hai của ông (Nguồn Bảo tàng Văn hóa – Xã hội Đà Lạt). Nhìn vào đường đi của chuyến thám hiểm thì thấy con đường ngày nay từ Sài Gòn qua Biên Hòa lên Đà Lạt và Buôn Ma Thuột chính là con đường mà Yersin đã khám phá.    

 

Phong cảnh Hồ Xuân Hương thập kỷ 40 của thế kỷ XX, lúc này hồ chỉ là một con suối được ngăn dòng chảy lại (hình trái), và Đà Lạt năm 1020 (Nguồn Bảo tàng văn hóa - xã hội Đà Lạt)..

Núi Langbiang đầu thế kỷ XX (Nguồn Bảo tàng văn hóa - xã hội Đà Lạt).

Sở dĩ thành phố có tên là Đà Lạt vì khi phát hiện ra cao nguyên Lanbiang, Yersin có ghi trong nhật ký: "Từ trong rừng thông bước ra tôi sững sờ khi đối diện một bình nguyên hoang vu giống như mặt biển tràn đầy những làn sóng màu xanh lá cây. Sự hùng vĩ của rặng Langbiang hòa lẫn vào đường chân trời tây bắc tạo nên bối cảnh tráng lệ, gia tăng vẻ đẹp của vùng đất này".  Đến năm 1899, tại vùng đất được Yersin khám phá, Toàn quyền Đông Dương lúc bấy giờ là Paul Doumer cho thiết lập một khu nghỉ dưỡng cho người Âu châu, sau trở thành Đà Lạt. Vùng này có vài bản người dân tộc Lạt sinh sống. Người Lạt được Yersin ghi lại bằng tiếng Pháp là D'Lạt, về sau được người việt gọi là Đà Lạt.

 

Yersin tại cao nguyên Lâm Viên trong một bản người dân tộc Lạt (người mặc áo trắng ngồi ở  nhà sàn bên trái) và cao nguyên Langbiang 1893 khi được Yersin phát hiện.

  

Đây là khu chợ trung tâm của Đà Lạt ngày nay, chợ nằm ngay bên bờ Hồ Xuân Hương thơ mộng. Quang cảnh không khác gì mấy so với 20 năm trước đây tôi đã đến.

   

Vườn hoa Đà Lạt luôn là điểm hấp dẫn mọi du khách. Chụp một tấm ảnh tập thể để ghi lại dấu ấn ở cổng vào của vườn hoa. Hoa ở đây có màu sắc tươi rói, hãy nhìn một chùm hoa giấy hay chùm hoa mua, ở ngoài bắc loài hoa này cũng được trồng nhiều nhưng màu sắc thường sỉn, ở Đà Lạt thì khác hẳn, màu hoa tươi rói đẹp khó tả, càng ngắm hoa càng thấy mê mẩn, màu sắc của hoa trong ảnh không thể lột tả hết vẻ đẹp của nó trong thực tế.

  

Sắc hoa Đà Lạt, những bông hồng vừa to vừa rực rỡ, hình phải là bụi hoa mua, một loài hoa cũng có nhiều ở ngoài bắc, nhưng không có màu tím biếc như thế này.

  

Cao nguyên Langbiang quanh năm mây phủ. Đỉnh Lanbiang cao 2000m trên mực nước biển, cao hơn trung tâm thành phố Đà Lạt 500m (Đà Lạt cao hơn mực nước biển 1500m). Ngọn núi luôn phủ đầy sương mù, thỉnh thoảng sương mù bay đi để lộ ra những thung lũng bên dưới tràn ngập ánh nắng, đứng ở đây nhìn xuống dưới mây núi trập trùng như cảnh thần tiên. Khi chúng tôi lên đến đỉnh Lanbiang thì trời mưa, mây mù, gió lạnh, nhưng may quá vài chục phút sau có một lúc mây mù bay đi cho phép tôi chụp được một vài tấm hình dưới thung lũng,

 

Đây là tấm hình tôi ghi lại được từ đỉnh Langbiang nhìn xuống thung lũng khi may mắn có vài phút mây mù bay đi để lộ ra những tia nắng dọi xuống bên dưới, có thể chụp được từ đỉnh Lanbiang, phải phục kích khá lâu mới có cơ hội này vì ngay sau đó sương mù lại ôm trọn đỉnh Lanbiang và mọi thứ lại chìm trong mây mù

 

  

Thung lũng tình yêu.

  

Đường hầm đất sét, một công trình mới được đưa vào khai thác. Đường hầm đất sét dài hơn 1200m giữa rừng thông xanh biếc do anh Trịnh Bá Dũng thuộc công ty cổ phần Sao Đà Lạt – Dalat Star thực hiện, Anh Dũng là người có đam mê với những kiến trúc cổ của Đà Lạt đã sáng tạo ra công trình này.
Sau 4 năm nghiên cứu, anh Trịnh Bá Dũng đã tìm ra công thức biến đất sét bazan thành một chất liệu mới có màu sắc độc đáo và đặc biệt thân thiện với môi trường. Đường hầm đất sét chính là sự đột phá đỉnh cao về chất liệu khi xây dựng nên nó là một hỗn hợp có độ bền tương đương với bê tông. Công trình này được xây dựng bằng đất đỏ bazan tại Đà Lạt được trộn với bột đá và xi măng cho ra một hỗn hợp có độ cứng tương đương với bê tông có màu nâu đậm như đất sét. Đường hầm mới đi vào khai thác năm 2012.
Theo ý tưởng của anh Trịnh Bá Dũng, công trình điêu khắc nghệ thuật này được tạo nên với hai nội dung là tái hiện lại một Đà Lạt từ thuở ban sơ và một Đà Lạt là thành phố du lịch nghỉ dưỡng nổi tiếng tại Việt Nam.

  

Hồ Than thở và Đồi thông Hai mộ, một thiên tình sử sâu lắng lòng người là một kỳ quan tuyệt vời của tạo hóa. Rất tiếc thác Preen và một số địa danh khác đã dần lùi vào dĩ vãng vì cạn kiệt nguồn nước.

 

Trở lại Hồ Xuân Hương với những căn biệt thự cổ trên đồi thông thật lãng mạn. Bầu trời Đà Lạt rất lạ, đang nắng bỗng mây mù bay đến che phủ toàn bộ và những giọt mưa ào đến, nhưng rồi mây bay đi để lại khoảng trời trong xanh. Đi chơi ở Đà Lạt tốt nhất nên mang theo một chiếc áo gió, khi làn mây được gió đưa tới bạn sẽ cảm thấy lạnh và ẩm như mùa đông, lúc này chiếc áo gió là vừa đủ, mây bay đi trời trong nắng hồng trở lại thế là lại phải cởi bớt áo. Chỉ khổ cho những người viêm mũi dị ứng như tôi, cứ suốt ngày sụt sịt và hắt hơi. Bạn Đồng Văn Nam trong đoàn bảo có một máy điều hòa nhiệt độ cho cả thành phổ nên thầy suốt ngày dị ứng là phải, để em gọi điện bảo Ngọc Hoàng tắt cái điều hòa này đi thì thầy mới hết dị ứng. Có lẽ giải thích như vậy là quá đúng, một lời giải thích hóm hỉnh và thông minh vì tôi cứ ngồi trước máy điều hòa nhiệt độ là viêm mũi dị ứng lại xuất hiện.

  

Thác Datanla.

 

Buổi tối trong quán caffe nhạc Trịnh.

  

Dinh Bảo Đại. Bảo Đại là ông vua cuối cùng của triều Nguyễn. Nước Việt Nam lúc này bị Pháp đô hộ, vì thế vua không có thực quyền, ông chỉ đi chơi với các bà phi, đi săn bắn và nghỉ dưỡng là công việc chính của ông, vì thế đến bất kỳ nơi nghỉ dưỡng nào trên đất Việt Nam cũng thấy dinh Bảo Đại chiếm những vị trí đẹp nhất khu nghỉ dưỡng.

  

Đà Lạt là sứ sở của tranh khắc gỗ, đây là một bức tranh khắc gỗ thư pháp với triết lý sâu xa của chữ nhẫn.

  

Bữa tiệc tạm biệt Đà Lạt ở nhà hàng của khách sạn Kings, 10 Bui Thi Xuan Street Ward 2, kết thúc ba ngày ba đêm bên nhau ở vùng đất nổi tiếng “Đ' Lạt” để trở lại sân bay Liên Khương vào buổi tối.

 

  Rồi cũng phải kết thúc những ngày ở Đà Lạt để trở về với công việc, với những đam mê và sáng tạo mới.

 

Tiễn mọi người ra sân bay xong, từ Đà Lạt chúng tôi cùng bố con nhà Khoai Mít xuống Buôn Ma Thuột , rồi tới Hồ Lắk, Buôn Đôn nơi nổi tiếng thuần dưỡng voi để tiếp tục khám phá cao nguyên trung phần.

Buôn Đôn còn nổi tiếng với rượu thuốc Ama Kông, thứ rượu được cho là làm cường tráng sức khỏe đàn ông hay là thứ rượu “ông uống, bà khen”. Ông Ama Kông nổi tiếng là vua săn bắt voi rừng ở cao nguyên trung phần, ông đã bắt tổng cộng 298 con voi. Ông  thọ 102 tuổi, có 4 người vợ, 21 người con, 128 cháu và chắt. Lúc 80 tuổi ông mới cưới bà vợ thứ tư 25 tuổi và đẻ thêm một người con gái, ông trở thành biểu tượng của... Buôn Đôn. Ai đã đến Buôn Đôn cũng đều tìm vào thăm nhà ông. Ồng có con voi tên là Khăm Thưng rất khôn. Buôn Đôn là một vùng đất có sự hòa trộn huyết thống của mấy dân tộc, trong đó có người Lào, người M'Nông, người Ê đê. Đôn có hai cách gọi, Buôn Đôn là tiếng M'Nông, Bản Đôn là tiếng Lào, tức là "làng Đảo". Ngay tên Buôn Ma Thuột cũng thế. Buôn Ma Thuột là tiếng Êđê, tức là buôn của Bố thằng Thuột, còn tên nữa là Ban Mê Thuột, tức là bản của Mế thằng Thuột tiếng Lào. Bố thằng thuột là một vị tù trưởng giàu có và quyền uy nhất vùng; để rồi từ đây hình thành nên các buôn làng xung quanh, phát triển thành thành phố Buôn Ma Thuột ngày nay (Thuở xưa, đây là vùng đất của người Ê Đê Kpă với khoảng 50 nhà dài Ê Đê nằm dọc theo suối Ea Tam do tù trưởng A Ma Thuột cai quản với các Buôn: Buôn Ako Tam, Buôn Kmrong Prong, Buôn Păn Lăm, Buôn Ako sier, Buôn Ale, Buôn Cư dlue...xuôi theo dòng Êa Tam đổ ra sông Krông Ana nghĩa là sông mẹ, sông Sêrêpôk). Nên voi của Ama Kông là Khăm Thưng, con trai lớn của ông là Khăm Phết (Khăm là họ Lào). Khi ông trên 90 tuổi vào Buôn Đôn khó mà gặp được ông vì ông về nhà các con để ở. Người ta đồn rằng ông đi trốn bà vợ thứ tư vì ông đã trên 90 tuổi mà bà vợ thứ tư kém ông tới 55 tuổi một thời xinh đẹp rừng rực lửa, về sau bà nghiện rượu, suốt ngày uống rượu và rượt đuổi ông. Hiện nay sống trong ngôi nhà cổ trăm năm tuổi hoàn toàn bằng gỗ của Ama Kông là bà con gái của ông, cũng phải trên sáu chục tuổi. Bà này trông tướng rất phúc hậu, ăn trầu bỏm bẻm như người Kinh, ngồi bán thuốc, rất tự tin khi tuyên truyền về thuốc và đoán bệnh người đến mua trong khi cái tấm biển quảng cáo thuốc viết bằng bút mực trên một tấm bìa các tông rách to bằng quyển vở, nguyên văn: THUỐC MA KÔNG. Công dụng: ngâm riệu, một thang thuốc ngâm từ 7-8 lít. Tác dụng: Đau lưng, nhức mỏi, đau khớp, tráng dương.

  

Hiện nay đi khắp buôn Đôn chỗ nào cũng thấy bán các gói thuốc Ama Kông, thực hư thế nào không biết nhưng nhiều người tò mò và nhất là chị em trung tuổi thấy xách túi nọ bịch kia không biết để làm quà tặng cho chồng hay là để tặng cho chính mình thì khó mà đoán được ý định của các bà, các chị.

 

 Ama Kông (1910-2012) có tên khai sinh là Y Prông Êban, tên Lào là Khăm Proong, vì có con đầu lòng tên Kông nên theo luật tục gọi là Ama Kông có nghĩa là cha thằng Kông. Ama Kông là người dân tộc M’Nông, sinh năm 1910 (theo lời gia đình hoặc sinh năm 1917 theo khai sinh), tại bản Đôn, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk, nơi săn voithuần dưỡng voi rừng nổi tiếng của Việt Nam. Ama Kông là người săn được nhiều voi nhất ở Việt Nam (298 con).

Ông là cháu của "vua săn voi" - Khun Ju Nốp. Năm 13 tuổi, Ama Kông đã làm thợ phụ trong đoàn săn voi. Đến năm 17 tuổi trở thành thợ chính. Trong chuyến đi này, ông đã bắt được 5 con voi. Một chuyến đi săn của ông thường kéo dài khoảng 2 tuần, nhưng cũng có khi kéo dài đến trên 30 ngày.

Do không có con nên vua săn voi Khun Ju Nốp đưa Amakông và H'Nố về nuôi từ nhỏ, lớn lên thì cho lấy nhau dù cùng huyết thống. Luật tục quy định lấy nhau cùng huyết thống là điều cấm kỵ nhưng ba anh em Y Ki, Y Leo có và danh giá nhất vùng. Họ sợ nếu con lấy người ngoài thì của cải bị phân tán. Họ gả con cho nhau để của cải không vào tay người ngoại tộc. Ông còn là tay chơi nổi tiếng: Tay không bắt bò rừng, biết thổi tù và, chơi giỏi nhiều nhạc cụ, khiến các sơn nữ mê mẫn. Cũng là người mê cờ bạc từng bán voi lấy tiền, đi máy bay từ Buôn Ma Thuột đến Sài Gòn đánh bạc chỉ 3 ngày cúng chiếu bạc hết cả con voi trị giá 40.000 đồng (thời 1959, 60). Số tiền đó đủ làm 10 căn nhà sàn dài bằng gỗ tốt. Theo những người mô tả kể cả các bức ảnh thì thời thanh niên ông: Cao lớn, vạm vỡ, đẹp trai, giàu có, nổi tiếng, sống phóng túng, hoang dã, dữ dội, tài ba, và đào hoa.

Người vợ đầu của ông mất vào năm 1941 do chứng hậu sản, theo tục nối dây, em gái của H'Nố là H'Hốt thay chị nâng khăn sửa túi cho anh rể. Ở với nhau một thời gian, cuộc hôn nhân này bị gãy gánh do H'Hốt không đồng ý cho Ama kông lấy vợ. Theo luật tục của người M'Nông, khi người chồng muốn bỏ vợ và ngược lại, ngoài việc phải nộp phạt cho làng, anh ta phải để lại toàn bộ của cải cho vợ nuôi con. Thế nên khi quyết định lấy người vợ thứ 3, Amakông bước ra khỏi nhà với hai bàn tay trắng. Tiếp tục làm nghề săn bắt voi trong rừng, trở thành vua Voi của Cao Nguyên trung phần. Ông từng tặng voi cho vua Thái Lan, vua Lào, từng đi săn voi với Hoàng đế Bảo Đại, từng tặng một con voi trắng cho Tổng thống Ngô Đình Diệm (được tặng lại 3 khẩu súng và rất nhiều tiền bạc). Ama Kông cũng được Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi giấy khen kèm khoản tiền thưởng 50 nghìn đồng, do thành tích góp voi cho kháng chiến vào năm 1954. Người vợ thứ ba cũng không nhắc đến nhiều, chỉ biết rằng ông 75 tuổi thì góa vợ. Những năm 90 thế kỷ trước, "Vua voi" Ama Kông khi đã ngoài 80 tuổi,trong một lần dạo chơi ở buôn khác, tình cờ quen một cô gái mới 25 tuổi tên là H’Khăm. Ông đã đưa cô này về ra mắt buôn làng, chính thức kết duyên vợ chồng. Ông kết hôn với người vợ thứ tư ở tuổi 80. Người vợ thứ tư khi ấy mới 25 tuổi, đẹp như bông hoa pơ - lang, choáng ngợp trước sự dũng mãnh, tráng kiện của "Vua Voi" mà đồng ý lấy "cụ" làm chồng.

 

Ama Kông và người vợ thứ tư là H'Khăm (ảnh trái), ông và con gái với người vợ thứ tư khi ông đã trên 80 tuổi.

Rừng Tây Nguyên ngày càng thu hẹp, không gian cho các loài động vật trong rừng ngày càng lùi xa. Chính phủ cấm săn bắt và bắn các động vật rừng. Voi rừng cũng không nằm trong ngoại lệ đó. Trong chuyến đi săn cuối cùng vào năm 1996 Ama Kông bắt được 7 con voi, sau đó dũng sĩ săn voi rừng số 1 Tây Nguyên đã chuyển nghề sang làm huấn luyện voi cho rừng quốc gia Yok Đôn. Ông bước vào mối tình thứ tư với một người vợ trẻ, mỗi lần đi bước nữa ông để lại của cải cho con cái. Khi lấy bà vợ lần thứ tư Ama Kông không đất đai, không nhà cửa, chỉ có tay trắng. Đám cưới không giết trâu, giết bò, lúc đó chỉ làm con gà. Lễ buộc dây cổ tay, cổ chân không có vòng vàng vòng bạc, lấy dây rừng làm tượng trưng.

Rạng sáng nay 3/11/2012, huyền thoại săn voi Ama Kông đã vĩnh biệt cõi trần ở tuổi 102. Ông có 21 người con, 118 cháu, chắt. Ama Kông còn nổi tiếng với bài thuốc gia truyền, tráng dương, bổ thận được nhiều người ca ngợi (Nguồn Bách khoa toàn thư mở Wikipedia).

 

Mộ vua voi Khun Ju Nốp - Người khai phá và là ông tổ nghề săn voi bản Đôn (hình trái).  Mộ Ama Kông (có tháp nhọn) tại bản Đôn.

  

  Voi ở Buôn Đôn, Khoai đang ngồi ở thớt voi bên trái, Sơn đang đem mía cho voi ăn.

Buôn Đôn là tên huyện được đặt khi thành lập huyện mới, còn Bản Đôn cũ theo tên gọi tiếng Lào ngày xưa (sắc dân Lào chiếm đa số ở đây khi còn sơ khai) có nghĩa là "Làng Đảo" nghĩa là một ngôi làng được xây dựng trên một ốc đảo của Sông Serepôk. Đây là một trong những điểm giao thương quan trọng của 3 nước Đông Dương ngày xưa. Khi ấy, người Lào trong lúc ngược dòng sông buôn bán, bắt gặp mảnh đất này đã bị quyến rũ và ở lại cùng người Ê Đê bản địa xây dựng lên ở đây một ngôi làng trù phú. Nơi đây vốn nổi tiếng với nghề săn bắt, thuần dưỡng voi rừng, với huyền thoại về Vua Voi Khun Sa nuk, người đã bắt được và thuần dưỡng hơn 170 con voi rừng, trong đó có một con bạch tượng tặng vua Thái Lan và Khun Sa nuk chính là danh hiệu vua Thái Lan ban cho ông. Bản sắc dân tộc và tất cả những điều ấy, đã biến Bản Đôn trở thành thương hiệu nổi tiếng nhất của Du lịch Đắk Lắk, một nơi không thể không đến khi đến Đắk Lắk. Cho đến bây giờ vẫn có thể khẳng định: du khách trong nước và cả thế giới nay vẫn biết đến Bản Đôn nhiều hơn là cái tên Đắk Lắk, cũng giống như thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột.

  

Vẻ đẹp Buôn Đôn.

  

 Hồ Lắk miệng một núi lửa cổ xưa trở thành một điểm du lịch hấp dẫn của Buôn Ma Thuột. Hồ Lắk là một hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất tỉnh Đăk Lăk và lớn thứ hai Việt Nam sau Hồ Ba Bể. Xung quanh hồ có những dãy núi lớn được bao phủ bởi các cánh rừng nguyên sinh. Buôn Jun, một buôn làng nổi tiếng của người M'Nông, nằm cạnh hồ này. Xung quanh hồ còn có những kiến trúc lịch sử như biệt điện của hoàng đế Bảo Đại, nhà dài của người M'Nông. Hồ Lắk nằm bên thị trấn Liên Sơn (hay Lạc Thiện) huyện Lắk, cạnh tuyến đường giao thông giữa Buôn Ma ThuộtĐà Lạt, cách thành phố Buôn Ma Thuột khoảng 56 km về phía Nam theo quốc lộ 27. Qua đèo Lạc Thiện khoảng 10 km trước khi vào thị trấn Lạc Thiện sẽ nhìn thấy hồ nằm bên tay phải. Còn không gian của khu rừng lịch sử, văn hóa, môi trường hồ Lắk còn bao trùm các xã Bông Krang, Yang Tao, Đắk Liêng. Đây là hồ tự nhiên có độ sâu lớn nhất còn hơn cả Biển Hồ. Dân tộc bản địa ở đây còn có cả một huyền thoại nói hồ sâu không đáy hoặc thông qua tận Biển Hồ. Hồ rộng trên 5 km², được thông với con sông Krông Ana. Mặt hồ luôn xanh thắm, xung quanh hồ được bao bọc bởi những dãy núi cao nên mặt nước hồ luôn phẳng lặng và có các cánh rừng nguyên sinh rộng lớn với hệ động thực vật phong phú. Theo truyền thuyết hồ lắk được tạo ra bởi anh hùng lắk liêng người dân tộc M'Nông

  

Buôn Ma Thuột là thủ phủ của caffe. Ở đây có làng Cà phê Trung nguyên và Thiên đường cà phê Mehico được thiết kế rất đẹp và thân thiện môi trường.

 

Thiên đường cà phê Mehico.

 

Buôn Ma Thuột, một địa danh rất đáng khám phá, nhưng thôi không kể nữa để mọi người tới và tự khám phá. Vì tôi nhớ lại một câu nói của Albert Einstein:  Giáo dục là khơi dậy niềm đam mê của người học chứ không chỉ đơn thuần là cung cấp kiến thức. Vì thế chỉ nên cung cấp vài bức ảnh để kích thích tính tò mò của mọi người vậy thôi.

   

       Không nhìn                      Không nói                     Không nghe             Không biết

Tôi bắt được mấy chú khỉ này trong khu Thiên đường cà phê Mehico, Nghe theo lời Albert Einstein tôi để nó kết thúc ký sự này.


CHIA SẺ BÀI VIẾT

Bài cùng chủ đề

Bài về chủ bút

    Tinh hoa nhân loại

      Khoa học

        Văn học

          SÁCH CỦA TÔI