Nơi “địa đầu” tổ quốc
Ký sự ảnh của Hà Hoàng Kiệm
“Học đi em
Học đi mà nhớ mãi
Quê hương ta một dải
Từ Mũi Cà Mau
Đến địa đầu Móng Cái
Quê hương ta
Đồng ruộng phì nhiêu
Đủ bốn mùa hoa trái
Núi Trường Sơn vĩ đại
Bờ biển rộng bao la
……………………..”
Bài thơ học thuộc lòng từ cấp I “Học đi mà nhớ mãi” từ thuổ chúng tôi còn là con nít vẫn lưu giữ trong kí ức tôi. Tôi tin rằng thế hệ chúng tôi (5x, 6x, 7x) mọi người đều vẫn nhớ và thuộc bài thơ này "đất nước ta một dải, từ mũi Cà Mau, đến địa dầu Móng Cái". Ai đã từng đến Cà Mau rồi mà chưa đến "địa đầu" Móng Cái hay đã đến "địa đầu" Móng cái rồi mà chưa đến Cà Mau thì vẫn có cảm giác chưa trọng vẹn.
Cho đến hôm nay tôi đã đặt chân đến:
Cực bắc (Cột cờ Lũng Cú, Đồng Văn, Hà Giang),
Cực nam (Mũi Cà Mau),
Cực đông (Mũi Điện, Khánh Hòa),
Nhưng còn “địa đầu Móng Cái” của tổ quốc vẫn chưa có dịp đặt chân đến, nhưng bài thơ “Học đi mà nhớ mãi” thì đúng là vẫn còn nhớ mãi.
Học đi mà nhớ mãi
Học đi em
Học đi mà nhớ mãi
Quê hương ta một dải
Từ Mũi Cà Mau
Đến địa đầu Móng Cái
Quê hương ta
Đồng ruộng phì nhiêu
Đủ bốn mùa hoa trái
Núi Trường Sơn vĩ đại
Bờ biển rộng bao la
Có Việt Bắc mồ ma giặc Pháp
Nối liền Đồng Tháp Nam Bộ thành đồng
Học đi em
Học đi mà nhớ mãi
Đất ta liền một dải
Như máu chảy trong người
Kẻ nào định chia đôi
Chia lòng ta sao được
Em học đi cho thuộc
Rằng:
Lòng ta chung một Cụ Hồ
Lòng ta chung một Thủ đô
Lòng ta chung một cơ đồ Việt Nam!
Rất tiếc, các sách giáo khoa xưa lại không ghi tên tác giả, vì thế chẳng biết bài thơ này của ai, có người bảo của Tố Hữu, có người bảo cải biên từ một bài thơ của Tố Hữu, nhưng có người lại bảo là bài thơ của một thầy giáo làng tên là Nguyễn Viết Liêm (Ông là thầy giáo trường làng, xã Lãng sơn - huyện Anh Sơn - Nghệ An. Đây là bài thơ duy nhất của ông. Người ta gọi ông là nhà thơ " hiện tượng 1 bài". Ông bị bệnh động kinh và đã bị mất trong một lần lên cơn động kinh ngã úp mặt xuống một mương nước). Có lẽ vì ngày xưa cái gì các cụ cũng coi là của tập thể mà không quan niệm quyền tác giả. Bài thơ vì thế trở nên khuyết danh.
Tôi vẫn tâm niệm sẽ phải đặt chân đến “địa đầu” tổ quốc, nơi đặt cột mốc số 0 của Việt Nam. Chính bài thơ học thuộc lòng từ thuổ nhỏ vẫn thôi thúc tôi. Thế là một ngày hè tháng 7/2016 (ngày 02) vợ chồng tôi lên đường.
Ở Hà Nội trời đang giữa hè nắng nóng ngột ngạt, có lẽ đi ra biển sẽ dễ chịu. Do chủ quan không xem dự báo thời tiết, thế là sau một đêm đến 5giờ sáng, chiếc xe giường nằm Ka Long - Hà Nội dừng lại và thông báo mưa liên tiếp 3 ngày làm các con đường trong thành phố Móng Cái ngập sâu, xe không vào bến được, phải đỗ cách bến xe Ka Long, Móng Cái 1,5 km. Chúng tôi bước xuống xe, trời mưa tầm tã, gọi được chiếc taxi đi vòng vèo để tránh các con đường ngập, cuối cùng cũng vào được thành phố, nhưng khách sạn nào cũng trả lời khách đoàn đã đặt hết phòng. Theo mách bảo của người lái taxi, chỉ còn cách tìm một cái nhà nghỉ nào đó sạch sẽ may ra còn chỗ. Đúng vậy chúng tôi đã tìm được một nhà nghỉ ngay giữa trung tâm thành phố, tiện nghi không đầy đủ lắm nhưng sạch sẽ. Tắm rửa ăn sáng xong mà trời vẫn mưa tầm tã. Thất vọng quá, hỏng mất chuyến đi rồi, vì thứ hai phải có mặt ở đơn vị để làm việc rồi, không thể kéo dài chuyến đi được. Lên giường nằm ngủ, may quá 10 giờ sáng trời tạnh, chỉ còn mây mù u ám nhưng khô ráo.
Đứng trên cầu Móng cái chụp vài bức ảnh, vì trời âm u nên ảnh không được sáng, tuy nhiên cũng cho thấy ở bức ảnh bên trái là khu Casino của Việt Nam đang xây dựng sắp khánh thành (có nhà mái vòm màu vàng ở giữa hai tòa hình cánh cung), hai nhà cao tầng nhìn thẳng sông Bắc Luân ở ảnh giữa là đất Trung Quốc, ảnh trái khối nhà tròn là khu chợ trung tâm Móng Cái, phần lớn do các thương nhân Trung Quốc ngồi bán hàng, chợ chỉ mở cửa đến 12 giờ do các thương nhân Trung Quốc còn về bên kia biên giới.
Chúng tôi tranh thủ xuống bãi biển Trà cổ, bãi biển cách thành phố Móng Cái hơn chục cây số. Bãi biển đẹp, dài khoảng 5 km hình cánh cung với bờ cát đen mịn và thoải, nhưng biển động, sóng to và nước đục ngầu, có rất ít khách xuống biển.
Bãi biển Trà Cổ ngày mưa dông, một cháu bé đang hái hoa muống biển và lưa thưa khách.
Ngồi ngắm biển một lát, chúng tôi trở lên con đường dọc bờ biển thuê một chiếc xe đạp đôi để đến “địa đầu” tổ quốc cách Trà Cổ 6 km. Dọc đường rất nhiều cảnh đẹp, ghi lại mấy bức làm kỷ niệm.
Một cây đa với tán cành tuyệt đẹp, thư dãn chút đã, how excellently!
Tiếp tục lên đường.
Đây rồi cột mốc số 0 và đây nữa mũi Sa Vĩ, nơi địa đầu của tổ quốc, đánh dấu nơi bắt đầu của tổ quốc Việt Nam yêu dấu. Phải ghi lại thật nhiều những bức ảnh nơi đây để làm kỷ niệm mới được.
Cột mốc số 0 của Việt Nam đây rồi (hai mặt của cột mốc).
Đây là mũi Sa Vĩ, Trà Cổ, Móng cái, nơi “địa đầu” tổ quốc. Dải đất mờ mờ bên kia là Trung Quốc.
Các biểu tượng nơi địa đầu tổ quốc.
Thật tuyệt vời khi được đứng ở nơi này.
Hãy thoái mái đi!
Đây là nơi bắt đầu đường bờ biển Việt Nam. Từ đây vào tới mũi Cà Mau dài 3260km.
Ngồi đọc lại bài thơ “Học đi mà nhớ mãi” ở chính nơi địa đầu này mới thật là thú vị.
Các cặp tình nhân đến đây khắc tên vào khóa và khóa vào đây như để khẳng định tình yêu của mình. Cặp tình nhân trong ảnh cũng bắt chiếc nhưng chỉ đan các ngón tay vào nhau để làm như khóa vậy thôi.
Trời lại sắp đổ mưa, đã đến lúc phải về rồi. Chào Sa Vĩ. See you again!