Phượt xuyên Việt ký
Episode 6 - Ngày thứ sáu (Mũi Né Phan Thiết – Thành phố Vũng Tàu)
Google Map đã tự động ghi lại lịch trình trong ngày của chúng tôi
Có lẽ đây là ngày chúng tôi di chuyển với quãng đường ngắn nhất 262km với thời gian 18 giờ 1 phút từ khách sạn Mũi Né Beach Hotel 285 Nguyễn Đình Chiểu, phường Hàm Tiến, Mũi Né, Phan Thiết tới Condotel Sơn Thịnh 02 Residence, số 02 Lê Hồng Phong, phường Thắng Tam, Bãi sau, thành phố Vũng Tàu.
Buổi tối ở Mũi Né, chúng tôi có một cuộc hẹn gặp hai người bạn ở một quán caffe nhìn ra biển. Vì chúng tôi đến Mũi Né muộn, cất đồ vào khách sạn xong là đi luôn đến chỗ hẹn đã thấy hai bạn đang chờ ở đó. Một bạn là đồng nghiệp cùng lớp đại học của tôi, rất thân nhau vì trước khi vào khóa đại học chúng tôi có thời gian cùng ở trong một nhà dân ở làng Ngọc Trục một năm trời khi về lớp dự khóa để chờ vào năm học tới. Khi đó chiến tranh chống Mỹ vừa kết thúc, số anh em được các đơn vị đưa về đại học Quân y đã là sinh viên trước khi nhập ngũ thì theo chính sách không phải thi tuyển đại học nữa. Đại học Quân y tổ chức một lớp dự khóa để ôn lại văn hóa cấp ba cho chúng tôi, thực chất là chờ để vào năm học mới. Chúng tôi được đưa về xã Ngọc Trục, huyện Từ Liêm cách Đại học Quân y 5km, ở trọ trong nhà dân và mượn chùa làng làm lớp học. Tôi, Quế và Tiến ở chung một nhà, Quế ít tuổi nhất nên gọi chúng tôi là anh và xưng em. Sau này, trong suốt 6 năm học đại học chúng tôi vẫn là những người bạn thân thiết. Ra trường mỗi đứa một nơi, tôi về bệnh viện 103, Quế về binh chủng không quân, còn Tiến về Quân khu Thủ Đô. Bạn Quế cũng đã nghỉ hưu và hiện cả gia đình đang sinh sống ở thành phố Nha Trang nhưng cả nhà cũng đang vào Mũi Né nên chúng tôi hẹn nhau hội tụ ở đây. Còn một bạn nữa đấy là cô Thu, cô Thu coi vợ chồng tôi như là anh chị. Cô là công an ở thành phố Phan Thiết nhưng quê gốc ở Sơn Tây Hà Nội. Vì sinh sống ở Phan Thiết từ khi mới gia nhập ngành công an nên giọng nói của cô pha chút giọng miền nam. Tôi định giới thiệu mọi người với nhau thì Thu nhanh nhảu nói: Chúng em đã làm quen nhau rồi. Sau một lúc hàn huyên tôi hỏi:
- Tình hình sức khỏe của Thu gần đây thế nào?
- Mọi thứ đều bình thường anh ạ, em mới đi khám tổng thể lại ở bệnh viện 19-8 trong Sài Gòn tuần trước đó, mọi chỉ số đều bình thường.
Thu quay sang Quế:
- Số em may mắn, hồi đó gặp được anh Kiệm chứ không thì bây giờ không có mặt ở đây để uống caffe với các anh rồi.
Chúng tôi ôn lại chuyện cũ: Khoảng năm 2002 Thu bị bệnh Hội chứng thận hư, lúc đó cô chưa đến 40 tuổi, toàn thân phù to, đã điều trị ở bệnh viện đa khoa Phan Thiết rồi vào bệnh viện 19-8 Bộ Công an ở thành phố Hồ Chí minh, điều trị vài lần nhưng bệnh giảm rồi lại trở lại như cũ. Bệnh đã kéo dài gần 2 năm, khiến cô rất lo lắng vì những lần nằm viện đã nhìn thấy các bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối phải chạy thận nhân tạo như thế nào. Năm đó cô về quê ở Sơn Tây, Hà Nội ăn tết được một người cùng quê dẫn lên gặp tôi, vì khi đó tôi là tiến sĩ chuyên ngành nội thận tiết niệu, là bác sĩ giảng viên của Bộ môn – Khoa nội Tim mạch – Thận – Khớp – Nội tiết Bệnh viện 103 Học viện Quân y, nhiều sinh viên Quân y và các bác sĩ biết đến tôi. Tôi đồng ý điều trị ngoại trú cho cô với điều kiện cô phải ở ngoài này ít nhất 2 tháng để dùng thuốc điều trị tấn công, mỗi tuần trở lại khám 1 lần. Rất tuyệt vời, sau 2 tháng protein niệu đã về âm tính, các chỉ số sinh hóa máu đã về gần bình thường. Cô trở về đơn vị ở Phan Thiết tiếp tục làm việc và mỗi tháng bay ra Hà Nội một lần để khám lại và điều chỉnh thuốc điều trị duy trì. Cô thực hiện rất nghiêm chỉnh, đều đặn hàng tháng ra khám lại. Có một lần cô bay ra Hà Nội để khám định kỳ mà không điện thoại trước cho tôi, lần đó không may tôi lại vào chấm thi trong thành phố Hồ Chí Minh, thế là cô lại bay vào thành phố Hồ Chí Minh gặp tôi. Sau 6 tháng điều trị duy trì, cô đã khỏi, các thông số hoàn toàn bình thường, protein niệu âm tính đã 6 tháng, cô được ngừng thuốc và cứ 3 hoặc 6 tháng kiểm tra lại các thông số ở bệnh viện địa phương và thông báo cho tôi qua điện thoại. Rất may từ đó đến nay gần 20 năm cô đã khỏi hoàn toàn. Cô và vợ chồng tôi đã trở thành những người thân như anh em trong nhà. Hiện nay cô đã nghỉ hưu và thích đi chùa, trở thành một phật tử tích cực.
Bãi biển Mũi Né và các Resort dọc bãi biển nổi tiếng vì vẻ đẹp và sang trọng
Quế hỏi tôi:
- Trước đây anh làm chuyên ngành thận, em còn nhớ anh tặng em cuốn sách “Thận học lâm sàng” một cuốn sách đồ sộ của anh mà em vẫn trân trọng để trên giá sách. Sau này em nghe nói anh lại sang làm bên chuyên ngành Phục hồi chức năng, lý do là sao vậy?.
- Ồ chuyện dài lắm, đã lâu rồi, có lẽ hơn 10 năm chúng mình chưa gặp nhau. Chuyện là thế này, ban đầu tớ làm ở khoa nội chung Tim mạch – Thận – Khớp – Nội tiết. Tớ đã là tiến sĩ chuyên ngành nội thận, bệnh viện 103 là nơi ghép thận đầu tiên ở Việt Nam đúng không, 4 ca ghép đầu tiên thì tớ đang đi học, từ ca ghép thứ 5 trở đi, tớ là người chủ công trong tổ tuyển chọn và chuẩn bị các cặp người cho và người nhận thận ở bệnh viện 103. Nói là tổ chứ thực ra chỉ có hai chị em, tớ và chị Trang, vì chị Trang lúc đó làm phó chủ nhiệm phòng khám bệnh, còn tớ thì ở trong khoa điều trị, vì thế mọi công việc chủ yếu là tớ làm. Tớ rất yêu chuyên ngành thận, phải nói là đam mê với nó và đã trở thành phó giáo sư chuyên ngành năm 2004.
Đến 2006, Học viện Quân y thành lập Bộ môn Phục hồi chức năng trên cơ sở khoa Vật lý trị liệu, vì ban đầu mới thành lập nên chưa có cán bộ chuyên ngành, thế là tớ được điều sang làm chủ nhiệm bộ môn để xây dựng chuyên ngành. Nghe tin được điều sang chuyên ngành khác, tớ không thích đã lên gặp thủ trưởng Bệnh viện và Học viện đề nghị được ở lại làm chuyên ngành thận, nhưng các xếp không đồng ý và giải thích rằng: Đảng ủy Học viện đã cân nhắc kỹ rồi mới quyết định, điều cậu sang Phục hồi chức năng có hai cái lợi, cái lợi thứ nhất là Học viện thành lập được bộ môn, nếu không thì không có cán bộ, thứ hai cũng cân nhắc đến quyền lợi cá nhân của cậu, cậu đã là thượng tá, phó giáo sư rồi mà chưa có chức vụ gì vì ở khoa của cậu hiện giờ đã đủ cán bộ ở các chức vụ rồi, mà không có chức vụ thì không lên được quân hàm, thôi yên tâm về với công việc mới đi, Đảng ủy đã ra quyết định rồi. Vì mình là bộ đội mà, tớ biết đấy là mệnh lệnh, phải chấp hành thôi.
Thu cũng thêm vào:
- Em làm ở công an, cũng là lực lượng vũ trang, mọi thứ đều là mệnh lệnh mình có được làm theo cái mà mình muốn đâu anh.
Quế nói:
- Em nghe nhiều người học ở Học viện Quân y ra, chắc đều đã là học trò của các anh nói là anh có nhiều thành công trong chuyên ngành thận lắm, ngoài các sách chuyên ngành ra thì còn những gì nữa nói cho đàn em nghe nào.
Được dịp khoe khoang, tôi nói liền một mạch: Ở chuyên ngành nội thận, tớ là người đầu tiên nghiên cứu và đưa vào ứng dụng test đo độ thẩm thấu nước tiểu mẫu sáng sớm để chẩn đoán khả năng cô đặc nước tiểu của thận, và nghiên cứu đưa xét nghiệm độ thẩm thấu và hệ số thanh thải nước tự do vào xét nghiệm thăm dò chức năng ống thận ở Việt Nam. Vì từ trước tới nay, Việt Nam toàn theo học Nga nên không ai biết, hay nói chính xác là chưa ai đề cập tới các xét nghiệm này. Các xét nghiệm này mới được phát triển ở Anh và Mỹ. Hiện nay xét nghiệm này đã được đưa vào giáo trình giảng đạy đại học và ứng dụng trong chuyên ngành thận. Đây cũng là nội dung chính trong đề tài luận án tiến sĩ của tớ. Tớ đã để lại bộ sách chuyên khảo có tính hệ thống và hoàn chỉnh về thận, hiện nay chưa có bộ sách tiếng Việt nào về chuyên ngành thận vượt được nó, đó là hai cuốn “Thận học lâm sàng” khổ sách A4 dày gần 1000 trang, rất hệ thống và cập nhật về bệnh lý thận tiết niệu mà tớ đã tặng Quế một cuốn, và cuốn “ATLAS mô bệnh học các bệnh cầu thận và bệnh ống kẽ thận” dày 450 trang, khổ A4 bìa cứng, giấy ảnh với 800 ảnh màu, đây là cuốn ATLAS duy nhất về mô bệnh học thận ở Việt Nam. Cả hai cuốn do NXB YH xuất bản năm 2010 và 2008. Đây là hai cuốn sách đã được thư viện các trường đại học y trong nước như Đại học Y Hà Nội, Đại học Y Huế, Đại học y thành phố Hồ Chí Minh, Học viện Quân y đưa vào thư viện. Tớ cũng đã đào tạo (hướng dẫn chính) tám nghiên cứu sinh trở thành tiến sĩ chuyên ngành thận. Hiện nay nhiều học trò của tớ đã có vị trí quan trọng trong chuyên ngành. Hướng dẫn 23 luận văn thạc sĩ và bác sĩ chuyên khoa II chuyên ngành thận tiết niệu đã bảo vệ.
Quế nói:
- Thế mà lại phải chuyển sang chuyên ngành Phục hồi chức năng thì tiếc quá nhỉ, đúng là quân đội.
- Mặc dù tớ sang làm chủ nhiệm bộ môn Phục hồi chức năng nhưng suốt 14 năm qua tớ vẫn hoạt động tích cực trong chuyên ngành thận. Rất may là các bác sĩ trong chuyên ngành thận vẫn ghi nhận tớ là người của chuyên ngành. Đại học Y Hà Nội vẫn mời tớ tham gia Hội đồng chấm luận án tiến sĩ cả chuyên ngành Thận và chuyên ngành Phục hồi chức năng. Bộ môn thận tiết niệu Đại học y Hà Nội vẫn mời tớ tham gia các buổi thông qua đề cương và thông qua luận văn thạc sĩ chuyên ngành như một giáo viên của họ. Bộ môn nội Đại học Y Huế mời tớ làm giảng viên thỉnh giảng về chuyên ngành Thận hơn 10 năm nay và tớ vẫn thường xuyên vào chấm luận án tiến sĩ chuyên ngành thận ở Đại học Y Huế. Các Hội nghị khoa học chuyên ngành thận tớ vẫn tham gia đều đặn. Nói tóm lại tớ vẫn là người của chuyên ngành thận và vẫn được các bạn trong chuyên ngành quý mến. Tớ nhớ một lần được cùng thầy Nguyễn Nguyên Khôi lúc đó đang là trưởng khoa Thận nhân tạo Bệnh viện Bạch Mai, ông tổ của ngành lọc máu Việt Nam đấy, thầy Trần Văn Chất lúc đó đang là trưởng khoa Thận Bệnh viện Bạch Mai, hai người thầy tớ rất kính trọng vào chấm luận án tiến sĩ ở Đại học Y Huế, tối hôm trước ngày chấm được ngồi ăn tối cùng các thầy Nguyễn Như Thế, giáo sư thận, lúc đó đang là Viện trưởng Bệnh viện đa khoa Huế, thầy Võ Phụng, giáo sư thận, lúc đó đang là Hiệu trưởng Đại học Y Dược Huế, các thầy đều là bạn học cũ của nhau và đều là các cây đa cây đề của chuyên ngành nội thận ở Việt Nam, còn tớ là học trò chíp hôi của các thầy, được ngồi cùng hội đồng với các thầy đã là vinh dự lắm rồi. Hôm đó ngồi ăn tối ở nhà hàng bên bờ sông Hương gần đầu cầu Trường tiền. Thầy Khôi nói: Vừa hồi nào cậu Kiệm ra làm luận án ở Bạch Mai chỗ chúng tớ, bây giờ đã trở thành lão làng trong chuyên ngành thận, thế mới thấy chúng mình đã già lắm rồi.
- Thế còn công việc Phục hồi chức năng thế nào, anh có thấy hứng thú với công việc không?
- Quả thật thời gian đầu sang Phục hồi chức năng cũng thấy buồn, giống như mình là người đi khai hoang đứng trước cánh rừng được giao với nhiệm vụ phải xây dựng nơi đây thành khu nhà ở, nếu thành biệt thự hay resort thì càng tốt, điều đó phụ thuộc vào khả năng của mình. Các bạn biết đấy, một cánh rừng hoang thì chỉ có muỗi và đá sỏi, muốn xây nhà phải đào đất, đục đá san nền xây dựng cái móng trước đã sau đó mới dựng nhà. Dần dần cùng với sự phát triển của chuyên ngành Phục hồi chức năng non trẻ trong cả nước, tớ cảm thấy yêu nghề hơn và cùng với các anh đi trước ở bộ môn Phục hồi chức năng Đại học Y Hà Nội, Trung tâm Phục hồi chức năng Bệnh viện Bạch Mai, Khoa Phục hồi chức năng Bệnh viện 108 cùng các nơi khác xây dựng chuyên ngành Phục hồi chức năng đến nay đã phát triển khá nhanh và mạnh. Thế là tớ đương nhiên lại trở thành một trong những người đứng trong hàng ngũ những người đầu tiên xây dựng chuyên ngành Phục hồi chức năng ở Việt Nam. Cho đến khi nhận quyết định nghỉ chờ hưu, tớ phát biểu trước bộ môn thế này: Tôi đã cùng các anh các chị thế hệ trước xây dựng được cái móng của bộ môn, cái móng này có thể dựng nhà cao tầng được, và chúng tôi mới chỉ dựng được hai tầng nhà lên cái móng đó thôi, đó là mở được các khóa đào tạo sau đại học: bác sĩ chuyên khoa cấp I và bác sĩ chuyên khoa cấp II. Việc xây dựng các tầng tiếp theo và phát triển rộng ra không gian xung quanh là việc của các anh chị ngồi ở đây. Đáp lời, Chủ nhiệm bộ môn mới và Chủ nhiệm khoa đều nói: Thầy Kiệm là người có công rất lớn xây dựng bộ môn và khoa. Nghĩa là công sức của mình đã được các thế hệ sau ghi nhận, mình có quyền tự hào chứ.
Quế nói:
- Hồi học đại học, anh Kiệm ba năm liền đạt học sinh giỏi, mọi người rất ngưỡng mộ nên nếu có ném vào đâu cũng ngon lành mà. Thế còn chuyên ngành Phục hồi chức năng, thực ra em cũng chưa hiểu chuyên ngành này lắm, công việc của anh thế nào?
Tôi lại có dịp khoe tiếp:
- Ồ, khi mới về tớ đặt ra một kế hoạch, với bộ môn phải xây dựng cơ cấu bộ môn hoàn chỉnh bao gồm nhân lực, chương trình môn học cho các đối tượng đại học, biên soạn giáo trình cho đại học và sau đại học, khi đó ở Việt Nam chưa có sách giáo trình về chuyên ngành kể cả ở Đại học Y Hà Nội, mở được đào tạo sau đại học gồm Bác sĩ chuyên khoa cấp I và Bác sĩ chuyên khoa cấp II. Tớ không đặt mục tiêu đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ vì không khả thi. Còn với khoa thì phải củng cố và chuẩn hóa các kỹ thuật vật lý trị liệu, các kỹ thuật phục hồi chức năng và phát triển thêm các kỹ thuật mới. Cái quan trọng nhất là xin được có bệnh nhân điều trị nội trú, vì từ trước đến nay khoa Vật lý trị liệu ở các bệnh viện trong Quân đội vẫn được xếp trong khối cận lâm sàng và chỉ điều trị bệnh nhân ngoại trú mà không có bệnh nhân nội trú. Có bệnh nhân nội trú sẽ đẻ thêm bao nhiêu vấn đề như biên chế nhân viên tăng, diện tích khoa phải tăng vì phải có phòng bệnh nhân, phòng tiêm vô khuẩn, phòng cấp cứu… Bác sĩ và nhân viên phải đào tạo lại về chế độ, về chuyên môn… đây là việc tớ nghĩ là khó nhất, không biết đến lúc nghỉ hưu có làm được không, nhưng cuối cùng thì cũng làm được và Bộ môn – Khoa phục hồi chức năng bệnh viện 103 của tớ đã được triển khai nhận bệnh nhân điều trị nội trú từ năm 2007, đến nay đã được hơn 10 năm và vẫn là khoa Phục hồi chức năng duy nhất trong các bệnh viện quân đội có bệnh nhân nội trú.
- Nhưng tại sao anh lại thích nhận bệnh nhân nội trú, chỉ điều trị bệnh nhân ngoại trú thôi có phải nhàn hơn không?
- Lúc đầu nhiều người cũng phản đối tớ vì lý do này, nhất là các bác sĩ và nhân viên của khoa. Nhưng tớ lại không giống mọi người, già lừa thì ưa nặng mà, làm gì tớ cũng muốn làm hết mình, vất vả cũng chẳng thành vấn đề, nó thành tính của mình rồi. Đúng là không có bệnh nhân nội trú thì nhàn hơn rất nhiều thật, nhưng bộ môn – khoa của tớ có tên là Bộ môn – Khoa Vật lý trị liệu và Phục hồi chức năng. Như vậy Bộ môn – Khoa có hai mảng công việc thứ nhất là Vật lý trị liệu, thứ hai là Phục hồi chức năng. Bộ môn lại có 3 nhiệm vụ chính là điều trị, đào tạo và nghiên cứu khoa học. Nếu không có bệnh nhân nội trú thì chỉ làm được Vật lý trị liệu như cũ mà không triển khai được Phục hồi chức năng, bỏ hẳn một nửa nhiệm vụ điều trị. Nội dung Phục hồi chức năng giảng dạy cho đại học chiếm 50% nội dung chương trình, không có bệnh nhân nội trú thì toàn giảng chay. Không có bệnh nhân nội trú thì không mở được đào tạo sau đại học chuyên ngành, như bác sĩ chuyên khoa cấp I và cấp II, vì anh có làm phục hồi chức năng đâu mà anh đi giảng dạy người khác. Không có bệnh nhân nội trú thì không nghiên cứu khoa học được vì bệnh nhân ngoại trú không quản lý được.
Phục hồi chức năng mới được hình thành ở Việt Nam. Bộ Y tế cũng đang quan tâm xây dựng và phát triển chuyên ngành này. Phát triển Phục hồi chức năng mới là mục tiêu chính, chứ Vật lý trị liệu chỉ là một phân ngành trong chuyên ngành Phục hồi chức năng thôi. Phục hồi chức năng là một chuyên ngành bao gồm nhiều phân ngành, trong đó có Vật lý trị liệu mà chúng tớ hay gọi tắt là PT (Physical Therapy). Vận động trị liệu hay KT (Kinetic Therapy), Hoạt động trị liệu hay OT (Occupational Therapy), Ngôn ngữ trị liệu hay ST (Speech Therapy). Có được bệnh nhân nội trú tớ cũng phải cảm ơn thầy Nguyễn Văn Mùi, giáo sư, tiến sĩ khi đó là Phó giám đốc Bệnh viện 103 phụ trách khối nội, thầy nghe tớ trình bày và ủng hộ ý tưởng của tớ rất mạnh mẽ mới thành được, vì lúc đó có nhiều người phản đối lắm, nhất là nội bộ khoa vì mọi người ngại vất vả và sợ trách nhiệm.
- Thế cái móng của bộ môn mà anh vừa nói là những gì?
- À, có nhiều nội dung, thứ nhất là nhân lực, mình phải chọn người, vận động và đề nghị được nhận về. Hiện tại tớ nghỉ rồi thì giáo viên của bộ môn đã có 1 tiến sĩ, 5 thạc sĩ, hai bác sĩ chuyên khoa II. Thứ hai là tổ chức biên soạn bộ giáo trình giảng dạy đại học và sau đại học, vì lúc đó ở Việt Nam chưa có sách nào là giáo trình chính thống về Phục hồi chức năng, phải có tài liệu chính thống, thống nhất nội dung trong giảng dạy chứ. Thứ ba là xây dựng chương trình môn học cho các đối tượng đại học, chuyên khoa I và chuyên khoa II. Tất cả các nội dung này nói thì dễ nhưng để làm được và được các Hội đồng của Học viện thông qua và chấp nhận cho ban hành là cả một quá trình đổ mồ hôi sôi nước mắt, tiêu tốn rất nhiều thời gian, nếu không say mê, không hết mình thì không thể làm được.
- Trong những cái đó thì có cái gì đến lúc nghỉ hưu anh còn để lại mà phải nhờ các đàn em sau này làm không?
- Rất tuyệt vời là tớ đã làm xong và làm xong một cách xuất sắc tất cả các việc tớ đã dự định khi mới chuyển về bộ môn. Tớ đã chủ biên và biên soạn 3 cuốn giáo trình Vật lý trị liệu và Phục hồi chức năng dùng cho đào tạo đại học và sau đại học, đã được Học viện Quân y xuất bản. Hiện nay nó không chỉ được dùng trong Học viện mà còn được nhiều bộ môn Phục hồi chức năng của các đại học y trong nước tham khảo và họ gọi điện cho tớ để khen nữa. Ngoài ra tớ cũng đã xuất bản 4 cuốn sách tham khảo về chuyên ngành phục hồi chức năng, mỗi cuốn đã được tái bản nhiều lần. Cuốn mới xuất bản đầu năm nay của tớ là "Bệnh thoái hóa khớp, chẩn đoán điều trị và dự phòng" được rất nhiều bác sĩ và đồng nghiệp khen ngợi và nó đang được bán rất chạy trên thị trường. Tớ đã có hai sáng kiến kỹ thuật Phục hồi chức năng cấp Bộ đang được ứng dụng có hiệu quả trong lâm sàng, một là “Ghế kéo gấp liên tục khớp gối và kéo giãn cột sống cổ” để phục hồi chức năng khớp gối và điều trị thoái hóa cột sống cổ. Thứ hai là sáng kiến “Cải tiến giường kéo giãn cột sống thắt lưng tư thế ngửa thành tư thế sấp”, hướng dẫn một kíp thanh niên thực hiện kỹ thuật này đã đạt giải nhất hội thao kỹ thuật sáng tạo ngành y tế thủ đô lần thứ 25. Đã sáng tạo kỹ thuật “Bóc tách viêm dính khớp vai bằng vận động dưới gây tê thần kinh trên vai” để điều trị viêm quanh khớp vai thể đông cứng. Kỹ thuật này tớ phải trình bày trước Hội đồng và đã được Hội đồng Khoa học và Y đức Bệnh viện 103 và Cục Quân y cho phép ứng dụng trong lâm sàng năm 2014. Kỹ thuật đã tạo ra một bước đột phá trong kết quả điều trị viêm quanh khớp vai thể đông cứng, giúp bệnh nhân không phải phẫu thuật và đạt kết quả nhanh chóng, không tốn kém, đang gây được tiếng vang trong ngành. Tớ đã trình bày kỹ thuật này ở nhiều Hội nghị khoa học và post bài trên trang Web cá nhân của tớ. Thôi tớ say sưa khoe chuyện của mình nhiều quá, em Thu thì bọn tớ thường xuyên có thông tin rồi, còn Quế thì sao, lâu nay không gặp có gì thay đổi không?
- Em vẫn theo dõi các bài trên trang Web của anh. Em nghỉ hưu được gần chục năm rồi, bây giờ hợp đồng làm bác sĩ cơ quan cho một nhà máy, có công việc cũng vui, nhàn thôi. Các cháu đã có gia đình và đều ở riêng, ông bà cũng đã mất bây giờ chỉ còn hai vợ chồng son.
Chúng tôi hàn huyên một lúc nữa, quán caffe khá đông khách, chủ yếu là khách tây, khác hẳn với khách châu Á, họ nói nhỏ vừa đủ nghe, không ồn ào vì tôn trọng riêng tư của người khác nên mặc dù đông nhưng rất yên tĩnh. Khoảng 10 giờ tối chúng tôi chia tay, trở về khách sạn và chìm vào giấc ngủ ngon lành.
Đồi cát trắng Mũi Né
Sáng hôm sau, chúng tôi chạy thể dục dọc theo con phố ven biển, phía ngoài là các resort, mỗi resort án ngữ một đoạn bờ biển, muốn xuống biển phải đi qua các resort này. Cuối con đường này, trước đây được gọi là phố Nga vì nhiều khách Nga lưu trú ở đây, nhưng bây giờ thì vắng và ít sầm uất hơn. Ở Mũi Né còn có hai địa danh hấp dẫn nữa là hai đồi cát, đồi cát trắng và đồi cát hồng, lên đây cảm giác giống như đang ở trên sa mạc. Một nơi nữa cũng đừng bỏ qua đó là suối tiên, một con suối có nền cát mịn và phẳng, nước nông ngang bắp chân, đặc biệt hai bên bờ là những sườn đất nhiều màu sắc tạo nên một phong cảnh kỳ thú. Những địa điểm này chúng tôi đã đến nhiều lần và tôi đã có một ký sự ảnh, mời các bạn vào xem nhé: http://hahoangkiem.com/van-hoc/suoi-tien-doi-cat-1588.html
Chúng tôi rời khách sạn Mũi Né Beach lúc 7 giờ sáng, chúng tôi lái xe lượn quanh các con phố, rồi đi theo con đường ven biển để tới Vũng Tàu. Con đường từ Mũi Né tới Vũng Tàu luôn chạy sát biển, dọc tuyến đường này rất nhiều resort đẹp và hiện đại được xây dựng, nhưng thật đáng tiếc phần lớn các resort trên cung đường này gần như để hoang không có khách. Nhiều resort chỉ còn một hai người bảo vệ để trông coi, nhiều resort cũng không còn người trông coi để lá rụng và cỏ mọc như khu vườn hoang. Quả thật kinh doanh không dễ, nó đòi hỏi tài năng thực sự và là một nghệ thuật.
Tới bãi sau của Vũng Tàu, chúng tôi chọn một Condotel mới được đưa vào sử dụng chỉ cách bãi biển Vũng tàu khoảng 200m, đó là Condotel Sơn Thịnh 02 Residence, số 02 Lê Hồng Phong. Đây là lần đầu tiên chúng tôi lưu trú trong một condotel, vì đây là loại hình mới có ở Việt Nam. Condotel là tổ hợp của 2 loại hình bất động sản nên condotel vừa có các hoạt động của một khách sạn, vừa có chức năng của một khu căn hộ. Cụ thể: Condotel có chức năng của một khách sạn bởi vì Condotel có hệ thống đặt phòng và các dịch vụ khách sạn khác như hồ bơi, câu lạc bộ sức khỏe, hộp đêm, nhà hàng, cửa hàng, dịch vụ thư tín và dịch vụ phòng 24/24. Điểm khác của Condotel với khách sạn đó là Condotel cho phép khách mua toàn quyền sở hữu căn hộ để nghỉ dưỡng và cho thuê. Condotel có chức năng của một căn hộ là vì khách sạn căn hộ được thiết kế với đầy đủ các tiện ích bếp, phòng khách, phòng ngủ,…với đầy đủ dụng cụ nấu nướng và cho du khách có thể đi chợ và trải nghiệm phong cách sống như trong chính ngôi nhà của mình. Tuy nhiên Condotel khác căn hộ thông thường ở chỗ nó cần phải có một đơn vị đứng ra quản lý và điều hành các vấn đề về việc cho thuê lại và hoạt động hàng ngày của khách sạn. Đây là một loại hình bất động sản mới nở rộ trong những năm gần đây. Tôi biết đến khái niệm Condotel là nhờ vợ tôi, vợ tôi là chủ doanh nghiệp nên mọi khái niệm về kinh doanh tôi đều học từ vợ. Chúng tôi chọn một căn hộ trên tầng 15 rộng tới gần 200m2 gồm 4 phòng riêng một phòng sinh hoạt chung rộng, có bếp nấu và đầy đủ các phương tiện cho một gia đình sinh sống, cửa sổ phòng sinh hoạt chung nhìn ra bãi sau. Chủ nhà nói trong trường hợp đông khách có thể cho bốn hộ thuê, nhưng thời gian này chỉ có hai vợ chồng chúng tôi và giá thuê một ngày đêm chỉ 500 ngàn đồng.
Đến Vũng tàu khá sớm, lúc này chỉ khoảng 3 giờ chiều, chúng tôi lượn một vòng từ bãi sau ra bãi trước. Con đường mang tên Hạ Long nối bãi sau và bãi trước lượn theo ven biển dưới chân núi nhỏ, rộng và đẹp, hành lang được lát đá hoa cương phẳng và chắc chắn có lẽ tới gần 20 năm rồi, vì gần 20 năm trước chúng tôi cũng tới đây thì hành lang này cũng mới đưa vào sử dụng chưa đầy một năm, nhưng vẫn rất đẹp chưa có dấu hiệu hư hỏng. Nhìn con đường, chúng tôi lại nhớ tới dự án lát đá vỉa hè của Hà Nội, đá lát xong chưa được một tuần, chưa nghiệm thu đã có viên vỡ, viên bong khấp khểnh. Quả thật nếu quan chức chính quyền mà coi ngân sách nhà nước như bầu vú của con bò sữa công cộng, chỉ tìm cách vắt được càng nhiều sữa càng tốt, không quan tâm đến chuyện chăm sóc thì hậu quả sẽ nhìn thấy rõ ngay. Đi hết đường ven biển chúng tôi trở vào trong phố, nói chung không có nhiều thay đổi ngoài việc thành phố Vũng Tàu được mở rộng hơn.
Bãi sau Vũng Tàu (hình trái). Condotel Sơn Thịnh 02 Residence, nơi chúng tôi đặt phòng là khối nhà cao tầng bên phải, mặt trước màu xanh. Bãi trước Vũng Tàu (hình phải). Ngọn núi nhỏ ở đầu mũi đất có Tượng chúa Kito và ngọn Hải đăng Vũng Tàu.
Vũng Tàu là một thành phố thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Thành phố Vũng Tàu hiện nay nằm trong Đặc khu kinh tế Vũng Tàu – Côn Đảo, cách thành phố Hồ Chí Minh 95km về phía Đông Nam theo đường bộ và 80km theo đường chim bay. Nếu nhìn theo chiều Bắc Nam, Vũng Tàu nằm ở khúc quanh đang đổi hướng từ Nam sang Tây của đoạn bờ biển hướng tới cửa sông Thị Vải và nhô hẳn ra khỏi đất liền như một dải đất có chiều dài khoảng 14 km và chiều rộng khoảng 6 km. Vũng Tàu là một thành phố biển có 42km bờ biển bao quanh, có Núi Lớn và Núi Nhỏ.
Núi Lớn còn gọi là núi Tương Kỳ cao 245m, là một trong hai ngọn núi đẹp của thành phố Vung Tàu. Trên núi này có Bạch Dinh và Thích Ca Phật Đài, có khu du lịch Hồ Mây là một hồ nước ngọt lớn và rừng nguyên sinh, có cáp treo đưa khách từ chân núi lên đỉnh núi. Xung quanh núi có con đường ven biển Trần Phú bao quanh dọc theo các bãi biển đẹp. Đang có dự án cáp treo nối hai ngọn núi này với nhau.
Núi Nhỏ còn gọi là núi Tao Phùng cao 170m, là một trong hai ngọn núi tại thành phố Vũng Tàu, nằm sát biển. Dưới chân núi là con đường Hạ Long ven biển nối Bãi Trước với Bãi Sau, được công nhận là con đường đẹp nhất Việt Nam với nhiều khách sạn, nhà hàng, quán cà phê. Trên núi có ngọn Hải đăng Vũng Tàu cao 18 m, chiếu xa tới 30 hải lý và có tuổi đời trên 100 năm, được coi là ngọn hải đăng lâu đời nhất Việt Nam và Tượng chúa Kito Vua nổi tiếng.
Bản đồ du lịch Vũng Tàu
Thành phố được bao bọc bởi biển, các cánh rừng nguyên sinh, các ngọn núi cao, ngoài ra còn có sông và nhiều hồ nước lớn giúp khí hậu nơi đây quanh năm mát mẻ ôn hòa, trong thành phố có rất nhiều cây xanh và hoa được trồng ở mọi nơi. Vũng Tàu có những bãi biển lý tưởng để nghỉ mát mà thiên nhiên đã ban tặng như:
Bãi Sau: nằm phía Nam Vũng Tàu, còn có tên là Bãi Thùy Vân hay còn có tên là Bãi Thùy Dương, chạy dài gần 10km. Đây là một trong những bãi biển đẹp của Việt Nam, bãi cát dài phẳng.
Bãi Trước: còn gọi là Bãi Tầm Dương do có thể ngắm mặt trời lặn vào mỗi buổi chiều, Bãi Trước có những hàng dừa chạy dọc theo bờ biển và giống như một vịnh nhỏ ít sóng và có hình vòng cung khá đẹp. Bãi Trước và Bãi Sau nối với nhau bằng con đường Hạ Long chạy dọc bờ biển dưới chân Núi Nhỏ.
Bãi Dâu: còn gọi là bãi Phương Thảo, dài 3km, thơ mộng và tĩnh mịch.
Bãi Dứa: còn gọi là bãi Hương Phong, một bãi tắm nhỏ nhưng khá xinh xắn.
Tượng chúa Kito trên đỉnh núi nhỏ, được xây năm 1974 là một địa điểm tôn giáo, thuộc Giáo phận Bà rịa do giáo xứ Vũng Tàu quản lý.
Tìm hiểu về quá trình xây dựng Tượng chúa Kito, chúng tôi được biết cả một câu chuyện lý thú. Theo tác giả có bút danh Phanxipăng thì một số người thắc mắc đây là Tượng chúa Giêsu hay tượng thánh Gioóc. Bởi thời thuộc Pháp, mũi đất nhô ra biển ở Vũng Tàu từng mang tên Cap Saint Jacques, nghĩa là mũi đất mang tên thánh Jacques. Theo nghĩa hẹp, đó là mũi Thuỳ Vân, còn gọi mũi Nghinh Phong, tên khác là mũi Ô Quắn. Chính trên mũi đất ấy, giáo xứ Vũng Tàu khởi công xây tượng vào năm 1973, năm sau thì chuyển lên núi Nhỏ phía đối diện. Núi Nhỏ, tên khác là núi Tao Phùng, cao 136m tính từ chân núi, cao 176m tính từ mặt nước biển. Kỳ thực, trên núi Nhỏ là tượng Chúa Giêsu Kitô. Năm 1973, giáo xứ Vũng Tàu tiến hành tạo lập tượng đài Chúa Giêsu Kitô nơi mũi Nghinh Phong. Dự định toàn tượng đài cao 15m, gồm tượng cao 10m và bệ cao 5m. Ngày 17-1-1973, thị trưởng Vũng Tàu là đại tá Vũ Huy Tạo ra lệnh ngưng xây dựng, vì Phật giáo cho rằng địa điểm đó đã được chính quyền đồng ý dựng tượng Phật. Nhằm giữ hoà khí, đại diện của hai tôn giáo đã họp bàn với sự chủ trì của chính quyền, dẫn đến bản thoả hiệp được ba bên ký kết ngày 16-2-1974. Theo thoả hiệp, Phật giáo toàn quyền sử dụng mũi Nghinh Phong, còn Công giáo thì xây dựng các công trình trên núi Nhỏ với diện tích 10 mẫu. Ngày 18-3-1974, chính quyền địa phương cấp văn thư số 140/VT/HC/LA cho phép xây dựng tượng đài Chúa Giêsu trên núi Nhỏ. Tại địa điểm mới này, tượng đài cần quy mô khác: to lớn hơn, vững chắc hơn. Phaolô Nguyễn Minh Tri là linh mục quản xứ Vũng Tàu và ông bà Lê Quang Tuyến cùng nhiều người hảo tâm hào hứng nhập cuộc. Hoạ sĩ kiêm điêu khắc gia Văn Nhân vui mừng thiết kế tượng. Kỹ sư Nguyễn Quảng Đức tính toán loạt thông số cần thiết liên quan bê tông cốt thép.
Ụ pháo của Pháp và ngọn Hải Đăng trên đỉnh núi nhỏ (hay còn gọi là núi Tao Phùng), Vũng Tàu. Hải đăng Vũng Tàu được người Pháp xây dựng vào năm 1862 để chỉ đường, báo hiệu cho các tàu thuyền qua lại, nằm ở độ cao là 149m so với mực nước biển. Đến năm 1913, người Pháp xây lại ngọn hải đăng này, dời độ cao ngọn hải đăng từ độ cao 149m lên đến độ cao 170m. Hải đăng Vũng Tàu là một trong những hải đăng cổ xưa nhất Việt Nam và Đông Nam Á. Kiến trúc ngọn hải đăng là một tháp hình trụ cao 18 m, đường kính 3 m và được sơn màu trắng. Bên trong ngọn hải đăng có cầu thang dẫn đến gần đỉnh hải đăng và có ban công để ngắm cảnh. Từ ban công này có thể vừa cảm nhận được những làn gió mát từ biển khơi, vừa ngắm nhìn được toàn cảnh thành phố biển Vũng Tàu và rừng hoa sứ bên dưới.
Dự trù móng sâu 6m. Đào xuống 3m thì vấp mảng xi măng cứng ngắc. Tiếng vọng sau mỗi nhát xà beng giúp mọi người phán đoán rằng dưới lớp bê tông kia có khoảng trống. Chọc thủng một lỗ to, rồi dùng cái thúng buộc dây đưa một người xuống thăm dò. Lạ lùng thay, lòng núi là hệ thống công sự do Pháp xây dựng kiên cố từ cuối thế kỷ XIX, gồm 7 căn hầm, mỗi hầm dài 7m và rộng 4m. Thảo nào đỉnh núi Nhỏ có 2 khẩu thần công bắn đạn cỡ 240mm. Phía nam núi Nhỏ hướng ra biển còn 2 cụm pháo đài nữa. Một cụm với 5 khẩu thần công bắn đạn cỡ 300mm. Một cụm với 3 khẩu thần công bắn đạn cỡ 140mm. Cả 3 cụm pháo đài kết hợp hệ thống công sự tạo nên phòng tuyến đặc sắc nhằm kiểm soát tàu thuyền ra vào cửa biển Vũng Tàu - Sài Gòn. Vậy thì móng tượng đài phải sâu hơn dự kiến ban đầu. Rồi xây bệ. Kế tiếp là phần việc chủ yếu: lắp giàn giáo để đổ bê tông pho tượng tại chỗ. 50 thợ có năng lực miệt mài lao động ngày đêm ở công trường. Ngoại trừ xi măng trắng và kim loại, toàn bộ vật liệu đều mang nguồn gốc Việt Nam: cát và sỏi Đồng Nai, cẩm thạch Đà Nẵng, v.v. Hào quang quanh đầu tượng Chúa còn là thiết bị vật lý quan trọng: phần đầu tiên của thu lôi nhằm chống sét. Tà áo tượng có trổ 3 ô cửa sổ tô điểm bằng hoa văn chữ thọ, giúp lòng tượng được chiếu sáng tự nhiên và thoáng khí. Trong lòng tượng, cầu thang xoắn ốc gồm 133 bậc giúp du khách leo lên cao. Từ đôi vai tượng Chúa Giêsu Kitô, du khách phóng tầm mắt quan sát toàn cảnh Vũng Tàu: núi Lớn, bãi Dâu, bãi Trước, bãi Dứa, bãi Sau, bãi Chí Linh, bãi Thuỷ Tiên, bàu Sen, bàu Trũng, và muôn nhà cửa, phố xá. Cũng từ điểm cao đó, ai nấy đều thích thú khi ngắm nhìn một phần biển Đông mênh mông cuộn sóng.
Tượng chúa Kito trên đỉnh núi nhỏ nhìn từ phía sau, dưới chân núi là con đường Hạ Long nối Bãi Sau (bên trái) với Bãi Trước (bên phải), bên trái là đảo Hòn Bà, bên phải là mũi Nghinh Phong.
Tháng 4-1975, tượng Chúa Giêsu Kitô vừa được đúc xong thì đất nước thống nhất. Vì nhiều lý do, mọi công việc trên núi Nhỏ phải tạm ngừng. Từ ngày 4-11-1992, núi Nhỏ lại rộn ràng dựng xây. Điêu khắc gia Văn Nhân định cư tại Hoa Kỳ trở về quê nhà nhằm chỉ đạo các học trò hoàn tất tác phẩm nghệ thuật mang ý nghĩa tâm linh mà bản thân ông quá ưng ý. 4 mặt bệ tượng được trang trí bởi 4 bức phù điêu, trong đó 2 bức đã hoàn tất trước ngày 30-4-1975, Văn Nhân tiếp tục làm thêm 2 bức nữa. 4 bức phù điêu đó diễn tả cảnh 3 vị đạo sĩ phương Đông đến bái lạy Chúa hài đồng giáng sinh, cảnh bữa tiệc chia tay giữa Chúa Giêsu với 12 tông đồ trước ngày chịu nạn, cảnh Chúa đứng trước toà án Philatô, cảnh Chúa trao chìa khoá cho thánh Phêrô / Pietro / Peter / Pierre.
Trước tượng đài Chúa Kitô một quãng là pho tượng Đức Mẹ Maria ôm xác Chúa, thường được gọi tượng Pietà, phỏng theo tác phẩm điêu khắc rất nổi tiếng của Michelangelo (1575 - 1564). Lữ quán Nghinh Phong được mua lại và chỉnh sửa thành nơi để du khách dừng chân nghỉ ngơi, mua hàng lưu niệm do các nữ tu dòng Mến Thánh Giá Đà Lạt phụ trách. Những viên đá chẻ thành khối hình hộp chữ nhật được lắp đặt xấp xỉ 300 bậc cấp từ đường Hạ Long lên tượng Chúa Giêsu Kitô. Men theo chuỗi bậc đá là hai hàng cây khoe sắc toả hương: sứ / đại, phượng, anh đào, bồ đề, v.v.
Ngày 1-12-1994, tượng đài Chúa Giêsu Kitô trên đỉnh núi Nhỏ được khánh thành trọng thể. Từ đó, nơi đây trở thành chốn cầu nguyện của Kitô hữu, và là điểm tham quan mới ở Vũng Tàu thu hút đông đảo du khách gần xa.
Tượng đài Chúa Kito trên đỉnh núi Nhỏ
Tượng Chúa Kitô Vua ở Vũng Tàu cao 32 m, được nhiều người nói là tượng Chúa cao nhất thế giới khi so sánh với Tượng chúa ở Rio de Janeiro. Thực ra, tổ chức New Open World Corporation (NOWC) công bố danh sách 7 kỳ quan thế giới mới (thứ bảy 7-7-2007), trong đó có tượng Chúa Kitô ở Rio de Janeiro: riêng pho tượng cao 30m; hai cánh tay dang dài 23m; bệ tượng cao 8m; toàn bộ cả tượng lẫn bệ cao 38m.
Đường Hạ Long dưới chân núi Nhỏ (hình trái). Đảo Hòn Bà nhìn từ Tượng Chúa Kito Vua (hình phải)
Tháng gần tết nên các quán caffe dọc con đường Hạ Long ven biển dưới chân núi nhỏ trang hoàng đèn màu rực rỡ rất đẹp. Chúng tôi chọn một quán ăn mà nhiều năm trước chúng tôi đã tới ăn để ăn tối. Khi thanh toán, cô chủ quán biết chúng tôi là khách quen nên đã nán lại truyện trò một lúc. Cô nói rằng quán này là của nhà cô đã ở đây từ hồi Vũng Tàu mới chỉ là bãi tắm, chứ bây giờ mà thuê chắc không đủ tiền. Sau khi ăn tối chúng tôi lượn ra quán caffe ven bờ biển ngồi uống caffe và ngắm biển buổi tối rồi về phòng nghỉ.
Con đường Hạ Long nối Bãi Sau phía bên trái với bãi Trước phía bên phải, lượn vòng bãi biển dưới chân núi Nhỏ có Mũi Nghinh Phong, nhìn từ tượng Chúa Kitô trên đỉnh núi nhỏ (hình trái) và Tượng chúa Kito trên đỉnh núi nhỏ (hình phải).
Mời các bạn xem tiếp Episode 7: