Suối Tiên, Đồi Cát

Cập nhật: 31/10/2017 Lượt xem: 2795

Suối tiên, đồi cát 

Ký sự ảnh của Hà Hoàng Kiệm

Suối tiên là cái tên đẹp được đặt cho rất nhiều con suối ở các khu du lịch miền núi trên khắp cả nước. Nhưng cái suối tiên mà chúng tôi nói ở đây lại không nằm trên núi, nó ở một vùng biển và đổ thẳng ra biển. Con suối cũng hết sức đặc biệt bởi dòng nước có màu trắng đục như sữa, nước chỉ sâu ngang bắp chân với lòng suối được trải toàn cát mịn và phẳng. Chúng tôi lội ngược dòng suối và đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác với cảnh tượng hai bên bờ là những kiệt tác của tạo hóa.

 

Lòng suối hẹp với lớp cát mịn như nhung dưới chân, sát mép nước là những gánh hàng và quán nhỏ bán những món ăn đặc sản địa phương. Đây là nơi gần cửa suối đổ ra biển, cây hai bên bờ suối xanh tốt che phủ bóng mát cho người đi thưởng ngoạn.

 

Bạn có muốn thưởng thức khoai nướng, ngô luộc hay một loại bánh được cuốn bởi bánh tráng phơi sương nướng trên bếp than không. Ngồi bên dòng suối mà nhấm nháp thì đúng là tiên rồi.

 

Đây rồi, một dòng thác lũ toàn cát đang đuổi theo một cô bé để đổ xuống dòng suối ở bờ bên trái. Chếch lên phía trên, bờ phải là một kiến tạo độc đáo với các tháp và cột.

 

Đây là bờ trái của dòng suối với những mảng kiến tạo tuyệt đẹp và hùng vĩ. Thật đáng tiếc vì tôi không có chút kiến thức gì về địa chất và khảo cổ học để hiểu được các kiến tạo này là gì mà chỉ biết các tầng đất giống như đất sét pha cát nhưng lại rắn như được trộn xi măng có các màu vàng, đỏ, trắng, tạo thành từng lớp chồng tiếp lên nhau như một bức tranh nhiều màu sắc trên bức tường thành hùng vĩ.

 

Từ bờ trái chuyển sang bờ phải, các mảng kiến tạo luôn tạo ra sự ngạc nhiên bất ngờ.

“Một màu xanh xanh, quét thêm màu vàng, cánh đồng hoang. Một màu trắng trắng, thêm một thằng cù, giống lồng chim cu”. Con người như lọt thỏm gữa cảnh trí hùng vĩ với màu sắc pha trộn như một bức tranh.

 

Lại một dòng thác sữa đổ xuống. Bạn có thích được tắm trong dòng sữa trắng đục như những cô bé người tây kia không, thú vị lắm đấy. Dòng sữa này đổ xuống suối hòa vào dòng nước trôi nhẹ ra biển.

 

Kia nữa, những tòa tháp tuyệt đẹp hai bên bờ suối cứ lần lượt hiện ra khiến chúng tôi hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác.

 

Mỏi chân rồi, thư giãn một chút. Ngâm chân dưới dòng suối mát mới thú vị chứ.

Hãy nhìn tòa tháp này xem nó được làm bằng vật liệu gì nhé, cát, đất hay là đá, chẳng biết nữa, nó rất cứng nhưng chắc chắn không phải là đá, nó vẫn tồn tại ở đó bất chấp mưa nắng để cho chúng ta thưởng thức. Đây đã sắp tới ngọn nguồn con suối, nước không còn đục như sữa nữa mà đã trong như nước suối bình thường.

Một lần nữa hãy ngắm nhìn ngọn tháp này. Thật tuyệt vời bởi bàn tay kiến tạo tự nhiên.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Ăn thôi, ngồi bên bờ suối thế này thú vị hơn ngồi trong nhà hàng của khách sạn 5 sao chứ nhỉ. Ở đây dừa rất rẻ, cái nồi lẩu gà kia toàn bằng nước dừa thôi đấy nhé, rất ngọt và thơm.

Rời khỏi suối tiên, chúng tôi lên đồi cát. Ở đây có hai đồi cát, một đồi cát hồng và một đồi cát trắng. Nói là đồi nhưng cát trải ra mênh mông như một sa mạc, gió biển vun cát lên thành những ngọn đồi, tạo ra các hình thù tuyệt đẹp. Tức cảnh làm thơ, thơ có thể không hay nhưng cứ làm. Bạn đọc xong đừng chê nhé, không hay nhưng cứ khen một câu cho tác giả thích.

Đồi cát

Hình ảnh có liên quan

 

Nằm ưỡn mình bên bờ biển biếc

Nhấp nhô đồi cát ngực tiên cô

Cát vờn sườn dốc trườn theo gió

Leo lên, trượt xuống mấy trẻ nô

 

Ai về Mũi Né từng lên đó

Ngắm cát mênh mông một khoảng trời

Gió dỡn vun lên từng đồi cát

Cát hồng, cát trắng trải tinh khôi

 

Gió trườn lên hai phía sườn đồi

Nắng và cát giỡn đùa cùng gió

Gió vờn hai trái đào mới nở

Cát ma lanh luồn tít tận sâu

 

Ai có hay cát lách lên đầu

Cát chui xuống dưới, lẻn vào sâu

Đua nhau trượt xuống chân đồi cát

Tiếng cười vang vọng mãi tầng sâu

Mũi Né 27.7.2017. HHK

“Đua nhau trượt xuống chân đồi cát

Tiếng cười vang vọng mãi tầng sâu”

Kết quả hình ảnh cho Đồi cát

Các bạn nhìn những đồi cát cát được gió tạo hình giống như có một bàn tay nghệ sĩ tạo nên vậy. Những đồi cát ở đây luôn thay đổi hình thù tùy theo hướng gió đã tạo cảm hứng cho rất nhiều các nghệ sĩ nhiếp ảnh ghi lại được những bức hình nghệ thuật tuyệt vời.

  

Chúng tôi leo lên một đồi cát, cát bay theo gió chui cả vào người, sờ lên tóc cũng toàn cát, cát yêu quý người như vậy làm sao chúng ta không yêu quý cát được.

 

Ghi lại vài tấm ảnh làm kỷ niệm.

 

Dưới chân sa mạc cát là một hồ nước trong vắt. Đây là một ốc đảo tuyệt vời, nước thật trong và mát.

  

Đi trên đồi cát có cảm giác chẳng khác gì đang vượt qua sa mạc Sahara, có khác là cái nóng ban ngày được gió biển xua đi và thiếu những đàn lạc đà chở hàng cùng những ông chủ của chúng đầu đội khăn xếp, râu quai nón rậm rì ngồi xung quanh những đống lửa để chống chọi cái rét sa mạc vào ban đêm. Nhưng ở đây có những chiếc xe Jeb, kiểu xe quân sự với đường kính ngang của những chiếc lốp tới 40cm giúp chúng bám trên cát. Những chiếc xe Jeb chở khách du lịch chạy băng băng trên đồi cát, nhưng với những chiếc xe thông thường mà đi vào đây thì lốp xe xoáy tung cát lên mù mịt làm xe bị sa lầy trong cát mà không thể tiến lên được.

 

Bây giờ thì các bạn biết Suối Tiên và đồi cát ở đâu rồi, đó là Mũi Né, Phan Thiết, một địa danh du lịch tuyệt vời mà chúng tôi đã có dịp đặt chân đến trong mùa hè 2017.

Rời đồi cát, chúng tôi lên đường thám hiểm vùng ven biển từ Mũi Né ra Nha Trang. Đây là con đường được nghe nói là tuyệt đẹp, thử đi xem nhé.

 

Nơi này có phải ở Việt Nam không nhỉ, hình như ở Bang Texas Mỹ thì phải. Con đường thẳng tắp này chạy qua một vùng như cao nguyên với hai bên là những đồi cỏ và những vườn nho trải rộng, đằng kia có một đàn cừu đang gặm cỏ và bên phải là những turbin điện gió.

  

Chúng tôi dừng lại bên bãi biển Cà Ná, một bãi biển tuyệt đẹp. Nơi đây nổi tiếng với muối Cà Ná, một loại muối hạt to, mặn và có vị chát của biển.

Chụp một bức ảnh cho cả nhà làm kỷ niệm.

 

Rời Cà Ná chúng tôi tới một vườn nho. Ông chủ vườn rất niềm nở đón chúng tôi và giới thiệu về vườn nho của ông. Chúng tôi lựa vài chùm nho chín và mua vài chai rượu nho, mật nho mà ông chủ vườn tự chế.

 

Quả thật nho rất ngon và cả chai mật nho nữa dùng để pha nước uống rất tuyệt vời.

 

Chúng tôi lên thuyền đáy kính ra biển ngắm san hô rồi quay về bờ và tiếp tục hành trình đến Nha Trang.

 

Nha Trang đây rồi với khu tắm bùn Ponaga, công viên Yersin và hòn chồng. Buổi chiều tà, ngồi trong quán cà phê bên bờ biển Hòn Chồng ngắm nhìn những tảng đá và nghe tiếng sóng biển tung bọt trắng vuốt ve mơn trớn những tảng đá, tôi nảy ra mấy câu thơ Đường luật, chẳng biết có đúng luật không nhưng cứ gửi tặng các bạn nhé.

 

  

Một hòn, một hòn, nữa một hòn

Đá chồng lên đá tạo hình non

Một khe hẹp hẹp trên có mũ

Bọt sóng tràn lan ướt ướt mèm

H H K. 29.7.2017.

Nghỉ ở Nha Trang 2 ngày để đi thăm quan, buổi sáng tiễn mọi người trong gia đình ra sân bay Cam Ranh để về Hà Nội, còn tôi ở lại để tối lên tàu hỏa ra Huế, vì một ngày nữa tôi có công việc ở Huế. Còn một ngày ở Nha Trang tôi tới thăm bảo tàng Yersin để được chiêm ngưỡng những di vật của ông, một nhà Bác học Y học cả đời gắn bó với mảnh đất Nha Trang thân yêu. Bảo tàng nằm trong khuôn viên của Viện Paster Nha Trang, đối diện công viên Yersin.

 

Bên trái là chiếc kính hiển vi và bên phải là kính thiên văn mà Yersin đã sử dụng để nghiên cứu.

 

Đây nữa, chiếc giường và chiếc ghế mà ông đã sử dụng.

  

Đây là hình ảnh ông ngồi làm việc. Ông mất vào ngày 1.3.1943 và hình phải là đám tang của ông được tổ chức ở Nha Trang (Ảnh trong Bảo tàng). Mộ của ông được đặt trong khuôn viên trại chăn nuôi Suối Dầu, xã Suối Cát, huyện Cam Lâm, Nha Trang. Xem thêm bài: Nhà bác học Alexandre Yersin với Nha Trang - Việt Nam trong http://hahoangkiem.com/tinh-hoa-nhan-loai/nha-bac-hoc-alexandre-yersin-voi-nha-trang-viet-nam-375.html 

 

Ngày hôm sau làm việc ở Huế rồi trở về Hà Nội vào chuyến bay tối, kết thúc chuyến công du bằng một bữa tiệc cung đình Huế cùng các GS trường ĐH Y khoa Huế, ĐH Huế 31.7.2017.

 


CHIA SẺ BÀI VIẾT

Bài cùng chủ đề

Bài về chủ bút

    Tinh hoa nhân loại

      Khoa học

        Văn học

          SÁCH CỦA TÔI