Ký sự phượt xuyên Việt - Episode 7 (Vũng Tàu– Đại Nam – Thủ Dầu Một Bình Dương)

Cập nhật: 03/04/2020 Lượt xem: 3280

 

​Phượt xuyên Việt ký                          

Episode 7 - Ngày thứ bảy (Vũng Tàu– Đại Nam – Thủ Dầu Một Bình Dương)

Google Map đã  tự động ghi lại lịch trình trong ngày của chúng tôi

Ngày thứ bảy của chuyến đi là thứ 3, ngày 7 tháng 1 năm 2020. Cung đường chúng tôi đi trong ngày vẫn được cô bạn Google cần mẫn ghi lại là 142km, trong đó có 5,0km cô cho là chúng tôi đi bộ với thời gian 1 giờ 26 phút, tổng thời gian trên đường là 6 giờ 12 phút. Ngày hôm nay chúng tôi di chuyển từ Vũng Tàu lên thành phố Thủ Dầu Một tỉnh Bình Dương, nơi có khu du lịch Đại An.

- Sáu giờ rồi, dậy thôi anh ơi, ra biển đi!

Bao giờ vợ tôi cũng dậy trước và giục tôi ra biển. Sáng nay, trời nhiều mây, nhiệt độ sáng sớm khoảng 25 độ, trời mát mẻ, chúng tôi mặc đồ thể thao chạy ra bãi biển. Sáng sớm thủy triều xuống, nước rút ra ngoài xa để lộ ra một bãi cát thoải rộng. Các cột cắm cờ màu đen báo hiệu giới hạn không được bơi ra quá, cũng lộ cả chân cột cờ trên cát.

- Em nhìn kìa, nhìn cái chỗ cắm cờ màu đen báo hiệu khu vực nguy hiểm có biển báo: “Nơi có dòng nước xoáy nguy hiểm” ấy, chúng mình lại đấy đi.

Tôi tò mò quan sát kỹ các khu vực được cắm cờ màu đen giới hạn không được tắm. Chúng tôi nhận ra lý do tại sao bãi biển lại tạo ra dòng nước xoáy ở đây. Bãi biển những chỗ này có một rãnh cát do dòng nước mạch từ bờ chảy ra khoét thành một rãnh rộng và chạy chếch so với hướng của sóng biển. Buổi chiều nước thủy triều dâng cao (upper tide), khu vực này ngập nước trở thành bãi tắm. Sóng biển từ ngoài dội vào gặp bờ rãnh nước nằm chếch sẽ tạo ra một dòng xoáy. Khi sóng rút ra, dòng xoáy này kéo theo mọi vật mà nó gặp ra biển. Đúng là sa chân xuống những rãnh cát này thật nguy hiểm, vì vậy thỉnh thoảng vẫn xảy ra các vụ đuối nước do bị sóng kéo ra ngoài ở bãi tắm, thường được nói tới tại bãi biển Vũng Tàu.  

 

Hình trái: Một rãnh cát hình thành do dòng nước mạch từ trong bờ chảy ra chạy theo chiều chếch so với hướng sóng biển tại bãi sau Vũng Tàu nhìn rõ vào buổi sáng khi nước thủy triều rút xuống thấp (lower tide) được các lực lượng cứu hộ cắm cờ đen dọc hai bờ rãnh để báo hiệu vùng nguy hiểm không được lại gần. Hình phải: khi thủy triều lên (uper tide) vào buổi chiều các rãnh cát này bị ngập và sóng đánh vào gặp bờ rãnh nằm chếch sẽ tạo ra một dòng chảy xoáy (rip current), khi sóng rút dòng xoáy này sẽ kéo theo mọi vật ra xa bờ (mũi tên đỏ là các dòng Rip được tạo ra do sóng đập vào các rãnh cát nằm chếch). Vì vậy khi tắm biển cần tránh xa các vùng đã được cảnh báo nguy hiểm.

 

Một cơ chế khác hình thành dòng chảy xoáy (Rip current) từ bờ ra ngoài là do hai con sóng bạc đầu từ hai bên cùng lúc tới bờ thì hướng vào nhau tạo ra dòng rip. Cách thoát hiểm là bơi ra ngang so với dòng ríp.

Một cơ chế khác nữa của dòng rip do con sóng bạc đầu lớn dồn vào một vụng biển hẹp. Để tránh các dòng này thì nên tắm ở giữa bãi, không tắm ở cạnh bãi nhất là các bãi hẹp lại có sóng lớn.

Thời gian này không có khách du lịch, trên bãi biển chỉ có vài người địa phương đang tìm bắt con gì đó dưới cát mà chúng tôi không biết. Họ dùng một vật như chiếc thuổng đào xuống cát rồi rải cát vừa đào lên để tìm cái thứ định bắt. Có thể là họ tìm sá sùng chăng, vì chúng tôi cũng đã thấy nhiều chị em ở ngoài đảo Quan Lạn, Quảng Ninh đi đào sá sùng trên các vụng biển sau khi thủy triều rút (Lower tide).

- Em ơi, có biết cái anh chàng đang dò mìn kia tìm cái gì không?

Có một anh chàng dùng một thứ như máy dò mìn, dò trên cát, mỗi khi có tiếng tít tít anh ta lại đào chỗ cát đó lên để tìm, nhưng quan sát một lúc chẳng thấy anh ta tìm được gì, chắc anh ta tìm xem có ai bị rơi nhẫn vàng nhẫn bạc rồi cát vùi lên chăng. Hỏi ra mới biết đây là “Nghề tìm vàng trên bãi tắm”, thực ra tìm được vàng rất hiếm, chủ yếu là vài cái bông tai hoặc lắc tay loại nhỏ bằng vàng tây, vàng non tuổi của các bé gái đeo tai (giá vài trăm ngàn). Bây giờ ít người đeo vàng khi đi chơi hoặc đi tắm biển bởi không an toàn. Thu nhập của “Nghề tìm vàng” thì phải công nhận là khó xác định, chủ yếu nhờ “may rủi” là chính. chúng tôi có hỏi một người đang tìm vàng ở Bãi Sau Vũng Tàu thì được trả lời: Trung bình mỗi tháng thu nhập khoảng từ 5 đến 6 triệu (Tuy nhiên rất vất vả vì phải đi từ sáng đến tối). Nếu trước khi tắm biển chị em tháo và cất các đồ trang sức ở nhà thì mấy bác này sẽ chẳng kiếm được gì.

 

Chúng tôi tiếp tục đi chân trần men theo bờ các con sóng xuống cuối bãi có lẽ tới 5km rồi, lên đường đi về cho dễ đi vì cát lún đi mỏi lắm. Về tới phòng nghỉ đã 9 giờ sáng. Đi ăn sáng xong, chờ chủ nhà đến trả phòng và lên đường lúc 10 giờ sáng.

Lần đầu tiên chúng tôi thuê căn hộ condotel để thăm dò hình thức đầu tư này, một loại hình căn hộ khách sạn mới rộ lên gần đây. Vợ tôi là một doanh nhân khá nhạy bén, một phép tính nhẩm cho ngay kết luận nếu đầu tư vào căn hộ condotel chắc chắn lỗ. Với giá căn hộ này gần 5 tỉ, cho dù ở vị trí rất đẹp, chỉ cách bờ bãi tắm 200m trên một đại lộ lớn là chỗ nghỉ lý tưởng cho khách du lịch. Nếu lấp đầy khách và lấp kín thời gian thì có thể có lãi, nhưng chủ căn hộ không phải là người trực tiếp cho thuê mà do ban quản lý tòa nhà cho thuê và phí quản lý làm tăng gần gấp đôi giá phòng. Với lượng khách thưa như hiện tại thì số thu nhập còn kém xa tiền lãi gửi tiết kiệm.

Để đi tiếp vào phía nam, chúng tôi phải đi về Bình Dương. Thuở ban đầu mở đất phương Nam, Bình Dương là tên một tổng thuộc huyện Tân Bình, phủ Gia Định. Đến năm 1808, khi huyện Tân Bình được đổi thành phủ thì Bình Dương được nâng lên thành một trong bốn huyện của phủ này. Năm 1956, tỉnh Bình Dương được thiết lập nhưng không phải trùng với địa bàn của huyện Bình Dương xưa kia. Đến năm 1997, tỉnh Bình Dương được tái lập, nhưng cũng không phải hoàn toàn là địa phận của tỉnh Bình Dương trước năm 1975. Như vậy, trong lịch sử, Bình Dương là tên gọi của những đơn vị hành chính theo những cấp độ khác nhau (tổng, huyện, tỉnh) với những địa bàn lãnh thổ khác nhau. Vốn gắn liền với Gia Định, Đồng Nai xưa, tức là miền Đông Nam bộ ngày nay, cư dân Bình Dương là một bộ phận cư dân miền Đông Nam bộ, nhưng đồng thời Bình Dương là vùng đất được bao bọc bởi sông Đồng Nai và sông Sài Gòn, có những điều kiện sinh thái đặc biệt nên cư dân Bình Dương có những đặc điểm riêng từ lịch sử hình thành đến kỹ năng nghề nghiệp. Vùng đất Bình Dương từ lâu đã được biết đến với hình ảnh nhộn nhịp của sự giao thương và hội tụ từ nhiều vùng miền trong cả nước. Dưới thời thuộc địa của Pháp, như cách gọi của người đương thời, đó là tỉnh lỵ của một "tỉnh miệt vườn" thuần nông, chỉ có hai trục giao thông chính là sông Sài Gòn và Quốc lộ 13, dân số chỉ vài vạn người, chủ yếu là nông dân.

Địa hình của Bình Dương tương đối bằng phẳng, nền địa chất ổn định, vững chắc, phổ biến là những dãy đồi phù sa cổ nối tiếp nhau với độ dốc không quá 3 - 15độ. Đặc biệt có một vài đồi núi thấp nhô lên giữa địa hình bằng phẳng như núi Châu Thới ở thị xã Dĩ An cao 82m và ba ngọn núi thuộc huyện Dầu Tiếng là núi Ông cao 284,6m, núi La Tha cao 198m, núi Cậu cao 155m. Với địa hình cao trung bình từ 6 – 60m, nên trừ một vài vùng thung lũng dọc sông Sài Gòn và sông Đồng Nai, đất đai ở Bình Dương ít bị lũ lụt, ngập úng. Địa hình tương đối bằng phẳng thuận lợi cho việc mở mang hệ thống giao thông, xây dựng cơ sở hạ tầng, khu công nghiệp và sản xuất nông nghiệp.

Bình Dương là vùng đất chiến trường năm xưa với những địa danh đã đi vào lịch sử như Phú Lợi, Bàu Bàng, Bến Súc, Lai Khê, Nhà Đỏ và đặc biệt là chiến khu Đ với trung tâm là huyện Tân Uyên, nay là huyện Bắc Tân Uyên và thị xã Tân Uyên, vùng Tam giác sắt trong đó có ba làng An. Ở Bình Dương có khu du lịch Đại Nam khá nổi tiếng của ông Dũng “lò vôi”. Tên đầy đủ của ông là Huỳnh Uy Dũng.

Khu Kim Điện và dãy núi Bảo Sơn trong Lạc Cảnh Đại Nam Văn Hiến cùng ông chủ Huỳnh Uy Dũng. 

Ông Dũng là chủ sở hữu của Khu du lịch Lạc Cảnh Đại Nam Văn Hiến rộng trên 450ha ở tỉnh Bình Dương, là Giám đốc Công ty cổ phần Đại Nam, là chủ đầu tư các khu công nghiệp Bình Dương gồm Sóng Thần 1, 2 và 3. Ông được biết đến là một trong những người giàu nhất Việt Nam lúc bấy giờ. Mặc dù chưa công bố nhưng theo các công ty kiểm toán thì khối tài sản khổng lồ của ông Dũng có thể lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng Việt Nam nếu cổ phần hóa. Ông Dũng nguyên quán tại xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước, Bình Định, Việt Nam. Ông chưa học hết lớp 12, nhập ngũ và tham gia Chiến tranh biên giới Tây Nam, phục vụ công tác hậu cần ở Quân khu 5, rồi Quân khu 7, làm nhiệm vụ tiếp tế cho bộ đội ngoài chiến trường. Ông lập gia đình với bà Trần Thị Tuyết, con gái ông Ba Thu, Giám đốc Sở Nông nghiệp tỉnh Sông Bé bấy giờ (Sau này ông ly hôn với bà Tuyết và kết hôn với bà Nguyễn Phương Hằng, tên thật là Nguyễn Thị Thanh Tuyền, biệt danh Hằng Canada năm 2010). Sau đó, ông được chuyển về công tác ở phòng Hậu cần, Công an Thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Sông Bé. Thời điểm đó, do cuộc sống quá kham khổ, ông bỏ việc, chuyển sang làm lò vôi, sản xuất các loại vôi quét tường, vôi bột công nghiệp. Cái tên "Dũng lò vôi" bắt đầu từ khi đó. Xí nghiệp "lò vôi" làm ăn rất phát đạt. Sau ông bán "lò vôi" để về làm Giám đốc Công ty sơn mài Thành Lễ, công ty sơn mài Thành Lễ vốn là của một nhà tư sản, được tiếp quản sau giải phóng, do lãnh đạo tỉnh Sông Bé lúc đó giao cho. Công ty này sau đổi tên thành Công ty Thương mại Xuất nhập khẩu Thành Lễ. Những năm 1990 - 1993, ông Dũng đã làm dự án và xin được thực hiện thí điểm xây dựng Khu công nghiệp Bình Đường, sau đó là KCN Sóng Thần 1. Do đón đúng nhu cầu phát triển, cả hai KCN ngay sau khi hình thành đã được lấp kín bởi các dự án đầu tư trong và ngoài nước, gồm cả các dự án của EPC Tăng Minh Phụng.

Năm 2014 các phương tiện thông tin ồn áo về sự căng thẳng giữa Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương và ông Huỳnh Uy Dũng. Chỉ trong vòng 50 ngày (từ 8/9-28/10) năm 2014, tỉnh Bình Dương đã ban hành tới 12 văn bản, trung bình 4 ngày ra một văn bản, gửi tới Công ty cổ phần Đại Nam, liên quan tới việc thu hồi quyền sử dụng 61,4ha đất ở của công ty. UBND tỉnh Bình Dương khẳng định không hề thu hồi đất KCN Sóng Thần 3 mà chỉ thu hồi sổ đỏ cấp sai; còn ông Dũng nói thực chất đó là quyết định thu hồi đất và đòi Bình Dương đền 1.800 tỷ đồng. Để đáp lại, ông Huỳnh Uy Dũng đã có tuyên bố sẽ đóng cửa Khu du lịch Đại Nam. Ngày 3/11 năm 2014, trong văn bản thông báo do Tổng giám đốc công ty Nguyễn Hữu Phước ký nêu rõ: Từ 10/11 đến hết ngày 31/12/2014, Khu du lịch Lạc cảnh Đại Nam Văn Hiến sẽ tạm ngừng hoạt động. Ông Dũng dự kiến đóng cửa KDL Đại Nam và dần dần sẽ là các hoạt động khác của Công ty Đại Nam, để chờ đợi chỉ đạo giải quyết của Thủ tướng Chính phủ. Sau đó sự việc được dàn xếp.

Vụ kiện Ủy ban nhân dân Tỉnh Bình Dương, đây là vụ kiện nổi tiếng trên báo giới trong nước. Theo đó, ông Dũng kiện ông Lê Thanh Cung, chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương, về việc chậm thực hiện các thủ tục để phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 khu công nghiệp Sóng Thần 3, là khu công nghiệp do công ty Đại Nam của ông Dũng được giao sử dụng. Theo đó, ban đầu theo phê duyệt khu công nghiệp Sóng Thần 3, rộng 533 ha, năm 2006, một phần đất trong khu công nghiệp, khoảng hơn 71 ha là đất hành chính – dịch vụ, kho bãi và khu ở. Trong đó, hơn 61/71 ha này là khu ở. Thời hạn hoạt động của dự án bằng thời hạn giao đất: 50 năm. Năm 2008, bất ngờ một phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành một quyết định cho phép Công ty Đại Nam thay đổi thời hạn sử dụng phần đất khu ở thành "đất ở", thời hạn giao đất là lâu dài. Công ty Đại Nam phân ra hơn 2.600 lô đất, khoảng 32 hecta, và chuyển nhượng cho nhân viên của mình. Tuy nhiên, khi ông Lê Thanh Cung lên làm chủ tịch, lại không thông qua phê duyệt quy hoạch chi tiết khu này, dẫn tới người mua đất không thể xây dựng được. Đồng thời ông Cung ký quyết định "không cho phép chuyển nhượng đất ở trong khu công nghiệp dưới bất kỳ hình thức nào". Sau đó, Thanh tra Chính phủ Việt Nam cho rằng ông Dũng kiện nhầm người. Ủy ban nhân dân Tình Bình Dương sau đó đã thu hồi quyết định về việc cho phép thay đổi thời hạn sử dụng đất "khu ở" trong khu công nghiệp Sóng Thần 3 (P. Phú Tân, TP Thủ Dầu Một) từ "50 năm" sang "lâu dài". Ông Dũng kiện lên Thủ tướng chính phủ. Còn rất nhiều chuyện lùm xùm về đời tư và công việc của ông Dũng, nhất là từ sau khi ông cưới bà Nguyễn Phương Hằng.

Thôi, chuyện đời tư của ông Dũng “lò vôi” quá phức tạp, hãy bỏ lại những câu chuyện đó để tận hưởng sự hoành tráng của khu du lịch Đại Nam. Rất cảm ơn ông đã tạo ra một khu giải trí tầm cỡ quốc tế với tâm huyết tôn vinh dân tộc và đất nước. Với tổng diện tích xây dựng giai đoạn 1 là 261ha, giai đoạn 2 là 450ha, Lạc cảnh Đại Nam Văn Hiến có tổng diện tích là 711ha đủ cả biển, hồ, sông, núi và tường thành, với dụng ý làm toát lên vẻ đẹp của đất nước Việt Nam, trong đó điểm nhấn quan trọng nhất là đền thờ Đại Nam hay còn gọi là Kim Điện và dãy núi Bảo Sơn. Ngoài ra, tại khu du lịch còn có nhiều hạng mục quan trọng khác như vườn thú mở, biển nhân tạo và khu vui chơi giải trí hấp dẫn.

Năm 2004, ngay từ khi khu Lạc cảnh Đại nam Văn hiến mới khởi công được 1 năm, chúng tôi đã được vào thăm. Khu thờ hay Đền Đại Nam được khởi công xây dựng đầu tiên, vào ngày 10 tháng 03 năm Quý Mùi (11/04/2003) và khánh thành vào ngày 02 tháng 9 năm 2005 với tổng diện tích xây dựng là 5000 m2. Khu này đến nay được gọi là Kim Điện là hạng mục đầu tiên, mới hoàn thành các công trình chính, các hạng mục xung quanh vẫn dang dở. Khi đó chúng tôi vào dạy học ở Sài Gòn, một học trò của chúng tôi là Giám đốc Sở y tế tỉnh Bình Dương lúc đó, anh lại chơi thân với ông Dũng lò vôi, anh hẹn ông Dũng đưa các thầy vào thăm. Ông Dũng tiếp chúng tôi ở lán công trường, ông như một người nông dân thực sự, say sưa kể về dự án của khu vui chơi giải trí này. Ông có ý định xây dựng ở đây một khu vui chơi tầm cỡ quốc tế. Khu thờ được ông lấy khuôn mẫu kể cả kích thước của tử cấm thành đời nhà Thanh Trung Quốc, phía sau là dãy núi Bảo Sơn nhân tạo, có hình dáng của Ngũ Hành Sơn với các ngọn Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Ngày khởi công ông chọn vào ngày dỗ tổ Hùng Vương, ngày khánh thành ông chọn vào ngày Quốc Khánh. Trên vách núi Bảo Sơn phía sau nhà thờ là cửu tháp có một tháp 9 tầng gọi là cửu tháp. Phía trái là khu du lịch có bãi biển nhân tạo, có khu thú nuôi và các trò chơi mạo hiểm. Phía phải dự kiến xây một hệ thống khách sạn hình vòng cung có phòng nghỉ từ triệu đô đến 1 đô Mỹ một đêm. Nhìn công trình nhà thờ mới hoàn thành với những chi tiết hết sức tinh sảo mới thấy ông thực sự tâm huyết. Ông dẫn chúng tôi leo lên cửu tháp, mỗi tầng thờ một vị danh nhân lịch sử kèm theo những câu thơ rất hay. Các chi tiết hoa văn của cửu tháp cũng rất tinh xảo. Trước một công trình dang dở như vậy nhưng chúng tôi đã thấy choáng ngợp trước quy mô của công trình và tay nghề của những người thợ. Buổi trưa ông mời cơm chúng tôi ở một căng tin của công trường.

Bản đồ khu du lịch Đại Nam, Bình Dương

Sau đó 3 năm tôi cũng đã trở lại thăm thì khu thờ đã hoàn thành cùng với dãy Bảo Sơn nhân tạo phía sau. Khu vui chơi vẫn còn đang dang dở và toàn cảnh vẫn là một công trường. Bây giờ, khu du lịch đã hoàn thành và đi vào khai thác hơn 10 năm, hôm nay chúng tôi dành gần một ngày để thăm quan. Các công trình trong khu Đại nam có thể kể đến như sau:

Đền Đại Nam còn gọi là Kim Điện. Trước khi vào Kim Điện phải qua cổng Thanh Vân. Đây là cổng tam quan to lớn ở phía trước dẫn vào Đại Nam Quốc Tự, phía trên cổng Tam Quan Thanh Vân là các câu đối ca ngợi non sông Việt Nam của tác giả Huỳnh Ngu Công. Câu đối có nội dung: “Lạc Cảnh Đại Nam Văn Hiến; Hẹn bước Thanh Vân; Kính thư tiên tổ tạ long ân; Chào cả Tiên Long hội giáng trần; Tôn dựng bốn nghìn năm diệu sở; Việc thời xin hẹn bước Thanh Vân”.

Mặt sau của cổng Thanh Vân cũng có bài thơ có nội dung như sau: “Về thăm Văn Hiến rồng tiên; Mỗi trang sử một thề nguyền đinh ninh; Về thăm Văn Hiến diễm tình; Khi về chở cả cây Quỳnh cảnh Dao”.

Từ cổng chính vào, qua cầu Ngọc Bích và Hồ Ngọc Bích, sẽ đến cổng của Đại Nam Quốc Tự. Khuôn viên chùa rộng 5.000m², cầu thang đi lên có 9 bậc tam cấp. Đây là lối đi cao, muốn lên Đại Tự, phải leo lên 9 bậc cấp này. Phía sau đền thờ còn có thang máy dành cho người khuyết tật và người già.

Hành lang bao quanh chùa được lát đá khổ lớn nhập từ Tây Ban Nha. Đây là gạch gương, mỗi viên có giá 2.800.000 đồng một viên. Tổng cộng có 28 bộ cửa làm bằng gỗ quý, trên các bộ cửa có chạm khắc hình ảnh 28 giai đoạn lập quốc của Việt Nam. Tất cả các bức chạm khắc trên đều được khảm dát vàng 24k. Khu vực dát vàng, du khách không thể sờ hiện vật và được bảo quản. Phía trước chính điện là một hồ rộng có phun nước. Tổng cộng có 54 cột nước tượng trưng cho 54 dân tộc Việt Nam. Phần hồ nước rộng phía trước có hệ thống nhạc nước, được sử dụng vào các dịp lễ hội và các chương trình sân khấu lớn.

  

Cổng Thanh Vân (hình trái), Chính điện bên trong Kim Điện (hình phải)

Kim Điện hay đền thờ Đại Nam là một công trình kiến trúc theo kiểu Việt cổ có diện tích 5.000m2 với chất liệu chính là gỗ, đá và mạ vàng. Tuy nhiên có nhiều ý kiến cho rằng công trình mang nét lai căng Trung Hoa và có ít đặc điểm kiến trúc Việt.

Chính Điện gồm ba tầng thờ, gồm tượng Đức Phật Tổ, vua Hùng Vương và vua Trần Nhân Tông, hai bên là tượng của chủ tịch Hồ Chí Minh, danh tướng Trần Hưng Đạo và Mẹ Âu Cơ đều được mạ vàng. Bên dưới có bảng thờ 54 dân tộc và hơn 2.000 dòng họ Việt Nam. Tôi thử tìm xem họ của tôi và các họ mà tôi đã biết có không, có đầy đủ hết. Riêng cái khoản sưu tập được các họ của người Việt là cả một kỳ công, thật đáng thán phục. Các cánh cửa đền được khắc những câu chuyện lịch sử và dân gian của đất nước. Hai bên hông ngoài đền thờ là hai bức tượng Thánh Gióng và danh tướng Lý Thường Kiệt cưỡi ngựa, cũng mạ vàng. Trước đây, 3 bệ tượng là tượng Phật Tổ, vua Hùng, Hồ Chí Minh nhưng nay đã thay đổi.

Chính giữa Kim Điện có một mái vòm, khi đến đây lần đầu, trong lúc mải ngắm mái vòm, tôi ngạc nhiên thấy tiếng mình nói lại vang như có micro, thì ra nếu đứng thẳng tâm mái vòm chiếu xuống, khi nói âm thanh được cộng hưởng giống như đang nói qua Micro. Phải nói kỹ thuật xây dựng ở đây thật chính xác và tinh sảo.

Khu vui chơi được xây dựng trên diện tích 50 ha và chính thức đưa vào hoạt động cùng thời điểm khai mạc Khu Du Lịch Đại Nam năm 2008. Khu vui chơi được thiết kế hiện đại với hơn 40 trò chơi đủ mọi cấp độ từ trò chơi cảm giác mạnh, trò chơi khám phá cho đến  trò chơi dân gian, trò chơi phổ thông. Phần lớn các hạng mục công trình trò chơi trong Khu vui chơi giải trí này đều được thiết kế, xây dựng theo tầm cỡ và đẳng cấp quốc tế. Các trò chơi trong khu vui chơi của Lạc cảnh Đại Nam văn hiến có thể kể sơ lược như sau: Tàu lộn vòng siêu tốc; Đua xe F1; Thập nhị cung kỳ án; Phim 4D; Thuyền đụng; Thế giới tuyết; Ngũ Lân đại cung - 18 tầng địa ngục; Phượng hoàng cung và Đu quay dây văng; Ếch nhảy; Vượt thác; Khám phá rừng rậm Amazon; Tàu lộn ngang; Thiên đường tuổi thơ; Phim 4D mái vòm.

Khu Đại Nam hiện đang giữ 8 kỷ lục, đó là: (1) Khu du lịch có diện tích lớn nhất Việt Nam (450ha), bao gồm cả núi sông, hồ, biển bao trọn cả một khu du lịch. (2) Bức tường thành bao bọc gắn với hệ thống khách sạn dài 13,5 km, với 5.000 phòng nghỉ. (3) Cột cờ có hình dáng đài sen cao 9m, có thể được xem là cột cờ cao nhất Việt Nam. Trụ cờ có hình Long đầu trượng, biểu tượng của sự thanh cao và quyền quý. Cây cột cờ xây dựng theo kiến trúc của Cổ Loa Thành. (4) Đền thờ Đại Nam quốc tự rộng 5.000m² được xây dựng theo kiến trúc cổ, được xem là đền thờ rộng lớn nhất hiện nay. (5) Núi Bảo Sơn hay Ngũ Hành Sơn trong khu du lịch Đại Nam dài 250mét, gồm 5 ngọn: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ với ngọn núi trung tâm cao 65.8 mét là ngọn núi nhân tạo lớn nhất Việt Nam (tính đến thời điểm hiện nay). Trong núi này là khu Việt Nam thu nhỏ và các hạng mục công trình khác. (6) Biển nhân tạo với diện tích 22ha, được xem là biển nhân tạo lớn nhất Việt Nam có thiết bị tạo sóng và nước biển có nồng độ ổn định như nước biển thật, phục vụ cho hơn 30.000 du khách đến đùa vui. Đường bờ biển dài 30m, cát trắng mịn, cột sóng cao 1,6m, do Thụy Điển chuyển giao công nghệ. (7) Vườn thú có nhiều thú trắng nhất Việt Nam. Với bộ sưu tập phong phú nhiều loại thú đặc biệt là các loài thú quý hiếm như: sư tử trắng, cọp trắng, công trắng..v..v. (8) Trò chơi Tàu lượn siêu tốc có đường ray dài nhất Việt Nam.

Núi Bảo Sơn và cửu tháp, dưới chân núi là dòng Bảo Định Giang

Dãy núi Bảo Sơn gồm 5 ngọn núi liên hoàn cao 65.8m, dài 250m, được đánh giá là ngọn núi nhân tạo cao nhất Việt Nam. Núi có ngọn bảo tháp ngang lưng trừng núi, bên trong mỗi tầng tháp có thờ một danh nhân và tạc các bài thơ hay, trên núi có suối chảy róc rách. Bên trong dãy Bảo Sơn là công trình Việt Nam thu nhỏ và các vị Bồ Tát, Di Lặc,.v...v.. Cùng bao quanh dãy Bảo Sơn là con rồng vàng dài bao bọc cùng dòng Bảo Định Giang chảy róc rách ngày đêm. Hiện nay chim yến đã về làm tổ trên núi và khu này đã trở thành nơi nuôi yến, suốt ngày nghe ríu rít tiếng chim phát ra từ những chiếc loa dụ chim yến về và nhìn thấy  những con chim yến bay lượn trên núi.

Toàn cảnh biển nhân tạo trong khu Đại Nam

Biển Đại Nam được xây dựng trên diện tích gần 2,2 ha, tổng diện tích mặt nước 20.000m², chiều dài bờ biển 1,4 km... đây được xem là biển nhân tạo lớn nhất Việt Nam. Biển có các bãi tắm, hệ thống tạo sóng nhân tạo có thể làm ra những con sóng cao 1,6 mét, đây được xem là biển nhân tạo có mức sóng cao nhất đáp ứng yêu cầu tắm biển của du khách.

Biển Đại Nam

Vườn thú Đại Nam là vườn thú mở đầu tiên ở Việt Nam. Tại đây những con thú không bị nhốt trong chuồng mà được thả tự trong khuôn viên nuôi nhốt, cách ly với du khách là con suối, hàng cây. Vườn thú rộng mát với khuôn viên 12,5 hécta, có 100 loài động vật. Có các loài như sư tử trắng, tê giác trắng, hổ trắng, công trắng, ngựa vằn, rùa da báo, hươu cao cổ, Hà mã, hổ Đông Dương, Khỉ sóc Nam Mĩ, Báo lửa, Nai cà tong, Hồng hoàng, Linh dương sừng kiếm. Khu thú nhỏ được nhốt và ngăn cách bởi các tấm kính.

 

Vườn thú Đại Nam

Lúc vào chúng tôi đi nhầm cổng vào trường đua ngựa, quay lại chạy ngược lên cổng chính cách cổng dưới khoảng nửa cây số. Quả thật khu này chiếm một diện tích khá lớn và các công trình đều rất vĩ đại. Cất xe vào bãi đỗ, mặt trời đã ở trên đỉnh đầu khá nóng, chúng tôi chụp vài ảnh khu vực cổng vào rồi đi vào trong khu thờ.

Khu thờ rộng với vườn, đài phun nước, và đầm nước theo khuân mẫu của tử cấm thành với các chi tiết và hoa văn được chạm vàng óng ánh. Có một đoàn làm phim đang quay cảnh công chúa đi dạo trong vườn thượng uyển với các cung nữ súng sính quần áo theo hầu. Khá nhiều khách tham quan, chỗ nào cũng nghe tiếng trầm trồ thán phục về quy mô và kỹ sảo của công trình. Rất tiếc con đường ra dãy núi Bảo Sơn và cửu tháp được chắn lại với biển cấm vào. Tiếng chim yến réo rắt trên núi và chúng tôi nhìn thấy rất nhiều chim yến bay lượn trên sườn núi. Ngọn núi đã trở thành nơi làm tổ của chim yến và ở đây người ta đã bán tổ yến thu hoạch từ ngọn núi này. Chúng tôi đi dạo ở đây đến 3 giờ chiều thì trở về thành phố Thủ Dầu Một.

Cổng vào khu du lịch Đại Nam.

Toàn cảnh Kim Điện

Cửu tháp và dãy núi Bảo Sơn hùng vĩ.

Vườn thượng uyển với cảnh quay công chúa và các nàng hầu của một đoàn làm phim.

Chúng tôi trở về thành phố Thủ Dầu Một khoảng hơn ba giờ chiều. Lượn một vòng thăm quan thành phố và dừng lại ở chùa Hội Khánh. Chùa được xây dựng năm Tân Dậu 1741, tọa lạc trên một vùng đất yên tĩnh với nhiều cây cối, đặc biệt là có bốn cây dầu đã được trồng hơn một thế kỷ sau khi chùa được xây lại. Mặc dù đã qua nhiều lần trùng tu, nhưng ngôi chùa vẫn giữ được nét cổ kính.  Đối diện với chùa sang bên đường là Trung tâm Tu học Phật giáo, có Tượng Phật nằm cao 12 m, dài 52 m.

  

Chùa Hội Khánh, tại số 35 Yersin, phường Phú Cường, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương

Thủ Dầu Một là thành phố tỉnh lỵ tỉnh Bình Dương, cách trung tâm thành phố Hồ Chí Minh khoảng 30 km về phía bắc. Về cái tên Thủ dầu một, trước đây cũng có những tác giả cho rằng có nguồn gốc từ tiếng Campuchia. Nhưng phần đông tác giả khác đều nghĩ Thủ Dầu Một là một cụm từ tiếng Việt được hình thành từ sự kết hợp giữa hai thành tố Thủ (có nghĩa là giữ) Dầu Một là tên đất. Theo truyền khẩu vì đồn binh canh giữ tại huyện lỵ Bình An nằm trên ngọn đồi có cây dầu lớn quen gọi là cây dầu một nên tên gọi Thủ Dầu Một ra đời.

Mời các bạn xem tiếp Episode 8:

https://hahoangkiem.com/van-hoc/ky-su-phuot-xuyen-viet-episode-8-thu-dau-mot-binh-duong-my-tho-tien-giang-3850.html


CHIA SẺ BÀI VIẾT

Bài cùng chủ đề

Bài về chủ bút

    Tinh hoa nhân loại

      Khoa học

        Văn học

          SÁCH CỦA TÔI