Phượt xuyên Việt ký
Episode 9 - Ngày thứ chín (Mỹ Tho Tiền Giang – Mũi Cà Mau – TP Cà Mau)
Google map đã tự động ghi lại lịch trình trong ngày của chúng tôi
Buổi sáng bên bờ sông Tiền khí hậu thật dễ chịu, tôi mở cửa phòng bước ra ban công để hít thở không khí ban mai, mặt trời đang nhô lên và những con thuyền máy đang rẽ nước ngược dòng sông Tiền chở đầy hàng cho một ngày mới. Hôm nay đã là ngày thứ chín của cuộc hành trình, là thứ 5 ngày 9 tháng 1 năm 2020, còn 2 tuần nữa là đến tết nguyên đán. Ở ngoài Bắc không khí tết chắc đã rộn ràng, nhưng ở đây chúng tôi thấy hình như tết không mấy thay đổi trong suy nghĩ của mọi người, cuộc sống vẫn diễn ra bình thường, chưa thấy hoa tết ngoài chợ, chưa thấy đèn màu chăng trên phố, cuộc sống vẫn êm ả như thường lệ.
- Hôm nay mình đi thẳng vào đất mũi Cà Mau, Cần Thơ để dành lúc quay về nghỉ ở đó em nhé. Như thế mình sẽ vượt qua tỉnh Vĩnh Long, Cần Thơ, Bạc Liêu rồi tới Cà Mau.
Cung đường từ Mỹ Tho đi vào qua rất nhiều cây cầu, các cây cầu bắc qua các nhánh của con sông Mê Kông mà chúng ta gọi là sông Cửu Long. Sông Mê Kông bắt nguồn từ Tây Tạng Trung Quốc với tên gọi là Lan Thương rồi chảy qua 4 nước là Thái Lan, Myanmar, Lào và Campuchia rồi vào Việt Nam bằng hai nhánh sông là sông Tiền và sông Hậu. Sông Tiền tách ra sáu nhánh và sông Hậu tách ra ba nhánh để tạo ra 9 nhánh sông đổ ra biển Đông theo 9 cửa sông. Cũng chính vì vậy mà nó có tên là sông Cửu Long, tức là 9 con rồng cùng vươn ra biển.
Sông Cửu Long ở đồng bằng Nam Bộ
Từ Pnom penh, sông Mê Kông chia thành hai nhánh theo dòng chảy từ Bắc xuống Nam: bên phải (hữu ngạn) là sông Bassac (sang Việt Nam gọi là Hậu Giang hay sông Hậu) và bên trái (tả ngạn) là Mê Kông (sang Việt Nam gọi là Tiền Giang hay sông Tiền), cả hai đều chảy vào khu vực đồng bằng châu thổ rộng lớn ở nam bộ, dài chừng 220–250km mỗi sông.
Sông Tiền (sông Mekong) bắt đầu chảy vào Việt Nam từ thị xã Tân Châu, An Giang và huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp. Sông Tiền chảy tới đoạn cù lao An Bình, Vĩnh Long thì chia làm 2 nhánh là: sông Tiền (Mekong) và sông Cổ Chiên.
- Sông Tiền tiếp tục chảy và là ranh giới chia đôi 2 tỉnh Tiền Giang và Bến Tre rồi tách thành 4 nhánh sông nhỏ hơn là sông Cửa Tiểu, Cửa Đại, sông Ba Lai và sông Hàm Luông. Tương ứng với 4 cửa sông sau đây:
+ Cửa Tiểu: thuộc xã Tân Thành, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang
+ Cửa Đại: gần Cù lao Thới Trung, thuộc 2 huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang và huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre
+ Cửa Ba Lai: cửa sông này thuộc nhánh sông Ba Lai, nằm giữa xã Bảo Thuận, huyện Ba Tri và xã Thới Thuận, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre. Đây là cửa nhỏ nhất trong 9 cửa sông
+ Cửa Hàm Luông: cửa sông này thuộc sông Hàm Luông, xã An Thủy, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre.
- Sông Cổ Chiên: chảy qua 2 tỉnh Vĩnh Long và Bến Tre. Đến khúc vào địa phận tỉnh Trà Vinh và gần ra biển thì bị cù lao Long Trị, Long Hòa chia thành 2 cửa đều thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh là:
+ Cửa Cổ Chiên.
+ Cửa Cung Hầu.
- Sông Hậu (sông Bassac): bắt đầu chảy vào Việt Nam từ thị trấn Long Bình, huyện An Phú, tỉnh An Giang. Sau đó chảy qua 1 loạt tỉnh, cuối cùng đổ ra biển ngay chỗ cù Lao Dung (tỉnh Sóc Trăng), chia làm 2 nhánh đổ ra 3 cửa là:
+ Cửa Định An: thuộc thị trấn Định An, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh.
+ Cửa Trần Đề: thuộc thị trấn Trần Đề, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng.
+ Cửa Ba Thắc (Bassac): cửa này đã bị bồi lấp từ cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20. Hiện chỉ còn 1 con sông nhỏ là sông Cồn Tròn chảy từ trung tâm cù lao Dung ra hòa vào cửa Trần Đề đổ ra biển Đông.
Như vậy Sông Tiền đổ ra biển bằng 6 cửa sông, còn sông Hậu đổ ra biển bằng 3 cửa sông, hai sông tạo ra 9 cửa sông đổ ra biển.
Các nhánh sông Mê Kông (sông Cửu Long) và đường quốc lộ 1A từ thành phố Hồ Chí Minh đi Cần Thơ phải qua cầu Mỹ Thuận bắc qua sông Tiền nối Tiền Giang và Vĩnh Long, qua cầu Cần Thơ bắc qua sông Hậu nối hai tỉnh Vĩnh Long và Cần Thơ.
Nếu đi từ thành phố Hồ Chí Minh vào, không đi theo quốc lộ 1A mà muốn đi qua các cửa sông thì đi theo quốc lộ 50, lần lượt qua các huyện Cần Giuộc, Cần Đước thuộc tỉnh Long An rồi đến cầu Mỹ Lợi. Đây là cây cầu nối liền 2 tỉnh Long An và Tiền Giang về hướng Gò Công, bắc qua sông Vàm Cỏ. Cầu Mỹ Lợi được xây dựng thay thế cho phà Mỹ Lợi.
Bản Đồ hệ thống sông Đồng Nai
Cầu Mỹ Lợi bắc qua sông Vàm Cỏ nối Long An và Tiền Giang
Sau khi qua cầu Mỹ Lợi, tiếp tục theo quốc lộ 50 hướng về thị xã Gò Công.
Để qua các nhánh của Sông Tiền chúng ta phải đi qua 7 cây cầu, đó là:
+ Cầu Hồng Ngự - Tân Châu: nối Đồng Tháp với An Giang.
+ Cầu Cao Lãnh: nối thành phố Cao Lãnh với huyện Lấp Vò, Đồng Tháp.
+ Cầu Mỹ Thuận: nối Tiền Giang với Vĩnh Long.
+ Cầu Rạch Miễu: Tiền Giang - Bến Tre.
+ Cầu Ba Lai: thuộc tỉnh Bến Tre.
+ Cầu Hàm Luông: nối thành phố Bến Tre với huyện Mỏ Cày Bắc, Bến Tre.
+ Cầu Cổ Chiên: nối Bến Tre - Trà Vinh.
Để đi qua các nhánh của Sông Hậu, chúng ta phải đi qua 5 cây cầu:
+ Cầu Vĩnh Trường: nối thị trấn An Phú với xã Vĩnh Trường, huyện An Phú, An Giang.
+ Cầu Châu Đốc: nối thành phố Châu Đốc và thị xã Tân Châu, An Giang.
+ Cầu Vàm Cống: nối huyện Lấp Vò, Đồng Tháp với quận Thốt Nốt, Cần Thơ.
+ Cầu Cần Thơ: nối Cần Thơ với Vĩnh Long.
+ Cầu Đại Ngãi: nối huyện Trà Cú, Trà Vinh - huyện Cù Lao Dung, huyện Long Phú, Sóc Trăng.
Cầu Mỹ Thuận là cầu dây văng hình rẻ quạt (semi-hanp) với hai mặt phẳng dây cách nhau 18,6m, cầu dài 1.535,2m, cầu dẫn: 875,2m, gồm 22 nhịp, cầu có 4 làn xe cơ giới, 2 lề bộ hành tổng cộng rộng 23m. Cầu Mỹ Thuận nối liền hai tỉnh Tiền Giang và Vĩnh Long. Đầu cầu phía Bắc thuộc xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang; đầu cầu phía Nam thuộc xã Tân Hòa, thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long. Năm 1950, Chính phủ Hoa Kỳ đã từng có ý định cung cấp vốn cho chính quyền Việt Nam Cộng hòa xây dựng cây cầu nhưng thất bại. Giữa thập niên 1960, công ty Nippon Koei (Nhật Bản) đã hoàn thành thiết kế đồ án và được lựa chọn nhưng dự án bị hủy do khó khăn về tài chính. Cầu hiện tại được thực hiện theo chương trình AusAid của Chính phủ Australia. Dự án cầu Mỹ Thuận có tổng nguồn vốn đầu tư là 90,86 triệu đô la Úc (tương đương khoảng 2.000 tỷ đồng), trong đó Chính phủ Úc tài trợ 66%, vốn đối ứng phía Việt Nam là 34%.
Cầu Mỹ Thuận bắc qua sông Tiền nối Tiền Giang và Vĩnh Long.
Cầu Rạch Miễu nằm trên quốc lộ 60 bắc qua sông Tiền có tổng mức đầu tư khoảng 3.300 tỷ đồng, là cầu dây văng nối liền hai tỉnh Tiền Giang và Bến Tre. Bờ bắc của cầu là thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang, bờ nam là huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre, cách thành phố Bến Tre 10 km. Đây là công trình do Việt Nam tự đầu tư, với thiết kế và tổng thầu là các công ty Việt Nam. Đây là chiếc cầu dây văng lớn thứ ba được xây dựng ở đồng bằng sông Cửu Long (cầu Mỹ Thuận do Úc thiết kế và thi công, cầu Cần Thơ do Nhật thiết kế và thi công) và Rạch Miễu là cây cầu đầu tiên do chính các kỹ sư Việt Nam thiết kế và thi công theo công nghệ mới. Cầu có chiều dài 8331m kể cả đường nối hai đầu cầu. Riêng phần cầu chính gồm 2 cầu số 1 và số 2 có tổng chiều dài 2.868 m. Ở giữa cầu là cù lao Thới Sơn. Cầu số 2 dài 990m gồm các nhịp có chiều dài tới 90m để thông thuyền với chiều cao 7m là dầm bê tông cốt thép dự ứng lực thi công theo phương pháp đúc hẫng cân bằng. Các nhịp cầu dẫn là nhịp dầm Super T chiều dài mỗi nhịp 40m. Hai đoạn đường nối hai đầu có tổng chiều dài 5.463m và 2 cầu chính có tổng chiều dài 2.868m bắc qua hai nhánh sông Tiền Giang và cồn Thới Sơn. Ngày 20/8/2009, Bộ GTVT cùng hai tỉnh Bến Tre và Tiền Giang đã tổ chức lễ hợp long nối 2 nhịp dây văng chính của cầu Rạch Miễu, nối tỉnh Bến Tre với Tiền Giang.
Cầu Rạch Miễu nối thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang ở bờ Bắc, với huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre ở bờ nam.
Cầu Cần Thơ là cây cầu bắc qua sông Hậu, nối liền quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ và thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long. Cầu có chiều rộng 23,1m, trong đó có bốn làn xe, mỗi làn 3,5m và hai lề bộ hành, mỗi lề 2,75m. Tốc độ thiết kế 80 km/giờ, qua các khu dân cư 60 km/giờ.
Cầu Cần Thơ được khởi công xây dựng vào ngày 25 tháng 9 năm 2004. Ban đầu, cầu Cần Thơ dự kiến sẽ được khánh thành vào ngày 14 tháng 12 năm 2008. Tuy nhiên, vì xảy ra sự cố sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ vào ngày 26 tháng 9 năm 2007, nên đến ngày 24 tháng 4 năm 2010, cầu Cần Thơ mới được khánh thành. Tổng mức đầu tư 4.832 tỷ (thời điểm 2001, tức là khoảng 342,6 triệu USD) bằng nguồn viện trở phát triển chính thức (ODA) của chính phủ Nhật và vốn đối ứng của chính phủ Việt Nam (khoảng 15%). Dự án được chia thành 3 gói thầu:
Gói thầu 1 là đoạn đường dẫn phía Vĩnh Long dài 5,41 km trong đó có 4 cầu qua kênh Trà Và lớn, Trà Và nhỏ, sông Trà Ôn và vượt quốc lộ 54. Gói thầu này do ba nhà thầu trực thuộc Bộ Giao thông Vận tải là Liên doanh Tổng công ty xây dựng Thăng Long, Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 6, Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 8 thi công trong 42 tháng.
Gói thầu 2 là cầu chính. Gói thầu này do Liên doanh ba nhà thầu Nhật Bản là các Tập đoàn Taisei, Kajima, và Nippon Steel thi công trong 50 tháng. Gồm có: Cầu dẫn bờ Bắc bằng dầm Super T dài 0,52 km. Cầu chính kết cấu dây văng dài 1,010 km, mặt cầu hỗn hợp dầm thép và bê tông cốt thép dự ứng lực. Cầu dẫn bờ Nam bằng dầm Super T dài 0,88 km. Cầu dầm liên tục đúc hẫng vượt nhánh sông Hậu dài 0,34 km. Tổng chiều dài cầu chính là 2,75 km.
Gói thầu 3 là đoạn đường dẫn phía Cần Thơ dài 7,69 km trong đó có 6 cầu qua kênh Cái Tắc, kênh Cái Da, kênh Áp Mỹ, kênh Cái Nai, sông Cái Răng và vượt quốc lộ 91B. Gói thầu này do nhà thầu Tổng công ty xây dựng Trung Quốc thi công trong 45 tháng.
Cầu xây dựng dựa vào nguồn vốn vay ODA (Nhật Bản). Tổng mức đầu tư khoảng 4.832 tỷ VNĐ tỷ giá năm 2004 (khoảng 37 tỷ yên Nhật). Chủ đầu tư là Bộ giao thông vận tải (Bộ trưởng đương nhiệm là Hồ Nghĩa Dũng). Đại diện chủ đầu tư quản lý dự án là Ban quản lý dự án Mỹ Thuận (PMU Mỹ Thuận), tổng Giám đốc đương nhiệm là Kỹ sư cầu đường Dương Tuấn Minh. Tư vấn giám sát quốc tế Liên danh Nippon Koei - ChoDai. Nhà thầu chính Liên danh Taisei – Kajima – Nippon Steel (nhà thầu TKN). Nhà thầu phụ VSL (Thụy Sĩ), Mitsui Thăng Long (MTSC) (Liên doanh Việt Nhật về kết cấu thép, NM tại Hà Nội).
Sự cố sập nhịp cầu cần thơ: Khoảng 8 giờ sáng ngày 26 tháng 9 năm 2007, nhịp cầu dẫn dài 90m về phía Vĩnh Long đang thi công đã bất ngờ bị sập. Dưới nhịp cầu dẫn có khoảng 100 công nhân, có khả năng đã thiệt mạng, phía trên nhịp cầu có khoảng 150 công nhân cũng đang thi công đều bị thương. Đây là đoạn cầu dẫn bờ bắc Vĩnh Long bằng dầm Super T, do liên doanh nhà thầu Taisei, Kajima và Nippon Steel làm thầu chính. Theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải vào tháng 10 năm 2007, số người chết là 53 người, số người bị thương là 80 người, số người mất tích là 1 người. Đến ngày 2 tháng 7 năm 2008, Bộ trưởng Bộ xây dựng Nguyễn Hồng Quân đã báo cáo Chính phủ kết quả điều tra sự cố sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ là do lún lệch đài móng trụ tạm.
Những giả thiết ban đầu: Theo PGS-TS Trần Chủng (Cục trưởng cục giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng) thì cầu Cần Thơ sập có thể do hệ thống giàn giáo đã bị dịch chuyển trong khi bê tông của cầu chỉ mới đổ được 2 ngày, chưa đủ độ liên kết. Trụ T14 - T13 - T12 có độ cao từ 35 đến 40m, thường ở độ cao này người ta thi công bằng cốp pha (tức khuôn đúc bê tông) lao như những nhịp ở giữa sông. Làm kiểu này chỉ cho phép đúc mỗi lần một khẩu 6m (gọi là phương pháp đúc hẫng bằng khuôn đúc di động theo phương ngang), sau đó chờ kết cấu bê tông đông cứng và đạt tới cường độ nhất định, đủ để bê tông có thể chịu lực được (ít nhất là trọng lượng bản thân khẩu dầm đó) mà không cần khuôn đúc, thì mới di chuyển khuôn đúc theo phương ngang để đúc khẩu tiếp theo. Cách này an toàn nhưng thời gian thi công lâu hơn và cốp pha đắt hơn. Có thông tin cho biết công ty Vĩnh Thịnh thấy nhịp này tuy cao nhưng còn ở trên bờ nên đã sáng tạo ra cách thi công mới rẻ hơn và nhanh hơn là dùng giàn giáo chống từ dưới mặt đất lên và đổ luôn một lần mấy chục mét. Theo một công nhân kỹ thuật làm cầu hơn 10 nãm nay thì cách này chỉ dùng được khi độ cao mặt cầu thấp (khi đó độ cao của giáo chống thấp, đảm bảo giàn giáo chống ổn định khi chịu nén) và chống bằng dàn giáo chuyên dụng cho làm cầu (giáo cầu) vì khối lượng được ước tính lên tới 2000 tấn mà dùng dàn giáo dân dụng lắp ráp lên tới độ cao 40m nên càng yếu và mất ổn định do độ mảnh của giáo chống trở nên rất lớn. Ngày hôm trước (24/9) đổ bê tông xong một đoạn, lẽ ra phải chờ đoạn đó ổn định kết cấu (đủ thời gian để bê tông đạt tới cường độ có thể cho phép tháo dỡ khuôn đúc chịu lực) theo tiêu chuẩn quy phạm kỹ thuật thi công nhưng sáng hôm sau đã cho công nhân gỡ cốp pha và đổ tiếp. Khi bê tông chưa đạt tới cường độ cho phép tháo dỡ cốp pha, đã gỡ cốp pha và có nhiều tác động mạnh trên đó nên gây sập đúng vào đầu giờ làm việc. Cũng có thông tin rằng có hiện tượng sụt lún đất do gần bờ sông. Nếu có hiện tượng này thì đây cũng có thể là một nguyên nhân gây ra chuyển vị của hệ giáo chống dẫn đến nghiêng đổ chúng gây sập cốp pha. Theo vnexpress.net thì: "...Các biện pháp cứu hộ chỉ thực hiện được từ xa (dùng cần cẩu cẩu bê tông, sắt thép cứu người bị kẹt), do khu vực xung quanh nhiều nhịp cầu có nguy cơ sập tiếp, nên không dám điều thêm nhân lực vào trong cứu trợ. Đất ở khu vực đầu cầu vẫn đang tiếp tục bị lở.
Những cảnh báo trước: theo báo Tuổi Trẻ, ba tháng trước, ngày 27 tháng 6, kỹ sư tư vấn giám sát người Nhật, Hiroshi Kudo, làm tư vấn giám sát cho Nippon Koei đã gửi thư "cho người có trách nhiệm phụ trách dự án xây dựng cầu" (Báo không nêu danh tánh) và đưa ra cảnh báo về độ an toàn hệ thống khuôn đúc đường dẫn cầu cũng như biện pháp thi công của nhà thầu chỉ đạt 15%, khi kiểm tra bản thiết kế kết cấu trụ đỡ tạm (thành phần chính hệ thống giáo chống của khuôn đúc) và hệ khuôn đúc. Ông đã yêu cầu nhà thầu cần thiết kế lại kết cấu trụ tạm và toàn bộ hệ khuôn đúc. Tuy nhiên trong ngày họp báo ngày 29/9, đại diện Taisei cho biết "Chúng tôi không hề nhận được thông tin này". Ba ngày sau, Bộ GTVT đã có văn bản khẳng định, các công trình tạm của hai nhịp cầu bị sập đã được chỉnh sửa trước khi xảy ra thảm họa, theo đó nhà thầu TKN đã có một số nội dung chỉnh sửa, gia cường công trình phụ tạm và phương án chỉnh sửa các công trình tạm và phản ánh được các yêu cầu của tư vấn giám sát, và được tư vấn giám sát chấp nhận.
Để tưởng niệm những người thiệt mạng do tai nạn, một khu tưởng niệm được xây dựng trong khuôn viên Bồ Đề Cổ Tự (xóm Rạch Tra, ấp Mỹ Hưng II, xã Mỹ Hòa, Thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long). Khu tưởng niệm có diện tích gần 80m², nằm cách vị trí cầu Cần Thơ khoảng 200m, được xây dựng bằng kinh phí do nhà thầu TKN (Nhật Bản) tài trợ. Đây cũng là nơi thờ tự tập trung những người quá cố khi tham gia xây dựng cầu Cần Thơ. Vào cùng ngày diễn ra lễ khánh thành cầu Cần Thơ ngày 24 tháng 4 năm 2010, một lễ cầu siêu đã được tổ chức tại chùa nhằm tưởng nhớ đến những người đã thiệt mạng trong sự cố và cầu cho linh hồn của họ được siêu thoát.
Cầu Cần Thơ bắc qua sông Hậu là cây cầu dây văng dài và đẹp. Một điều khác biệt là hai trụ dây văng ở các cây cầy dây văng khác có hình chữ V ngược thì ở Cầu Cần thơ có hình chữ Y ngược nhìn giống như hai bàn tay chắp lại trước bàn thờ Phật cầu cho các linh hồn đã tử nạn trong vụ sập cầu dẫn được siêu thoát. Nhìn xuống bờ sông phía đầu bắc có một nhà thờ được xây dựng trên một bãi đất bằng phẳng. Đó là khu tưởng niệm những người quá cố trong vụ sập đường dẫn cầu Cần Thơ do nhà thầu TKN (Nhật Bản) tài trợ kinh phí xây dựng.
Cầu Cần Thơ với trụ dây văng hình chữ Y ngược tượng chưng cho hai bàn tay chắp trước bàn thờ và khu tưởng niệm trong khuôn viên Bồ Đề Cổ Tự (xóm Rạch Tra, ấp Mỹ Hưng II, xã Mỹ Hòa, thị xã Bình Minh tỉnh Vĩnh Long) ở đầu cầu phía Bắc, cho thấy tính nhân văn của người Nhật mới đáng kính nể làm sao.
Toàn cảnh cầu Cần Thơ với 216 sợi dây văng, trên cao nhìn xuống như mái tóc dài của cô gái đang tuổi xuân thì xõa xuống dòng sông Hậu. Khoảng cách hai bờ sông Hậu lớn hơn sông Tiền khiến cây cầu vừa “trải dài” ra, vừa cao hơn, thật kỳ vỹ đến ngỡ ngàng. Cầu Cần Thơ “gác” vào cồn Ấu nên nhìn xa có những đoạn võng nhẹ nhàng trong như dải lụa, ngước lên, những sợi dây văng màu cam được bắt từ trụ tỏa dần xuống như đan như dệt trên nền trời xanh. Trụ có hình chữ Y ngược và hai chân khép vào để thu hẹp diện tích bệ trụ nên mang nét đẹp thanh thoát. Cảng Cái Cui, nơi đón nhận và vận chuyển toàn bộ dầm hộp thép cho ngày hợp long nằm kề sông lớn, ngay trước mặt. Xóm Chài, cồn Ấu xanh rì cây trái, kênh rạch quấn quýt len lỏi bên những hầm cá vuông vức liền nhau, ghe thuyền vẫn ngược xuôi tấp nập nơi ngã ba sông.
Cầu Cần Thơ trong đêm
Bến phà bắc Cần Thơ, “bắc Cái Vồn” sau gần trăm năm (hình thành khoảng năm 1918) gắn bó với người châu thổ đã bị lui vào ký ức. Các cụ kỳ lão dọc hai bờ khẳng định “bến phà phía Bắc” này là một phần nhịp sống của châu thổ Cửu Long, thuở đầu phà chạy bằng sức người, 6 - 10 người đạp “guồng” tạo sức đẩy, sau đó phà mới chạy bằng máy. Cầu Cần Thơ đã nối thông phần còn lại của vựa lúa, mở toang cho 7 tỉnh tiểu vùng Tây sông Hậu: An Giang, Kiên Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau, nơi hàng năm sản xuất trên 11 triệu tấn lúa, chiếm 54,1% tổng sản lượng lúa và gần 1 triệu tấn thủy sản, chiếm 52,4% sản lượng thủy sản cả vùng châu thổ Nam bộ. Nếu tính từ năm 1993, khi ý tưởng xây cầu Cần Thơ được khởi phát, năm 1996 bắt đầu nghiên cứu dự án và đến năm 2001 Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt dự án, khởi công, triển khai thi công đến ngày hoàn thành cầu Cần Thơ tốn 17 năm, 17 năm cho một ước mong dồn nén của bao thế hệ.
Chúng tôi từ thành phố Mỹ Tho đi theo quốc lộ 1A qua cầu Mỹ Thuận rồi cầu Cần Thơ, qua Bạc Liêu tới Cà Mau. Tới thành phố Cà Mau vào đầu giờ chiều, kia rồi tượng đài ở ngã sáu với những lá dừa nước vươn cao và 4 mặt là các bức tượng quen thuộc mà tôi đã có dịp chụp ảnh cách đây gần 5 năm. Khi ấy, tôi vào đây dự một Hội nghị do Bộ Y tế tổ chức (thành phần là các chuyên gia trong ngành Phục hồi chức năng Việt Nam) để bàn về chế độ chi trả bảo hiểm y tế cho các kỹ thuật Vật lý trị liệu và Phục hồi chức năng vào hai ngày 2-3/10/2015.
Cục quản lý khám chữa bệnh Bộ Y tế. Hội thảo hoàn thiện dự thảo thông tư quy định danh mục kỹ thuật, vật tư y tế Phục hồi chức năng và thực hiện chi trả Phục hồi chức năng được quỹ Bảo hiểm Y tế thanh toán. Thành phố Cà Mau ngày 2 tháng 10 năm 2015.
- Vẫn còn sớm, mình đi tiếp hay nghỉ?
- Đi thôi, mình sẽ quay về đây nghỉ tối vì thành phố Cà Mau mình đã khám phá ở đây 3 ngày sau khi kết thúc Hội nghị mấy năm trước, chắc chưa có gì thay đổi.
Hồi đó vợ tôi đi cùng, sau khi kết thúc hội nghị chúng tôi cùng đoàn đi thăm đất mũi. Vào thời điểm đó từ thành phố Cà Mau xuống đất mũi chưa có đường bộ nối thông mà phải đi bằng cano ra đất mũi. Sau đó chúng tôi tách đoàn, ở lại thuê xe máy khám phá thành phố Cà Mau và khu rừng ngập mặn Năm Căn.
Chòi quan sát trong rừng ngập mặn Năm Căn, chúng tôi đã leo lên đây để ngắm toàn cảnh khu rừng.
Chúng tôi đã tới thăm khu tưởng niệm Bác Hồ và vườn chim trong thành phố, ăn bánh xèo ở quảng trường cổng khu tưởng niệm, vào khám phá rừng đước u minh. Còn bây giờ đường đã thông suốt từ thành phố Cà Mau tới Đất mũi, chúng tôi đã được xem trên TV buổi lễ cắt băng khánh thành con đường vào cuối năm ngoái và được gọi là đoạn cuối của đường mòn Hồ Chí Minh.
Cung đường từ thành phố Cà Mau tới Đất mũi dài khoảng 100km gồm hai làn xe ngược chiều. Đường mới làm xong còn đen màu nhựa, chưa bị vết bánh xe làm cho bạc màu, các vạch sơn kẻ còn khá mới. Đường rất phẳng hai bên là đầm nước mặn được rừng đước phủ kín xanh rì, cảm giác như đang đi trong rừng. Nhiều đoạn đường dài tới vài chục cây số không có nhà dân, vì dân cư thưa nên xe cộ lưu thông trên đường rất ít, cư dân vùng mũi đi lại chủ yếu bằng ghe thuyền chứ không phải bằng xe cộ.
Một đoạn đường từ thành phố Cà Mau tới Đất Mũi.
Chúng tôi tới Đất mũi khoảng 3 giờ chiều, khác với trước đây, cuối con đường ở mũi đất xa nhất (định vị vệ tinh đã ghi nhận điều đó) xuất hiện một tượng đài được xây dựng trên một khu đất rộng đánh dấu điểm cuối của đường mòn Hồ Chí Minh.
Tượng đài ghi dấu điểm cuối đường mòn Hồ Chí Minh ở đất Mũi
Từ tượng đài men theo bờ biển phía tây là cầu kè chắn sóng được xây dựng rất hiện đại và đẹp. Chúng tôi tản bộ trên cây cầu kè này để ngắm nhìn cảnh hoàng hôn Đất Mũi và chụp một số bức ảnh làm kỷ niệm cho chuyến xuyên Việt đã đặt chân đến Đất Mũi Năm Căn.
Đền thờ Lạc Long Quân và tượng đài Người Mẹ Âu Cơ mới được xây dựng bên bờ kè.
Hoàng hôn trên Đất Mũi.
Con Ba Khía (cua) là đặc sản có nhiều dưới các rừng ngập mặn ở Cà Mau, khi nước thủy triều xuống, người ta thường vào rừng ngập mặn bắt cua và cá Thòi Lòi, loài cá sử dụng hai vây trước như hai chân để bò trên bùn, chúng có thể leo cả lên cây nữa. Chà nhớ đến món cá Thòi lòi tẩm muối ớt nướng lại thèm quá.
Cô bé Google đã ghi lại chúng tôi đã đi bộ theo cầu kè chắn sóng 2,7km với 33 phút.
Toàn cảnh đất Mũi với Tượng đài điểm cuối đường mòn Hồ Chí Minh (bên trái) tiếp đến là biểu tượng mũi thuyền của đất Mũi, vòng theo cầu kè chắn sóng chỗ khúc cua là đền thờ vua Hùng và mẹ Âu Cơ, phía sau là cột cờ.
Chúng tôi tìm một một phòng nghỉ, định nghỉ lại Đất Mũi để thưởng thức cái không khí về đêm ở cực nam tổ quốc và ngắm bình minh vào sáng hôm sau, nhưng sau một hồi tìm kiếm không có khách sạn cũng không có nhà nghỉ, chỉ có vài dãy quán phía ngoài cổng soát vé mới dựng mà không có phòng nghỉ đêm. Về thành phố Cà Mau thôi, 100km đường vắng dự kiến đi khoảng 1 giờ 30 phút là có thể tới nơi. Đúng là suốt dọc đường từ Đất Mũi về thành phố, khi đó khoảng 7 - 9 giờ tối, chỉ thỉnh thoảng có một vài xe máy chạy ngược chiều của người dân từ thành phố về muộn, hoặc một vài chiếc xe auto chạy cùng chiều của các vị khách thăm quan Đất Mũi không tìm được phòng nghỉ phải trở về thành phố giống như chúng tôi.
Chúng tôi tới thành phố Cà Mau lúc 9 giờ tối, chọn khách sạn Ruby Hotel, 19-20A Hùng Vương, phường 7, thành phố Cà Mau, ở ngay ngã 6 nhìn ra tượng đài. Vào dịp này rất vắng khách du lịch, vì thế chọn khách sạn rất dễ vì vào khách sạn nào cũng chỉ có vài phòng là có khách còn lại đều để trống, giá lại rất mềm, vì thế chúng tôi cứ nhằm khách sạn 4 sao trở lên mà vào giá cũng chỉ bằng khách sạn 2 sao mùa cao điểm. Cất đồ đạc xong tôi đi xuống phố với ý định chụp vài bức ảnh đường phố về đêm thì phát hiện ngay cạnh khách sạn là một chợ hoa quả rất lớn. Các sạp hàng chất đầy quả, mỗi loại quả đều có một bảng giá được niêm yết rõ ràng. Mọi thứ đều rất rẻ, vú sữa trắng chỉ có 25K/kg, Hồng xiêm trái to ngọt lịm cũng chỉ 10K/kg, mít đã bóc múi cũng chỉ 30K/kg. Tôi mua một vài kilogram hồng xiêm và vú sữa xách về. Từ khi vào tới lưu vực sông cửu long, trên xe chúng tôi luôn có sẵn hoa quả tươi các loại, tôi thích nhất là dừa xiêm, hầu như chúng tôi không còn phải dùng nước lavie nữa.
Tượng đài ở ngã sáu thành phố Cà Mau.
Mời các bạn xem tiếp Episode 10: