Ký sự phượt xuyên Việt - Episode 11 (Ninh Kiều Cần Thơ – Đà Lạt Lâm Đồng)

Cập nhật: 02/04/2020 Lượt xem: 3099

Phượt xuyên Việt ký                             

Episode 11 - Ngày thứ mười một (Ninh Kiều Cần Thơ – Đà Lạt Lâm Đồng)

Bản đồ Google tự động ghi lại hành trình trong ngày của chúng tôi

Buổi sáng chúng tôi dậy sớm, dọn đồ xuống xe. Ồ, chiếc xe của chúng tôi sạch bong như mới được rửa vì ngày hôm qua vào đây nó chứa đầy bụi đường. Người bảo vệ khách sạn có tuổi trung niên, mặc đồ đồng phục xanh đi đến chào tôi.

- Anh có thấy xe sạch sẽ không, tôi dùng chổi lông phủi sạch từ tối qua.

- Cảm ơn anh rất nhiều, nhìn thấy cái con ngựa đầy bụi tối qua, hôm nay bóng mượt tuyệt vời quá.

- Anh là Hà Hoàng Kiệm phải không?

Tôi ngạc nhiên không hiểu tại sao anh lại biết tên tôi.

- Vâng, đúng rồi, nhưng tại sao anh lại biết tên tôi?

- Tôi mới nhìn thấy anh trên TV mấy hôm rồi, anh tư vấn về bệnh sỏi thận, anh nói rất rõ ràng và dễ hiểu. Tôi thích xem các chương trình tư vấn về sức khỏe trên truyền hình. Tôi còn xem mấy chương trình trước đó của anh nữa.

Tôi rất thán phục trí nhớ của con người này, đúng là tôi thường được mời tư vấn sức khỏe về bệnh thận tiết niệu trên chương trình “Hãy chia sẻ cùng chúng tôi” phát trên kênh VTV2 vào khoảng 8 giờ 15 phút tối thứ 6 hàng tuần. Nhưng xem trên TV với bộ vét lịch sự thế mà anh vẫn nhận ra tôi trong bộ quần áo đi phượt thì quả thật tôi không hình dung nổi.

Trước khi rời đi, tôi rút ví biếu anh 100K để cảm ơn vì đã chăm sóc cho con ngựa chiến của tôi sạch sẽ, và cũng để thầm cảm ơn anh về lời khen. Anh signal cho tôi đưa xe ra khỏi hầm và vẫy tay chào tạm biệt. Nghĩ lại câu chuyện vừa rồi thấy vui vui, tôi kể lại với vợ tôi thì vợ tôi nói:

- Thế là sáng sớm được tiếp một nguồn năng lượng tích cực, hôm nay lái xe cả ngày nhé!

- OK, đường hôm nay khá dài đấy, từ đây lên Đà Lạt là bao nhiêu cây ấy nhỉ?

- Để em mở google map, mà hôm nay có hai con đèo Bảo Lộc và Prenn hiểm trở đấy nhé.

Kế hoạch của chúng tôi là chiều vào đi theo đường ven biển, chiều về đi theo đường phía tây và đường mòn Hồ Chí Minh, vì thế chúng tôi đi lên Đà Lạt từ hướng thành phố Hồ Chí Minh. Từ Cần Thơ chúng tôi đi qua Vĩnh long, cầu Mỹ Thuận, cây cầu bắc qua sông Tiền nối hai tỉnh Tiền Giang và Vĩnh Long, thị xã Cai Lậy của tỉnh Tiền Giang, rồi qua Long An, Đồng Nai, lên Bảo Lộc thuộc tỉnh Lâm Đồng để tới Đà Lạt. Chúng tôi vượt qua quãng đường 452km với thời gian 11 giờ 52 phút, lên tới Đà Lạt khoảng 3 giờ 30 chiều. Hôm nay là thứ 7, nên các khách sạn trung tâm đã kín chỗ, chúng tôi phải lùi xa hơn một chút, vào khách sạn Ngàn Phố Hotel, số 31 đường Nhà Trung, phường 3, thành phố Đà Lạt.

Bản đồ hành chính miền Nam Việt Nam

Cung đường đi qua tỉnh Đồng Nai rất đẹp, mặt đường phẳng, hai bên đường là rừng cao su xanh tốt. Các quán caffe võng nằm dọc hai bên đường ẩn mình dưới tán rừng cao su khá nhiều. Không gian nơi đây thật thanh bình, yên ả, thảo nào anh bạn Bảo bác sĩ cùng lớp của tôi quê ở Chùa Hương, vào công tác ở đây đã quyết định đưa cả vợ con vào định cư ở đây. Cũng nơi này ít ai còn nhớ cách đây 45 năm đã diễn ra một cuộc chiến ác liệt, trước khi chiến tranh chấm dứt, đó là trận chiến Xuân Lộc.

  

Bản đồ hành chính tỉnh Đồng Nai.

Chiến dịch Xuân Lộc tên đầy đủ là Chiến dịch tiến công tuyến phòng thủ Xuân Lộc - Long Khánh. Chiến dịch diễn ra trong khoảng các ngày 9 - 20 tháng 4 năm 1972 giữa Quân Giải phóng và Quân lực Việt Nam Cộng Hòa với sự hỗ trợ của Bộ chỉ huy Viện trợ Quân sự Mỹ tại Việt Nam, trận chiến mà chúng tôi đã có dịp nhắc đến trong ký ức về Nha Trang. Xuân lộc là khu vực phòng thủ trọng yếu trong tuyến phòng thủ cơ bản (Biên Hòa - Xuân Lộc - Bà Rịa - Vũng Tàu) của Quân lực Việt Nam Cộng Hòa để phòng giữ cửa ngõ phía đông của Sài Gòn. Lực lượng Quân Giải Phóng tham chiến gồm có: Quân đoàn 4, thiếu Sư đoàn 9, tăng cường Sư đoàn bộ binh 6 của Quân khu 7, ngoài ra còn một trung đoàn tăng, thiết giáp, một trung đoàn pháo binh, sau còn được tăng cường thêm Trung đoàn 95B thuộc Sư đoàn bộ binh 325 và một đại đội xe tăng, với tổng quân số khoảng 40.000, do Thiếu tướng Hoàng Cầm làm tư lệnh và Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện làm chính ủy, thương vong khoảng 2.000 người (trong đó 1.888 người bị thương vong thuộc về Quân đoàn 4, theo số liệu của Việt Nam). Quân lực Việt Nam Cộng hoà có quân số khoảng 14.000, gồm Sư đoàn 18 Bộ binh, với các Trung đoàn 43, 48 và 52, lực lượng Địa phương quân, nghĩa quân Long Khánh và các đơn vị tăng phái gồm Trung đoàn 8 thuộc Sư đoàn 5 Bộ binh, Lữ đoàn 3 Thiết kỵ, Liên đoàn 7 Biệt động quân, hai tiểu đoàn pháo binh, Liên đoàn 81 Biệt động dù, Lữ đoàn 1 Dù với các Tiểu đoàn 1, 2, 8, 9 và Tiểu đoàn 3 Pháo binh Dù. Ngoài ra còn được sự hỗ trợ của 2 sư đoàn Không quân từ phi trường Biên Hòa và Cần Thơ yểm trợ chiến thuật. Toàn bộ tuyến phòng ngự do Chuẩn tướng Lê Minh Đảo, Tư lệnh Sư đoàn 18 chỉ huy, thương vong 2.056 người, 2.731 bị bắt, chiến đoàn 52 bị đánh tan, Sư đoàn 18 và Lữ đoàn 1 Dù bị thiệt hại nặng. Xuân Lộc là cửa ngõ phía đông của Sài Gòn, thất thủ Xuân lộc sẽ đe dọa trực tiếp mối an nguy của Sài Gòn, vì thế Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đốc thúc các tướng lĩnh Sài Gòn bám trụ. Tướng Lê Minh Đảo tuyên bố tử thủ Xuân Lộc. Vì thế đây là trận chiến hết sức ác liệt.

Chiến trường Xuân Lộc 4.1975

Với mục đích thăm dò khả năng quân sự và phản ứng của Mỹ, trung tuần tháng 12 năm 1974, Quân Giải phóng Miền Nam Việt Nam dùng biện pháp nghi binh để quân Sài Gòn tập trung lực lượng bảo vệ Tây Ninh, bất ngờ tập kích các cứ điểm Bù Đăng, Đồng Xoài, khai thông đường 14, chớp thời cơ mở chiến dịch đánh chiếm Phước Long. Rạng sáng ngày 31 tháng 12 năm 1974, Sư đoàn 7 và 9 với xe tăng và pháo tầm xa tấn công tỉnh Phước Long do Sư đoàn 5 bộ binh của Quân lực Việt Nam Cộng hòa trấn giữ. Tỉnh Phước Long lọt vào tay Quân Giải phóng Miền Nam Việt Nam ngày 6 tháng 1 năm 1975, trong khi Việt Nam Cộng hòa không thể huy động đủ lực lượng để chiếm lại. Trước sự tấn công của Quân Giải phóng Miền Nam Việt Nam, Hoa Kỳ chỉ phản ứng lấy lệ bằng những tuyên bố ngoại giao.

Đánh giá Mỹ sẽ không can thiệp, Bộ Chính trị Đảng cộng sản Việt Nam và Bộ Tổng Tư lệnh Quân Giải phóng Miền Nam Việt Nam quyết tâm giải phóng miền Nam trong năm 1975. Mở màn với chiến dịch Tây Nguyên sử dụng các Sư đoàn 316, 10, 320, Trung đoàn 95B, Trung đoàn 198 Đặc công,Quân Giải phóng Miền Nam Việt Nam đã nghi binh, khiến Quân lực Việt Nam Cộng hòa tin rằng họ sẽ tấn công thị xã Pleiku. Tuy nhiên, vào 2h00 sáng ngày 10/3/1975, Sư đoàn 316, Trung đoàn 95B, Trung đoàn 198 Đặc Công bất ngờ đánh úp thị xã Ban Mê Thuột. Trung đoàn 53 thuộc Sư đoàn 23 Bộ binh và Liên đoàn Biệt Động quân số 21 của Quân lực Việt Nam Cộng hòa giữ thị xã bị tiêu diệt. 2 trung đoàn còn lại của Sư đoàn 23 Bộ binh mang số hiệu 44, 45 được trực thăng vận từ Pleiku đến tái chiếm Ban Mê Thuột, đổ bộ lọt vào trận địa của Sư đoàn 10 chờ sẵn và bị tiêu diệt nốt. 6 Liên đoàn Biệt Động quân đóng ở Pleiku hoảng sợ, cùng với lệnh bỏ Tây Nguyên của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu nên đã rút chạy theo đường số 7 để rồi bị Sư đoàn 320 truy kích tiêu diệt 5 trong 6 Liên đoàn. Toàn bộ lực lượng chủ lực của Quân lực Việt Nam Cộng hòa trên Tây Nguyên mất sạch.

Mất Tây Nguyên, Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu tiếp tục ra lệnh rút Sư đoàn 1 Nhảy dù và Sư đoàn 1 Thủy quân Lục chiến về bảo vệ Sài Gòn. Lực lượng Vùng 1 Chiến thuật dưới sự chỉ huy của Trung tướng Ngô Quang Trưởng bị thiếu 2 sư đoàn trù bị thiện chiến nhất, lập tức bị Quân đoàn 2 Quân Giải phóng Miền Nam Việt Nam gồm các Sư đoàn 304, 324, 325 tiến công. Sư đoàn 1, 2, 3 Bộ binh của Quân lực Việt Nam Cộng hòa bị tiêu diệt và tan rã.

Sau ngày 2/4/1975, Vùng 2 Chiến thuật của Việt Nam Cộng hòa chỉ còn lại tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, nên được sáp nhập vào Vùng 3 Chiến thuật. Phan Rang và Xuân Lộc trở thành hai cửa ngõ để Quân Giải phóng Miền Nam Việt Nam vào Sài Gòn bằng quốc lộ 1 và quốc lộ 20. Xuân Lộc là một vị trí chiến lược quan trọng vì là ngã ba của hai Quốc lộ 1 và 20  (quốc lộ 20 nối với Đà Lạt), cửa ngõ từ miền Trung, miền Cao nguyên vào Sài Gòn và chỉ cách Sài Gòn 80km. Do đó Xuân Lộc được coi như vành đai ngoài bảo vệ phi trường Biên Hòa và Sài Gòn.

Trên cơ sở nhận định chiến trường, ngày 3/4/1975, Bộ tổng Tham Mưu Quân lực Việt Nam Cộng hòa cùng với Chủ tịch Hội đồng tham mưu liên quân Hoa Kỳ, nguyên chỉ huy Bộ chỉ huy quân sự Mỹ tại Việt Nam, Frederick Carlton Weyand, sang Việt Nam từ cuối tháng 3 năm 1975, xây dựng phương án thành lập tuyến phòng thủ Xuân Lộc. Ngày 3 tháng 4 năm 1975, Nguyễn Văn Thiệu đã thảo luận với phó đại sứ Hoa Kỳ Lehman và tướng Fredrick C. Weyand về kế hoạch "Nỗ lực tối đa" nhằm giữ vững những phần đất còn lại. Theo đó cần phải lấy Xuân Lộc làm trung tâm phòng ngự, hai bên sườn phải giữ được Tây Ninh và Phan Rang.

Tại đây, phía Quân lực Việt Nam Cộng Hòa tập trung nhiều đơn vị thiện chiến, gồm có Sư đoàn 18 Bộ binh với các Trung đoàn 43, 48 và 52 được tăng cường tương đương với quân số của chiến đoàn, lực lượng Địa phương quân ở tỉnh và các đơn vị tăng phái gồm Trung đoàn 8 thuộc Sư đoàn 5 Bộ binh, Lữ đoàn 3 Thiết kỵ, Liên đoàn 7 Biệt động quân, hai tiểu đoàn pháo binh, Liên đoàn 81 Biệt cách Dù, toàn bộ Lữ đoàn 1 Dù với các Tiểu đoàn 1, 2, 8, 9 và Tiểu đoàn 3 Pháo binh Dù. Sư đoàn 4 Không quân Việt Nam Cộng hòa từ phi trường Cần Thơ phụ trách không yểm chiến thuật. Tất cả lực lượng trên đặt dưới quyền chỉ huy của Chuẩn tướng Lê Minh Đảo Tư lệnh Sư đoàn 18 và hai viên sĩ quan phụ tá là Đại tá tư lệnh phó Lê Xuân Mai và Đại tá Phạm Văn Phúc Tỉnh trưởng Long Khánh. Mục đích bẻ gãy mũi xung kích của Quân Giải phóng Miền Nam Việt Nam trong một trận chiến phòng ngự điển hình, tạo thế có lợi chặn đứng đà tiến công của đối phương.

Về phía Quân Giải phóng Miền Nam Việt Nam, có Quân đoàn 4 do Thiếu tướng Hoàng Cầm chỉ huy gồm Sư đoàn 6 mới được thành lập, Sư đoàn 7 bộ đội chủ lực miền Đông Nam Bộ với kinh nghiệm chiến đấu dày dặn, đây nguyên là Sư đoàn 312A từ miền bắc hành quân vào nam từ năm 1965, đã đánh bại Sư đoàn 1 Anh Cả Đỏ Mỹ tại đường 13, giết chết Trung tướng Mỹ Keith Lincoiln Ware là Tư lệnh Sư đoàn này vào hồi 13h00 ngày 13/9/1968. Sư đoàn mạnh nhất của B2 tức sư  đoàn 9 phải ở lại phía tây, nên cánh phía đông được phối thuộc Sư đoàn Sông Lam (F341) mới thành lập do Đại tá Trần Văn Trân chỉ huy, một người đã từng là Tư lệnh Sư đoàn 1 Quân Giải phóng Miền Nam Việt Nam, từng bị quân Mỹ bắt sống năm 1969 trong một chuyến đi công tác, ông bị giam giữ trong suốt 3 năm mà đối phương không dò ra được lai lịch, được thả về trong 1 đợt trao trả tù binh bên sông Thạch Hãn đầu năm 1973.

Ngày 9 tháng 4 năm 1975, 5 giờ 40, sau khi Quân Giải phóng Miền Nam Việt Nam pháo kích các mục tiêu trong thị xã trong vòng một tiếng đồng hồ, sau đó các mũi bộ binh bắt đầu tiến công.

Tại hướng chính từ phía Đông, Trung đoàn 165 Sư đoàn 7 Quân Giải phóng Miền Nam Việt Nam với 8 xe tăng dẫn đầu tấn công về phía căn cứ Sư đoàn 18, khi còn cách khoảng 200m thì vấp phải sự chống trả quyết liệt của Trung đoàn 43 Bộ binh và Tiểu đoàn 3/4 Địa phương quân Long Khánh, bị thiệt hại nặng, 3 trên 8 xe tăng bị hỏng và khoảng 100 lính miền Bắc bị hạ bởi các súng chống tăng M-72 và máy bay A-37, F-5 của Không lực Việt Nam Cộng hòa, nên chỉ chiếm được một phần hậu cứ của Chiến đoàn 52 (Sư đoàn 18). Đến 12 giờ, hướng này buộc phải ngừng tấn công.

Ở hướng phụ từ phía Bắc, Trung đoàn 266 thuộc Sư đoàn 341 đánh thọc sâu vào thị xã, nhưng bị phản kích mạnh nên phải dừng lại bên ngoài sở chỉ huy tiểu khu.

Tại vòng ngoài, Ở hướng quốc lộ 20, Sư đoàn 6 tấn công vào các vị trí chốt giữ của Trung đoàn 52 của Sư đoàn 18 Việt Nam Cộng hòa, diệt được 5 chốt trên đoạn đường từ Hưng Nghĩa đến đèo Mẹ Bồng Con, Trung đoàn 52 phải bỏ Túc Trưng kéo về giữ ngã ba Dầu Giây. Ở hướng Quốc lộ 1, phía đông nam thị xã, Trung đoàn 209 thuộc Sư đoàn 7 và Trung đoàn 270 thuộc Sư đoàn 341 Quân Giải phóng Miền Nam Việt Nam đánh bại hai tiểu đoàn Việt Nam Cộng hòa, diệt 7 xe tăng của chiến đoàn 43, 48 thuộc Sư đoàn 18 Việt Nam Cộng hòa từ Tân Phong và Núi Thị vào cứu viện. Các trục lộ chính phía bắc Xuân Lộc đều bị cắt đứt, tuyến phòng thủ ngoại ô thị xã tan vỡ, toàn bộ lực lượng Việt Nam Cộng hòa rút vào trong thị xã Xuân Lộc để cố thủ.

Sáng ngày 10 tháng 4, đúng 5 giờ 30, quân Quân Giải phóng Miền Nam Việt Nam lại pháo kích các mục tiêu trong thị xã. Sau trận pháo kích, Trung đoàn 141 Quân Giải phóng Miền Nam Việt Nam lực lượng dự bị của Sư đoàn 7, cùng một tiểu đoàn cao xạ 37 ly và một tiểu đoàn 57 ly, được tăng cường đột phá từ hướng bắc xuống phối hợp với Trung đoàn 165 Sư đoàn 7 tiếp tục tấn công vào căn cứ Sư đoàn 18. Tuy nhiên, do bị phản kích quyết liệt cùng với hỏa lực mạnh của quân Sài Gòn nên toàn bộ quân Quân Giải phóng Miền Nam Việt Nam cũng không đạt được mục tiêu.

Bước sang ngày thứ ba, 11 tháng 4, 7 giờ sáng Quân Giải phóng Miền Nam Việt Nam pháo kích trong 70 phút rồi bắt đầu tấn công. Dưới hỏa lực mạnh và sự yểm trợ bằng không quân của bên phòng thủ, bên tấn công cũng vẫn không chiếm được các mục tiêu là sở chỉ huy Sư đoàn 18 và hậu cứ Chiến đoàn 43 và 52. Cuộc chiến kéo dài ác liệt, cả hai phía ra sức giành giật từng ngôi nhà, điểm phòng ngự. Sau 3 ngày chiến đấu, Quân Giải phóng Miền Nam Việt Nam đã phải chịu thương vong lớn với khoảng 300 bộ đội hy sinh, 1000 bộ đội bị thương.

Đến ngày thứ tư, 12 tháng 4, thế trận đôi bên vẫn giằng co. Lữ đoàn 1 Nhảy dù gồm các Tiểu đoàn 1, 2, 8, 9 và Tiểu đoàn 3 Pháo binh Dù, với quân số khoảng 2.000 người, được điều tăng cường cho Xuân Lộc bằng tất cả trực thăng của hai Trung đoàn 3 và 4 Không quân từ Trảng Bom vào trận địa. Hai tiểu đoàn dù đầu tiên đã nhảy xuống để chiếm lại Bảo Định và Quốc lộ 1, nơi hai trung đoàn thuộc Sư đoàn 6 Quân Giải phóng Miền Nam Việt Nam đang tập trung tấn công Bộ tư lệnh Sư đoàn 18 Việt Nam Cộng hòa tại Tân Phong. Một tiểu đoàn dù khác nhảy xuống chiếm lại khu vực vườn cây của cố Thống Tướng Lê Văn Ty. Các tiểu đoàn dù khác nhảy vào Xuân Lộc để giải vây cho các lực lượng Địa phương quân và Bộ Chỉ huy Tiểu khu Long Khánh. Các pháo đội cũng được trực thăng Chinook chuyển vận đến Bộ Chỉ huy Hành quân Nhảy dù đóng cạnh bên Bộ Tư lệnh Sư đoàn 18 Bộ binh.

Sau 5 ngày giao chiến, lực lượng phòng thủ tại Xuân Lộc gồm có Sư đoàn 18, các lực lượng địa phương quân, tăng cường Lữ đoàn 1 Dù và 6 khẩu pháo 155mm tại ngã ba Tân Phong; Trung đoàn 8 bộ binh thuộc Sư đoàn 5, 3 chi đoàn thiết giáp 315, 318, 322 với hơn 300 xe các loại. Theo tướng Hoàng Cầm, khi đó là tư lệnh Quân đoàn 4 Quân Giải phóng Miền Nam Việt Nam, tổng số quân phòng phủ tại Biên Hòa-Xuân Lộc lên tới 25.000, tương đương 2 sư đoàn, 4 trung đoàn và lữ đoàn bộ binh, chiếm 30% quân số của Vùng 3 chiến thuật; 4 thiết đoàn; 8 tiểu đoàn pháo. Ngoài ra, còn có 2 sư đoàn không quân thuộc Sư đoàn 3 và 4 từ Biên Hòa, Tân Sơn Nhất và cả máy bay từ Trà Nóc dưới Cần Thơ cũng được tung vào yểm trợ cho Xuân Lộc.

Sau 5 ngày tiến công, Quân Giải phóng Miền Nam Việt Nam không hoàn thành được tất cả các mục tiêu đề ra. Sức chống trả cộng với hỏa lực mạnh của Quân lực Việt Nam Cộng hòa làm thiệt hại nặng lực lượng tấn công. Trong ba ngày đầu, Sư đoàn 7 bị thương vong 300 bộ đội, Sư đoàn 341 bị thương vong 1200 bộ đội. 9 xe tăng bị bắn cháy 3, hỏng 3. Pháo 85 ly và 57 ly bị hỏng gần hết. Tuy vậy, Quân giải phóng cũng đạt được phần nào mục tiêu khi phá vỡ tuyến phòng thủ vòng ngoài, cắt đứt trục lộ 1 và 20, làm cho lực lượng của Quân khu 1 và 2 Việt Nam Cộng hòa không thể rút về hỗ trợ cho Xuân Lộc. Toàn bộ lực lượng phòng thủ bị chia cắt thành 3 cụm: Núi Thị do Trung đoàn 48 chốt giữ, Dầu Giây do Trung đoàn 52 giữ, và thị xã Long Khánh do Trung đoàn 43 giữ. Bộ chỉ huy Sư đoàn 18 bị uy hiếp, buộc phải dời vị trí về ngã ba Tân Phong.

Phía Việt Nam Cộng hòa đã bắt đầu lạc quan khi cho rằng Quân Giải phóng Miền Nam Việt Nam không thể chiếm được Xuân Lộc. Tình hình tạm lắng vào ngày 14 tháng 4 càng củng cố thêm nhận định của họ. Thậm chí, tướng Lê Minh Đảo còn cho họp báo tại mặt trận, tuyên bố thách thức tướng Hoàng Cầm. Về phía các tướng lĩnh Quân Giải phóng Miền Nam Việt Nam, do thiệt hại nặng và không đạt được các mục tiêu đề ra, họ đã rút ra các khuyết điểm để điều chỉnh chiến thuật tấn công: chuyển từ đánh chiếm sang bao vây cô lập, từ đánh chính diện sang đánh tạt sườn, thay vì đánh chiếm Xuân Lộc thì đi vòng qua thị xã. Tướng Trần Văn Trà , tư lệnh Quân Giải phóng Miền Nam Việt Nam, đã đến bộ chỉ huy quân đoàn một ngày để cùng bàn cách đánh mới. Khi chiến sự tạm lắng vào ngày 14 chính là khi Quân đoàn 4 đang triển khai lực lượng theo cách đánh này.

Ngày 15 tháng 4, Quân Giải phóng Miền Nam Việt Nam chuyển hướng tấn công. Pháo 130 ly bắt đầu bắn phá căn cứ không quân Biên Hòa, không cho máy bay từ đây yểm trợ Xuân Lộc. Sư đoàn 6, sư đoàn phối thuộc của Quân khu 7, được tăng cường Trung đoàn 95, hiệp đồng tấn công Chiến đoàn 52, chiến đoàn này gồm Trung đoàn 52 của Sư đoàn 18 Việt Nam Cộng hòa, Lữ đoàn 3 Thiết kỵ, và các lực lượng Địa phương quân ở Kiệm Tân, tổng cộng khoảng 2.000 quân. Quân Giải phóng Miền Nam Việt Nam đã đánh chiếm được ngã ba Dầu Giây, giao điểm của Quốc lộ 1 và 20 và đoạn cuối đường 20 từ Trúc Tân đến Kiêm Tân, đánh bại nhiều cuộc phản kích từ Trảng Bom đánh ra, uy hiếp sở chỉ huy tiền phương Quân đoàn 3 Việt Nam Cộng hòa đặt tại Trảng Bom. Chiến đoàn 52 Bộ binh cuối cùng đã tan hàng vào đêm 15 tháng 4. Tất cả pháo binh, thiết giáp đều bị hủy diệt sau mấy ngày đêm cầm cự, thiệt hại nặng nề về người. Chín giờ đêm hôm đó, khi hầm chỉ huy của chiến đoàn bị bắn sập, đại tá chiến đoàn trưởng ra lệnh rút quân. Cùng theo ông chỉ còn 200 lính sống sót. Quân đoàn 3 Việt Nam Cộng hòa phải ngừng phản kích cứu nguy cho Xuân Lộc. Cùng ngày hôm đó, tại Xuân Lộc, Sư đoàn 7 và Sư đoàn 341 Quân Giải phóng Miền Nam Việt Nam đồng thời tấn công, đánh lui hai chiến đoàn 43 và 48 của Sư đoàn 18, diệt một phần Lữ đoàn 1 Dù.

Xuân Lộc tháng 4, 1975, lính quân lực Việt Nam Cộng hòa thu dọn những khẩu súng tiểu liên cá nhân AR15 đã không còn chủ.

Mất Dầu Giây và đường 20, Biên Hòa trở thành điểm tiền tiêu và Xuân Lộc bị cô lập và mất vị trí quan trọng, tướng Nguyễn Văn Toàn, Tư lệnh Quân đoàn 3 Việt Nam Cộng hòa, ra lệnh rút bỏ Long Khánh. Ngày 18 tháng 4, một phần lực lượng ở Xuân Lộc được bốc bằng trực thăng về Biên Hòa - Trảng Bom lập phòng tuyến mới. 9 giờ tối, các tiểu đoàn Nhảy dù Việt Nam Cộng hòa mới tới quốc lộ 1 và gần như toàn bộ giáo dân của xóm đạo Bảo Đình, Bảo Toàn, Bảo Hòa đã tập trung sẵn 2 bên vệ đường để theo binh sĩ Việt Nam Cộng hòa đi di tản. Sau đó đoàn người rút lui đã bị phục kích và triệt hạ gần hết.

Lữ đoàn 1 Dù Việt Nam Cộng hòa rút lui sau cùng, chỉ riêng Tiểu đoàn 3 Pháo binh được di chuyển trên đường lộ với Đại đội Trinh sát Dù, còn các tiểu đoàn tác chiến khác đều mở đường bọc sâu trong rừng.

Bốn giờ sáng ngày 21 tháng 4 năm 1975, tại ấp Suối Cá, gần ranh giới Long Khánh-Phước Tuy, Tiểu đoàn 3 Dù bị 2 tiểu đoàn Quân Giải phóng Miền Nam Việt Nam phục kích gần như bị tiêu diệt hoàn toàn. Pháo Đội C và trung đội trinh sát bảo vệ, hầu hết đều bị thương vong. Cánh quân đi đầu của Tiểu đoàn 9 Dù cũng đụng độ nặng với quân Quân Giải phóng Miền Nam Việt Nam tại thung lũng Gia Rai, dưới chân núi Cam Tiên. Ngoài những thiệt hại kể trên, cuộc rút quân trên Liên tỉnh lộ 2 coi như hoàn tất, kết quả tốt đẹp.

Sáng 21 tháng 4, những tuyến phòng thủ cuối cùng của Quân lực Việt Nam Cộng hòa tại Xuân Lộc tan rã. Các lực lượng còn lại rút lui về Sài Gòn lập phòng tuyến mới. Tại Xuân Lộc, Không lực Việt Nam Cộng hòa đã sử dụng hai quả bom phát quang BLU-82 "Daisy Cutter" 15000-pound, vô số bom tọa độ 500-pound, và cả bom xăng tự tạo, để ném xuống các đơn vị bộ đội ở quanh thị xã. Với vai trò nỗ lực cuối cùng nhằm ngăn chặn bước tiến quân của đối phương, theo Frank Snepp, sau khi Tổng thống Thiệu từ chức, tướng Nguyễn Văn Toàn Tư lệnh Vùng 3 chiến thuật đã đề nghị Mỹ sử dụng bom B-52 rải thảm lần cuối. Đề nghị này bị tướng Cao Văn Viên  từ chối, thay vào đó là gợi ý sử dụng một loại vũ khí khác với sức hủy diệt tương tự.

Ngày 21 tháng 4, với sự trợ giúp của kỹ thuật viên DAO (Mỹ), một máy bay C-130 của không lực Việt Nam Cộng hòa đã thả một quả "bom nhiệt áp"  CBU-55, loại vũ khí phi hạt nhân tàn bạo nhất trong kho vũ khí của Mỹ, xuống khu vực được cho là sở chỉ huy Sư đoàn 341 Quân Giải phóng Miền Nam Việt Nam. Nó đã đốt ôxy trong một vùng rộng 2 mẫu Anh, gây thương vong khá lớn dù không có thống kê chính xác. Hoa Kỳ ước tính nó đã giết hại ít nhất trên 250 người lính Quân Giải phóng Miền Nam Việt Nam, nguồn khác ghi nhận con số 811 cả bộ đội và thường dân, nhưng đều không thể kiểm chứng. Quân giải phóng công bố thiệt hại của các đơn vị hứng chịu trực tiếp quả bom này là khá lớn, bằng nhiều nguồn tư liệu của người trong cuộc. Trong bán kính 2km quả bom đã gây thương vong cho phần lớn sở chỉ huy của Sư đoàn 341, làm cả đơn vị bị tê liệt tạm thời; quả bom thứ 2 phát nổ ở địa danh "dốc C" là nơi đồn trú của tiểu đoàn bộ D2/E4/F6 Trung đoàn Đồng Nai gây thương vong cho 86 người. Đây là lần đầu tiên và cuối cùng loại vũ khí này được sử dụng trong chiến tranh.

Đài Hà Nội đã phản đối trong hai ngày liền, cáo buộc Mỹ và Việt Nam Cộng hòa sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt một cách bất hợp pháp. Trung Quốc cũng phản ứng dữ dội không kém, miêu tả vụ ném bom như là cuộc "giết người hàng loạt" và buộc tội Mỹ đã chỉ huy cuộc tấn công. Đây là chỉ trích mạnh mẽ nhất của Trung Quốc đối với Mỹ trong vòng 2 năm - từ khi hai nước bắt đầu quá trình đặt lại quan hệ ngoại giao. Quân Giải phóng Miền Nam Việt Nam đã phản ứng ngay và hiệu quả. Trong vòng vài giờ sau vụ ném bom CBU, để ngăn chăn tối đa các cuộc ném bom khác, pháo binh Quân giải phóng bắn phá sân bay Biên Hòa đến độ các đường băng gần như không thể sử dụng được nữa. Các máy bay phản lực F-5A được rút nhanh về Sài Gòn, còn các máy bay ném bom nhẹ A-37 rút về Cần Thơ.

Cuộc tháo chạy của quân đội Việt Nam Cộng hoà khỏi phòng tuyến Xuân Lộc

Chiến thắng Xuân Lộc của Quân Giải phóng Miền Nam Việt Nam đã đánh sập "Cánh cửa thép" cuối cùng để tiến vào Sài Gòn. Xuân Lộc chính là yết hầu của Sài Gòn, chính Tham mưu trưởng Lục quân Mỹ Đại tướng Frederick C. Weyand đã trực tiếp lên Xuân Lộc thị sát và nhấn mạnh: "Phải giữ cho được Xuân Lộc, mất Xuân Lộc là mất Sài Gòn". Chiến thắng Xuân Lộc làm rung chuyển bộ máy chính quyền tại Sài Gòn. Ngay tối ngày Xuân Lộc thất thủ, Nguyễn Văn Thiệu lên truyền hình suốt 3 giờ đồng hồ tuyên bố từ chức, vào ngày 21 tháng 4 năm 1975, trao quyền cho Phó tổng thống Trần Văn Hương lên thay làm tổng thống và hai ngày sau đó thì trốn chạy khỏi Sài Gòn. Bên kia bờ đại dương, ngày 23/4/1975, Tổng thống Mỹ Gerald Ford tuyên bố “Cuộc chiến tại Việt Nam đã chấm dứt đối với người Mỹ”. Quân đội và chính quyền Sài Gòn đã hoang mang tột độ khi mất Tây Nguyên thì nay lại càng hoang mang, run sợ hơn.

Chiến thắng tại Xuân Lộc của Quân Giải phóng Miền Nam Việt Nam đã thực sự là đòn quyết định, đập tan mọi hy vọng vào việc duy trì chế độ của Chính quyền Sài Gòn. Đây là bước đà trực tiếp, hữu hiệu cho cánh quân hướng Đông của Quân Giải phóng Miền Nam Việt Nam nói riêng, cho cả Chiến dịch Hồ Chí Minh, từ 26 – 30/4/1975, giải phóng hoàn toàn Sài Gòn - Gia Định, kết thúc thắng lợi sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc Việt Nam nói chung.

Từ quốc lộ 1 tới ngã tư Dầu Giây thuộc huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai, nơi này dưới thời chính quyền Việt Nam Cộng hòa, xã Dầu Giây thuộc quận Xuân Lộc. Chúng tôi dừng lại ở đây để hình dung lại cuộc chiến hồi xưa. Hỏi chuyện cô chủ quán bên đường được biết cái tên Dầu Giây có hai cách giải thích: thứ nhất, Xưa kia, vùng này có rất nhiều cây Dầu, trên thân của nó có nhiều dây leo chằng chịt. Người địa phương gọi là Dầu Dây theo thời gian phát âm trại đi "Dây" thành "Giây", lâu ngày thành tên. Thứ hai, Năm 1954 một số giáo dân theo hai giáo phận Bùi Chu và Phát Diệm di cư vào khu vực miền Nam, đã an cư lạc nghiệp ở nơi này, họ đem theo mình những tập tục, thói quen trồng cây trầu tại khu mình sống. Vì thế ở đây xuất hiện rất nhiều cây trầu dây nhưng người Hà Nam Ninh phát âm "tr" thành "d, gi", do vậy trầu dây đọc thành Dầu Giây.

Từ ngã tư Dầu Giây chúng tôi rẽ theo theo quốc lộ 20, con đường này dẫn tới Đà Lạt. Trước khi tới thành phố Bảo Lộc tỉnh Lâm Đồng phải vượt qua đèo Bảo Lộc. Đèo có chiều dài khoảng 15km, độ cao 980m so với mực nước biển, và có khoảng 108 khúc cua ngoằn ngoèo hiểm trở. Tính từ chân đèo, cách trung tâm thành phố Bảo Lộc 25km, cách thành phố Đà Lạt 135km. Đây cũng là đường đèo nguy hiểm nhất dẫn vào Đà Lạt. Đèo Bảo Lộc là đèo núi nằm trên thung lũng Đạ Huoai và cao nguyên Di Linh, nối thị trấn Đạ M’ri, huyện Đạ Huoai và xã Đại Lào, thành phố Bảo Lộc trên tuyến quốc lộ 20 thuộc tỉnh Lâm Đồng. Đèo còn có tên gọi là Đèo B'Lao là tên gọi cũ theo tiếng của người K’ho hay là một tên gọi nghe có vẻ thần bí hơn là Đèo Ba Cô để nhắc lại tai nạn thảm khốc đã làm tử nạn ba cô gái vào năm 1975. Đây là đèo dài, hiểm trở phải vượt qua trên cung đường từ thành phố Hồ Chí Minh đến thành phố Đà Lạt. Đèo nằm trên dãy núi Lu Bu có độ cao là 1.070m và nằm ở độ cao 980m so với độ cao của núi là 1.070m. Từ chân đèo đi đến trung tâm thành phố Bảo Lộc khoảng 25 km, cách thành phố Đà Lạt 135 km về hướng Tây Nam, đều theo Quốc lộ 20. Đèo được xây dựng và mở đường năm 1973, với chiều dài 10 km, tổng cộng có khoảng 108 khúc cua ngoằn ngoèo nguy hiểm trên toàn tuyến. Một bên là đồi núi và vách đá dựng đứng còn một nơi là vực thẳm, đường hẹp chỉ có 2 làn xe nên ở đây thường xảy ra nhiều vụ tai nạn, đa số đều là rơi xuống vực. Con đèo từ khi xây dựng cho đến nay đã trải qua nhiều lần tu sửa.

  

Đèo Bảo Lộc, Miếu Ba Cô và tượng Đức mẹ Maria trên đèo Bảo Lộc.

Đèo có 3 trạm dừng: một trạm là miếu Ba Cô, băng qua cầu Bảo Lộc, đây cũng là ranh giới giữa huyện Đạ Huoai và thành phố Bảo Lộc. Trạm thứ 2 nằm gần đỉnh đèo, là tượng Đức Mẹ Maria. Được xây dựng để các du khách có dịp lên Đà Lạt du lịch và người dân khu vực cầu nguyện vượt đèo được an toàn. Trạm thứ 3 cũng nằm gần đỉnh đèo, là tượng đài kỷ niệm chiến thắng Bảo Lộc B'lao, nơi đây du khách đang trên đường đi phượt có thể dừng lại nghỉ chân và xem lịch sử của con đèo B'lao huyền thoại và chiến thắng Bảo Lộc.

Câu chuyện ba cô gái chết ở đèo Bảo Lộc và truyền thuyết huyền thoại: dường như những người địa phương ở đây và những anh tài xế hay chạy ngang qua đây đều thuộc lòng câu chuyện 3 cô gái trẻ đáng thương chết ở đèo Bảo Lộc. Theo người dân địa phương ở đây kể thì ngày xưa ở đây có 3 cô gái có tên lần lượt là Loan, Hòa, Thảo đều là người Bảo Lộc đang là sinh viên của một trường đại học tại Sài Gòn. Vào kỳ nghỉ hè, ba cô từ Sài Gòn trở về Bảo Lộc trên chiếc xe khách, do tài xế lái xe quá nhanh qua một khúc cua trên đèo nên chiếc xe đã bị lật và tử nạn toàn bộ hành khách trên xe. Không lâu sau đó có một đoàn xe du lịch lên thành phố Đà Lạt cũng chạy tới khúc cua này cũng bị lật xe và lao xuống vực. Trong đoàn có bốn người sống sót gồm một chàng thanh niên và ba cô gái. Dù rất yếu sau vụ tai nạn nhưng cả bốn người đều cố động viên lẫn nhau để cùng leo lên tới mặt đường. Do chàng trai bị nặng hơn nên thường xuyên được ba cô gái dìu dắt, kéo lên. Khi lên tới mặt đường, do đuối sức, chàng trai đã ngất xỉu. Khi tỉnh dậy, chàng trai thấy mình nằm trong bệnh viện nhưng không thấy ba cô gái kia đâu. Chàng trai hỏi mọi người thì biết rằng người ta chỉ thấy có mỗi mình chàng nằm bên đường mà không hề thấy có thêm ai cả, và toàn bộ số người còn lại trong đoàn xe đã tử nạn, trong đó không có cô gái nào như chàng trai miêu tả. Điều huyền bí ở đây là các cô gái mà chàng trai miêu tả rất giống với ba cô gái bị tử nạn lần trước. Người ta cho rằng vì chết quá trẻ và còn trinh trắng nên oan hồn của ba cô gái lúc trước cứ vất vưởng nơi chân đèo và khi gặp trường hợp tai nạn tương tự nên đã hiển linh giúp đỡ chàng trai trẻ trở thành người duy nhất thoát chết. Sau thời gian đó người dân nơi đây đã lập một ngôi miếu nhỏ để cầu siêu cho linh hồn của những người chết oan vì tai nạn xe cộ và nhất là oan hồn của ba cô gái trẻ, và cầu an cho những khách bộ hành có việc khi đi ngang qua đoạn đường đèo này. Từ đó tai nạn xe cộ tại khúc cua giảm hẳn, và sau này người ta không còn thấy ba cô hiện ra nữa. Tuy nhiên, theo thông tin chính thức của người trông miếu Ba Cô thì ngôi miếu này do là ông Đặng Hà và bà Nguyễn Thị Biện lập dưới thời Pháp thuộc, sau khi hai ông bà từ Bình Định lên đây tìm miền đất mới và trốn lính, khi tới con đèo này thấy có nhiều vụ tai nạn thương tâm do địa hình khắc nghiệt nên ông Hà đã dựng miếu để thờ cúng. Lúc đầu miếu Ba Cô chỉ là một ngôi miếu nhỏ nhưng sau đó người dân đã đóng góp nên mới xây ngôi miếu khang trang như bây giờ. Tuy nhiên, ba cô là người Sài Gòn chứ không phải người Bảo Lộc. Trước đây mộ ba cô được chôn sát ven đường nhưng nay đã được người thân bốc đưa về Sài Gòn. Từ đó trở đi con đèo này còn có tên gọi là Đèo Ba Cô để nhắc nhở người đi qua đèo cần cẩn thận để tránh xảy ra tai nạn đáng tiếc như ba cô gái xấu số.

Đoạn đường từ đỉnh đèo Bảo Lộc hướng về thành phố Bảo Lộc, chúng tôi đi qua một khu dân cư thưa ở ven đường. Tiếng chim réo rắt khiến chúng tôi dừng xe quan sát và nhìn thấy có vài nhà nuôi yến. Tiếng chim phát ra từ những chiếc loa gắn trên một chiếc sào cắm trên nóc nhà nuôi yến để dụ chim về. Nhà nuôi yến có các lỗ cho yến chui vào, mỗi sào có 4 loa hướng về 4 phía. Phía trên các nhà cho yến làm tổ có vài con chim yến đang bay lượn. Chúng tôi rẽ vào một nhà ven đường có tấm biển quảng cáo bán tổ yến. Chủ nhà là hai vợ chồng trẻ đưa ra cho chúng tôi xem các tổ yến mà gia đình đã thu hoạch trong đó có cả yến huyết. Chúng tôi bất ngờ vì giá ở đây chỉ bằng một nửa giá mua ở Hà Nội. Từ trước tới nay tôi cứ nghĩ chim yến chỉ sống ven biển và kiếm ăn từ biển vì chỉ được biết yến làm tổ trong các hang đá ven biển, không ngờ giữa vùng núi cao lại có thể nuôi được Yến. Điều đó khiến tôi tò mò tìm hiểu xem thức ăn của loài chim yến là gì, môi trường sống như thế nào thì phù hợp với chim yến. Đề tài này cũng thú vị.

 

Nhà nuôi chim yến ở Bảo Lộc Lâm Đồng.

Khi tìm hiểu, chúng tôi được biết khí hậu của Bảo Lộc thích hợp với chim yến. Khí hậu nơi đây tương đối giống thành phố Đà Lạt. Nằm ở độ cao 800m so với mực nước biển nên Bảo Lộc có thời tiết ôn hòa. Trời ở đây thường se lạnh, dày sương mù vào buổi sáng và khi về chiều. Nhiệt độ trung bình vào khoảng 18, 19 độ C. Đến trưa trời ấm từ 21 độ – 24 độ. Vào buổi trưa thì trời có nắng nhưng không quá nóng. Ít nắng, nhiều mưa và sương mù bao phủ nhiều ngày trong năm là những đặc điểm về thời tiết của Bảo Lộc. Từ tháng 10 đến tháng 2 năm sau là mùa tương đối lạnh ở Bảo Lộc. Nhiệt độ dao động từ 14-18 độ C.

Sương mù Bảo Lộc.

Những năm gần đây nhiều địa phương của tỉnh Lâm Đồng như các huyện Lâm Hà, Bảo Lâm, Cát Tiên, thành phố Bảo Lộc… đều có những ngôi nhà cao, hình dáng khá kỳ dị, xây dựng lên để dụ chim yến bay về làm tổ. Nhưng nơi được coi là “rốn” của chim yến chính là thị trấn Ma Đa Guôi của huyện Đạ Huoai. Thị trấn vốn được coi là nghèo nàn nhất tỉnh Lâm Đồng này, bây giờ đã có những hộ gia đình có thu nhập 400- 500 triệu đồng mỗi tháng từ nguồn lợi “từ trên trời rơi xuống” này. Gọi là nghề nuôi yến, nhưng chính xác là làm nhà dụ yến, bởi đây là giống chim hoang dã, chỉ tìm nơi thích hợp làm tổ, còn mỗi ngày bay xa hàng trăm km để kiếm ăn. Để dụ chim yến về làm tổ người ta xử lý lòng hang bằng các dung dịch và hợp chất dẫn dụ chim yến để tạo mùi bẫy đàn chim yến, lắp đặt tổ mô phỏng, lắp đặt hệ thống âm thanh dẫn dụ chim yến trong hang và ngoài cửa hang, tạo môi trường bên trong hang giống môi trường hang yến đã có chim yến sinh sống ổn định và cho tổ. Tạo nguồn thức ăn nhân tạo cho chim yến, định kỳ hàng tháng kiểm tra và xử lý dung dịch, hợp chất dẫn dụ tạo mùi bầy đàn chim yến để tạo môi trường ổn định dụ chim yến về sinh sống và làm tổ. Cũng có thể di đàn chim yến bằng cách áp dụng đối với những chim con đã biết bay thành thạo, khi đó chúng có khả năng tự bắt mồi ngoài tự nhiên. Khi vận chuyển, chim con được đưa vào các thùng chuyên dụng, khoảng 25 - 30 con trong một thùng rồi vận chuyển đến nơi ở mới. Thức ăn mà chim yến ưa thích chính là ong kiến chiếm khoảng 50-70%, tiếp theo là ruồi dấm, mối, ruồi muỗi hay bọ rầy, bọ rùa, bọ xít nhỏ, chuồn chuồn kim, bướm đêm, cánh tơ và cào cào. Chim thường bắt thức ăn trong khi bay, với độ cao khoảng 30m và theo sự phân bố của côn trùng trên không trung. Vì vậy, chim yến có thể được xem là loài dùng để đấu tranh sinh học và bảo vệ mùa màng cho nhà nông. Chim yến làm tổ trên trần nhà, bám vào những thanh gỗ đóng thành những khoang hình chữ nhật, trong tổ có thể có những cặp yến non đang nằm ngủ. Sau khi cặp chim con lớn và rời tổ, chủ nhà sẽ thu những chiếc tổ này, làm sạch lông chim bám và bán ra thị trường với giá bán buôn trên 20 triệu đồng/kg. Khoảng 70- 80 tổ sẽ cho 1kg.

Trước khi vào thành phố Đà Lạt, còn qua một con đèo tuyệt đẹp nữa là đèo Prenn.  Từ Prenn bắt nguồn trong tiếng Chăm, mang nghĩa là xâm chiếm. Theo người dân nơi đây cho biết, do cung đường này có đi qua một ngọn thác cũng rất nổi tiếng ở Đà Lạt có tên thác Prenn, nên cung đường đèo này cũng được đặt theo tên gọi của ngọn thác đó. Đèo cách trung tâm Đà Lạt khoảng 10km về phía nam trên đường quốc lộ 20, với quãng đường đèo dài 11km. Đèo Prenn là con đường dẫn từ sân bay Liên khương vào thành phố. Đèo có độ dốc vừa phải, quanh co uốn lượn qua thác Prenn, và được trải dài hai bên là rừng thông xanh rì cao vút. Rừng thông hai bên đường đẹp vô cùng, phong cảnh thật tuyệt vời khi nhìn trên cao xuống, các hàng thông xanh đua nhau lướt nhanh qua cửa kính khi xe chạy trên cung đường uốn lượn tạo nên những hình ảnh vô cùng ảo diệu. Chính nhờ rừng thông mà đèo có một vẻ đẹp quyến rũ tuyệt vời. Nếu đi vào lúc sáng sớm còn có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp thoắt ẩn, thoắt hiện của cảnh vật qua làn sương mù dày đặc. Vào mùa xuân, mai anh đào nở rộ dọc khắp hai bên đường.

   

Đèo Prenn.

Mặc dù cung đường đèo đẹp một cách ma mị, mê hồn, là cửa ngõ phía nam dẫn vào Đà Lạt, nhưng cũng có rất nhiều câu truyện rùng rợn về con đèo này, không ai biết được nó là thực hay hư.

Câu chuyện thứ nhất là căn biệt thự ma ám. Khi sắp hết đèo Prenn chuẩn bị vào thành phố Đà Lạt, có một căn biệt thự lớn. Mặt tiền căn nhà hướng ra đường, lưng tựa vào rừng thông. Căn biệt thự có quy mô khá bề thế, gồm bốn tầng, được nối với Quốc lộ 20 qua một đoạn đường nội bộ dài khoảng 50 mét.  Căn nhà ấy đã bị lãng quên lý lịch để khoác lên mình cái tên rất rùng rợn "nhà ma". Ngôi nhà ma này mang trong bản thân nó nhiều câu chuyện kể kỳ bí, rùng rợn. Có người kể trong thời thực dân Pháp cai trị, ngôi nhà này là nơi có một toán lính lê dương bảo vệ đầu đèo. Nhiều cô gái đi qua đây bị chúng bắt vào hãm hiếp rồi giết chết quẳng xác đi nên oan hồn cứ lảng vảng hiện về, ban đêm gào thét ghê sợ. Nhiều người dân Đà Lạt còn kể lại chính ông bảo vệ ngôi nhà này về sau đã chạy thục mạng ra nhiều lần vì bị... ma đuổi. Tại sao một căn biệt thự ở một vị trí đẹp như vậy lại bị bỏ hoang và được gán cho cái tên căn nhà ma. Điều đó có lý do của nó, thứ nhất một nhà bỏ hoang nằm riêng lẻ ở đầu đèo, vị trí này khiến nó dễ bị khoác lên mình tấm áo ma mị. Thứ hai là khu rừng thông quanh biệt thự từng có nhiều án mạng, tự sát nên có điều kiện để người dân thêu dệt rồi tin về bóng ma trong căn nhà cổ. Thứ ba nhiều phim ma đã quay ở căn nhà này hoặc nhiều phim có cảnh về ma cũng quay ở ngôi nhà này. Thực ra, một nguồn tin cho biết căn nhà trước đây là tài sản của một Hoa kiều giàu có được xây vào 1920, theo một nguồn tin khác thì biệt thự được xây năm 1942, chủ nhân là người Pháp. Sau khi con gái ông bị đột tử trong phòng tắm của ngôi nhà này, ông đã bỏ đi và không bao giờ quay lại. Biệt thự ban đầu có tên Les adrets. Năm 1955, nhà văn Nhất Linh, tên thật là Nguyễn Tường Tam, sinh năm 1906, mất năm 1963, trưởng nhóm Tự Lực văn đoàn, đã mua lại ngôi nhà này để làm nơi nghỉ ngơi, viết sách và chơi phong lan, ông rất đam mê phong lan. Tại đây, Nhất Linh đã viết bộ tiểu thuyết ba tập Dòng sông Thanh Thủy thể hiện rõ quan niệm sáng tác của mình. Ngày Nhất Linh mất, ở Đà Lạt mọi người truyền nhau hai câu thơ: “Người đi, đi mãi không về; Nhớ người năm cũ Đa Mê gợn buồn" và cũng từ đó ngôi nhà bị bỏ hoang.

 

Ngôi nhà ma trên đỉnh đèo Prenn – biệt thự cũ của nhà văn Nhất Linh

Thời chúng tôi đi học phổ thông, các chương trình văn học đều nhắc đến nhà văn Nhất Linh, ông là người sáng lập nhóm Tự lực Văn đoàn, sau đó ông di cư vào Nam. Bây giờ theo Khúc Hà Linh tôi mới biết rằng cái kết của cuộc đời ông thật bi thảm. Nhà văn Nhất Linh, tên thật là Nguyễn Tường Tam, cử nhân khoa học Pháp, chủ súy nhóm văn chương Tự lực văn đoàn những năm ba mươi, bốn mươi ở thế kỷ trước. Nhất Linh tham gia Quốc dân Đảng. Nhắc tới Nhất Linh, nhà thơ Tú Mỡ nói rằng đó là người vừa đáng yêu vừa đáng tiếc. Ông viết “Điều đáng tiếc là sau kháng chiến, anh đã theo bè lũ Ngô Đình Diệm vào Nam để rồi bị bè lũ ấy chèn ép, cắt mất nguồn sống đến nỗi uất ức phải tự tử”. Vậy vì sao mà Nhất Linh tự quyên sinh?

Với tấm thẻ căn cước số F13108 do Phủ thủ hiến Bắc Việt cấp ngày 19/2/1951 tại Hà Nội, ghi rõ: “Nguyễn Tường Tam, nghề nghiệp văn sĩ, nơi sinh tổng Ngọc Trục, Cẩm Giàng, Hải Dương, con ông Nguyễn Tường Nhu và bà Lê Thị Sâm...”, khoảng mùa xuân năm 1951, nhà văn Nhất Linh từ Hà Nội vào Sài Gòn cư trú. Ở đây ông cho in lại các tác phẩm cũ và viết tác phẩm mới. Thời gian này vợ con ông cũng đã di cư vào Nam. Bà Nhất Linh (tức Phạm Thị Nguyên) mua một căn gác trong chung cư số 39 đường chợ An Đông, Chợ Lớn để lấy chỗ ở và buôn bán. Sang năm 1955, ông lên Đà Lạt, lấy thú vui là chơi hoa phong lan. Năm 1958 Nhất Linh về ở luôn Sài Gòn hoạt động văn hóa. Ông là vị Chủ tịch đầu tiên của Văn Bút Việt Nam (về sau là cố vấn).

Bấy giờ chính quyền Ngô Đình Diệm ra sức tìm diệt người kháng chiến cũ. Luật 10/59 ra đời đã giết hại bao nhiêu thường dân vô tội, với phương châm là thà giết nhầm còn hơn bỏ sót. Nhất Linh cùng các nhà hoạt động khác thành lập mặt trận Quốc dân đoàn kết, ủng hộ cuộc đảo chính của đại tá Nguyễn Chánh Thi và Trung tá Vương Văn Đông. Cuộc đảo chính tháng 11 năm 1960 thất bại, hầu hết những người liên can bị bắt. Chính quyền Diệm nhân cơ hội này cho bắt giam các nhân sĩ, lãnh tụ đảng phái, giáo phái khác... chỉ mình Nhất Linh được quản thúc tại gia hơn hai năm rưỡi. Ngày 5 tháng 7 – 1963 Tòa án quân sự đặc biệt Sài Gòn có trát đòi ông có mặt lúc 7giờ30 ngày 8/7/1963, tại Tòa thượng thẩm, số nhà 131 đường Công Lý Sài Gòn, và để nghe xét xử tội “xâm phạm an ninh Quốc gia”. Ngày 6/7/1963, người chiến binh Nguyễn Văn Nam đã tống đạt lệnh này tới tận tay ông. Trong hồi ký “Nhất Linh – cha tôi” của Nguyễn Tường Thiết phát hành tại Sài Gòn năm 1964, những ngày cuối cùng của Nhất Linh được kể lại như sau: “… Buổi sáng ngày 7/7/1963, Nhất Linh đi thật sớm. Ông mở ngăn kéo, lấy mấy tập sách, tập bản thảo những tác phẩm cuối cùng, gói vào một tờ nhật báo. Các con đoán có lẽ ông đi họp ở đâu vì cũng đúng vào Chủ nhật tuần trước, tức 30/6 ông đã tới dự phiên họp đặc biệt của nhóm Bút Việt. Khoảng gần 10 giờ Nhất Linh về. Ông không thay quần áo ngay như mọi lần, cứ để nguyên quần áo tây ngồi xuống ghế xích đu, bên cạnh người con trai. Điếu thuốc lá rung rung ở trên đầu hai ngón tay, ông mở bia, rót vào cốc nhỏ ra dáng suy nghĩ. Một sấp giấy in ronéo để trước mặt ông. Đó là bản cáo trạng khá dày, trong đó có những lời kết tội như “phản quốc”, “xâm phạm an ninh quốc gia”. Trong suốt hơn một giờ, Nhất Linh vẫn giữ im lặng, suy nghĩ. Khoảng 11 giờ, với vẻ thảnh thơi, ông thay quần áo ngủ,  rồi dặn người con trai Nguyễn Tường Thiết: “Chiều nay con lại luật sư Chính lấy hết các giấy bác sĩ về. Biết địa chỉ không?”. Con trai nói: “Con đoán họ chẳng làm gì cậu đâu, nếu họ muốn bỏ tù thì họ đã bắt từ lâu rồi. Việc này họ đem ra xử cho có lẽ, rồi kết mình vô tội để hạ nhục chơi. Vả lại nếu có ra Côn Đảo thì cũng chả sao, chỉ làm giàu thêm cuộc đời tranh đấu của cậu. Cứ  coi như là một dịp đi nghỉ mát”. Nhất Linh đáp lại: “Cậu chẳng sợ kết quả ngày mai ra sao vì ở nhà hay ở tù thì cũng mất tự do như nhau. Có điều bực nhất là họ lấy tư cách gì mà lại đem xét xử những người quốc gia đối lập rồi gán cho họ tội phản quốc”.

Nhất Linh đã chủ ý cho độc dược vào rượu uống. Khi gia đình phát hiện ra thì đã muộn: Cuối phòng, vẫn trên cái ghế xích đu, ông gục đầu hơi ngoẹo về phía vai phải, một cánh tay buông lỏng thả xuống sàn nhà. Dáng điệu ấy thoạt trông thì khổ sở nhưng nhìn lên gương mặt thì tuyệt nhiên không một nét đau đớn. Ông như người ngủ gục. Gương mặt êm ả, bình thản. Để ý lắm mới thấy một ít nước bọt rỉ ra ở khóe mép… Thân thể ông mềm, trong túi có một tờ giấy, đó là Di ngôn. Ông đã viết hai bản di chúc, một để trong túi áo ngực, một tờ dặn đưa cho bác sĩ Đặng Văn Sung, nhờ ông ấy chuyển ra ngoại quốc. Nhất Linh đã ra đi ở tuổi 58 để lại di chúc: “Đời tôi để lịch sử xử. Tôi không chịu để ai xử tôi cả. Sự bắt bớ và xử tội tất cả các phần tử đối lập quốc gia là một tội nặng… Tôi chống đối sự đó và tự hủy mình cũng như Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu để cảnh cáo những người chà đạp mọi thứ tự do. 7/7/1963 Nhất Linh Nguyễn Tường Tam”. Theo Thế Uyên trong bài “Người bác” (TLVĐ trong tiến trình văn học dân tộc – NXB VHTT, năm 2000), đám tang ông có nhiều cảnh sát chiến đấu và mật vụ đi lẫn trong những người đưa đám. Đoàn đưa tang đầu tiên là một vòng hoa lớn, sau là một người mang ảnh Nguyễn Thái Học, tiếp theo là tấm ảnh chụp lại hình Nhất Linh do Nguyễn Gia Trí vẽ.

Nhà thơ Vũ Hoàng Chương viếng Nhất Linh đôi câu đối: "Người quay tơ, đôi bạn, tối tăm, anh phải sống chứ sao đoạn tuyệt; Đời mưa gió, lạnh lùng, bướm trắng, buổi chiều vàng đâu chỉ nắng thu". Trừ bốn chữ “chứ sao, đâu chỉ” ra, còn là tên các tác phẩm của ông.

Ngày 8/7/1963 phiên tòa bắt đầu xét xử. Trong số những can phạm, có người nào đó đã xé một chiếc áo đen làm thành từng mảnh chia cho mọi người, đeo cánh tay trái làm băng tang Nhất Linh, khiến cho chủ tọa phiên tòa ngỡ ngàng. “Ủy viên chính phủ”, trung tá Lê Nguyên Phụ tòa án quân sự đặc biệt (người ký trát đòi Nhất Linh ra tòa) nói: “Bọn Quốc dân đảng để tang Nguyễn Tường Tam”. Thực ra theo Trương Bảo Sơn, hôm đó gần ba chục chính trị phạm có mặt tại phiên tòa đều đeo băng tang, chỉ trừ Phan Quang Đán. Kết thúc phiên tòa, mỗi bị cáo bị kết án 5 năm tù đày ra Côn Đảo. Thi hài Nhất Linh được an táng tại nghĩa trang Giác Minh, sau được hỏa thiêu di cốt, gửi bình tro tại chùa Kim Cương đường Trần Quang Diệu, quận 3, Sài Gòn. Trước khi mất khoảng mấy giờ đồng hồ, Nhất Linh còn trò chuyện với con trai, khi người con gợi ý cha viết hồi ký, Nhất Linh đã bộc lộ: “Cậu cũng có ý định viết ba quyển. Cuộc đời làm báo của Nhất Linh, cuộc đời làm cách mạng của Nguyễn Tường Tam và quyển thứ ba cậu viết về hoa  phong lan”. Ngoài di chúc gồm 71 từ nói rằng cuộc đời ông để lịch sử xử, ông còn dành cho người vợ một lời tuyệt mệnh, với 20 từ rất cô đọng: “Mình, Mối tình của đôi ta hàng bao năm đẹp đẽ lắm rồi, không… mong ước gì hơn nữa. Anh, Nhất Linh 7/7/1963”.

Câu chuyện thứ hai: bạn Thùy Linh đã chia sẻ câu chuyện sau trên facebook. Trước mình cũng có đọc nhiều truyện ma đèo Prenn, đèo Bảo Lộc mà không tin, giờ thì mình mới dám kể lại và nhắc lại cả nghìn nghìn nghìn lần Đừng mặc váy trắng khi đi chơi ở Đà Lạt !!!!

Mình với đứa bạn hẹn nhau đi Đà Lạt. Đợt mình đi trời nắng ráo chứ không mưa nhiều như bây giờ. Hai đứa mãi đến hôm thứ hai mới mướn xe đi chơi. Mướn được con xe máy hai đứa đèo nhau đi đèo Prenn chơi, đến đoạn đường vắng và đẹp nữa, hai đứa dừng xe chụp ảnh, dừng một hồi chuẩn bị đi thì thấy có một bạn gái cũng mặc Váy trắng đi đến nhờ chụp ảnh hộ. Nghĩ là bạn gái chống xe đây đó thôi mà đi một mình nên không ai chụp cho nên bọn mình đồng ý.

Mình cũng không nhớ rõ mặt nữa, chỉ nhớ bạn đấy trắng mà xinh lắm. Chụp hộ bạn ý vài tấm, bạn ấy lại cầm tay mình, đại loại nói là "trông bạn giống mình quá, chụp với nhau vài tấm nhé", rồi cứ khen váy xinh, hỏi cả chỗ mua dưới Sài Gòn. Mình cũng Ok thôi nên chụp cùng bạn ấy, con bạn mình thì chỉ đứng chụp cho thôi. Bạn ấy chỉ mình bên cạnh đường có lối mòn khá đẹp, xung quanh toàn cây thông thôi, bảo hai đứa đi gọn vào đây chụp vừa đẹp mà đỡ xe cộ đi lại.

Thực sự mình bị mê mẩn cái góc ấy luôn, đi được độ vài mét con bạn mình nói tạo dáng đi nó chụp cho hai đứa mấy tấm, còn cười nói hai đứa như chị em sinh đôi ấy, váy trắng giống nhau, nó giơ điện thoại lên chụp mấy tấm rồi chả hiểu sao cứ đứng ngẩn người ra đấy, mình định chạy xuống hỏi nó làm sao mà tự dưng chân mình không bước đi nổi. Lúc ấy nó mới lắp bắp, tay chỉ về phía mình, nói không nên lời: "Mày mày ơi..... sao trong ảnh ảnh chỉ có một mình mày thôi thôi thôi".

Mình mất mấy giây mới quay lại thấy con bé kia cứ nắm chặt lấy tay mình đứng cười man rợ lắm, mình không nhớ nổi lúc ấy mình có hét hay gì đó không nữa, vì cảm tưởng cổ họng cứng lại, tay không dứt ra nổi.

Mình cầu khấn đủ kiểu không ăn thua, cảm giác nó cứ kéo mình đi sâu vào trong rừng ấy. May lúc ấy có cái xe khách đi tới bấm còi lớn vì xe bọn mình đổ ra đường xe người ra không đi được. Mình thoát khỏi cảm giác bị nghẹt ấy, cả con đường đẹp lẫn con bé váy trắng đều biến mất, mình thì ngồi trong bụi, váy trắng lấm lem hết còn thấy vệt màu ố đỏ ở gấu. Con bạn mình nãy cầm điện thoại của bé kia giờ cũng không thấy, chỉ thấy tay bị dính đất bùn màu đỏ...

Tài xế đưa mình với đứa bạn vào vệ đường. Mất một lúc tỉnh táo lại, bác tài mới kể trước có con bé cũng đi chơi, cũng mải chụp hình trong đám cây, có chiếc xe con bị mất phanh lao tới, cả xe cả người trôi cả xuống phía dưới mấy chục mét, con bé không qua được giờ cứ thỉnh thoảng lại xuất hiện ở cung đường này, tìm người bầu bạn, hoặc trêu nghẹo.

Chúng tôi tới Đà Lạt khoảng ba giờ chiều, hôm nay là ngày cuối tuần, các khách sạn ở trung tâm đều đã kín chỗ, chúng tôi lùi ra biên một chút tới khách sạn Ngàn phố Hotel 150 đường nhà trung, phường 3, thành phố Đà Lạt.

Mời các bạn xem tiếp Episode 12:

https://hahoangkiem.com/van-hoc/ky-su-phuot-xuyen-viet-episode-12-da-lat-langbiang-thung-lung-vang-lam-dong-3846.html


CHIA SẺ BÀI VIẾT

Bài cùng chủ đề

Bài về chủ bút

    Tinh hoa nhân loại

      Khoa học

        Văn học

          SÁCH CỦA TÔI