Ký sự phượt xuyên Việt - Episode 8 (Thủ Dầu Một Bình Dương – Mỹ Tho Tiền Giang)

Cập nhật: 03/04/2020 Lượt xem: 2920

Phượt xuyên Việt ký                          

Episode 8 - Ngày thứ tám (Thủ Dầu Một Bình Dương – Mỹ Tho Tiền Giang)

Google Map đã  tự động ghi lại lịch trình trong ngày của chúng tôi

Đã qua một tuần lang thang trên đường, nhưng phong cảnh Việt Nam quá tuyệt vời, càng vào phía nam càng cuốn hút và hấp dẫn. Phải nói ở mỗi địa điểm chúng tôi đến phong cảnh đã tuyệt vời, nhưng các cung đường đi còn thú vị hơn. Chính vì thế càng vào các cung đường phía nam thì mỗi ngày chúng tôi càng đi được ít cây số hơn và thời gian trên đường càng kéo dài hơn. Ngày thứ tám của cuộc hành trình, chúng tôi đi từ thành phố Thủ Dầu Một, Bình Dương vào thành phố Mỹ Tho của tỉnh Tiền Giang với chiều dài 137km, thời gian đi trên đường 4 giờ 57 phút. Quãng đường này đi qua Thành phố Hồ Chí Minh, Long An, rồi đến thành phố Mỹ Tho của tỉnh Tiền Giang.

Từ Hotel Hoa Mai, phường Bình Hòa, Thuận An, thành phố Thủ Dầu Một chúng tôi đi về hướng đông nam lên đại lộ Bình Dương rồi theo quốc lộ 1. Đoạn đường ở khu vực Bình dương dày đặc các xe contener nên di chuyển rất chậm. Chúng tôi tới thành phố Mỹ Tho vào đầu giờ chiều, chọn khách sạn Sông Tiền Annex Hotel, 33 đường huyện thoại, phường 1 thành phố Mỹ Tho, khách sạn ở ngay gần bến tàu du lịch có ban công nhìn ra ngã ba sông Tiền.

Hoàng hôn trên ngã ba sông tiền (ảnh chụp từ ban công khách sạn).

Thành phố Mỹ Tho nằm bên bờ sông Tiền là đô thị loại I trực thuộc tỉnh đầu tiên của Đồng bằng Sông Cửu Long và là đô thị lớn thứ 2 của khu vực sau TP Cần Thơ. Nguồn gốc tên Mỹ Tho có nhiều cách giải thích khác nhau. Đa số cho rằng Mỹ Tho bắt nguồn từ phương ngữ gốc Khmer như Mi Sâr biến thể thành Mỹ và Tho, có nghĩa là xứ có người con gái da trắng, đẹp. Từ Mỹ, chữ Hán nghĩa là đẹp, nhưng từ Tho không có trong chữ Hán nên có cách viết khác qua chữ Nôm, có hai cách viết, để chỉ vùng nước thơm hay cỏ thơm. Sự kết hợp hai thành tố có ngữ âm hoàn toàn Việt Nam, "mỹ" và "tho", không tạo nên một ý nghĩa nào theo cách hiểu trong tiếng Việt. Những tài liệu về lịch sử và sinh hoạt của người Khmer trong vùng thời xa xưa đã xác định địa phương này có lúc đã được gọi là "Srock Mỳ Xó" (xứ nàng trắng). Người Việt gọi là Mỹ Tho, đã bỏ đi chữ Srock, chỉ còn giữ lại Mỳ Xó. Mỹ Tho có diện tích 100,5 km², trong đó diện tích nội thị là 18,5 km². Dân số thường trú và tạm trú khoảng 282.000 người - 295.000 người, khu vực nội thành là 205.000 người, mật độ dân số đô thị đạt 16.105 người/km². Đây cũng là địa phương có đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ đi qua đang được hoàn thành.

Lên phòng nghỉ ngơi một chút rồi chúng tôi thuê thuyền đi thăm bốn cồn Long, Ly, Quy, Phụng trên sông Tiền. Cả bốn cồn đều nằm trên sông Tiền. Tuy nhiên, nếu như cồn Long và cồn Lân nằm ở Thành phố Mỹ Tho thuộc Tiền Giang thì cồn Quy và cồn Phụng thuộc xã Tân Trạch tỉnh Bến Tre. Hai tỉnh Tiền Giang và Bến Tre chỉ cách nhau một cây cầu Rạch Miễu.

Cồn Long nằm gần ngay cảng cá Mỹ Tho, đây là nơi chuyên nuôi thủy sản trên bè và sửa chữa các loại ghe tàu, thuyền. Trong bốn cồn ở Tiền Giang thì cồn Long ít được khai thác du lịch hơn ba cồn còn lại. Tuy nhiên, tại nơi đây các khách tham quan có thể vào thăm các vườn cây ăn trái trĩu quả.

Cồn Long nhìn từ xa

Cồn Lân hay còn được gọi là cồn Thới Sơn. Là cồn lớn nhất trong bốn cồn ở Tiền Giang. Cồn có nhiều đất phù sa màu mỡ, bù đắp hai bên sông với nhiều kênh rạch nhỏ, uốn lượn quanh co. Tại đây chúng tôi đi xuồng ba lá trên sông, hai bên là rặng dừa nước, mấy cô gái miền Tây mặc áo bà ba chèo xuồng trông thật dễ thương.

Đi xuồng ba lá trên sông ở cồn Thới Sơn (cồn Lân)

Cồn Quy, trái ngược với cồn Lân, cồn Quy là cồn nhỏ nhất trong bốn cồn ở Tiền Giang. Cồn này vẫn còn hoang sơ và chưa khai phá gì nhiều. Người dân nơi đây tập trung canh tác các miệt vườn cây ăn quả với nhiều loại đặc sản nổi tiếng khác nhau như cam, quýt, bưởi, nhãn,…v.v.. Ở đây khách được mời ăn trái cây, nghe hát đờn ca tài tử.

Cồn Phụng còn gọi là cồn Tân Vinh. Ở đây chúng tôi được mời uống trà mật ong, xem làm kẹo dừa, thăm những kiến trúc thờ tụng độc đáo của Đạo Dừa Nguyễn Thành Nam như sân Rồng, tháp Hòa Bình.

Khu di tích đạo Dừa ở cồn phụng

Đạo Dừa là một tôn giáo do Nguyễn Thành Nam (1910 – 1990) sáng lập tại Bến Tre. Ông là con của một gia đình giàu có. Cha tên Nguyễn Thành Trúc, làm chánh tổng từ năm 1940 đến năm 1944 và mẹ là bà Lê Thi Sen.

Năm 1928, ông sang Pháp du học tại Rouen. Năm 1935, ông tốt nghiệp kỹ sư hóa học và về nước. Năm 1935, ông cưới bà Lộ Thị Nga và sinh ra một người con gái tên là Nguyễn Thị Khiêm. Năm 1945, ông đến chùa An Sơn ở Bảy Núi, Châu Đốc, quy y cầu đạo với hòa thượng Thích Hồng Tôi. Tu theo luật đầu đà, ông ngồi tại bệ đá trước cột phướn chùa suốt 3 năm, đêm ngày tịnh khẩu, chịu đựng gió sương, thân hình chỉ còn da bọc xương. Năm 1948, ông trở về Định Tường (nay là Tiền Giang) ngồi tựa mé sông trên cầu Bắc, hành đạo mặc kẻ qua người lại. Tấm đá cẩm thạch ghi vắn tắt lai lịch ông Đạo Dừa và người giúp ông xây dựng nơi hành đạo, được gắn trên đỉnh.

Năm 1950, ông trở lại xã Phước Thạnh dựng đài bát quái cao 14 thước, đêm đêm lên ngồi hành đạo trên đài, choàng một manh áo, chịu đựng mưa nắng. Cuộc sống tu hành đơn sơ, đạm bạc, thức ăn chỉ là trái cây, chủ yếu là dừa (nên mới có biệt danh là Ông Đạo Dừa). Mỗi năm ông chỉ tắm một lần vào ngày Phật Đản. Năm 1958, ông gửi thư phản đối Tổng thống Ngô Đình Diệm về một chính sách, nên bị bắt giam, sau được thả ra.

Theo An ninh thế giới online, năm 1963, Nguyễn Thành Nam chọn cồn Phụng làm nơi tu hành. Việc xây chùa Nam Quốc Phật, sân Chín Rồng, đóng thuyền Bát Nhã, tháp Hòa Bình, gồm hai tháp là "miền Bắc Hà Nội, miền Nam Sài Gòn", với màu sắc rực rỡ, cờ phướn lòe loẹt đã khiến nhiều người đến xem vì tò mò. Dần dà, nghe ông Nam giảng đạo, số đệ tử gia nhập "đạo Dừa" ngày một tăng lên.

Một góc cơ ngơi của ông Đạo Dừa ở cồn Phụng. Ảnh: Wilbur E. Garrett.

Nhà báo Wilbur E. Garrett giải thích: "Phần lớn dân quê khi ấy đều ít học trong lúc những bài giảng của ông đạo Dừa lại giản dị, dễ hiểu, dễ đi vào lòng người. Bằng cách pha trộn giáo lý Phật giáo, Thiên Chúa giáo với tư tưởng đạo Lão, đạo Nho, khuyên bảo con người làm lành lánh dữ, lấy chữ "Tâm", chữ "Đức" làm trọng, cộng với những chuyện thần quyền kỳ bí nên số người theo ông mỗi ngày một nhiều. Hơn nữa, thời điểm ấy chính quyền Ngô Đình Diệm không bắt lính trong giới tăng lữ, tu sĩ nên rất nhiều thanh niên vào đạo để trốn quân dịch, kể cả một số tội phạm cũng vào đạo để tránh truy nã".

Tuy nhiên, từ cuối năm 1960 trở đi, càng ngày "cậu Hai" càng "lâm" nặng những chuyện mê tín dị đoan. Mỗi lần mở lời, ông Nam đều xưng mình là người từ cõi trên xuống, được giao sứ mệnh "giữ yên vận mạng quốc gia, kiến tạo hòa bình thế giới". Ông cho rằng chỉ một mình ông mới đủ tư cách đại diện Việt Nam để gặp gỡ ngang hàng với bất kỳ một tổng thống, quốc vương hay thủ tướng nào trên thế giới. Ông coi Đức Giáo hoàng, người lãnh đạo tinh thần của Thiên Chúa giáo, Đức Tăng thống, lãnh đạo tinh thần của Phật giáo là những người "bằng vai phải lứa" với ông vì theo ông: "Mai mốt Hòa đồng tôn giáo sẽ thống lĩnh tất cả"(?!).

Và mặc dù Cảnh sát Kiến Hòa theo lệnh Trần Kim Tuyến giám sát ông "đạo Dừa" rất chặt chẽ nhưng không ai cấm ông viết thư, nên ngày 2/10/1961, ông lại gửi thư cho Ngô Đình Diệm, đề nghị được sang Angkor Thom, Angkor Vat, tỉnh Siem Reap, Campuchia để cùng 18 "ông đạo" khác, cầu nguyện cho hòa bình. Ngày 15/10, đích thân viên Phó ty Cảnh sát Kiến Hòa đến cù lao Phụng gặp ông, thông báo "cấm cậu Hai ra khỏi nơi cứ trú, chuyện hòa bình có chính phủ lo".

Quyết không bỏ cuộc, cuối năm 1962, "cậu Hai" cùng 18 đệ tử bí mật chuẩn bị một chiếc ghe bầu với đầy đủ lương thực, dự định ngược dòng Mekong lên Phnôm Pênh rồi từ đó đi biển Hồ, Siem Reap nhưng ghe vừa khởi hành chưa được bao xa thì đã bị lực lượng Giang cảnh phát hiện, chặn lại khám xét rồi đuổi về. Đến sáng mùng 2 tết Nhâm Dần, ông lại cùng 18 đệ tử lặng lẽ xuống Châu Đốc, sang Campuchia. Nhưng khi đoàn của ông đến Phnôm Pênh thì bị cảnh sát bắt giữ vì nhập cảnh trái phép.

Nghe được tin này, cháu ruột ông Nam là bà Huyền (pháp danh Diệu Ứng - người mà năm 1971 sẽ đứng chung liên danh tranh cử tổng thống với ông, làm phó tổng thống) đã đến Ty Cảnh sát Kiến Hòa trình báo. Biết rằng cấp ty không giải quyết được, viên trưởng ty gọi lên Tổng nha Cảnh sát ở Sài Gòn. Cuối cùng, đích thân Trần Kim Tuyến phải can thiệp với Cảnh sát Campuchia nên ông "đạo Dừa" mới được thả. Wilbur E. Garrett viết: "Đảo chính lật đổ anh em Diệm Nhu nổ ra vào ngày 1/11/1963 thì chỉ 15 ngày sau, Nguyễn Thành Nam lên Sài Gòn. Lần này ông đi công khai với cờ quạt kèn trống vì lệnh giám sát ông đã tan theo cùng với sự sụp đổ của chính quyền họ Ngô. Tại trụ sở Hòa đồng tôn giáo ở Phú Lâm, ông "đạo Dừa" thảo một văn bản, đề nghị Hội đồng quân nhân cách mạng cho ông ra nước ngoài để gặp gỡ lãnh đạo các nước Anh, Pháp, Mỹ, Nhật…, bàn việc "hòa bình cho Việt Nam".

Văn bản gửi đi nhưng không hề có hồi âm bởi lẽ lúc đó, những người cầm đầu cuộc đảo chính trong Hội đồng quân nhân cách mạng còn phải giải quyết nhiều vấn đề nên hơi đâu mà họ để ý đến một người nửa điên nửa tỉnh như ông.

Không ra nước ngoài được, ông viết thư gửi Tổng thống Kennedy của Mỹ, Thủ tướng Wilson của Anh, Tổng thống Charles de Gaulle, Pháp…  thông qua Tòa Đại sứ của các quốc gia này ở Sài Gòn, đề nghị được tiếp kiến. Nhưng cũng như văn bản gửi Hội đồng quân nhân cách mạng, cho đến lúc ông chết (1990), "đạo Dừa" Nguyễn Thành Nam chưa bao giờ nhận được câu trả lời từ những nguyên thủ này.

Ngày 28/2/1964, khi tướng Nguyễn Khánh truất phế chính phủ của Thủ tướng Nguyễn Ngọc Thơ rồi lên làm thủ tướng thì ngay lập tức, ông "đạo Dừa" lại viết thư gửi Nguyễn Khánh. Trong thư, ông đề ra thuyết "bất chiến tự nhiên thành" (nghĩa là không cần phải đánh nhau mà vẫn thành công). Ông cam kết nếu không thực hiện được, ông sẽ chịu mọi hình phạt của Chính phủ quốc gia và quốc tế (?!). Wilbur E. Garrett viết: "Ngày 12/3 năm ấy, khi biết tin Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ là McNamara đến Sài Gòn, ông "đạo Dừa" cùng hai đệ tử xách hai chiếc lồng, một chiếc có một con mèo và một chiếc có một con chuột, đến Tòa Đại sứ Mỹ ở Sài Gòn xin gặp Mc Namara. Thời điểm này, tôi đang đưa tin về chuyến đi của ông Bộ trưởng nên lúc nghe Thủy quân lục chiến Mỹ làm nhiệm vụ bảo vệ Tòa Đại sứ báo vào, rằng có một người ăn mặc rất dị hợm đi cùng hai người khác, muốn gặp bộ trưởng thì tôi biết ngay là Nguyễn Thành Nam…".

Wilbur E. Garrett bước ra. Thấy người quen, ông "đạo Dừa" mừng quá. Ông nói ông muốn gặp McNamara để nêu lên kế hoạch "bất chiến tự nhiên thành" và nếu McNamara nghe theo lời ông thì Việt Nam hết đánh nhau! Người Mỹ khỏi cần cử cố vấn và viện trợ súng đạn làm gì nữa.

Nhằm chứng minh cụ thể, ông "đạo Dừa" bắt con chuột cho vào lồng mèo. Xem chừng như gặp lại "người quen", con mèo chẳng những không ăn thịt con chuột mà còn tỏ vẻ thân thiện. Wilbur E. Garrett viết: "Chuyện ấy chẳng có gì lạ vì nếu đồng thời nuôi chung giữa chuột và mèo ngay từ lúc nó còn sơ sinh thì khi lớn lên, thường nó coi nhau như bạn". Tuy nhiên, báo chí Sài Gòn khi đó đã thổi phồng chuyện này, coi đây là hiện tượng lạ chưa từng thấy mà mục đích là để bán báo chứ không vì kế hoạch viển vông của ông "đạo Dừa". Với người Mỹ, họ coi ông là một kẻ tâm thần không hơn không kém!

Tháng 5/1965, "cậu Hai" tung ra một chiêu khác: Nửa đêm, cồn Phụng đột nhiên đèn đuốc sáng rực, tiếng chuông tiếng mõ khua inh ỏi rồi một chiếc xe hơi chạy hối hả về phía bến phà Rạch Miễu để đưa "cậu Hai" lên Sài Gòn chữa bệnh hiểm nghèo. Khi đến Bệnh viện Chợ Rẫy rồi sau khi thăm khám, bệnh viện cử một y tá chuyển ông qua một bệnh viện khác trong lúc ông cứ nằng nặc xin ra nước ngoài điều trị, vì theo lời ông, ông mắc phải bệnh "trướng nước".

Năm 1974, ông "đạo Dừa" lại gây ra một chuyện động trời nữa nhưng lần này nó chỉ liên quan đến cá nhân ông chứ không dính líu gì đến "hòa bình thế giới". Ông Quận trưởng Cảnh sát của một quận ở Kiến Hòa - Bến Tre ngày nay cùng một số nhân viên sang cồn Phụng để truy nã một đối tượng hình sự. Tại đây, ông được biết có một gái mại dâm tên Mỹ, hành nghề tại Mỹ Tho, chẳng hiểu gặp chuyện buồn phiền chi đó nên cô ta tự tử. Được cứu sống rồi được bà Huyền - cháu ruột ông "đạo Dừa" đưa về cồn Phụng nuôi dưỡng. Thế nhưng chỉ một thời gian sau, bỗng dưng ông "đạo Dừa" đưa cô này lên "đài bát quái" ở luôn với ông. Theo lời kể của bà Huyền thì hằng ngày, đệ tử của ông bỏ dừa, bắp, đậu, khoai, trái cây vào một cái giỏ để ông "đạo Dừa" kéo lên. Còn tất cả những thứ phóng uế của cả hai người, ông "đạo Dừa" cũng bỏ hết vào giỏ, thả xuống cho đệ tử mang đổ. Hành động của ông đã khiến các đệ tử đâm ra nghi ngờ về những lời rao giảng của ông, nhất là khi ông chủ trương "đạo Dừa" là đạo "bất tạo con" - nghĩa là trai gái trần truồng sống chung với nhau nhưng không quan hệ tình dục. Từ đó nhiều người lặng lẽ ra khỏi đạo.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đạo Dừa bị chính quyền Cách mạng cấm hoạt động vì lý do truyền bá mê tín dị đoan, cổ vũ lối sống thiếu lành mạnh, không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam. Người hướng dẫn nói với chúng tôi là: đạo của ông tuyên truyền đàn ông được lấy 9 vợ, nhưng không được có con, có lẽ vì thế mà ông cho xây sân chín rồng chỉ có một rồng đực, 8 rồng còn lại là rồng cái. Toan tính vượt biên nhưng không thành, Nguyễn Thành Nam bị bắt và bị đưa đi học tập cải tạo nhưng chỉ một thời gian sau, do gia đình có đơn bảo lãnh và nhất là nhận thấy ông bị bệnh tâm thần nên ông "đạo Dừa" được tha, cho về sống tại xã Phú An Hòa.

Ở yên vài năm, thấy tín đồ, bá tánh đến thăm ngày càng đông, "đạo Dừa" bắt đầu tái hoạt động. Nơi ở của ông biến thành trụ sở "Hòa đồng tôn giáo" với cờ xí xanh đỏ, với cả tượng Phật lẫn tượng Jesus! Bên cạnh đó, ông mua ghe rồi sửa chữa, sơn phết lại làm thuyền Bát Nhã để "tu", đồng thời lắp đặt hệ thống phát thanh trên ghe để truyền đạo "Bất tạo con". Tôi hỏi người hướng dẫn viên "Đạo bất tạo con" là gì? người hướng dẫn lý giải rằng ông "Đạo Dừa" tuyên truyền đạo của ông cho phép đàn ông được lấy 9 vợ nhưng không được đẻ con, bản thân ông cũng có tới 8 vợ, nhưng không có con. Vì lý thuyết này nên sân rồng của ông có 9 con rồng nhưng chỉ có một con đực. Điều này trái với luân thường đạo lý nên bị chính quyền cấm hoạt động.

Trước sự việc truyền đạo trái phép, sặc mùi mê tín dị đoan của ông "đạo Dừa", chính quyền tỉnh Bến Tre đã ra quyết định yêu cầu ông Nguyễn Thành Nam ngưng ngay toàn bộ hoạt động phát thanh, tịch thu máy móc phương tiện, đưa ra kiểm điểm trước dân về những sai phạm của ông cùng một số đệ tử cốt cán. Lúc ấy, cũng đã có ý kiến đưa ông đi giám định tâm thần và nếu có kết quả thì buộc ông phải vào cơ sở chữa bệnh.

Mặc dù bị ngăn cấm, nhưng "đạo Dừa" vẫn lén lút hoạt động. Chiều ngày 12/5/1990, Công an Bến Tre kết hợp với chính quyền địa phương đến tận nơi hành đạo của "Hòa đồng tôn giáo", yêu cầu ông "đạo Dừa" chấm dứt ngay việc truyền bá mê tín dị đoan. Thế nhưng, một số đệ tử và người thân cận với ông đã ra mặt chống lại các cơ quan thi hành công vụ. Thấy căng thẳng, ông "đạo Dừa" bỏ lên gác để tụng kinh "bất chiến tự nhiên thành" nhưng một đệ tử đã kéo ông lại để "trực tiếp với chính quyền". Do động tác lôi kéo quá mạnh, mà ông nặng chưa tới 30kg nên "đạo Dừa" ngã xuống đất, chấn thương sọ não khiến ông qua đời tại bệnh viện vào sáng hôm sau, thọ 81 tuổi.

Hiện tại, tín đồ "đạo Dừa" chỉ còn vài người, hầu hết đã lớn tuổi.

Hiện nay tại cồn Phụng còn nhiều di tích Đạo Dừa trên diện tích chừng 1.500 m², hiện được bảo tồn nguyên trạng những gì còn lại từ các hạng mục kiến trúc được xây dựng từ thời trước: sân chín con rồng, tháp Hoà bình (cửu trùng đài). Một khu được sửa thành nơi điều dưỡng và du lịch. Còn chiếc xà lan lớn làm nơi hành đạo cũ được đưa về làm khách sạn nổi trên sông Bến Tre.

Sân chín rồng và tháp Hoà bình (cửu trùng đài), nơi hành đạo của Đạo Dừa ở cồn Phụng  còn được bảo tồn đến hiện tại.

Cửu trùng đài của Đạo Dừa ở cồn Phụng.

Trời đã tối, chúng tôi rời cồn Phụng lên thuyền trở lại khách sạn.

Mời các bạn xem tiếp Episode 9:

https://hahoangkiem.com/van-hoc/ky-su-phuot-xuyen-viet-episode-9-my-tho-tien-giang-mui-ca-mau-tp-ca-mau-3849.html


CHIA SẺ BÀI VIẾT

Bài cùng chủ đề

Bài về chủ bút

    Tinh hoa nhân loại

      Khoa học

        Văn học

          SÁCH CỦA TÔI