Ký sự phượt xuyên Việt - Episode 1 (Hà Đông Hà Nội – Thiên Cầm Hà Tĩnh)

Cập nhật: 03/04/2020 Lượt xem: 6900

Ký sự phượt xuyên Việt                    

Episode 1 - Ngày thứ nhất (Hà Đông Hà Nội – Thiên Cầm Hà Tĩnh) 

Google Map đã  tự động ghi lại lịch trình trong ngày của chúng tôi

Cô bạn Google đã cần mẫn ghi lại lịch trình của chúng tôi từ điểm xuất phát tới chỗ dừng nghỉ lên bản đồ vệ tinh. Nhìn vào bản đồ trên thì ngày đầu tiên là thứ tư ngày 1.1.2020 (7.12.2019 năm Kỷ Hợi), chúng tôi bắt đầu xuất phát từ Khu Hyundai Hillstate, đường Tô Hiệu, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, nơi có căn hộ của chúng tôi đang ở, hướng về phía nam. Nơi dừng lại nghỉ đêm là khách sạn Du lịch Công đoàn trên bãi biển Thiên Cầm, Hà Tĩnh. Đoạn đường đã lái xe qua là 379km với khoảng thời gian 7 giờ 52 phút.

Đã từ lâu lắm rồi, chúng tôi dự định sẽ thực hiện một chuyến phượt xuyên Việt ngẫu hứng bằng auto tự lái với thời gian và kinh phí không bị hạn chế. Đây là thời điểm có tới 7 lý do phù hợp cho chuyến đi này: thứ nhất, tôi đang nghỉ chờ hưu, bệnh viện nơi tôi hợp đồng làm tại phòng khám Giáo sư vào tháng giáp tết nên cũng có thể xin nghỉ được, vì thế thời gian không bị hạn chế. Thứ hai, đây là tháng giáp tết, thời tiết cuối đông chuyển sang xuân nên trời mát mẻ chỉ giao động trên dưới 25 độ C, không có nắng gắt, không còn mưa rào và bão nên rất thuận tiện cho một chuyến đi ngao du trên đường. Thứ ba là tháng giáp tết, người Việt mải mê làm ăn để sắm tết, không đi du lịch, vì vậy các khu du lịch, khách sạn đều vắng khách, có thể đặt phòng bất cứ lúc nào mà giá chỉ bằng một nửa so với thời gian cao điểm về du lịch. Thứ tư, chuẩn bị đón năm mới nên các công trình giao thông đều được gấp rút hoàn thành trước đó và thu dọn gọn gàng trước tết gần 1 tháng, nên rất thuận lợi cho việc lên đường mà không bị các công trình giao thông giang dở cản trở. Thứ năm, nghị định 100/2019/NĐ-CP về xử phạt nếu có nồng độ cồn khi lái xe có hiệu lực từ ngày 1.1.2010, nên bớt các ma men chạy trên đường, cảm giác an toàn hơn khi chạy xe đường dài với những tay lái nghiệp dư như chúng tôi. Thứ sáu, các cụ như bố tôi năm nay đã 98 tuổi, mẹ vợ tôi năm nay 78 tuổi, các cụ vẫn khỏe mạnh và tự phục vụ được, có thể đi mà yên tâm không phải lo lắng nhiều về sức khỏe của các cụ. Hai chàng hoàng tử nhà tôi đã có vợ nhưng chưa cặp đôi nào có con, các chàng trai đều có nhà riêng và tự lập hơn một năm nay, chúng tôi lại chưa bận rộn vì chưa có cháu nội, tóm lại chúng tôi đang là một cặp vợ chồng son. Thứ bảy vào thời gian này sức khỏe của chúng tôi còn có thể đi phượt được chứ vài năm nữa khi đến tuổi 70 thì khó có thể nói được gì, liệu mắt còn đủ sáng, phản xạ còn đủ nhanh nhạy để điều khiển xe trên đường, các khớp lưng và gối có còn trơn tru đủ để lên rừng và xuống biển thưởng thức chuyến đi nữa hay không. Vậy thì lên đường thôi, còn chần trừ gì nữa. À quên, còn phải chuẩn bị mấy thứ nữa chứ, thứ nhất là phải bảo dưỡng chiếc xe Yaris 4 chỗ đã có lịch trình trên 7 vạn kilometer, thứ hai là mua một đệm hơi đặt vào ghế sau để biến cái khoang sau của xe thành một chiếc giường hơi, sắm một số thứ linh tinh nữa như bình trà nóng, phích nước inock ¼ lít, chén uống trà và sữa… Xong rồi lên đường thôi - let's go.

Có một lần xem chương trình du lịch đến Thổ Nhĩ Kỳ phát trên Youtube, tôi thắc mắc, tại sao du khách cứ kéo nhau đến để xem các công trình cũ đã đổ nát, chỉ còn nền và một số cột đá cùng với một đống đất đá vụn nát mà các nhà khảo cổ đào bới lên. Chăm chú theo dõi lời bình luận, họ dẫn dắt người nghe tìm hiểu lịch sử của công trình, những giả thiết về đời sống chính trị và xã hội thời đó, đặc điểm kiến trúc của công trình, cách thức công trình được xây dựng. Mặc dù người ta không biết được bằng cách nào với công cụ thô sơ thời đó mà con người có thể nâng được những tảng đá vài chục tấn lên cao, gọt đẽo chúng một cách tinh xảo, gắn chúng với nhau không cần vữa mà chúng vẫn bền chắc nhiều thế kỷ. Tất cả những phân tích đó đã hấp dẫn tôi theo dõi một cách chăm chú đến hết chương trình. Hóa ra cần phải có kiến thức về lịch sử, kiến trúc, khảo cổ, địa chất… thì mọi vật tưởng như vô tri vô giác đều biết nói và biết kể bao nhiêu câu chuyện kỳ thú.

Cũng vậy, nhiều người sau khi đi thăm nhiều hang động tự nhiên thì họ rút ra một kết luận: động nào cũng giống động nào, cũng nhũ đá, cũng hình thù con vật này, hình dạng kia theo trí tưởng tượng. Thế là có rủ họ đi thăm các hang động mới là họ từ chối, ngồi ngoài chờ đoàn ra thì đi tiếp. Một lần tôi theo dõi chương trình trên TV về quá trình khám phá ra hang động Sơn Đoòng, một hang động kỳ vĩ ở Quảng Bình của các nhà thám hiểm người Anh. Họ chỉ ra trong hang có những tầng địa chất nào, chúng xuất hiện từ kỷ nào trong lịch sử kiến tạo địa chất của trái đất. Tại sao lại có những giếng trời hay những khoảng sụt lún. Tại sao lại có những khu vực chứa nhiều vỏ sò biển ở một vùng núi cao như Quảng Bình. Họ lý giải trước kia vùng này là biển, trong hang có người cổ đại sinh sống và những đống vỏ sò kia là nguồn thức ăn họ kiếm về. Quá trình kiến tạo địa chất đã đẩy vùng đất này lên cao. Và nữa, quá trình hình thành những nhũ đá và măng đá như thế nào, phải mất bao nhiêu năm mới có được nhũ đá như vậy… Tất cả những kiến thức đó đã thu hút tôi và những lần khám phá hang động tiếp sau tôi thấy lý thú và hấp dẫn hơn.

Một lần khác chúng tôi đi thăm rừng Cúc Phương, ở lại trong khu bảo tồn 3 ngày 2 đêm. Thuê xe đạp, đạp theo các con đường trong rừng, bình thường thấy cũng chẳng khác gì những cánh rừng ở quê tôi trước đây. Khi còn nhỏ chúng tôi vẫn vào rừng chăn trâu bò, lên núi lấy măng nứa, đào củ rừng vì hồi đó còn đói lắm, gạo không đủ ăn, dân thường phải ăn sắn, ăn khoai và đào thêm củ mài, măng nứa và các sản vật khác của rừng. Chúng tôi dành một buổi sáng vào khu bảo tàng của ban quản lý rừng, ở đó có thể tìm hiểu tất cả những bí mật về đặc điểm địa chất, đặc điểm tự nhiên, lịch sử hình thành, đặc điểm khí hậu, tự nhiên và các loài sinh vật có trong rừng. Những thắc mắc của tôi khi đi trong rừng đã được giải đáp như tại sao với một ngọn núi như thế này mà chỉ thấy các con suối cạn không có nước, tại sao lại có nhiều hang động ở vùng núi này là bởi vì carbonatcalci trong đá bị nước hòa tan và trôi đi tạo ra các hang hốc khiến không giữa được nước và các hang động lớn cũng được tạo ra như vậy v.v. Trên một bức tường trong khu bảo tàng tôi nhìn thấy một cánh cửa gỗ, trên cánh cửa có dòng chữ: "Kẻ thù lớn nhất của tự nhiên đang nấp sau cánh cửa này". Tò mò, tôi mở cánh cửa và giật mình vì nhìn thấy mình đứng trong đó với hình ảnh méo mó. Hóa ra sau cánh cửa là một tấm gương. Một cách nhắc nhở bảo vệ và tôn trọng tự nhiên rất tinh tế và nghệ thuật. Tất cả những quan sát trên cho tôi hiểu rằng, cần phải có kiến thức trước khi tìm hiểu vấn đề gì đó, và nếu có kiến thức về nó thì mới thưởng thức được giá trị nghệ thuật và vẻ đẹp tiềm ẩn của nó.

Chính vì thế trước khi đến một vùng đất mới, tôi tìm đọc những tài liệu về lịch sử, điều kiện tự nhiên và tình hình xã hội, văn hóa, kinh tế của vùng đó càng nhiều càng tốt. Rất may là hiện nay internet cùng với mạng 3G, 4G đã phủ sóng khắp cả nước, vì vậy có thể tìm thông tin một cách rễ dàng. Cuộc sống thật dễ chịu khi hạ tầng cơ sở gồm giao thông và thông tin liên lạc phát triển và nó cũng là nền tảng để xây dựng thượng tầng kiến trúc một xã hội. Vì vậy khi ghi chép lại dưới dạng ký sự lịch trình chuyến phượt xuyên Việt của mình, chúng tôi cũng cố gắng chia sẻ những hiểu biết của mình về từng vùng đất đã đi qua.

Dải đất hình chữ S của Việt Nam bao trọn mặt tiền hướng ra biển của khu vực Đông Dương, Với dãy núi Trường sơn chạy dọc sườn phía tây có chỗ vươn ra sát biển. Đây là một lợi thế địa lý tạo cho chúng ta có nhiều cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp mà nhiều quốc gia khác phải mơ ước. Qua đó chúng ta cũng biết ơn các thế hệ tổ tiên đã có công mở mang khai phá và giữ gìn bờ cõi cho thế hệ con cháu chúng ta ngày nay có được một di sản địa lý và tự nhiên kỳ vĩ. Cũng chính vì có một vị trí địa chính trị có vai trò quan trọng như vậy mà đất nước Việt Nam luôn bị ngoại xâm dòm ngó, giống như một cô gái đẹp luôn bị các chàng trai tìm mọi cách chiếm hữu mà những chàng tử tế thì ít, những chàng con nhà giàu hư hỏng thì nhiều. Chính vì vậy mà đất nước phải trải qua những cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc liên miên, để lại một lịch sử anh hùng với nhiều nhân vật xuất chúng ở khắp các vùng miền của đất nước. Sẽ thật thiếu sót nếu không tìm hiểu và tôn vinh những người anh hùng dân tộc đã ghi dấu ấn trong lịch sử nếu chúng ta đi qua những vùng đất ghi dấu tích của họ. Và cứ như thế, mỗi chuyến đi, chúng ta sẽ trở nên giàu có hơn về các kiến thức lịch sử, văn hóa, tự nhiên và xã hội.

Đường cao tốc Hà Nội – Ninh Bình xuất phát từ Pháp Vân có chiều dài 84km với 6 làn xe, mỗi làn rộng 3m, chiều ngang mặt đường 22m. Toàn tuyến có 14 cầu vượt sông, vượt nút giao, có 8 nút giao ra và vào. Tuyến cao tốc này có tổng vốn đầu tư là 8.974 tỷ đồng, trong đó vốn điều lệ của Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC Corporation), doanh nghiệp trực thuộc Bộ Giao thông Vận tải là 1.000 tỷ đồng, còn lại là vốn phát hành trái phiếu công trình và các nguồn vốn khác. Tuyến đường có thể chạy với tốc độ 120 km/h với mức phí xe bốn chỗ như của chúng tôi là 110.000 VNĐ.

- Thành phố Ninh Bình đây rồi, có nghỉ lại không em?

- Năm nào mình cũng đến Ninh Bình 1 - 2 lần, hình như mùa hè vừa rồi hai đứa đã ở lại 3 ngày khám phá bằng xe máy, bây giờ chắc chưa có gì mới, thôi bỏ qua đi anh.

OK, chúng tôi bỏ qua Ninh Bình, chạy tiếp vào phía Nam theo quốc lộ 1. Quốc lộ 1 được làm mới cũng khá tốt, mỗi chiều 2 làn xe cơ giới có dải phân cách cứng ở giữa cho phép chạy tốc độ tối đa 90km/h.

 

Hai tuyến đường xuyên việt là đường quốc lộ 1 ở phía đông (màu đỏ) và đường mòn Hồ Chí Minh ở phía tây (màu xám) chạy suốt chiều dài đất nước, đã hoàn thành cải tạo cùng với xây dựng mới và đã đưa vào sử dụng. Tuyến cao tốc Hà Nội – Ninh Bình (đoạn màu xanh). Lượt đi chúng tôi bám theo con đường phía đông ven biển (màu đỏ), lượt về sẽ đi theo con đường phía tây (màu xám).

Tạo hóa khéo tạc cảnh non tiên

Mỏm đá cheo leo khách tọa thiền

Bốn phía nhìn quanh non nước biếc

Ngẩn ngơ ngắm cảnh chốn thần tiên

Uốn lượn quanh non dòng nước biếc

Hang động thẳm sâu Phật tọa thiền

Cũng ở nơi đây vua Đinh ngự

Quả là chốn Phật tọa cùng Tiên

                           (Hà Hoàng Kiệm. Ninh Bình cảm tác. 24.12.2018)                                       

Ninh Bình xưa là kinh đô của Việt Nam giai đoạn 968 - 1010 với 3 triều đại Đinh, Tiền Lê, Tiền Lý.

Triều đại nhà Đinh tồn tại được 13 năm, từ 968 đến 980: Đinh Tiên  Hoàng (Đinh Bộ Lĩnh) 968 - 979, Đinh Phế Đế (Đinh Toàn) 979 - 980. Đinh Bộ Lĩnh không lập con trưởng là Đinh Liễn mà lập con thứ là Đinh Hạng Lang làm Thái Tử, Đinh Liễn tức giận sai người giết Hạng Lang. Tháng 11 (âm lịch) năm đó, một viên quan tên là Đỗ Thích, mơ thấy sao rơi vào miệng, tưởng là điềm báo được làm vua nên đã giết chết cả Đinh Tiên Hoàng và Đinh Liễn. Sau khi Đinh Bộ Lĩnh và Đinh Liễn bị giết thì con út là Đinh Toàn mới được 6 tuổi lên ngôi. Vua Bắc Tống là Tống Thái tông (Trung Quốc) nghe tin Đinh Tiên Hoàng mất đem quân sang xâm lược Đại Cồ Việt, trước tình thế đất nước lâm nguy, thái hậu Dương Vân Nga trao áo bào và tôn Thập đạo tướng quân Lê Hoàn lên ngôi tạo ra nhà tiền lê. Người ta đồn rằng Dương Vân Nga và Lê Hoàn đã có tư tình, thực hay hư thì không ai rõ nhưng hành động nhường ngôi họ Đinh cho Lê Hoàn trong lúc quốc gia bị ngoại xâm đe dọa để bảo vệ đất nước đã được lịch sử ghi nhận. Hiện nay tới thăm đền thờ vua Đinh và Vua Lê ở Ninh Bình chúng ta thấy tượng Dương Vân Nga được thờ chung ở đền thờ vua Lê Đại Hành. Người ta nói rằng ban đầu tượng Dương Vân Nga được thờ bên đền thờ vua Đinh, nhưng về sau dân chúng không đồng tình và đã khiêng tượng Dương Vân Nga sang thờ bên đền thờ vua Lê. 

Đền thờ vua Đinh và vua Lê được xây dựng trên đúng nền đất cũ của dinh vua ở Ninh Bình. Ở đền vua Đinh, trong Chính cung thờ vua Đinh và các con của ông. Ở giữa Chính cung có tượng của Đinh Tiên Hoàng, đội mũ hình thiên, mặc áo long cổn. Phía bên trái vua Đinh là tượng Đinh Liễn, con cả, phía bên phải là tượng Đinh Hạnh Lang và Đinh Toàn, hai con thứ. Tương truyền xưa kia ở dưới tượng vua Đinh có tượng Đỗ Thích. Hàng năm cứ đến ngày tế vua Đinh, dân làng lại đem tượng Đỗ Thích ra đánh 2 roi hay “Khảo 3 vồ” để răn kẻ có tội. Đồ tế lễ phải kiêng lòng lợn và tiết canh với ý nghĩa là Đỗ Thích đã cho thuốc độc vào lòng lợn và tiết canh để giết vua Đinh. 

Đền vua Lê không khang trang bằng đền vua Đinh, vì ít được tu sửa hơn, nhưng cũng vì thế mà đền vua Lê còn giữ được nhiều mảng điêu khắc thời hậu Lê hơn đền vua Đinh. Chính cung thờ Lê Hoàn ngồi hướng về phía trước, bên phải là Lê Long Đĩnh quay về hướng bắc, bên trái là hoàng hậu Dương Vân Nga quay hướng nam về phía đền vua Đinh. Theo lý giải của người dân thì mặc dù bà đã xuất giá làm vợ vua Lê Đại Hành nhưng vẫn hướng về người chồng cũ là Vua Đinh Tiên Hoàng. Gian bên trái chính cung thờ công chúa Lê Thị Phất Ngân, con gái Vua Lê Đại Hành và Dương Vân Nga đồng thời là vợ của Lý Công Uẩn (Lý Thái Tổ) sau này. Hoàng hậu Lê Thị Phất Ngân là người sinh ra vua Lý Thái Tông vào năm 1000. Sau khi nhà Lý dời đô về Thăng Long, Bà thường về chùa Duyên Ninh để trông coi lăng mộ vua cha và tác hợp cho nhiều đôi trai gái thành duyên.

Triều đại nhà Lê tồn tại 30 năm, từ 980 đến 1009: Lê Đại Hành (Lê Hoàn) 980- 1005, Lê Trung Tông (Lê Long Việt) 1005 - 1005, Lê Ngọa Triều (Lê Long Đĩnh) 1005 - 1009. Lê Long Đĩnh là con trai thứ năm của Lê Đại HànhNăm 1005, vua Lê Đại Hành băng hà ở Trường Xuân Điện, Thái tử Lê Long Việt cùng với 3 người em khác là Đông Thành vương Lê Long Tích, Trung Quốc vương Lê Long Kính và người em cùng mẹ Khai Minh đại vương Lê Long Đĩnh tranh giành ngôi vị. Sách An Nam Chí Lược chép rằng : Lê Hoàn chết, mấy người con đều tụ tập binh mã, chia đặt trại sách, quan thuộc ly tán, nhân dân lo sợ. Các bên giằng co trong 8 tháng, đất nước không có chủ. Lê Long Việt đánh bại Đông Thành vương khiến Vương phải chạy vào đất Cử Long. Lê Long Việt lại đuổi bắt, Đông Thành vương chạy sang Chiêm Thành, chưa đến nơi thì bị người châu Thạch Hà giết ở cửa biển Cơ La. Lê Long Việt do đó lên ngôi, tức là Trung Tông Hoàng Đế. Tuy nhiên, Lê Trung Tông ở ngôi được 3 ngày thì bị Lê Long Đĩnh giết chết. Bầy tôi đều chạy trốn hết, chỉ có Điện tiền quân là Lý Công Uẩn ôm xác mà khóc. Lê Long Đĩnh không những không trị tội mà khen Lý Công Uẩn là người trung nghĩa, tiếp tục trọng dụng ông, cho làm Tứ sương quân Phó chỉ huy sứ, rồi sau đó thăng đến chức Tả thân vệ Điện tiền Chỉ huy sứ. Theo Đại Việt Sử Ký, có nguồn Dã sử chép rằng: "Đại Hành băng, Trung Tông vâng di chiếu nối ngôi. Long Đĩnh làm loạn, Trung Tông vì anh em cùng mẹ không nỡ giết, tha cho. Sau Long Đĩnh sai bọn trộm cướp đêm trèo tường vào cung giết Trung Tông". Theo sử gia Ngô Thi Sĩ, hệ quả của việc anh em Long Đĩnh tranh giành ngôi vua đã khiến cho Lý Công Uẩn mạnh lên: Quân Tứ sương (do Lý Công Uẩn chỉ huy) chỉ đứng ngoài biên xem ai thành ai bại, Công Uẩn dần dần mạnh lên, rồi họ Lý nổi lên không ai ngăn nổi. Lê Long Đĩnh cai trị được 4 năm, đến tháng 10, ngày Tân Hợi, năm Kỷ Dậu (tức ngày 19 tháng 11 năm 1009) thì qua đời, hưởng thọ 24 tuổi. Long Đĩnh mất, con trai là Lê Cao Sạ còn bé, dưới sự sắp đặt của quan Chi hậu Đào Cam Mộc, và vận động của sư Vạn Hạnh, triều thần đã tôn Lý Công Uẩn lên ngôi Hoàng đế , sáng lập ra triều đại nhà Lý.

Triều đại nhà Lý tồn tại 216 năm, từ 1009 - 1225. Lý Công Uẩn lên ngôi hoàng đế ngày 21 tháng 11 năm 1009, lấy tên Lý Thái Tổ, đặt niên hiệu là Thuận Thiên, nghĩa là "theo ý trời". Lý Công Uẩn có mẹ họ Phạm đi chơi chùa Tiêu Sơn (ở Bắc Ninh ngày nay) cùng với người thân, sau đó về có chửa, sinh Lý Công Uẩn vào ngày 12 tháng 2 năm Giáp Tuất (947), thời Đinh. Có sách lại nói rằng mẹ Lý Công uẩn nghèo hèn, thường lên chùa làm công quả, sau có chửa đẻ ra Lý Công Uẩn. Năm 3 tuổi mẹ đưa đến nhà của sư Lý Khánh Văn, được sư Lý Khánh Văn nhận làm con nuôi sau chuyển cho sư Vạn Hạnh dạy dỗ, được sư Vạn Hạnh thường xuyên đưa vào hầu vua Lê Đại Hành, vì thời đó triều đình rất chuộng đạo Phật. Lý Công Uẩn được Lê Đại Hành yêu mến và gả công chúa là Lê Thị Phất Ngân cho và phong làm Điện tiền cận vệ ở thành Hoa Lư, sau lên đến Điện tiền Chỉ huy sứ. Lê Long Đĩnh chết năm 1009, vua nối còn bé. Lý Công Uẩn cùng với Hữu Điện tiền Chỉ huy sứ là Nguyễn Đê mỗi người được đem 500 quân tùy long vào làm túc vệ. Khi ấy Chi hậu là Đào Cam Mộc dò biết Công Uẩn có muốn nhận việc truyền ngôi, mới nhân lúc vắng nói khích với Lý Công Uẩn về việc tiếm ngôi. Công Uẩn trong lòng thích lời nói đó nhưng còn ngờ Cam Mộc có mưu khác, mới giả cách mắng. Cam Mộc thong thả bảo Công Uẩn rằng: Tôi thấy thiên thời nhân sự như thế, cho nên mới dám phát ngôn. Nay ông lại muốn cáo giác tôi thì tôi không phải là người sợ chết. Lý Công Uẩn nói: Tôi đâu nỡ cáo giác ông, chỉ sợ lời nói tiết lộ thì chết ráo, nên răn ông đó thôi. Hôm sau Đào Cam Mộc lại thuyết phục Lý Công Uẩn việc tiếm ngôi, Đào Cam Mộc bàn với Thái Hậu lập Lý Công Uẩn lên làm vua. Theo sách Đại Việt sử ký tiền biên, sử gia Ngô Thi Sĩ nêu nghi vấn cho rằng Lý Công Uẩn giết Lê Long Đĩnh để đoạt ngôi: "Lý Thái Tổ rất căm phẫn trước tội ác giết anh cướp ngôi của Khai Minh vương, nhân lúc Khai Minh vương bệnh tật, sai người vào đầu độc giết đi rồi giấu kín việc đó, nên sử không được chép" (theo Đại Việt sử ký tiền biên - Ngô Thì Sĩ)

Lý Thái Tổ (Lý Công Uẩn) làm vua từ 1009 - 1028. Năm 1010 Lý Thái tổ ra chiếu rời đô về Thăng Long, Nội dung chiếu rời đô như sau "Xưa nhà Thương đến đời Bàn Canh năm lần dời đô, nhà Chu đến đời Thành Vương ba lần dời đô, há phải các vua thời Tam Đại ấy theo ý riêng tự tiện dời đô. Làm như thế cốt để mưu nghiệp lớn, chọn ở chỗ giữa, làm kế cho con cháu muôn vạn đời, trên kính mệnh trời, dưới theo ý dân, nếu có chỗ tiện thì dời đổi, cho nên vận nước lâu dài, phong tục giàu thịnh. Thế mà hai nhà Đinh lại theo ý riêng, coi thường mệnh trời, không noi theo việc cũ Thương Chu, cứ chịu yên đóng đô nơi đây, đến nỗi thế đại không dài, vận số ngắn ngủi, trăm họ tổn hao, muôn vật không hợp. Trẫm rất đau đớn, không thể không dời. Huống chi thành Đại La, kinh đô cũ của Cao Vương, ở vào nơi trung tâm trời đất, được thế rồng cuộn hổ ngồi, chính giữa nam bắc đông tây, tiện nghi núi sông sau trước. Vùng này mặt đất rộng mà bằng phẳng, thế đất cao mà sáng sủa, dân cư không khổ thấp trũng tối tăm, muôn vật hết sức tươi tốt phồn thịnh. Xem khắp nước Việt đó là nơi thắng địa, thực là chỗ tụ hội quan yếu của bốn phương, đúng là nơi thượng đô kinh sư mãi muôn đời. Trẫm muốn nhân địa lợi ấy mà định nơi ở, các khanh nghĩ thế nào? Lý Công Uẩn lên ngôi hoàng đế tháng 11, ngày Quý Sửu, năm Kỷ Dậu (tức 21 tháng 1 năm 1009), đặt niên hiệu là Thuận Thiên(Bản dịch của Viện Hàn Lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, in trong Đại Việt sử ký toàn thư, Nhà Xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1993).

Lý Chiêu Hoàng là hoàng đế thứ 9 và cũng là cuối cùng của triều đại nhà Lý, trị vì từ năm 1224 đến năm 1225, khi này bà mới chỉ 8 tuổi. Bà được chính vua cha Lý Huệ Tông ra chỉ truyền ngôi (có tài liệu nói rằng vua Hệ Tông khi đó  rối loạn tâm thần, sức khỏe suy kiệt), dù bên trong có khả năng do sự sắp đặt của Điện tiền Chỉ huy sứ Trần Thủ Độ, đang nắm quyền lực trong triều, cũng là chú họ bên ngoại của bà. Lý Chiêu Hoàng được Trần Thủ Độ sắp xếp cho cưới Trần Cảnh là cháu của Trần Thủ Độ. Năm 1226, Lý Chiêu Hoàng được Trần Thủ Độ sắp xếp nhường ngôi cho Trần Cảnh (là vua Trần Thái Tông), triều đại nhà Lý cai trị Đại Việt hơn 200 năm đã chính thức kết thúc.

Với quan điểm nhổ cỏ phải nhổ tận gốc, tháng 8 năm Bính Tuất 1226, Trần Thủ Độ bức tử nhà vua Trần Huệ Tông tại chùa Chân Giáo. Thái hậu Trần Thị Dung bị giáng xuống là Thiên cực công chúa để có thể lấy Trần Thủ Độ làm chồng. Nhằm tận diệt dòng dõi nhà Lý, Trần Thủ Độ thanh trừng tôn thất nhà Lý, gả các cung nhân và con gái nhà Lý cho các tù trưởng sơn cước. Theo Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim: “Thủ Độ đã hại hết cả dòng dõi nhà Lý, lại muốn cho hậu thế không ai nhớ đến họ Lý nữa mới bắt trong nước ai là họ Lý đều phải cải là họ Nguyễn (Trần Trọng Kim. Việt Nam Sử Lược. NXB Văn hoá Thông tin, 1999. Trang 126). Một ít năm sau, năm 1232 nhân dịp con cháu nhà Lý còn sót lại tụ họp ở thôn Thái Đường, xã Hoa Lâm để làm lễ cúng tổ tiên, Trần Thủ Độ cho đào hố sâu, dựng nhà lên trên, rồi giật nhà đổ để chôn sống tôn thất nhà Lí. (Hoa Lâm nay là huyện Đông Ngàn, tỉnh Bắc Ninh, là hành cung của nhà Lý thuở xưa). Trong bối cảnh chính trị hoàn toàn bất lợi như thế, tôn thất nhà Lý nào còn sống sót đều phải cao bay xa chạy để thoát nạn tận diệt của Trần Thủ Độ, trong đó có hoàng tử Lý Long Tường là con thứ 7 của vua Lý Anh Tông. Hoàng tử Lý Long Tường là chú của vua Huệ Tông, ông của Lý Chiêu Hoàng. Hoàng tử Lý Long Tường là vị thân vương duy nhất của triều nhà Lý còn sót lại với những chức tước địa vị cực cao, nhất là đang nắm thực lực binh quyền (Đại đô đốc hải quân) cho nên hoàng tử đã lo sơ bị Thái sư Trần Thủ Độ ám hại. Buộc lòng hoàng tử phải quyết định vượt biên tị nạn chính trị. Trước khi ra đi, hoàng tử đã bí mật lẻn về Kinh Bắc, vái lạy tạ biệt lăng miếu Đình Bảng, tới Thái miếu thu gom các bài vị, các đồ tế khí, rồi trở lại Đồ Sơn đem hết tông tộc hơn 6 ngàn người xuống chiến hạm ra đi. Sau hơn một tháng, hạm đội gặp bão, phải táp vào trú tại đảo Đài Loan. Một con trai của hoàng tử là Lý Đăng Hiền cùng với vợ con ở lại đảo này. Đoàn chiến hạm tiếp tục cuộc vượt biển. Cuối cùng đoàn đã đổ bộ lên cửa Phú Lương Giang, quận Khang Linh (Ong Jin-Gun), tỉnh Hoàng Hải (Hwang hac), thuộc Bắc Cao Li (Hàn Quốc). Vị trí đổ bộ này tên là Nak-nac-wac (Bến của khách phương xa mang theo đồ thờ cúng). Vương được vua Cô- Jiong (Kojong) cùng quần thần tiếp kiến bằng bút đàm. Sau đó vua ban đồ tiếp tế và cho lập cư ở Ung Tân, phủ Nam Trấn Sơn (Chin sang). Vương cùng thân tộc gắng sức mưu sinh, phát huy học tập văn võ. Mời các bạn đọc thêm bài "Hai dòng họ Lý vượt biên tới Triều Tiên thế kỷ thứ 12 - 13: http://hahoangkiem.com/khoa-hoc/hai-dong-ho-ly-vuot-bien-toi-trieu-tien-the-ky-thu-12-13-3714.html

Người ta đồn rằng, chiếu rời đô của Lý Thái Tổ tổng cộng có 214 chữ, nhà lý tồn tại 216 năm nhưng thực quyền chỉ có 214 năm vì 2 năm Lý Chiêu Hoàng làm vua nhưng không thực quyền mà quyền hành do Trần Thủ Độ điều khiển. Giả như chiếu rời đô dài hơn thì triều đại nhà Lý chắc sẽ còn tồn tại dài hơn, không hiểu có nên tin hay không thì tùy mọi người.

Ninh Bình cũng là địa bàn quan trọng về quân sự qua các thời kỳ lịch sử. Với vị trí đặc biệt về giao thông, địa hình, lịch sử văn hóa đồng thời sở hữu 2 khu vực là di sản thế giới là quần thể khu du lịch Tràng An và khu dự trữ sinh quyển thế giới gồm đầm Vân Long và rừng Cúc Phương. Ninh Bình có nhiều địa điểm đẹp, là nơi mà 10 năm gần đây du lịch phát triển rất mạnh, nơi mà được đạo diễn Jordan Vogt-Roberts ở Hollywood chọn làm cảnh nền để quay bộ phim “Koong đảo đầu lâu”. Mỗi khi được nghỉ hai ba ngày, chúng tôi thường chọn Ninh Bình làm điểm đến, vì thế mọi địa điểm ở đây đã được chúng tôi khám phá và ghi lại bằng một số ký sự ảnh đã đăng trên trang Web này (Mời các bạn xem bài trong trang sau http://hahoangkiem.com/van-hoc/kham-pha-vung-loi-khu-du-lich-ninh-binh-3663.html).

Trước khi tới thành phố Thanh Hóa phải đi qua cầu Hoàng Long bắc qua sông Mã, cách thành phố Thanh Hóa 4km về phía Bắc. Đứng trên cầu Hoàng Long nhìn về bên phải là cầu Hàm Rồng, một cái tên khá quen thuộc gắn liền với lịch sử của cuộc kháng chiến chống Mỹ. Cầu Hàm Rồng cũ do Pháp xây dựng năm 1904 là cầu vòm thép không có trụ ở giữa. Người Pháp phải xây dựng cầu treo vòm thép là vì lòng sông nhiều đá và dòng chảy khá xiết nên khó khăn cho làm trụ cầu. Cầu này bị Việt Minh phá hủy năm 1946 trong chiến dịch tiêu thổ kháng chiến. Cầu được xây dựng lại trong 3 năm (1962 – 1964), cầu gồm 2 nhịp dầm thép, ở giữa là đường sắt, hai bên là đường ô tô và đường dành cho người đi bộ. Cầu Hàm Rồng có vị trí giao thông rất quan trọng, là cầu đường sắt duy nhất đi qua sông Mã nên nó là trọng điểm đánh phá của Mỹ trong chiến tranh phá hoại Miền Bắc.

 

Cầu Hàm Rồng cũ do Pháp xây dựng 1904 (hình trái), cầu Hàm rồng xây dựng lại năm 1964 (hình phải).

Vị thế của cầu rất đặc biệt làm cho cầu rất khó bị trúng bom. Tại hai đầu Bắc và Nam của cầu có hai ngọn núi (núi Rồng ở đầu Nam và núi Ngọc ở đầu Bắc) đã chắn hết các bom định ném xuống cầu. Các lực lượng phòng không bảo vệ cầu chốt trên đỉnh hai ngọn núi này bắn đón đầu các máy bay oanh tạc, làm chúng phải bay theo một hướng bắt buộc. Do vậy nên trong cuộc chiến tranh không quân lần thứ nhất của Mỹ chống phá miền Bắc Việt Nam từ năm 1964-1968, tuy bị đánh phá rất ác liệt nhưng Không quân Mỹ không thể ném bom trúng cầu. Chỉ đến năm 1972 ngay đợt đầu của chiến tranh không quân lần hai, bắt đầu từ ngày 16 tháng 4 năm 1972, Mỹ sử dụng bom thông minh, là loại bom điều khiển bằng laser, đã đánh trúng cây cầu này và đã làm tê liệt hoàn toàn cầu Hàm Rồng.

Cầu Hàm Rồng bị bom điều khiển bằng laser của Mỹ đánh sập 4.1972. Bộ đội Công binh đã bắc cầu phao qua sông Mã để khắc phục. Cầu phao được bắc vào ban đêm, ban ngày được tháo và cất giấu.

Tháng 8.1972 đơn vị tôi hành quân đi qua nơi này để vào chiến trường Miền Nam, lúc đó cây cầu Hàm Rồng đã bị đánh sập, chúng tôi vượt qua sông bằng chiếc cầu phao mà bộ đội Công binh bắc tạm bên cạnh vào ban đêm. Mặt cầu phao được lát bằng các tấm ván, mà tôi còn nhớ nhiều tấm bị hư hỏng làm mặt cầu hở ra các khe lớn, nếu không chú ý có thể bị lọt chân xuống đó. Chúng tôi được thúc giục vượt qua cầu càng nhanh càng tốt. Cả người nặng có 38 kg, đeo ba lô gần 40 kg, phải chạy thật nhanh trong trời tối qua cái cầu phao bập bềnh và khu vực hai đầu cầu thì lởm chởm hố bom, nghĩ lại thấy bộ đội giống như các diễn viên xiếc vậy. Khi đó cả khu vực rộng lớn ở hai đầu cầu là các cánh đồng chi chít hố bom, đất được đào sới lên hết đợt này đến đợt khác không còn một ngọn cỏ, chỉ có hai ngọn núi Rồng và núi Ngọc là còn thưa thớt cây xanh do có các lực lượng phòng không chốt giữ. Cây trên hai ngọn núi này cũng xơ xác vì mảnh bom và phủ bụi vì bom đạn.  Rất may mắn, vào đêm chúng tôi đi qua không có trận bom nào chút xuống khu vực này. Năm 1973 cầu được khôi phục lại, trụ giữa vẫn dùng lại làm móng cột ống, tháo dỡ dầm thép cũ, thay bằng 2 nhịp 80m đơn giản. Từ tháng 12/2000, sau khi cầu Hoàng Long khánh thành, cầu Hàm Rồng chỉ dành cho đường sắt.

Cầu Hàm Rồng là cầu đường bộ có đường sắt đi qua được khôi phục lại năm 1973 và cầu Hoàng Long là cầu bê tông được xây dựng năm 2000.

Cầu Hàm Rồng ngày nay trở thành một di tích lịch sử vô giá. Chiều chiều, nhiều người thường đứng trên cầu ngắm hoàng hôn dần buông, mỗi khi có đoàn tàu đi qua, sàn cầu rung lên thành nhịp, dường như có thể cảm nhận được từng chiếc đinh tán, từng con ốc đang gồng mình lên để không bị rời ra. Từng đoàn tàu đi qua che khuất ánh nắng chiều vàng, lúc ẩn lúc hiện theo nhịp đường ray. Từ khi có cầu Hoàng Long, hoạt động giao thông qua lại cầu Hàm Rồng rất ít, chủ yếu là phương tiện thô sơ. Đứng từ phía cầu Hàm Rồng, có thể nhìn thấy dòng sông Mã cuồn cuộn chảy hùng vĩ. Đầu Nam có núi Rồng, núi quanh co chạy dọc theo triền phía Nam sông Mã. Dãy núi uốn lượn liên tiếp như hình dạng con rồng chín khúc nhấp nhô kéo dài dọc theo triền sông mã, bao quanh những đồi thông ngút ngàn và những thung lũng thơ mộng, cuối cùng nổi vọt lên một ngọn núi cao, lớp đá chồng chất, trên núi có động Long Quang. Núi sát bờ sông, trên bờ có mỏm đá nhô ra như hình mũi rồng, gọi là Long tị. Gần mặt nước có hai lớp đá trồng lên nhau như hàm rồng, hàm dưới chìm dưới nước, đó là Long hàm. Toàn hình, nhìn từ phương bắc, giống như đầu rồng đang uống nước. Ở núi Đầu Rồng có động Long Quang có hai cửa hai bên, giống như hai mắt rồng, thường gọi là Long nhãn. Xưa kia Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông và nhiều văn sĩ khác đã có thơ lưu lại trong động Long Quang. Đối diện với núi Hàm Rồng, bên bờ bắc sông Mã là núi Ngọc hay còn gọi là núi Châu Phong. Nhìn từ xa, núi giống như con rồng đang vờn hạt ngọc nhưng bị dòng sông Mã chặn ngang.

Từ năm 2009, khu vực này đã được quy hoạch xây dựng thành khu di tích lịch sử văn hóa Hàm Rồng với tổng diện tích 568ha thuộc phường Hàm Rồng, thành phố Thanh Hóa, bao gồm các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử cách mạng và công trình văn hóa tâm linh như: cầu Hàm Rồng, núi Hàm Rồng, động Tiên Sơn, động Long Quang, núi Ngọc, núi Cánh Tiên, đền thờ Bà mẹ Việt Nam anh hùng và các anh hùng liệt sĩ tỉnh Thanh Hóa, làng cổ Đông Sơn. Khu vực hai bên đầu cầu Hàm Rồng trước kia bị san phẳng bởi bom, bây giờ  là các làng mạc trù phú với cánh đồng xanh ngát, không còn dấu vết của chiến tranh. Việc xây dựng nơi đây thành khu di tích lịch sử đúng là tối cần thiết, nếu không thì các thế hệ sau sẽ không còn biết gì về một thời ác liệt nhưng đầy tự hào của cha ông họ. 

Tới thành phố Thanh Hóa, chúng tôi rẽ vào thăm một phòng khám bệnh bên đại lộ Võ Nguyên Giáp do một học trò của tôi mới mở và tha thiết mời tôi có dịp vào thăm, đây là dịp tốt để rẽ vào. Phòng khám được xây dựng khá khang trang bên một đại lộ mới mở rộng và đẹp. Rời phòng khám chúng tôi tiếp tục lên đường qua huyện Tĩnh Gia Thanh Hóa tới thị xã Hoàng Mai, huyện Quỳnh Lưu Nghệ An. Rẽ vào bãi biển Hoàng Mai, thăm lại phòng khám Hồng - Tùng ở ngay trung tâm của bãi biển, nơi mà nửa năm trước tôi đã nhiều lần vào làm việc ở đây. Chúng tôi dự định hợp tác xây dựng ở đây một bệnh viện Phục hồi chức năng kết hợp điều dưỡng, điều kiện địa lý và khí hậu ở đây thật tuyệt vời cho một bệnh viện như vậy, nhưng còn khá nhiều việc phải làm và phải vượt qua nhiều trở ngại nữa. Gặp lại cô Hồng giám đốc phòng khám, trời đã gần tối, chúng tôi cùng ngồi uống trà trên bãi biển vào lúc chiều muộn. Gió biển se lạnh, tôi phải ra xe lấy thêm chiếc áo khoác. Bãi biển đang được xây dựng bờ kè khá khang trang tới sát đền Cờn ngoài ở đầu núi Thằn Lằn nhô ra biển. Ở đây có hai ngôi đền rất thiêng gọi là đền Cờn trong và đền Cờn ngoài. Đền Cờn trong thờ Hoàng hậu và hai công chúa nhà Nam Tống Trung Quốc, đền Cờn ngoài thờ vua Nam Tống. Chúng tôi đã có dịp viết bài “Sự tích đền Cờn” đăng trên trang web này (http://hahoangkiem.com/van-hoa-xa-hoi/su-tich-den-con-1490.html ).

Chỉ có ý định định rẽ qua đây năm mười phút rồi đi kẻo tối, nhưng chúng tôi phải nán lại thêm vì cô Hồng nói, anh Tùng nhờ thầy khám cho một bệnh nhân là thầy giáo cũ của anh Tùng tên là Phương. Chú Tùng, chồng cô Hồng là một bác sĩ giỏi, đa tài hiện đang là phó giảm đốc bệnh viện Phong – Da liễu Trung ương, ở Quỳnh Lập. Người bệnh là một thầy giáo cấp III đã nghỉ hưu bị mất khả năng vận động cổ tay và cầm nắm các ngón tay của bàn tay bên phải, do bị gãy xương thuyền ở cổ tay và được phẫu thuật xuyên đinh cố định, sau đó bị nhiễm khuẩn, hiện tại vết thương đã lành nhưng khớp cổ tay bị cứng và mất vận động các ngón tay. Ông đã đi khám và chữa ở nhiều bệnh viện nhưng chưa có cách điều trị hiệu quả. Sau khi kiểm tra kỹ chức năng thần kinh, các cơ và khớp, biện pháp duy nhất có thể trả lại chức năng bàn tay cho ông là thực hiện các kỹ thuật phục hồi chức năng. Tôi hướng dẫn cho ông các bài tập phục hồi chức năng bàn và cổ tay. Hai tháng sau ông điện thoại cho tôi rất vui mừng là các ngón tay đã vận động được gần như bình thường, đã đi được xe máy và làm các công việc hàng ngày được, vận động cổ tay tiến bộ chậm đúng như tôi dự kiến. Làm nghề y cũng thú vị thật, nếu anh giỏi chuyên môn, nổi tiếng trong nghề nghiệp, được nhiều người biết đến thì có trốn đi chơi vẫn bị vướng vào công việc. Nhưng đi tới đâu cũng có những người quý mến vì đã giúp họ vượt qua được cơn bạo bệnh và đó là niềm vui và hạnh phúc của nghề nghiệp.

Nếu còn thời gian, chúng tôi dự định vào thăm anh chị Đức - Kim ở trong làng cách đây 2km. Anh chị đã hơn 70 tuổi, nhà nghèo, các con đều vào miền nam làm ăn, anh chị ở cùng cô con dâu và cháu nhỏ. Cách đây 4 năm (2016) chị bị viêm khớp nhiễm khuẩn gối bên phải rất nặng, tôi đã giúp đưa chị ra BV 103 điều trị, anh đi theo chăm sóc. Nhà nghèo, mùa đông lạnh anh chỉ có mấy bộ quần áo mỏng. Tới thăm thấy ban đêm anh nằm ngoài hành lang gió lùa buốt da buốt thịt thật tội nghiệp. Tôi đã đem cho anh hai bộ quần áo dạ mùa đông còn mới và thanh toán toàn bộ chi phí nằm viện cho chị khi ra viện. Anh chị rất cảm động và coi tôi như người em, thường xuyên điện thoại hỏi thăm và hè vừa rồi lặn lội ra tận nhà tôi ở Hà Đông chơi đem theo một yến lạc củ anh chị mới thu hoạch, một cân mực khô và cả thịt bò sấy làm quà. Thế đấy đi đến đâu chúng tôi cũng có những người anh em thân thiết như vậy. Khoảng 10 năm trước khi cùng cả nhà ra đảo Quan Lạn, Quảng Ninh để nghỉ hè, chúng tôi gặp một gia đình trẻ có hai cậu con trai, cậu con đầu 13 tuổi đã bị Hội chứng thận hư 9 năm. Bố mẹ cháu đưa cháu đi chữa khắp nơi tới cả các bệnh viện Trung ương như bệnh viện BM, nhưng bệnh vẫn không khỏi. Cháu vẫn phù toàn thân, da xanh bủng và sức khỏe yếu. Gia đình đã bán đi mọi thứ để chạy chữa cho cháu trong suốt 9 năm trời, chỉ còn căn nhà vách đất, mái lá ở một xã đảo không có điện, không có trường học hay bệnh viện. Chúng tôi, tôi nói chúng tôi là vì vợ tôi là người rất nhân hậu, cô ấy luôn giúp đỡ những người đang gặp khó khăn bằng tất cả nỗ lực của mình, chúng tôi đã đưa cháu về và trực tiếp chữa cho cháu vì tôi là tiến sĩ và phó giáo sư chuyên ngành nội thận mà. Tôi là người có nhiều kinh nghiệm trong điều trị Hội chứng thận hư. Sau 1 năm cháu đã hoàn toàn khỏi bệnh. Đến nay cháu đã 25 tuổi, học xong trung học y tế, đã đi lao động sang Nhật Bản được 2 năm, sức khỏe bình thường. Bố cháu một lần gặp tai nạn lao động, bị chấn thương sọ não tôi cũng đưa vào bệnh viện điều trị, hiện nay đã hoàn toàn khỏe mạnh. Có thể nói gia đình tôi đã trở thành người thân và là người anh người chị của cô chú, có việc gì cô  chú cũng hỏi ý kiến. Cũng tương tự như vậy ở Đà Nẵng, ở Phan Thiết chúng tôi cũng có những người thân như vậy.

Trời đã khá muộn, chào cô Hồng và thầy giáo Phương, chúng tôi rời bãi biển Hoàng Mai đi thẳng tới bãi biển Thiên Cầm, một nơi nghỉ dưỡng nổi tiếng của tỉnh Hà Tĩnh. Thiên Cầm là một bãi biển thuộc huyện Cẩm Xuyên Hà Tĩnh, cách thành phố Hà Tĩnh 20km về phía Đông Nam. Cái tên Thiên cầm có nhiều truyền thuyết. Truyền thuyết thứ nhất: Người ta nói rằng khi vua Hùng thứ 13 qua đây nghe gió, sóng biển và tiếng lá thông reo cùng dội vào vách núi tạo nên một bản nhạc du dương, ngỡ như tiên gẩy đàn. Nhà Vua lệnh cho quần thần leo lên núi thấy cảnh trí giống như chiếc đàn tỳ bà, liền hạ bút phê ba chữ Thiên Cầm Sơn. "Thiên cầm" có nghĩa là "đàn trời". Truyền thuyết thứ hai lại nói là: Hồ Quý Ly khi bị quân Minh đuổi đến đây thì bị bắt nên gọi là Thiên Cầm (trời giữ). Ngẫm lại: Nếu đúng thế thì phải đổi lại là "tặc túng". Các ông nhà nho sai be bét cả rồi, hùng khí đi đâu mất cả thế nhỉ?. Thế nhưng hiện tại trên núi Thiên cầm có một đền thờ được gọi là đền Cầm Sơn thờ cha con Hồ Quí Ly.

Sát bờ biển là núi Thiên Cầm hùng vỹ, trên núi có bàn cờ tiên, có dấu chân trái của người khổng lồ in trên phiến đá qua hàng triệu năm giờ vẫn còn rõ. Ngoài biển có đảo nhỏ Hòn Én, Hòn Bớ gần bờ rất đẹp. Chùa Yên Lạc xây dựng từ thế kỷ 13 gần bãi tắm, trong chùa có bộ tranh "Thập Điện Diêm Vương" nổi tiếng (sống trên đời và sự trừng phạt dưới âm phủ). Trên núi Thiên Cầm có một ngôi đền được xây dựng từ trước thế kỷ thứ 13, được gọi là đền thờ cha con Hồ Quý Ly, nay còn thờ cả Phật và được gọi là chùa Cầm Sơn. Núi cao 108m so với mực nước biển, đứng trên đỉnh núi có thể nhìn rõ toàn bộ bãi biển và các hòn đảo ở gần đó. Cách bãi biển hơn 10km có đập Hồ Kẻ Gỗ, nơi có phong cảnh sơn thủy hữu tình, nước trong xanh, có sóng giống như biển hồ. Bài hát “Người đi xây hồ kẻ gỗ” của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý đã làm hồ này trở nên quen thuộc với mọi người. Cách khu du lịch Thiên Cầm 1km về phía tây là khu du lịch sinh thái Đồng Nôi, một khu du lịch sinh thái mới khai trương giữa năm 2016 với nhiều trò chơi, cảnh vật và điểm nhấn là vườn hoa hướng dương và hoa cải rất đẹp. Đây là một điểm dừng chân rất đáng chờ đợi trong chuyến du lịch đến Thiên Cầm. Khu lưu niệm và mộ phần của cố tổng bí thư Hà Huy Tập cách Thiên Cầm 15 km.

Bãi biển Thiên Cầm, thuộc huyện Cẩm Xuyên Hà Tĩnh. Phía xa là núi Thiên Cầm. Khối nhà cao tầng màu xanh đầu tiên bên trái là khách sạn Công Đoàn.

Bãi biển Thiên Cầm như hình cánh cung hay giống cây đàn cầm, có tới 3 bãi tắm, bãi chính dài 3km đẹp, bãi khác dài khoảng 10km, bãi cát trắng thoai thoải phẳng ít lồi lõm, nước biển xanh, trong vắt màu ngọc bích, có thể nhìn xuống tận đáy, bờ biển thoai thoải, có thể tắm ở xa bờ hơn 100m, nước biển có độ mặn rất cao.

Chúng tôi tới đây trời đã tối, các quán dọc theo ven biển đã phủ bạt, chỉ còn một vài quán hải sản vẫn sáng đèn. Không có khách du lịch nào được nhìn thấy trên bãi biển, vài cô gái chạy ra mời chào vào quán ăn tối. Chúng tôi lượn một vòng dọc theo bãi biển rồi vào khách sạn Du lịch Công Đoàn nằm ở vị trị đẹp nhất bãi để nghỉ đêm. Mấy cô nhân viên khách sạn đang bận rộn gói bánh chưng, họ nói rằng năm nào trước tết 1 tháng họ cũng gói bánh chưng để bán cho khách. Cả khách sạn với nhiều dãy nhà cao tầng đã xây từ cũ và khu vườn rộng chạy dọc theo ven biển mà chỉ có chúng tôi là cặp khách duy nhất. Chúng tôi đỗ xe trên sảnh để lấy đồ, hỏi cô receptionist để xe ở đâu thì cô nói anh cứ để xe ở đó vì không có khách nào khác ngoài anh chị. Quả thật đúng như lý do thứ ba mà chúng tôi đã dự tính ở trên. Ngủ thôi để sáng mai đi tiếp.

   

Bình minh và hoàng hôn trên bãi biển Thiên Cầm.

Mời các bạn xem tiếp Episode 2:

https://hahoangkiem.com/van-hoc/ky-su-phuot-xuyen-viet-episode-2-thien-cam-ha-tinh-hoi-an-da-nang-3856.html                     

 

 


CHIA SẺ BÀI VIẾT

Bài cùng chủ đề

Bài về chủ bút

    Tinh hoa nhân loại

      Khoa học

        Văn học

          SÁCH CỦA TÔI