Ký sự phượt xuyên Việt - Episode 3 (Hội An – Sơn Trà – Hội An Đà Nẵng)

Cập nhật: 03/04/2020 Lượt xem: 6303

Ký sự phượt xuyên Việt               

Episode 3 - Ngày thứ ba (Hội An – Sơn Trà – Hội An Đà Nẵng)

Thành phố cổ Hội An

- Dậy thôi, muộn rồi anh ơi.

- Mấy giờ rồi em?

- 8 giờ sáng rồi, dậy đi ăn sáng rồi còn đi đến nhà chú Long kẻo muộn.

Ngày hôm qua chúng tôi đã vượt qua 436km với 10giờ 30 phút trên đường, Buổi tối lại tản bộ trong phố cổ Hội An tới gần 11 giờ mới về nên ngủ say quá. Sau khi ăn sáng chúng tôi lái xe tới bãi biển Cửa Đại, nơi con sông Thu Bồn đổ ra Biển Đông, cách trung tâm thành phố Hội An khoảng 5km. Hơn 10 năm về trước chúng tôi đã nghỉ ở bãi biển Cửa Đại 3 ngày, đây là một bãi biển đẹp với dải cát trắng mịn thoai thoải, ngăn cách với con đường ven biển bởi rừng dừa xanh ngát, nước biển trong xanh. Nhiều nhà nghỉ và resort được xây dựng dọc bãi biển rất đẹp.

  

Bãi biển Cửa Đại những năm trước.

Cách đây 1 năm chúng tôi được nghe qua các phương tiện truyền thông rằng bãi biển Cửa Đại bị xâm thực, sóng biển cuốn đi toàn bộ cát của bãi biển và bờ biển bị sạt lở nghiêm trọng, nhiều hàng quán và risort bị sạt lở xuống biển. Quả đúng như vậy, trước mắt chúng tôi không còn bãi biển, sóng biển đang vỗ sát mép bờ sạt lở, các chủ nhà hàng chất các bao cát lớn cố gắng chặn bớt các cơn sóng đào bới và cuốn tiếp chỗ cát còn lại ra biển.  Hơn 10 năm qua, trên 7km bờ biển Hội An bị nước biển gây sạt lở. Nước biển lấn sâu vào đất liền với khoảng cách lớn nhất lên đến 190m. Trong đó, đoạn bờ biển sạt lở nặng nhất kéo dài 4,5 km ở khu vực phía Bắc Cửa Đại, thuộc phường Cửa Đại, thành phố Hội An. Cả một dãy đường phố với các resort tuyệt đẹp giống như bị bỏ hoang, không còn một bóng du khách chỉ còn vài nhân viên bảo vệ và công nhân vệ sinh đang làm việc để cố duy trì sự tồn tại của nó. Chúng tôi rời bãi biển Cửa Đại mà không khỏi đau xót và luyến tiếc cho bãi biển đã có một thời oanh liệt.

 

Bãi biển cửa đại bị sạt lở, toàn bộ cát bị các con sóng cuốn trôi ra biển, các bờ kè và nhà hàng đổ sập.

Quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng, nằm cách trung tâm thành phố Đà Nẵng khoảng 8 km về phía Đông Nam, ngay trên tuyến đường Đà Nẵng - Hội An, là điểm nối của bán đảo Sơn Trà vào đất liền, nó được giới hạn phía Đông là biển Đông, phía Tây là sông Vĩnh Điện (là một nhánh sông hợp với sông Cổ Cò để đổ về sông Hàn). Ngũ Hành Sơn còn gọi là núi non nước là tên chỉ 5 ngọn núi đá vôi nhô lên trên một bãi cát ven biển, trên một diện tích khoảng 2km2. Ngũ Hành Sơn gồm các ngọn núi: Kim Sơn, Mộc Sơn, Thủy Sơn (lớn, cao và đẹp nhất), Hỏa Sơn (có hai ngọn là Dương Hỏa Sơn và Âm Hỏa Sơn) và Thổ Sơn, nay thuộc phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng. Ngũ Hành Sơn được công nhận Di tích Lịch sử Văn hóa cấp Quốc gia 1990.

Địa điểm Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng (ảnh google map)

Về lịch sử, cụm núi này trước đây là các hòn đảo ở gần bờ biển, do tác dụng của thủy triều, phù sa bồi đắp mà nối liền với lục địa. Dần dà, vì bị nước mưa và khí hậu tác động xói mòn tạo ra những hang động và hình thù kỳ thú. Đặc biệt, đá cẩm thạch tại đây có màu ngũ sắc, phân chia theo từng núi: đá ở Thủy Sơn thường có màu hồng, ở Mộc Sơn thường có màu trắng, ở Hỏa Sơn thường có màu đỏ, ở Kim Sơn thường có màu thủy mặc và ở Thổ Sơn thường có màu nâu. Quanh Ngũ Hành Sơn, về phía đông có biển Đông với bãi cát mịn trắng chạy dọc ven biển; ở phía tây và nam là sông Cổ Cò là một nhánh tách ra từ sông Thu Bồn chảy qua hòa vào nhánh sông Cẩm Lệ. Ở thế kỷ 17 - 18, nhánh sông này là đường thủy thông thương huyết mạch giữa Đà Nẵng với Hội An, về sau bị bồi lấp.

Theo truyền thuyết của người Chăm về nguồn gốc của Ngũ hành sơn thì thuở xa xưa, có một lão ngư ở phương Bắc bị đắm thuyền trôi dạt đến, có sách ghi là một ẩn sĩ, sống giữa bãi cát mênh mông bên bờ biển. Một hôm, lão ngư thấy một con giao long rất lớn (có sách chép là nữ thần Naga) đến đây đẻ trứng. Bỗng từ đâu một con rùa vàng hiện lên, tự xưng là thần Kim Quy, đào cát vùi quả trứng xuống, rồi giao cho ông lão một cái móng chân của mình và dạy cách trông coi trứng rồng. Nhờ có móng rùa thần mà ngư ông đã ngăn chặn được diều hâu và các loài thú dữ đến xâm phạm nơi ấp trứng. Sau đó, quả trứng ngày một lớn dần. Cho đến một hôm, trứng nở ra một thiếu nữ xinh đẹp (có sách ghi là nàng tiên), và vỏ trứng tách thành năm mảnh, trở thành năm ngọn: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Vua Chăm nghe được câu chuyện ấy liền cưới thiếu nữ làm vợ, còn Thần Kim Quy thì chở ông lão lên trời.

Các ngọn (từ trái qua): Mộc Sơn - Âm Hỏa Sơn - Dương Hỏa Sơn - Kim Sơn, trong cụm núi Ngũ Hành Sơn Đà Nẵng.

Dưới chân ngọn Thủy Sơn là các cơ sở điêu khắc đá mỹ nghệ phát triển từ các làng nghề có tuổi đời trên 400 năm, tổ nghề là ông Huỳnh Bá Quát, tiên tổ của Đô ngự sử Huỳnh Bá Chánh. Từ các loại đá cẩm thạch có ở Ngũ Hành Sơn, người thợ đã chế tác ra các tác phẩm tinh xảo. Ngồi nói chuyện với những thợ làng nghề chúng tôi được biết, thời gian gần đây, để bảo vệ di tích và cảnh quan khu danh thắng, chính quyền thành phố Đà Nẵng đã ra lệnh cấm khai thác đá trên núi. Các nghệ nhân đã sử dụng đá trắng từ Nghệ An, đá vân gỗ, đá hường, đá đỏ hoa, đá firo ở Hà Tây, đá cẩm đen ở Ninh Bình, đá sa thạch ở Quảng Nam.

Có nhiều bài thơ vịnh về thắng cảnh Ngũ Hành Sơn. Bài thơ chữ nôm của nữ sĩ Bảng Nhãn được nhiều người dân cao tuổi ở Ngũ Hành Sơn truyền tụng: “Cảnh trí nào hơn cảnh trí này / Bồng Lai âu hẳn cũng là đây / Núi chen sắc đá màu phơi gấm / Chùa nức hơi hương khói lẫn mây / Ngư phủ gác cần ngơi mặt nước / Tiều phu chống búa tựa lưng cây / Nhìn xem phong cảnh ưa lòng khách / Khen bấy thợ trời khéo đắp xây”. Rời khỏi làng nghề ở chân núi Thủy Sơn, chúng tôi vào khu trưng bày đá mỹ nghệ của Làng đá Mỹ nghệ Non Nước Đà Nẵng là khu trưng bày Thành Đạt, khu trưng bày Việt Hùng. Ở đây trưng bày đủ loại tượng và các tác phẩm mỹ nghệ đá, khiến chúng tôi tha thẩn ngắm nhìn mà không muốn rời, nhưng rồi cũng phải đi thôi.

Chú Long ra tận đầu ngõ đón chúng tôi, các cháu nhà chúng tôi thường gọi chú là Long Vọoc vì chú là tiến sĩ bảo tồn động vật mà, chủ yếu là giống vọoc má trắng. Chú bảo vệ luận án tiến sĩ ở Anh và đang làm giám đốc công ty Green Việt, là một công ty phi chính phủ với chức năng chính là bảo tồn động vật hoang dã. Chú đã dành nhiều tâm huyết để bảo vệ màu xanh của rừng sơn trà và loại vọoc bạc má ở đây. Tạm biệt bố mẹ và vợ con chú Long, chúng tôi đi theo đại lộ Võ Nguyên Giáp ngược về phía Bắc, dọc bờ biển Mỹ Khê để đến núi Sơn Trà. Bán đảo Sơn Trà được ngăn cách với thành phố Đà Nẵng bởi con sông Hàn. Nhiều cây cầu nổi tiếng đã được xây dựng gần đây nối hai bờ sông hàn như cầu Sông Hàn (cầu quay), cầu rồng, cầu Trần Thị Lý, cầu Nguyễn Văn Trỗi, và cây cầu dài nhất là cầu Thuận Phước bắc qua cửa vịnh Đà Nẵng.

Cầu Thuận Phước - cầu treo đẹp nhất Đà Nẵng và kỷ lục của Việt Nam được bắc qua cửa sông Hàn nơi đổ ra vịnh Đà Nẵng để sang bán đảo Sơn Trà.

Bán đảo Sơn Trà nằm cách trung tâm thành phố Ðà Nẵng chừng 10 km về hướng Ðông Bắc. Sơn Trà có diện tích 60 kilômét vuông, chiều dài 13 kilômét, chiều rộng 5 kilômét, nơi hẹp nhất 2 kilômét. Bán đảo Sơn Trà cùng với núi Bạch Mã có mỏm Hải Vân bao bọc thành phố Đà Nẵng và vịnh Đà Nẵng.

Thời xa xưa, Sơn Trà là một hòn đảo gồm 3 ngọn núi nhô cao. Ngọn phía đông nam trông như hình con nghê chồm ra biển, nên gọi là hòn Nghê. Ngọn phía tây hình dạng như cái mỏ con diều hâu, nên gọi là ngọn Mỏ Diều. Và ngọn phía bắc vươn về phía ngọn Ngự Hải bên kia cửa biển dài như cổ ngựa, nên gọi là ngọn Cổ Ngựa. Qua thời gian dài, dòng nước biển chảy ven bờ đã tải phù sa đến bồi đắp dần lên tạo thành doi đất nối đảo với đất liền. Phía Tây của doi đất này là dòng sông Hàn, chỗ doi đất nối vào đất liền hiện nay là quận Ngũ Hành Sơn. Bán đảo Sơn Trà hình thành từ đó. Ngày nay ngay tại những ngọn núi này hình thành những khu du lịch nổi tiếng như Bãi Rạng, Bãi Đa, Bãi Bụt, hay khu nghỉ dưỡng Đông Dương. Ở đây có ngôi chùa Linh Ứng với tượng Bà Quan Âm cao 67m, có cây đa di sản tới 800 năm tuổi, có giống vọoc má trắng… Cùng với hệ thống núi của Hải Vân sơn ở phía bắc, bán đảo Sơn Trà ở phía nam vây lại thành hình cánh cung tạo nên một vịnh biển mà sông Hàn đổ nước vào vịnh này, vịnh được gọi tên là vịnh Tiên Sa, hay còn gọi bằng nhiều tên khác khá quen thuộc như vịnh Sơn Trà, vịnh Thùng, vịnh Hàn, vịnh Ðà Nẵng.

Bán đảo Sơn Trà và vịnh Đà Nẵng (vịnh Tiên Sa, vịnh Sơn Trà, vịnh Thùng, vịnh Hàn).

Vì vị trí như vậy nên Sơn Trà như một tấm bình phong che chắn mọi cơn bão hay áp thấp nhiệt đới đổ bộ vào thành phố. Núi Sơn Trà cao đến gần 700m, xưa nay được xem như đài khí tượng thiên nhiên của nhân dân quanh vùng. Núi Sơn Trà ngày nay vẫn còn hoang sơ, phần doi đất đã được quy hoạch và xây dựng hiện đại, nơi đây có hàng loạt bãi tắm đẹp như bãi Mỹ Khê, bãi tắm Phạm Văn Đồng, bãi T20 hay của những khu nghỉ ngơi như Furama, Sunny Beach, Olalani, hay Silver Shore Hoàng Đạt, trải dài hàng chục kilômét. Sau khi có con đường ven biển đi vòng quanh bán đảo, nơi đây đang phát triển các khu nghỉ mát và casino cao cấp. Núi Sơn Trà có suối Tiên và suối Đá đẹp và hoang sơ. Chúng tôi đi theo con đường bao quanh núi tới cây đa Di Sản,  lên đỉnh thăm núi bàn cờ và ngắm vịnh Vân Phong từ trên núi, khi quay trở lại chúng tôi vào suối Tiên và suối Đá, cả hai suối này còn rất hoang sơ, mới chỉ có vài lều sạp bằng tre và gỗ dựng lên để du khách ngồi và thưởng ngoạn, thật khó mô tả hết vẻ đẹp và nét hoang sơ ở đây.

Cây đa 800 năm tuổi là cây di sản của thành phố Đà Nẵng, nằm trên núi hòn Nghê ở cuối con đường bao quanh núi.

Tại tiểu khu 63 thuộc khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà có rất nhiều cây đa tạo thành quần thể đa, trong quần thể này có 1 cây đa rất đẹp với nhiều rễ phụ rủ xuống đâm sâu vào lòng đất tạo nên nét đẹp hiếm cây nào có được. Nhiều người còn gọi cây đa đại thụ là cây đa Bách niên đại thụ hay cây đa ngàn năm. Theo Ban Quản lý Bán đảo Sơn Trà, cây đa này có chu vi thân 10m, 26 rễ phụ, mỗi rễ cao khoảng 25m.

  

Đỉnh Bàn Cờ, đứng trên đỉnh bàn cờ có thể ngắm nhìn toàn bộ bãi biển Mỹ Khê và quận Sơn Trà.

Đứng trên đỉnh Bàn Cờ, điểm cao gần 700m này, có thể ngắm nhìn toàn bộ Đà Nẵng. Phía dưới là một thành phố sầm uất nhộn nhịp, những tòa nhà và sáu cây cầu nổi tiếng bắc qua sông Hàn. Người ta bảo lên đỉnh Bàn Cờ đẹp nhất có lẽ là buổi sáng tinh mơ, khi thành phố vẫn còn im lìm chưa thức giấc, thiên nhiên ở bán đảo cũng vừa cựa mình, ánh mặt trời le lói phía bên kia ngọn núi.

Từ đỉnh Bàn cờ chúng tôi xuống cảng Tiên Sa còn gọi là cảng Đà Nẵng nằm trong vịnh Tiên Sa, đây là một trong những cảng quan trọng nhất khu vực Trung Bộ Việt Nam. Cảng Tiên Sa bao gồm hai khu cảng chính là Xí nghiêp Cảng Tiên sa và Cảng Sơn Trà, sở hữu 1.400m cầu bến cùng các thiết bị xếp dỡ và các kho bãi hiện đại, có năng lực khai thác lên đến 6 triệu tấn hàng mỗi năm. Cảng Tiên Sa có khu bến container với hệ thống kho bãi, đê chắn sóng, thiết bị chuyên dụng hiện đại, phục vụ giao thương hàng hóa và phát triển kinh tế, du lịch. Ở cảng này, du thuyền Aviva của tỷ phú người Anh, Joe Lewis, đã cập cảng trưa 13/5/2019, bắt đầu chuyến thăm thành phố Đà Nẵng. siêu du thuyền Aviva với chiều dài 98 m khiến việc neo đậu tại cảng Tiên Sa mất khá nhiều thời gian. Sau khi được tàu hoa tiêu dẫn vào vị trí, việc neo đậu thuyền mất gần 30 phút, rất nhiều thuỷ thủ đã có mặt ở boong tàu để cùng lực lượng cảng Tiên Sa neo tàu vào đúng vị trí. Ông Joe Lewis 82 tuổi là tỷ phú giàu thứ 6 tại Anh với khối tài sản ước tính 5 tỷ USD. Ông cũng được biết là một trong những cổ đông lớn của câu lạc bộ bóng đá Tottenham Hotspur. Du thuyền Aviva là sản phẩm của hãng Abeking & Rasmussen (Đức), xuất xưởng năm 2017. Aviva nặng khoảng 4.200 tấn, dài hơn 98 m và xếp thứ 57 trong danh sách những chiếc du thuyền lớn nhất thế giới với tốc độ tối đa là 20 hải lý/giờ.

  

Cảng Tiên Sa (cảng Đà Nẵng) và du thuyền Aviva của tỉ phú người Anh Joe Lewis neo ở cảng Tiên Sa ngày 13 tháng 5 năm 2019.

Rời bán đảo Sơn trà đã là chiều muộn, vài tia nắng yếu ớt không đủ xua đi hơi lạnh bắt đầu tràn về. Chúng tôi lượn qua một số con phố của Đà Nẵng, ngắm những chiếc cầu có hình dáng khác nhau nối hai bờ sông Hàn:

- Cầu Thuận Phước nằm ở vị trí đặc biệt, nơi con sông Hàn đổ ra biển tại cửa vịnh Tiên Sa, nối liền hai tuyến đường ven biển Nguyễn Tất Thành và Hoàng Sa – Trường Sa, tạo thành hệ thống tuyến giao thông liên hoàn ven biển từ hầm Hải Vân đến bán đảo Sơn Trà, qua cầu Mân Quang và nối liền với tuyến du lịch Sơn Trà – Hội An. Cầu Thuận Phước chính thức được thông xe 7/2009, với tổng chiều dài 1.856m, trong đó phần cầu treo dây võng dài 655m và phần cầu dẫn phía hai đầu Thuận Phước và Sơn Trà mỗi bên dài 600m. Cầu rộng 18m với 4 làn xe (ô tô và xe máy), 2 lối đi bộ và 2 lối đi dành cho xe đạp và xe thô sơ.

Cầu Thuận Phước và cầu Mân Quang (ảnh chụp từ máy bay).

- Cầu Sông Hàn còn gọi là cầu quay có một trụ tròn ở giữa sông, nối liền hai trục đường chính của thành phố là đường Lê Duẩn ở bờ Tây và đường Phạm Văn Đồng ở bờ Đông. Cầu có chiều dài 487,7 mét, rộng 12,9 mét, gồm 11 nhịp, mỗi nhịp dài 33 mét, kết cấu bê tông cốt thép dự ứng lực và 2 nhịp dây văng có tổng chiều dài 122,7 mét, kết cấu dầm và tháp cầu chính bằng thép, bản mặt cầu bằng bê tông cốt thép. Cầu được khởi công tháng 9 năm 1998, khánh thành tháng 3 năm 2000. Đây là cây cầu quay đầu tiên do kỹ sư, công nhân Việt Nam tự thiết kế và thi công, và là cây cầu quay duy nhất ở Việt Nam hiện nay. Trước đây nhịp quay có chức năng phục vụ giao thông đường thủy, để các tàu thuyền lớn có thể qua lại dọc theo sông Hàn qua cầu trong khoảng từ 1giờ – 4giờ sáng hàng ngày, sau này để phục vụ người dân và du khách muốn thưởng ngoạn cầu quay, cầu sông hàn quay từ 0giờ – 1giờ vào hai ngày cuối tuần.

Cầu sông Hàn còn gọi là cầu Quay

- Cầu Trần Thị Lý vốn là cây cầu đường sắt, thời Pháp thuộc cầu được gọi là De Lattre de Tassigny (viết đầy đủ là Jean Joseph Marie Gabriel de Lattre de Tassigny (1889 – 1952), thống chế quân đội Pháp, từng tham gia chiến tranh tại Việt Nam và mất vì bệnh khi cuộc chiến chưa kết thúc), sau đó đổi tên thành cầu Trịnh Minh Thế (một tướng lĩnh của quân đội Việt Nam cộng hòa) nằm cách cầu Nguyễn Văn Trỗi khoảng 20m về phía thượng lưu, và cách cầu Rồng khoảng 1 km. Sau năm 1993, cầu được đặt tên là cầu Trần Thị Lý (đường mới được khai thông từ năm 1993, khi phá dỡ đường cầu xe lửa. Và chính thức đặt tên đường Trần Thị Lý), và được nâng cấp thành cầu đường bộ, cùng với cầu Nguyễn Văn Trỗi làm nhiệm vụ thông thương, nối liền hai bờ sông Hàn. Cầu Trần Thị Lý, với hình tượng cánh buồm căng gió ra khơi, cho thấy vẻ thanh thoát, sự mềm mại đầy nữ tính. Đây được cho là cây cầu có kiến trúc độc đáo vào loại nhất nhì Việt Nam với trụ dây văng nghiêng tạo dáng cầu đẹp và lạ mắt, tuy không đạt “kỷ lục” về quy mô như cầu Rồng, nhưng có kiến trúc và kết cấu với độ cao lớn để làm điểm nhấn cảnh quan. Với trụ tháp đơn nghiêng cao 145 mét và dây văng đa mặt phẳng, phần dây phía Tây bố trí xoắn không gian như cánh buồm căng gió từ sông Hàn tiến ra Biển Đông, cho thấy sự độc đáo, hiện đại, biểu tượng cho khát vọng vươn lên của thành phố Đà Nẵng.

Cầu Trần Thị Lý

- Cầu Rồng được khởi công xây dựng 7/2009, sau gần 4 năm thi công cầu Rồng được khánh thành đưa vào sử dụng 3/2013. Cầu Rồng có chiều dài 666,5 mét, nặng gần 9.000 tấn, 6 làn xe, 5 nhịp, hai làn đường dành cho người đi bộ với tổng vốn đầu tư 1.739 tỷ đồng. Cầu Rồng bắc qua Sông Hàn tại vị trí rất đắc địa, nối sân bay Đà Nẵng với bãi biển tuyệt đẹp. Cầu Rồng có kiến trúc độc đáo mô phỏng hình con rồng thời Lý vươn ra biển, trở thành biểu tượng kiến trúc của thành phố. Nét đặc trưng của cầu là mô hình hệ thống kết cấu dầm thép dưới dạng một con rồng bay qua sông Hàn, hướng ra biển. Đây là một thiết kế độc đáo chưa từng có trên thế giới, về kết cấu chịu lực là sự kết hợp giữa dầm thép, vòm thép và dầm bê tông. Điểm nổi bật nữa của cầu Rồng là Rồng phun lửa, phun nước vào mỗi tối thứ 7, chủ nhật lúc 21h00. Một cảnh tượng rất đẹp ai đã từng đến Đà Nẵng thì không nên bỏ qua.

Cầu Rồng đang phun lửa

Buổi tối chúng tôi đi dạo bên bờ sông Hàn gần cầu Rồng, ngắm nhìn những du thuyền trang trí đèn màu rực rỡ đưa du khách du ngoại trên trông Hàn hướng tới cầu rồng khi nó phun lửa và phun nước vào lúc 9 giờ tối. Phải nói Đà Nẵng rất chịu chi cho vẻ đẹp về đêm, có thể nói đây là thành phố ánh sáng của Việt Nam. Tháng giáp tết nên đèn hoa trang trí càng rực rỡ hơn, không chỉ ở trên phố, trong các nhà hàng mà cả trên mặt sông cũng lấp lánh những bông hoa, những cảnh trí đổi màu lấp lánh.

Chúng tôi trở về khách sạn ở Hội An khá muộn. Đi ngủ thôi để mai lên đường tiếp tục chuyến du ngoạn về hướng nam.

Mời các bạn xem tiếp Episode 4:

https://hahoangkiem.com/van-hoc/ky-su-phuot-xuyen-viet-episode-4-hoi-an-da-nang-doc-let-van-phong-khanh-hoa-3854.html


CHIA SẺ BÀI VIẾT

Bài cùng chủ đề

Bài về chủ bút

    Tinh hoa nhân loại

      Khoa học

        Văn học

          SÁCH CỦA TÔI