Khám phá vùng lõi khu du lịch Ninh Bình

Cập nhật: 06/01/2019 Lượt xem: 3595

Khám phá vùng lõi khu du lịch Ninh Bình       

Ký sự ảnh của Hà Hoàng Kiệm

Quần thể địa chất Ninh Bình được tạo bởi các ngọn núi đá mọc lên từ các đầm nước làm cho ta liên tưởng đến một Vịnh Hạ Long trên cạn. Trong quần thể núi đá đó đã tạo ra rất nhiều hang động mà người xưa đã tạo dựng trong đó các chùa thờ phật. Trong các ngôi chùa đó phải kể đến chùa Bích Động, chùa Bái Đínhchùa Địch Lộng, chùa Cánh Diều, chùa Kỳ Lân, chùa Hoa Sơn, chùa Hang,... Động Xanh (Bích Động). Các ngôi chùa trong hang động là đặc điểm nên khám phá ở vùng lõi của khu du lịch Ninh Bình. Một ngày cuối tuần đầu thu 2018 chúng tôi nảy ra ý định đi khám phá vùng lõi khu du lịch Ninh Bình, Let go everyone.

Theo Nguyễn Thơm, báo Ninh Bình (4.7.2012) thì trong quá trình thám sát khu vực vùng lõi của Quần thể danh thắng Tràng An, Viện khảo cổ học đã xác định được 4 di tích chùa thờ Phật trong hang động. Đây là một trong những nét đặc trưng tiêu biểu khẳng định địa tầng các di tích tiền sử Tràng An đã thể hiện các giá trị văn hoá tiền sử ở đây phát triển bền vững, được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác và trở thành truyền thống.

Tiêu biểu cho các di tích chùa hang ở đây là: Bích Động, Thiên Tôn, Hoa Sơn và Bái Đính (cũ). Đây là những ngôi chùa thở Phật của người Việt được xây dựng từ thế kỷ X và được trùng tu cải tạo nhiều lần cho đến gần đây. Qua khảo sát Viện khảo cổ học đã có một số kết quả điều tra, xác minh và phát hiện mới. Cụ thể:

Chùa Bích Động, nằm trong Hang Bích Động ở thôn Đan Khê, xã Ninh Hải, Hoa Lư. Đây là di tích chùa hang được khởi dựng năm 1705 với nhiều lần trùng tu, khoét sâu vào hang để cải tạo làm nơi thờ Phật. Chùa Bích Động có 3 chùa chính: Chùa Hạ, chùa Trung và chùa Thượng. Tại chùa Trung người nhà chùa đục các tảng trầm tích trong lòng hang làm nơi thờ tự, các tảng trầm tích mầu vàng, kết cấu rắn chắc, đôi chỗ tìm thấy vỏ hầu biển.

  

Chùa Bích Động, Ninh Bình.

Chùa Bích Động được mệnh danh là "Nam Thiên đệ nhị động", xếp sau Chùa Hương (Hà Nội). Hàng ngày chùa đón hàng trăm lượt khách trong và ngoài nước đến thăm quan. Chùa Hang Bích Động là di tích văn hoá tâm linh của người Việt trong vùng.

Chùa Thiên Tôn, nằm trong hang Thiên Tôn, thuộc thị trấn Thiên Tôn, Hoa Lư. Hang Thiên Tôn có 2 khoang, khoang ngoài là hang động tự nhiên hạng mái đá, rộng 25m, từ cửa ăn sâu vào trong dài 10m, trần mái đá hình hàm ếch, trần cao 9,5m. Khoang trong được cải tạo làm nơi thờ Phật, hang có hình gần tròn, rộng 10m, săn sâu vào 9 m, vòm cao 5m. Nền khoang trong có một lỗ lõm sâu xuống, trong đó có chất đầy vỏ nhuyễn thể biển tư ốc bù giác, trai ngọc, hàu cửa sông và một số ít sương động vật. Đáng chú ý là xung quanh hang trong và một phần hang ngoài còn nhiều tảng trầm tích mầu vàng có tuổi Pleistocene.

   

Chùa Thiên Tôn, Ninh Bình.

Chùa hang Thiên Tôn là ngôi chùa nổi tiếng ở Hoa Lư, trong hang hiện có bệ tượng, tượng thờ, bia. Trước cửa hang, trong khi đào đất nhà chùa đã tìm thấy gốm trang trí kiến trúc thời Trần được đem gắn vào bệ thiêu hương giữa hang ngoài. Các nhà nghiên cứu cho rằng, chùa Thiên Tôn được xây dựng từ thời Trần và được trùng tu cải tạo nhiều lần. Đây là một trong những điểm sinh hoạt văn hoá tâm linh quan trọng của người Việt.

Chùa Hoa Sơn, thuộc hang Hoa Sơn, nằm trên địa phận thôn áng Ngũ, Ninh Hoà, Hoa Lư. Nơi đây được cải tạo làm nơi thờ Phật và tôn vinh các nhân vật lịch sử có công xây dựng chùa. tương truyền đây là nơi nuôi dưỡng ấu chúa nhà Đinh nên chùa còn có tên là Phôi Sinh tự (hay chùa Bà Đẻ).

 

Chùa Hoa Sơn, Ninh Bình.

Hang Hoa Sơn có 2 khoang: khoang trong nền gần tròn, rộng 50m2, trần cao 9,5m. Xung quanh chứa trầm tích Pleistocene, song chưa thấy hoá thạch động vật. Khoang ngoài, rộng 120m2, cửa hướng đông, nền hang giật các cấp, lát gạch và đặt bệ tượng. Trong nền hang xuất lộ một số viên đá tảng, gốm kiến trúc thời Trần, Lê. Bước đầu cho thấy hang Hoa Sơn được người Việt cải tạo làm nơi thờ Phật, có niên đại Trần- Lê.

Hang Bái Đính, hay chùa Bái Đính (cũ) ở xã Gia Sinh, Gia Viễn cao 15,3m, cách điện Tam Thế chùa Bái Đính mới 800m. Chùa tọa lạc trên ngọn núi cao 187m, nơi đây được Đức Thánh Nguyễn Minh Không phát hiện và sáng lập vào triều Lý, khi ngài về đây tìm thuốc chữa bệnh cho nhà vua. Hang trong được cải tạo làm nơi thờ Phật và thờ Khổng Minh Không. Nền khoang trong có một lỗ lõm sâu xuống, cải tạo làm nơi chứa nước, xung quanh hang trong và một phần của cửa hang ngoài còn có các tàng trầm tích mầu vàng, có tuổi Pleistocene.

 

Chùa Bái Đính cũ, Ninh Bình.

Hiện nay có chùa Bái Đính mới to lớn, song những người dân địa phương và du khách vẫn chọn nơi đây làm điểm sinh hoạt văn hoá tâm linh quan trọng của người Việt.

Chùa Bái Đính mới, Ninh Bình.

Ngày Noen 2018 rơi vào cuối tuần, chúng tôi rủ nhau về Ninh Bình và quyết định ở trong một khu homstay. Sau khi vượt qua khu du lịch Tràng An khoảng 4km, chúng tôi rẽ vào một con đường nhỏ chỉ lọt một ô tô 4 chỗ, mặt đường lổn nhổn những cục đá bằng nắm nay luồn lách giữa các chân núi đá và đầm nước, đi khoảng 2km thì tới một khu đất hẹp bằng phẳng dưới chân vài ngọn núi đá có vách dựng đứng trên các đầm nước. Ở đây là một khu homstay gồm các nhà tranh, vách được ốp bằng các cây trúc tạo thành tường và cột. Thực ra đây cũng không phải là homstay đúng nghĩa vì nó hoàn toàn là nhà dành cho khách chứ không phải nhà dân. Do dải đất hẹp nên số lượng nhà cũng không nhiều, tuy nhiên được cấu trúc hài hòa với thiên nhiên nên khá hấp dẫn. Tuy nằm biệt lập ở một nơi hoang vắng xen giữa các ngọn núi đá dựng đứng, nhưng các phòng luôn lấp đầy khách nước ngoài. Nhìn quanh chỉ duy nhất có hai vợ chồng tôi là người Việt. Đây đúng là một nơi lý tưởng để thư giãn và thả hồn vào thiên nhiên hoang sơ, có thể ngồi uống caffe, đọc sách hoặc trầm tư thả hồn theo các vách đá. Có lẽ vì thế người Tây họ thích tới đây, người Việt Nam đi du lịch vẫn chưa đạt được tới cái tầm đó, mới chỉ dừng ở mức cưỡi ngựa xem hoa, chưa lắng được để cảm nhận hết cái hồn của tự nhiên, nên những nơi này hầu như không thấy khách du lich Việt. Từ đây có thể đi xe đạp hoặc xe máy tới chùa Bái Đính (mới), khu du lịch Tràng An, tới Bích Động, Tam Cốc.

  

Đây là toàn cảnh căn nhà mà chúng tôi lưu trú. Vâng, nhìn thì giống khu nhà chị Dậu xưa nằm chen giữa các vách núi dựng đứng và đầm nước tự nhiên.

  

Kiến trúc bên trong nhà và phong cảnh bên ngoài khá thú vị.

  

Quả thật có những phút thư giãn tuyệt vời.

Ngày hôm sau chúng tôi đi xe đạp đến Hang Múa, một ngôi chùa đang được trùng tu và cải tạo lại ở trong Hang, nhưng phong cảnh xung quanh đẹp tuyệt vời giống như một hòn non bộ khổng lồ được tạo hóa tạo tác một cách nghệ thuật. Cái tên Hang Múa có từ xa xưa, truyền thuyết kể lại rằng khi đó vua Trần Thái Tông khi về vùng Hoa Lư lập Am Thái Vi thường tới đây để nghe các mỹ nữ, cung tần múa hát. Hang Múa cũng là một trong những địa điểm có tên gọi kỳ lạ nhất Việt Nam. Không chỉ vậy, hang động dưới chân núi Múa thời xưa còn là một bệnh viện lưu động nơi điều trị, trú ẩn của thương bệnh bình tham gia cuộc chiến bảo vệ tổ quốc. Là một quần thể du lịch nhưng điểm nhấn của Hang Múa là khu núi Múa, đây cũng chính là nơi có kiến trúc độc đáo. Đường lên đỉnh núi Múa được xây dựng theo kiến trúc đường dẫn thành quách, nhiều người còn ví nơi đây như Vạn lý trường thành của Việt Nam. Đường dẫn được xây bằng đá trắng với 486 bậc dẫn lên đỉnh. Theo thời gian, con đường mang vẻ đẹp trầm mặc, rêu phong. Trên đỉnh núi là những ngọn tháp có kiến trúc giống những ngọn tháp trong các đình chùa với đỉnh nhọn, mái cong uốn vòm. Ngay đầu đường dẫn lên núi là hình rồng được tạo dựng tinh tế như mời gọi du khách chinh phục con đường lên tới đỉnh núi. 

  

Lối vào Hang Múa

   

Khen ai khéo tạo cảnh non tiên

Mỏm đá cheo leo khách tọa thiền

Bốn phía nhìn quanh non nước biếc

Ngẩn ngơ ngắm cảnh chốn thần tiên

                                          HHK

 

Dragon Mountain. Leo núi cũng là một trải nghiệm thú vị. Ngọn tháp trên đỉnh núi Múa được xây dựng theo kiến trúc bảo tháp Phật giáo thường gặp ở các quốc gia như Ấn Độ, Mông Cổ, Thái Lan, Lào... Tháp này có đế hình vuông biểu tượng cho đất, phần bầu tròn biểu tượng cho nước, phần các nón nhọn hướng lên trời biểu tượng cho lửa, phần lọng che biểu tượng cho gió, phần trên cùng biểu tượng cho Không Đại. Hình con vật giống sư tử chính là Nghê, một trong 9 người con của Rồng. Đây là một con vật phổ biến trong kiến trúc tôn giáo ở Việt Nam cũng như các quốc gia chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa. Bức tượng chim xuất hiện trên đỉnh cột ở đường dẫn lên đỉnh núi múa là chim đại bàng, biểu tượng cho sự trấn áp và sức mạnh uy quyền. Trên đỉnh núi Múa còn đặt một tượng Quan Thế Âm Bồ Tát.

Trên đỉnh núi là hình tượng rồng chầu phía sau tượng Phật bà Quan Âm. Con rồng trên đỉnh núi không chỉ chầu Phật bà mà còn được nhiều người ví dư đang đón bình mình và hoàng hôn nếu nhìn từ phía chân núi. Đây cũng là còn rồng "cao nhất" Ninh Bình và tạo nên kiến trúc độc đáo trên đỉnh núi Múa. Hai bên đường dẫn lên đỉnh núi còn xuất hiện nhiều hình tượng các con vật như Nghê, đại bàng... những con vật có dấu ấn trong văn hóa kiến trúc tâm linh của người Việt. Những con vật này được đặt trên các trụ đá dọc đường đi tạo thêm nét đặc biệt và ấn tượng cho con đường dẫn lên đỉnh núi.

Hang Múa được khen ngợi là một trong những địa điểm check in đẹp nhất Ninh Bình hay Vạn lý trường thành phiên bản Việt. Hang Múa cũng được báo chí xếp vào danh sách những địa điểm không thể bỏ lỡ ở miền Bắc hay những địa danh có tên gọi kỳ lạ nhất Việt Nam. Trong tháng 8 năm 2018, vượt qua cả Tràng An, Tam Cốc hay chùa Bái Đính, Hang Múa thuộc địa phận thôn Khê Đầu Hạ, xã Ninh Xuân, Hoa Lư (Ninh Bình) xuất sắc đứng đầu top 5 điểm đến tại Ninh Bình trên trang du lịch số 1 thế giới TripAdvisor.

  

“Voi đú thì ngựa cũng đú”. Chẳng nhẽ các bạn thanh niên tổ chức đua thuyền kayak, mình mới có hơn 60 tuổi ai gọi là già, thử sức xem sao nhé. Kayaking cũng là một trải nghiệm thú vị không kém. Hóa ra mình cũng là một kayaker đáng nể đấy chứ, hãy nhìn anh chàng ngồi trên chiếc thuyền kayak ở giữa với life vest màu vàng, mũ cói, mái chèo màu lá mạ dựng đứng kia nhé.

Tuổi ngựa nên thấy đàn ngựa là phải chụp cho bằng được.

 

 

Kết thúc hai ngày cuối tuần thật thú vị, thu hoạch được vô số ảnh đẹp, chọn ra mấy bức để khoe với mọi người vậy thôi. Chào tạm biệt nhé.

Ninh Bình cảm tác

 

Khen ai khéo tạo cảnh non tiên

Mỏm đá cheo leo khách tọa thiền

Bốn phía nhìn quanh non nước biếc

Ngẩn ngơ ngắm cảnh chốn thần tiên

 Uốn lượn quanh non dòng nước biếc

Hang động thẳm sâu Phật tọa thiền

Cũng ở nơi đây vua Đinh ngự

Quả là chốn Phật tọa cùng Tiên

 

                                          Hà Hoàng Kiệm


CHIA SẺ BÀI VIẾT

Bài cùng chủ đề

Bài về chủ bút

    Tinh hoa nhân loại

      Khoa học

        Văn học

          SÁCH CỦA TÔI