Ký sự phượt xuyên Việt - Episode 2 (Thiên Cầm Hà Tĩnh – Hội An Đà Nẵng)

Cập nhật: 03/04/2020 Lượt xem: 5154

Ký sự phượt xuyên Việt                  

Episode 2 - Ngày thứ hai (Thiên Cầm Hà Tĩnh – Hội An Đà Nẵng)

Google Map đã tự động ghi lại lịch trình trong ngày của chúng tôi

- Dậy thôi, anh ơi ra biển thôi.

Vợ tôi bao giờ cũng dậy sớm và rất thích chạy ra biển từ trước lúc mặt trời mọc. Trời vẫn chưa sáng hẳn, mưa bụi làm không khí trở nên lành lạnh. Chúng tôi mặc quần áo, đi giày thể thao, chạy trên con đường dọc theo bãi biển. Đây là khu nhà nghỉ của Bộ Công An, cách khách sạn Công đoàn nơi chúng tôi nghỉ khoảng 500m. Anh bạn cùng khóa đại học của tôi đã làm giám đốc khu nghỉ dưỡng này khoảng 5 năm về trước, bây giờ cũng đã nghỉ hưu. Chúng tôi tiếp tục chạy bộ dọc theo bãi biển khoảng 2km gần tới cuối bãi. Quả thật, không khí buổi sáng trên biển thật trong lành, hít thở không khí trong lành là một liều thuốc bổ miễn phí. Có lẽ vì miễn phí nên ít người biết tận dụng hết giá trị của nó. Tới cuối bãi, chúng tôi rẽ xuống biển, tháo dày và đi bộ ngược về men theo mép nước.

Đi bộ chân trần cũng là một liệu pháp tốt cho sức khỏe. Tôi còn nhớ, cách đây gần chục năm, có một phóng viên gọi điện cho tôi (vì khi đó tôi đang là trưởng Bộ môn Vật lý trị liệu và Phục hồi chức năng của BV103, Học viện Quân y) và hỏi: có một cụ bà 60 tuổi, thường đi nằm giường massage miễn phí của một công ty đặt ở gần nhà. Sau một thời gian, cụ thấy hay mệt mỏi, mỗi lần nằm giường massage về cụ ông lấy bút điện đặt lên da cụ bà thấy bất kỳ vị trí nào bút điện cũng sáng. Vậy xin Giáo sư giải thích giúp, như vậy có hại gì cho sức khỏe không, và tại sao cụ lại bị nhiễm điện. Tôi trả lời: Cụ bị nhiễm tĩnh điện, nguy hiểm ngay đến tính mạng thì không, nhưng nếu kéo dài thì cũng không tốt cho sức khỏe. Tại sao cụ lại bị nhiễm tĩnh điện, chúng ta hãy nhớ lại một thí nghiệm vật lý hồi học cấp ba, chúng ta cũng có thể làm lại thí nghiệm này như sau: vò một tờ giấy cho thật nhàu, sau đó xé lấy một mẩu thật nhỏ đặt lên bàn. Lấy một cây bút có vỏ bằng nhựa, chà sát thân cây bút bằng nhựa lên tay áo một lúc. Sau khi chà sát thân bút lên tay áo xong, chúng ta đưa thân cây bút lại gần mẩu giấy vừa xé ra để trên bàn. Có hiện tượng gì xảy ra? Chúng ta sẽ thấy cây bút hút mẩu giấy và chúng ta có thể nhấc mẩu giấy lên khỏi mặt bàn. Tại sao vậy? khi thân bút cọ sát vào vải thì thân bút bị nhiễm tĩnh điện và để vào gần mẩu giấy thì nó hút được mẩu giấy tương tự như nam châm hút sắt vậy. Hãy để ý, nếu chúng ta mặc áo len, sau một ngày khi chúng ta vào phòng tối và cởi áo len thì chúng ta sẽ nghe tiếng lách tách và thấy nhiều tia lửa điện phát ra từ áo len. Đó là vì khi áo len bị cọ sát do chúng ta cử động khi mặc, nó đã bị nhiễm tĩnh điện, khi chúng ta cởi thì một số sợi lông áo len bị nhiễm điện tiến sát gần nhau và phóng ra tia lửa điện, đồng thời phát ra tiếng nổ lách tách giống như sấm và các tia chớp do các đám mây phát ra khi chúng tiến lại gần nhau. Các máy massage có các con lăn chà sát lên lưng người nằm massage qua lớp vải của máy và các lớp quần áo bằng vải của cụ bà mặc trên người, làm quần áo của cụ bà bị nhiễm tĩnh điện và truyền sang cụ. Vì vậy sau nằm giường massage đặt bút thử điện lên da ở bất kỳ vị trí nào chúng ta cũng thấy bút điện sáng là vì vậy.

Khi bị nhiễm tĩnh điện như vậy có hại gì cho sức khỏe không? Chúng ta biết rằng, cơ thể người luôn có sự cân bằng về điện và có xu hướng nghiêng về điện âm một chút. Nếu vì lý do nào đó mà sự cân bằng này mất đi, nhất là khi nghiêng về dương tính thì cơ thể dễ bị mệt mỏi, các phản xạ trở nên chậm chạp, phản ứng kém, suy nhược cơ thể. Chính vì vậy mà người ta sản xuất ra các máy ion âm, tấm kim loại trên bề mặt máy mà chúng ta đặt tiếp xúc với da đạt tới âm 200V, chúng ta đặt máy tiếp xúc với da mỗi lần 15 – 20 phút, ion âm sẽ truyền vào cơ thể để chung hòa các ion dương và đưa cơ thể trở lại trạng thái cân bằng về điện. Người ta cũng tạo ra các máy ion khí, mỗi giây có thể phun vào không khí hàng ngàn ion âm. Các máy này thường được đặt trong phòng làm việc để cải thiện tình trạng ô nhiễm không khí. 

Vậy khi nào cơ thể bị mất cân bằng về điện? chúng ta biết rằng trong không khí ô nhiễm có nồng độ bụi PM2.5, PM1.0 cao (mời các bạn đọc bài http://hahoangkiem.com/tu-van-va-chia-se-thong-tin/bui-min-voi-suc-khoe-con-nguoi-va-cach-phong-ngua-3804.html). Các hạt bụi này mang điện dương, điện dương sẽ hấp thụ vào cơ thể đồng thời do quá trình lao động, chuyển hóa của cơ thể tăng cũng làm phát sinh nhiều điện thế dương. Như vậy nếu sống trong môi trường ô nhiễm, lao động trong điều kiện không thông thoáng khí, thì cơ thể thường bị nhiễm điện dương, làm cơ thể nhanh mệt mỏi, phản xạ giảm, suy nhược cơ thể.

Để khắc phục điều này có hai cách: thứ nhất điều trị bằng máy ion âm hoặc ion khí sau một ngày lao động trong điều kiện ô nhiễm không khí. Thứ hai có thể lập lại cân bằng điện bằng cách tắm nước mát, sau tắm chúng ta sẽ có cảm giác rất sảng khoái, hoặc để chân trần đi bộ cho tiếp xúc với đất trong 15 đến 20 phút cũng giúp cân bằng về điện của cơ thể trở lại. Với cụ bà nhiễm điện sau nằm giường massage có thể khuyên cụ tắm mát hoặc để chân trần đi đất 15 đến 20 phút thì cân bằng điện sẽ trở lại và bút điện sẽ không còn sáng nữa. Vậy thì chúng tôi cũng không bỏ lỡ cơ hội, đi chân trần trên cát là một biện pháp tốt để cân bằng điện cho cơ thể, làm tốt cho sức khỏe. Như vậy buổi sáng chạy thể dục trên bờ biển có bốn cái lợi: thứ nhất đây là phương pháp vận động thể dục thích hợp cho mọi lứa tuổi, thứ hai hít thở không khí trong lành là liều thuốc bổ miễn phí, thứ ba đi chân trần trên bãi biển giúp cơ thể lập lại cân bằng về điện, thứ tư ngắm bình minh trên biển giúp thư thái đầu óc, tạo hưng phấn cho một ngày làm việc mới. Khi ra biển các bạn cũng nên tận dụng những biện pháp đơn giản này để tăng cường sức khoẻ nhé, không cần tốn tiền mua máy ion tĩnh hay ion khí làm gì (nói như thế các hãng máy ion sẽ oán trách tôi đấy!).

Mặt trời chưa nhô lên mặt biển, nhưng đã tạo ra một quầng sáng ở chân trời. Cát mịn và ướt lành lạnh dưới chân, sóng biển thỉnh thoảng lại tràn lên xóa dấu vết của chúng tôi. Bãi biển sáng sớm vắng tanh, chỉ có hai đứa chúng tôi như một cặp tình nhân già đi trên bờ cát mịn khiến tôi nhở lại một bài thơ tôi làm khi đi nghỉ một mình ở bãi biển Sầm sơn năm 2001:

Chiều nay lang thang trên bờ cát
Biển Sầm Sơn thì thầm nhắc ta nỗi cô đơn
Bóng ai đi trên bờ cát lúc chiều hôm
Phía xa kia cũng lẻ loi con thuyền bé
 
Này con thuyền, này cánh buồm, này con cua con ghẹ
Ta đố các người ta đang nhớ đến ai
Sóng biển đông nhanh nhảu cướp lời
Tới em, con chim Én nhỏ
                              Ngày 4 tháng 7 năm 2001

 

- Về thôi, đi ngang đường sẽ ăn sáng nhé.

- Ok, từ đây trở vào đã có đường ven biển, mình bám theo đường ven biển nhé.

Khu vực miền trung, núi chạy ra sát tới biển tạo ra một phong cảnh tuyệt đẹp cho những con đường ven biển, nhưng những đoạn đường ven biển không liên tục thỉnh thoảng lại phải chạy ra đường quốc lộ 1. Chúng tôi đi theo hướng dẫn của Google map. Cô bé Google là một cô gái rất dễ thương, không bao giờ thấy cáu bẳn hay giận dỗi, đôi khi chúng tôi đi quá chỗ rẽ, cô kiên trì hướng dẫn chúng tôi vòng ngược lại. Nếu chúng tôi cố tình chọn con đường đang đi thì cô lại thay đổi lịch trình hướng dẫn chúng tôi đi tiếp theo con đường ngắn nhất. Cứ thế, không thấy cô gắt gỏng bao giờ, rất kiên trì và nhẫn nại chỉ đường. Giá như anh chàng nào lấy được cô bé này làm vợ thì hẳn là hạnh phúc lắm, là vì người ta thường nói “Ra đường sợ nhất công nông, về nhà sợ nhất vợ không nói gì”. Các bà vợ thì thường nói nhiều, khi nào thấy họ không nói gì có nghĩa là họ đang giận dỗi, mà cái cô bé Google này chẳng thấy bao giờ cáu bẳn hay giận dỗi cả.

Ngày thứ hai của cuộc hành trình là thứ năm, mùng 2 tháng 1 năm 2020, chúng tôi đi 436km với khoảng thời gian 10giờ 30 phút. Vì lượn vòng vèo theo đường ven biển, có chỗ mải mê trước cảnh đẹp mê hồn nên đi chậm như đi xe máy, có chỗ như đi bộ vì thế cô Google tưởng nhầm chúng tôi đi xe máy hay đi bộ nên thống kê thành các con số riêng chứ thực ra chúng tôi vẫn ngồi trên auto. Buổi tối chúng tôi nghỉ ở khách sạn TTC 224-226 đường Lý Thái Tổ, phố cổ Hội An, tỉnh Quảng Nam.

Dọc đường chúng tôi đi qua qua thành phố Đông Hà, chúng tôi chỉ dừng lại một chút bên đầu nam cầu Thạch Hãn, cạnh chợ Đông Hà. Đi qua mảnh đất này không thể không dừng lại, nhìn dòng sông Thạch Hãn, nhìn con đường số 9, nhìn vào Thành cổ Quảng Trị, nơi này đã biết bao đồng đội của tôi đã nằm xuống trong mùa hè 1972. Mỗi nắm đất ở đây không chỉ có đất mà còn có máu và thịt của các đồng đội cùng lứa tuổi, của các bạn sinh viên cùng thời. Bài hát “Cỏ non Thành cổ” của nhạc sĩ Tân Huyền cũng như nói lên điều đó: “Cỏ non Thành cổ, một màu xanh non tơ / Bình minh Thành cổ, cỏ mềm theo gió đung đưa. Nào có ai ngờ nơi đây một thời máu đổ / Người vợ nào, người mẹ nào, ngậm ngùi nuốt lệ, khi chồng con không trở về / Cho tôi hôm nay vào Thành Cổ, Thắp một nén nhang viếng người nằm dưới cỏ…”. Những câu thơ của Phạm Đình Lân khi về Quảng Trị cũng vậy: “Nhẹ bước chân và nói khẽ thôi / Cho đồng đội tôi nằm yên dưới cỏ / Trời Quảng Trị trong xanh và lộng gió / Dẫu ồn ào đừng lay động hàng cây.……. Nhẹ bước chân và nói khẻ thôi / Thành Cổ rộng sao đồng đội tôi nằm chật / Mỗi tấc đất là một cuộc đời có thật / Cho tôi hôm nay đến nghẹn ngào".  Chỉ những người đã sống trong những năm tháng ác liệt này của cuộc chiến tranh mới cảm nhận được cái linh thiêng mỗi khi đi qua mảnh đất này.

Nơi này chúng tôi cũng đã đến nhiều lần, đi viếng nghĩa trang đường 9, nghĩa trang trường Sơn, đã vào thành cổ Quảng Trị thắp hương ở tượng đài liệt sĩ vô danh, tượng đài sinh viên, nói chính xác là “Đài chứng tích sinh viên – Chiến sĩ thành cổ Quảng Trị - Mùa hè 1972”. Sở dĩ có tượng đài sinh viên trong thành cổ Quảng Trị là phần lớn các chiến sĩ hy sinh ở đây là sinh viên các trường đại học được động viên nhập ngũ năm 1972. 

Có nhiều kỷ niệm trong mỗi lần đến với Quảng Trị. Đầu tháng 7 năm 2007, vợ chồng tôi tham gia cùng đoàn thanh niên tình nguyện do Thành đoàn Hà Nội tổ chức vào Vĩnh Linh và Quảng Trị khám bệnh từ thiện và tặng quà tri ân các thương bệnh binh và gia đình liệt sĩ nhân ngày thương binh liệt sĩ. Khi đó vợ tôi đại diện cho Hội nữ doanh nhân Hà Nội vào tặng cho các cháu ở một số xã nghèo một khu vui chơi mới được khánh thành, còn tôi thì tham gia cùng các bác sĩ trẻ trong đoàn khám bệnh và cấp thuốc miễn phí cho các đối tượng đến khám. Tôi rất cảm phục các bạn thanh niên, là các bác sĩ trẻ mới ra trường, nhiều bạn chưa có chỗ làm việc, nhiều bạn đi làm không lương ở các bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức để rèn luyện tay nghề và chờ cơ hội xin việc. Các bạn tham gia đoàn rất có trách nhiệm, bảo nhau gom góp từng đồng để mua bổ xung các thuốc cấp cứu cần thiết như thuốc điều trị tăng huyết áp, thuốc điều trị tiểu đường mà khi kiểm tra trước lúc lên đường thấy thiếu.

Chúng tôi đã ở lại vùng này 5 ngày, một buổi tối ở một bãi biển hoang vu như giữa sa mạc cát thuộc địa phận Vĩnh Linh, chúng tôi vun cát làm sân khấu giao lưu văn nghệ cùng đoàn thanh niên địa phương. Tối đó trên bãi biển bên đồi cát không có bóng một nhà dân chỉ có lúp xúp các bụi cây nhỏ trên cát, ai tìm được chỗ nào thì ngủ chỗ đó ngay trên bãi biển. Hai vợ chồng tôi san một vùng cát trắng và mượn được một chiếc chiếu cũ của quán nước phía trên nằm ngủ. Sáng hôm sau cát phủ đầy tóc và quần áo. Cuộn chiếu lên bờ, thấy mấy em dậy trước ngồi phía trên khúc khích cười, họ nói là vợ chồng tôi được bình chọn là đôi ngủ đẹp nhất bãi biển. Cũng trong chuyến đi này, một tối khác ở bãi biển Cửa Việt, chúng tôi cũng vun cát làm sân khấu, rất đông bà con ra dự buổi giao lưu văn nghệ giữa đoàn thanh niên tình nguyện với đoàn thanh niên địa phương. Hôm đó có 5 anh em cựu chiến binh chúng tôi, những người đã từng tham gia chiến dịch quảng trị năm 1972 và chiến trường quân khu 5 lên hát bài “Năm anh em trên một chiếc xe tăng” giọng thì khàn khàn mà lại không đều vì có tập trước đâu, ngẫu hứng mà. Thế mà cũng được vỗ tay nhiệt liệt, và còn được tặng hoa nữa chứ, chắc không phải vì hát hay mà là vì tức cười quá với mấy ông già. Tôi vẫn còn giữ được một kỷ niệm trong chuyến đi này là tấm bằng khen của thành đoàn Quảng Trị dành cho người cao tuổi nhất tham gia đoàn, do bí thư tỉnh đoàn Quảng Trị ký ngày 13 tháng 7 năm 2007.

 

Ảnh trái: Hà Hoàng Kiệm (mặc áo trắng) và Nguyễn Thanh Phong (mặc áo xanh) nguyên bí thư thành đoàn Hà Nội, trưởng đoàn thanh niên tình nguyện Hà Nội tại Nghĩa trang Trường Sơn. Ảnh phải: các cựu binh là các sinh viên nhập ngũ trong đợt động viên sinh viên nhập ngũ 1972, những người sống sót sau chiến dịch Quảng Trị mùa hè đỏ lửa, tham gia cùng đoàn thanh niên tình nguyện Hà Nội hát bài “Năm anh em trên một chiếc xe tăng” trong đêm giao lưu văn nghệ tại bãi biển Cửa Việt 7.2007 (Hà Hoàng Kiệm đứng ngoài cùng bên phải).

  

Hình trái: Tượng đài liệt sĩ trong Thành cổ Quảng Trị lấy hình tượng nấm mồ liệt sĩ. Ngôi mộ tập thể được thiết kế theo quan niệm triết lý âm dương mang ý nghĩa sâu sắc là để siêu thoát cho linh hồn những người đã khuất. Dưới chân nấm mồ được đắp theo hình bát giác tượng trưng cho bát quái, bốn lối bậc cấp đi lên tượng trưng cho tứ tượng, tầng dâng hương là tầng lưỡng nghi. Bên trên là mái đình Việt cách điệu, trên mái đình là bình thái cực. Có 81 bậc thang đi lên tượng trưng cho 81 ngày đêm chiến đấu ở thành cổ Quảng Trị. Ngay nữa phần âm là một cây đèn màu đỏ tượng trưng cho phần dương trong âm. Đèn này có chiều cao 8,1m tượng trưng cho 81 ngày đêm và được ví như “Đèn thiên mệnh” với chức năng thiêng liêng là chuyển tải linh hồn các chiến sỹ giải phóng quân từ cõi âm về cõi vĩnh hằng. Trên đỉnh của cây thiên mệnh có ngọn lửa mang ý nghĩa là ánh hào quang của cuộc chiến 81 ngày đêm quyết tử cho tổ quốc quyết sinh trên chiến trường Quảng Trị. Giữa cây thiên mệnh người ta làm ba áng mây tượng trưng cho tam tài: Thiên – Địa – Nhân với ý nghĩa là cầu nối giữa trời, đất và con người. Theo phong tục của người Á Đông chúng ta thường hay cúng cơm cho người đã khuất vì vậy trên cây đèn người ta đắp 3 bát cơm để tượng trưng cho ý nghĩa đó. Cũng chỉ có ở đây tôi mới được nghe đầy đủ lời bài hát "Hồn tử sĩ" của Lưu Hữu Phước. Hình giữa: bên trong lòng tượng đài là hành trang của người chiến sĩ gồm ba lô con cóc, mũ tai bèo, dép cao su, bình tông đựng nước, một chiếc ăng gô và một khấu súng tiểu liên AK 47, người mặc áo trắng cầm Mic là hướng dẫn viên khu tưởng niệm, người có giọng nói rất diễn cảm khiến tất cả chúng tôi trong đoàn đều rơm rớm nước mắt. Hình phải: Các thành viên trong đoàn đến thắp hương tại “Đài chứng tích sinh viên – Chiến sĩ thành cổ Quảng Trị - Mùa hè 1972” trong Thành cổ Quảng Trị. Người mặc bộ quần áo màu đen đứng ở giữa là chị Phạm Như Anh, người yêu của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc, tác giả của cuốn nhật ký “Mãi mãi tuổi hai mươi” đã hy sinh ở chiến trường Quảng Trị. Chị Như Anh đang định cư ở Nga nhưng hầu như năm nào vào dịp tháng 7 cũng về Quảng Trị thắp hương cho các liệt sĩ ở đây trong đó có Nguyễn Văn Thạc.

Mười năm sau, năm 2017 tôi cũng đã cùng đoàn cán bộ bệnh viện 103 và Học viện Quân y vào thành cổ Quảng Trị, thả đèn hoa đăng viếng các đồng đội đã nằm lại dưới lòng sông Thạch Hãn trong chiến dịch 72 ngày đêm mùa hè Quảng Trị, rồi lên viếng nghĩa trang Trường Sơn và nghĩa trang đường 9 nhân ngày 27/7 năm đó.

 

Thăm Nghĩa trang liệt sĩ Đường 9 và Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn năm 2017. Hình trái: Hà Hoành Kiệm thắp hương trong khu mộ liệt sĩ vô danh. Hình Phải: Đoàn cán bộ BV103 viếng nghĩa trang đường 9 (Hà Hoàng Kiệm là người đứng đầu tiên bên phải của hàng quân phía trước). 

Chúng tôi bỏ qua thành phố Huế, đi theo con đường tránh thành phố mới được hoàn thành vì Huế vốn đã quá quen thuộc với chúng tôi, cứ một vài năm lại vào Huế một lần để làm việc ở Trường Đại học Y Dược Huế, Đại học Huế. Quả thật Huế trầm mặc, lắng sâu, xa huế thường gợi nên nỗi nhớ nhung da diết. Người Huế cũng đằm thắm, tình cảm. Tôi có nhiều người bạn thân và cả các học trò rất quý mến và thành đạt ở đây, nhưng thôi nếu không vượt qua thì chuyến đi này không biết sẽ kéo dài bao lâu, tết lại gần đến rồi.

Dừng lại bên bãi biển lăng cô, một bãi biển đẹp nổi tiếng của Thừa Thiên Huế. Nếu đã đến cố đô Huế, miền đất mộng mơ với tà áo dài tím e ấp, với nhịp cầu Tràng Tiền cổ kính trầm mặc, với sông Hương bến Ngự hiền hoà thơ mộng, thì không nên bỏ qua vịnh biển Lăng Cô - nơi được mệnh danh là "người đẹp làng chài" của xứ Huế. Người ta nói rằng xưa kia ở vịnh Lăng Cô có rất nhiều cò trắng bay về tụ hội sinh sống ở đây. Khi người Pháp tới xâm lược Thừa Thiên Huế, lúc ghi địa danh lên bản đồ, người Pháp ghi tiếng Việt là "Làng Cò" nhưng không viết dấu, thành ra là "Lang Co", lại đọc với giọng nước ngoài lơ lớ nghe như "Lang Cô", từ đó người dân địa phương nói trại đi, dần dần thành tên Lăng Cô. Vịnh Lăng Cô thuộc huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế, cách thành phố Đà Nẵng 30km về phía bắc và cách thành phố Huế 70km về phía nam. Nằm ở chân đèo Hải Vân phía đầu bắc. Bãi biển Lăng Cô ngày nay được đầu tư phát triển mạnh về du lịch, tập trung rất nhiều khu nghỉ mát nằm gần cảng Chân Mây. Lăng Cô là một điểm đến thu hút rất nhiều du khách gần xa với bãi cát trắng dài, làn n­ước biển trong xanh uốn lượn uyển chuyển như một dải lụa mềm mại. Nằm cạnh núi Hải Vân với những cánh rừng nhiệt đới xanh thẳm nhấp nhô, kết hợp cùng vẻ đẹp huyền bí của đầm Lập An mênh mông. Vịnh Lăng Cô thật sự xứng danh là một trong 30 vịnh biển đẹp nhất thế giới (theo Hội nghị Quốc tế lần thứ 5 của Câu lạc bộ những vịnh đẹp nhất thế giới Worldbays Club diễn ra tại thành phố Setubal - Bồ Đào Nha ngày 06/06/2009). Vịnh Lăng Cô với những đường cong uốn lượn theo chân núi Hải Vân, trông hệt như một “nàng thơ” xứ Huế đang e ấp trong tà áo dài - một vẻ đẹp mà khó có ngôn từ nào diễn tả cho trọn vẹn. Hãy một lần thưởng ngoạn Lăng Cô, để cảm nhận đủ đầy cái đẹp, cái thơ, cái tình của “chốn bồng lai” trên dải đất duyên hải.

Bãi biển Lăng Cô. Bán đảo ở giữa là thị trấn Lăng Cô với bờ cát dài và thoải bao quanh là bãi biển Lăng Cô, khu đầm được dải là thị trấn Lăng Cô ngăn cách với biển là đầm Lập An. Cây cầu bên phải bắc qua đầm Lập An là cầu đường bộ thuộc đường quốc lộ 1A dẫn lên đèo Hải Vân. Cây cầu bên trái là đường dẫn đến hầm Hải Vân. 

Chúng tôi định leo đèo Hải Vân sang Đà Nẵng để ngắm cảnh đèo vắt vẻo lưng núi nhìn ra biển mà không chui qua hầm đèo Hải Vân. Đèo được biết đến như một “Thiên hạ đệ nhất hùng quan” bởi vẻ đẹp hùng vĩ nằm trên dãy núi Bạch Mã cao 500m. Đèo Hải Vân là địa điểm lý tưởng cho những ai muốn lái xe chinh phục độ cao và thách thức với các cung đường dốc và cua tay áo để ngắm “sơn thủy hữu tình”. Nhưng do đặt điểm đến không chính xác nên cô bé Goole map dẫn chúng tôi đi nhầm đường, không quay lại được nữa, thế là lại phải chui hầm, để lượt về sẽ leo đèo vậy. Vượt lên cây cầu vượt biển bắc qua đầm Lập An là đường dẫn để vào đường hầm đèo Hải Vân. Cảnh đẹp đến mê hồn, chúng tôi đi chầm chậm trên cầu có lẽ chỉ bằng tốc độ xe đạp vì đường vắng để có thời gian ngắm nhìn cảnh đẹp. Phía bên trái, xa xa là đường chân đèo Hải Vân như một dải dây cương ôm quanh sống mũi con "Bạch Mã" đang cúi xuống uống nước trong vịnh Lăng Cô. Nhìn xuống bên dưới là bãi biển Lăng Cô với bãi cát trắng trải dài, đúng là bồng lai tiên cảnh.

Cây cầu là đường dẫn phía bắc chạy qua vinh Lăng Cô để vào hầm Hải Vân. Con đường lượn theo sườn núi là chân đèo Hải Vân phía Bắc trông như một dải dây cương ôm quanh sống mũi con Bạch Mã đang cúi xuống uống nước trong vịnh Lăng Cô (ngọn núi này là núi Bạch Mã)​. Thị trấn Lăng Cô với bãi cát trắng mịn, chính là một phần bãi biển Lăng Cô, nhô ra ở góc dưới bên phải ảnh

Cửa hầm phía Bắc đèo Hải Vân.

Hầm đèo Hải Vân hoàn thành với sự hợp tác của hai nước Việt Nam – Nhật bản. Đường hầm Hải Vân được khởi công vào năm 2000 và khánh thành vào năm 2005 với tổng chi phí lên đến 127.357.000 USD. Với chiều dài 6,28km, hầm Hải Vân trở thành hầm đường bộ dài nhất Đông Nam Á và nhờ có đường hầm này mà việc di chuyển từ tỉnh Thừa Thiên Huế đến TP Đà Nẵng trở nên nhanh chóng, an toàn và dễ dàng hơn. Hầm đường bộ Hải Vân thời kỳ đầu chỉ có 1 hầm chính, 1 hầm lánh nạn chạy song song với hầm chính, 1 hầm thông gió và 3 hầm lọc bụi tĩnh điện (cái bụi mà tôi vừa nói trong ký sự ngày thứ nhất) cùng 15 ống hầm thông ngang. Sau khi đưa vào sử dụng, hầm đường bộ Hải Vân không chỉ rút ngắn đáng kể đoạn đường qua đèo từ 21km xuống còn hơn 6,2km, bảo đảm an toàn cho các phương tiện qua lại đèo Hải Vân mà còn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, du lịch, dịch vụ cho các địa phương trong khu vực. Trước khi có sự xuất hiện của con đường hầm này, các phương tiện di chuyển qua đèo Hải Vân như tham gia vào một trò chơi mạo hiểm liên hoàn bởi các khúc cua “tử thần”, nơi đây quanh co và luôn là sự thách thức các tay lái bậc nhất. Nhìn thì đường hầm Hải Vân có vẻ đơn giản, nhưng mất 5 năm để hoàn thành, và để vận hành nó là cả một quá trình liên kết của các thông số kỹ thuật. Dọc theo đường hầm là hệ thống chiếu sáng được trang bị 3140 bóng đèn cao áp, tổng số tiền tiêu thụ điện năng cho việc chiếu sáng bình quân là 25 tỷ/năm. Ngoài hệ thống chiếu sáng, hệ thống thông gió cũng là một nhân tố quan trọng để vận hành con đường hầm này. Vì nó là con đường hầm được xây dưới lòng núi nên việc xử lý không khí cực kỳ cần thiết, nếu hệ thống thông gió cũng như hệ thống lọc không khí ngừng hoạt động, sẽ vô cùng hiểm nguy cho hành khách khi đi qua hầm, thậm chí có thể bị chết ngạt trong vòng vài ba phút. Để đảm bảo không khí để hầm Hải Vân luôn được thoáng, các kỹ sư đã thiết kế cửa thông gió bằng cách đào thông lên đỉnh núi Hải Vân dài hơn 1.810m để lấy không khí đồng thời lắp đặt 3 trạm xử lý không khí với 23 quạt thông gió, mỗi quạt giống như động cơ trên máy bay gắn trên trần hầm giúp hút và đẩy không khí đến trạm xử lý. Bình quân mỗi giây đồng hồ hệ thống lọc và hút cung cấp 280mkhông khí sạch. Để cả hai hệ thống hoạt động điều độ và đảm bảo an toàn cho người di chuyển là sự cống hiến của cả một nhóm người ngày đêm túc trực, quan sát đường hầm qua màn hình máy tính, phòng khi có bất kỳ dấu hiệu nguy hiểm nào xảy ra họ sẽ điều động lực lượng đến và xử lý kịp thời.

Thời gian đầu hầm Hải Vân chỉ có một đường hầm với hai làn xe ngược chiều, sau 10 năm vận hành đã trở nên quá tải do mật độ xe lớn, nguy cơ ùn tắc và mất an toàn  cao nên Công ty cổ phần đầu tư Đèo Cả đã được giao dự án mở rộng hầm đường bộ Hải Vân ở đường hầm lánh nạn (dài 6,2 km) thêm 3,5 m. Cùng đó, xây dựng đường dẫn phía bắc thuộc thị trấn Lăng Cô, Thừa Thiên-Huế (dài 2,1 km) là cây cầu mà chúng tôi vừa đi qua, và đường dẫn phía nam thuộc thành phố Đà Nẵng (dài 4,3 km). Dự án thực hiện theo hình thức hợp đồng xây dựng-kinh doanh-chuyển giao (BOT) với tổng mức đầu tư hơn 6.200 tỉ đồng và thời gian khởi công vào đầu năm 2016, hoàn thành, đưa vào khai thác vào đầu năm 2019. Vì vậy khi chúng tôi đi qua đây toàn bộ cầu dẫn ở hai đầu và hệ thống đường hầm một chiều đã hoạt động được gần 1 năm với mức phí xe 4 chỗ như của chúng tôi là 110.000VNĐ.

                        Sơ đồ hầm Hải Vân (hình trái) và vịnh Đà Nẵng cùng bán đảo Sơn Trà (hình phải).

Qua khỏi hầm Hải Vân chúng tôi đã nhìn thấy thành phố Đà Nẵng ở bên dưới lấp lánh dưới ánh nắng chiều với bán đảo Sơn Trà như chiếc đùi gà màu xanh nhô ra biển. Chúng tôi vượt qua cây cầu Thuận Phước bắc qua cửa sông Hàn để sang bán đảo Sơn Trà, qua cầu Mân Quang rồi rẽ phải đi theo đại lộ ven bãi biển Mỹ Khê để tới Hội An. Chúng tôi đến phố cổ Hội an vào cuối chiều, chọn được khách sạn chúng tôi lên nghỉ một lát rồi đi ăn tối. Buổi tối đi bộ dạo trong phố cổ thật đẹp, trời mát gió hiu hiu, các chùm đèn lồng đỏ rực lung linh được kết dọc theo hai bên phố và trong các căn nhà cổ, phản chiếu lên khuôn mặt các thiếu nữ châu Âu làm hồng rực đôi má trên làn da trắng làm tôn lên vẻ đẹp tuyệt vời.

Phố cổ Hội An chụp từ Flycam. Cầu Chùa nối giữa phố Trần Phú và phố Nguyễn Thị Minh Khai, nằm trong khu phố cổ Hội An, bắc qua một con lạch nhỏ thông ra sông Hoài.

Cách đây khoảng hơn 10 năm khi chúng tôi đến đây thì con lạch mà cầu Chùa bắc qua rất cạn hầu như khô không có nước, sông Hoài, một chi lưu của sông Thu Bồn cũng chỉ có rất ít nước ở dưới lòng sông để lộ ra hai mép sông cát sỏi và cỏ dại mọc. Lần này chúng tôi đã rất ngạc nhiên vì một con đập đã được xây dựng để giữ nước cho sông Hoài luôn đầy sát mép đường và con lạch mà cầu Chùa bắc qua cũng đầy nước, tạo ra một cảnh quan rất đẹp soi bóng phố cổ lung linh với đèn lồng rực đỏ về đêm thật là một cảnh ảo diệu. Thuyền chở khách trên sông Hoài cũng tấp nập, mỗi thuyền treo một chiếc đèn lồng, khách thường đi thuyền vào buổi tối để ngắm phố cổ dọc hai bên bờ và thả đèn hoa đăng trên sông.

Sông Hoài là một nhánh của sông Hội An là môt chi lưu của sông Thu Bồn. Sông Thu Bồn bắt nguồn từ khối núi Ngọc Linh nổi tiếng với sâm Ngọc Linh (Nam Quảng Nam-Bắc Kon Tum); phần thượng lưu này được gọi là Đak Di. Sông chảy ngược lên phía Bắc qua các huyện trung du của tỉnh Quảng Nam như Nam Trà Mi, Bắc Trà Mi, Tiên Phước, Hiệp Đức. Khi đi qua đây, sông nhận thêm nhiều chi lưu là các sông, suối nhỏ. Đoạn chảy qua Tiên Phước và Hiệp Đức được gọi là sông Tranh (Hồi chiến tranh khoảng những năm 1973-1974 đơn vị tôi (Đội điều trị 14, Cục Hậu cần, Quân khu V) đóng quân trên sườn núi cạnh sông Tranh, buổi tối chúng tôi thường ra sông Tranh thả dàn câu dọc theo bờ đá của sông để bắt cá trình, có lần chúng tôi câu được cả chục kilogram cá trình, các con cá dài hàng mét, đường kính bụng khoảng bằng bắp tay mang về cho bếp nuôi quân). Bắt đầu khi đi qua địa phận Nông Sơn, Duy Xuyên, sông mới bắt đầu được gọi là Thu Bồn. Ở Nông Sơn, sông đổi sang hướng Tây Nam-Đông Bắc. Khi chảy qua ranh giới giữa Duy Xuyên và Đại Lộc, Thu Bồn nhận chi lưu lớn nhất ở tả ngạn, đó là sông Vu GiaDòng chính của sông Thu Bồn đi về xuôi khoảng 14 km thì một chi lưu chảy ra phía Bắc (gọi là sông Cổ Cò), làm thành đường thủy quan trọng nối sông Thu Bồn với sông Hàn (Đà Nẵng)Trước khi đổ ra biển qua Cửa Đại, đoạn cuối của sông Thu Bồn do sự tác động của thủy triều và phù sa bồi lấp, đã phân thành nhiều nhánh phụ, tách ra rồi nhập lại tạo ra một số phân lưu như sông Ba Chươm, sông Đình, sông ĐòĐoạn sông Thu Bồn chảy qua Hội An được gọi là sông Cái hoặc sông Hội An, với chiều dài qua địa phận thành phố là 8,5 km, chiều rộng từ 120m – 240m. Một nhánh nhỏ của sông Hội An tách dòng lượn sát vào Phố Hội được gọi là sông Hoài.

Từ cầu Chùa, cây cầu cổ nổi tiếng của Hội An do các thương gia người Nhật xây dựng vào đầu thế kỷ 17 nên còn được gọi là cầu Nhật Bản, chúng tôi đi dọc theo bờ sông Hoài ngắm những con thuyền chở khách du lịch thả đèn hoa đăng trên sông. Tôi đang mải chọn một cây gậy selfie thì vợ tôi kéo tay bảo:

- Ai như chị Oanh kìa!

Tôi quay lại, đúng là Oanh thật, cô là bạn cùng lớp đại học của chúng tôi. Cả Khóa 11 của chúng tôi ở Học viện Quân y chỉ có 8 bạn gái, trong đó có Oanh. Bây giờ Oanh rất nổi tiếng ở châu Âu vì bạn làm chủ một bệnh viện tư ở Hungari và rất nổi tiếng với phương pháp cấy chỉ để điều trị bệnh. Với phương pháp này bạn đã được mời báo cáo tại nhiều hội nghị khoa học quốc tế. Bạn Oanh cũng đã xuất bản nhiều sách về Y học cổ truyền, bạn có tặng tôi một cuốn về cấy chỉ và tôi cũng đã tặng bạn cuốn “Thận học lâm sàng” khá nổi tiếng của tôi do NXB YH xuất bản 2010. Hàng năm, khi lớp chúng tôi tổ chức gặp mặt nhân ngày ra trường, bạn đều về tham dự. Chúng tôi vui vẻ trao đổi một số chuyện, Oanh về nước cùng hai bạn học trò và đi du lịch vào Hội An. Chúng tôi tạm biệt nhau để tiếp tục khám phá phố cổ Hội An.

Ở góc đằng kia có một nhóm nghệ sĩ đang biểu diễn “bài chòi” là một làn điệu dân ca khu V rất thịnh hành trong dân chúng. Trong thời gian chiến tranh, tôi là lính trong đội điều trị Quân khu V, sống cùng các đồng đội là người Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên. Các bạn rất hay hát “bài chòi” vì thế tôi khá quen thuộc với làn điệu dân ca nam trung bộ này. Xung quanh bãi là các chòi tre giống như các vọng gác dành cho khách ngồi thưởng thức, chúng tôi thấy hầu hết là khách Tây. Chụp vài bức ảnh làm kỷ niệm rồi chúng tôi xuống thuyền, người lái thuyền là một phụ nữ đã trung tuổi, đẩy thuyền đi nhè nhẹ trên mặt nước để chúng tôi thả những ngọn đèn hoa đăng lên mặt sông. Những ngọn đèn hoa đăng của chúng tôi đã hòa lẫn vào các ngọn đèn mà các du khách khác thả xuống làm mặt nước lung linh huyền ảo đến lạ kỳ. Khách sạn của chúng tôi nằm ngay gần phố cổ, đi bộ khoảng 5 phút. Chúng tôi trở về khách sạn đã hơn 11 giờ đêm.

- Đi ngủ thôi, ngày mai mình ở lại Hội An 1 ngày, sáng mai đến thăm nhà chú Long sau đó đi lượn thành phố Đà Nẵng, ra bán đảo Sơn Trà, tối về Hội An. Vợ tôi bảo vậy.

- OK, em có nhớ đường vào nhà chú Long không?

- Em không chắc lắm vì thành phố thay đổi nhiều quá, em sẽ gọi điện cho chú lấy địa chỉ rồi có cô google dẫn, lo gì.

Cái gì chứ tìm đường thì vợ tôi là số 1, tôi thì ngược lại. Ai đời, ở Hà Nội mấy chục năm mà cứ đi lạc luôn, đi vào một khu phố hay một làng nào đó đến lúc đi ra là không tìm lại được đường, nên đi đâu cũng phải khụ khị vợ đi cùng. Nghĩ lại, tôi là kẻ thật hạnh phúc, vì bao nhiêu khiếm khuyết của tôi thì vợ tôi lại rất xuất sắc để bù đắp thành ra chúng tôi trở thành một cặp đôi tròn trịa.

Đi thuyền thả đèn hoa đăng trên sông Hoài Hội An trong đêm 2.1.2020.

Mời các bạn xem tiếp Episode 3:

https://hahoangkiem.com/van-hoc/ky-su-phuot-xuyen-viet-episode-3-hoi-an-son-tra-hoi-an-da-nang-3855.html

 

 


CHIA SẺ BÀI VIẾT

Bài cùng chủ đề

Bài về chủ bút

    Tinh hoa nhân loại

      Khoa học

        Văn học

          SÁCH CỦA TÔI