Đến biển vào mùa đông
Ký sự ảnh của Hà Hoàng Kiệm
Ngày thứ 7 (12.12.2015) Bệnh viện 103 (ba lần anh hùng lực lượng vũ trang) tổ chức kỷ niệm 65 năm ngày thành lập (20.12.1950-20.12.2015) và đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh. Bộ môn –Khoa đón các cán bộ nhân viên cũ đã nghỉ hưu hoặc chuyển cơ quan khác trở lại Bộ môn-Khoa trong không khí thật ấm cúng. Mọi người đều rất vui mừng trước sự trưởng thành của Bộ môn-Khoa.
Đội kéo co của Bộ môn-Khoa Phục hồi chức năng kết hợp cùng Khoa ung bướu và xạ trị đã đạt giải ba toàn Bệnh viện trong đợt hoạt động chào mừng kỷ niệm 65 năm ngày thành lập bệnh viện.
Cán bộ, nhân viên Bộ môn-Khoa Phục hồi chức năng hiện đang công tác và đã nghỉ hưu trong ngày 12.12.2015, kỷ niệm 65 năm thành lập bệnh viện.
Hôm sau là ngày chủ nhật, trời lạnh 16 độ, trời nhiều mây âm u, đi đâu để thư giãn một chút mà chỉ có 1 ngày nhỉ? Theo gợi ý của vợ, đường cao tốc Hà Nội-Hải phòng mới khánh thành ngày 5.12.2015 (khởi công ngày 2.2.2009) được nói là con đường hiện đại nhất Việt Nam, thử đi và cảm nhận xem sao, nhân tiện ra đảo Cát Bà vào mùa đông có lẽ thú vị đấy. Thế là 7 giờ sáng chủ nhật chúng tôi xuất phát, con đường cao tốc với 3 làn đường mỗi chiều tốc độ tối đa cho phép 120km/h thật đẹp và thú vị. Khác với con đường cao tốc Hà Nội – Lào Cai chỉ đạt tốc độ tối đa 100km/h mặt đường lên xuống như sóng biển thì con đường này độ cao mặt đường khá ổn định. Con đường cao tốc dài 105,5km chỉ đi hết có 1 giờ đồng hồ, vì phí khá đắt (1500đ/km với xe 4 chỗ, đi toàn tuyến hết 160 000đ) nên các xe tải, xe contener, xe khách hầu như không đi vào, chỉ có rất ít xe con nên khá thoáng. Đoạn đường từ nhà vượt qua cầu Thanh trì để vào cao tốc cách mố bắc cầu 1,025km, chúng tôi đi mất 1 giờ như vậy chỉ 2 tiếng đồng hồ sau, tức là 9 gờ sáng chúng tôi đã có mặt ở cảng Đình Vũ, An Hải, Hải Phòng. Đầu vào phía Hà Nội và Hải Phòng, lái xe chỉ việc bấm nút lấy thẻ mà không cần có nhân viên phát thẻ như ở đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai để đến đầu ra quẹt thẻ trả tiền. Đầu phía Hải Phòng có trạm cân để kiểm soát tải trọng các xe lưu thông. Dọc đường có các camera theo dõi lỗi các xe và kiểm soát tốc độ xe lưu thông. Đúng là con đường hiện đại thật. Vì chỉ có 105km nên chưa thấy có trạm dừng nghỉ giữa đường, không có trạm xăng (có thể trạm dừng nghỉ sẽ xây dựng sau chăng), nên trước khi vào cao tốc phải kiểm tra lượng xăng cẩn thận.
Con đường tuyệt đẹp, mặc dù cây cối hai bên đường chưa được trồng, nhưng quang cảnh dân cư và thiên nhiên hai bên đường cũng rất tuyệt.
Lên tàu cao tốc ở Đình Vũ vượt biển đến đảo Cát Bà mất khoảng 30 phút đồng hồ nữa. Một công trình được trông đợi là cầu vượt biển từ Tân Vũ ra cảng Lạch Huyện, đảo Cát Hải dài 5,44km, đường dẫn hai đầu dài 10,19km, đã xong các mố cầu. Nhìn các mố cầu mọc lên từ biển tôi đang tưởng tượng tới ngày hoàn thành có thể đi xe thẳng từ Hà Nội ra đảo Cát Hải. Từ Cát Hải sang Cát Bà phải qua một phà ngắn 20 phút rồi đi theo con đường xuyên đảo Cát Bà – Cát Hải với chiều dài 35 km, có nhiều đèo dốc quanh co, xuống khoang, qua áng, xuyên qua vườn quốc gia với nhiều phong cảnh kỳ thú được xây dựng trong 7 năm, từ năm 1980 đến 1987 chạy từ Ninh Tiếp, Cát Hải sang Cát Bà mà chúng tôi đã có dịp một lần tự lái xe đi qua rất thú vị.
Tới đảo Cát Bà trời đổ mưa, một cơn mưa ngắn nhưng bầu trời âm u. Ngồi trong quán uống café chờ tạnh mưa cũng thú vị. Mùa đông hầu như không thấy khách du lich Việt chỉ có khách tây, Hàn Quốc, Trung Quốc, các cửa hàng đều rất vắng. May quá vắng thế này chắc đồ ăn rẻ vì khi đổ xăng cho xe, chúng tôi mới giật mình vì quên ví tiền ở nhà, trong túi hai vợ chồng dồn lại chỉ còn có 2 triệu, đổ xăng hết 500 000đ rồi, còn phải dự phòng đi đường nhỡ vi phạm tốc độ bị phạt thì gay go. Cuối cùng chúng tôi cũng có cách, cách gì mời các bạn theo dõi tiếp nhé.
Chúng tôi thuê một chiếc xe máy 100 000đ lên pháo đài tham quan, rất thú vị.
Cùng các đồng đội pháo binh đứng trên mâm pháo canh giữ biển cũng là một nhiệm vụ thú vị đấy chứ.
Các con đường luồn lách trên pháo đài tuyệt đẹp. Mải mê ngắm cảnh đẹp nhưng nghĩ tới số tiền còn trong túi lại giật mình. Ở đây người dân chăn thả rất nhiều dê, giá thịt dê 250 000đ/1kg hơi, một con dê nuôi từ lúc đẻ sau 6 tháng được khoảng 50-60kg, như vậy có thể bán được 12-15 triệu đồng. Xin đi chăn dê thuê kiếm vài trăm ngàn ăn trưa cũng là một sáng kiến hay.
Nhờ chăm chỉ lại dịu dàng nên nhanh chóng làm quen được với đàn dê, chúng xúm lại ăn, chủ đàn đê thưởng cho khá hậu hĩnh. Sau đó chúng tôi đi xe máy lượn khắp đảo ra bãi tắm Cát cò 1 rồi Cát cò 2, khách tây họ vẫn tắm biển và phơi mình trên cát trong mùa đông.
Đã đến lúc phải ăn trưa rồi, chúng tôi ra chợ cảng, thuyền của ngư dân cũng vừa cập bến, nhờ vợ tôi là một người rất khéo tổ chức các chuyến đi như thế này, chỉ mất 50 000đ để mua một mớ ghẹ khoảng hơn 10 con to, vài con nhỡ nhỡ nữa và 50 000đ được một mớ bề bề khá nhiều, chất đầy ba bát to, quá rẻ, mới chỉ hết có 100 000đ. Chọn một quán mà có nhiều khách Tây ngồi ăn vì theo kinh nghiệm của vợ tôi mùa này ít khách nên các quán không ngon và dễ bị chặt chém, những cửa hàng mà người Tây đến bao giờ cũng niêm yết giá rõ ràng, phong cách phục vụ lịch sự và giá cả thường không đắt, ví dụ 1 chai nước Lavi nhỏ giá ở các nhà hàng này chỉ 7 000đ còn các chỗ khác đều bán 10 000đ. Các quán này lại khá yên tĩnh vì người tây rất biết tôn trọng những người xung quanh nên họ chỉ nói đủ cho nhau nghe mà không ồn ào, không có tiếng dô dô ầm ỹ. Sau khi chọn một quán, tôi xung phong vào bếp giúp chủ quán vì ở nhà tôi vẫn thường vào bếp giúp vợ nên tay nghề cũng khá, thế là họ miễn phí luôn chế biến món ghẹ và bề bề của chúng tôi. Số ghẹ và bề bề ăn không hết chúng tôi còn mang về một túi, rời khỏi quán chỉ phải thanh toán 100 000đ mà ăn khá thoái mái và thịnh soạn đồ biển nữa chứ. Thấy bàn của chúng tôi chất đầy ghẹ và bề bề nên vài cặp khách tây mới vào cũng gọi luôn hai món này vì nghĩ là ngon và rẻ. Các món này không có trong thực đơn nên nhà hàng phải chạy ra chợ cảng mua. Nhìn sang tôi thấy cặp tây nào cũng mang theo hai chiếc bánh mỳ và một chai nước, vào quán họ mua và ăn rất chọn lọc và ít, điều này chũng đáng học tập lắm chứ.
Ăn xong chúng tôi thuê một chiếc thuyền máy, chỉ hết có 200 000đ, bình thường ngày hè thuê một chiếc thuyền như vậy phải hết 800 000đ, chúng tôi đi dạo khắp vịnh Lan Hạ, ghé đảo khỉ, đảo Cát Ông, thăm các làng chài, thích nhất là chụp ảnh mấy chiếc thuyền câu mực. Tặng mọi người mấy bức ảnh cảnh biển Lan Hạ, Hạ Long nhé.
Biển Lan Hạ tuyệt đẹp nhìn từ trên pháo đài, một chiếc đò bán các nhu yếu phẩm cho các cư dân nuôi trồng thủy hải sản trên biển.
Men theo các đảo đá là các bè nuôi trồng thủy hải sản, cư dân trên các bè nuôi rất nhiều chó, thấy thuyền của chúng tôi chúng chạy lăng xăng và sủa ầm ỹ.
Tôi rất thích ngắm những con thuyền câu mực được giăng những chùm đèn quả nhót và chằng chịt dây.
Chúng tôi cũng đã một lần đến bãi biển Sầm Sơn vào mùa đông, khác với Cát Bà, Sầm Sơn xô bồ nên không có khách tây, mùa đông khách Việt không có nên bãi biển vắng tanh, các nhà hàng đều phủ bạt nghỉ, các khách sạn đều đóng cửa, không tìm được nơi nghỉ chúng tôi phải dạo chơi rồi quay về thành phố Thanh Hóa để nghỉ đêm. Ở Cát Bà luôn có khách nước ngoài, nên tuy không có khách Việt các cửa hàng vẫn mở, khách sạn vẫn đón khách với giá cực rẻ, chỉ 5USD/người cho một ngày đêm (tương đương 250 000VND cho 1 phòng 2 người) với khách sạn 3 sao, nếu ngày hè thì giá có thể tới 1 500 000VND hoặc hơn. Ở các chợ hải sản không có khách mua nên mua mớ mà không cần cân, giá rẻ bất ngờ.
Chuyến tàu cao tốc cuối cùng trong ngày trở về đất liền là 16h15 chúng tôi phải lên bờ để kịp trở về trong ngày vì ngày mai còn tiếp tục đi làm việc, ăn tối trước khi vào cao tốc. Về tới nhà mới 19h còn kịp xem chương trình thời sự ở nhà. Kết thúc 1 ngày thật thú vị, kiểm lại trong túi vẫn còn gần 1 triệu đồng (chính xác là 800 000đ), cả chuyến đi khám phá hết những chỗ nên khám phá của đảo Cát Bà chỉ hết có 1,2 triệu đồng thật thú vị. Học tập Tây đi du lịch mình có thể đi được rất nhiều nơi mà ít tốn tiền, cũng thú vị đấy chứ.