U mạch cơ mỡ thận (renal angiomyolipoma)

Cập nhật: 31/08/2020 Lượt xem: 9246

U mạch cơ mỡ thận (renal angiomyolipoma)

1. Các u thận lành tính thường gặp bao gồm

- U tuyến thận (adenoma). Mời đọc bài: https://hahoangkiem.com/benh-than-tiet-nieu/u-tuyen-than-3889.html

- U tế bào hạt thận (renal oncocytom). Mời đọc bài: https://hahoangkiem.com/benh-than-tiet-nieu/oncocytoma-than-u-te-bao-bieu-mo-hat-3888.html

- U mạch cơ mỡ thận (renal angiomyolipoma). Mời đọc bài: https://hahoangkiem.com/benh-than-tiet-nieu/u-mach-co-mo-than-3890.html

- Các u thận lành tính khác ít gặp hơn bao gồm: bệnh nang thận mắc phải, u cơ trơn, u máu, u mỡ, u tế bào cận cầu thận. Mời đọc bài: https://hahoangkiem.com/benh-than-tiet-nieu/cac-u-than-lanh-tinh-it-gap-3887.html

2. U mạch cơ mỡ thận (renal angiomyolipoma)

U mạch cơ mỡ thận là u lành tính được Fisher phát hiện năm 1911 và đựơc Morgan đặt tên và được sử dụng cho đến hiện nay.

Khác với các loại u xuất hiện lẻ tẻ, thể xơ củ (tuberous sclerosis) được Bourneville mô tả năm 1880, bao gồm các triệu chứng: chậm phát triển trí tuệ, động kinh, u tuyến bã đậu ở mặt và u mạch cơ mỡ thận.

Mặc dầu chẩn đoán u bằng các xét nghiệm hình ảnh có nhiều thuận lợi do các đặc điểm mô học, các nghiên cứu về di truyền và các chất đánh dấu đang được quan tâm. Cần chú ý là một tỷ lệ nhỏ u mạch cơ mỡ thận có xu hướng chuyển thành ác tính.

Về điều trị, nguyên tắc là theo dõi và điều trị bảo tồn chức năng thận là chính, trừ khi u phát triển quá to hoặc gây chảy máu nặng nguy hiểm cho bệnh nhân.

1. Dịch tễ học

U mạch cơ mỡ thận là một u lành tính hiếm gặp chiếm 0,3% các u thận, theo thống kê mổ tử thi (Hajdu, 1969) nhưng chiếm 3% theo các thống kê phẫu thuật (Jardin, 1980). Tuổi bệnh nhân đến khám từ 40 đến 70, tỷ lệ bệnh nhân nữ là 80% (Bardot, 1992).

Có hai loại thể bệnh:

- Thể xơ củ chiếm 20% các u mạch cơ mỡ thận, ở 1 thận hay 2 thận, thường hay phát triển to và gây chảy máu. Mời xem thêm bài Bệnh xơ củ: http://hahoangkiem.com/benh-khac/benh-xo-cu-3891.html

- Loại u xuất hiện lẻ tẻ, chiếm 80% các u mạch cơ mỡ thận, có xu hướng xuất hiện muộn hơn và ít gây biến chứng hơn.

Có nhiều thụ thể của progesterone và estrogen đựơc tìm thấy ở nhân tế bào cơ trơn của u.

Trong phức hợp xơ củ có 2 gen đựơc tìm thấy là gen TSC1 ở nhiễm sắc thể 9 và gen TSC2 ở nhiễm sắc thể 16, có sản xuất chất tuberin. Di truyền theo kiểu autosom trội, nhưng lại xuất hiện bất thường, chỉ cần hoặc bố hoặc mẹ di truyền cho con.

Trong u mạch cơ mỡ xuất hiện lẻ tẻ, gen TSC2 chỉ đựơc tìm thấy trên 10% các u. có thể loại u này còn phụ thuộc vào các gen khác nữa.

2. Giải phẫu bệnh

U xuất hiện ở một vị trí hay nhiều vị trí trong nhu mô thận, kích thước u có giới hạn nhưng không có vỏ bọc.

U có màu vàng của mô mỡ hay màu hồng sẫm nếu thành phần cơ trơn chiếm ưu thế, kèm theo các  đám xuất huyết. U có thể vỡ gây chảy máu sau phúc mạc.

Tỷ lệ tham gia của các thành phần mô mỡ, mạch máu và cơ trơn rất khác nhau. Các thành mạch dày, nhưng chứa ít elastin, dễ vỡ. Hiện nay, người ta chú ý về dạng epitheloid của u. Đây là một hình thái chuyển sang ác tính và di căn, khác với tính đa cực khi u gặp ở nhiều vị trí trong cơ thể.

Để phân biệt các dạng u mạch cơ mỡ thận với ung thư tế bào thận về mô học, người ta sử dụng phương pháp nhuộm với HMB - 45, luôn dương tính trong u mạch cơ mỡ.

Khác với ung thư tế bào thận, u mạch cơ mỡ rất hiếm khi có vôi hóa trong nhu mô thận.

3. Chẩn đoán

3.1. Lâm sàng

Bệnh nhân đến thăm khám thường là nữ, độ tuổi 40, có những triệu chứng sau:

Đau bụng và thắt lưng (80%), u thận to (50%), đái ra máu (25%), chảy máu sau phúc mạc (30%), tăng huyết áp (20%), thiếu máu (20%), suy thận (5%), nhiễm khuẩn niệu (5%), theo Steiner, 1993.

Khi có bệnh xơ củ, u xuất hiện ở 1 hay 2 thận, gây suy thận nếu u phát triển quá to.

3.2. Chẩn đoán hình ảnh

Chẩn đoán hình ảnh có độ tin cậy cao và còn giúp chẩn đoán sớm khi chưa có triệu chứng hoặc khi chỉ có triệu chứng nhẹ như mệt mỏi, sốt, buồn nôn, đái máu vi thể.

Siêu âm cho thấy hình ảnh tăng âm của mô mỡ rất đặc hiệu.

Hình 1. Siêu âm hình ảnh u cơ mỡ mạch thận tăng phản âm do nhiều tế bào mỡ.

Chụp cắt lớp vi tính phát hiện tỷ trọng của mỡ từ - 15 đến - 80 đơn vị Hounsfield, với độ chính xác gần 90% các trường hợp.

Chụp động mạch thận hiện nay không cần thiết, trừ khi để chuẩn bị làm tắc mạch điều trị.

4. Điều trị

Điều trị dựa vào các triệu chứng, hoàn cảnh bệnh nhân và kích thước của u.

Theo Steiner, các u dưới 4cm và không có triệu chứng chỉ cần theo dõi định kỳ 6 tháng và hàng năm.

Đối với các u to trên 4cm và có triệu chứng, có thể chọn kỹ thuật cắt thận bán phần hay làm tắc mạch chọn lọc.

Đối với bệnh nhân có thai, việc điều trị có khi cần thiết, để tránh tai biến lúc sinh đẻ.

Việc cắt bỏ thận hiện nay rất hạn chế. Khi thận bên đối diện còn hoạt động tốt, cắt bỏ thận chỉ đặt ra khi rõ ràng có ung thư được xác định bằng sinh thiết tức thì hay khi chảy máu nặng mà không cầm đựợc bằng tắc mạch chọn lọc.

U mạch cơ mỡ thận là u lành tính, chỉ trừ một tỉ lệ rất nhỏ có xu hướng ác tính.

Thể loại xơ củ trong bệnh lý này thường gây u thận 2 bên, tạo nên nhiều biến chứng hơn loại u xuất hiện lẻ tẻ.

Những tiến bộ trong những năm gần đây là chẩn đoán di truyền, phát hiện chất đánh dấu phân tử HMB - 45, chẩn đoán chính xác về mô học và các phương pháp điều trị bảo tồn, trong đó có tắc mạch chọn lọc.

Hình 2. U cơ mỡ mạch thận trước (hình trái) và sau (hình phải) nút mạch chọn lọc (ảnh chụp động mạch thận chọn lọc).

Hình 3. Mô hình cắt bán phần thận để điều trị U cơ mỡ mạch thận.

PGS.TS. Hà Hoàng Kiệm, BV 103, HVQY.


CHIA SẺ BÀI VIẾT

Bài cùng chủ đề

Bệnh thận - Tiết niệu

    Bệnh tim mạch

      Bệnh cơ-xương-khớp

        Bệnh nội tiết-chuyển hóa

          Bệnh tiêu hóa

            Bệnh phổi - phế quản

              Bệnh Thần kinh - Tâm thần

                Bệnh truyền nhiễm

                  Bệnh nhi khoa

                    Cận lâm sàng

                      Bệnh khác

                        Thuốc

                          Vật lý trị liệu

                            Phục hồi chức năng

                              Tư vấn và Chia sẻ thông tin

                                Sách đã xuất bản của Hà Hoàng Kiệm

                                  Bài báo khoa học

                                    SÁCH CỦA TÔI