PGS.TS. Hà Hoàng Kiệm, BV 103
Hiện nay các cơ sở y tế thường dùng phương pháp xét nghiệm nước tiểu bằng que nhúng có 10 chỉ tiêu. Đây là test nhanh, tiện lợi, cho biết nhiều thông số, và bán định lượng.
Que nhúng nước tiểu dựa trên nguyên tắc sử dụng sự thay đổi màu sắc để chỉ thị các thành phần hóa học cũng như các đặc tính của nước tiểu.
Kỹ thuật: que giấy thử được nhúng toàn bộ phần có thuốc thử vào nước tiểu. Nước tiểu phải mới lấy, được trộn đều và không quay ly tâm. Sau khi nhúng được lấy ra ngay, gạt cạnh giấy thử lên thành lọ để gạt bớt lượng nước tiểu dư. Đọc kết quả có hai cách thủ công hoặc dùng máy
Đọc thủ công: trên thành lọ đựng que nhúng có bảng chỉ thị màu cho từng thông số, đặt que nhúng bên cạnh để so màu, màu sắc trên que nhúng tương ứng với mức màu nào thì cho kết quả của mức màu đó.
Đọc trên máy: đặt que nhúng vào máy, máy sẽ đọc kết quả và in ra kết quả. Phương pháp này đảm bảo chính xác hơn là đọc thủ công.
Để có kết quả bán định lượng đúng nhất, nên đọc kết quả vào đúng thời gian chỉ định cho từng loại thử nghiệm đã được sắp xếp để đọc tính từ lúc lấy giấy ra khỏi nước tiểu theo thứ tự như sau: Glucose và bilirubin 30 giây; Ketones 40 giây; Tỉ trọng (SG) 45 giây; Hồng cầu 50 giây; pH, Protein, Urobilingen, Nitrite 60 giây; Bạch cầu 2 phút. Nếu chỉ cần định tính (dương hay âm tính) thì tất cả các thông số thử nghiệm (ngoại trừ bạch cầu) đều có thể đọc trong khoảng giữa 1-2 phút.
Nguyên lý, ý nghĩa lâm sàng của các thông số:
1. Glucose (Glu)
+ Nguyên lý: Gluconic acid và Hydrogen peroxide được tạo thành từ Glucose dưới xúc tác của Glucose oxidase. Hydrogen peroxide phản ứng với chất màu Iodide potassium dưới xúc tác của Peroxidase tạo ra màu từ xanh lá đến nâu.
+ Độ nhạy: 75-125 mg/dl Glucose
+ Tính năng: Thử nghiệm đặc trưng riêng cho Glucose. Không có chất nào bài tiết qua nước tiểu cho kết quả dương tính. Không phản ứng với các đường khác như Lactose, Galactose, Fructose hay các chất chuyển hóa của thuốc.
+ Ý nghĩa lâm sàng: Bình thường nước tiểu âm tính với Glucose, nếu dương tính gặp trong bệnh đái tháo đường, hoặc giảm ngưỡng thận.
2. Bilirubin (Bili)
+ Nguyên lý: Bilirubin kết hợp Diazotized Dichloroanilin tạo ra màu xám nâu
+ Độ nhạy: 0,4-0,8 mg/dl Bilirubin.
+ Tính năng: Thử nghiệm ít nhạy hơn phản ứng viên thuốc ICTOTEST
+ Ý nghĩa lâm sàng: Bình thường không có bilirubin trong nước tiểu, khi có từ vết trở lên là bất thường.
3. Ketones (Ket)
+ Nguyên lý: Acetoacetic acid kết hợp với Nitroprusside tạo ra màu hồng
+ Độ nhạy: 5-10mg/dl Acetoacetic acid
+ Tính năng: Thử nghiệm không phản ứng với Acetone và beta-hydroxybutyric acid.
+ Ý nghĩa lâm sàng: Xuất hiện Ketones nước tiểu khi nhịn đói, thai nghén, lao động nặng, bất thường chuyển hóa đường, mỡ.
4. Tỉ trọng (SG)
+ Nguyên lý: Với sự hiện diện của chất chỉ thị màu, nồng độ các chất điện ly tạo ra các màu từ xanh lục đến vàng nâu.
+ Độ nhạy: 1,000-1,030
+ Tính năng: Kết quả so sánh được và lặp lại từng 0,005 so với phương pháp khúc xạ kế.
+ Ý nghĩa lâm sàng: Nước tiểu ngẫu nhiên có tỉ trọng 0,003-0,030. Nước tiểu 24 giờ có tỉ trọng thay đổi trong khoảng 1,016-1,022.
5. Máu (Blo)
+ Nguyên lý: Hemoglobin phản ứng với Cumene hydroperoxide và 3,3’-5,5’-tetramethylbenzidine tạo ra màu từ cam đến xanh lục đến xanh đậm.
+ Độ nhạy: 0,015-0,062 mg/dl (5-20 hồng cầu/microlit)
+ Tính năng: Thử nghiệm nhạy hơn với Hemoglobin và Myoglobin tự do so với hồng cầu nguyên vẹn (có xuất hiện các điểm xanh lục trên giấy thử).
+ Ý nghĩa lâm sàng: Mọi kết quả dương tính đều là bất thường dù là từng điểm xanh (hồng cầu nguyên vẹn), hay màu xanh đều khắp (Hemoglobin).
6. pH
+ Nguyên lý: Chất chỉ thị màu kép cho một gam màu trên vùng pH của nước tiểu
+ Độ nhạy: 5-8,5
+ Tính năng: Cho phép xác định pH theo từng đơn vị pH trong khoảng đo được.
+ Ý nghĩa lâm sàng: pH nước tiểu trong khoảng 5-9 đều có thể bình thường hay bệnh lý.
7. Protein (Pro)
+ Nguyên lý: Tại một pH cố định, sự hiện diện của đạm (protein) tạo ra màu xanh lục do nguyên tắc nhầm lẫn chỉ thị màu. Nhầm lẫn chỉ thị màu có thể được hiểu như sau: dung dịch có pH là A thì chỉ thị màu sẽ cho màu A', nhưng trong dung dịch có protein làm chỉ thị màu chuyển nhầm sang màu xanh lục mà không phải là màu A' như bình thường..
+ Độ nhạy: 15-30mg/dl Albumin
+ Tính năng: Thử nghiệm nhạy hơn với Albumin và ít nhạy với Globulin, Hemoglobin, protein Bence-Jones, protein và Mucoprotein. Một kết quả âm tính không loại trừ khả năng hiện diện các chất trên.
+ Ý nghĩa lâm sàng: Mọi kết quả dương tính nhiều hơn vết đều là bất thường.
8. Urobilinogen (Uro)
+ Nguyên lý: p-diethylaminobenzaldehyde phản ứng với Urobilinogen với sự hiện diện của một chất thúc đẩy màu tạo ra màu hồng đỏ.
+ Độ nhạy: 0,2mg/dl Urobilinogen (0,2 đơn vị Ehrlich/l)
+ Tính năng: Không thể xác định tình trạng hoàn toàn không có Urobilinogen trong nước tiểu.
+ Ý nghĩa lâm sàng:bình thường có 0,2-1,0mg/dl.
9. Nitrite (Nit)
+ Nguyên lý: Nitrate từ thức ăn bị chuyển hóa bởi vi khuẩn Gram (-) trong nước tiểu thành Nitrite. Nitrite phản ứng với p-arsanilic tạo thành phức hợp doazonium và kết hợp với 1,2,3,4-tetrahydrobenzoquinolin-3-ol tạo ra màu hồng.
+ Độ nhạy: 0,06-0,1mg/dl ion Nitrite.
+ Tính năng: Phản ứng đặc trưng cho Nitrite, không phản ứng dương tính với chất nào khác được bài tiết ra nước tiểu.
+ Ý nghĩa lâm sàng: Bình thường không hiện diện nitrite trong nước tiểu, dương tính khi có nhiễm khuẩn nước tiểu.
10. Bạch cầu (Leu)
+ Nguyên lý: Men Esterase của bạch cầu hạt xúc tác sự thủy phân Pyrrole-amino-acid Ester tạo ra một Pyrrol khác phản ứng với muối Diazonium tạo ra màu tím.
+ Độ nhạy: tương đương 5-15 bạch cầu/vi trường có độ phóng đại 40.
+ Tính năng: Đặc trưng cho Esterase của bạch cầu, ngay cả khi bạch cầu bị ly giải.
+ Ý nghĩa lâm sàng: Mọi kết quả dương tính đều là bất thường.