Giá trị chẩn đoán của trụ hình niệu

Cập nhật: 17/04/2014 Lượt xem: 26003

PGS.TS. Hà Hoàng Kiệm, BV 103

Chú thích: a trụ hyalin, b trụ hồng cầu, c trụ tế bào (chứa tb ống thận), d trụ hạt, e trụ sáp, f trụ mỡ.

              Trong thực hành lâm sàng, xét nghiệm cặn nước tiểu là một xét nghiệm thường quy. Trong xét nghiệm này trụ hình niệu là một dấu hiệu quan trọng giúp cho chẩn đoán. Nhưng rất nhiều bạn sinh viên còn hiểu mơ hồ về các loại trụ trong nước nước tiểu và ý nghĩa của nó. Vì vậy chúng tôi viết bài này hy vọng cung cấp được các thông tin cần thiết.

1. Trụ hình niệu là gì?

               Nó là một thể có hình trụ nhìn thấy khi soi tươi nước tiểu dưới kính hiển vi quang học. Có nhiều loại trụ tùy theo thành phần có trong thể hình trụ đó:

+ Trụ trong: hay còn gọi là trụ hyalin, là thể hình trụ trong như thạch, không có thành phần hữu hình gắn trong đó.

+ Trụ hạt: thể hình trụ thấy có nhiều chấm đen như hạt vừng bên trong trụ, đó là nhân hoặc mảnh nhân các tế bào ống thận thoái hóa.

+ Trụ mỡ: bên trong trụ thấy có nhiều giọt lipid.

+ Trụ bạch cầu: bên trong trụ thấy có nhiều bạch cầu đa nhân, có thể có cả bạch cầu đa nhân thoái hóa.

+ Trụ hồng cầu: bên trong trụ thấy có nhiều hồng cầu biến dạng, méo mó.

+ Trụ hạt màu nâu bẩn: là trụ hạt nhưng có màu nâu bẩn do hemoglobin trong hồng cầu bị phá hủy và các chất hoại tử từ ống thận gây ra.

2. Trụ hình thành như thế nào?

               Bình thường tế bào ở nhánh lên phần dày của quai Helle tiết ra một loại glucoprotein gọi là protein Tamm-Horsfall hay uromodulin. Protein Tamm-Horsfall có trọng lượng phân tử 68 kDa, được tiết ra khoảng 150mg/ngày và nó là thành phần chính trong protein có trong nước tiểu người bình thường. Khi thận (ống-kẽ thận hoặc cầu thận) bị viêm kích thích làm tế bào ống thận nhánh lên tăng tiết protein Tamm-Horsfall, khi nồng độ của nó tăng lên nhiều cùng với điều kiện pH nước tiểu thích hợp các phân tử protein Tamm-Horsfall chùng hợp thành các phân tử lớn rồi bị đông đặc và đúc khuân trong ống lượn xa hoặc ống góp đó là các thể hình trụ. Nếu lẫn trong dòng nước tiểu của ống thận có các thành phần hữu hình thì các thành phần này cũng bị bị đúc khuân cùng protein Tamm-Horsfall chẳng hạn hồng cầu lọt từ cầu thận xuống sẽ tạo thành trụ hồng cầu, bạch cầu do viêm ống-kẽ thận tạo thành trụ bạch cầu… nếu không có thành phần hữu hình thì là trụ trong (trụ hyalin). Khi trụ bong khỏi thành ống thận và trôi xuống bể thận theo nước tiểu ra ngoài thì ta quan sát thấy trong nước tiểu.

3. Ý nghĩa lâm sàng của trụ hình niệu

+ Số lượng trụ nhiều hay ít trong nước tiểu không có giá trị chẩn đoán bệnh nặng hay nhẹ, vì khi rất nhiều trụ được hình thành gây bít tắc ống thận là lúc bệnh đang tiến triển, nhưng nó chưa bong khỏi ống thận thì nước tiểu rất ít trụ, nhưng khi bệnh lui tế bào ống thận hồi phục, trụ bong ra và trôi theo nước tiểu với số lượng nhiều lại là lúc bệnh nhẹ. Vì vậy số lượng trụ trong nước tiểu nhiều hay ít không có giá trị lâm sàng.

+ Loại trụ có ý nghĩa định hướng chẩn đoán nguyên nhân bệnh:

- Trụ trong (trụ hyalin) ít ý nghĩa, có thể phản ánh thận có vấn đề, cần kết hợp với triệu chứng lâm sàng.

- Trụ hạt thường gặp trong viêm cầu thận mạn, nhưng không đặc hiệu.

- Trụ bạch cầu thường gặp trong viêm thận-bể thận mạn, rất có giá trị vì chỉ có viêm ống-kẽ thận thì mới tăng bạch cầu đào thải trong ống thận, còn nếu chỉ nhiễm khuẩn bể thận thì bạch cầu không thể có trong trụ, vì trụ hình thành ở ống thận.

- Trụ hồng cầu rất có giá trị chẩn đoán bệnh lý là ở cầu thận, giá trị của trụ hồng cầu tương đương với soi nước tiểu thấy nhiều hồng cầu biến dạng, nói lên hồng cầu lọt ra nước tiểu là từ cầu thận không phải từ đường tiết niệu.

- Trụ hạt màu nâu bẩn thường gặp trong suy thận cấp do ống thận bị hoại tử, chất hoại tử và hemoglobin thoái hóa trộn vào trụ gây ra màu nâu bẩn.

- Trụ mỡ hay gặp trong hội chứng thận hư vì hội chứng thận hư cầu thận để lọt nhiều lipid chủ yếu là cholesterol.

+ Kích thước của trụ: nếu trên 2/3 số lượng trụ (bất kỳ loại trụ gì) có kích thước lớn (đường kính lớn hơn 2 lần đường kính của một bạch cầu đa nhân) thì rất có giá trị chẩn đoán đây là suy thận mạn mà không phải suy thận cấp, vì khi suy thận mạn những nephron còn chức năng sẽ tăng kích thước và tăng hoạt động chức năng để bù cho các nephron bị xơ hóa, làm ống thận to ra, khuân to thì sản phẩm đúc từ khuân đó sẽ to. Ngược lại khi suy thận cấp, tế bào ống thận bị hoại tử, phù nề làm lòng ống hẹp, trụ sẽ không thể to được và thường có màu nâu bẩn do lẫn các chất hoại tử của ống thận.


CHIA SẺ BÀI VIẾT

Bài cùng chủ đề

Bệnh thận - Tiết niệu

    Bệnh tim mạch

      Bệnh cơ-xương-khớp

        Bệnh nội tiết-chuyển hóa

          Bệnh tiêu hóa

            Bệnh phổi - phế quản

              Bệnh Thần kinh - Tâm thần

                Bệnh truyền nhiễm

                  Bệnh nhi khoa

                    Cận lâm sàng

                      Bệnh khác

                        Thuốc

                          Vật lý trị liệu

                            Phục hồi chức năng

                              Tư vấn và Chia sẻ thông tin

                                Sách đã xuất bản của Hà Hoàng Kiệm

                                  Bài báo khoa học

                                    SÁCH CỦA TÔI