Viêm đường tiết niệu thấp

Cập nhật: 17/04/2014 Lượt xem: 8411

Viêm đường tiết niệu thấp

Trích từ cuốn "Thận học lâm sàng, NXB YH. 2010 " của PGS.TS. Hà Hoàng Kiệm, BV 103 

1. Đại cương
1.1. Định nghĩa

            Viêm đường tiết niệu thấp là bệnh viêm do vi khuẩn xảy ra ở bàng quang và niệu đạo. Vi khuẩn thường xâm nhập theo đường ngược dòng vào niệu đạo rồi tới bàng quang. Quá trình viêm thường xảy ra cấp tính, nếu viêm mạn tính thì thường kết hợp với viêm thận-bể thận mạn do vi khuẩn xâm nhập ngược dòng từ bàng quang lên niệu quản rồi bể thận.

1.2. Bệnh sinh

             Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi và ở cả hai giới, nhưng phụ nữ thường gặp nhiều hơn nam giới, trẻ em và người cao tuổi gặp nhiều hơn thanh niên. Vi khuẩn thường gặp là vi khuẩn đường ruột. Ban đầu vi khuẩn xâm nhập vào niệu đạo, rồi tới bàng quang. Nếu vi khuẩn chỉ dừng lại và gây viêm ở niệu đạo, được gọi là viêm niệu đạo. Nếu vi khuẩn xâm nhập vào bàng quang gây viêm, được gọi là viêm bàng quang.
Do đặc điểm cấu trúc giải phẫu, niệu đạo của phụ nữ ngắn và tương đối thẳng, nên vi khuẩn dễ xâm nhập và đi vào bàng quang hơn ở nam giới. Vì vậy, tỉ lệ nữ bị viêm đường tiết niệu thấp cao hơn ở nam giới. Nam giới nhiều tuổi, thường có phì đại tuyến tiền liệt gây ứ đọng nước tiểu trong bàng quang, là điều kiện thuận lợi cho viêm đường tiết niệu thấp. Phụ nữ sau tuổi mãn kinh, âm hộ dễ bị viêm do khô và niêm mạc mỏng vì giảm estrogen, cũng là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn dễ xâm nhập vào niệu đạo. Phụ nữ trẻ, sau giao hợp cũng dễ bị viêm đường tiết niệu thấp, do vi khuẩn từ đường sinh dục xâm nhập vào niệu đạo.

              Vi khuẩn xâm nhập vào bàng quang, phát triển nhân lên trong nước tiểu và gây viêm bàng quang. Niêm mạc bàng quang xung huyết, phù nề, trợt loét, có thể gây chảy máu. Viêm gây kích thích bàng quang, làm bệnh nhân mót đái nhiều lần và gây triệu chứng đái rắt và đái buốt.

1.3. Điều kiện thuận lợi

+ Giới: nữ có tỉ lệ viêm đường tiết niệu thấp cao hơn nam giới, khoảng 50% phụ nữ ít nhất bị viêm đường tiết niệu thấp một lần trong cuộc đời.
+ Tuổi: trẻ em do vệ sinh kém, người cao tuổi cả nam và nữ có nguy cơ bị viêm đường tiết niệu thấp cao hơn thanh niên và trung niên.
+ Sau sinh hoạt tình dục: vi khuẩn thông thường cũng như các vi khuẩn lây theo đường tình dục cũng dễ xâm nhập vào niệu đạo.
+ Những bất thường giải phẫu của niệu đạo hoặc sau chấn thương niệu đạo gây hẹp niệu đạo, cũng là điều kiện thuận lợi cho viêm đường tiết niệu thấp vì chúng gây cản trở dòng nước tiểu và gây ứ đọng nước tiểu trong bàng quang.
+ Sỏi bàng quang: sỏi gây tổn thương niêm mạc bàng quang dễ gây ra viêm bàng quang.
+ Phì đại lành tính tuyến tiền liệt, u tuyến tiền liệt, gây tồn dư nước tiểu trong bàng quang tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển.
+ Các thủ thuật thông bàng quang, soi bàng quang, đặc biệt khi đặt thông tiểu kéo dài hoặc phải thông tiểu nhiều lần, do khi làm thủ thuật đã đẩy vi khuẩn từ niệu đạo vào bàng quang, đồng thời có thể gây tổn thương niêm mạc niệu đạo và bàng quang tạo điều kiện cho viêm bàng quang.
+ Các bệnh nhân bị bệnh đái tháo đường hoặc các bệnh mạn tính khác.

1.4. Vi khuẩn gây viêm đường tiết niệu thấp

+ Escherichia Coli: 70-80%
+ Proteus: 10-20%
+ Klebsiella: 15-20%
+ Enterococcus Facealis: 5-10%
+ Enterococci: 2%
+ Pseudomonas
+ Staphylococcus
+ Lậu cầu khuẩn
+ Các vi khuẩn lây theo đường tình dục khác
+ Nấm

2. lâm sàng và cận lâm sàng
2.1. Triệu chứng lâm sàng

+ Đái rắt: đái nhiều lần trong ngày, trung bình 5-10 lần, có thể tới 20 lần/ngày. Mỗi lần đi đái chỉ được rất ít nước tiểu, có khi chỉ vài giọt. Sau khi đi tiểu bệnh nhân không có cảm giác thoải mái. Tuy đi đái nhiều lần trong ngày nhưng số lượng nước tiểu trong ngày bình thường.
+ Đái buốt: sau khi đái, cuối bãi bệnh nhân thấy buốt, nóng rát ở tầng sinh môn.
+ Đau tức vùng hạ vị
+ Đái ra máu đại thể: máu thường cuối bãi. Nếu làm nghiệm pháp ba cốc, thấy cốc thứ ba đỏ đậm hơn. Triệu chứng này chỉ xảy ra khi có chảy máu bàng quang.
+ Đái ra mủ: nước tiểu đục. Nếu để lắng, nước tiểu tạo thành ba vùng: vùng trên cùng đục, vùng giữa là mủ, vùng dưới trong hơn có các dây mủ lởn vởn. Đái ra mủ khi có viêm bàng quang nặng.

2.2. Xét nghiệm nước tiểu

+ Bạch cầu niệu, hồng cầu niệu vi thể
+ Mủ niệu nếu viêm bàng quang nặng
+ Soi cặn nước tiểu tươi có thể thấy vi khuẩn
+ Cấy nước tiểu giữa dòng: nếu có 103-105 vi khuẩn/ml nước tiểu thì nghi ngờ có nhiễm khuẩn nước tiểu. Nếu có trên 105 vi khuẩn/ml nước tiểu là chắc chắn có nhiễm khuẩn nước tiểu.
+ Cặn Addis: có 2000-5000 bạch cầu/ml/ph thì nghi ngờ có nhiễm khuẩn. Nếu có trên 5000 bạch cầu/ml/ph là chắc chắn có nhiễm khuẩn nước tiểu.

2.3. Nhiễm khuẩn tái diễn

             Nhiễm khuẩn đường tiết niệu thấp có thể tái diễn nếu điều trị kháng sinh không đầy đủ hoặc không được điều trị. Trường hợp này các triệu chứng giảm, sau lại bùng phát trở lại.

3. Chẩn đoán

             Chẩn đoán dương tính khi có các triệu chứng lâm sàng kết hợp với bạch cầu niệu hoặc vi khuẩn niệu.

4. Điều trị
4.1. Viêm đường tiết niệu thấp thông thường

+ Sử dụng kháng sinh bài tiết qua đường tiết niệu:
Amoxicillin (Amoxil, Macrodantin)
Nitrofurantoin (Furadantin, Macrodantin)
Ciprofloxacin (Peflacin, Cipro, Oflofloxacin)
Trimethoprim-Sulfamethoxazol (Bactrim, Biceptol, Cotrimazol, Antrima)

+ Thuốc giãn cơ trơn, giảm đau:
Nospa
Spasmaverin

+ Uống nhiều nước:

           Trên 2 lít/ngày để làm tăng lưu lượng dòng nước tiểu, tăng đào thải vi khuẩn ra ngoài.
4.2. Nhiễm khuẩn tái diễn

           Cấy nước tiểu tìm vi khuẩn và làm kháng sinh đồ. Điều trị kháng sinh theo kháng sinh đồ.

4.3. Nhiễm khuẩn nặng

           Trường hợp viêm bàng quang nặng, đái ra mủ, nước tiểu đục, cần rửa bàng quang liên tục bằng nước muối sinh lý qua một catheter ba chạc đặt qua niệu đạo vào bàng quang. Rửa bàng quang cho đến khi nước tiểu trong và bơm dung dịch kháng sinh vào bàng quang. Rửa bàng quang cần tiến hành hàng ngày, mỗi ngày một lần cho đến khi không còn đái đục. Kết hợp rửa bàng quang với uống hoặc tiêm kháng sinh theo kháng sinh đồ.

5. Dự phòng

+ Giữ vệ sinh đường tiết niệu sinh dục
+ Sinh hoạt tình dục lành mạnh. Phụ nữ sau khi sinh hoạt tình dục 15-30 phút nên đi tiểu và vệ sinh bộ phận sinh dục.
+ Không nên nhịn tiểu
+ Uống nhiều nước
+ Rất hạn chế thông bàng quang, nếu phải thông bàng quang phải tuân thủ chặt chẽ chế độ vô khuẩn.

Nguồn: Hà Hoàng Kiệm. Thận học lâm sàng NXB YH. 2010.

 


CHIA SẺ BÀI VIẾT

Bài cùng chủ đề

Bệnh thận - Tiết niệu

    Bệnh tim mạch

      Bệnh cơ-xương-khớp

        Bệnh nội tiết-chuyển hóa

          Bệnh tiêu hóa

            Bệnh phổi - phế quản

              Bệnh Thần kinh - Tâm thần

                Bệnh truyền nhiễm

                  Bệnh nhi khoa

                    Cận lâm sàng

                      Bệnh khác

                        Thuốc

                          Vật lý trị liệu

                            Phục hồi chức năng

                              Tư vấn và Chia sẻ thông tin

                                Sách đã xuất bản của Hà Hoàng Kiệm

                                  Bài báo khoa học

                                    SÁCH CỦA TÔI