Hình thể hồng cầu trong nước tiểu có ý nghĩa gì

Cập nhật: 18/04/2014 Lượt xem: 22269

PGS.TS. Hà Hoàng Kiệm, V 103

             a                                       b

Hình ảnh của hồng cầu niệu: (A) là hồng cầu từ cầu thận bị biến dạng, méo mó, kích thước và màu sắc không đều; (B) là hồng cầu niệu từ đường tiết niệu nên hình thể không thay đổi.

             Vày vò nước tiểu có rất nhiều điều thú vị đấy các bạn ạ. Lần trước khi vày vò nước tiểu, tôi đã chỉ cho các bạn các trụ hình trong nước tiểu. Lần này tôi chỉ cho các bạn thấy hồng cầu xuất hiện trong nước tiểu thì có ý nghĩa gì nhé.
             Nước tiểu người bình thường khi xem trên kính hiển vi quang học có 0-1 hồng cầu trong một vi trường, 3 hồng cầu trong một millilit, hoặc khi làm xét nghiệm cặn Addis có dưới 1000 hồng cầu trong một phút. Nếu số lượng hồng cầu trong nước tiểu tăng là có đái ra máu.

+ Đái ra máu vi thể nếu:
- Có 1-2 hồng cầu trong một vi trường là (+)
- Có 3 hồng cầu trong một vi trường là (++)
- Có 4-5 hồng cầu trong một vi trường (+++)
- Có 6-7 hồng cầu trong một vi trường là (++++)

+ Đái ra máu đại thể:

            Nhìn mắt thường thấy nước tiểu màu hồng. Xem trên kính hiển vi quang học thấy hồng cầu dày đặc vi trường, hoặc khi làm xét nghiệm căn Addis có trên 5000 hồng cầu trong một phút.
Hồng cầu niệu vi thể gặp trong các bệnh của thận hoặc bệnh của đường tiết niệu, như viêm cầu thận cấp, viêm cầu thận mạn, bệnh thận IgA, viêm bể thận-thận cấp, viêm bể thận-thận mạn, viêm bàng quang, viêm niệu đạo, sỏi đường tiết niệu. Có thể gặp trụ hồng cầu trong viêm cầu thận cấp.
              Đái ra máu đại thể có thể gặp trong viêm cầu thận cấp nặng, sỏi đài bể thận, sỏi niệu quản, sỏi bàng quang, chấn thương hệ thống thận tiết niệu, bệnh thận IgA.

                Quan sát hình thể hồng cầu trong nước tiểu có giá trị chẩn đoán bệnh lý là ở cầu thận (viêm cầu thận cấp, viêm cầu thận mạn, bệnh thận IgA), hay bệnh lý ở đường tiết niệu (viêm bể thận-thận cấp, viêm bể thận-thận mạn, viêm bàng quang, viêm niệu đạo, sỏi hệ thống đường tiết niệu).

+ Nếu bệnh lý ở cầu thận gây ra hồng cầu niệu thì hồng cầu trong nước tiểu bị biến dạng (teo nhỏ, méo mó, không đều) hoặc có trụ hồng cầu trong nước tiểu. Tại sao vậy? Khi cầu thận bị tổn thương để lọt hồng cầu ra nước tiểu, các hồng cầu này trôi trong lòng ống thận để xuống bể thận và theo nước tiểu ra ngoài. Nước tiểu trong hệ thống ống thận có độ thẩm thấu rất thay đổi. Ở ống lượn gần độ thẩm thấu nước tiểu đẳng trương so với máu (300mOsmol/kg H2O), nhưng đến quai Henlle, càng xuống đáy chữ U độ thẩm thấu nước tiểu càng tăng, ở đáy chữ U của quai Henlle độ thẩm thấu nước tiểu lên đến 1200 mOsmol/kg H2O làm hồng cầu bị mất nước và teo nhỏ lại. Từ nhánh lên của quai Henlle cho đến ống lượn xa độ thẩm thấu nước tiểu lại giảm dần. Ở ống lượn xa độ thẩm thấu nước tiểu trở nên nhược trương so với máu (100 mOsmol/kg H2O) làm hồng cầu lại trương to do nước thấm vào. Khi tới ống góp, độ thẩm thấu lại ưu trương (600 mOsmol/kg H2O) làm hồng cầu lại bị co nhỏ. Từ đài thận trở đi độ thẩm thấu nước tiểu không thay đổi nên không làm thây đổi hình thể hồng cầu nữa. Vì vậy khi ta quan sát hồng cầu trong nước tiểu thấy hồng cầu biến dạng, méo mó, hình thể không đều, đậm độ hồng cầu cũng không đều.

+ Nếu bệnh lý ở đường tiết niệu gây ra hồng cầu niệu thì hồng cầu không phải đi qua các đoạn ống thận có độ thẩm thấu thay đổi mà độ thẩm thấu nước tiểu trong đường niệu không thay đổi, nên hồng cầu vẫn giữ nguyên hình thể.

+ Vì Trụ niệu hình thành ở ống lượn xa hoặc ống góp, vì vậy chỉ có hồng cầu từ cầu thận xuống mới lẫn vào trong trụ niệu được, còn hồng cầu từ đường niệu không thể trôi ngược dòng nước tiểu lên để gắn vào trụ được, vì thế khi có trụ hồng cầu thì chắc chắn bệnh lý gây ra hồng cầu niệu là bệnh cầu thận.

 

          Hình ảnh trụ hồng cầu


CHIA SẺ BÀI VIẾT

Bài cùng chủ đề

Bệnh thận - Tiết niệu

    Bệnh tim mạch

      Bệnh cơ-xương-khớp

        Bệnh nội tiết-chuyển hóa

          Bệnh tiêu hóa

            Bệnh phổi - phế quản

              Bệnh Thần kinh - Tâm thần

                Bệnh truyền nhiễm

                  Bệnh nhi khoa

                    Cận lâm sàng

                      Bệnh khác

                        Thuốc

                          Vật lý trị liệu

                            Phục hồi chức năng

                              Tư vấn và Chia sẻ thông tin

                                Sách đã xuất bản của Hà Hoàng Kiệm

                                  Bài báo khoa học

                                    SÁCH CỦA TÔI