PGS.TS. Hà Hoàng Kiệm, BV 103
(Trích từ "Điều trị nội khoa" Học viện Quân y)
1. Mục tiêu điều trị
Không có thuốc điều trị đặc hiệu đối với viêm cầu thận mạn, mục tiêu điều trị bao gồm:
+ Dự phòng các đợt tiến triển cấp tính
+ Hạn chế tiến triển của tổn thương cầu thận, duy trì chức năng thận
+ Điều chỉnh các rối loạn nội môi
+ Điều trị biến chứng
+ Điều trị bệnh nguyên
2. Dự phòng các đợt tiến triển cấp tính
+ Dự phòng và điều trị sớm các bệnh nhiễm khuẩn: tránh nhiễm lạnh, vệ sinh răng miệng, tránh tiếp xúc với người có bệnh truyền nhiễm, phát hiện và điều trị sớm các bệnh nhiễm khuẩn.
+ Tránh sử dụng các thuốc hoặc các chất độc với thận:
Kháng sinh ít độc với thận là nhóm betalactam, kháng sinh độc với thận là nhóm aminoglycosid, tetracyclin, chlorocid, các thuốc chống viêm giảm đau non - steroid, các thuốc cản quang đường tĩnh mạch.
+ Dự phòng các tác nhân gây giảm dòng máu thận: kiểm soát tốt huyết áp vì tăng hay tụt huyết áp đều làm chức năng thận xấu đi nhanh chóng. Đề phòng mất nước, rối loạn điện giải do ỉa chảy, nôn...
3. Điều trị triệu chứng
+ Phù:
- Hạn chế muối và nước
- Thuốc lợi tiểu: tránh sử dụng các thuốc Hypothiasid vì gây giảm mức lọc cầu thận, thuốc ức chế carbonic anhydrase vì gây nhiễm toan, các thuốc lợi tiểu giữ kali vì nguy cơ tăng kali máu. Nên chọn nhóm thuốc lợi tiểu quai: Lasix 40mg cho 2 - 4 viên/ngày, Lasilix 20mg cho 1 - 4 ống/ngày, tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch.
+ Tăng huyết áp
- Ăn giảm muối
- Thuốc lợi tiểu
- Thuốc hạ huyết áp:
Nếu chưa có suy thận nên chọn nhóm thuốc ức chế men chuyển vì thuốc có tác dụng bảo vệ thận: Coversyl 4mg cho 1 viên/ngày hoặc Renitec 5mg cho 1 - 2 viên/ ngày.
Thuốc chẹn dòng calci: nếu không khẩn cấp nên chọn loại tác dụng kéo dài: amlodipin 5mg cho 1viên/ngày, manidipin 10mg cho 1 viên/ngày.
Nên phối hợp thuốc để mỗi thuốc có thể dùng liều thấp, không nên dùng một loại thuốc với liều cao.
+ Chế độ ăn:
- Chỉ nên hạn chế muối khi có phù: dưới 3g natri/ngày
- Đảm bảo cân bằng nước: nếu không có phù thì lượng nước vào phải cân bằng với lượng nước ra, nếu có phù thì lượng nước vào phải ít hơn lượng nước ra. Nước vào gồm nước ăn, uống, dịch truyền, nước sinh ra do chuyển hóa khoảng 200 - 300 ml/ngày. Nước ra gồm nước tiểu 24 giờ, nước mất qua nôn, ỉa chảy, nước mất qua mồ hôi và hơi thở vào mùa hè khoảng 500ml còn mùa đông khoảng 300 ml/ngày.
- Nếu có suy thận: hạn chế protein. Lượng đạm cho ăn hàng ngày tùy theo mức độ suy thận (xem bài điều trị suy thận mạn), đủ năng lượng, đủ vitamin và các yếu tố vi lượng.
- Nếu có đái ít hoặc vô niệu cần đề phòng tăng kali máu: không cho thức ăn có nhiều kali như nước quả khô (nước mơ, nước quả sấu), ô mai, đồ đóng hộp, khoai tây, chuối.
+ Điều trị suy thận mạn (giai đoạn suy thận mạn)
- Điều trị thiếu máu:
. Cung cấp đủ năng lượng
. Cung cấp đủ các yếu tố tạo máu: vitamin B12, sắt, acid folic. Có thể cho viên Siderfol (sắt, vitamin B12, acid folic, vitamin B6) 2 – 4 viên/ngày.
. Erythropoietin người tái tổ hợp từ công nghệ gen (rHu-EPO): Eprex, Epokin, Recormon.... liều 40 - 50 đv/kg/lần cho 2 - 3 lần/tuần, nên chọn đường tiêm tĩnh mạch. Khi nồng độ huyết sắc tố đạt 100 - 110g/ lít, giảm liều xuống duy trì bằng nửa liều trên. Chỉ định khi hemoglobin dưới 80g/lít, hồng cầu dưới 2,5 T/lít.
- Điều trị giảm calci máu, đề phòng loạn dưỡng xương do thận:
. Cung cấp đủ calci trong chế độ ăn, hạn chế các thức ăn nhiều phosphat.
. Rocaltrol viên 0,25 mcg, liều khởi đầu 0,25 mcg/ngày, xét nghiệm nồng độ calci máu hai tuần/lần, điều chỉnh liều sau 4 tuần điều trị, có thể tăng thêm 0,25 mcg/ngày. Phần lớn bệnh nhân đáp ứng với liều 0,25 - 1 mcg/ngày.
- Chỉ định lọc máu:
. Kali máu trên 6,5 mmol/lít
. Ure máu trên 30 mmol/lít
. pH máu dưới 7,2 hoặc bicarbonat máu dưới 16 mmol/lít
. Quá tải dịch đe dọa phù phổi cấp
. Suy thận mạn giai đoạn IIIb, IV (mức lọc cầu thận dưới 10 ml/ph)
+ Điều trị bệnh nguyên:
- Steroid và thuốc độc tế bào được chỉ định trong các bệnh sau:
. Bệnh hệ thống: lupus ban đỏ hệ thống, viêm da cơ và viêm đa cơ, xơ cứng bì.
. Bệnh mạch máu hệ thống: viêm thành mạch dị ứng, viêm nhiều động mạch dạng nút, bệnh u hạt Wegener.
. Hội chứng thận hư
- Đái tháo đường:
. Kiểm soát glucose máu là yếu tố quan trọng nhất để làm chậm tiến triển của tổn thương thận. Duy trì glucose máu dưới 7 mmol/lít bằng chế độ ăn, thuốc uống hạ đường huyết hoặc insulin. Định kỳ 3 - 4 tháng xét nghiệm HbA1c một lần để đánh giá mức độ kiểm soát đường huyết.
. Thuốc ức chế men chuyển có tác dụng bảo vệ thận ở bệnh nhân đái tháo đường do làm giãn động mạch đi nhiều hơn giãn động mạch đến của cầu thận, do đó làm giảm áp lực nội cầu thận:
Nếu không có tăng huyết áp thì cho liều thấp: Coversyl 4mg cho nửa viên/ngày hoặc Renitec 5mg cho nửa viên/ngày.
Nếu có tăng huyết áp cho 1 viên Coversin/ngày hoặc 1 - 2 viên Renitec/ngày.
Lưu ý thuốc ức chế men chuyển có nguy cơ gây tăng kali máu nên không dùng khi bệnh nhân có thiểu niệu, vô niệu hoặc suy thận nặng.