Trầm cảm sau sinh đẻ

Cập nhật: 30/01/2016 Lượt xem: 6872

Trầm cảm sau sinh đẻ

PGS.TS. Hà Hoàng Kiệm, BV 103

  

1. Đại cương

1.1. Khái niệm

Trầm cảm sau sinh (postpartum depression) là một dạng của bệnh trầm cảm ảnh hưởng chủ yếu đến phụ nữ sau khi sinh và thường kéo dài khoảng 6 tuần. Khởi phát bệnh có khuynh hướng từ từ hoặc có thể dai dẳng hoặc có khi lẫn vào các triệu chứng khác thời sinh đẻ.

Theo DSM-IV cũng như ICD-10, rối loạn tâm thần sau sinh không được ghi thành một chương riêng biệt và không có tiêu chuẩn chẩn đoán rõ ràng. Hiện nay người ta vẫn chưa thống nhất được có nên xếp trầm cảm sau sinh là một rối loạn riêng biệt hay không. Trong khi một số tác giả cho rằng rối loạn tâm thần sau sinh là một nhóm các rối loạn có liên quan đặc biệt đến việc mang thai và sinh đẻ nên cần tồn tại một chẩn đoán riêng biệt.

1.2. Phân loại

1.2.1. Nhóm bệnh rối loạn tâm thần sau sinh

- Trạng thái buồn chán sau sinh (postpartum blues)

- Trầm cảm sau sinh (postpartum depression)

- Loạn thần sau sinh (postpartum psychosis)

Bảng 1. Phân loại rối loạn tâm thần sau sinh

Rối loạn

Tần suất

Khởi phát

Triệu chứng

Buồn sau sinh

30 – 85%

Trong tuần đầu tiên

Cảm xúc dao động, dễ khóc, mất ngủ, lo âu

Trầm cảm sau sinh

10 – 15%

Thường mơ hồ, trong 2 – 3 tháng đầu

Khí sắc trầm buồn, lo âu quá mức, mất ngủ

Loạn thần sau sinh

0,1 – 0,2%

Thường trong 2 – 4 tuần đầu

Kích động, gây hấn, khí sắc trầm hay hưng phấn, hoang tưởng, giải thể nhân cách, hành vi vô tổ chức

1.2.2. Phân loại trầm cảm sau sinh

Trầm cảm sau sinh thường chia làm 2 loại: loại khởi phát sớm và loại khởi phát muộn.

- Loại khởi phát sớm giống như “ u sầu”, xuất hiện với mức độ nhẹ, ngắn trong những ngày đầu hoặc tuần đầu sau đẻ. Trong suốt tuần đầu sau sinh, người ta thấy hơn 80% các bà mẹ đều trải qua “ u sầu trẻ thơ” bao gồm các cảm giác đặc biệt hoặc các triệu chứng như: chỉ chực khóc, cáu kỉnh, lo lắng, dễ thay đổi cảm xúc (lúc vui, lúc buồn)… Các dấu hiệu này xuất hiện và đạt đỉnh điểm trong khoảng 3 đến 5 ngày sau sinh và sau đó dần  biến mất trong vòng 2 tuần mà không phải điều trị gì ngoài sự an ủi cảm thông và nâng đỡ của người thân và gia đình. Như vậy, một số dấu hiệu trầm cảm, mệt mỏi, lo lắng có thể xảy ra với phụ nữ sau khi sinh là các phản ứng cảm xúc trong phạm vi giới hạn bình thường.

-  Loại khởi phát muộn, xuất hiện sau sinh một vài tuần và kéo dài bao gồm các dấu hiệu: khí sắc trầm, mất quan tâm thích thú ( kể cả với đứa trẻ mới sinh), mất sinh lực, mệt mỏi kéo dài, mất ngủ, chán ăn hoặc ăn quá nhiều, giảm cân hoặc tăng cân quá mức, khó khăn trong chăm sóc trẻ.

1.3. Yếu tố nguy cơ

- Một số người có khả năng mắc bệnh này cao hơn người khác, điều đó có thể được dự đoán chính xác thông qua một số đặc điểm ở người mẹ giúp phòng tránh từ xa, theo các nghiên cứu thì những yếu tố sau sẽ làm tăng nguy cơ mắc trầm cảm sau sinh ở phụ nữ:

+ Bị trầm cảm trong thời kỳ mang thai.

+ Từng bị trầm cảm sau sinh trước kia

+ Khó khăn kinh tế, nghề nghiệp không ổn định

+ Sinh con so (con đầu lòng) có nguy cơ mắc bệnh cao hơn sinh con rạ

+ Đứa trẻ không có bố chính thức

+ Sinh con trong tình trạng ly dị hoặc ly thân

+ Sử dụng các chất kích thích như rượu, thuốc lá, ma túy

+ Đẻ khó, đẻ mổ

+ Sinh con ở độ tuổi vị thành niên

+ Không có người hỗ trợ chăm sóc

+ Stress

+ Thiếu ngủ

+ Kém dinh dưỡng

+ Thiếu hỗ trợ của người thân, gia đình, bạn bè

+ Tiền sử gia đình có người bị trầm cảm

+ Biến chứng do chửa đẻ cả mẹ và con

+ Trẻ chết non

+ Bệnh tật của con

+ Tách mẹ và con

+ Khó khăn của đứa trẻ (tính khí, ăn, ngủ, tổ chức sinh hoạt)

+ Các bệnh tâm thần và thần kinh từ trước của bà mẹ.

- So sánh khả năng mắc với yếu tố tiền sử bệnh:

Bảng 2. Mức độ nguy cơ.

Yếu tố

Nguy cơ

Không có tiền sử bệnh tâm thần, buồn sau sinh, trầm cảm nặng

Thấp

Đã từng mắc trầm cảm sau sinh, rối loạn khí sắc chu kỳ, trầm cảm nặng tái diễn

Trung bình

Đã từng mắc trầm cảm sau sinh và rối loạn trầm cảm tái diễn, trầm cảm nặng tái diễn

Cao

Trầm cảm trong thai kỳ, đã từng mắc rối loạn lưỡng cực, trầm cảm sau sinh

Cao nhất

2. Lâm sàng và chẩn đoán

2.1. Triệu chứng

- Các triệu chứng có thể xuất hiện vào bất kỳ thời điểm nào đó trong năm đầu sau sinh, bao gồm các triệu chứng thường gặp sau:

+ Cảm thấy mình không xứng đáng chăm sóc em bé

+ Sao nhãng trong việc chăm sóc con

+ Cáu ghắt với người khác

+ Dễ lo âu và hoảng sợ

+ Buồn bã

+ Cảm thấy có tội

+ Không còn thích thú với những thứ, hoạt động mình ưu thích trước kia

+ Giảm thiểu giao tiếp với người khác

+ Rối loạn giấc ngủ (thường là mất ngủ)

+ Ăn uống thất thường

+ An ủi không đem lại kết quả

+ Cảm thấy trống rỗng

+ Cảm thấy yếu ớt hoặc không còn sức lực

+ Không cảm thấy thoải mái trong quan hệ tình dục

+ Giảm khả năng diễn đạt chính xác khi nói hoặc viết

+ Tuyệt vọng

+ Lòng tự trọng thấp

- Những ý nghĩ ám ảnh có thể xuất hiện và thường liên quan đến bạo lực đối với đứa trẻ. Trong trường hợp bị nặng ý nghĩ và hành vi giết đứa trẻ ngay sau khi sanh có thể xảy ra với những hoang tưởng hoặc ảo giác.

2.2. Phân loại các triệu chứng theo nhóm

- Cảm xúc

+ Khí sắc trầm kéo dài

+ Cảm giác không xứng đáng, thất bại, bất lực, tuyệt vọng

+ Kiệt sức, trống rỗng, buồn rầu, chực khóc

+ Cảm giác tội lỗi, hối hận, vô giá trị

+ Lẫn lộn, lo âu, hoảng sợ

+ Sợ đứa trẻ, sợ mất trẻ

+ Sợ ở một mình, sợ đi ra ngoài

- Hành vi

+ Mất quan tâm thích thú trong các hoạt động thường ngày

+ Mất ngủ hoặc ngủ quá nhiều, ác mộng

+ Chán ăn hoặc ăn quá nhiều

+ Giảm sinh lực và động cơ

+ Ngại giao tiếp xã hội

+ Ít chăm sóc bản thân

+ Không có khả năng xử lý các công việc thường ngày

- Suy nghĩ

+ Suy nghĩ kém minh mẫn, không thể quyết định việc gì

+ Kém tập trung chú ý, giảm trí nhớ

+ Trốn tránh mọi thứ

+ Sợ bị chồng bỏ rơi

+ Lo lắng về sự tổn hại hoặc cái chết của chồng, con

+ Có ý nghĩ về tự sát 

2.3. Chẩn đoán

Một phương pháp chẩn đoán người mẹ có nguy cơ bị trầm cảm sau sinh là bảng điểm Edinburgh. Sau khi trả lời mười câu hỏi trong bảng, nếu số điểm trên 13, người mẹ có nguy cơ bị trầm cảm sau sinh.

Bảng 3. Bảng điểm Edinburgh.

Trong vòng 7 ngày qua:




Nếu tổng số điểm > 12: khẳng định bệnh nhân bị trầm cảm nặng.

3. Điều trị

Nguyên tắc điều trị giống như các trường hợp trầm cảm khác:

- Phối hợp thuốc chống trầm cảmtâm lý trị liệu trong đó người bệnh tập trung cải thiện mối quan hệ với người khác chủ yếu với chồng và con.

- Điều trị tâm lý được ưu tiên bởi vì khi dùng thuốc người mẹ có thể phải ngưng cho con bú do thuốc xuất hiện trong sữa mẹ, tuy nhiên dùng thuốc vẫn là bắt buộc khi xét thấy lợi ích đem lại là cao hơn các yếu tố có hại.

- Cần theo học một số chương trình giáo dục tiền sản cho cả người vợ lẫn chồng trước khi sinh con, hoặc ít nhất tìm sách báo hướng dẫn, hoạt động này giúp cung cấp những kiến thức đúng đắn về sức khỏe sinh sản, nhận thức tốt sẽ giúp phòng tránh trầm cảm sau sinh.

Điều trị trầm cảm tốt nhất là các cơ sở chuyên khoa tâm thần.
có thể sử dụng các thuốc chống trầm cảm mới ví dụ Sertraline (Zoloft) 50mg.

4. Tiên lượng

- Trầm cảm nhẹ mất đi nhanh bằng các hỗ trợ tâm lý.

- Nếu trầm cảm nặng, kéo dài, ảnh hưởng tới chăm sóc trẻ, sinh hoạt và các mối quan hệ cần phải nhập viện điều trị. Thời gian điều trị trung bình 3-6 tháng.

- Sinh con lần thứ hai có thể cũng bị trầm cảm giống như lần sinh thứ nhất.

Tài liệu tham khảo

1. Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

2. Nguyễn Mạnh Hoàn. Trầm cảm sau đẻ. www.maihuong.gov.vn

3. Kontaxakis B.H., Kontaxakis V.P., Christodoulou G.N. WPA Bulletin on Depression. Prevention of depression. Vol. 5-N 24, 2002

4. Cox JL et al.: Detection of postnatal depression. development of the 10-item Edinburgh PostnatalDepression Scale. Br J Psychiatry 1987; 150:782-786.
 

 


CHIA SẺ BÀI VIẾT

Bài cùng chủ đề

Bệnh thận - Tiết niệu

    Bệnh tim mạch

      Bệnh cơ-xương-khớp

        Bệnh nội tiết-chuyển hóa

          Bệnh tiêu hóa

            Bệnh phổi - phế quản

              Bệnh Thần kinh - Tâm thần

                Bệnh truyền nhiễm

                  Bệnh nhi khoa

                    Cận lâm sàng

                      Bệnh khác

                        Thuốc

                          Vật lý trị liệu

                            Phục hồi chức năng

                              Tư vấn và Chia sẻ thông tin

                                Sách đã xuất bản của Hà Hoàng Kiệm

                                  Bài báo khoa học

                                    SÁCH CỦA TÔI