Mãn dục nam

Cập nhật: 13/09/2015 Lượt xem: 3954

MÃN DỤC NAM GIỚI
(ANDROPAUSE)

GS. TS. Trần Quán Anh
Trung tâm Nam học - Bệnh viện Việt Đức

Kết quả hình ảnh cho Mãn dục nam

Đại cương

1. Nam giới - Ai là người già?

Định nghĩa về người già lệ thuộc vào kiến thức của từng thế kỷ. ở Thế kỷ thứ 17, người từ 50 tuổi đến 60 tuổi được gọi là người già. Năm 1830, người ở tuổi 65 được coi là người đã già.

Từ đầu thế kỷ 21, tại các nước phát triển, người 65 tuổi vẫn rất sung sức, năng động trên mọi bình diện, hoạt động xã hội, trưởng thành cao độ về nghề nghiệp, bền bỉ trong đời sống tình dục (41,42,43,44,45).

Do đời sống ngày một nâng cao, tuổi thọ bình quân của từng nước tăng cao, riêng Việt Nam trong thời điểm hiện tại là 72,5 tuổi.

Theo thống kê dự kiến trên thế giới đến năm 2025 (9). Số người ở tuổi thọ 65:
- Thế giới: 15% tổng dân số
- Nam Mỹ: 25,1% tổng dân số
- Châu Âu: 28,8% tổng dân số
- Nhật: 35,1% tổng dân số

Cho nên nếu chỉ căn cứ vào số tuổi để quy ước tuổi già là chưa hợp lí

Nội tiết tố nam giới liên quan đến tuổi già

Nội tiết tố nam giới nhất là nội tiết tố testosterone giảm sút liên quan tới quá trình lão hoá của tuổi già, ngược lại tuổi già cũng làm cho việc xuất tiết các loại nội tiết tố giảm sút đi. Tuổi càng cao, mọi bộ phận trong cơ thể bị suy thoái trong đó có thượng thận và tinh hoàn (18,21,23,30). Các nội tiết tố từ đó bị giảm sút theo. Người ta đã tính hàng năm lượng tetosterone bị giảm thường kỳ từ 0,8% - 1,3% và đến 50 70 tuổi tổng lượng tetosterone trong máu sẽ giảm 30% - 50%.

Tuổi già là một bệnh. Cuộc sống qua đi từng ngày, tuần, tháng năm, quả lắc chỉ huy chiếc đồng hồ sinh học của vỏ não đồng thời cùng sự xuất tiết của các nội tiết tố nam giới bị giảm sút theo thời gian sẽ gây ra biến đổi hàng loạt các triệu chứng trên cơ thể.

Tỷ lệ mãn dục nam giới (tính theo lượng tetosterone trong máu giảm)
- Dưới 50 tuổi: 9%
- 50 59 tuổi: 29%
- 60 69 tuổi: 44%
- 70 79 tuổi: 70%
- Trên 80 tuổi: 80%

Kết quả hình ảnh cho Mãn dục nam

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet


Ở phụ nữ, tuổi càng cao lượng nội tiết tố sinh dục nữ (Estrogen) càng giảm do sự suy thoái của buồng trứng. Hàng loạt các triệu chứng sẽ xảy ra trong thời kỳ mãn kinh nữ giới (Khái niệm này đã được đề cập từ hàng nghìn năm nay) Nam giới cũng vậy, khi lưọng nội tiết tố tetosterone giảm thấp dưới mức bình thường (Bình thường từ 10,35 nanomol /lít), hàng loạt triệu chứng sẽ xảy ra. Đó là những triệu chứng của thời kỳ mãn dục nam giới (khái niệm này mới được đề cập từ đầu thế kỷ 21)

Và cũng đầu thể kỷ 21, người ta đã định nghĩa: Một người đàn ông cao tuổi khi nhìn thấy một phụ nữ trẻ, đẹp mà không còn cảm thấy cảm xúc, ước ao thì đó là người già (và nên nghỉ hưu).


2. Khi lượng Testosterone trong máu giảm thấp

Lượng testosterone trong máu giảm thấp sẽ ảnh hưởng nhiều đến đời sống tình dục, đến cơ quan vận mạch và tuần hoàn, đến hệ thống cơ, xương, khớp, thần kinh và bộ não Nhưng phần lớn thầy thuốc và bệnh nhân thường hay bị lạc hướng chẩn đoán và điều trị về các triệu chứng toàn thân rồi lần lượt chuyển đi khám từng chuyên khoa riêng biệt. Ít ai có nhậy cảm định hướng ngay nguyên nhân cơ bản là mãn dục nam giới.

3. Thuật ngữ thống nhất

Để đặt tên cho căn bệnh này, thế giới hiện nay dùng ba cụm từ:
- Hội chứng PADAM (Partial Androgen Deficiency of the Aging Male) Hội chứng suy giảm một phần nội tiết tố sinh dục nam giới ở người đàn ông cao tuổi.
- Suy sinh dục muộn (Late onset hypogonadism)
- Mãn dục nam giới (Andropause)

Chúng tôi dùng cụm từ này để so sánh với cụm từ mãn kinh nữ giới. Cũng không dịch như một số tài liệu đã công bố là tắt dục nam giới, vì cụm từ tắt dục nghe có vẻ quá nặng nề.


NGUYÊN NHÂN

Sự suy giảm nội tiết tố testosterone lệ thuộc nhiều yếu tố

1. Tuổi tác

Testosterone được sản sinh từ tinh hoàn (> 95%) và tuyến thượng thận (4%).

Tuổi càng cao, các tổ chức trong cơ thể đều dần dần bị suy thoái. Tinh hoàn tuyến thượng thận cũng nằm trong quy luật chung đó.

Sự suy giảm testosterone bắt đầu xảy ra từ 30 tuổi. Hàng năm sự sản xuất testosterone giảm từ 0,8% - 1,3% và giảm từ 30% đến 50% ở tuổi 50-70 tuổi.

Feldman (2002) nghiên cứu hồi cứu trên 1709 đàn ông da trắng và theo dõi 10 năm trên 1.156 đàn ông từ 40 - 70 tuổi cho thấy:
- Testosterone tự do giảm 2,8% mỗi năm
- Testosterone toàn phần giảm 1,6% mỗi năm
- Testosterone gắn albunine giảm 2,5% mỗi năm

Vermeulen đã nghiên cứu trên 300 nam giới từ 25 - 100 tuổi cho kết luận: Testosterone tự do giảm 1,2% hàng năm trong khi testosterone toàn phần giữ ổn định cho đến 55 tuổi và sau đó giảm 0,85% hàng năm. Morley ở New Mexico nghiên cứu trong 15 năm trên 77 nam giới cho kết quả: lượng Testosterone trong máu giảm từ tuổi 60 trở lên là 1,1 nanogam/1ml hàng tuần.

 

Tại những lý do ở tinh hoàn:
- Giảm số lượng tế bào Leydig
- Tăng xơ hoá và các thay đổi thoái hoá khác ở tinh hoàn
- Giảm tuới máu tinh hoàn gây thiếu oxy ở các mô
- Thay đổi trong tổng hợp steroid do tình trạng thiếu oxy ở các mô gây giảm tổng hợp DHEA.


Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

2. Do phá vỡ sự cân bằng điều chỉnh nội tiết tố

Sự suy giảm nội tiết tố testosterone ở người già liên quan đồng thời chức năng của tinh hoàn và sự điều chỉnh nội tiết tố Gn RH vùng dưới đồi. Nội tiết tố GnRH tác động lên tuyến yên để sản sinh ra nội tiết tố LH và FSH. Nội tiết tố LH tác động lên tế bào Leydig ở tinh hoàn để sản sinh ra nội tiết tố testosterone (46). ở người mạnh khoẻ, sự xuất tiết của nội tiết tố testosterone vừa đủ trong khu vực bình thường. Nhưng ở người già đồng nghĩa với việc suy thoái giảm thiểu số lượng các tế bào Leydig ở tinh hoàn cho nên dù nội tiết tố LH có tăng lên mãi đôi khi vượt khung tối đa của bình thường nhưng lượng nội tiết tố testosterone vẫn suy giảm (18,21,23,30)

3. Một số nguyên nhân khác

3.1. Di truyền

3.2. Nếp sống sinh hoạt

3.2.1. Dinh dưỡng:


Chế độ ăn uống làm thay đổi lượng SHBG. Chế độ ăn uống nhiều chất sơ hoặc rau cỏ làm tăng lượng SHBG làm giảm testosterone. Ngược lại chế độ ăn nhiều chất béo, đạm sẽ làm tăng lượng nội tiết tố testosterone. Một số công trình nghiên cứu so sánh giữa hai nhóm nam giới tuổi từ 19-56 tuổi. Một nhóm ăn nhiều chất béo và một nhóm ăn nhiều chất sơ trong 10 tuần lễ. Kết quả nhóm ăn nhiều chất béo có nồng độ testosterone trong máu cao hơn nhóm ăn nhiều chất sơ. Điều quan trọng nữa là năng lượng ảnh hưởng nhiều đến sự xuất tiết nội tiết tố nam giới. Trong một nghiên cứu, trên một đơn vị tân binh trẻ, phải tập luyện chịu đựng bốn vòng hành quân chiến đấu liên tục thật sự trong trận mạc, năng lượng mất đi hàng ngày 1000-1200 kilocalo trong 8 tuần lễ. Kết quả cho thấy lượng testosterone trong máu của những tân binh này giảm thấp tới mức độ gần như những người bị thiến mất 2 tinh hoàn.

3.2.2. Ảnh hưởng nhiễm độc

- Ở tất cả lứa tuổi, lượng testosterone máu tăng từ 5% - 15% ở các người hút thuốc lá so với những người không hút thuốc lá.

- Lượng testosterone máu giảm trên những người nghiện rượu, những người có bệnh ung thư tuyến tiền liệt và những người bị sơ gan do rượu.


3.2.3. Sang chấn tinh thần

Bị stress, chấn thương, trải qua phẫu thuật hoặc nằm viện lâu ngày trong các bệnh suy thận mạn tính, suy gan mạn tính hoặc kém dinh dưỡng thường xuyên cũng gây nên tình trạng giảm nội tiết tố testosterone máu.

3.2.4. Dùng thuốc quá nhiều các loại Glucocorticoide hoặc các loại thuốc đối kháng với nội tiết tố nam giới trong điều trị dài ngày cũng gây nên tình trạng giảm nội tiết tố testosterone máu.

3.2.5. Sự rối loạn một số nội tiết tố trong cơ thể có thể ảnh hưởng tới sự xuất tiết nội tiết tố testosterone. Thí dụ:
- Các nội tiết tố tuyến thượng thận như DHEA, SDHEA suy giảm sẽ làm cho nội tiết tố testosterone giảm theo.
- Sự tăng tiết nội tiết tố Prolactine tại tuyến yên quá mức bình thường cũng làm cho nội tiết tố testosterone giảm thấp.


4. Sự suy giảm nội tiết tố testosterone có phải là một dấu hiệu bệnh lý lâm sàng?

Trong cơ chế sinh lý bình thường, nội tiết tố testosterone ảnh hưởng rất nhiều tới sự hoạt động, phát triển của nhiều tổ chức trong cơ thể con người như bộ não, thần kinh, gan, thận, hệ thống cơ xương - khớp, hệ thống tạo máu, tinh hoàn, Thượng thận (xem chi tiết trong phần vai trò của nội tiết tố testosterone bài rối loạn cương dương của Trần Quán Anh trong quyển sách này). Do vậy sự tăng, giảm lượng testosterone ảnh hưởng rất nhiều tới quá trình hoạt động của các tổ chức trên. Hàng loạt các thay đổi bệnh lý sẽ xuất hiện và trong điều trị, việc bồi phụ testosterone cho bệnh nhân đã có tác dụng cải thiện rõ rệt các triệu chứng bệnh lý.

Có thể kết luận: Mãn dục nam giới là một bệnh. Giá trị vàng trong việc chẩn đoán là lượng nội tiết tố testosterone trong máu giảm thấp dưới mức bình thường.


TRIỆU CHỨNG

Mãn dục nam giới có 12 triệu chứng:

Ba triệu chứng về tình dục sinh sản:
- Giảm ham muốn tình dục
- Rối loạn cương dương
- Giảm số lượng tinh trùng - khó có con

Chín triệu chứng toàn thân:
- Tăng lượng mỡ - nhất là béo bụng
- Teo khối lượng cơ - giảm trương lực cơ
- Giảm mật độ khoáng xương
- Rối loạn tim mạch
- Biến dạng da, lông, tóc móng
- Suy giảm thần kinh
- Suy giảm Tinh thần - Tâm lý
- Suy giảm hệ thống tạo máu

Cần lưu ý: Các thầy thuốc và bệnh nhân thường bị bệnh lệch hướng chuẩn đoán và quan tâm nhiều tới các triệu chứng toàn thân mà quên mất vấn đề mãn dục.


1. Testosterone máu giảm gây nên giảm ham muốn tình dục vì nội tiết tố testosterone có tác động kích thích sự ham muốn tình dục.

2. Testosterone máu giảm gây hiện tượng rối loạn cương dương với chức năng làm cương cứng dương vật, testosterone có tác dụng kích thích tăng ham muốn tình dục. Sự tăng ham muốn tác động lên võ não. Võ não truyền mệnh lệnh xuống hệ thần kinh phó giao cảm gây giãn mạch và dương vật cương cứng (xem phần cơ chế thần kinh chương rối loạn cương dương của Trần Quán Anh trong sách Bệnh học giới tính nam)

3. Testosterone máu giảm làm suy giảm số lượng và chất lượng tinh trùng

Theo cơ chế nội tiết tố FSH từ tuyến yên kết hợp với testosterone tác động nên tế bào Serfoli ở tinh hoàn làm tăng trưởng và sản sinh tinh trùng.

Ở người cao tuổi hoặc mãn dục nam giới, lượng và chất tinh trùng sẽ giảm sút và khó có thể sinh con (xem chương Vô sinh Nam giới trong Bệnh học giới tính nam của Trần Quán Anh)


4. Vai trò của nội tiết tố testosterone với sự tạo mỡ trong cơ thể

Sự tạo mỡ trong cơ thể con người, phụ thuộc vào nội tiết tố men tiêu hoá Leptine. Nội tiết tố Leptine sản sinh ra các tế bào mỡ. Lượng nội tiết tố Leptine ở nam thấp hơn ở phụ nữ cho nên các lớp mỡ dưới da của phụ nữ thường dầy hơn nam giới. Một chế độ dinh dưỡng tốt hoặc một bữa ăn có nhiều chất dinh dưỡng làm cho nội tiết tố Insuline và Leptine tăng cao.

Tuổi già kèm theo sự giảm sút lượng nội tiết tố Testosterone tác động làm tăng nội tiết tố Leptine đồng nghĩa với sự tăng trưởng các tế bào mỡ. Sự tích tụ mỡ được hình thành do cơ chế phát sinh như vậy.

Sự tích tụ mỡ gây ra hội chứng béo phì. Mỡ xâm lấn vào nội mạc mạch máu gây ra các bệnh tắc mạch. Mỡ xâm lấn vào các tổ chức cơ thể gây ra các bệnh nhiễm mỡ. (thí dụ gan nhiễm mỡ). Đặc biệt gây ra tình trạng béo bụng (4).


5. Vai trò của nội tiết tố testosterone trên các thành phần không mỡ trên cơ thể

Ngược lại với sự tăng trưởng các tế bào mỡ khi nội tiết tố testosterone giảm, các khối lượng không có mỡ như khối lượng các cơ quan, cơ bắp trên khung xương, các dịch ngoài tế bào sẽ giảm sút gây nên tình trạng (13):
- Các cơ bắp teo tóp lại làm giảm diện tích của cơ thể.
- Trương lực cơ sẽ giám sút gây nên tình trạng lười vận động, dễ mệt mỏi.
- Khối lượng các phủ tạng giảm sút gây nên sự mất thăng bằng trong chuyển hoá, gây nên sự suy giảm các hoạt động bình thường của từng phủ tạng thí dụ như biếng ăn, khó ngủ.

Giải thích đơn giản cơ chế là các cơ vận động nơi nhận cảm các nội tiết tố nam giới phần lớn là testosterone trong đó men 5 alpha reductase và nội tiết tố Dihydrotestosterone đóng một vai trò rất quan trọng. Các nội tiết tố này làm tăng khối lượng cơ bằng cách làm nở to các sợi cơ duy trì độ bền vững của trương lực cơ.

Cũng do tác động qua lại đó, người ta cũng nhận thấy sự tập luyện vận động cơ bắp làm cho lượng testosterone trong cơ thể tăng lên. Tuy nhiên cường độ của sự luyện tập cũng có những tác động khác nhau.

Một công trình nghiên cứu của Kern trên 10 lực sĩ tập luyện quá nặng và kéo dài vào cuối buổi chiều cho kết quả lượng nội tiết tố testosterone và nội tiết tố LH ở thời điểm đó bị giảm sút. Sự căng thẳng trong luyện tập và thi đấu cũng có tác dụng tương tự, điều đó giải thích được hiện tượng một cầu thủ bóng đá cấp quốc gia sau các cuộc thi đấu căng thẳng triền miên đã bị bệnh rối loạn cương dương do nội tiết tố testosterone bị giảm thấp dưới mức bình thường.


6. Vai trò của testosterone trong chuyến hoá cấu tạo xương

Xương là một khối lượng rắn chắc không có mỡ trong cơ thể con người, một thủ thể nhận cảm tác dụng của nội tiết tố tình dục nói chung và của testosterone nói riêng. Testosterone tăng trưởng giúp cho sự gắn kết chắc chắn giữa thân xương và màng xương để rồi phát triển đồng bộ độ lớn và độ dài của xương. Testosterone cũng giúp cho sự phát triển kết cấu của xương do mật độ tinh thể calcium tăng trưởng (4).

Tuổi già và sự giảm sút nồng độ testosterone trong máu dễ gây ra bệnh loãng xương và dễ bị gẫy xương lớn do những nguyên nhân rất vô lý.

Sự suy giảm các nội tiết tố tình dục gây loãng xương giữa nam và nữ có khác nhau:
- Ở nữ: Nội tiết tố Estrogen hạ thấp đột ngột ở thời kỳ tiền mãn kinh và mãn kinh gây ra hậu quả loãng xương, giảm độ kết cấu xương đột ngột. Các bệnh về xương, loãng xương, gẫy xương lớn ở nữ thường nhiều hơn nam.
- Ở nam: Nội tiết testosterone giảm từ từ theo lứa tuổi cho nên các hậu quả về xương cũng từ từ theo một tỷ lệ nhất định.

Theo Oefelein (2001), Benito (2003) và cộng sự:
- Tỷ lệ gẫy xương vùng hông sẽ tăng từ 1,7 triệu vào năm 1990 lên 3,9 triệu vào năm 2025 và 6,3 triệu vào năm 2050.
- 30% tổng số gẫy xương vùng hông xảy ra ở nam giới
- Tần xuất gẫy xương vùng hông ở nam giới tăng dần sau 65 tuổi. Số bệnh nhân còn sống sau một năm có 53% ở lại viện điều dưỡng, 26% phải chăm sóc tại nhà và chỉ có 21% sống một cách độc lập.
- Tỷ lệ gẫy xương vùng hông là 48% trên người có suy giảm nội tiết tố testosteron và chỉ có 12% ở người có lượng testosterone bình thường.
- Để chứng minh, một nghiên cứu của Boonen trên 40 bệnh nhân gẫy xương vùng hông và 40 người đối chứng cùng tuổi cho thấy trên 40 bệnh nhân gẫy xương đều có lượng testosterone trong máu thấp hơn so với người đối chứng.
- Một nghiên cứu của Wei (22,25,29,33,36,40) cho thấy những người bị ung thư tuyến tiền liệt sau điều trị hoặc cắt bỏ 2 tinh hoàn hoặc dùng các thuốc làm triệt tiêu các nội tiết tố testosterone thì có tới 90% bị loãng xwong hoặc gẫy xương như gẫy cổ xương đùi.


7. Vai trò của nội tiết tố testosterone với hệ thống tim mạch

Các biến chứng và tử vong của các bệnh tim mạch tăng cao theo lứa tuổi già là một sự thật rõ ràng.
Tỷ lệ nam gấp đôi nữ.

Phillips (35) đã chứng minh sự giảm sút lượng testosterone kèm theo những tác nhân đặc hiệu sẽ gây ra các bệnh tim mạch nhất là các bệnh về động mạch vành.

Ba tác nhân: thuốc lá, cao huyết áp và tăng lượng cholesterol máu kèm theo sụ tích tụ mỡ sẽ gây ra sơ cứng động mạch, chít hẹp do sơ vữa động mạch. Testosterone giảm thấp cũng gây ra hàng loạt các rối loạn chuyển hoá trên các tế bào cơ trơn và khối lượng thể tích gây ra hàng loạt bệnh.

Thông thường thì người bệnh cảm nhận thấy từng đợt tim đập nhanh, rối loạn huyết áp thất thường, các cơn đau thắt ngực, hồi hộp, lo lắng

Các nhà tiết niệu học cũng thường thấy các bệnh tim mạch thường xuất hiện trên các người bệnh bị ung thư tuyến tiền liệt hoặc bị rối loạn cương dương vì nội tiết tố testosterone giảm thấp.


8. Liên quan nội tiết tố andrgen giảm thấp với khó thở trong khi ngủ

Sự điều chỉnh nhịp thở trong khi ngủ do tác động của các Andrgen. Lượng testosterone giảm thấp gây ra các hiện thượng khó thở trong giấc ngủ, sự tỉnh giấc chớp nhoáng cần điều chỉnh sự thông khí gấp rút gây ra chứng ngáy to.

9. Vai trò của nội tiết tố Andrgen và da, lông, tóc, móng ở tuổi già

9.1. Da là một gương phản chiếu rõ nét nhất sự hiện diện của các các nội tiết tố nam giới.

Tác động của men 5 alpha reductase type 1và men 5 alpha reductase type 2, sự hiện diện của nội tiết tố testosterone cũng như Dihydrotestosterone tạo nên một hình thái từ màu sắc, độ căng bóng, độ trun giãn của da theo từng lứa tuổi.

Da của người già là hậu quả của hai cơ chế: quá trình lão hoá da tuân thủ quy luật của nội tiết tố nam giảm dần, thêm nữa quá trình thời gian sống chịu nhiều tác động của các tia cực tím của nắng trời làm cho biến dạng.

Da biến dạng từ từ do các nguyên nhân:
- Các tế bào da (Fibroblastes Keratinocytes, melanocytes) phát triển ít đi
- Các mạch máu nuôi dưỡng da giảm thiểu làm cho da bị sơ hoá
- Các tế bào trun giãn giảm thiểu làm cho mặt da mất sức căng láng bóng, các tế bào dưới da thoái hoá teo, hậu quả là da sẽ nhăn nheo, nhiều nhất là ở mặt, lưng và mu tay, ở các vùng đó có điểm thêm nhiều các nốt chấm đồi mồi gọi là da mồi.


9.2. Các tuyến mồ hôi giảm số lượng nên thích nghi kém với nhiệt độ

Các tuyến bã giảm số lượng. Tốc độ tân tạo lông và tóc giảm không kịp bù trừ cho số bị thoái hoá cho nên lông và tóc rụng nhiều trở nên thưa thớt. Màu sắc lông và tóc cũng chuyển sang màu bạc trắng.

9.3. Móng chân, tay sẽ mỏng dần và dễ gẫy

10. Hệ thần kinh suy giảm


Các tế bào thần kinh bị thoái hoá, teo tóp mất chức năng. Các phản xạ kém độ nhậy cảm gây ra sức ỳ trong mỗi động tác và cử động gây nhiều vùng đau không phải do chấn thương.

11. Sự chỉ huy của não bộ suy thoái do các tế bào não bị thoái hoá toàn bộ hoặc từng vùng gây ra hàng loạt các biến đổi. ở người già đồng nghĩa với testosterone trong máu giảm thường có những biểu hiện như sau:

11.1. Trong nghiên cứu của Nilson và cộng sự năm 1995 về sự liên quan giữa nồng độ testosterone nội sinh và stress tâm lý xã hội về chất lượng cuộc sống khảo sát trên 439 nam giới cao tuổi cho những kết luận cụ thể.

11.2. Mãn dục nam giới kết hợp với những biến số tâm lý xã hội cho những tiêu cực về chất lượng cuộc sống:
- Điểm số trầm cảm của Beck sẽ tăng
- Lười hoạt động thể lực
- Hay dùng thuốc giảm đau
- Hay nhức đầu
- Cảm thấy luôn luôn mệt mỏi toàn thân
- Hay quên, hay nhầm lẫn và hiểu sai
- Ít quan tâm đến tình dục
- Sức khỏe toàn thân suy sụp
- Dễ thương tổn tinh thần Hay tủi thân
- Hay đau bất kì vùng nào
- Thích lối sống cô độc ít muốn tham gia vào những chuyện đời thường


12. Rối loạn hệ thống tạo máu

Nội tiết tố nam giới giữ vai trò quan trọng trong hệ thống tạo máu. Nội tiết tố nam giới giảm sẽ gây nên sự rối loạn trong huyết đồ đặc biệt suy giảm Hematocrite và hemoglobine nói riêng và hồng cầu nói chung.

Sắc diện da xanh lướt, mất vẻ hồng hào ở da mặt, môi, các đầu ngón tay

Công trình của Hawskins cho thấy lượng hemoglobine giảm xuống rõ rệt theo từng lứa tuổi:
21 - 30 tuổi: 15g/1dl
51 - 60 tuổi: 14,5g/1dl
81 - 90 tuổi: 13,5g/1dl
91 - 100 tuổi: 11,3g/1dl

Công trình của Hamiron cho kết luận những người cắt bỏ 2 tinh hoàn sẽ bị giảm nồng độ hemoglobine trong máu. Nghiên cứu lượng hemoglobine trong máu trên 54 người bình thường và 60 người bị cắt bỏ tinh hoàn cho thấy nồng độ ở người bị hoạn thấp hơn 10% so với người bình thường.

Tóm tắt 12 triệu chứng mãn dục nam giới (khi lượng testosterone trong máu giảm thấp)

1

Ham muốn tình dục

giảm

2

Tạo tinh trùng

giảm

3

Rối loạn cương dương

Tăng

4

Béo phì Béo bụng

Tăng

5

Khối cơ và trương lực cơ

giảm

6

Mật độ khoáng xương

giảm

7

Các bệnh tim - mạch

Tăng

8

Rối loạn hô hấp

Tăng

9

Rối loạn thần kinh

Tăng

10

Rối loạn tâm thần

Tăng

11

Rối loạn tạo máu

Tăng

12

Biến dạng da, lông, tóc, móng

Tăng

 


CHẨN ĐOÁN

1. Dựa vào các triệu chứng lâm sàng


Chỉ cần có một triệu chứng về rối loạn sinh sản và hai triệu chứng toàn thân là đủ để định hướng chẩn đoán về mãn dục nam giới.

2. Xét nghiệm

Cần định lượng 5 yếu tố nội tiết tố sinh sản trong máu:
- LH
- FSH
- Prolactine
- Estradiol
- Testosterone

Giá trị vàng là lượng nội tiết tố testosterone giảm thấp dưới mức bình thường tuy nhiên việc xét nghiệm đồng bộ cả 5 nội tiết tố là cần thiết vì các nội tiết tố sinh sản có liên quan và tương hỗ lẫn nhau.


ĐIỀU TRỊ

1. Nguyên tắc cơ bản của việc điều trị là bồi phụ testosterone. Bồi phụ testosrerone
vào cơ thể người bệnh, qua theo dõi 15 tại năm Bệnh viện Việt Đức, hoàn toàn không liên quan gì đến việc gây ra bệnh tăng sản lành tính tuyến tiền liệt hoặc gây ra ung thư tuyến tiền liệt. Điều này hầu như tất cả các tác giả trên thế giới đều kết luận như vậy
Tuy nhiên việc bồi phụ testosterone cần thận trọng trên những bệnh nhân mãn dục kèm theo đang có bệnh tăng sản lành tính tuyến tiền liệt, ung thư tuyến tiền liệt

Bồi phụ testosterone không phải là chống chỉ định trên những người có tăng sản lành tính tuyến tiền liệt nhưng khởi đầu nên cho một liều nhẹ kèm theo được theo dõi các triệu chứng chít tắc do tăng sản lành tính tuyến tiền liệt gây nên. Bên cạnh việc bồi phụ testosterone nên song hành với việc cho các thuốc chẹn Alpha, thuốc ức chế 5 alpha reductase hoặc phẫu thuật.

Với những trường hợp nghi ngờ bị ung thư tuyến tiền liệt cần chú ý 3 việc: thăm trực tràng, định lượng PSA, sinh thiết tuyến tiền liệt trước khi bắt đầu điều trị mãn dục.


3. Một số thuốc testosterone thường dùng

3.1. Dạng tiêm:
hiện nay ít dùng vì gây đau và dễ bị áp xe

- Propionate testosterone 25mg/ống.
Một tuần tiêm 2 ống vào bắp.

- Sustanon (Mixed testosterone esters) 250mg/ống.
Một tuần tiêm 1 ống vào bắp x 3 - 4 tuần.


3.2. Dạng uống: được ưa chuộng sử dụng vì thuận tiện

- Andriol testoscaps (Undecanoate testosterone) 40mg/1viên
Liều tấn công: 4 viên /1ngày x 30 ngày
Liều duy trì: 2viên/1ngày x 30 ngày

- Provironum (Mesterolone) 25mg/viên
Liều tấn công: 3 viên /1ngày x 30 ngày
Liều duy trì: 1 viên /ngày x 30 ngày


3.3. Dạng cao dán ngoài da

- Testoderm (dán ở bìu) ngày 1 miếng dán x 30 ngày

- Androderm (dán ở mọi chỗ) ngày 1 miếng dán x 30 ngày

- Androgel (dán ở bả vai, lưng) ngày 1 miếng dán x 30 ngày


Kết luận

1. Năm 2004 tại hội thảo nội tiết tố sinh sản bàn về vai trò của nội tiết tố testosterone trên cơ thể nam giới tại Pháp, tác giả Oscar Wilde đã nói Bi kịch của tuổi già chỉ đến khi ta tự làm cho mình già (nghĩa là lạm dụng và phung phí tuổi trẻ) hoặc luôn luôn nghĩ là mình còn trẻ (nghĩa là không hề nghĩ đến cái già sồng sộc đang đến ngay sau lưng)
“Cải lão hoàn đồng là mơ ước của các bậc vua chúa ngày xưa thường bắt các danh y đi khắp dân gian để tìm cho được các bài thuốc quý. Điều trị mãn dục nam giới trong điều kiện Việt Nam hiện nay đã có đầy đủ phương tiện thuốc men, chính là việc làm hồi xuân sức trẻ nên khuyến khích phát triển.

2. Tập tục của các nước phương đông rất khắt khe trong quan niệm đánh giá về đạo đức con người cho nên những bệnh nhân cao tuổi thường hay dấu bệnh. Cứ nghĩ rằng ở những người đàn ông cao tuổi bị suy giảm về tình dục thì càng có điều kiện thể hiện đạo đức của mình. Có biết đâu trong tâm tư sâu thẳm của người bệnh luôn luôn ám ảnh một mặc cảm bất lực hết sức nặng nề. Đó là nguồn gốc về 1 loạt các bệnh thần kinh, tâm thần và hàng loạt các bi kịch gia đình.

3. Do điều kiện sống ngày càng nâng cao nên tuổi thọ trung bình ngày càng tăng cao. Việt Nam hiện nay tuổi thọ trung bình là 72,5 tuổi

Nhân loại đang đứng trước 2 câu hỏi lớn:
- Kéo dài tuổi thọ sống càng lâu càng tốt?
- Đã sống phải nâng cao chất lượng cuộc sống?

Mọi người đều thống nhất về quan điểm, kéo dài tuổi thọ là quý, nhưng sống phải đựơc hưởng thụ những chất lượng ưu ái của cuộc sống.

Điều trị mãn dục nam giới mang tính nhân văn ở chỗ mang lại chất lượng cuộc sống cao, tân tạo lại những huỷ diệt của thời gian để sức trẻ mãi mãi được kéo dài

Kết quả hình ảnh cho Mãn dục nam

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Anh Trần Quán (1995) - Nhận xét bước đầu việc điều trị 100 bệnh nhân mãn dục tại Bệnh viện Việt Đức Hà Nội. Tạp chí y học Thực hành số 7, 8 trang 17 -19.
2. Anh Trần Quán (2001) - Ngành ngoại khoa và công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản nam giới Tập san ngoại khoa số 4, 5, 6 trang 01 04.
3. Anh Trần Quán (2002) Vai trò của Androgen trên nam giới Bệnh học giới tính nam trang 402 409.
4. Alexandre C. (2004) Androgène et métabolisme osseux Rapport du congrès 2004 de lAssociation Francaise dUrologie pp 719-729.
5. Alexander G.M. (1998) - Androgen _behavior correlation in hypogonadal men and eugonadal men Horm Behay pp 85-94.
6. Araki H. (1980) An epidemiological survey of prostatic cancer form the Annual of the Pathological Autopsy cases in Japan Tohoku J. Exp Med pp 159 164.
7. Bals_Pratsch M. (1986) - Transdermal testosterone substitution therapy for male hypogonadism Lancet pp 943 946.
8. Barthelemy J.C (2004) Androgène et système nerveux autonome _ Rapport du congrès 2004 lAssociation Francaise dUrologie pp 791-795.
9. Beauchet O. (2004) - épidémiologie du vieillissement masculin Rapport du congrès 2004 lAssociation Francaise dUrologie pp 631-638.
10. Berbis Ph. (2004) Androgène et vieillissent cutané Rapport du congrès 2004 lAssociation Francaise dUrologie pp 805-807.
11. Berthold A.D. (1849) - Transplantation der hoden-Arch Anat Physiol pp 42-46.
12. Cerisier A. (2004) Androgène et système cardio -vasculaire Rapport du congrès 2004
13. lAssociation Francaise dUrologie pp 731-743.
14. Chetard F.C. (2004) Androgènes, muscles squelettiques et exercise musculaire Rapport du congrès 20004 lAssociation Francaise dUrologie pp 703-717.
15. Estour B. (2004) y-a-til une place pour la DHEA, la GH et la mélatonine dans la prise en charge du deficit androgénique lie à lâge Rapport du congrès 2004 lAssociation Francaise dUrologie pp 851-858.
16. Giuliano F. (2004) Testosterone et sexualité Rapport du congrès 2004lAssociation Francaise dUrologie pp 783-790.
17. Gooren L. F. (1987) Androgen levels and sex functions in testosterone _treated hypogonadal men _ Arch Sex Behav pp 463 - 473.
18. Guery J.C. (2004) Androgène et immunité Rapport du congrès 2004lAssociation Francaise dUrologie pp 801-804.
19. Haji M. (1994) Sertoli cel function declines carlier than Leydig cell function in aging Japanese men Maturitas pp 143-153.
20. Hamilton F.B. (1964) Effect of castration in man upon blood sedimentation rate hematocrit and hematoglobin F. Clin Endocrinol Metab pp 506-511.
21. Handelsman D.J. (1994) Testicular disfunction in systemic disease Endocrinol Metab Clin North Am pp 839-856.
22. Harbitz T.B. (1973) Morphometric studies of the Leydig cells in elderly men with special reference to the histology of the prostate _ Acta Pathol Microbiol Scand pp 301-314.
23. Hatano T. (2000) Incidence of bone fracture in patients receiving luteinising-hormone releasing hormone agonists for prostate cancer BJU Int pp 449-452.
24. Kaler L.W. (1978) Attrition of the human Leydig cell population with advancing age Anat Rec pp 513-518.
25. Kamischke A. (1998) Testosterone levels in men with chronic obstructive pulmonary disease with or without glucocorticoide therapy Eur Respir pp 41-45.
26. Kiratli B.J. (2001) Progressive decrease in bone density over 10 years of androgen deprivation therapy in patients with prostate cancer Urology pp 127-132.
27. Lambert S.W. (1997) The endocrinology of aging Science pp 419-424.
28. Martin P.M. (2004) Androgènes et prostate: aspects fondamentaux et cliniques Rapport du congrès 2004 lAssociation Francaise dUrologie pp 751-767.
29. Morley J. (2000) Tithonusism. In : Endocrinology of aging Humana Press pp 11-21.
30. Morote J. (2003) Osteoporosis during continuous androgen deprivation influence of the modality and length of treatment Eur Urol pp 661-665.
31. Nankin H.R. (1980) Morning and evening human Leydig cell responses to HCG Acta Endocrinol pp 560-565.
32. Neaves W.B. (1984) Leydig cell numbers, daily sperm production and serum gonadatropin levels in aging men J Clin Endocrinol Metab pp 756-763.
33. Nierman D.M. (1999) Hypotestosteronemia in chronically critically ill men Crit Care Med pp 2418-2421.
34. Offelein M.G. (2001) Skeletal fracture associated with androgen suppression induced osteoporosis: the clinical incidence and risk factors for patient with prostate cancer J. Urol pp 1724-1728.
35. Pariente J.L. (2004) Androgens vieillissement masculine et gynécomastie Rapport du congrès 2004 lAssociation Francaise dUrologie pp 685-688.
36. Phillip G.B. (1988) Serum sex hormone levels and myocardial infaretion in the Honolulu Heart Program Y. Clin Epidemiol pp 1151-1156.
37. Preston D.M. (2002) Androgen deprivation in men with prostate cancer is associated with an increased rate of bone Loss_Prostate cancer Prostatic Dis pp 304-310.
38. Rigot J.M. (2004) Androgènes Deficit androgénique et apnéc du sommeil Rapport du congrès 2004 lAssociation Francaise dUrologie pp 745-747.
39. Sibert L. (2004) Interactions médicamenteuses avec lequilibre androgénique de lhomme adulte Rapport du congrès 2004 lAssociation Francaise dUrologie pp 679-683.
40. Sebahour G. (2004) Androgènes et hématopoièse Rapport du congrès 2004 lAssociation Francaise dUrologie pp 797-800.
41. Smith M.R. (2003) Management of Treatment Related osteoporosis in men with prostate cancer cancer treat Rev pp 211-218.
42. Tostain J., Rossi D. (2004) Le Deficit androgénique lié à lâge: une maladie endocrine Rapport du congrès 2004 AFU
pp 627-629.
43. Tostain J., Rossi D. (2004) Physiopathologie du deficit androgénique lié à lâge R. 2004 AFU pp 639-660.
44. Tostain J., Rossi D. (2004) Physiopathologie du deficit androgénique lié à lâge R. 2004 AFU pp 661-677.
45. Tostain J., Rossi D. (2004) Action des androgènes sur la répartitions des graisses et les equilibres métabolique R. 2004 AFU pp 689-701.
46. Tostain J., Rossi D. (2004) Les traitements androgènes dans le deficit androgénique lié à lâge R. 2004 AFU pp 831-849.
47. Triều Nguyễn Bửu (2002) Nội tiết tố liên quan đến vấn đề sinh sản Bệnh học giới tính nam trang 07-71.
48. Vermeulen A. (2001) Androgen replacement therapy in the aging male J Clin Endocrinol Mateb pp 2380-2390.
49. Voronoff S. (1920) Testicular grafting from ape to man London, Brentanos Ltd.
50. Yoshikaw T. (1994) The effects of muscle fatigue on bone strain J. Exp Biol pp 141-146.
51. Zacharin M.R. (2003) Bone mineral density outcomes following long-term treatment with subcutaneous testosterone pelled implants in the male hypogonadism Clin Endocrinol pp 691-695.
52. Đến 100 Xem phần tài liệu tham khảo chương vô sinh nam giới và rối loạn cương dương tiếp theo.

 


CHIA SẺ BÀI VIẾT

Bài cùng chủ đề

Bệnh thận - Tiết niệu

    Bệnh tim mạch

      Bệnh cơ-xương-khớp

        Bệnh nội tiết-chuyển hóa

          Bệnh tiêu hóa

            Bệnh phổi - phế quản

              Bệnh Thần kinh - Tâm thần

                Bệnh truyền nhiễm

                  Bệnh nhi khoa

                    Cận lâm sàng

                      Bệnh khác

                        Thuốc

                          Vật lý trị liệu

                            Phục hồi chức năng

                              Tư vấn và Chia sẻ thông tin

                                Sách đã xuất bản của Hà Hoàng Kiệm

                                  Bài báo khoa học

                                    SÁCH CỦA TÔI