Phát hiện biến chứng do bệnh đái tháo đường
PGS.TS. Hà Hoàng Kiệm, BV 103
Bài đã đăng trên báo Sức khỏe và Đời sống (Bộ Y tế) số 122 (2/8/2007) trang 7.
Đái tháo đường là một bệnh rối loạn chuyển hóa, đặc trưng bởi tăng glucose máu thường xuyên cùng với các rối loạn chuyển hóa đường, đạm, mỡ và các chất khoáng. Đây là bệnh mạn tính gây ra nhiều biến chứng cấp tính và mạn tính. Người bị bệnh đái tháo đường cần biết các biến chứng này để đề phòng.
Các biến chứng cấp tính
+ Hôn mê do tăng đường máu, tăng xeton máu.
Những yếu tố thuận lợi dễ gây ra biến chứng này là người bệnh không điều trị hoặc bỏ điều trị, có các căng thẳng tâm lý (stress), mổ lớn, chấn thương, nhiễm khuẩn nặng…
Biểu hiện trước khi hôm mê là đang ăn nhiều trở nên kém ăn, khát tăng, đái nhiều, uống nhiều, thở ra mùi cỏ úa (mùi xeton). Da và môi khô do mất nước, người bệnh thờ ở với ngoại cảnh rồi đi vào hôn mê. Xét nghiệm glucose máu thường trên 40mmol/l, Nồng độ natri máu dưới 155 mmol/l, các thể xeton tăng trong máu.
+ Hôn mê do tăng thẩm thấu máu
Thường xảy ra ở người đái tháo đường nhiều tuổi (trên 50 tuổi), có tình trạng mất nước nặng do nôn, ỉa chảy, dùng thuốc lợi tiểu kéo dài. Có bệnh nhân thấy đi tiểu nhiều đã cố nhịn khát để giảm đi tiểu gây tình trạng mất nước và hôn mê do tăng thẩm thấu máu.
Biểu hiện trước khi hôn mê là đái nhiều, da khô, mắt trũng, hoang tưởng, nhịp tim nhanh, huyết áp giảm, thở nhanh nông, co giật kiểu động kinh. Bệnh nhân ngủ gà rồi đi dần vào hôn mê. Xét nghiệm Natri máu tăng cao trên 155mmol/l, glucose máu tăng nhưng thường dưới 40mmol/l. Độ thẩm thấu máu tăng trên 330 mOsmol/kg H2O. Có thể tính độ thẩm thấu máu theo công thức:
Posm = 2(Na+K) + Ure + G
Trong đó: Posm là độ thẩm thấu máu (mOsmol/kgH2O); Na là nồng độ natri máu (mmol/l); K là nồng độ kali máu (mmol/l); Ure là nồng độ ure máu (mmol/l); G là nồng độ glucose máu (mmol/l) giá trị ở người bình thường là 280-290 mOsmol/kgH2O.
+ Hôn mê do tăng acid lactic máu: ít gặp hơn hai nguyên nhân trên nhưng có thể gặp ở người đái tháo đường có suy thận khi mức lọc cầu thận dưới 30 ml/phút được điều trị bằng thuốc uống nhóm biguanid liều cao, kéo dài, hoặc bệnh nhân đái tháo đường có: Thiếu oxy tổ chức (suy tim, suy thở, thiếu máu, shock, chảy máu...). Do uống biguanid liều quá cao làm tăng phân huỷ glucogen thành acid lactic (bình thường nồng độ lactat huyết thanh 5,7 - 22 mg/dl hay 0,63 - 1,44 mmol/lít). Do thiếu isulin làm hoạt tính pyruvat dehydrogenase giảm, do đó acid pyruvic không chuyển thành acetyl coenzym A, gây tích luỹ acid pyruvic và acid pyruvic chuyển thành acid lactic.
Biểu hiện thường xẩy ra nhanh trong một vài giờ: Buồn nôn, ngủ gà, thở kiểu Kussmault, hôn mê. Giảm thân nhiệt, giảm huyết áp, trụy mạch. Cử động bất thường, đái ít, vô niệu. Triệu chứng âm tính: không có mùi xeton, glucose máu và niệu không cao lắm, không tăng xeton máu và không có xeton niệu, thẩm thấu máu tăng ít. Bicarbonat máu giảm, pH máu giảm, acid lactic máu và tỉ lệ lactat/pyruvat tăng (Acid lactic máu bình thường 0,63 - 1,44 mmol/lít), khi trờn 2 mmol/lít là tăng, khi lớn hơn hoặc bằng 7 mmol/lít là tình trạng hôn mê nặng không hồi phục.
+ Ngoài ba nguyên nhân hôn mê trên là biến chứng của bệnh đái tháo đường, người đái tháo đường có thể gặp nguyên nhân hôn mê thứ tư là hôn mê do hạ đường máu. Đây là biến chứng do dùng thuốc hạ đường huyết quá mức hoặc ăn uống thất thường trong khi vẫn dùng thuốc hạ đường huyết.
Biểu hiện trước khi hôn mê người bệnh thấy đói cồn cào, thèm ăn, run tay chân, vã mồ hôi, da lạnh ẩm, lơ mơ rồi đi vào hôn mê. Xét nghiệm glucose máu thấp dưới 2,5 mmol/l. Đây là một biến chứng rất hay gặp người bệnh đái tháo đường cần biết. Khi phát hiện các triệu chứng của hạ đường huyết trên, cho bệnh nhân ăn vài chiếc bánh quy ngọt hoặc uống vài ngụm nước đường sẽ hết triệu chứng nhanh.
Để đề phòng các biến chứng có thể gây tử vong ở trên, người đái tháo đường cần chú ý
- Tuân thủ đúng chế độ ăn của người đái tháo đường
- Tập luyện thể dục theo hướng dẫn
- Dùng thuốc để khống chế đường máu có theo dõi chặt chẽ
- Không hạn chế uống nước khi khát
- Tránh các căng thẳng tâm lý
- Cần chú ý kiểm soát đường huyết khi bị nhiễm khuẩn, chấn thương, bỏng…
Cần phải biết các yếu tố thuận lợi gây biến chứng hôn mê để phòng tránh. Cần phải biết các triệu chứng báo trước hôn mê để được đưa đi cấp cứu kịp thời.
Các biến chứng mạn tính
Người bệnh đái tháo đường có thể bị nhiều biến chứng mạn tính, các biến chứng này tăng theo thời gian bị bệnh đái tháo đường và phụ thuộc vào mức độ kiểm soát đường huyết. Nếu kiểm soát đường huyết tốt thì biến chứng có thể không xảy ra hoặc xảy ra muộn và mức độ không trầm trọng. Các biến chứng mạn tính có thể gặp là:
+ Biến chứng da:
Dễ bị nhiễm khuẩn da, các vết xước hoặc các vết gãi do muỗi đốt cũng dễ bị viêm mủ khó liền, mụn nhọt khó điều trị, nấm da, loét bàn chân, hoại tử ngón chân do tổn thương mạch máu, hoại tử mỡ da.
+ Biến chứng răng:
Hay gặp là viêm nhiều chân răng (nha chu viêm), hay tái phát dẫn đến rụng răng.
+ Biến chứng mắt:
Biến chứng mắt gặp với tỉ lệ cao, có thể gặp hai loại là đục thủy tinh thể do đái tháo đường và bệnh võng mạc do đái tháo đường, lúc đầu là bệnh võng mạc không tăng sinh, về sau là bệnh võng mạc tăng sinh. Biến chứng mắt có thể dẫn đến giảm thị lực và mù.
Hình trái võng mạc mắt bình thường; hình phải võng mạc mắt ở người đái tháo đường
+ Biến chứng tổn thương thần kinh ngoại vi:
Viêm dây thần kinh ngoại vi có thể gặp viêm nhiều dây thần kinh hoặc bệnh viêm một dây thần kinh. Bệnh nhân giảm hoặc mất cảm giác ở đầu chi, hay gặp là chi dưới, teo cơ, liệt các dây thần kinh sọ não.
Rối loạn thần kinh thực vật biểu hiện hạ huyết áp khi đứng lâu, nhịp tim nhanh, hay bị tiêu chảy, giảm nhu động dạ dày ruột. Rối loạn bàng quang thần kinh biểu hiện bệnh nhân đái xón rồi đái dầm. Giảm khả năng tình dục.
+ Biến chứng thận:
Xơ hóa cầu thận do đái tháo đường dẫn đến suy thận mạn. Biểu hiện ban đầu là đái ra protein, giai đoạn sớm là microalbumin niệu (20-300mcg/24h) về sau là protein niệu (trên 300mcg/24h) về sau giảm mức lọc cầu thận và suy thận. Dễ nhiễm khuẩn đường tiết niệu như viêm thận bể thận mạn, hoại tử nhú thận, áp-xe quanh thận, hoại tử ống thận thường xảy ra sau tiêm thuốc cản quang đường tĩnh mạch để chụp X-quang và gây suy thận cấp. Hiện nay tỉ lệ bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối phải lọc máu chu kỳ do biến chứng của đái tháo đường đang ngày càng gia tăng ở nước ta.
Hình ảnh tổn thương cầu thận, lắng đọng dịch rỉ dạng hạch
+ Biến chứng tim và mạch máu:
Tổn thương mạch máu là biến chứng phổ biến, mạch máu lớn và trung bình bị vữa xơ gây thiếu máu cơ tim, nhồi máu cơ tim, thiếu máu não, nhồi máu não, cơn đau cách hồi chi dưới. Vi mạch bị tổn thương gây thiếu máu, hoại tử chi nhất là vùng bàn chân.
+ Nhiễm khuẩn:
Người bệnh đái tháo đường dễ bị nhiễm khuẩn, nhất là lao, nhiễm khuẩn đường hô hấp, nhiễm khuẩn huyết, viêm cơ, viêm các tổ chức phần mềm…
+ Biến chứng bàn chân:
Đây là biến chứng thường gặp gây tàn phế ở người đái tháo đường, biến chứng bàn chân là do phối hợp cả tổn thương thần kinh ngoại vi và tổn thương mạch máu do đái tháo đường. Bàn chân thường mất cảm giác dẫn đến bị chấn thương, loét do thiểu dưỡng hình lỗ đáo khó liền, hoại tử ngón chân bàn chân dẫn đến phải cắt cụt. Biến chứng bàn chân nhiều và quan trọng đến mức người ta phải thành lập khoa chăm sóc bàn chân cho người đái tháo đường ở các bệnh viện nội tiết.
Loét lỗ đáo ở bàn chân ở người đái tháo đường (hình trái); Hoại tử ngón chân ở người đái tháo đường (hình phải)
Các biến chứng mạn tính ở người đái tháo đường cơ bản là do tổn thương các mạch máu, cả mạch máu lớn, mạch máu trung bình, mạch máu nhỏ và vi mạch bị tổn thương. Do tình trạng tăng đường máu thường xuyên và rối loạn chuyển hóa gây tổn thương lớp tế bào nội mạc mạch máu, thấm các chất rỉ từ huyết tương là các sản phẩm do rối loạn chuyển hóa tạo ra vào thành mạch gây tổn thương thành mạch. Mức độ biến chứng liên quan với mức độ kiểm soát đường huyết kém (xét nghiệm HbA1C giúp cho việc đánh giá mức độ kiểm soát dường máu tốt hay không trong vòng 2-3 tháng trước xét nghiệm, cần duy trì HbA1C dưới 7,5%, tốt nhất là dưới 6,5%) , nếu trên 10% là kém. Thời gian bị bệnh đái tháo đường kéo dài cũng là yếu tố liên quan với biến chứng.
Để hạn chế các biến chứng này, người bệnh đái tháo đường cần tuân thủ chế độ ăn, chế độ hoạt động thể lực, chế độ sinh hoạt và lối sống theo hướng dẫn. Tuân thủ chế độ điều trị bằng thuốc và theo dõi thường xuyên bởi các bác sĩ chuyên khoa.