PGS.TS. Hà Hoàng Kiệm, BV 103
1. Chẩn đoán
+ Thường xẩy ra trên bệnh nhân đái tháo đường dùng quá liều thuốc hạ đường huyết hoặc ăn uống thất thường.
+ Bệnh nhân có cảm giác đói cồn cào, thèm ăn, run tay chân, vã mồi hôi, da lạnh ẩm.
+ Thần kinh: lơ mơ, ngủ gà, đi dần vào hôn mê
+ Xét nghiệm glucosse máu giảm thấp dưới 2,5 mmol/lít
2. Điều trị cấp cứu
2.1. Lấy máu xét nghiệm đường huyết cấp cứu
2.2. Test chẩn đoán phân biệt hôn mê do hạ đường huyết và hôn mê do tăng đường huyết có tăng xeton máu
Không nên mất thời gian chờ kết quả xét nghiệm đường huyết, sau khi lấy mẫu máu xét nghiệm,
Tiêm tĩnh mạch ngay 20 ml glucose 30% hoặc 40%. Nếu là hôn mê do hạ đường huyết bệnh nhân tỉnh nhanh, nếu là hôn mê do tăng đường huyết triệu chứng của bệnh nhân không thay đổi.
Với liều lượng glucose trên không làm nặng thêm triệu chứng hôn mê do tăng đường huyết.
2.3. Xử trí tiếp
Sau khi chẩn đoán xác định (sau tiêm 20 ml glucose ưu trưng triệu chứng của bệnh nhân cải thiện nhanh hoặc có kết quả xét nghiệm đường huyết) cần nâng đường huyết của bệnh nhân lên mức 6 - 7 mmol/lít, tổng lượng glucose cần bổ xung có thể ước tính như sau:
G(g) = (6 - Gbn) . 0,2 . BW . 0,18
G: Tổng lượng glucose (g) cần bổ xung để nâng nồng độ đường huyết lên 6 mmol/lít
6: Nồng độ glucose máu cần nâng lên (6 mmol/lít)
Gbn: Nồng độ glucose máu của bệnh nhân (mmol/lít)
0,2: Lượng dịch ngoại bào chiếm 20% trọng lượng cơ thể
BW (body weight): Trọng lượng của bệnh nhân (kg); 0,2 . BW là lượng dịch ngoại bào (1 kg nước = 1 lít nước).
0,18: Trọng lượng phân tử của glucose là 180 (1 mol glucose = 180g), vậy 1mmol glucose có trọng lượng 0,18g.
Nên dùng dung dịch glucose 5% (100 ml có 5g glucose), truyền tĩnh mạch tốc độ XXX giọt/phút.
Nguồn: Hà Hoàng Kiệm. Thực hành cấp cứu và điều trị bệnh nội khoa. NXB YH. 2006, 2008, 2013. Trang 183 - 184.