Kỹ thuật đo liều sinh học tử ngoại
PGS.TS. Hà Hoàng Kiệm, BV103, HVQY
1. Chỉ định và chống chỉ định điều trị bằng tử ngoại
1.1. Chỉ định
- Tắm tử ngoại toàn thân:
+ Điều trị cho trẻ em bị còi xương, chậm lớn
+ Nâng cao sức đề kháng và tăng cường sức khỏe cho người mới ốm dậy, bệnh nhân trong giai đoạn bình phục.
+ Rèn luyện sức chịu đựng của cơ thể
- Điều trị tại chỗ:
+ Bệnh vảy nến: dùng liều cao từ đầu, gấp 4 - 6 lần liều sinh học, giảm liều dần tùy theo tiến triển của tổn thương cho đến khi vùng tổn thương phẳng không còn vảy liều còn bằng một liều sinh học.
+ Bệnh bạch biến: liều tử ngoại tăng dần từ 2 lần liều sinh học lên 3 - 4 lần liều sinh học đến khi màu da vùng bạch biến gần về bình thường.
- Rụng tóc kiểu thành đám: liều tử ngoại tăng dần từ 1 liều sinh học lên 2 - 3 lần liều sinh học
- Làm nhanh rụng hoại tử của vết thương, vết loét: nếu vết thương hoặc vết loét nhiều dịch mủ hoại tử thì cần thay băng để làm sạch vết thương, sau đó cho chiếu tử ngoại với liều 3 - 5 lần liều sinh học. khi dịch mủ và hoại tử giảm, phải giảm dần liều tử ngoại. khi vết thương hoặc vết loét lên tổ chức hạt đẹp, liều tử ngoại phải giảm xuống bằng 1/4 liều sinh học để kích thích liền sẹo, nếu chiếu liều cao vào tổ chức hạt sẽ gây xơ hóa.
1.2. Chống chỉ định
- Chống chỉ định toàn thân:
+ Bệnh nhân suy kiệt, sốt cao, đang có bệnh tiến triển như lao, ung thư, viêm gan, suy thận...
+ Các bệnh nặng như suy tim, suy gan, suy thận, cường giáp.
+ Một số người có biểu hiện quá mẫn với tử ngoại, tắm tử ngoại toàn thân có thể gây choáng.
- Chống chỉ định tại chỗ: viêm da, eczema giai đoạn chảy nước diện rộng, chiếu tử ngoại có thể gây tiến triển nặng thêm.
2. Kỹ thuật đo liều sinh học tử ngoại
Vì mức độ cảm ứng với bức xạ tử ngoại phụ thuộc vào từng bệnh nhân, nên trước khi tiến hành điều trị cho mỗi bệnh nhân cần đo liều sinh học tử ngoại để xác định liều điều trị thích hợp.
2.1. Định nghĩa liều sinh học của bức xạ tử ngoại
Liều sinh học của bức xạ tử ngoại là thời gian tối thiểu để gây được hiện tượng đỏ da tối thiểu trên một người nhất định với một nguồn tử ngoại để xa 50cm, chiếu thẳng góc vào da.
Liều sinh học đo cho người nào và dùng đèn nào để đo chỉ có ý nghĩa đối với người đó, không áp dụng được với người khác và khi sử dụng loại đèn khác.
2.2. Chuẩn bị dụng cụ
- Thước đo liều sinh học tử ngoại: thường dùng thước của goocbatrep. thước là một tấm kim loại bằng kẽm hoặc nhôm có 6 lỗ hình chữ nhật, được đính vào một mảnh vải dày có dây ở bốn góc để cố định lên cơ thể. thước có một thanh trượt có thể kéo ra kéo vào để che các lỗ hình chữ nhật.
Hình 1: Thước đo liều sinh học tử ngoại.
- Kính bảo vệ mắt cho bệnh nhân và thầy thuốc.
- Đèn tử ngoại.
- Phương tiện che chắn tia tử ngoại: bằng màn che có lỗ.
2.3. Chuẩn bị bệnh nhân
- Tư thế bệnh nhân thường đo ở tư thế ngồi.
- Vị trí đo liều sinh học: thường đo ở vùng cơ thể nhạy cảm nhất như vùng ngực, vùng lưng, mặt trước cánh tay.
2.4. Kỹ thuật đo
- Cố định thước lên vùng đo sao cho tấm kim loại luôn áp sát da, dùng tấm chắn để che vùng da không đo, đeo kính bảo vệ mắt cho bệnh nhân và kỹ thuật viên, đẩy thanh trượt che kín cả 6 lỗ. Đèn tử ngoại cần được bật sáng trước khi đo ít nhất 5 phút để cho đèn phát sáng tối đa, khi đo đặt đèn sao cho bức xạ tử ngoại chiếu vuông góc với thước đo, khoảng cách đèn đến lỗ đo 50 cm. Kéo thanh trượt để hở lỗ thứ nhất chiếu 15 giây, mở tiếp lỗ thứ hai chiếu 15 giây, mở tiếp lỗ thứ ba chiếu 15 giây rồi tiếp cho đến lỗ thứ sáu. Hết lỗ thứ sáu thì đóng thước đo lại, tắt đèn, tháo thước đo. như vậy lỗ đầu tiên được chiếu 90 giây, lỗ thứ hai chiếu 75 giây, lỗ thứ ba chiếu 60 giây, lỗ thứ tư chiếu 45 giây, lỗ thứ năm chiếu 30 giây và lỗ thứ sáu chiếu 15 giây. Sau khi đo xong, yêu cầu bệnh nhân không được gãi hoặc chà xát lên vùng da được đo, không được uống rượu bia, không được để vùng da đã đo tiếp xúc với ánh nắng và tới đọc kết quả vào ngày hôm sau (sau 18 đến 24 giờ).
- Đọc kết quả: Đọc kết quả sau 18 - 24 giờ (ngày hôm sau), thông thường sau 6 - 8 giờ thì hiện tượng đỏ da bắt đầu xuất hiện, đỏ da tối đa sau 18 - 24 giờ. khi đọc kết quả, quan sát chỗ đo ngày hôm trước có thể thấy một trong ba biểu hiện sau:
+ Thấy một số lỗ đỏ da rõ, vuông vắn theo hình chữ nhật. chọn lỗ nào đỏ da ít nhất nhưng còn rõ bờ hình chữ nhật, thời gian chiếu của lỗ đó là liều sinh học. ví dụ: lỗ thứ ba chiếu 60 giây thấy da đỏ ít nhất và bờ hình chữ nhật rõ ràng thì liều sinh học của bệnh nhân là 60giây, với khoảng cách đến đèn là 50 cm.
+ Cả 6 lỗ đều đỏ da rõ: như vậy liều tử ngoại quá mạnh, phải đo lại với thời gian thấp hơn một nửa.
+ Tất cả 6 lỗ đều không thấy đỏ da: liều tử ngoại thấp cần đo lại với thời gian cao hơn gấp đôi.
3. Cách tính liều sinh học tương đương
- Thông thường, điều trị ở vùng nào cần đo liều sinh học ở vùng đó. Tuy nhiên, để giảm bớt thời gian đo liều sinh học khi cần điều trị nhiều vùng khác nhau, người ta có thể chỉ cần đo liều sinh học ở một vùng nhạy cảm nhất (ví dụ vùng cơ ngực lớn hoặc vùng xương bả vai), rồi tính ra liều sinh học tương đương theo từng vùng. ví dụ: đo liều sinh học ở ngực là 1 phút, muốn tính liều sinh học ở mặt sau cẳng chân, biết tỷ lệ cảm ứng ở vùng mặt sau cẳng chân là 5% so với ngực, vì vậy: 1 x 100/5 = 20 phút. liều sinh học tương đương ở mặt sau cẳng chân là 20 phút, nếu cần điều trị vào vùng này gấp 4 lần liều sinh học: 4liều sinh học x 20 phút = 80 phút nếu để đèn xa 50cm.
- Nếu muốn điều trị toàn thân, chỉ cần đo liều sinh học một lần tại vùng cơ thể mẫn cảm nhất (vùng cơ ngực lớn hoặc vùng xương bả vai), sau đó dùng bảng tính sẵn để tính liều chiếu hàng ngày.
Hình 2. Tỉ lệ cảm ứng với tia tử ngoại ở các vùng da khác nhau của cơ thể.
Chú thích: (1): 100%; (2): 75%; (3): 50%; (4): 25%; (5): 10%; (6): 5%; (7): 0%.
Để rút ngắn thời gian chiếu, người ta để đèn gần hơn hoặc khi cần chiếu vùng rộng người ta phải để đèn xa hơn, cường độ tác dụng của bức xạ tử ngoại tỷ lệ nghịch với bình phương khoảng cách. Công thức chuyển đổi liều sinh học như sau:
ax2
t = ----------
x02
t: thời gian liều sinh học cần tìm (phút).
a: liều sinh học đo ở khoảng cách x0 (phút).
x0: khoảng cách đã đo liều sinh học (theo qui ước là 50cm).
x: khoảng cách để đèn cách xa da của liều sinh học cần tìm (cm).
4. Tai biến, dự phòng và xử trí
- Bỏng da: có thể xảy ra do chiếu quá liều tia tử ngoại. vùng được chiếu quá liều sẽ có cảm giác rát, sau 24 giờ xuất hiện các nốt phỏng nước nông, các nốt phỏng này sẽ để lại lớp da non ở dưới và trở lại bình thường sau 1 tuần, toàn thân bệnh nhân có cảm giác mệt.
Có thể làm giảm nhẹ tai biến tại chỗ bằng cách khi biết chiếu quá liều bức xạ tử ngoại, chiếu đèn hồng ngoại vào vùng đó với liều ấm trong một giờ. vì sau khi hấp thu tia tử ngoại liều cao, hiệu ứng quang hóa xảy ra mạnh đã tạo ra các chất thoái giáng của chuyển hóa cùng với protein của tế bào bị phân hủy gây tổn thương tế bào. Khi chiếu hồng ngoại, do tác dụng nhiệt của hồng ngoại gây giãn mạch tại chỗ, tăng lưu thông máu làm cho các sản phẩm thoái giáng mới hình thành được phân tán, làm giảm nguy cơ gây tổn thương tế bào.
+ Tổn thương mắt do tia tử ngoại: Khi tia tử ngoại chiếu thẳng vào mắt mà không có kính bảo vệ, khoảng 10 - 12 giờ sau khi chiếu, bệnh nhân cảm thấy khô mắt, cộm mắt, nhìn không rõ, nhức mắt, sung huyết kết mạc làm mắt đỏ ngầu. Sau khi có các triệu chứng trên khoảng 7 - 8 giờ, cảm giác khó chịu giảm nhanh, ngày hôm sau chỉ còn cộm mắt nhẹ, khô mắt, không để lại di chứng. Phản ứng trên là biểu hiện tổn thương kết mạc do tia tử ngoại. Nếu chiếu liều cao tia tử ngoại vào mắt có thể gây tổn thương giác mạc, nếu nặng có thể gây bỏng nhẹ (phỏng nước) giác mạc nhưng khi khỏi không để lại di chứng. Tổn thương mắt do tia tử ngoại hay gặp ở các công nhân hàn do không dùng kính bảo vệ mắt khi hàn.
Để đề phòng tổn thương mắt do tia tử ngoại, phải đeo kính bảo vệ mắt khi vào buồng điều trị. Khi bị tổn thương mắt do tia tử ngoại cho bệnh nhân nhỏ nước muối sinh lý 3 - 4 lần/ngày và đeo kính dâm đến khi khỏi.
Nguồn: Hà Hoàng Kiệm. Vật lý trị liệu và Phục hồi chức năng.Giáo trình dùng cho đào tạo đại học. Bộ môn Phục hồi chức năng, HVQY. NXB QDND (2017).