KỸ THUẬT ĐIỆN DI ION THUỐC
PGS.TS. Hà Hoàng Kiệm. BV103, HVQY
1. CHỈ ĐỊNH VÀ CHỐNG CHỈ ĐỊNH
1.1. Chỉ định
Chỉ định điện di ion thuốc phụ thuộc vào chỉ định của thuốc, nếu thuốc thoả mãn các điều kiện để làm điện di (trong dung dịch thuốc phân ly thành ion và biết được ion định đưa vào cơ thể mang điện tích gì) thì có thể sử dụng đường điện di để đưa ion thuốc vào cơ thể.
- Giảm đau do các nguyên nhân bệnh thần kinh, chấn thương, viêm khớp mạn tính (điện di thuốc novocain, salicylat).
- Chống viêm với viêm nhiễm khuẩn dùng thuốc kháng sinh, với viêm không nhiễm khuẩn như viêm khớp dạng thấp, viêm rễ thần kinh... dùng thuốc salicylat, corticoid.
- Điều trị sẹo lồi, sẹo xơ dính (thuốc cortocoid).
- Với mắt: điều trị viêm loét kết mạc, giác mạc (dùng kháng sinh), điều trị sẹo giác mạc (corticoid), giảm đau (thuốc dionin).
- Giảm co thắt cơ vân, cơ trơn đường tiêu hóa, tiết niệu, sinh dục (thuốc novocain).
- Kích thích phục hồi thần kinh, các cơ bị bại liệt (thuốc nivalin, paralyse).
1.2. Chống chỉ định
Chống chỉ định điện di ion thuốc phụ thuộc vào chống chỉ định của thuốc và chống chỉ định của dòng điện một chiều đều.
- Chống chỉ định tuyệt đối:
+ Người mang máy tạo nhịp tim.
+ Dị ứng với dòng điện một chiều và thuốc sử dụng làm điện di.
+ Có tổn thương trên da vùng đặt điện cực: trầy xước da, viêm loét da, eczema, nấm da...
+ Các u lành tính và u ác tính.
- Chống chỉ định tương đối:
+ Bệnh nhân tâm thần kích động.
+ Trẻ em.
2. CHUẨN BỊ PHƯƠNG TIỆN VÀ BỆNH NHÂN
2.1. Chuẩn bị phương tiện
- Máy điện di:
+ Kiểm tra an toàn về điện: Kiểm tra điện nguồn xem có phù hợp không, cắm điện nguồn cho điện vào máy, dùng bút thử điện kiểm tra, bình thường không được rò điện ra vỏ máy hoặc dây điện cực. Đặt hai điện tiếp xúc với nhau, bật máy, điều chỉnh cường độ dòng điện tăng giảm xem kim đồng hồ chỉ cường độ dòng điện có tăng giảm đều đặn không. Nếu kim đồng hồ dao động bất thường là máy hỏng không được dùng để điều trị. Người ta quy ước dây điện cực dẫn dòng điện ra bệnh nhân có màu đỏ là điện cực dương, màu xanh là điện cực âm.
Hình 1. Máy Galvanic GF - 796. Hình 2. Máy điện di Como.
- Điện cực và dụng cụ cố định điện cực:
Hình 3. Điện cực kim loại là các Hình 4. Điện cực đệm làm bằng vải
lá chì có hình dạng và kích thước khác nhau.
Hình 5. Dụng cụ cố định là Hình 6. Thuốc làm điện di.
dây buộc và bao cát.
+ Điện cực:
Điện cực kim loại: có thể là các lá chì, lá thiếc hoặc cao su pha kim loại để dẫn điện. Điện cực có hình dạng và kích thước khác nhau, các góc được cắt tròn. Điện cực kim loại được nối với dây điện cực của máy. Khi điều trị cần lựa chọn hình dạng kích thước phù hợp với vùng điều trị, trước mỗi lần điều trị cần là phẳng bề mặt điện cực kim loại để điện tích được phân bố đều trên bề mặt.
Điện cực đệm: được làm bằng các lớp vải có hình dạng tương ứng với điện cực kim loại nhưng kích thước mỗi chiều rộng hơn điện cực kim loại 1cm và dày 1cm. Cũng có thể dùng các tấm xốp có kích thước tương tự điện cực vải để làm điện cực đệm. Điện cực đệm được thấm nước, vắt để ẩm để dẫn điện và được đặt đệm giữa điện cực kim loại và da để tránh hiện tượng bỏng da do hình thành acid hoặc kiềm dưới tác dụng của dòng điện một chiều đều. Khi điều trị, chọn kích thước điện cực đệm phù hợp với điện cực kim loại (mỗi chiều lớn hơn điện cực kim loại 1cm), bề mặt điện cực tiếp xúc với da phải được vuốt phẳng.
+ Dụng cụ cố định: để cố định điện cực có thể dùng bao cát, dây chun, dây chun có dính miếng dán.
- Thuốc điện di:
+ Thuốc để làm điện di ở dạng dung dịch, trước khi sử dụng thuốc để điều trị phải kiểm tra hạn sử dụng, không được kết tủa hoặc chuyển màu. Có hai cách đưa thuốc vào điện cực: rải thuốc đều vào một miếng giấy thấm có kích thước bằng kích thước điện cực đệm hoặc rải thuốc trực tiếp lên bề mặt điện cực đệm phía tiếp xúc với da bệnh nhân.
+ Thuốc phải được đặt ở điện cực cùng dấu với ion thuốc định đưa vào cơ thể. Ví dụ: muốn đưa salicylat vào thì phải cho thuốc salicylat natri vào cực âm vì salicylat mang điện tích âm.
- Một số phương tiện khác:
+ Lavabo có vòi nước chảy để giặt điện cực.
+ Chậu đựng nước ấm để ngâm điện cực vào mùa lạnh.
2.2. Chuẩn bị bệnh nhân
- Bệnh nhân có thể nằm hoặc ngồi sao cho thoải mái và thư giãn nhất, đồng thời dễ dàng bộc lộ vùng đặt điện cực.
- Giải thích cho bệnh nhân yên tâm điều trị, kiểm tra vùng da đặt điện cực.
- Giải thích cho bệnh nhân các ngưỡng cảm giác khi dòng điện một chiều đều tác dộng vào cơ thể, như cảm giác kiến bò, kim châm là ngưỡng cảm giác, đau là ngưỡng đau.
- Cường độ dòng điện điều trị là cường độ nằm giữa ngưỡng cảm giác và ngưỡng đau. Cần dặn bệnh nhân nếu có cảm giác đau hoặc nóng rát là quá liều, cần thông báo cho kỹ thuật viên điều trị.
- Bệnh nhân phải luôn ở tư thế thư giãn, không được sờ vào máy và các vật dẫn điện, không tự ý tháo điện cực.
3. TIẾN HÀNH KỸ THUẬT
- Lấy thuốc theo chỉ định điều trị rải đều lên bề mặt của điện cực đệm phía sẽ tiếp xúc với da bệnh nhân hoặc nếu sử dụng giấy thấm thì rải đều thuốc lên giấy thấm.
- Đặt điện cực đệm phía có thuốc hoặc đặt mảnh giấy thấm thuốc lên da vùng điều trị rồi đặt điện cực đệm lên trên. Một điện cực khác không có thuốc được đặt trên da bên đối diện hoặc ở vị trí theo chỉ định sao cho dòng điện đi qua vùng điều trị.
- Đặt điện cực kim loại (đã nối với dây điện cực của máy) lên trên điện cực đệm để điện cực đệm nằm đệm giữa điện cực kim loại và da bệnh nhân. Cố định điện cực lên bệnh nhân bằng dây cao su hoặc bao cát. Chú ý ion thuốc định đưa vào cơ thể phải được đặt ở điện cực cùng dấu, tuyệt đối không để điện cực kim loại chạm vào da bệnh nhân, không để hai điện cực điều trị chạm vào nhau.
- Bật công tắc điện nguồn, điều chỉnh cường độ dòng điện tăng từ từ lên trên ngưỡng cảm giác, dưới ngưỡng đau của bệnh nhân là được, duy trì cường độ ở mức này trong suốt thời gian điều trị.
- Đặt đồng hồ theo dõi thời gian, theo dõi bệnh nhân trong khi điều trị (nếu xuất hiện đau rát thì giảm cường độ dòng điện xuống). Khi hết thời gian điều trị (thông thường 15 - 30 phút), điều chỉnh cường độ dòng điện về 0, tháo điện cực, kiểm tra vùng điều trị, dặn bệnh nhân những điều cần theo dõi khi về nhà như không chà xát lên vùng đặt điện cực, nếu thấy vùng đặt điện cực nổi mẩn, ngứa thì thông báo cho bác sĩ.
- Điện cực đệm sau khi điều trị cần được ngâm dưới vòi nước chảy để giặt sạch các ion thuốc của lần điều trị trước, sau đó mới dùng cho bệnh nhân khác.
- Ghi phiếu điều trị.
4. TAI BIẾN, XỬ TRÍ VÀ CÁCH DỰ PHÒNG
- Điện giật:
+ Nguyên nhân: do hở dây dẫn điện nguồn, rò điện nguồn ra vỏ máy và dây điện cực. Kỹ thuật viên hoặc bệnh nhân tiếp xúc với các phương tiện này có thể bị điện giật.
+ Xử trí: tắt nguồn điện, đưa nạn nhân ra khỏi vị trí, xử trí tùy theo mức độ. Nếu có ngừng tim, ngừng thở thì phải cấp cứu theo phác đồ cấp cứu ngừng tuần hoàn.
+ Dự phòng: kiểm tra hệ thống điện nguồn, dây dẫn, kiểm tra máy, yêu cầu bệnh nhân tuân theo đúng quy trình điều trị.
- Cảm giác điện giật: do tăng giảm cường độ dòng điện điều trị đột ngột gây co cơ, làm bệnh nhân có cảm giác bị điện giật. Để tránh hiện tượng này cần thực hiện đúng quy trình điều trị.
- Dị ứng: triệu chứng ngứa, nổi mẩn đỏ ở vùng da đặt điện cực.
+ Nguyên nhân: dị ứng với thuốc hoặc với dòng điện hoặc điện cực bẩn.
+ Xử trí: ngừng điều trị, bệnh có thể tự hết, nếu nặng hoặc kéo dài cần dùng thuốc chống dị ứng.
+ Dự phòng: hỏi tiền sử dị ứng thuốc để phòng tránh, giặt sạch điện cực.
- Bỏng: vùng điều trị đau rát nhiều, đỏ, có thể xuất hiện nốt phỏng nước.
+ Nguyên nhân: do điện cực kim loại chạm vào da bệnh nhân.
+ Xử trí: ngừng điều trị, xử trí như với bỏng acid nếu bỏng ở cực dương, xử trí như với bỏng kiềm nếu bỏng ở cực âm, có thể phong bế novocain để tăng phân tán acid hoặc kiềm hình thành do tác dụng của dòng điện một chiều đều.
Nguồn: Hà Hoàng Kiệm. Vật lý trị liệu và Phục hồi chức năng.Giáo trình dùng cho đào tạo đại học. Bộ môn Phục hồi chức năng, HVQY. NXB QDND (2017).