kỹ thuật vỗ, rung lồng ngực và dẫn lưu tư thế
1. chỉ định và chống chỉ định
1.1. chỉ định
- kỹ thuật vỗ, rung lồng ngực và dẫn lưu tư thế thực hiện với mục đích phòng bệnh.
+ bệnh nhân thở máy liên tục: với điều kiện tình trạng bệnh nhân cho phép chịu được biện pháp điều trị.
+ bệnh nhân phải nằm bất động lâu ngày, có nguy cơ ùn tắc đường thở như bệnh nhân bị bệnh phổi - phế quản mạn tính, sau các mổ lớn hoặc mổ lồng ngực.
+ bệnh nhân có tăng tiết đờm dãi: bệnh giãn phế quản.
+ bệnh nhân có khuynh hướng hạn chế hô hấp vì đau hoặc vì suy kiệt phải bất động, bệnh nhân bị giảm hoặc mất phản xạ ho để tống đờm.
- kỹ thuật vỗ, rung lồng ngực và dẫn lưu tư thế thực hiện với mục đích đào thải đờm:
+ bệnh nhân bị xẹp phổi do ứ đọng dịch tiết.
+ bệnh nhân bị áp xe phổi có khạc ra mủ.
+ bệnh nhân bị viêm phổi.
+ bệnh nhân bị ứ đọng đờm sau phẫu thuật.
+ bệnh nhân bị hôn mê lâu ngày.
1.2. chống chỉ định
- thận trọng trong các trường hợp sau phẫu thuật lồng ngực.
- bệnh nhân có nguy cơ chảy máu.
- bệnh nhân suy kiệt nặng.
- những bệnh nhân có bệnh lý xương sườn như loãng xương, chấn thương ngực cần chống chỉ định vỗ, rung lồng ngực để tránh gãy xương.
2. chuẩn bị bệnh nhân và phương tiện
2.1. chuẩn bị bệnh nhân
- giải thích, động viên bệnh nhân, tạo không khí thoải mái cho bệnh nhân khi thực hiện kỹ thuật.
- kiểm tra toàn thân: mạch, huyết áp, nhiệt độ, nhịp thở.
- nghe phổi tìm ra vùng ứ đọng nhiều để dẫn lưu.
- lưu ý các ống thông, các dây nối đang có trên người bệnh nhân.
- bệnh nhân chỉ được ăn nhẹ hoặc ăn sau khi kết thúc đặt tư thế dẫn lưu.
2.2. chuẩn bị phương tiện
- giường, bàn, ghế, gối.
- khay quả đậu, khăn, giấy lau.
- máy đo huyết áp, ống nghe.
- mũ, khẩu trang.
3. kỹ thuật điều trị
3.1. kỹ thuật dẫn lưu tư thế
3.1.1. những điểm chú ý khi thực hiện kỹ thuật
- người điều trị đứng phía trước mặt bệnh nhân để quan sát được nét mặt bệnh nhân trong khi thay đổi tư thế của bệnh nhân.
- đặt bệnh nhân đúng tư thế dẫn lưu theo chỉ định, mỗi tư thế dẫn lưu từ 5 - 10 phút. tổng thời gian của các tư thế là 40 phút. mỗi ngày dẫn lưu tư thế hai lần vào buổi sáng và chiều.
- nên phối hợp dẫn lưu tư thế với kỹ thuật vỗ, rung lồng ngực và tập thở (nếu như không có chống chỉ định các phương pháp đó trên bệnh nhân).
- sau điều trị, để bệnh nhân trở lại tư thế cũ hoặc ngồi dậy từ từ, thở sâu và ho. cần chú ý các chất dịch không tống ra ngay trong và sau khi dẫn lưu mà thường phải sau 30 phút đến 1 giờ, nên nhắc bệnh nhân ho và khạc ra.
- chú ý: không để bệnh nhân một mình không theo dõi ở tư thế đầu dốc xuống. đối với những bệnh nhân bị hôn mê, xuất huyết não, bệnh nhân cao tuổi, bệnh nhân có bệnh lý tim mạch, bệnh nhân có tổn thương vùng cột sống cổ, các bệnh nhân có tình trạng toàn thân nặng như suy kiệt, phải được theo dõi cẩn thận khi tiến hành dẫn lưu tư thế.
- các nhận xét tư thế dẫn lưu, hiệu quả dẫn lưu, tình trạng bệnh nhân trước, trong và sau khi dẫn lưu phải được ghi chép lại và trao đổi với bác sĩ điều trị của bệnh nhân.
3.1.2. các tư thế dẫn lưu
- dẫn lưu thùy trên gồm phân thùy trên (phân thùy đỉnh), phân thùy trước và phân thùy sau.
+ dẫn lưu phân thùy đỉnh: bệnh nhân nằm theo tư thế nửa nằm nửa ngồi, kê một gối nhỏ dưới khoeo để đỡ khớp gối.
hình 3.13. dẫn lưu phân thùy đỉnh của thùy trên.
+ dẫn lưu phân thùy trước: bệnh nhân nằm ngửa, gối đầu cao, kê một gối nhỏ dưới khoeo chân để đỡ khớp gối.
hình 3.14. dẫn lưu phân thùy trước của thùy trên.
+ dẫn lưu phân thùy sau phải: bệnh nhân nằm sấp, nghiêng 450 về bên đối diện (kê vai phải cao hơn so với mặt giường 20cm), chân trái duỗi, chân phải co.
hình 3.15. dẫn lưu phân thùy sau phải của thùy trên.
+ dẫn lưu phân thùy sau trái: bệnh nhân nằm sấp, nâng đầu cao hơn chân 300.
- dẫn lưu thùy giữa phải: bệnh nhân nằm ngửa, nghiêng 450 về bên đối diện (kê vai phải cao hơn so với mặt giường 20cm). chân giường kê cao 25cm (đầu dốc 200).
- dẫn lưu thùy dưới:
+ dẫn lưu phân thùy dưới bên phải: bệnh nhân nằm nghiêng trái, đệm một gối dài giữa hai chân để bệnh nhân dễ chịu, chân giường kê cao 30cm (đầu dốc xuống 300).
hình 3.16. dẫn lưu phân thùy bên của thùy dưới phải.
+ dẫn lưu phân thùy dưới bên trái hay phân thùy giữa bên phải: bệnh nhân nằm nghiêng phải, đệm một gối dài giữa hai chân, đầu dốc xuống 300.
+ dẫn lưu phân thùy sau dưới: bệnh nhân nằm ngửa, đầu dốc 300 hoặc nằm sấp, đầu dốc 300.
hình 3.17. dẫn lưu phân thùy sau của cả hai thùy dưới.
3.2. kỹ thuật vỗ lồng ngực
- bệnh nhân có thể nằm hoặc ngồi.
- bàn tay kỹ thuật viên luôn ở tư thế chụm lại, các ngón tay khép.
- khi vỗ lên thành ngực, bàn tay kỹ thuật viên sẽ tạo thành một đệm không khí giữa tay và thành ngực.
- vai, khuỷu tay, cổ tay của kỹ thuật viên phải giữ ở trạng thái thoải mái, mềm mại, không lên gân.
- tốc độ vỗ vừa phải, không mạnh quá vì sẽ gây đau và khó chịu cho bệnh nhân.
- bàn tay vỗ có thể di chuyển lên trên hoặc xuống dưới hoặc ra xung quanh theo kiểu vòng tròn.
- khi vỗ phải lót khăn mỏng trên da.
- không vỗ vào vùng xương nhô lên như cột sống, xương đòn, xương bả vai.
- thời gian vỗ từ 3 - 5 phút.
hình 3.18. tư thế bàn tay khi vỗ.
3.3. kỹ thuật rung lồng ngực
- rung được tiến hành ở thì thở ra của bệnh nhân.
- kỹ thuật viên đặt hai tay lên thành ngực phía sau, các ngón tay đặt trên các kẽ sườn của bệnh nhân. bệnh nhân phải hít vào thật sâu, thở ra mạnh và dài.
- khi bệnh nhân thở ra, kỹ thuật viên ấn tay và rung nhẹ nhanh vào thành ngực để đờm dãi từ phế quản nhỏ chảy ra phế quản lớn và ra ngoài.
- thời gian rung từ 3 - 5 phút.
4. tai biến và cách xử trí
4.1. tai biến
- bệnh nhân mệt mỏi nhiều, khó thở, da tím tái, huyết áp không ổn định.
- tổn thương lồng ngực: da, xương sườn… do kỹ thuật vỗ, rung sai.
4.2. cách xử trí
- nếu bệnh nhân có khó thở phải dừng ngay kỹ thuật và báo với bác sĩ để kịp thời xử trí.
- phải nắm chắc các chống chỉ định khi ra mệnh lệnh thực hiện kỹ thuật.
Nguồn: Hà Hoàng Kiệm. Vật lý trị liệu và Phục hồi chức năng.Giáo trình dùng cho đào tạo đại học. Bộ môn Phục hồi chức năng, HVQY. NXB QDND (2017).