Kỹ thuật kéo giãn cột sống bằng máy kéo

Cập nhật: 20/12/2018 Lượt xem: 5571

KỸ THUẬT KÉO GIÃN CỘT SỐNG BẰNG MÁY KÉO

PGS.TS. Hà Hoàng Kiệm

                                    Hình 1. Kéo giãn cột sống bằng máy kéo.

1. CHỈ ĐỊNH VÀ CHỐNG CHỈ ĐỊNH

1.1. Chỉ định

- Thoái hóa cột sống thắt lưng và cột sống cổ.

- Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng và cột sống cổ mức độ nhẹ và vừa.

- Hội chứng đau thắt lưng mạn tính.

- Hội chứng đau cổ - gáy hoặc hội chứng cổ - vai mạn tính.

- Hội chứng cong vẹo cột sống không cấu trúc.

1.2. Chống chỉ định

- Chống chỉ định tuyệt đối:

+ Một số bệnh vùng cột sống như ung thư, lao, viêm tấy, áp xe vùng thắt lưng, vùng cổ gáy.

+ Hội chứng đau thắt lưng, đau cột sống cổ cấp tính.

+ Chấn thương gây gãy, xẹp lún, trượt thân đốt sống.

+ Bệnh lý tủy sống và ống sống.

+ Loãng xương mức độ nặng.

+ Thoái hóa cột sống có các gai xương lớn.

+ Viêm cột sống dính khớp.

+ Hội chứng cột sống thắt lưng, cột sống cổ do viêm khớp dạng thấp.

+ Bệnh nhân có tạng trong ổ bụng to (gan, lách, thận, người có thai) không kéo giãn cột sống thắt lưng.

- Chống chỉ định tương đối:

+ Bệnh nhân suy tim, suy gan, suy thận nặng hoặc tình trạng toàn thân nặng.

+ Bệnh nhân đang sốt, tăng huyết áp không kiểm soát được.

+ Trẻ em, bệnh nhân tâm thần.

2. CHUẨN BỊ BỆNH NHÂN VÀ PHƯƠNG TIỆN

2.1. Bệnh nhân

- Giải thích cho bệnh nhân yên tâm và thư giãn hoàn toàn trong thời gian kéo.

- Chọn tư thế ngồi hoặc nằm theo chỉ định kéo giãn cột sống cổ hay cột sống thắt lưng.

- Hướng dẫn người bệnh sử dụng công tắc an toàn.

2.2. Phương tiện

 - Máy kéo giãn cột sống, hệ thống bàn kéo và các phụ kiện khác như đai kéo, đai cố định.

- Kiểm tra các thông số kỹ thuật của máy.

3. KỸ THUẬT ĐIỀU TRỊ

- Cố định đai kéo tùy vùng điều trị theo đúng chỉ định.

- Đặt các thông số trên máy tùy theo chỉ định: lực kéo, thời gian duy trì lực kéo, lực nền, thời gian duy trì lực nền, độ dốc, tổng thời gian một lần kéo.

+ Đối với kéo giãn cột sống thắt lưng: lực nền bằng 50-55% trọng lượng cơ thể bệnh nhân, lực kéo lần đầu bằng lực nền cộng 5kg, các lần kéo sau mỗi lần tăng 1kg khi đạt 70% trọng lượng cơ thể bệnh nhân thì duy trì ở lực này cho đến hết đợt kéo. Thời gian duy trì lực nền và lực kéo <60s (trung bình 30 - 50s). Độ dốc (thời gian tăng giảm lực giữa lực nền và lực kéo) để ở mức trung bình, nếu đau nhiều thì thay đổi lực chậm hơn, nếu ít đau có thể thay đổi lực nhanh hơn. Thời gian một lần kéo trung bình 20 phút.

+ Đối với kéo giãn cột sống cổ: lực nền không quá 10% trọng lượng cơ thể bệnh nhân, lực kéo không quá 30% trọng lượng cơ thể bệnh nhân, các thông số khác như với kéo cột sống thắt lưng.

- Bấm nút kéo.

- Theo dõi cảm giác và phản ứng của bệnh nhân trong quá trình kéo, tình trạng hoạt động của máy.

- Kết thúc điều trị: tháo bỏ đai cố định, cho bệnh nhân nằm nghỉ tại chỗ 10 - 15 phút, ghi chép hồ sơ.

4. TAI BIẾN CÓ THỂ GẶP, CÁCH  XỬ TRÍ VÀ DỰ PHÒNG

4.1. Tai biến

- Đối với kéo giãn cột sống cổ:

+  Đau tăng đột ngột vùng kéo.

+ Cảm giác choáng váng, nhịp tim nhanh hơn do kích thích thần kinh thực vật dọc cột sống, đặc biệt là cột sống cổ. Thay đổi huyết áp do phản xạ.

- Đối với kéo giãn cột sống thắt lưng:

+  Đau tăng đột ngột vùng kéo.

+ Tê chi trên nếu phần cố định phía trên ép vào nách có thể gây chèn ép bó mạch thần kinh ở nách.

+ Đau cấp tính đột ngột sau kéo.

+ Đau tăng vùng cột sống thắt lưng sau lần kéo đầu tiên.

- Đối với cả hai phương pháp đều có thể xảy ra trường hợp tuột đai cố định và đứt dây kéo.

4.2. Xử trí

- Đối với kéo giãn cột sống cổ:

+ Đối với trường hợp đau tăng đột ngột vùng kéo, dừng kéo, cho bệnh nhân nằm nghỉ tại chỗ đến khi hết đau.

+ Phải cho bệnh nhân nằm nghỉ 10 - 15 phút tại giường sau kéo.

-  Đối với kéo giãn cột sống thắt lưng:

+ Nếu đau tăng đột ngột vùng kéo thì dừng kéo, cho bệnh nhân nằm nghỉ tại chỗ đến khi hết đau.

+ Nên cố định bằng đai thắt lưng ngực sẽ không xảy ra hiện tượng tê chi trên.

+ Trong trường hợp đau cấp tính đột ngột sau kéo, cho bệnh nhân nằm trở lại giường kéo, tiến hành kéo ở chế độ liên tục với lực kéo bằng 2/3 lực kéo ban đầu, sau đó cứ 5 phút giảm lực kéo đi  4 - 5 kg lực cho đến khi hết đau.

+ Phải cho bệnh nhân nằm nghỉ từ 10 - 15 phút tại giường sau kéo.

+ Nếu bệnh nhân đau nhiều ở lần kéo sau thì giảm lực ở lần kéo tiếp theo, nếu vẫn đau tăng thì dừng kéo.

4.3. Dự phòng

- Kiểm tra cẩn thận phương tiện kéo giãn trước khi kéo.

- Cố định đai kéo phù hợp với vùng điều trị.

- Theo dõi chặt chẽ bệnh nhân trong thời gian kéo.

-  Phải cho bệnh nhân nằm nghỉ 10 - 15 phút tại giường sau kéo.

Nguồn: Hà Hoàng Kiệm. Vật lý trị liệu và Phục hồi chức năng.Giáo trình dùng cho đào tạo đại học. Bộ môn Phục hồi chức năng, HVQY. NXB QDND (2017). 

  

 

 


CHIA SẺ BÀI VIẾT

Bài cùng chủ đề

Bệnh thận - Tiết niệu

    Bệnh tim mạch

      Bệnh cơ-xương-khớp

        Bệnh nội tiết-chuyển hóa

          Bệnh tiêu hóa

            Bệnh phổi - phế quản

              Bệnh Thần kinh - Tâm thần

                Bệnh truyền nhiễm

                  Bệnh nhi khoa

                    Cận lâm sàng

                      Bệnh khác

                        Thuốc

                          Vật lý trị liệu

                            Phục hồi chức năng

                              Tư vấn và Chia sẻ thông tin

                                Sách đã xuất bản của Hà Hoàng Kiệm

                                  Bài báo khoa học

                                    SÁCH CỦA TÔI