Kỹ thuật điều trị bằng paraffin

Cập nhật: 20/12/2018 Lượt xem: 9606

Kỹ thuật điều trị bằng paraffin

PGS.TS. Hà Hoàng Kiệm, BV103, HVQY

1. Chỉ định và chống chỉ định

1.1.  Chỉ định

 Chỉ có chỉ định tại chỗ, không có chỉ định toàn thân:

- Cần tăng tuần hoàn, dinh dưỡng tại một vùng nào đó của cơ thể.

- Tăng cường khả năng chống viêm tại chỗ trong các trường hợp viêm không nhiễm khuẩn hoặc nhiễm khuẩn giai đoạn sung huyết chưa hóa mủ.

- Giảm đau, giảm co rút cơ.

- Làm mềm sẹo.

1.2. Chống chỉ định

- Các ổ viêm đã hóa mủ.

- Các khối u lành tính và u ác tính.

- Các vùng lao đang tiến triển như lao xương, lao khớp.

- Các vùng đang chảy máu hoặc đe dọa chảy máu.

- Các chấn thương mới (trong vòng 3 ngày đầu).

- Vùng da điều trị paraffin có vết thương, vết loét, bệnh ngoài da.

2. Chuẩn bị bệnh nhân và phương tiện

2.1. Chuẩn bị bệnh nhân

- Kiểm tra vùng da điều trị bằng paraffin phải bình thường, nếu là sẹo thì không bị trợt loét. Nếu bệnh nhân trước đó đã được điều trị bằng paraffin thì cần kiểm tra xem có biểu hiện dị ứng không.

- Giải thích để bệnh nhân yên tâm, nếu thấy nóng quá thì phải thông báo cho kỹ thuật viên điều trị.

- Chọn tư thế bệnh nhân có thể ngồi hoặc nằm tùy theo vùng điều trị sao cho thoải mái nhất.

2.2. Chuẩn bị phương tiện

- Paraffin: paraffin rắn phải được đun chảy bằng nồi đun cách thủy cho nóng chảy. Đun cách thủy để paraffin đỡ nhanh giòn và không bị cháy vàng hoặc đen (paraffin nóng chảy ở 52 – 530C).

                                                         Hình 1. Nồi đun paraffin cách thủy.

- Khay paraffin: sử dụng các khay men hình chữ nhật có chiều cao tối thiểu 2cm, kích thước khác nhau tùy vùng điều trị, thông dụng nhất là các loại khay 20 ? 30cm; 30 ? 40cm. Khay phải sạch và khô. Múc paraffin nóng chảy ra khay đủ độ dày tối thiểu 2,5cm, để cho paraffin đông đặc, khi nhiệt độ bề mặt của miếng paraffin khoảng 40 - 450C, trong ruột khoảng 50 – 520C thì có thể sử dụng được.

- Chổi lông hoặc chổi đót để quét paraffin.

- Dao để cắt paraffin.

- Phương tiện cố định:

+ Các tấm nilon có kích thước rộng hơn khay paraffin mỗi chiều ít nhất 2cm, sạch và khô. 

+ Các tấm vải dày hoặc mảnh chăn có kích thước rộng hơn các tấm nilon mỗi chiều tối thiểu 2cm.

+ Dây buộc bằng vải to bản.

3. Kỹ thuật điều trị

3.1. Đắp paraffin bằng miếng

Khi paraffin đông đặc, có nhiệt độ bề mặt khoảng 40 - 450C, trong ruột khoảng 50 - 520C, dùng dao cắt tách rời miếng paraffin ra khỏi khay, có thể cắt thành những miếng nhỏ hơn. Sau đó đắp miếng paraffin lên vùng điều trị, dùng nilon phủ lên miếng paraffin và chăn hoặc tấm vải dày bọc kín bên ngoài để giữ nhiệt nóng lâu hơn, thời gian đắp 20 - 30 phút.

  

Hình 2. Paraffin sau khi đun chảy được múc ra khay, khi đã đông đặc được tách khỏi khay đổ ra để chuẩn bị điều trị.

                

                 Hình 3. Bệnh nhân đang được điều trị bằng paraffin vào vùng thắt lưng và khớp gối trái.

3.2. Túi paraffin

Cho paraffin vào túi chất dẻo loại polysteren chịu được nhiệt độ cao 1100C. Mỗi túi có kích thước nhất định, bề dày paraffin khoảng 2 - 3cm, dồn hết không khí ra và dán kín. Khi sử dụng ngâm túi vào nước nóng 800C, sau khi paraffin chảy, lấy ra để cho lớp ngoài đông đặc rồi đắp lên chỗ cần điều trị. Phương pháp này sạch, tiện lợi, có thể sử dụng ngoài bệnh viện.

3.3. Nhúng paraffin

Khi paraffin ở thể lỏng bắt đầu chuyển sang thể đặc, nhiệt độ của paraffin lúc này khoảng 52 - 530C, nhúng bộ phận cơ thể cần điều trị vào rồi rút ngay, để lớp paraffin dính trên da nguội rồi lại nhúng vào rút ra. Tiếp tục như vậy đến khi lớp paraffin dày 1,5cm thì bọc lại bằng tấm nilon và vải để giữ nhiệt. Ví dụ: nhúng ngón tay, nhúng bàn tay rồi rút ra ngay. Sau khi rút ra sẽ có một lớp paraffin đông đặc bọc bên ngoài da, dày khoảng 1 - 2mm. Sau đó, lại nhúng vào và rút ra để tạo lớp paraffin thứ hai. Tiếp tục làm như vậy cho đến khi tạo được lớp paraffin dày 1 - 1,5cm thì bọc bên ngoài bằng nilon và vải để giữ nhiệt.

                

Hình 4. Nhúng paraffin.

3.4. Quét paraffin

Nhúng chổi lông hoặc chổi đót vào paraffin nóng chảy đang đông đặc rồi quét lên da từng lớp một cho đến khi tạo được lớp paraffin có độ dày 1,5 - 2cm thì bọc lại bằng nilon và chăn. Phương pháp này hiện nay ít sử dụng.

        

Hình 5. Quét paraffin.

4. Tai biến, xử trí và cách dự phòng

4.1. Tai biến và cách xử trí

- Bỏng: nếu nhiệt độ paraffin còn cao, khi đắp paraffin chảy lỏng có thể gây bỏng cho bệnh nhân hoặc trên bề mặt miếng paraffin có nước sẽ gây bỏng ở vị trí giọt nước. Khi bị bỏng phải ngừng ngay điều trị bằng paraffin, xử trí vết bỏng như điều trị bỏng. Đặc biệt chú ý khi điều trị vào vùng da bị giảm hoặc mất cảm giác hoặc vùng sẹo còn non dễ bị bỏng.

- Dị ứng: paraffin không gây dị ứng nhưng nếu paraffin bị bẩn có thể gây dị ứng, tại chỗ da đắp paraffin thấy đỏ, ngứa, nổi mụn nước. Cần ngừng ngay điều trị paraffin, nếu nặng cho bệnh nhân dùng thuốc kháng histamin.

- Hỏa hoạn: vì paraffin dễ cháy nên khi đun paraffin cần chú ý không để paraffin tràn ra ngoài.

4.2. Dự phòng

- Tránh bỏng cho bệnh nhân cần tuân thủ đúng kỹ thuật điều trị.

- Tránh dị ứng cho bệnh nhân cần giữ cho paraffin sạch, định kỳ lọc và đun sôi để khử khuẩn cho paraffin.

- Để tránh hỏa hoạn cần đun paraffin cách thủy và chú ý không để tràn paraffin ra khỏi nồi.

Nguồn: Hà Hoàng Kiệm. Vật lý trị liệu và Phục hồi chức năng.Giáo trình dùng cho đào tạo đại học. Bộ môn Phục hồi chức năng, HVQY. NXB QDND (2017). 

  

 


CHIA SẺ BÀI VIẾT

Bài cùng chủ đề

Bệnh thận - Tiết niệu

    Bệnh tim mạch

      Bệnh cơ-xương-khớp

        Bệnh nội tiết-chuyển hóa

          Bệnh tiêu hóa

            Bệnh phổi - phế quản

              Bệnh Thần kinh - Tâm thần

                Bệnh truyền nhiễm

                  Bệnh nhi khoa

                    Cận lâm sàng

                      Bệnh khác

                        Thuốc

                          Vật lý trị liệu

                            Phục hồi chức năng

                              Tư vấn và Chia sẻ thông tin

                                Sách đã xuất bản của Hà Hoàng Kiệm

                                  Bài báo khoa học

                                    SÁCH CỦA TÔI