Ký sự phượt xuyên Việt - Episode 4 (Hội An Đà Nẵng – Dốc Lết Vân Phong Khánh Hòa)

Cập nhật: 03/04/2020 Lượt xem: 3166

Ký sự phượt xuyên Việt                            

Episode 4 - Ngày thứ tư (Hội An Đà Nẵng – Dốc Lết Vân Phong Khánh Hòa)

Google Map đã  tự động ghi lại lịch trình trong ngày của chúng tôi

Ngày thứ tư của chuyến hành trình, chúng tôi di chuyển từ Hội An vào cửa biển Dốc Lết khu kinh tế Vân Phong, thuộc huyện Ninh Hòa, nằm ở phía bắc Nha Trang. Khoảng cách này có nhiều cung đường biển rất đẹp, chúng tôi di chuyển chậm để ngắm cảnh vì thế cô Google lầm tưởng chúng tôi di chuyển bằng xe máy nên đã ghi lại quãng đường đi xe máy là 340km với thời gian 8 giờ 3 phút và quãng đường di chuyển bằng auto chỉ 127km với thời gian 3 giờ 0 phút. Tổng lại chúng tôi đã di chuyển 467km với thời gian trên đường là 11giờ 3 phút.

8 Giờ sáng chúng tôi rời khỏi khách sạn TTC đường Lý Thái Tổ, thành phố Hội An. Hôm nay là thứ 7, chắc là đường sẽ đông hơn vì ngày nghỉ cuối tuần. Chúng tôi mở Google map chọn con đường ven biển. Cô Google vẫn kiên trì hướng dẫn chúng tôi trên từng đoạn đường qua thành phố Quảng Ngãi tỉnh Quảng Ngãi, Thành phố Qui Nhơn tỉnh Bình định, thành phố Tuy Hòa tỉnh phú yên. Đây là các tỉnh thuộc Quân khu V, trong thời chiến tranh tôi phục vụ ở Đội điều trị 14 cục Hậu cần của Quân khu V, nhiều bạn trai, bạn gái thời thanh niên là các đồng đội của tôi có quê ở Quảng Nam như anh Thành y sĩ, cô Hiên y tá sau này anh chị trở thành một cặp đôi hạnh phúc, Quảng Ngãi có cô Cúc y tá, nhiều nhất là các bạn từ Bình Định như cô Thảo, cô Thọ, bạn Trung ở Hoài Tân, Hoài Nhơn, Bình Định. Tuy nhiên thời đó chúng tôi đâu có được đặt chân lên vùng đồng bằng miền trung, nhất là ven biển miền trung mà chúng tôi chỉ hoạt động trên các vùng núi cao của dãy Trường Sơn, nhiều nhất là huyện Trà My Quảng Ngãi. Trong những lần có dịp đi qua vùng núi không có cây to, có thể nhìn xuống đồng bằng và biển, thấy các thành phố và khu dân cư hay khu quân sự của đối phương với các tòa nhà gắn kính hoặc tôn phản chiếu ánh nắng lấp lánh. Ngoài biển các con tàu chiến của đối phương chỉ như những chấm đen nhưng dày đặc như đàn vịt trên ao nhà, cùng máy bay trực thăng như chuồn chuồn bay lượn phía trên khiến chúng tôi thèm muốn một ngày nào đó được đặt chân lên mảnh đất ven biển kia. Nhưng hy vọng thật mong manh vì lúc đó chúng tôi như những đàn gà con trong rừng để trốn quạ. Mỗi khi những chiếc máy bay trinh sát OV-10 Bronco, hai thân, nhìn như chiếc bừa, suốt ngày vo vo như tiếng sáo diều lượn vòng quần đảo trên không, mỗi khi phát hiện dấu hiệu nghi ngờ là phóng một quả pháo khói chỉ điểm, lập tức một phút sau, các loạt pháo dàn từ các con tàu ngoài biển cấp tập dội xuống.

Máy bay OV - 10 Bronco là loại máy bay do thám, trinh sát, chỉ điểm mục tiêu, kiêm cường kích hạng nhẹ được phát triển bởi hãng North American Rockwell từ những năm 1960. 360 chiếc đã được sản xuất từ năm 1965-1986 sử dụng chủ yếu cho Không quân, Hải quân và Thủy quân Lục chiến Mỹ. OV-10 bronco có hai thân, hai động cơ, kíp lái gồm 2 người, đạt vận tốc cực đại 452 km/h trong tầm bay 927 km, các lực lượng phòng không rất khó bắn trúng, nếu không hạ được nó ở loạt đạn đầu thì sẽ bị nó bắn pháo khói chỉ điểm và không tránh khỏi bị tàn phá bởi pháo dàn từ các tàu chiến ngoài biển hoặc máy bay ập đến đánh phá, vì vậy rất ít khi bị phòng không bắn mà nó gần như hoạt động tự do ngay cả trong vùng giải phóng như những con quạ lượn vòng dõi mắt tìm mồi bên dưới.

Khi đó tôi đang ở tuổi 20 còn hồn nhiên lắm, lại có cả bạn trai, bạn gái với giọng Bình Định rất dễ thương, giọng Quảng Nam hơi nặng nên chẳng có cảm giác gì là khó khăn vất vả cả. Đơn vị thường đóng trên sườn núi, trong các cánh rừng già có nhiều cây cổ thụ, cạnh các con suối với thác và những tảng đá lớn giống như những con suối Tiên, suối Ngà của các khu du lịch trên núi Ba Vì hiện nay. Những khi rảnh rỗi chúng tôi thường ra suối để tắm, nằm trên các tảng đá giữa dòng suối nhìn khoảng trời trong xanh bên trên qua các khoảng trống của rừng già, mơ mộng một ngày nào đó được trở về nhà hoặc được đặt chân xuống cái vùng biển bên dưới, nghĩ lại cũng thấy thú vị. Nhưng phần lớn những ngày tháng trong thời đó là đi phục vụ các chiến dịch, chiến tranh mà, chỉ có tiếng súng nổ, tiếng bom rơi và tiếng rít của đạn pháo, những thương binh người nhuộm đầy máu, mất một phần cơ thể đau đớn rên rỉ nằm trên võng dưới các hầm tránh bom. Thế đấy, một thời đã qua, còn bây giờ ở cái tuổi 65 tôi đã được đặt chân xuống dải đất ven biển, đi dọc con đường một bên sóng vỗ một bên rừng xanh, nơi mà ngày xưa chỉ đứng trên núi nhìn xuống mà ước ao thèm muốn. Thực ra chiến tranh đã kết thúc 45 năm, nhưng tôi vẫn mặc áo lính, vẫn phục vụ quân đội, bây giờ nghỉ chờ hưu mới được làm chủ thời gian của mình, mới có thể đi đến những nơi mình muốn đến.

Cách đây 2 năm, dịp tết Mậu Tuất 2018, ba gia đình chúng tôi đã có một chuyến đi 10 ngày dọc theo ven biển miền trung. Khởi đầu đáp máy bay vào sân bay Phù Cát Bình định, từ Phù Cát về Quy Nhơn rẽ vào thăm chùa Thiên Hưng, tháp đôi Hưng Thạnh. Đã có hai ngày nghỉ lại Qui Nhơn, đi thăm Mộ Hàn Mặc Tử, bãi biển Kỳ Co, đền thờ Quang trung dựng trên nền ngôi nhà mà ba anh em Nguyễn Huệ, Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ đã lớn lên mà bên phải có cây me, bên trái có giếng nước, nơi mà ba anh em hàng ngày vẫn chơi đùa. Rồi vào Tuy Hòa Phú Yên, ở đó có mũi Đại Lãnh, có nhà thờ Mằng Lăng, ghềnh đá đĩa, bãi Xép địa danh trên phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, tháp Nhạn, xóm Rớ với làn rêu xanh mướt trên kè chắn sóng. Kết thúc chuyến đi chúng tôi đón giao thừa ở Nha Trang Khánh Hòa để chiều ngày 1 tết xuống Cam Ranh bay ra Hà Nội. Tôi đã có 2 ký sự về một số đặc điểm văn hóa của miền trung trong chuyến đi này đó là: Biểu tượng Lin ga và Yoni trong các đền tháp Chăm Pa (http://hahoangkiem.com/van-hoc/bieu-tuong-linga-yoni-trong-cac-den-thap-cham-pa-3617.html), Núi đá bia Phú Yên (http://hahoangkiem.com/van-hoc/nui-da-bia-phu-yen-3616.html). Vì thế trong chuyến đi này chúng tôi không dừng lại mà chỉ đi lướt qua các địa điểm trên để ngắm nhìn.

Từ Phú Yên sang Khánh Hòa phải đi qua đèo Cả. Đèo Cả thuộc xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên, vượt qua dãy núi Đại Lãnh để sang huyện Vạn Ninh tỉnh Khánh Hòa. Con đèo này cao khoảng 333 m, có chiều dài khoảng 12 km, đi qua đèo phải vượt qua những đỉnh dốc treo leo, những đoạn đường hiểm trở một bên là biển, một bên là núi. Đây là ranh giới giữa Đại Việt và Chiêm Thành từ năm 1471 đến 1653. Trong cuộc nam tiến của Đại Việt, địa thế hiểm trở của khu vực đã khiến vua Lê Thánh Tông dừng chân tại đây năm 1471. Sau đó, vua Lê Thánh Tông đã tạo một tiểu vương quốc tại Phú Yên làm vùng đệm tên là Hoa Anh. Vì là vị trí ranh giới, nhiều cuộc xung đột giữa Đại Việt và Chiêm Thành đã xảy ra tại đây. Vào những năm 1771 - 1802 nhiều cuộc giao chiến giữa chúa Nguyễn Ánh và anh em Nhà Tây Sơn cũng đã xảy ra tại đây. Trong tháng 1 năm 1947, đèo Cả trở thành chiến trường giữa quân Pháp và Việt Minh.

Tên "Đèo Cả" có từ khi Pháp đang xây dựng Quốc lộ 1A. Trước đó đường Thiên Lý nằm phía tây của đường Đèo Cả. Trên đèo Cả thời Pháp thuộc có một trạm Phú Hoà do Nam triều xây dựng như một trạm dịch để lưu chuyển văn thư, vận tải lương thực, cáng, võng các quan chức hành chính địa phương mỗi khi có công vụ. Sau này Pháp cho xây một bót tên Poste Petitte (Bót Bê Tí) để kiểm soát về mặt quân sự. Năm 1997 ranh giới giữa hai tỉnh Phú Yên - Khánh Hoà được phân chia từ chân Đá Đen kéo dài theo đường phân thuỷ đến đỉnh Hòn Nưa. Và Vũng Rô thuộc địa phận Phú Yên. Đèo Cả xứng đáng là một địa danh lịch sử nổi tiếng vì đã từng chứng kiến nhiều biến động của thời cuộc. Đến năm 1947 đèo Cả tiếp tục chứng kiến nhiều cuộc giao tranh giữa quân đội thực dân Pháp và Mặt trận Việt Minh.

Thời tiết ở đây nhiều mưa và nhiều mây, tạo ra một thảm thực vật đặc biệt. Trước kia, khu này là một nơi sản xuất trầm hương và kỳ nam nổi tiếng. Nay vẫn còn nhiều cây quý mọc tại đây như Cẩm, thị, sao, chò, dầu, kền kền và đát. Cây đát được dùng trong món chè trái cây nổi tiếng ở Nha Trang.

  

Đèo Cả, ranh giới giữa Phú Yên và Khánh Hòa

Đèo Cả cách trung tâm thành phố Tuy Hòa khoảng 32 km và mất khoảng 1 giờ đồng hồ để di chuyển từ trung tâm đến đèo Cả. Đây là con đèo hiểm trở, rất nên thơ nhưng cũng rất nguy hiểm cho giao thông. Vì vậy, hiện nay đã có hầm xuyên đèo giúp cho giao thông ít nguy hiểm hơn. Chúng tôi quyết định qua hầm để khi về sẽ leo đèo giống như đèo Hải Vân.

Hầm đèo Cả được khởi công năm 2013, hoàn thành và thông xe năm 2017. Đây là hầm đường bộ hiện đại nhất Việt Nam cho đến lúc này và là hầm dài thứ hai trong cả nước, đứng sau hầm Hải Vân, hầm rút ngắn thời gian qua Đèo Cả từ 60 phút xuống còn 10 phút. Cửa hầm phía Bắc tại thôn Hảo Sơn, xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên. Điểm cửa hầm phía Nam là tại thôn Cổ Mã, xã Vạn Thọ, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa. Đoạn đường dẫn phía Nam kết thúc bằng nút giao hợp thể, một đường đi khu kinh tế Vân Phong, một đường nối tiếp quốc lộ 1A. Hầm có tổng chiều dài khoảng 13,5km, trong đó hầm xuyên núi Đèo Cả dài 4,1km, xuyên núi Cổ Mã dài 500m, còn lại là đường dẫn và cầu trên tuyến 9km. Hầm được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc TCVN 5729-1997, có 2 trục hầm song song nhau, trong mỗi trục hầm thiết kế 2 làn xe, khoảng cách giữa hai trục hầm là 30m. Vận tốc thiết kế là 80km/h, hầm có thể chịu được động đất cấp 7. Dự án xây dựng Hầm Đèo cả được Bộ Giao thông Vận tải Việt Nam phê duyệt đầu năm 2012 theo hình thức BOT và BT với tổng vốn đầu tư là 15.603 tỷ đồng, chủ đầu tư là Công ty Cổ phần đầu tư Đèo Cả. Trong đó, kinh phí xây dựng hầm đèo Cả, đầu tư theo hình thức BOT, là 10.555 tỷ đồng, kinh phí xây dựng hầm Cổ Mã, đường dẫn và cầu trên tuyến, đầu tư theo hình thức BT là 4.509 tỷ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng và tái định cư 539 tỷ đồng là phần vốn ngân sách nhà nước. Dự án hầm đèo Cả do Nhật Bản thiết kế, chủ đầu tư là doanh nghiệp Việt Nam, sử dụng nguồn vốn vay trong nước, được thi công theo công nghệ làm hầm NATM của Áo, nhưng do ba nhà thầu của Việt Nam đảm nhiệm. Tư vấn giám sát ban đầu cũng là Nhật, về sau thì chỉ còn một số chuyên gia, còn đa số là người Việt Nam.

 

Hầm đèo Cả. Cầu dẫn vào hầm ở đầu phía Bắc (hình trái) và cầu dẫn ở đầu phía Nam (hình phải).

Dọc đường giữa dốc chân đèo Cả phía vịnh Vân Phong Khánh Hòa, trên một bãi nghỉ nhìn ra biển chúng tôi thấy có một nhóm phượt bằng xe máy đang dừng nghỉ, một bạn đang sửa gì đó ở xe của mình, hai bạn kia đang ngắm biển. Chúng tôi dừng lại, bãi biển đẹp quá. Qua câu chuyện chúng tôi được biết các bạn xuất phát từ miền tây nam bộ ngày hôm qua, lên Đà Lạt và ngủ lại Đà Lạt, sáng nay đi theo đường Đà Lạt - Nha Trang để về lại miền Tây. Các bạn có vẻ là dân phượt xe máy chuyên nghiệp, trang bị đầy đủ quần áo, phương tiện và xe cộ. Chúng tôi cũng có ý định lượt về sẽ lên Đà Lạt, rồi từ Đà Lạt về Nha Trang. Hỏi thăm về con đường Đà Lạt – Nha Trang nghe nói là con đường rất đẹp. Các bạn ca ngợi lắm và nói các bạn vẫn thích được đi lại nhiều lần nữa. Điều đó làm chúng tôi thêm hưng phấn cho chuyến đi tiếp theo.

Chụp ảnh chung cùng nhóm phượt xe máy ngang dốc đèo Cả phía vịnh Vân Phong.

Vượt qua hầm đèo Cả, chúng tôi đi vào bãi biển Dốc Lết, khu kinh tế Vân Phong, bắc Nha Trang, Khánh Hòa. Bãi biển Dốc Lết cách thị xã Ninh Hòa khoảng 10km. Khu kinh tế Vân Phong được Thủ tướng Chính phủ thành lập theo Quyết định số 92/2006/QĐ-TTg ngày 25/4/2006 là một trong 3 đặc khu kinh tế là Vân Phong, Phú Quốc và Vân Đồn Quảng Ninh. Khu Vân Phong có tổng diện tích khoảng 150.000 ha (70.000 ha mặt đất và 80.000 ha mặt nước), nằm trên địa bàn huyện Vạn Ninh và thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa, thuộc khu vực duyên hải Nam Trung bộ của Việt Nam. Là Khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực. Trong đó có cảng trung chuyển container quốc tế, công nghiệp lọc hóa dầu, trung chuyển dầu mỏ và sản phẩm dầu mỏ giữ vai trò chủ đạo, kết hợp phát triển kinh tế du lịch, dịch vụ, công nghiệp, nuôi trồng hải sản và các ngành kinh tế khác. Là trung tâm kinh tế của tỉnh Khánh Hòa có vai trò đầu tàu thu hút đầu tư và là động lực phát triển kinh tế cho các vùng lân cận và cho cả nước. Khu kinh tế Vân Phong tập trung chủ yếu tại hai khu vực: Nam Vân Phong, thuộc khu vực thị xã Ninh Hòa và Bắc Vân Phong, thuộc khu vực huyện Vạn Ninh. Vân Phong được chọn làm đặc khu kinh tế là vì các lợi thế về địa lý của nó. Đường quốc lộ 1A, đường sắt Bắc - Nam chạy dọc Khu kinh tế. Vịnh Vân Phong có độ sâu trung bình 20 - 27m, kín gió, nằm gần đường hàng hải quốc tế, có điều kiện thuận lợi để xây dựng cảng trung chuyển quốc tế và phát triển kinh tế biển. Có vị trí địa lý là cửa mở hướng ra Biển Đông đối với vùng Tây Nguyên để phát triển hành lang kinh tế Đông Tây. Khoảng cách ra Biển Đông là gần nhất đối với vùng Tây Nguyên, khoảng 130km. Một số dự án công nghiệp có quy mô lớn đang hoạt động có hiệu quả ở Khu vực Nam Vân Phong như Nhà máy đóng tàu Hyundai- Vinashin, Tổng kho xăng dầu ngoại quan Vân Phong, đang triển khai thủ tục đầu tư nhà máy nhiệt điện BOT Vân Phong 1, Tổ hợp lọc hóa dầu Việt Nam. Vân Phong có cảnh đẹp, hệ sinh thái đa dạng, khí hậu ôn hòa thuận lợi để phát triển du lịch.

 

Bản đồ quy hoạch Đặc khu kinh tế Vân Phong và khách sạn TTC tại Dốc Lết, Vân Phong, Khánh Hòa.

Đấy là dự án, còn hiện tại Vân Phong vẫn còn rất hoang sơ. Chúng tôi tới bãi biển thì đã tối muộn, chọn một khách sạn nghỉ ngơi. Không khí ở đây thật tuyệt vời, sau một hành trình dài chúng tôi ngủ rất ngon.

Mời các bạn xem tiếp Episode 5:

https://hahoangkiem.com/van-hoc/ky-su-phuot-xuyen-viet-episode-5-doc-let-van-phong-khanh-hoa-mui-ne-phan-thiet-3853.html


CHIA SẺ BÀI VIẾT

Bài cùng chủ đề

Bài về chủ bút

    Tinh hoa nhân loại

      Khoa học

        Văn học

          SÁCH CỦA TÔI