Ký sự phượt xuyên Việt - Episode 12 (Đà Lạt – LangBiang – Thung lũng Vàng Lâm Đồng)

Cập nhật: 02/04/2020 Lượt xem: 2960

 Phượt xuyên Việt ký                                    

Episode 12 - Ngày thứ mười hai (Đà Lạt – LangBiang – Thung lũng Vàng Lâm Đồng)

Bản đồ Google tự động ghi lại hành trình trong ngày của chúng tôi

Trăng ảo ảnh lập lờ trong sương trắng
ngọn gió nhà ai thấp thoáng ở bên đồi
tiếng móng ngựa gõ ròn trên dốc vắng
nghe mơ hồ một chiếc lá thông rơi

                                         (Nguyễn Duy)

Đó là Đà Lạt, chúng tôi đã dành cho Đà Lạt trọn vẹn 1 ngày rưỡi và hai đêm trong chuyến đi này. Hôm qua đến Đà Lạt từ chiều, sau khi dọn đồ lên phòng khách sạn Ngàn phố Hotel 150 đường Nhà Trung, phường 3, thành phố Đà Lạt, chúng tôi xuống lấy xe và đi dạo quanh Hồ Xuân Hương, qua các phố cổ ngắm các biệt thự trên đồi thông, thăm con đường hoa Anh Đào, gần tết hoa Anh đào nở rất đẹp làm cả một đoạn đường Trần Hưng Đạo rực hồng sắc hoa. Buổi tối về chợ đêm Đà Lạt, dạo trong chợ đêm rồi ra quán caffe bên Hồ Xuân Hương ngồi hóng gió trời và nghe nhạc Trịnh. Chúng tôi trở về phòng đã 11 giờ đêm.

Hoa Anh Đào trên đường Trần Hưng Đạo Đà Lạt.

Đà Lạt là thành phố tỉnh lỵ của tỉnh Lâm Đồng, nằm trên cao nguyên Lâm Viên, thuộc vùng Tây Nguyên của Việt Nam. Từ xa xưa, vùng đất này vốn là địa bàn cư trú của những cư dân người Lạch, người Chil và người Srê thuộc dân tộc Cơ Ho. Bác sĩ Alexandre Yersin đã khám phá ra Đà Lạt trong một chuyến thám hiểm vào năm 1893, Ngây ngất trước vẻ đẹp hoang sơ và khí hậu tuyệt vời của cao nguyên Lâm Viên, ông đã đề nghị Toàn Quyền Đông Dương cho xây dựng ở đây một khu nghỉ dưỡng. Đề nghị của ông đã được Toàn quyền Paul Doumer chấp nhận và cuối thế kỷ 19 cao nguyên Lâm Viên đã được xây dựng thành trạm nghỉ dưỡng dành cho người Pháp ở Đông Dương. Để tìm hiểu quá trình khám phá ra Đà Lạt của bác sĩ Alexandre Yersin, mời các bạn đọc bài: Quá trình khám phá ra cao nguyên Lang Bi-Ang (Đà Lạt ngày nay) của Alexandre Yersin http://hahoangkiem.com/khoa-hoc/qua-trinh-kham-pha-ra-cao-nguyen-lang-bi-ang-da-lat-ngay-nay-cua-alexandre-yersin-1394.html.

Vì là một bác sĩ nên tôi rất ngưỡng mộ nhà bác học Alexandre Yersin,  tôi được nghe danh ông từ thời là sinh viên khi học về bệnh dịch hạch, tên của ông được đặt cho vi khuẩn gây bệnh dịch hạch để ghi nhận công lao của ông đã phát hiện ra loại vi khuẩn gây bệnh thành dịch chết người này. Vì thế tôi  đã tìm hiểu rất kỹ về cuộc đời và sự nghiệp của ông. Mỗi lần tới Nha Trang tôi vẫn thường lên thắp hương trên mộ ông ở Suối Dầu Nha Trang. Do đó, tôi cũng hiểu rõ về cội nguồn của thành phố Đà Lạt, nơi mà Yersin là người đã khám phá và phát hiện đầu tiên.

 

Một lần dẫn Bộ môn-Khoa PHCN BVQY103 viếng Mộ Yersin ở Suối Dầu Nha Trang trong dịp đi nghỉ tại thành phố Nha Trang (hè 2017).

Trong nửa đầu thế kỷ 20, từ một địa điểm hoang vu, người Pháp đã quy hoạch và xây dựng lên một thành phố xinh đẹp với những biệt thự, công sở, khách sạn và trường học, một trung tâm du lịch và giáo dục của Đông Dương khi đó. Trải qua những khoảng thời gian thăng trầm của hai cuộc chiến tranh cùng giai đoạn khó khăn những thập niên 1970–1980, Đà Lạt ngày nay là một thành phố đông dân, đô thị loại 1 trực thuộc tỉnh, giữ vai trò trung tâm chính trị, kinh tế và văn hóa của tỉnh Lâm Đồng.

Đà Lạt cuối thập niên 1920, khu vực gần khách sạn Dalat Palace ngày nay (Ảnh của Bảo tàng Đà Lạt).

Với độ cao 1.500m so với mực nước biển và được các dãy núi cùng quần hệ thực vật rừng bao quanh, Đà Lạt thừa hưởng một khí hậu miền núi ôn hòa và dịu mát quanh năm. Lịch sử một thế kỷ cũng để lại cho thành phố này một di sản kiến trúc giá trị, được ví như một bảo tàng kiến trúc châu Âu thế kỷ XX. Đà Lạt còn là một trung tâm giáo dục và nghiên cứu khoa học, một thành phố đa dạng về tôn giáo với sự hiện diện của hàng trăm ngôi chùa, nhà thờ, tu viện có kiến trúc Pháp... một vùng nông nghiệp trù phú đặc biệt với những sản phẩm rau và hoa. Nhờ khí hậu ôn hòa, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp và di sản kiến trúc phong phú, Đà Lạt còn được biết đến với nhiều tên gọi khác như "Thành phố mù sương", "Thành phố ngàn thông", "Thành phố ngàn hoa", "Xứ hoa Anh Đào" hay "Tiểu Paris".

Địa danh Đà Lạt được bắt nguồn từ chữ Đạ Lạch, tên gọi của con suối Cam Ly. Khởi nguồn từ huyện Lạc Dương, dòng suối Cam Ly chảy qua khu vực Đà Lạt theo hướng Bắc – Nam, trong đó đoạn từ khoảng Hồ Than Thở tới thác Cam Ly ngày nay được gọi là Đạ Lạch. Theo ngôn ngữ của người Thượng, Da hay Dak có nghĩa là nước, tên gọi Đà Lạt có nghĩa nước của người Lát, hay suối của người Lát (người Cơ Ho). Trong một bài phỏng vấn đăng trên tạp chí Revue Indochine tháng 4 năm 1944, công sứ Cunhac, một trong những người tham gia xây dựng thành phố từ ngày đầu, đã nói: "Cho mãi tới những năm sau này, khung cảnh ban sơ vẫn không có gì thay đổi. Ở tại chỗ của cái hồ nước trước đó, con suối nhỏ của bộ lạc người Lát đã chảy qua và người ta đã gọi suối này là Đạ Lạch". Một lý giải khác là, khi Yersin đến vùng này trong chuyến thám hiểm, thấy đây là vùng người Lạt sinh sống nên ông ghi địa danh này vào nhật ký của chuyến thám hiểm là vùng đất của người Lạt, danh từ trong tiếng Pháp thường có chữ D đi trước nên được viết là D’Lat, được người việt đọc thành Đà Lạt.

Vào thời kỳ đầu, các bản đồ cũng như sách báo thường chỉ nhắc đến địa danh Dankia hay Lang Biang. Nhưng sau khi Đà Lạt được chọn làm nơi nghỉ dưỡng thay vì Dankia, và đặc biệt từ khi nơi đây trở thành một thành phố, địa danh Đà Lạt mới xuất hiện thường xuyên.

Khu vực thủy tạ Hồ Xuân Hương những năm 40 của thế kỷ XX (Ảnh của Bảo tàng Đà Lạt).

Năm 1937, khi xây dựng chợ Đà Lạt mới thay cho ngôi chợ cũ bằng gỗ bị cháy, người ta đã đề dòng chữ “Dat Aliis Laetitiam Aliis Temperiem” (có nghĩa là Cho người này nguồn vui, cho kẻ khác sức khỏe) trên tường đầu hồi của công trình, phía trên là huy hiệu thành phố hình tròn, tạc hình một đôi thanh niên nam nữ người dân tộc. Với khí hậu ôn hòa, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp và những di sản kiến trúc Pháp phong phú, 

Thành phố Đà Lạt rộng 394,64 km², nằm trên cao nguyên Lâm Viên, nơi có độ cao khoảng 1.500 mét so với mực nước biển. Dân số Đà Lạt năm 2018 là 406.105 người. Đây là đô thị miền núi đông dân đứng thứ hai cả nước, chỉ sau thành phố Buôn Ma Thuột. Trung tâm Đà Lạt như một lòng chảo hình bầu dục dọc theo hướng bắc – nam với chiều dài khoảng 18 km, chiều rộng khoảng 12 km. Những dãy đồi đỉnh tròn ở đây có độ cao tương đối đồng đều nhau, sườn thoải về hướng hồ Xuân Hương và dần cao về phía các vùng núi bao quanh. Nơi cao nhất trong trung tâm thành phố là dinh Nguyễn Hữu Hào trong Bảo tàng Lâm Đồng với độ cao 1.532 mét, còn điểm thấp nhất là thung lũng Nguyễn Tri Phương, độ cao 1.398 mét.

Trên địa phận thành phố Đà Lạt, xen giữa vùng đồi thấp ở trung tâm thành phố và các dãy núi bao quanh, có hơn 20 dòng suối có chiều dài trên 4km, thuộc các hệ thống suối Cam Ly, Đa Tam và hệ thống sông Đa Nhim. Đây đều là những con suối đầu nguồn thuộc lưu vực sông Đồng Nai, trong đó hơn một nửa là các con suối cạn, chỉ chảy vào mùa mưa và cạn kiệt vào mùa khô. Suối Cam Ly dài 64,1 km, bắt nguồn từ huyện Lạc Dương, chảy theo hướng bắc – nam và đổ vào hồ Xuân Hương. Đây chính là hệ thống suối lớn nhất Đà Lạt, có vai trò quan trọng trong việc tạo cảnh quan cho khu vực đô thị trung tâm. Đà Lạt còn nổi tiếng là thành phố của hồ và thác với khoảng 16 hồ lớn nhỏ phân bố rải rác, phần nhiều là các hồ nhân tạo. Hồ Xuân Hương nằm ở trung tâm thành phố, rộng khoảng 38ha, được tạo lập năm 1919 trong quá trình xây dựng Đà Lạt. Trước năm 1986, hồ Xuân Hương cùng hồ Chiến Thắng và hồ Than Thở là nguồn cung cấp nước chủ yếu cho thành phố. Ngày nay, nguồn nước sinh hoạt được dẫn về từ hồ Dankia thuộc huyện Lạc Dương, cách Đà Lạt khoảng 17 km.

Người ta thường nói, một ngày ở Đà Lạt có đủ cả bốn mùa, tuy vậy nhiệt độ trong ngày cũng không chênh lệch nhau quá nhiều. Khí hậu Đà Lạt chia hai mùa rõ rệt: mùa mưa và mùa khô. Mùa mưa bắt đầu từ tháng 4 và kết thúc vào tháng 10. Còn mùa khô kéo dài từ tháng 11 năm trước đến tháng 3 năm sau. Vào mùa khô, Đà Lạt chịu ảnh hưởng của khối không khí biển Đông, mang lại thời tiết nắng ấm, ít mây, không mưa, nhiệt độ hạ thấp về ban đêm và biên độ giao động nhiệt lớn. Gió mùa đông bắc hầu như không còn ảnh hưởng đến Đà Lạt, thay thế bởi khối không khí xích đạo từ phía nam tràn lên phía bắc. Trong những tháng mùa mưa. gió mùa tây nam mang lại nguồn ẩm chủ yếu cho những trận mưa lớn và những đợt mưa kéo dài nhiều ngày. Mặc dù vậy, do ảnh hưởng của khối không khí nhiệt đới Thái Bình Dương, trong mùa mưa vẫn có những thời kỳ thời tiết tạnh ráo. Nhiệt độ trung bình hàng tháng ở Đà Lạt luôn dưới 200°C, ngay cả trong những tháng nóng nhất.

Đà Lạt là thành phố hoa và thơ, ghi lại dấu ấn trong giai đoạn đầu mới hình thành của Đà Lạt là hai bài thơ “Đà Lạt trăng mờ” của Hàn Mặc Tử: “…Ai hãy làm thinh chớ nói nhiều / Để nghe dưới đáy nước hồ reo / Để nghe tơ liễu run trong gió / Và để xem trời giải nghĩa yêu…”. và “Đà Lạt đêm sương” của Quách Tấn: “Bóng trăng lóng lánh mặt hồ im / Thời khắc theo nhau lải rải chìm / Đứng dựa non sao bờ suối ngọc / Hồn say dịu dịu mộng êm êm…”. Nói đến Đà Lạt người ta thường nhắc đến Trịnh Công Sơn và Khánh Ly, những con người tài hoa đã ghi dấu ấn trong nền âm nhạc Việt Nam. Theo Nguyễn Vĩnh Nguyên thì Khoảng năm 1964, sau khi tốt nghiệp Trường Sư phạm Quy Nhơn, Trịnh Công Sơn nghe theo lời rủ rê của hai người bạn thân là Trịnh Cung và Đinh Cường về B’lao dạy học, không ngờ là một cái duyên, một bước ngoặt lớn trong sự nghiệp của nhạc sĩ Trịnh. Trong giai đoạn đầu sống ở B’lao, ngao du Dran, Đà Lạt, phải rời xa người tình nơi đất kinh thành thơ mộng và con đường sự nghiệp âm nhạc đầy hứa hẹn xem ra là cực kỳ khó khăn với Trịnh. Chàng trai 25 tuổi tự ví mình như “loài củi mục trên miền xứ bỏ hoang”. Trong những bức thư tình gửi cho người tình Ngô Vũ Dao Ánh (tập Thư tình gửi một người), chàng nhạc sĩ trẻ chất chứa đầy ắp những dòng bi đát, đôi khi sướt mướt kể lể về những ngày mây mù, mưa dầm ở B’lao. Phải thường xuyên lên xuống Đà Lạt vào những dịp cuối tuần hay Tết Trung thu, Giáng sinh để giải khuây, Trịnh Công Sơn thường dành hết thời gian để du ngoạn, đến phòng trà, la cà quán xá, sống hết mình trong thế giới rộn ràng để “cho bõ những ngày nằm dài bị hắt hủi ở B’lao-sương-mù”. Trịnh Công Sơn gặp cô ca sĩ phòng trà có tên Nguyễn Thị Lệ Mai (nghệ danh Khánh Ly) ở quán cà phê Tùng, để từ đó tân nhạc Việt Nam “không còn như cũ nữa”.

    

 Trịnh Công Sơn và Khánh Ly.

Theo Thoại Hà thì 14/5/2015 Khánh Ly bay từ Hà Nội về Đà Lạt để thực hiện những thước phim tư liệu, chuẩn bị cho liveshow “Gọi tên bốn mùa”. Gần 50 năm xa cách, đây là lần đầu tiên Khánh Ly trở lại vùng cao nguyên bà gắn bó một phần tuổi thanh xuân. Khánh Ly đến Đà Lạt lần đầu vào năm 1956, khi bà cùng mẹ theo chân người cha dượng đến sống và làm việc ở đây. Ba năm sau, bà quay về Sài Gòn. Năm 1962, ở tuổi đôi mươi, nữ ca sĩ một lần nữa đến sống ở Đà Lạt để theo đuổi nghiệp ca hát. Trịnh Công Sơn gặp chị ở hộp đêm Tulipe Rouge tại Đà Lạt. Thời gian ấy, nhiều người nói, Trịnh Công Sơn đang đắm say với giọng hát “liêu trai” Thanh Thúy nhưng khi nghe Khánh Ly hát, ông đã bị hút hồn và tìm cách gặp chị. Thế là, sau lần gặp gỡ định mệnh ấy hai tâm hồn đồng điệu đã cùng nhau bắt đầu chuyến hành trình kéo dài 10 năm và sau này, chuyến hành trình đó đã giúp họ trở thành tượng đài của làng nhạc Việt. Thuở ấy, cùng với chiếc đàn thùng đơn giản, Khánh Ly hát say xưa những bài tự tình quê hương và thân phận con người của Trịnh Công Sơn. Bộ đôi ấy đã trở thành hiện tượng ngay buổi diễn đầu tiên tại trường đại học Văn khoa. Trịnh Công Sơn và Khánh Ly thường đi hát không công, không thù lao. Trịnh Công Sơn dáng người mảnh khảnh, cặp kính trắng, giọng nói nhỏ nhẹ xứ Huế với cuộc sống của một lãng tử. Khánh Ly khi hát đi chân đất, khiến khán giả quen, yêu quý mà gọi chị là “Nữ hoàng chân đất”. Chị hát bằng cả tấm lòng người nghệ sĩ yêu hết mình những giai điệu của nhạc Trịnh. Sự gắn kết của Trịnh Công Sơn và Khánh Ly cùng những điều tuyệt vời họ làm đã được nhiều văn nghệ sĩ khi ấy coi là một hình ảnh lý tưởng cho nghệ thuật.

Những bóng hồng đi qua cuộc đời của Trịnh Công Sơn đều được ông ghi dấu ấn bằng một vài tình khúc. Thế nhưng, trong số 600 bài hát của mình, Trịnh Công Sơn không hề có sáng tác nào dành riêng cho Khánh Ly. Bà chẳng buồn vì điều ấy, bởi khi nói đến Trịnh Công Sơn người ta không thể không nhắc đến Khánh Ly và ngược lại.

 Dọc đường từ sân bay Liên Khương về trung tâm thành phố, bà xin đoàn dừng xe tại đèo Prenn, rồi đứng im lặng hồi lâu để lắng nghe giây phút thư thái của núi rừng, thác nước, nhớ lại những ngày rong ruổi trên chuyến xe khách ngược xuôi đi về giữa Sài Gòn và nơi đây. Chen chân trong dòng người, bà tần ngần trước cửa cà phê Tùng, phía sau rạp hát Hòa Bình, tìm lại một bóng hình xưa. Vào trong, Khánh Ly bước tới góc bàn nơi bà, Trịnh Công Sơn và bạn bè từng ngồi. Góc này vẫn còn, chỉ có bàn ghế được thay đổi. Ngày xưa, bà và người nhạc sĩ tài hoa thường ngồi nhâm nhi ly cà phê buổi sáng, thường tập hát cùng nhau. Giờ, một mình bên ly cà phê đen, bà trầm ngâm như đang mời người bạn một thời uống giọt cà phê trong cõi nhớ.

 

Cà phê Tùng số 6 Khu Hòa Bình, TP. Đà Lạt, ngay gần chợ đêm, đối diện là bức tường vàng của tiệm bánh mỳ Cối xay gió.

Cà phê Tùng, một quán cà phê không rộng, phong cảnh xung quanh và nội thất cũng không có gì đặc sắc, nó được mở trong một căn nhà hình ống, phía sau rạp hát Hòa Bình, gần cổng chợ Đà Lạt. Nhưng cà phê Tùng trở nên nổi tiếng có phải vì nó lâu đời và cà phê ngon hay không, lâu đời thì có vì nó có từ thời Đà Lạt còn chưa phát triển, nhưng ngon thì chắc không phải vì không thấy ai khen tính đặc sắc của cà phê quán này. Có lẽ nó nổi tiếng chủ yếu vì là nơi Trịnh Công Sơn và Khánh Ly gặp nhau lần đầu ở đây và họ thường đến đây để hàn huyên trong những ngày tháng sống ở Đà Lạt. Khi nhắc đến Trịnh Công Sơn và Khánh Ly ở Đà Lạt thì cái tên cà phê Tùng luôn xuất hiện. Nói thế tôi lại nhớ tới hai câu thơ trong bài thơ "Lậu Thất Minh" của Lưu Vũ Tích đời nhà Đường như sau:

Sơn bất tại cao, hữu tiên tắc danh
Thuỷ bất tại thâm, hữu long tắc linh

Dịch là:

"Núi tuy không cao, nhưng có tiên là núi thiêng

Nước tuy không sâu, nhưng có rồng là nước linh"

Núi cao hay sông sâu không không hẳn là cái làm nó nổi tiếng mà  nơi nào có linh vật nơi đó sẽ thành linh thiêng, quả đúng như vậy.

Nói tới Trịnh Công Sơn, ngoài Khánh Ly không biết còn bao nhiêu bóng hồng nữa đã qua, đã để lại dấu ấn trong âm nhạc của con người tài hoa này. Theo Tri thức trẻ: Trong 62 năm Trịnh Công Sơn có mặt trên cõi đời, ông đã yêu day dứt, yêu đến đớn đau nhiều cô gái. Và bằng những câu chuyện, lý do khác nhau, Trịnh Công Sơn chưa bao giờ có một mối tình nào trọn vẹn. Đến cuối cuộc đời, ông vẫn là chàng lãng tử hát nghêu ngao giữa cuộc đời bằng tâm sự: “Tôi luôn luôn nhớ thương tuổi trẻ, tuổi của tình yêu nồng nàn. Khi tôi yêu cái tuổi đời ngào ngạt hương hoa này thì đồng thời tôi cũng yêu một cõi đời tôi đã mất”.

Nhiều tài liệu về Trịnh Công Sơn cho biết, ít nhất 2 lần trong cuộc đời, nhạc sĩ đã có ý định từ giã cuộc sống độc thân. Lần đầu tiên vào năm 1983 với một thiếu phụ tên C.N.N sống tại Pháp. Người phụ nữ này đã rời thành phố Paris hoa lệ để bay về Việt Nam chuẩn bị đám cưới với ông. Tuy nhiên, vì một sự cố ngoài ý muốn, hai người sau đó đã chia tay. Lần thứ hai, Trịnh Công Sơn định làm hôn lễ với Vân Anh, cô gái kém ông 30 tuổi, là Á hậu Tiền Phong 1990. Nhưng một lần nữa, đám cưới lại không thành dù lễ phục đã chuẩn bị xong. Trịnh Công Sơn khước từ hạnh phúc nhẹ nhàng chỉ bằng một cái nhún vai. Bạn bè ông cho biết, Trịnh Công Sơn là người con có hiếu, khi mẹ ông qua đời, chuyện lập gia đình để hưởng một cuộc sống hôn nhân trọn vẹn đã không còn trong người nhạc sĩ. Vì lý do gì, tất cả vẫn còn là câu hỏi chưa có lời giải đáp!

Không chọn gắn bó cuộc đời với bất kỳ phụ nữ nào nhưng Trịnh Công Sơn lại yêu đến quên cả bản thân mình. Chữ tình vận vào con người ông như máu thịt, và dù nhiều lúc cô đơn xâm chiếm, nhạc sĩ vẫn tự nhủ với bản thân mình rằng: “Khi bạn hát một bản tình ca là bạn đang muốn hát về cuộc tình của mình. Hãy hát đi đừng e ngại. Dù hạnh phúc hay dở dang thì cuộc tình ấy cũng là một phần máu thịt của bạn rồi”.

Mối tình được cho là khắc cốt ghi tâm đầu tiên của nhạc sĩ họ Trịnh được cho là với Bích Diễm – người con gái dong dỏng cao, nét mặt thanh tú và có bước đi nhẹ nhàng. Sơn yêu Diễm mê mệt, hằng ngày anh phải tìm đủ mọi cớ để được đứng trên lầu cao ngắm cô đi học về. Diễm là nguồn cảm hứng cho Sơn sáng tác bài Diễm xưa với những lời hát như tạc trong tâm trí. Diễm biết Sơn yêu cô, và nhiều lần cũng toan đáp lại tấm chân tình. Tuy nhiên, vì sự ngăn cấm của cha, Diễm đã rời bỏ Sơn để vào Sài Gòn học. Lý do nhạc sĩ họ Trịnh bị từ chối là vì thời điểm đó ông không có bằng tốt nghiệp đại học, chỉ là một anh nhạc sĩ quèn, tóc dài rối tung, râu ria lởm chởm.

Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ / Dài tay em mấy thuở mắt xanh xao / Nghe lá thu mưa reo mòn gót nhỏ / Đường dài hun hút cho mắt thêm sâu / Mưa vẫn hay mưa trên hàng lá nhỏ / Buổi chiều ngồi ngóng những chuyến mưa qua / Trên bước chân em âm thầm lá đổ / Chợt hồn xanh buốt cho mình xót xa / Chiều nay còn mưa sao em không lại / Nhớ mãi trong cơn đau vùi / Làm sao có nhau, hằn lên nỗi đau / Bước chân em xin về mau..”. Bài hát được Trịnh Công Sơn sáng tác năm 1960. "Thuở ấy có một người con gái rất mong manh, đi qua những hàng cây long não lá li ti xanh mướt để đến Trường Đại học Văn khoa ở Huế. Nhiều ngày, nhiều tháng của thuở ấy, người con gái ấy vẫn đi qua dưới những vòm cây long não. Có rất nhiều mùa nắng và mùa mưa cũng theo qua. Những mùa nắng, ve râm ran mở ra khúc hát mùa hè trong lá. Mùa mưa Huế, người con gái ấy đi qua nhạt nhòa trong mưa giữa hai hàng cây long não mờ mịt..."

Nhà cô ấy ở bên kia sông, mỗi ngày phải băng qua một cây cầu rồi mới gặp hàng long não để đến trường. Từ ban công nhà tôi nhìn xuống, cái bóng dáng ấy đi đi về về mỗi ngày bốn bận. Thời buổi ấy những người con gái Huế chưa hề dùng đến phương tiện có máy nổ và có tốc độ chóng mặt như bây giờ. Trừ những người ở quá xa phải đi xe đạp, còn lại đa số cứ đến trường bằng những bước đi thong thả hoàng cung. Đi để được ngắm nhìn, để cảm thấy âm thầm trong lòng, mình là một nhan sắc. Nhan sắc cho nhiều người hoặc chỉ cho một người thì có quan trọng gì đâu. Những bước chân ấy từ mọi phía đổ về những ngôi trường với những cái tên quen thuộc, đôi khi lại quá cũ kỹ.

Đi để được những con mắt chung quanh nhìn ngắm nhưng đồng thời cũng tự mình có thì giờ nhìn ngắm trời đất, sông nước và hoa lá thiên nhiên. Long não, bàng, phượng đỏ, mù u và một dòng sông Hương chảy quanh thành phố đã phả vào tâm hồn thời con gái một lớp sương khói lãng mạn thanh khiết. Huế nhờ vậy không bao giờ cạn nguồn thi hứng. Thành Cổ, đền đài, lăng tẩm khiến con người dễ có một hoài niệm man mác về quá khứ hơn và một phần nào cũng cứu rỗi cho con người ta khỏi vành đai tục lụy. Và từ đó Huế đã hình thành cho riêng mình một không gian riêng, một thế giới riêng. Từ đó con người bỗng đâm ra mơ mộng và ước mơ những cõi trời đất như không có thực.

Nhưng thật sự thực và mơ là gì? Thật ra, nói cho cùng, cái này chỉ là ảo ảnh của điều kia. Và với những ảo ảnh đó đã có một thời, khá dài lâu, những con người lớn lên trong thành phố nhỏ nhắn đó đã dệt gấm thiêu hoa những giấc mơ, giấc mộng của mình. Đó cũng là thời gian mà mỗi sớm tinh mơ, mỗi chiều, mỗi tối, tiếng chuông Linh Mụ vang xa trong không gian, chuyền đi trên dòng sông để đến với từng căn nhà khép hờ hay đang đóng kín cửa.

Thời gian trôi đi ở đây lặng lẽ quá. Lặng lẽ đến độ người không còn cảm giác về thời gian. Một thứ thời gian không bóng hình, không màu sắc. Chỉ có cái chết của những người già, vào mùa đông giá rét, mới làm sực tỉnh và bỗng chốc nhận ra tiếng nói thì thầm của lăng miếu, bia mộ ở những vùng đồi núi chung quanh. Trong không gian tĩnh mịch và mơ màng đó, thêm chìm đắm vào một khí hậu loáng thoáng liêu trai, người con gái ấy vẫn đi qua đều đặn mỗi ngày dưới hai hàng cây long não để đến trường. Đi đến trường mà đôi lúc dường như đi đến một nơi vô định. Định hướng mà không định hướng bởi vì những bước chân ngày nào ấy dường như đang phiêu bồng trên một đám mây hoang lạc của giấc mơ. Người con gái ấy đã đi qua một cây cầu bắc qua một dòng sông, qua những hàng long não, qua những mùa mưa nắng khắc nghiệt, để cuối cùng đến một nơi hò hẹn. Hò hẹn nhưng không hứa hẹn một điều gì. Bởi vì trong không gian liêu trai ấy hứa hẹn chỉ là một điều hoang đường. Giấc mơ liêu trai nào cũng sẽ không có thực và sẽ biến mất đi. Người con gái đi qua những hàng cây long não bây giờ đã ở một nơi xa, đã có một đời sống khác. Tất cả chỉ còn là kỷ niệm. Kỷ niệm nào cũng đáng nhớ nhưng cứ phải quên. Người con gái ấy là "Diễm của những ngày xưa" (Trịnh Công Sơn).

Người con gái mà Trịnh yêu đến mê mệt ấy là Ngô Thị Bích Diễm - con gái thầy Ngô Đốc Khánh.- người Hà Nội, dạy Pháp văn tại trường Đồng Khánh và trường Quốc Học Huế. Bích Diễm giống bố, người dong dỏng cao, nét mặt thanh tú, bước đi thong thả nhẹ nhàng. Con người của Diễm rất hợp với cái tên Diễm và cũng thích hợp với tâm hồn bén nhạy của Trịnh Công Sơn. Anh yêu Diễm mê mệt. Những ngày không thấy Diễm đi qua anh đau khổ vô cùng. Anh trông thấy con đường trước nhà "dài hun hút cho mắt thêm sâu". Nhưng anh cũng biết gặp Diễm để nói lên nỗi đau ấy không phải là chuyện dễ.

Thầy Ngô Đốc Khánh - thân sinh của Diễm, là một ông giáo rất nghiêm khắc. Ông không thể chấp nhận một anh chàng chưa có bằng Đại học, tóc dài, cằm lún phún râu chuyện trò với các cô con gái đài các của ông. May sao lúc ấy họa sĩ Đinh Cường thuê nhà ở gần nhà Diễm để làm xưởng vẽ. Hai bạn canh chừng những khi thầy giáo có giờ dạy, mà Diễm đang ngồi ở nhà học bài thì hai bạn liền "liều" mình qua thăm. Những lần liều đầy mình ấy, có khi Diễm tiếp, có khi Diễm để cho người nhà tiếp và cũng có khi đang có bố ở nhà, Diễm tránh để cho khách ngồi chơi xơi nước rồi tự ý ra về. Diễm biết Trịnh Công Sơn yêu mình và trái tim cô nhiều khi cũng rung động. Nhưng lúc ấy Diễm không thể vượt qua được sự nghiêm khắc của gia đình để nói cho tác giả "Ướt mi" biết điều đó.

Trịnh Công Sơn trút hết nỗi lòng yêu Diễm vào bài Diễm xưa như sau này Sơn đã kể lại nhiều lần. Có một điều lúc ấy Sơn không để ý: Những lúc Trịnh Công Sơn đến nhà Diễm, thì Ngô Vũ Dao Ánh - em gái của Diễm còn là một cô bé, nhỏ hơn Diễm đến bốn năm tuổi, chạy loăng quăng theo chị. Không ngờ chỉ mấy năm sau Dao Ánh trở thành một thiếu nữ xinh đẹp với khuôn mặt bầu bĩnh, dễ thương khác thường. Với cái cầu đã bắc từ hồi yêu Bích Diễm, nay Bích Diễm đã vào học Đại học ở Sài Gòn, tâm hồn của Sơn qua cây cầu cũ, nói như Đinh Cường "Sơn lại da diết với cái dáng vẻ khoan thai, áo lụa vàng của Dao Ánh để rồi thất vọng, để rồi...".

Mối lương duyên đứt gánh giữa đường của Sơn sau đó được Dao Ánh – em gái Bích Diễm lấp đầy. Giống như cô chị, Dao Ánh cũng là mẫu người nhạy cảm và sống trọng chữ tình. Khi mới 15 tuổi, Dao Ánh đã viết thư động viên Trịnh Công Sơn 24 tuổi vì những nỗi đau mà chị mình đã gây ra. Và rồi chuyện tình Dao Ánh – Trịnh Công Sơn kéo dài được 4 năm. Khoảng thời gian này, nhạc sĩ đã viết cho cô gái nhỏ khoảng 300 bức thư, trong đó có những lời lẽ nồng nàn như: “Anh nhớ Ánh, nhớ Ánh, nhớ Ánh mà không nói được với ai. Như tiếng kêu của một loài kiến nhỏ. Làm thế nào Ánh nghe thấy... Ánh ơi, Ánh ơi, Ánh ơi, Ánh trở về buổi trưa mắt buồn, áo trắng... Rất mong thư Ánh mỗi ngày mỗi giờ mỗi tháng mỗi năm...”.

Trịnh Công Sơn yêu say đắm như thế nên khi thất tình, ông cũng tự mình nhận lấy sự đau thương. Để rồi 20 năm sau, khi Dao Ánh từ Mỹ trở về tìm Trịnh Công Sơn, mối tình dang dở lại một lần nữa hồi sinh. Dù rằng cả Sơn và Ánh đều trải qua nhiều cuộc dâu bể, nhưng với nhạc sĩ họ Trịnh lúc này, Dao Ánh như giấc mơ ngọt ngào chứa chan của thời tuổi trẻ. Cuộc hội ngộ 20 năm và những biến chuyển từ mối quan hệ với Dao Ánh đã làm cảm hứng cho Trịnh Công Sơn sáng tác bài "Xin trả nợ người" với ca từ sâu lắng như:  "Hai mươi năm xin trả nợ người, trả nợ một thời em đã bỏ ai / Hai mươi năm xin trả nợ dài, trả nợ một đời em đã phụ tôi / Em phụ tôi một thời bé dại, thơ dại ra đi không nhớ gì tôi / Thơ dại ra đi quên hết tình tôi / Hai mươi năm em trả lại rồi, trả nợ một thời xa vắng vòng tay / Hai mươi năm vơi cạn lại đầy, trả nợ một thời xa vắng vòng môi / Bao nhiêu năm em nợ ngọt ngào, trả nợ một đời chưa hết tình sâu / Bao nhiêu năm em nợ bạc đầu, trả nợ một đời không hết tình đâu / Em phụ tôi một thời bé dại, thơ dại ra đi không nhớ gì tôi / Thơ dại ra đi quên hết tình tôi / Bao nhiêu năm bỗng lại nhiệm mầu, trả nợ một lần quên hết tình đau / Hai mươi năm vẫn là thuở nào, nợ lại lần này trong cõi đời nhau / Hai mươi năm vẫn là thuở nào, nợ lại lần này …trong cõi ….đời nhau"

 

Dao Ánh khi 16 tuổi là người tình của Trịnh công sơn và Dao Ánh sau 20 năm gặp lại Trịnh Công Sơn

Khác với Dao Ánh, thứ tình cảm Trịnh Công Sơn có với Khánh Ly còn hơn cả tình yêu đôi lứa thông thường. Nhưng khi Khánh Ly gặp Trịnh thì cô đã có chồng, và mối lương duyên này đã khiến báo giới tốn hao nhiều giấy mực, khiến người đương thời tò mò, háo hức. Cho đến thời điểm hiện tại, Khánh Ly vẫn là người hát nhạc Trịnh thành công nhất, chất giọng liêu trai, đầy tự sự và nặng ân tình của chị luôn khiến người nghe phải “nổi da gà” mỗi khi các ca khúc do Trịnh Công Sơn sáng tác vang lên. Quá nhiều bể dâu xoay quanh Trịnh Công Sơn – Khánh Ly. Tuy nhiên, Trịnh Công Sơn và Khánh Ly chỉ thực sự thuộc về nhau trong âm nhạc, giữa họ có sự đồng điệu đến lạ thường. Và chính vì sự đồng điệu không rõ là yêu hay bạn ấy mà có lần Khánh Ly đã níu áo Trịnh Công Sơn để hỏi: “Anh bảo rằng yêu tất cả mọi người, tại sao anh không một lần nói yêu em?”.

Khi Khánh Ly rời Việt Nam để đi sang Mỹ cùng gia đình năm 1975, những năm tháng cuối đời Trịnh Công Sơn dành tất cả sự đắm say vào Hồng Nhung. Sự trong trẻo, tinh khôi từ cô Bống khiến Trịnh Công Sơn trẻ lại. Nhạc sĩ họ Trịnh gần như quên mất khoảng cách tuổi tác, ông say đắm sáng tác, say đắm tìm nguồn sống trong những bản nhạc tình. Và ca khúc Bống Bồng ơi, Thuở bống là người ra đời như một lẽ tất yếu. Trịnh Công Sơn đã viết bài nhạc dành cho Hồng Nhung, cô gái xuân thì đẹp đẽ, luôn dành cho ông thứ tình cảm gần gũi, thân thương đến mức không thể tách rời.

  

Trịnh Công Sơn và Bống.

Những câu chuyện tình của Trịnh Công Sơn, nếu kể sẽ không biết khi nào mới hết. Vì cuộc đời nghệ sĩ nghêu ngao giữa đất trời, Trịnh Công Sơn đã yêu quá nhiều cô gái. Trịnh Công Sơn chưa bao giờ chán tình, ông cứ yêu mà không nề hà đó là đơn phương hay song phương. Đó không phải thứ cảm giác bồng bột, nhất thời mà đúng hơn là sự trải nghiệm, thăng hoa của tâm hồn nghệ sĩ. Với Trịnh Công Sơn, đã yêu là yêu mãi, dù bị phụ tình vẫn không thể ngừng yêu. Khi thì với Hoàng Anh, lúc là Michiko, lần khác lại là Trần Thị Nh. H rồi cả Ph.Th. - em ruột ca sĩ Hà Thanh… Với mối tình nào ông cũng rút hết ruột hết gan, để rồi đau đớn, để rồi tổn thương và co mình lại vào vỏ ốc. Sau khi thoát được tâm trạng nặng nề từ cuộc tình trước, Trịnh Công Sơn lại lao vào cuộc tình sau. Cứ thế, trọn một kiếp người, Trịnh Công Sơn đã yêu và trân trọng những bóng hồng xinh đẹp. Và nhiều người trong số họ, khi ông qua đời còn xin gia đình cho được để tang.

Trịnh Công Sơn yêu nhiều nhưng ông không là của riêng ai. Mỗi người phụ nữ đi qua cuộc đời ông đều để lại dấu ấn đặc biệt. Dù là nỗi đau, nhưng hoài niệm về nó vẫn còn hoài. Trịnh Công Sơn cô đơn, không con cái nhưng chưa bao giờ cô độc, vì chính bản thân ông cũng tự nhận cái sự đa tình của mình là: “Nếu có người nào đó thách thức tôi một trò chơi nghịch ngợm thì tôi sẽ mang tình yêu ra mà đánh đố. Tôi e, không ai dám tự xưng mình am tường hết nội dung phong phú và quá phức tạp của tình yêu. Có người yêu thì hạnh phúc, có người yêu thì đau khổ. Nhưng dù đau khổ hay hạnh phúc thì con người vẫn muốn yêu. Tình yêu vì thế mà tồn tại. Con người không thể sống mà không yêu”.

Có những ngày tuyệt vọng cùng cực, tôi và cuộc đời đã tha thứ cho nhau. Từ buổi con người sống quá rẻ rúng tôi biết rằng vinh quang chỉ là điều dối trá. Tôi không còn gì để chiêm bái ngoài nỗi tuyệt vọng và lòng bao dung. Hãy đi đến tận cùng của tuyệt vọng để thấy tuyệt vọng cũng đẹp như một bông hoa” - Định mệnh đã khiến người nhạc sĩ tài hoa luôn dừng chân trước ngưỡng cửa hạnh phúc. Nhiều người cho rằng, do Trịnh Công Sơn quá nhạy cảm nên không thể chấp nhận được những va chạm, đớn đau có thể xảy ra ở cuộc sống vợ chồng. Nhưng dù, cuộc đời giăng khổ ải cỡ nào, Trịnh Công Sơn cũng đã có một hành trình khiến triệu người ngưỡng mộ. Nếu những mối tình thử thách ông đều đơm hoa kết trái thì liệu cuộc đời này còn có những tuyệt phẩm âm nhạc như Một cõi đi về, Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui, Diễm xưa, Biển nhớ, Tuổi đá buồn chăng? Những bài hát đã đi cùng những cuộc tình của Trịnh Công Sơn đã minh chứng cho câu thơ của Hồ Dzếnh "...Đời chỉ đẹp những khi còn dang dở; Tình mất vui khi đã vẹn câu thể..."

 

Trịnh Công Sơn, một con người tài hoa đã một thời gắn bó với Đà Lạt

Chuyện tình và chuyện nhạc của Trịnh Công Sơn thì nhiều người biết nhưng còn chuyện đời thì ít ai biết, đó là: Vì lời lẽ trong nhiều bài hát của ông có tính chất phản chiến, nhà cầm quyền Việt Nam Cộng hòa đã cấm lưu hành vài tác phẩm của ông. Theo tác giả Ban Mai, trong cuốn "Trịnh Công Sơn - vết chân dã tràng", nhiều ca khúc của ông có thông điệp phản chiến bị cả hai bên Việt Nam Dân chủ Cộng hòa  và Việt Nam Cộng hòa cấm lưu hành. Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam cũng không tán thành thái độ phản chiến của ông về chiến tranh, vốn mang tính "chủ hòa, ủy mị", làm nản lòng những người đang đấu tranh chống xâm lược và thống nhất đất nước. Theo tác giả Ban Mai, trong cuốn "Trịnh Công Sơn – vết chân dã tràng", Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thì có những người phê phán ông vì coi ông là "thiếu lập trường chính trị", có những người cực đoan đòi sau khi tiến về Sài Gòn sẽ "xử tử" ông. Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, ông lên Đài phát thanh Sài Gòn hát bài "Nối vòng tay lớn". Cũng chính ông là người trưa ngày 30/4 đã đứng lên phát biểu trực tiếp trên đài phát thanh Sài Gòn sau lời tuyên bố đầu hàng của Tổng thống Dương Văn Minh. Trong bài phát biểu, ông kêu gọi người dân miền Nam ủng hộ Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam: "Hôm nay là ngày mơ ước của tất cả chúng ta... Ngày mà chúng ta giải phóng hoàn toàn đất nước Việt Nam này... Những điều mơ ước của các bạn bấy lâu là độc lập, tự do, và thống nhất thì hôm nay chúng ta đã đạt được tất cả kết quả đó... Hôm nay tôi yêu cầu các văn nghệ sĩ cách mạng miền Nam Việt Nam, các bạn trẻ và Chính phủ Cách mạng lâm thời xem những kẻ ra đi là những kẻ phản bội đất nước... Chính phủ Cách mạng lâm thời đến đây với thái độ hòa giải, tốt đẹp. Chúng ta không có lý do gì để sợ hãi mà ra đi cả. Đây là cơ hội duy nhất và đẹp đẽ nhất để đất nước Việt Nam được thống nhất và độc lập. Thống nhất và độc lập là những điều chúng ta mơ ước suốt mấy chục năm nay. Tôi xin tất cả các bạn, thân hữu và cũng như những người chưa quen của tôi xin ở lại và kết hợp chặt chẽ với Ủy ban Cách mạng lâm thời để góp tiếng nói xây dựng miền Nam Việt Nam này...".  Theo BBC, sau khi chiến tranh kết thúc, gia đình ông di cư sang Mỹ và ông phải đi học tập cải tạo trong 4 năm. Tuy nhiên, theo tác giả Bùi Đức Lạc (một người bạn thân của Trịnh Công Sơn) thì ông chỉ đi làm kinh tế mới vài năm chứ không hề có cải tạo, nguồn khác thì nói ông đi học tập chính trị 2 năm ở Cồn Tiên. Theo Nguyễn Đắc Xuân, thời gian đầu sau khi kết thúc chiến tranh năm 1975, “Đối với lãnh đạo thì không có vấn đề gì, nhưng có nhiều "anh em phong trào" ở Sài Gòn không thích quan điểm lập trường chung chung của Trịnh Công Sơn trước đây", ông trở về Huế và "thời gian đó một số phần tử quá khích theo phong trào "Hồng vệ binh" của Cộng Hòa Nhân dân Trung Hoa đã kích động sinh viên treo một tấm banderole to tướng mang dòng chữ xanh rờn: "Hạ bệ Phạm Duy - Hoàng Thi Thơ và Trịnh Công Sơn" trước trường Đại học Sư phạm Huế" và "tiếp theo là cuộc tọa đàm luận tội "Trịnh Công Sơn có công hay có tội" tại Hội Văn nghệ Thừa Thiên - Huế. Hôm ấy có cả Trần Hoàn, Tô Nhuận Vỹ, Nguyễn Khoa Điềm, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Đắc Xuân, Trần Viết Ngạc và vài người nữa. Có người lên án, nhưng cũng có người bảo vệ. “Tội” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là ông đã làm nhạc phản chiến một cách chung chung, không phân biệt được chiến tranh xâm lược và chiến tranh giải phóng dân tộc trong bài “Gia tài của mẹ” với câu Hai mươi năm nội chiến từng ngày. Thậm chí ông còn làm nhạc ca ngợi địch trong bài “Cho một người nằm xuống" thương tiếc đại tá không quân Sài Gòn Lưu Kim Cương tử trận – người đã từng cưu mang ông. Nhiều người phát biểu biện hộ cho Trịnh Công Sơn: “Đúng là Trịnh Công Sơn đã làm nhiều bản nhạc phản chiến, anh được mệnh danh là người làm nhạc phản chiến số 1 thời ấy giống như Bob Dylan, Joan Baez ở bên Mỹ. Trịnh Công Sơn là một nhạc sĩ tự do, anh theo đuổi chủ nghĩa nhân bản chung chung khác chúng ta. Nhưng anh làm nhạc trong vùng tạm chiếm, người nghe nhạc phản chiến của anh là lính Cộng hòa. Rất nhiều lính của Thiệu đã bỏ ngũ vì nghe bản nhạc Người con gái da vàng của anh. Chẳng có người lính cách mạng nào bỏ ngũ vì nghe nhạc của Trịnh Công Sơn cả. Cũng như ngày xưa bên Trung Quốc, Trương Lương thổi sáo đâu phải để cho quân mình buông kiếm! Đâu phải tự dưng chính quyền Thiệu ra lệnh tịch thu những bài hát của Sơn”. Và chính xấp tài liệu đăng lệnh của cựu Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu cấm phổ biến nhạc Trịnh Công Sơn, lệnh cấm mang số 33 ngày 8.2.1969, đã có sức thuyết phục lớn đối với những người tham dự tọa đàm. Sau cuộc tọa đàm, Trịnh Công Sơn phải viết kiểm điểm. Hồi ấy, những bản kiểm điểm nói không đúng vấn đề thường phải viết lại. Trịnh Công Sơn chưa quen lối sinh hoạt này nên rất chán chường..." Trong thời hậu chiến này, cả nước rất khó khăn và như bao người Việt khác, Trịnh Công Sơn cũng được điều đi lao động sản xuất, khi thì trồng khoai lang, lúc cấy lúa trên những cánh đồng đầy bom đạn chưa tháo gỡ. Một thời gian dài sau 1975, nhiều bài hát của ông bị cấm lưu hành ở tại Việt Nam hay bị một số người kêu gọi tẩy chay ở hải ngoại. Tuy nhiên, Khánh Ly và nhiều ca sĩ vẫn tiếp tục hát và phát hành những băng đĩa với ca khúc của ông tại hải ngoại. Những năm sau 1975, sau thời gian học tập chính trị, ông làm việc tại Hội Âm nhạc Thành phố Hồ Chí Minh, tạp chí Sóng nhạc. Từ đầu thập niên 1980, Trịnh Công Sơn bắt đầu sáng tác lại, lúc đầu một số sáng tác ông gởi qua cho Khánh Ly và chỉ phát hành tại hải ngoại. Khi bắt đầu được phép lưu hành nhạc trong nước, ông có viết một số bài có nội dung ca ngợi những chủ trương của chế độ mới như Thành phố mùa xuânNgọn lửa vĩnh cửu MoskvaEm ở nông trường em ra biên giớiHuyền thoại Mẹ... Sau đó nhà nước Việt Nam đã nới lỏng quản lý văn nghệ, ông lại tiếp tục đóng góp nhiều bản tình ca có giá trị.

Buối sáng, không khí lành lạnh, tuy nhiên trời trong xanh báo hiệu một ngày nắng đẹp. Chúng tôi sẽ dành buổi sáng để đi ngắm hoa ở vườn hoa Đà Lạt. Vườn hoa thành phố Đà Lạt trước đây còn có tên gọi là vườn hoa Bích Câu, cũng có thời gian được gọi là công viên hoa Đà Lạt. Vườn hoa này được bắt đầu xây dựng và trồng các loại hoa từ năm 1966, sau đó bỏ hoang và đến năm 1985 thì được xây dựng mới và trồng các loài hoa đẹp để phục vụ khách du lịch. Vườn hoa nằm ở phía đông Hồ Xuân Hương bên cạnh sân Golf Đồi Cù thơ mộng, cách trung tâm thành phố Đà Lạt khoảng 2km. Hiện nay diện tích của Vườn hoa được mở rộng tới 7000 m². Vườn hoa Đà Lạt từ lâu đã được biết đến như là xứ sở của ngàn hoa. Vườn hoa hiện tại là nơi trưng bày về hoa lớn nhất và đầy đủ nhất của Đà Lạt với hàng trăm giống hoa khác nhau. Ngoài các giống hoa truyền thống mà mọi người đã biết như Cẩm tú cầu, hồng, hồng ri, xác pháo, mimosa, tại vườn hoa còn có hàng chục giống hoa mới được du nhập vào Đà Lạt từ 10 năm nay như các loại cúc, hồng, đồng tiền, đỗ quyên, trà mi... Màu tím lãng mạn của hoa Pensee, đỏ rực của Xác pháo, mỏng manh của Forget me not, tím ngắt của sim tím … và nhiều loại hoa khác nữa. Ở đây có một khu vườn địa lan, phong lan khá lớn và thuộc loại đẹp nhất của Đà Lạt. Hoa lan được trồng theo phương pháp cấy mô trưng bày tại đây, đa dạng về loài, đa dạng về màu sắc.

 

Trong công viên hoa Đà Lạt có một vườn xương rồng khổng lồ. Để có vườn hoa xương rồng khổng lồ này là cả một quá trình chăm sóc và tìm kiếm giống từ châu Phi xa xôi. Vườn hoa Đà Lạt được xem như một bảo tàng hoa sống động với hơn 300 loại hoa, từ những loại hoa giản dị như đồng tiền thạch thảo, cúc, cẩm tú cầu, đỗ quyên, trà mi,…đến các loại hoa quý như địa lan, phong lan, hồng, tuylip… đều có mặt.

Ngắm hoa và chụp ảnh đủ rồi, chúng tôi ra xe và đến núi LangBiAng, lúc này đã là buổi trưa, trời khá nắng. Đây là nơi Yersin chui từ trong rừng ra lần đầu tiên đứng trên ngọn núi này nhìn thấy một thung lũng mà ông ghi vào nhật ký: “Những ngọn đồi nhấp nhô thoai thoải như những làn sóng xanh bên dưới”.

Núi Lang biang được mệnh danh là nóc nhà của thành phố Đà Lạt có độ cao 2167m. Khi chinh phục được đỉnh núi này, từ trên cao nhìn xuống sẽ thấy được toàn cảnh của thành phổ Đà Lạt này. Đỉnh núi được mang cái tên LangBiang, bởi vì có một truyền thuyết về một câu chuyện tình yêu được bắt đầu tại đây. Cô nàng mang tên H’Biang con gái của tù trưởng bộ tộc Chil mang lòng thương chàng K’Lang con trai tù trưởng bộ tộc Lạt, họ yêu thương nhau rất nhiều. Nhưng vì hai người mỗi người ở một bộ tộc khác nhau. Nên hai bên gia đình phản đối và ngăn cấm. Hai người đã chọn cái chết để giữ chọn tình yêu thiêng liêng đó  cho mình. Khi Lang và Biang mất, cha của Biang hối hận đã thống nhất các bộ tộc người Lat, Chil, Sre… thành chung một dân tộc K’Ho. Từ đó thanh niên nam nữ các bộ tộc có thể yêu nhau, cưới nhau mà không bị ngăn cấm. Mộ hai người dần trở thành hai ngọn núi cao nằm cạnh nhau và dân làng đặt tên cho ngọn núi này là LangBiang.

Khi lên LanBiang phải đi bằng xe jeep lên đỉnh núi. Mọi người thường nghĩ mình đã chinh phục được đỉnh Langbiang. Nhưng thực tế thì không phải, chỗ chúng ta đi xe jeep đến. Chỉ là ngọn đồi thấp nhất tại khu du lịch LangBiang này. Nơi mà chúng ta chinh phục được đó có tên là đỉnh đồi Ra-đa có độ cao 1929 mét. Langbiang là một hệ thống gồm nhiều dãy núi ghép thành. Đỉnh núi cao nhất là núi Bà có độ cao 2167 mét. Kế đó là núi ông có độ cao 2124 mét.

Nhìn LangBiang Đà Lạt từ trên cao.

Trên đỉnh LangBiang có quán caffe, có thể mặc bộ đồ cawboy chụp ảnh với chim đại bàng trên tay, có thể ngắm cảnh quan của thung lũng bên dưới, ngắm các bức tượng về lịch sử cái tên LangBiang, đủ để cho mọi người tiêu khiển ở đây khoảng 2 giờ. Cách đây 6 năm (7.2016), tôi có tổ chức cho Bộ môn khoa của mình vào thăm Đà Lạt bao gồm toàn bộ bác sĩ, kỹ thuật viên, nhân viên và gia đình trong 3 ngày, nhưng vào tháng 7, tháng nghỉ hè. Tháng 7 ở Đà Lạt lại vào mùa mưa, hôm đó lên LangBiang sương mù dày đặc, không thể nhìn thấy gì, cũng chẳng chụp được ảnh nữa. Ra về mọi người cứ tiếc hùi hụi. Lần này vợ chồng tôi lên LangBiang thời tiết rất đẹp, nắng chang trang không một gợn mây trên trời, đứng trên đỉnh LangBiang nhìn xuống thung lũng với tầm nhìn rất xa. Nhưng lại tiếc là sao không có sương mù để che bớt đi, vì bên dưới thung lũng toàn nhà vườn bọc nilon trắng xóa, chẳng còn cái thung lũng với những ngọn đồi xanh như làn sóng, xen với mây phủ bồng bềnh nữa. Đô thị hóa và phát triển nhà kính trồng trọt đã làm mất đi khá nhiều rừng thông và cảnh quan tự nhiên của Đà Lạt, cái giá phải trả sao mà đắt quá. Mấy cái ảnh toàn cảnh thung lũng nhìn từ đỉnh LangBiang mà tôi đăng ở trên là sưu tầm từ internet, có lẽ họ chụp từ nhiều năm trước, chứ không dám đăng cái ảnh tôi mới chụp từ đỉnh LanBiang lần này, nếu đăng sợ người xem thất vọng.

 

Bức tượng về tình yêu của chàng Biang và nàng Lang trên đỉnh LangBiang và điểm cao này là 1950m so với mực nước biển.

Từ ngọn LangBiang nhìn xuống thung lũng bên dưới hiện nay.

Rời LangBiang đã sang buổi chiều, chúng tôi tới thung lũng vàng. Thung lũng Vàng cách trung tâm thành phố Đà Lạt khoảng 15km về hướng Tây Bắc, nằm cạnh hồ Ddan Kia- suối Vàng, giữa khu rừng thông đặc chủng cao từ 5-15m. Với mảng thực bì đa dạng, đồi núi uốn nếp độc đáo, thung lũng Vàng còn có một khu vườn với nghệ thuật sắp đặt độc đáo cùng những vườn hoa, cây cảnh đặc sắc. Khung cảnh thiên nhiên rất thích hợp cho du lịch nghỉ dưỡng và cho những ai thích chụp ảnh vì phong cảnh lãng mạn không kém gì trong các bộ phim Hàn Quốc. Trên lưng chừng đồi thông của Khu du lịch Thung Lũng Vàng Đà Lạt, có một dòng suối nhân tạo dài khoảng một cây số, những lớp đá được sắp đặt có chủ ý nhưng cứ như vô tình giống dòng suối tự nhiên. Đẹp như khung cảnh bên trời Tây xa xôi. Trước khi tới cổng vé của khu thung lũng vàng, chúng tôi rẽ vào đồi cỏ hồng, cỏ tuyết, là một trong những nơi được nhiều người yêu thích đến mê mẩn, nhất là các bạn trẻ khi đến với Đà Lạt. Đồi cỏ hồng, đồi cỏ tuyết chỉ là một đồi cỏ nhưng ở thời điểm khác nhau trong ngày mà có màu sắc và tên gọi khác nhau.

   

Nếu muốn gặp được cỏ tuyết thì phải đến địa điểm này thật sớm. Trước khi mặt trời nhô lên, lúc này một loài cỏ tuyệt đẹp mang trên mình những giọt sương ban mai trắng ngát cả một vùng. Trông như những bông tuyết, chính vì thế được gọi là cỏ tuyết. Vì chúng tôi đến đây vào buổi chiều nên mượn bức ảnh trên internet về đồi cỏ tuyết để minh họa.

Sau khi ánh mặt trời chiếu rọi làm những giọt sương đọng trên những bông cỏ tuyết biến mất. Thì nơi đây chính thức trở thành một đồi cỏ hồng tuyệt đẹp. Một tên gọi khác của cỏ hồng là cỏ noel vì có thời gian nó nở rất đẹp vào dịp giáng sinh ở Đà Lạt. Chúng tôi đến đây vào buổi chiều, và cũng mới qua Noel nên chỉ thấy được cỏ hồng, nhưng như thế cũng đã tuyệt vời lắm rồi. 

Đường vào đồi cỏ hồng rất dễ đi vì toàn đường lớn ô tô 45 chỗ cũng vào được. Khi tới gần chỗ bán vé vào khu du lịch thung lũng vàng, sẽ thấy một đường mòn lên dốc, đi theo đường mòn thêm một đoạn nữa thì đồi cỏ hồng sẽ xuất hiện. Để thấy được chỗ đẹp nhất nên đi sâu vào trong vì ở ngoài nhiều người đến đi lại nhiều làm cỏ bị hư hỏng nhiều. Rất mong mọi người lên đây giữ gìn những ngọn cỏ quý giá này để cảnh đẹp trời ban còn đẹp mãi theo năm tháng.

 

Nơi đây trước kia thuộc Công ty cấp nước Lâm Đồng. Năm 1999, ông Trần Đình Lãnh, giám đốc Công ty ban đầu chỉ muốn sử dụng khoảnh đất trống 3ha xây dựng thành một vườn tiểu cảnh nhỏ cho các nhân viên của mình có nơi tham quan, thư giãn sau những giờ làm việc. Nhờ vào sự giúp đỡ của các nhân viên mà khu du lịch Thung Lũng Vàng được hình thành. Khu du lịch chính thức khai trương vào ngày 9 tháng 2 năm 2005, đón tiếp nhiều lượt khách hàng năm, trở thành điểm thu hút du lịch, đặc biệt là giới trẻ.

 

  

Rừng thông, hồ nước, vườn hoa, bãi cỏ cùng con suối róc rách từ đỉnh đồi tạo ra một phong cảnh tuyệt vời, tĩnh lặng cho những ai thích trầm tư mặc tưởng, cho các cặp đôi trẻ chụp những bức hình tuyệt đẹp, cho các bạn thanh niên cắm trại hoặc tổ chức những nhóm cắm trại ngoài trời.

Trời đã xâm xẩm tối, chúng tôi rời Thung lũng vàng trở về trung tâm thành phố, ăn tối và uống caffe ở nhà hàng Thủy tạ bên Hồ Xuân Hương, nơi mà chúng tôi đã quan sát thấy như một bán đảo nhô ra hồ khi chúng tôi lái xe lượn quanh hồ hôm trước. Đà Lạt về đêm lung linh trong ánh đèn điện, nhiệt độ chỉ trên dưới 20 độ C, cộng thêm gió hồ gây cảm giác hơi lành lạnh, thả hồn theo tiếng nhạc Trịnh nhè nhẹ từ những chiếc loa đâu đó trong bụi hoa thật là khó quên.

Mời các bạn xem tiếp Episode 13:

https://hahoangkiem.com/van-hoc/ky-su-phuot-xuyen-viet-episode-13-da-lat-lam-dong-qui-nhon-binh-dinh-3845.html


CHIA SẺ BÀI VIẾT

Bài cùng chủ đề

Bài về chủ bút

    Tinh hoa nhân loại

      Khoa học

        Văn học

          SÁCH CỦA TÔI