Chỏm xương đùi người ngâm rượu

Cập nhật: 14/09/2020 Lượt xem: 2330

Chỏm xương đùi người ngâm rượu

PGS.TS. Hà Hoàng Kiệm, BV 103, HVQY.

Thường người ta ngâm rượu bàn chân gấu hoặc xương bánh chè của hổ, nhưng bài này tôi lại muốn nói tới chỏm xương đùi người ngâm rượu.

Một bệnh nhân nam đi vào phòng khám có dáng đi tập tễnh bên chân trái, anh có tuổi trung niên, hơi gầy, nước da xạm phớt vàng. Nhìn dáng đi và nước da của người bệnh, tôi đã dự đoán ngay được bệnh lý của bệnh nhân này. Mời bệnh nhân nằm lên giường, chờ cháu điều dưỡng đo huyết áp và lấy nhiệt độ cho bệnh nhân xong, tôi đến bên giường và hỏi anh câu hỏi đầu tiên:

- Anh có thường xuyên uống rượu không? Bệnh nhân không trả lời, nhưng người em trai đi cùng nói ngay:

- Mỗi ngày cỡ nửa lít thôi GS ạ! Để không khí thân mật hơn tôi nói:

- Thế thì tôi thán phục tửu lượng của anh rồi! Anh có uống hàng ngày không? Người bệnh trả lời:

- Ngày nào cũng uống.

- Vậy anh uống liên tục như vậy được bao nhiêu năm rồi?

- Khoảng 13 hay 15 năm gì đó.

- Anh thấy đau ở đâu?

Người bệnh nói đau ở đùi bên trái và nắn dọc đùi từ háng xuống, cảm giác đau ở trong xương.

- Thắt lưng anh có bị đau không?

- Thỉnh thoảng có đau vài ngày rồi hết, bây giờ thì không đau.

- Khi nằm nhất là ban đêm anh có đau không?

- Có nhưng ít hơn so với đi lại.

- Anh có ngồi xổm được không?

- Không, đau lắm, không ngồi được.

- Anh có ngồi xếp bằng được không?

- Không ngồi được, phải ngồi trên ghế cao.

- Vậy lên xuống cầu thang thì sao?

- Rất đau nhất là bước lên cầu thang.

Tôi bắt đầu khám: kết mạc mắt anh hơi vàng, niêm mạc lưỡi cũng phớt vàng, da xạm ánh vàng nhưng không phù. Gan mấp mé bờ sườn, chắc, bờ sắc nhẵn, ấn tức. Không có tuần hoàn bàng hệ, bụng không có biểu hiện có dịch màng bụng, lách không to. Khám khớp háng bên phải khi xoay khớp háng ra ngoài và vào trong đến cuối tầm bệnh nhân đau. Dạng khớp háng cuối tầm đau, đưa khớp háng duỗi ra sau rất đau, dấu hiệu Patric bên phải khi gối gần sát mặt gường đau nhưng vẫn hạ được tới sát mặt giường. Khám hớp háng bên trái, lặp lại các động tác trên, nhưng chỉ đến nửa tầm vận động bệnh nhân đã đau không tiếp tục được.

Như vậy là đã rõ: Bệnh nhân này đã bị hoại tử chỏm xương đùi hai bên, bên trái nặng hơn bên phải, nguyên nhân do rượu.

Để đánh giá mức độ tổn thương khớp háng, tôi yêu cầu bệnh nhân chụp MRI khớp háng hai bên và xét nghiệm men gan, chức năng gan, siêu âm ổ bụng, fibroscan gan. Kết quả: men gan tăng nhẹ chỉ gấp rưỡi trị số bình thường, bilirubin toàn phần trong máu tăng nhẹ. Siêu âm gan kích thước to hơn bình thường, phản hồi âm thô đều, kích thước lách bình thường, tĩnh mạch cửa không giãn, ổ bụng không có dịch, fibroscan gan tương ứng F3 (mời các bạn đọc thêm bài: http://hahoangkiem.com/can-lam-sang/sieu-am-dan-hoi-mo-elastogram-3637.html).

Như vậy bệnh nhân có viêm gan mạn và đã xơ gan do rượu. Kết quả chụp MRI khớp háng có hình ảnh bên dưới.

 

Hình 1. BN Dương Văn H. sinh 1962. Địa chỉ Phú Xuyên Hà Nội, chụp ngày 9.8.2010 tại BV đa khoa 16A, Hà Đông, Hà Nội.

Trên phim MRI cho thấy chỏm xương đùi trái hoại tử đã sập chỏm, có một ít dịch trong ổ khớp. Chỏm xương đùi phải hoại tử xương dưới sụn, chưa sập chỏm, phần sụn phía trên vùng xương hoại tử còn được bảo tồn.

Riêng tại Bệnh viện đa khoa 16A, Hà Đông, Hà Nội, hiện có 5 phòng khám Giáo Sư nội khoa khám hàng ngày, chỉ riêng tại phòng khám mà tôi làm việc từ tháng 1.2020 đến tháng 8.2020 tôi đã được khám và chẩn đoán cho 13 bệnh nhân bị hoại tử chỏm xương đùi, trong đó có 12 bệnh nhân nghiện rượu. Các bệnh nhân này đều có đặc điểm là đã uống rượu hàng ngày, liên tục trên 10 năm, mỗi ngày trung bình 250 đến 500 ml rượu mạnh. Tất cả đều tổn thương gan ở các mức độ khác nhau từ viêm gan do rượu đến xơ gan. Và cả 12 người đều hoại tử chỏm xương đùi cả hai bên, 8 bệnh nhân hoại tử chỏm xương đùi trái nặng hơn chỏm xương đùi phải, 4 bệnh nhân hoại tử chỏm xương đùi phải nặng hơn bên trái. Một bệnh nhân còn lại là một thanh niên 25 tuổi, không uống rượu, làm văn phòng, bị hoại tử chỏm xương đùi trái, chỏm xương đùi phải còn bình thường. Đây là trường hợp hoại tử chỏm xương đùi vô căn.

Đặc điểm lâm sàng của các bệnh nhân có các điểm chung:

Đau khớp háng: có bệnh nhân đau ở phía trước, có bệnh nhân đau ở phía bên hông, một số bệnh nhân lại thấy đau dọc xương đùi. Ban đầu đau chỉ xảy ra khi vận động khớp quá tầm như khi ngồi xổm, ngồi xếp bằng, sau nhiều tháng xuất hiện đau cả về đêm và khi đi lại, nhất là khi lên xuống cầu thang, thông thường sau khoảng 6 tháng sau, đau cả khi đi trên mặt đường phẳng khiến bệnh nhân đi khập khiễng và khớp háng không vận động được hết tầm.

Khám các nghiệm pháp: ban đầu chỉ dương tính khi vận động quá tầm hoặc hết tầm về sau dương tính khi vận động chưa hết tầm cùng với mức độ hạn chế tầm vận động của khớp. Lưu ý các kỹ thuật khám: xoay hớp háng ra ngoài, xoay khớp háng vào trong, gấp khớp háng về phía trước (gấp bụng), duỗi khớp háng về phía sau, dạng khớp háng ra ngoài, nghiệm pháp Patric. Trong các động tác trên chúng tôi thấy động tác duỗi khớp háng ra sau, dạng khớp háng ra ngoài, nghiệp pháp patric dương tính sớm, tức là nhậy hơn các động tác khác, cho phép phát hiện sớm tổn thương khớp háng ngay cả khi chưa sập chỏm.  

Chụp X-quang khớp háng thường quy không nhậy, phát hiện khá muộn chỉ đến khi sập chỏm mới phát hiện được. Phim chụp MRI khớp háng cho chẩn đoán rất sớm, ngay từ khi có hoại tử xương dưới sụn. MRI còn cho phép đánh giá mức độ hoại tử chỏm, dịch trong ổ khớp, các phần mềm quanh khớp.

Như vậy cả 12 bệnh nhân trên có thể coi đã tự ngâm chỏm xương đùi của mình trong rượu trên 10 năm, và kết quả thì các bạn đã thấy. Tôi cũng phải nói thêm rằng, những người nghiện rượu ngoài tổn thương gan (nhẹ nhất là nhiễm mỡ gan, rồi đến viêm gan do rượu, tiếp theo là xơ gan rượu và tiếp theo là ung thư gan trên nền xơ gan), thì bệnh lý có tỉ lệ gặp thứ hai là hoại tử chỏm xương đùi với đặc điểm hoại tử cả hai bên, thường bên trái nặng hơn bên phải. Bệnh lý có tỉ lệ gặp đứng hàng thứ ba là ung thư thực quản. Tôi đã được khám và phát hiện ba bệnh nhân ung thư thực quản có nghiện rượu. Vì vậy khi nhìn dáng đi và làn da của bệnh nhân khi bệnh nhân đi vào phòng khám tôi đã hình dung được ngay chẩn đoán và chẩn đoán đó không hề nhầm.

Các bạn có thể tham khảo thêm bài: Hoại tử vô khuẩn chỏm xương đùi ở địa chỉ sau: http://hahoangkiem.com/benh-co-xuong-khop/hoai-tu-vo-khuan-chom-xuong-dui-3877.html

Dưới đây là hình ảnh MRI khớp háng của một số bệnh nhân khác để các bạn tham khảo.

Hình 2. BN Nguyễn Văn H. sinh 1989. Địa: chỉ Ứng Hòa HN. Chụp ngày 31.7.2020 tại BV đa khoa 16A, Hà Đông, HN.

Hình 3. BN Phùng Văn H. sinh 1981, Quê: tỉnh Hòa Bình. Chụp ngày 7.4.2010 tại Bệnh viện đa khoa 16A, Hà Đông, Hà Nội.

Hình 4. BN Đào Văn S. sinh 1964. Quê: tỉnh Hòa Bình. Chụp 15.2. 2020 tại Bệnh viện đa khoa 16A, Hà Đông, Hà Nội.

 


CHIA SẺ BÀI VIẾT

Bài cùng chủ đề

Bệnh thận - Tiết niệu

    Bệnh tim mạch

      Bệnh cơ-xương-khớp

        Bệnh nội tiết-chuyển hóa

          Bệnh tiêu hóa

            Bệnh phổi - phế quản

              Bệnh Thần kinh - Tâm thần

                Bệnh truyền nhiễm

                  Bệnh nhi khoa

                    Cận lâm sàng

                      Bệnh khác

                        Thuốc

                          Vật lý trị liệu

                            Phục hồi chức năng

                              Tư vấn và Chia sẻ thông tin

                                Sách đã xuất bản của Hà Hoàng Kiệm

                                  Bài báo khoa học

                                    SÁCH CỦA TÔI