Bụi mịn với sức khỏe con người và cách phòng ngừa

Cập nhật: 01/02/2020 Lượt xem: 3395

Bụi mịn với sức khỏe con người và cách phòng ngừa

1. Bụi mịn

1.1. Bụi mịn là gì?

Bụi mịn là những hạt dạng lỏng, hoặc rắn trôi nổi ngoài không khí có kích thước nhỏ hơn 10μm. Các nhà khoa học thường sử dụng chỉ số PM10.0, PM2.5, PM1,0 để thể hiện các hạt dạng lỏng, rắn trôi nổi trong không khí có đường kính nhỏ hơn 10μm, 2.5μm, 1.0μm. Ký hiệu của bụi mịn PM2.5 được hiểu như sau:

- Chữ PM là viết tắt của chữ tiếng Anh: Particulate Matter, có nghĩa là chất dạng hạt (rắn hoặc lỏng).

- Kí hiệu 2.5 tức là kích thước các hạt có đường kính nhỏ hơn hoặc bằng 2.5micromet (micromet viết tắt là μm, 1/1000mm = 1μm = 1000nanomet = 10 000 Amstron).

- Kí hiệu PM 1.0, PM 2.5, PM10.0 là chỉ những hạt có đường kính nhỏ hơn hoặc bằng 1,0μm, 2,5μm, 10μm.

Các nhà khoa học chia ra:

- PM10: Các hạt bụi có kích thước đường kính từ 2.5 tới 10µm.

- PM2.5: Các hạt bụi có kích thước đường kính nhỏ hơn hoặc bằng 2,5µm.

- PM1.0: Các hạt bụi có kích thước đường kính nhỏ hơn hoặc bằng 1µm.

Các hạt bụi mịn PM10 và PM2.5 có thể được sinh ra từ tự nhiên như: Từ các vụ cháy rừng, bụi sa mạc, khói núi lửa, các cơn bão cát, lốc xoáy hay từ phấn hoa, bào tử nấm, nước thải côn trùng... Thế nhưng, đa phần các loại bụi này lại được tạo ra từ các hoạt động của con người qua việc đốt than củi, đốt rác thải, hút thuốc, khói từ các khu công nghiệp, công trình xây dựng, bụi đường phố, khí thải của xe cộ, các loại virus...

Bụi càng nhỏ hay càng mịn càng dễ đi sâu vào hệ hô hấp làm ngăn cản quá trình trao đổi khí và có thể ảnh hưởng đến cấu trúc DNA, do sự mất cân bằng oxy khiến các tế bào khỏe mạnh bị hủy hoại và ảnh hưởng đến sự chuyển hóa các chất hữu cơ của DNA. Các kim loại trong thành phần bụi như Cr, Cd, Ni và chất aldehyde có thể cản trở cơ chế sửa lỗi của DNA, gây ung thư phổi.

Loại bụi mịn PM 1.0 (có kích thước dưới 1μm), thậm chí cả bụi nano (≤ 0,1μm) (1nanomet = 1/1000μm) có thể vượt qua tất cả các hàng rào ngăn bụi của hệ hô hấp, bít các lỗ trao đổi oxy ở phế nang, tác động đến cấu trúc DNA.

Bụi siêu mịn so sánh với đường kính của sợi tóc.

1.2. Tác hại của bụi mịn

- Các bệnh về hô hấp: quá trình hô hấp là đưa oxy vào phổi, tại phổi, oxy tiếp xúc với máu qua màng phế nang-mao mạch, hemoglobin trong hồng cầu kết hợp với oxy, mang oxy đến các tế bào. Bụi mịn xâm nhập vào màng phế nang – mao mạch và bị lưu giữ ở đây gây ra bệnh lý đường hô hấp, cản trở quá trình trao đổi khí, cộng với khí CO hay SO2, NO2 nhiều sẽ ngăn cản hemoglobin kết hợp với oxy khiến các tế bào trong cơ thể thiếu oxy trong đó có cả tế bào của các cơ quan quan trọng như não, tim, gan, thận. Ngoài ra chất độc trong bụi đi vào cơ thể người sẽ gây bệnh tắc nghẽn phổi mãn tính (COPD).

- Gây rối loạn tâm lý: Ô nhiễm môi trường không khí, khói bụi... khiến môi trường ngột ngạt, khó thở, làm sinh hoạt của con người bị ảnh hưởng và dẫn đến tâm lý thay đổi bất thường. Các hạt bụi rắn và bụi kim loại thường mang điện tích dương, các hạt bụi này có nhiều trong không khí và xâm nhập vào cơ thể làm mất cân bằng ion của cơ thể sẽ dẫn tới giảm tính nhạy cảm của các phản xạ thần kinh, rối loạn quá trình chuyển hóa và nội tiết gây suy nhược thần kinh và mệt mỏi.

- Giảm trí nhớ nghiêm trọng: tiếp xúc lâu dài với không khí ô nhiễm có thể đẩy nhanh sự suy giảm nhận thức. Sự ô nhiễm không khí ảnh hưởng đến hoạt động não bộ, tăng nguy cơ đột quỵ và chứng mất trí nhớ và trầm cảm.

- Bụi siêu mịn PM 2.5 và 1.0 còn được mệnh danh là "sát thủ âm thầm" bởi có thể thúc đẩy bệnh xơ gan và làm tăng nguy cơ mắc bệnh chuyển hóa, rối loạn chức năng gan. PM 2.5 gây kháng insulin, viêm và tăng biến chứng bệnh tiểu đường. Bụi mịn còn tấn công vào phế nang, vượt qua vách ngăn khí - máu để đi vào hệ tuần hoàn và gây bệnh, ảnh hưởng đến hệ thống thần kinh.

- Nhồi máu cơ tim: ngoài bệnh về hô hấp, bụi mịn còn tấn công vào phế nang, vượt qua vách ngăn khí - máu để đi vào hệ tuần hoàn và gây bệnh, bụi mịn cũng có thể ảnh hưởng đến hệ thống thần kinh. Bụi mịn cũng có thể khiến chỗ tắc mạch máu bình thường không nghiêm trọng bị loét, bị vỡ, tạo ra nghẽn mạch, gây nhồi máu cơ tim.

Bảng chỉ số chất lượng không khí của EPA:

EPA (The U.S. Environmental Protection Agency – Cơ Quan Bảo Vệ Môi Trường Hoa Kỳ) tính toán chỉ số AQI (Air Quality Index - Chỉ số chất lượng không khí) với năm thông số ô nhiễm không khí chủ yếu là: Ozon mặt đất; Ô nhiễm phân tử (còn gọi là hạt lơ lửng); Carbon monoxide (CO); Sulfur dioxide (SO2) và Nitrogen dioxide (NO2). Đối với mỗi chất gây ô nhiễm, EPA đã thiết lập các tiêu chuẩn chất lượng không khí quốc gia để bảo vệ sức khỏe cộng đồng. 
EPA đã quy định một màu sắc cụ thể đối với từng khoảng giá trị AQI để mọi người hiểu dễ dàng hiểu được cho dù ô nhiễm không khí đang đạt tới mức độ không lành mạnh trong cộng đồng của họ.

Ghi chú: Chỉ số chất lượng không khí (AQI) là thước đo đơn giản hóa mức độ ô nhiễm không khí hiện tại hoặc dự báo mức độ ô nhiễm không khí trong tương lai. Rủi ro sức khỏe cộng đồng tăng lên khi AQI tăng. Các quốc gia khác nhau có thang đo AQI riêng, tương ứng với tiêu chuẩn không thống nhất về chất lượng không khí của từng quốc gia, ví dụ như: Chỉ số Sức khỏe Chất lượng Không khí (Canada), Chỉ số Ô nhiễm Không khí (Malaysia), và Chỉ số Tiêu chuẩn Ô nhiễm (Singapore). Để đo AQI cần xác định nồng độ chất ô nhiễm không khí trong một khoảng thời gian trung bình, thu được từ máy theo dõi không khí. Nồng độ và thời gian là thước đo liều lượng chất gây ô nhiễm không khí. Ảnh hưởng sức khỏe trong 1 liều nhất định được thiết lập bởi các nghiên cứu dịch tễ học. Giá trị chỉ số chất lượng không khí thường được tính trên nhiều phạm vi. Mỗi phạm vi ứng với 1 mô tả, 1 mã màu, từ đó chuẩn hóa mức độ cảnh báo sức khỏe cộng đồng.

Dưới đây là bảng chất lượng không khí Hà Nội được cập nhật lúc 7h ngày thứ hai 3/2/2020:

2. Các loại khẩu trang và khả năng ngăn ngừa bụi mịn

2.1. Khẩu trang y tế

- Khẩu trang có 3 lớp, lớp giữa có khả năng ngăn chất lỏng có tác dụng thấm hút dịch tiết của người sử dụng.

- Chỉ ngăn cản được các hạt bụi lớn, không ngăn được các hạt bụi mịn trong khi virus cúm Vũ Hán (2019 - nCoV) có kích thước nhỏ hơn 0,1μm (100nanomet), tương đương hạt bụi siêu mịn.

- Dễ đeo, dễ thở.

- Giá cả phải chăng.

2. Khẩu trang N95 (khẩu trang 3M)

   

- Màng lọc dày có thể ngăn chặn 95% các hạt bụi mịn có kích thước tối thiểu là 0,3μm, do đó có khả năng ngăn được 2019 - nCoV.

- Khó sử dụng, gây cảm giác khó thở (nếu đeo cảm thấy dễ thở tức là bạn đã đeo sai cách).

- Giá thành cao.

3. Khẩu trang giấy

- Không có màng lọc AKA nên hoàn toàn không có tác dụng trong việc phòng chống virus corona.

- Chỉ lọc được các loại bụi thô.

- Giá rất rẻ, cần tránh nhầm lẫn với khẩu trang y tế.

4. Khẩu trang Pitta

- Có hiệu quả trong việc lọc phấn hoa và bụi thô, không có tác dụng lọc bụi mịn.

- Khả năng chống virus thấp.

5. Mặt nạ khí gas

- Có khả năng chống lại mọi tác nhân gây hại cho sức khỏe, bao gồm cả khí độc do có chất hấp phụ.

- Tính thẩm mỹ không cao (đeo vào trông giống một kẻ khủng bố).

- Giá rất cao, khó sử dụng, gây khó khăn khi thở.

Để phòng dịch cúm Vũ Hán (2019 - nCoV) nên dùng loại khẩu trang nào?

Kích thước của virus cúm Vũ Hán (2019 - nCoV), 100nm = 0,1μm.

Tốt nhất là sử dụng khẩu trang N95, nó ngăn được 95% các hạt bụi siêu mịn (đường kính nhỏ nhất 0,3μm) do đó cũng ngăn cản được virus Corona mới (2019 - nCoV), nhưng vì giá thành đắt, khi mang lại gây cảm giác khó thở, nên chỉ cần dùng khi phải tiếp xúc với người nghi ngờ nhiễm nCoV như người mới từ vùng dich về trong vòng 15 ngày, người có triệu chứng nghi ngờ cúm, trong bệnh viện khu vực điều trị cho bệnh nhân nhiễm 2019 - nCoV. Để dự phòng dịch trong cộng đồng thì Bộ Y tế Singapor khuyến cáo chỉ cần sử dụng khẩu trang y tế là được vì giá thành phù hợp và không gây khó thở khi mang khẩu trang, nó ngăn được các giọt dịch tiết bắn ra từ người bệnh và ngăn cản các hạt lớn lơ lửng trong không khí.


CHIA SẺ BÀI VIẾT

Bài cùng chủ đề

Bệnh thận - Tiết niệu

    Bệnh tim mạch

      Bệnh cơ-xương-khớp

        Bệnh nội tiết-chuyển hóa

          Bệnh tiêu hóa

            Bệnh phổi - phế quản

              Bệnh Thần kinh - Tâm thần

                Bệnh truyền nhiễm

                  Bệnh nhi khoa

                    Cận lâm sàng

                      Bệnh khác

                        Thuốc

                          Vật lý trị liệu

                            Phục hồi chức năng

                              Tư vấn và Chia sẻ thông tin

                                Sách đã xuất bản của Hà Hoàng Kiệm

                                  Bài báo khoa học

                                    SÁCH CỦA TÔI