Đau đầu chuỗi (Cluster headache) (ca bệnh khó)

Cập nhật: 19/08/2020 Lượt xem: 2418

Ca bệnh:

ĐAU ĐẦU CHUỖI (CLUSTER HEADACHE)

PGS.TS. Hà Hoàng Kiệm.

Bệnh án:

Bệnh nhân Nguyễn Thị Th. sinh năm 1994, địa chỉ Quốc Oai, Hà Nội, đễn khám chúng tôi tại Phòng khám Giáo Sư, bệnh viện Đa khoa 16A, Hà Đông, Hà Nội ngày 12.08.2020.

Bệnh nhân phàn nàn bị đau đầu hơn 1 tháng nay (1 tháng 1 tuần), lúc đầu đau nhẹ, càng ngày đau càng tăng. Đau xung quang 2 hốc mắt, xiên lên thái dương và đỉnh đầu, cảm giác đau như có vật xiên vào đầu rất khó chịu khiến bệnh nhân không thể ngồi yên. Đau xảy ra hàng ngày tăng lên về chiều, đau cả về đêm khiến bệnh nhân mất ngủ. Khi đau nặng bệnh nhân có cảm giác 2 mi mắt nặng trĩu. Huyết áp cao nhất đo được 140/90 mmHg.

Bệnh nhân đã nằm điều trị tại bệnh viên lão khoa 1 tuần được chẩn đoán: Tăng huyết áp, thiểu năng tuần hoàn não. Uống thuốc hạ huyết áp nhóm chẹn Calci, thuốc tăng tuần hoàn não, thuốc giảm đau Paracetamol nhưng không đỡ. Bệnh nhân ra viện, một tuần sau tới khám tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.

Chẩn đoán tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội là tăng huyết áp. Bệnh nhân được điều trị bằng Betaloc Zok viên 25mg, liều 1/2 viên 1 ngày, nhưng không đỡ.

Bệnh nhân đã được xét nghiệm huyết học, sinh hóa máu, siêu âm bụng, X-quang phổi, điện tim, điện não, lưu huyết não và chụp MRI sọ não ở Bệnh viện Lão khoa và bệnh viện Đại học Y Hà Nội đều cho kết quả trong giới hạn bình thường.

Khám hiện tại:

Thể trạng trung bình, da niêm mạc bình thường, ý thức tỉnh táo, huyết áp 140/90 mmHg, nhịp tim 82 nhịp / phút đều, tiếng tim bình thường. Hiện đang đau đầu nhưng mức độ không dữ dội, đồng tử bên trái co nhỏ hơn bên phải, kết mạc mắt trái xung huyết nhẹ. Ánh sáng và tiếng động không làm bệnh nhân khó chịu nhiều. Bệnh nhân không nôn và không buồn nôn, không chóng mặt, hoa mắt, không vã mồ hôi trong cơn đau.

Chẩn đoán của chúng tôi: Đau đầu chuỗi (Cluster headache)

Điều trị theo phác đồ đau đầu chuỗi. Ngay trong ngày đầu điều trị bệnh nhân giảm đau nhiều và đêm ngủ được, sang ngày thứ 2 còn cảm giác nặng đầu. Sau một tuần điều trị không còn đau đầu, lao động, sinh hoạt và ngủ gần như bình thường. Chúng tôi cho bệnh nhân điều trị tiếp một tuần nữa.

Lời bàn:

- Chẩn đoán đau đầu chuỗi là vì:

+ Không tìm thấy nguyên nhân dẫn đến đau đầu, bệnh nhân có huyết áp 140/90 mmHg, nhưng với huyết áp này không gây ra cơn đau đầu như của bệnh nhân. Đau đầu do tăng huyết áp thường chỉ váng vất nóng bừng không đau dữ dội nếu không có đột quỵ não.

+ Tính chất của cơn đau phù hợp với đau đầu chuỗi, mặc dù bệnh nhân mới đau lần đầu, chưa nhận định được tính chu kỳ của cơn đau.

+ Điều trị theo đau đầu chuỗi kết quả tốt.

- Chẩn đoán đau đầu là rất khó, bác sỹ gặp những trường hợp này cũng thường phải đau đầu suy nghĩ cộng với phải có kiến thức rộng và sâu về chứng đau đầu thì mới có thể đưa ra được chẩn đoán đúng.

- Trước hết cần loại bỏ tất cả các nguyên nhân gây đau đầu thực thể, nghĩa là đau đầu có tổn thương thực thể và các đau đầu thứ phát là triệu chứng của một bệnh nào đó.

- Sau khi loại trừ hết các nguyên nhân gây đau đầu thực thể và đau đầu thứ phát thì thường gặp đau đầu do căn nguyên mạch với các týp:

+ Đau đầu týp căng thẳng (Tenssion type) là týp hay gặp nhất nhưng dễ điều trị nhất.

+ Chứng đau nửa đầu (Đau đầu Migrain) hay gặp thứ 2, thường ở phụ nữ có thể có aura hoặc không có aura. Điều trị týp đau đầu này còn khó khăn, nhưng cũng thường cho kết quả khả quan.

+ Đau thần kinh chẩm là týp hay gặp đứng thứ 3, điều trị cho kết quả tốt.

+ Đau đầu chuỗi (còn gọi là đau đầu cụm) là týp đau đầu khó chịu nhất và khó điều trị nhất, nhưng may mắn lại ít gặp nhất. Các bạn có thể tham khảo thêm bài: Đau đầu chuỗi và chẩn đoán phân biệt 3 chứng đau đầu hay gặp ở trang sau:

http://hahoangkiem.com/benh-than-kinh-tam-than/dau-dau-chuoi-cum-cluster-headache-1458.html

http://hahoangkiem.com/benh-than-kinh-tam-than/chan-doan-phan-biet-3-chung-dau-dau-hay-gap-tension-headache-migrain-headache-cluster-headache-3709.html

- Trước một bệnh nhân đau đầu thì bác sỹ cần dành 90% thời gian để hỏi bệnh, chỉ 10% thời gian để khám. Cần khai thác hoàn cảnh xuất hiện cơn đau, tần suất xuất hiện cơn đau, tính chất của cơn đau, các yếu tố liên quan đến cơn đau như các yếu tố làm tăng hoặc giảm cường độ đau. Thời gian kéo dài của cơn đau. Các triệu chứng xuất hiện cùng cơn đau như rối loạn thần kinh thực vật, tính chất nhạy cảm với ánh sáng và tiếng động, chóng mặt hoặc nôn...

- Thuốc Dihydro ergotamin có nhiều biệt dược khác nhau, tác dụng tốt với đau đầu do căn nguyên mạch do tác động đến cơ chế đau nhưng có nhiều tác dụng phụ, có độc tính cao có thể gây tử vong. Vì vậy cần cân nhắc các chỉ định, chống chỉ định và tương tác với các thuốc khác. Bệnh nhân cần được theo dõi cẩn thận.


CHIA SẺ BÀI VIẾT

Bài cùng chủ đề

Bệnh thận - Tiết niệu

    Bệnh tim mạch

      Bệnh cơ-xương-khớp

        Bệnh nội tiết-chuyển hóa

          Bệnh tiêu hóa

            Bệnh phổi - phế quản

              Bệnh Thần kinh - Tâm thần

                Bệnh truyền nhiễm

                  Bệnh nhi khoa

                    Cận lâm sàng

                      Bệnh khác

                        Thuốc

                          Vật lý trị liệu

                            Phục hồi chức năng

                              Tư vấn và Chia sẻ thông tin

                                Sách đã xuất bản của Hà Hoàng Kiệm

                                  Bài báo khoa học

                                    SÁCH CỦA TÔI