5. Hướng dẫn phục hồi chức năng cho người sau tai biến mạch máu não. NXB TDTT (Tác giả)

Cập nhật: 17/04/2014 Lượt xem: 5612

Những người sau đột quỵ não thường có di chứng nặng nề, đó là liệt nửa người, rối loạn ngôn ngữ... Tuy nhiên nếu được phục hồi chức năng sớm và đúng phương pháp thì hầu hết họ đều có thể tự đi lại được, tự phục vụ được mình. Cuốn sách cung cấp cho bạn các kiến thức PHCN cho họ để họ có được cuộc sống độc lập tối đa, có chất lượng cuộc sống tốt hơn, thậm trí có thể trở lại làm việc.

  

Ảnh phải là tủ sách của thư viện xã Lũng Cú, thư viện nằm dưới chân ngọn cờ Lũng Cú, trong dịp lên thăm ngọn cờ Lũng Cú nơi cực Bắc của tổ Quốc (5.3.2014) vô tình tôi thấy cuốn sách của mình trên giá sách của thư viện xã nên chụp 1 tấm ảnh làm kỷ niệm. 

LỜI NÓI ĐẦU

(Tâm sự cùng bạn đọc)

                  Tai Biến mạch máu não (Cerebrovascular Accident), hay còn được gọi là đột quỵ não (Cerebral stroke), là một hội chứng bệnh lý gây tàn tật đứng hàng đầu trong các bệnh thần kinh. Người sau tai biến mạch máu não phải chịu nhiều di chứng do các khiếm khuyết thần kinh, làm họ phải sống lệ thuộc một phần hoặc hoàn toàn vào những người thân trong gia đình. Điều đó không những để lại một tâm lý nặng nề cho bản thân người bệnh, mà còn là một áp lực lớn về tinh thần, tình cảm, kinh tế, nhân lực, đối với gia đình người bị tai biến mạch máu não.

                   Đã nhiều lần, chúng tôi được nghe những người thân của người bệnh nói rằng “Ước gì anh ấy có thể tự ăn uống được, tự đi lại được dù chỉ từ chỗ này sang chỗ khác ở trong nhà thôi. Được như thế cũng là hồng phúc lớn cho nhà chúng tôi lắm rồi”. Chúng tôi, những người thầy thuốc đã nhiều năm làm công tác điều trị và giảng dạy đại học và sau đại học về phục hồi chức năng, rất hiểu những mong ước ấy, và những mong ước ấy cũng chính là những mong muốn của chúng tôi. Nhưng chúng tôi phải xin nói rằng: không, chẳng có bà tiên hay ông bụt nào có thể giúp bạn thực hiện được điều ước ấy. Nhưng chính bản thân người bệnh, những người thân trong gia đình bạn và chính bản thân bạn, có thể làm cho điều ước ấy trở thành hiện thực. Bạn hãy đọc kỹ cuốn sách nhỏ này và kiên trì ứng dụng nó, điều kỳ diệu sẽ đến với người thân bị bệnh của bạn và gia đình bạn. Nhưng chúng tôi cũng phải nói thêm rằng, thành công sẽ không đến với những người nóng vội, những người thiếu tính kiên nhẫn, thiếu tính cần cù và thiếu quyết tâm. Bởi vì muốn đạt được thành công phải quyết tâm, kiên nhẫn hàng ngày, kéo dài hàng năm, thế đấy.

                     Chúng tôi, những người thầy thuốc với kinh nghiệm nhiều năm làm công tác phục hồi chức năng, với nhiều công trình nghiên cứu của bản thân và các đồng nghiệp, nhiều cuộc trao đổi hội thảo với các chuyên gia phục hồi chức năng nước ngoài, chúng tôi có thể nói với bạn rằng: hầu hết những người sau tai biến mạch máu não có thể tự đi lại được, tự phục vụ được bản thân mình, nếu được phục hồi chức năng tốt. Vậy thì bạn hãy yên tâm, kiên nhẫn, khuyến khích người thân bị bệnh của bạn cùng bạn luyện tập phục hồi chức năng theo hướng dẫn của cuốn sách này. Nếu được như thế, chúng tôi dám chắc rằng, điều ước của bạn và gia đình bạn sẽ trở thành hiện thực.

                    Bạn hãy luyện tập cho người thân của bạn ở chính gia đình bạn, chỉ đưa họ đến bệnh viện khi sức khỏe của họ có những bất thường đe dọa tính mạng thôi. Bởi vì, các di chứng khiếm khuyết thần kinh sau tai biến mạch máu não, chỉ có thể phục hồi được chức năng của chúng bằng kỹ thuật phục hồi chức năng, chứ không phải bằng thuốc. Các khoa phục hồi chức năng ở các bệnh viện hoặc các trung tâm phục hồi chức năng, chỉ có thể giúp người bệnh và bạn một thời gian ngắn, mà phục hồi chức năng đòi hỏi phải kéo dài hàng năm. Các cơ sở này chủ yếu là hướng dẫn bệnh nhân và bạn cách thức phục hồi chức năng giống như chúng tôi đã viết trong cuốn sách này, để bệnh nhân và bạn tiếp tục làm phục hồi chức năng tại nhà cho đúng phương pháp. Phục hồi chức năng cần tiến hành liên tục hàng năm sau tai biến mạch máu não. Để đạt được sự tăng tiến hồi phục chức năng, không thể một vài tháng mà có kết quả tốt được.

                    Một điều nữa chúng tôi cũng muốn nói với bạn rằng, bản thân bạn, những người thân trong gia đình bạn và người bệnh bị tai biến mạch máu não, sẽ trải qua 4 giai đoạn tâm lý sau:

Giai đoạn 1: sốc tâm lý. Cả người bệnh lẫn người thân trong gia đình bạn đều choáng váng vì bệnh tật đổ xuống quá đột ngột. Đúng vậy, vì tai biến mạch máu não có đặc trưng là khởi phát đột ngột, các triệu chứng đạt tới mức độ nặng tối đa ngay sau một vài giây, một vài phút đầu, cũng vì thế người ta còn gọi tai biến mạch máu não là đột quỵ não.

Giai đoạn 2: hy vọng. Bản thân người bệnh và người thân trong gia đình bạn hy vọng bệnh nhân sẽ được cứu sống, và sức khỏe sẽ được hồi phục trở lại như trước khi bị tai biến mạch máu não, và làm mọi việc có thể làm với hy vọng đó.

Giai đoạn 3: thất vọng. Vì hy vọng của bạn và gia đình bạn khó đạt được một cách hoàn hảo, mặc dù y học ngày nay đã có rất nhiều tiến bộ trong cấp cứu và điều trị tai biến mạch máu não. Nhưng 90 % bệnh nhân sống sót sau tai biến mạch máu não vẫn để lại những di chứng ở các mức độ khác nhau, khiến họ không thể sống hoàn toàn độc lập được mà phải lệ thuộc vào sự chăm sóc của những người thân trong  gia đình.

Giai đoạn 4: chấp nhận. Bản thân người bệnh và gia đình bạn sẽ phải chấp nhận thực tế di chứng của người bệnh và thích nghi với các di chứng đó.  

                    Nhưng chúng tôi cũng nói với bạn rằng đừng thất vọng, vẫn còn rất nhiều hy vọng. Phục hồi chức năng sẽ giúp cho hy vọng đó hoặc là đạt đến đích, hoặc là gần đến đích. Vậy hãy kiên nhẫn phục hồi chức năng cho người thân của bạn. Bằng tất cả tình cảm, lòng yêu thương, hãy khuyến khích người bệnh tự tập luyện dưới sự hướng dẫn và hỗ trợ của bạn, theo những gì cuốn sách này chỉ dẫn. Nên nhớ, không bao giờ được làm thay người bệnh khi họ có thể cố gắng làm được. Hãy khuyến khích họ tự làm, cố gắng làm các động tác mà bạn hướng dẫn họ. Bạn chỉ hỗ trợ họ tối thiểu khi cần thiết và càng giảm dần sự hỗ trợ càng tốt. Một thói quen của những người Châu Á là cố gắng làm thay người bệnh, điều đó thể hiện một tình cảm tốt, nhưng tai hại hơn lại là làm cho người bệnh hình thành thái độ lệ thuộc, và những người thân trong gia đình nghĩ rằng người bệnh không thể làm được gì và cần phải làm thay. Lâu dần, suy nghĩ đó trở thành cố hữu và người bệnh không còn cố gắng nữa, người bệnh sẽ mãi mãi trở thành người tàn tật phải sống lệ thuộc và nhiều biến chứng sẽ đến với họ, lẽ ra nếu cố gắng họ có thể sống độc lập được với chất lượng cuộc sống tốt hơn.

                   Bạn cũng cần biết rằng, bản thân người bị bệnh tai biến mạch máu não chẳng muốn làm gì cả. Bởi vì, thời gian đầu mỗi động tác, mỗi cố gắng vận động đều làm họ đau đớn do một thời gian dài bất động. Họ chỉ muốn được phục vụ mọi việc. Họ không hề biết rằng thái độ lệ thuộc đó sẽ làm cho họ suốt đời phải sống lệ thuộc, và tất nhiên nhiều biến chứng do bất động sẽ xảy ra với họ và đe dọa tính mạng họ. Trong khi, lẽ ra nếu cố gắng, họ có thể tự phục vụ được mình mà không phải lệ thuộc để tiếp tục sống một cuộc sống có chất lượng tốt hơn. Bạn cần nói cho người bệnh của bạn là họ có thể phục hồi được, nếu họ có quyết tâm và đủ kiên nhẫn tập luyện cùng với bạn. Cũng đừng chán nản khi mức độ tiến bộ chậm. Đừng nôn nóng, hãy tập từng bước, khi tương đối thuần thục bước này mới tập tiếp sang bước khác, có như thế mới tạo được phản xạ bền vững. Giống như trẻ em, trước tiên phải tập lẫy, rồi mới tập bò, bò được rồi mới tập ngồi, tập đứng rồi tập đi. Không thể chưa biết lẫy đã bắt tập đi thì chắc chắn sẽ thất bại và sinh chán nản. Nếu kiên trì, từng bước, chậm nhưng chắc chắn sẽ đạt được kết quả. Bởi vì một người bị liệt nửa người do tai biến mạch máu não, bản thân tổn thương não làm cho ý thức của họ trì trệ, thay đổi tính cách hay cáu bẳn, cục cằn, lại còn nửa người bị liệt. Để có thể tự trở mình (tập lẫy), tự ngồi dậy (tập ngồi), tự di chuyển sang ghế, tự đứng (tập đứng), tự đi được (tập đi), tự phục vụ được các nhu cầu thiết yếu của mình, đâu có dễ dàng. Bạn đồng ý với chúng tôi điều này chứ. Thế nhưng điều kỳ diệu này sẽ đến với người bệnh và gia đình bạn, nếu đủ kiên nhẫn.

                     Cuốn sách này được chúng tôi biên soạn cho cả các bác sĩ không thuộc chuyên ngành phục hồi chức năng, các bác sĩ tuyến cơ sở, các nhân viên y tế cơ sở, và cho cả bạn, người không phải chuyên ngành y, cho bản thân bệnh nhân và người nhà bệnh nhân, tham khảo và làm tài liệu hướng dẫn phục hồi chức năng tại cộng đồng cho người sau tai biến mạch máu não. Vì vậy, có những kiến thức chuyên sâu cũng được trình bày, nhưng nó cũng hữu ích cho bạn và cho những người trong gia đình bạn hiểu biết về tai biến mạch máu não, các yếu tố nguy cơ gây tai biến mạch máu não, cách dự phòng tai biến mạch máu não, cách phát hiện một người bị tai biến mạch máu não, cách sơ cứu bước đầu cho người bị tai biến mạch máu não, và cách phục hồi chức năng cho người sau tai biến mạch máu não.

                       Cuốn sách này có hữu ích hay không, phụ thuộc vào sự cộng tác của bạn, của những người bệnh sau tai biến mạch máu não. Các phương pháp tập luyện phục hồi chức năng được chúng tôi biên soạn trong cuốn sách này dựa trên nguyên lý của Bobath, có tham khảo các phương pháp phục hồi chức năng của các tác giả khác, cùng với kinh nghiệm của bản thân trong quá trình điều trị phục hồi chức năng cho người bệnh và nhiều năm giảng dạy đại học và sau đại học về chuyên ngành phục hồi chức năng. Chúng tôi cố gắng biên soạn để thích ứng với phục hồi chức năng tại nhà (tại cộng đồng) và phù hợp với điều kiện cả thành thị và nông thôn việt Nam. Phương pháp tập luyện phục hồi chức năng này đã được chúng tôi áp dụng cho các bệnh nhân tại khoa phục hồi chức năng bệnh viện 103 nhiều năm qua, và cũng đã được một số đồng nghiệp của chúng tôi ứng dụng và nghiên cứu tại cộng đồng ở một số tỉnh đạt kết quả tốt. Cũng có cả những luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ đã được bảo vệ thành công. Tuy nhiên cũng không vì thế mà cuốn sách tránh khỏi các thiếu sót. Chúng tôi thành thực mong muốn bản thân người bệnh, người mà trực tiếp thực hành cách thức phục hồi chức năng trong cuốn sách này, những người thân trong gia đình bệnh nhân, bạn đọc và các bạn đồng nghiệp, đóng góp những ý kiến quý báu để chúng tôi có thể sửa chữa, làm cho cuốn sách ngày càng hoàn thiện và hữu ích hơn. Mọi ý kiến đóng góp xin gửi về địa chỉ hahoangkiem103@gmail.com

                                                                     Tác giả

                                                       PGS.TS. Hà Hoàng Kiệm

Sách có bán rộng rãi trên thị trường và online. Bạn nào muốn mua online, vào google và đánh tên sách đặt trong ngoặc kép nhé.


CHIA SẺ BÀI VIẾT

Bài cùng chủ đề

Bệnh thận - Tiết niệu

    Bệnh tim mạch

      Bệnh cơ-xương-khớp

        Bệnh nội tiết-chuyển hóa

          Bệnh tiêu hóa

            Bệnh phổi - phế quản

              Bệnh Thần kinh - Tâm thần

                Bệnh truyền nhiễm

                  Bệnh nhi khoa

                    Cận lâm sàng

                      Bệnh khác

                        Thuốc

                          Vật lý trị liệu

                            Phục hồi chức năng

                              Tư vấn và Chia sẻ thông tin

                                Sách đã xuất bản của Hà Hoàng Kiệm

                                  Bài báo khoa học

                                    SÁCH CỦA TÔI