Nhịp nhanh xoang trên điện tâm đồ

Cập nhật: 25/07/2019 Lượt xem: 8686

Nhịp nhanh xoang trên điện tâm đồ

1 Tiêu chuẩn chẩn đoán nhịp xoang trên ĐTĐ

- Mỗi sóng P đi trước có 1 phức bộ QRS tiếp theo.

- Sóng P: Đều, hình dạng không thay đổi. Bắt buộc dương ở các chuyển đạo D1, avL, V3, V4, V5, V6. Dương ở các chuyển đạo D2, D3, aVF. Âm ở chuyển đạo aVR.

2 Nhịp nhanh xoang

2.1. Định nghĩa

Hình ảnh điện tim nhịp nhanh xoang

- Nhịp xoang có tần số: ≥ 100 ck/phút (khoảng RR ≤ 3 ô lớn).

- Nhịp đều.

- Mỗi phức bộ QRS có 1 sóng P đi trước.

 - Sóng P: Đều, hình dạng không thay đổi. Bắt buộc dương ở các chuyển đạo DI, avL, V3,V4,V5,V6. Dương ở các chuyển đạo DII, DIII, aVF. Âm ở chuyển đạo AVR.

- Khoảng PR: 0.12 – 0.2s, thường ngắn lại do đáp ứng nhịp tim nhanh.

- QRS thường đều, thanh mảnh < 0.12s (trừ trường hợp có block nhánh)

2.2. Đặc điểm

- Khởi phát và kết thúc một cách từ từ (phân biệt với các NNKPTT)

- Tần số nhịp xoang tối đa: 207 – 0.7 × tuổi (năm), hoặc 220 – tuổi (năm).

- Có thể tới 140 nh/ph và thường không quá 180nh/ph ở người trưởng thành. Ở trẻ sơ sinh, nhịp nhanh xoang có khi vượt quá 200 lần/phút. Nhịp nhanh xoang thường không ổn định, tăng lên khi gắng sức hay khi thay đổi tư thế.

Nhịp nhanh xoang cũng đáp ứng với nghiệm pháp ấn nhãn cầu hay day xoang cảnh, nghĩa là nhịp tim chậm lại dần dần qua trung gian giao cảm. Giai đoạn chậm dần của nhịp nhanh xoang khác với khoảng ngừng tim đột ngột, thoáng qua thường thấy ở những bệnh nhân cuồng nhĩ hoặc nhịp nhanh kịch phát trên thất khi tác động vào dẫn truyền nhĩ thất bằng các yếu tố chẹn giao cảm. Do đó sử dụng nghiệm pháp valsava, day xoang cảnh giúp chẩn đoán phân biệt các loại rối loạn nhịp này.

Nghiệm pháp Valsava giúp chẩn đoán phân biệt nhịp nhanh xoang với các loại nhịp nhanh khác. (A) điệm tim cơn nhịp nhanh. (B) điện tim sau khi làm nghiệm pháp Valsava thành công, nhịp tim đột ngột trở về loại rối loạn nhịp trước đó. Nếu là nhịp nhanh xoang thì trong lúc làm nghiệm pháp, nhịp tim chậm dần nhưng khi ngừng nghiệm pháp lại trở về nhịp nhanh xoang, không bao giờ nhảy về nhịp xoang.

2.3. Nguyên nhân: Tăng nhu cầu tiêu thụ oxy của cơ thể

- Nguyên nhân thông thường: tăng vận động; lo âu; sử dụng các chất kích thích (rượu, caffe …); Sử dụng các thuốc điều trị (VD: cường beta, thuốc hạ áp chẹn kênh calci).

- Nguyên nhân bệnh lý: đau; sốt; giảm thể tích tuần hoàn; sốc; thiếu máu; suy tim; cường giáp; ngộ độc thuốc; bệnh Kawasaki; tắc mạch phổi; HC vành cấp hoặc NMCT; bỏ thuốc điều trị.

2.4. Các dạng nhịp nhanh xoang

- Nhanh xoang.

Nhịp nhanh xoang tần số 120 nh/ph.

- Nhanh xoang kèm block nhánh trái hoàn toàn

Nhịp nhanh xoang kèm block nhánh trái hoàn toàn.

- Nhanh xoang kèm block nhánh phải hoàn toàn

Nhịp nhanh xoang kèm block nhánh phải hoàn toàn

 2.5. Chẩn đoán phân biệt với

- Nhịp nhanh nhĩ block 2:1

Nhịp nhanh nhĩ block 2:1

- Nhịp nhanh nhĩ:

Nhịp nhanh nhĩ: P âm ở các đạo trình bắt buộc dương.

- Cuồng nhĩ 2:1

Cuồng nhĩ 2:1

- Nhịp bộ nối gia tốc:

Nhịp bộ nối gia tốc

- Nhịp nhanh trên thất:

Nhịp nhanh trên thất

2.6. Xác định nhịp nhanh xoang

- Hỏi bệnh: Thường bệnh nhân đến với các triệu chứng như hồi hộp, đánh trống ngực, mệt mỏi.

- Xác định tính chất khởi phát của cơn tim nhanh / cơn hồi hộp đánh trống ngực.

- Tìm hiểu các dấu hiệu lâm sàng khác gợi ý đến nguyên nhân gây ra nhịp nhanh xoang: khô, mất nước; đau, sốt; triệu chứng của các bênh lý thực thể đi kèm.

- Xác định nhịp nhanh xoang: Khám thực thể; ghi ĐTĐ 12 chuyển đạo; xác định xem bệnh nhân có thực sự là có nhịp nhanh hay không (TS ≥ 100 ck/phút); xác định cơn tim nhanh ghi nhận được có phải là nhịp nhanh xoang hay không; một số trường hợp cần phải phối hợp thêm nghiệm pháp Valsava, day xoang cảnh, ấn nhãn cầu giúp chẩn đoán phân biệt.

- Tìm bệnh lý thực thể: Cường giáp (bệnh nhân thường có hồi hộp, mất ngủ, sút cân, tay run, nhiều mồ hôi tay, xét nghiệm T3, FT4, TSH để sàng lọc); H/C cường Aldosterone (HA thường cao, tuy nhiên xuất hiện những đỉnh THA, kèm theo nhịp nhanh xoang, cần hỏi bệnh để xác định các cơn/đỉnh THA trong tiền sử bệnh nhân, XN có Kali máu hạ (HC Conn), cần XN nồng độ Aldosterone, Chụp CT/MRI ổ bụng.

Sơ đồ chẩn đoán nhịp xoang nhanh

3. Điều trị

- Chẹn beta giao cảm. Bệnh nhân suy tim, chỉ sử dụng các thuốc: Metoprolol, Bisoprolol, Carvedilol, Nebivolol, không sử dụng thuốc thế hệ đầu (propranolon).

- Chẹn kênh calci nondihydropyridine: Ivabradine. Không sử dụng Chẹn kênh calci trên bệnh nhân có bệnh tim cấu trúc, bệnh tim thực tổn (ít được sử dụng vì không mạnh).

- Triệt đốt RF hoặc phẫu thuật với bệnh nhân có nhịp nhanh / cơn nhịp nhanh do vòng vào lại nút xoang.

- Hội chứng nhịp nhanh – nhịp chậm biểu hiện suy chức năng nút xoang (thời điểm nhịp nhanh là nhịp nhanh nhĩ, rung nhĩ…): Bệnh nhân có thời điểm nhịp rất nhanh, thời điểm nhịp rất chậm. Triệu chứng: bao gồm cả triệu chứng của nhịp nhanh và nhịp chậm. Xử trí: Đặt máy tạo nhịp điều trị nhịp chậm, kết hợp sử dụng thuốc / điều trị RF để điều trị nhịp nhanh.

Hội chứng nhịp nhanh nhịp chậm

Hội chứng nhịp nhanh nhịp chậm

 


CHIA SẺ BÀI VIẾT

Bài cùng chủ đề

Bệnh thận - Tiết niệu

    Bệnh tim mạch

      Bệnh cơ-xương-khớp

        Bệnh nội tiết-chuyển hóa

          Bệnh tiêu hóa

            Bệnh phổi - phế quản

              Bệnh Thần kinh - Tâm thần

                Bệnh truyền nhiễm

                  Bệnh nhi khoa

                    Cận lâm sàng

                      Bệnh khác

                        Thuốc

                          Vật lý trị liệu

                            Phục hồi chức năng

                              Tư vấn và Chia sẻ thông tin

                                Sách đã xuất bản của Hà Hoàng Kiệm

                                  Bài báo khoa học

                                    SÁCH CỦA TÔI