Cơ chế hình thành sỏi mật
PGS.TS. Hà Hoàng Kiệm, BV 103
Hình 1: Mô hình sỏi túi mật và đường mật.
1. Đại cương
Sỏi mật là bệnh rất phổ biến, tỉ lệ gặp trong khoảng 20% phụ nữ ở Mỹ, Canada và Châu Âu, nhưng có một sự thay đổi lớn về tỉ lệ giữa các nhóm dân tộc. Ví dụ, sỏi mật xuất hiện 1,5 đến hơn 2 lần ở những người Bắc Âu và người Mỹ gốc Mexico. Trong số những người Mỹ da đỏ, sỏi mật có tỉ lệ cao tới hơn 80%. Những khác biệt này có lẽ là do các yếu tố di truyền. Những cá nhân có những người thân thế hệ đầu tiên (cha mẹ, anh chị em, con cái) có sỏi mật thì khả năng có sỏi mật nhiều hơn 1,5 lần những cá nhân không có thế hệ đầu tiên có sỏi mật. Hơn nữa từ nghiên cứu các cặp song sinh cho thấy các yếu tố di truyền rất quan trọng trong việc xác định những ai sẽ phát sinh sỏi mật. Trong số các cặp sinh đôi khác trứng (những người có chung 50% gen với người còn lại), cả hai có sỏi mật 8% theo thời gian. Trong số các cặp sinh đôi cùng trứng (những người có chung 100% gen với người còn lại) thì cả hai có sỏi mật 23% theo thời gian.
2. Phân loại và cơ chế hình thành sỏi mật
Sỏi mật có nhiều loại và mỗi loại có một nguyên nhân khác nhau.
2.1. Sỏi cholesterol
Sỏi cholesterol chủ yếu được tạo thành từ cholesterol. Chúng là dạng sỏi phổ biến nhất, gồm 80% sỏi mật trong các cá nhân ở Châu Âu và Châu Mỹ. Cholesterol là một trong những chất mà tế bào gan tiết vào trong dịch mật (cholesterol được bài tiết vào trong dịch mật là một cơ chế quan trọng để gan loại bỏ cholesterol dư thừa ra khỏi cơ thể).
Để dịch mật vận chuyển được cholesterol, cholesterol phải được hòa tan trong mật. Tuy nhiên, cholesterol là một chất béo, và dịch mật là một dung dịch nước hay dịch có bản chất là nước. Các chất béo không thể hòa tan trong dung môi nước. Để làm cho cholesterol hòa tan trong dịch mật, gan cũng phải tổng hơp ra hai acid mật từ cholesterol là acid cholic và acid cheno desoxycholic. Hai acid này kết hợp với glycin và taurin ở trong tế bào gan để tạo thành muối mật có tác dụng hòa tan cholesterol vào trong mật. Muối mật hòa tan cholesterol, vì vậy mà cholesterol có thể được vận chuyển trong các ống dẫn mật. Các acid mật này gọi là acid mật nguyên thủy, khi xuống ruột sẽ thành acid mật thứ phát. Acid cholic sẽ thành acid desoxycholic, acid desoxycholic thành acid lithocholic và được đào thải theo phân ra ngoài. Cholesterol không tan trong nước nhưng tan trong môi trường muối mật. Sỏi mật sẽ được hình thành khi vì một lý do nào đó có sự mất cân đối gữa số lượng cholesterol và muối mật. Nếu gan bài tiết quá nhiều cholesterol thì lượng acid mật và lecithin không đủ để hòa tan cholesterol làm cho một lượng cholesterol sẽ không được hòa tan. Tương tự như vậy, nếu lượng cholesterol được gan tiết bình thường, nhưng gan không tiết đủ acid mật và lecithin, một lượng cholesterol cũng không được hòa tan. Trong cả hai trường hợp, lượng cholesterol không được hòa tan sẽ gắn kết với nhau và hình thành các hạt cholesterol, phát triển kích thước và cuối cùng tạo thành sỏi mật.
Có hai quá trình khác thúc đẩy sự hình thành sỏi cholesterol. Đầu tiên là một số cá nhân có sự hình thành và phát triển nhanh chóng một cách bất thường các hạt cholesterol để tạo thành sỏi mật. Do đó, với cùng một nồng độ cholesterol, acid mật và lecithin trong mật, những bệnh nhân có sỏi mật hình thành các hạt cholesterol nhanh hơn so với những cá nhân không có sỏi mật. Quá trình thứ hai thúc đẩy sự hình thành và phát triển của sỏi mật là khả năng co bóp và tống mật ra khỏi túi mật giảm, cho phép mật lưu lại túi mật lâu hơn bình thường và do đó có nhiều thời gian hơn cho các hạt cholesterol hình thành và phát triển.
Hình 2: Sỏi cholesterol trong túi mật.
2.2. Sỏi sắc tố mật (billirubin)
Sỏi sắc tố mật là loại sỏi mật phổ biến thứ hai. Sỏi sắc tố mật chiếm 15% sỏi mật ở các cá nhân từ châu Âu và châu Mỹ và gặp phổ biến hơn sỏi cholesterol ở khu vực Đông Nam Á. Có hai loại sỏi mật sắc tố mật: sỏi mật sắc tố đen và sỏi mật sắc tố nâu.
Sắc tố mật là một sản phẩm cặn được hình thành từ hemoglobin, là chất vận chuyển oxy trong các hồng cầu. Hemoglobin từ các hồng cầu già được phá hủy và chuyển hóa thành bilirubin và được giải phóng vào trong máu. Bilirubin được gan loại khỏi máu qua đường mật. Gan chuyển hóa và bài tiết bilirubin đã chuyển hóa vào trong mật.
2.2.1. Sỏi sắc tố đen
Nếu có quá nhiều bilirubin trong mật, bilirubin kết hợp với các thành phần khác trong mật, ví dụ calci, để tạo thành sỏi sắc tố: Calcium Bilirubinate (gọi như vậy vì nó có màu đen do có nồng độ sắc tố cao). Sắc tố hòa tan kém trong mật, chúng kết hợp với nhau để tạo thành các hạt, phát triển kích thước và cuối cùng tạo thành sỏi mật. các sỏi sắc tố được hình thành theo cách này được gọi là sỏi sắc tố đen vì chúng có màu đen và cứng.
Hình 3: sỏi mật sắc tố đen.
2.2.2. Sỏi sắc tố nâu
Nếu sự co bóp của túi mật giảm hoặc có sự cản trở dòng chảy của mật qua các ống dẫn, vi khuẩn từ tá tràng có thể lên các ống dẫn mật và túi mật. Vi khuẩn làm biến đổi bilirubin trong các ống dẫn mật và túi mật, sau đó bilirubin đã biến đổi kết hợp với calci để tạo thành sắc tố mật. Sắc tố sau đó kết hợp với các chất béo trong mật (cholesterol và acid béo từ lecithin) để hình thành các hạt phát triển thành sỏi mật. Loại sỏi mật này được gọi là sỏi sắc tố nâu vì nó có màu nâu hơi đen, nó mềm hơn sỏi sắc tố đen.
Hình 4: Sỏi mật sắc tố đen.
2.3. Sỏi muối mật:
Muối mật kết tinh để thành sỏi có màu đỏ và thường kết hợp với calci.
2.4. Các loại sỏi mật khác
Các loại sỏi mật khác thì hiếm gặp. Đáng chú í nhất là loại sỏi mật hình thành ở những bệnh nhân sử dụng kháng sinh ceftriaxone (Rocephin). Ceftriaxone thường được đào thải khỏi cơ thể qua mật với nồng độ cao, nó kết hợp với calci trong mật và trở nên không hòa tan. Giống như cholesterol và các sắc tố, ceftriaxone gắn calci không hòa tan tạo thành các hạt phát triển thành sỏi mật. May mắn thay các sỏi này biến mất một khi ngưng sử dụng kháng sinh. Tuy nhiên cho đến khi biến mất chúng vẫn có thể gây ra các vấn đề. Một loại sỏi hiếm gặp khác của sỏi mật được hình thành từ calci cacbonat.
Hình 5: Sỏi túi mật trên siêu âm.
Tài liệu tham khảo
1. Buithihuong sinhvienykhoa115.
2. http://www.medicinenet.com/gallstones/page2.htm