Hội chứng ruột kích thích

Cập nhật: 20/06/2015 Lượt xem: 9824

Hội chứng ruột kích thích

PGS.TS. Hà Hoàng Kiệm, BV 103

  

Hình 1. Hội chứng ruột kích thích (irritable bowel sydrome - IBS)

1. Đại cương

1.1. Định nghĩa

Hội chứng ruột kích thích (irritable bowel sydrome - IBS) là hội chứng rối loạn chức năng của ruột tái đi tái lại nhiều lần mà không tìm thấy các tổn thương về giải phẫu, tổ chức học, sinh hóa ở ruột.

Hội chứng ruột kích thích là một trong những bệnh lý đường ruột thường gặp nhất ở nước ta cũng như trên thế giới. Tỷ lệ mắc từ 5- 20% dân số, tỷ lệ này thay đổi theo từng nghiên cứu, theo từng vùng dân cư. Tỷ lệ nữ mắc gấp hai lần nam giới, hoàn cảnh xã hội có ảnh hưởng tới sự phát sinh của hội chứng ruột kích thích.

1.2. Bệnh sinh

Hội chứng ruột kích thích là hội chứng rối loạn chức năng, không có tổn thương thực thể, không nguy hiểm đến tính mạng nhưng ảnh hưởng nhiều tới chất lượng cuộc sống, bệnh kéo dài làm cho người bệnh luôn lo lắng căng thẳng mất ngủ, lo sợ bị các bệnh hiểm nghèo khác của ruột. Đây là hội chứng gặp với tỉ lệ cao trong dân số (5-20%).

 

Hình 2. Cơ chế rối loạn trục thần kinh não – ruột trong hội chứng ruột kích thích.

Cơ chế bệnh sinh của hội chứng ruột kích thích là rối loạn chức năng thần kinh chi phối ống tiêu hóa chủ yếu là sự tác động qua lại giữa hệ thống thần kinh trung ương với hệ thống thần kinh ruột (trục não-ruột: Brain-Gut Axis). có 3 vấn đề cần lưu ý:

- Tăng bất thường tính nhậy cảm của ống tiêu hóa, ống tiêu hóa dễ bị kích thích.

- Giảm khả năng chịu áp lực của khối thức ăn ở một số đoạn ruột do hiện tượng tăng nhậy cảm áp lực ở các đoạn ruột này.

- Rối loạn vận động của ruột theo hướng tăng hoặc giảm nhu động ruột. Tăng nhu động ruột gây ỉa chảy, giảm nhu động ruột gây táo bón.

Hình 3. Tính dễ bị kích thích và tăng nhậy cảm áp lực của niêm mạc đại tràng.

2. Lâm sàng và cận lâm sàng

2.1. Lâm sàng

Rối loạn chức năng ống tiêu hóa có thể biểu hiện các triệu chứng lâm sàng trên toàn bộ ống tiêu hóa. Các triệu chứng thường tái phát lặp đi lặp lại mỗi khi ăn loại thức ăn nào đó hoặc bị căng thẳng tâm lí…

- Phần trên ống tiêu hóa: Hội chứng trào ngược dạ dày-thực quản, chứng khó tiêu, đầy tức bụng.

- Phần dưới ống tiêu hóa: Triệu chứng chủ yếu ở đại tràng

+ Táo bón chức năng: táo bón xảy ra do giảm nhu động ruột, đại tràng co thắt.

+ Ỉa chảy chức năng: ỉa chảy do tăng nhu động ruột, đại tràng bị kích thích, bệnh nhân thường có đau quặn bụng, đi lỏng mỗi khi ăn các thức ăn nào đó như cá hoặc các thực phẩm khác.

2.2. Cận lâm sàng

- Xét nghiệm huyết học và sinh hóa máu bình thường.

- Xét nghiệm phân, cấy phân tìm vi khuẩn bình thường.

- Chụp X-quang khung đại tràng bình thường hoặc có rối loạn co bóp nhu động biểu hiện co thắt hoặc giảm nhu động. Nội soi đại - trực tràng bình thường không thấy tổn thương.

 

Hình 4. Chụp khung đại tràng và nội soi đại - trực tràng.

- Sinh thiết, xét nghiệm mô bệnh học đại tràng bình thường.

Khám và xét nghiệm cẩn thận là rất cần thiết để giúp phát hiện một số triệu chứng về bệnh lý thực tổn giúp chẩn đoán phân biệt với hội chứng ruột kích thích.

2.3. Chẩn đoán

2.3.1. Chẩn đoán xác định

- Tiêu chuẩn Rome II. Năm 1999

Hội nghị tiêu hóa quốc tế tại Rome đã đưa ra tiêu chuẩn chẩn đoán HCRKT như sau: Đau bụng hoặc cảm giác khó chịu ở bụng kéo dài 12 tuần hoặc trong 12 tháng trước đó, không nhất thiết liên tục, kèm theo:

+ Đau bụng giảm sau khi đi đại tiện.

+ Thay đổi hình dạng khuôn phân có thể táo hoặc lỏng.

+ Thay đổi số lần đi đại tiện.

Ngoài các triệu chứng trên có thể gặp thêm các triệu chứng không đặc hiệu nhưng gợi ý chẩn đoán hội chứng ruột kích thích:

+ Số lần đại tiện không bình thường (>3 lần/ngày hoặc <3lần/tuần).

+ Phân không bình thường (lỏng, cứng, nhão).

+ Đại tiện có lúc phải chạy vội vào nhà xí hoặc phải rặn nhiều hoặc cảm giác đi chưa hết phân.

+ Bụng chướng hơi, cảm giác nặng tức bụng.

+ Phân có nhầy mũi nhưng không bao giờ có máu.

Các triệu chứng không đặc hiệu trên luôn thay đổi theo thời gian, phụ thuộc vào chế độ và thức ăn đồ uống. Nếu ăn uống các thức ăn không thích hợp ngay lập tức xuất hiện các triệu chứng rối loạn, nếu ăn kiêng các triệu chứng có thể hết.

- Không tìm thấy bằng chứng về tổn thương thực thể của ống tiêu hóa qua nội soi đại trực tràng hoặc chụp X-quang có thuốc cản quang.

Hội chứng ruột kích thích gồm nhiều triệu chứng cơ năng, các triệu chứng thay đổi, trong các triệu chứng có thể phân thành 2 thể loại:  Các triệu chứng về tiêu hóa biểu hiện chính là đau bụng, bụng chướng hơi, rối loạn đai tiện, rối loạn phân. Các triệu chứng ngoài ống tiêu hóa phụ thuộc vào thời gian bệnh kéo dài gồm đau đầu, mất ngủ, các triệu chứng về rối loạn tâm lý, lo lắng, sợ bệnh hiểm nghèo...

2.3.2. Chẩn đoán phân biệt

- Hội chứng ruột kích thích có ỉa chảy cần phân biệt với:

+ Nhiễm trùng đường ruột.

+ Suy giảm miễn dịch.

+ Ung thư đại-trực tràng.

+ U lympho ruột.

+ Dị ứng thức ăn.

+ Thiếu men lactase.

+ Viêm loét đại trực tràng chảy máu.

+ Viêm đại tràng vi thể.

+ Hội chứng Crohn

- Hội chứng ruột kích thích có táo bón với đau bụng nổi trội:

+ U đại tràng.

+ Bệnh to giãn đại tràng.

+ U tụy.

+ Ngộ độc chì.

+ Thoát vị.

+ Bệnh sỏi mật và viêm túi mật.

+ Rối loạn chuyển hóa porphyrine.

 3. Điều trị

Bệnh nhân bị hội chứng ruột kích thích dễ tăng nhu động ruột hơn so với người bình thường, các triệu chứng thường tái đi tái lại, kéo dài nhiều năm, bệnh nhân phải đi khám bệnh nhiều nơi, tâm lý luôn ngờ vực, lo lắng sợ bệnh nặng, bệnh ác tính. Bác sĩ điều trị cần thiết lập mối quan hệ tin cậy, chắc chắn, kiên định với người bệnh, cần giải thích cho bệnh nhân hiểu thấu đáo về hội chứng ruột kích thích để làm nhẹ đi sự lo lắng từ các triệu chứng của chính họ, hướng dẫn họ điều trị chi tiết, cẩn thận, tạo lòng tin cho người bệnh.

3.1. Một số lưu ý khi điều trị hội chứng ruột kích thích

- Không có điều trị đặc hiệu.

- Điều trị những triệu chứng nổi trội.

- Chưa có thuốc nào điều trị hết mọi triệu chứng của hội chứng ruột kích thích.

- Điều trị có thể không làm dứt hẳn triệu chứng nhưng sẽ cải thiện tốt hơn chất lượng cuộc sống của người bệnh, các triệu chứng lâm sàng có thể giảm hoặc mất sau điều trị nhưng rất dễ tái phát.

- Không nên dùng thuốc kháng sinh, chỉ dùng kháng sinh khi có nhiễm khuẩn ruột.

3.2. Điều trị cụ thể

- Chế độ ăn: rất quan trọng trong điều trị hội chứng ruột kích thích

+ Khi đang có triệu chứng rối loạn tiêu hóa nên tránh ăn các thức ăn, nước uống không thích hợp làm tăng triệu chứng.

+ Tránh ăn các thức ăn khó tiêu, dễ sinh hơi như khoai, sắn, bánh ngọt nhiều bơ, hoa quả có nhiều đường (cam, quýt, soài, mít...). Đồ uống nhiều đường và có gas, chất kích thích như rượu, caffe, gia vị chua cay.... Những thức ăn để lâu, bảo quản không tốt. Nếu có ỉa chảy cần tránh ăn nhiều thức ăn có nhiều chất xơ (rau muống, rau cải, dưa...).

- Chế độ luyện tập: rất cần thiết và phải kiên trì

+ Luyện tập chế độ đại tiện 1 lần trong ngày, xoa bụng buổi sáng khi ngủ dậy để gây cảm giác muốn đại tiện.

+ Luyện tập thư giãn, khí công, tập thể dục, đi bộ thường xuyên.

+ Tập bài tập Kegel cho cơ vùng khung chậu (xem thêm “Bài tập phục hồi chức năng cơ đáy chậu” trong mục: y học - Phục hồi chức năng ở trang web hahoangkiem.com).

5.3. Thuốc điều trị triệu chứng

- Giảm đau, giảm co thắt: Duspataline, No-spa, Spasmaverin ...

- Chữa táo bón: uống nhiều nước, ăn thức ăn nhiều chất xơ, thuốc nhuận tràng (Forlax, Tegaserod, Duphalac, sorbitol...)

- Chữa ỉa chảy: Smecta, Actapulgite, Imodium....

- Giảm sinh hơi: Meteospasmyl, pepsan, than hoạt...

- Thuốc an thần kinh: Rotunda, Seduxen, Dogmatyl...

Tài liệu tham khảo

1. Phạm Thị Thu Hồ. Hội chứng ruột kích thích. http://bachmai.gov.vn

2. Wikipedia. Hội chứng ruột kích thích. https://vi.wikipedia.org/wiki

3. "iritable bowel syndrome". Từ điển Y học Dorland

4. Mayer EA (April năm 2008). “Clinical practice. Irritable bowel syndrome”. N. Engl. J. Med. 358 (16): 1692–9. doi:10.1056/NEJMcp0801447. PMID 18420501.

5. Bercik P, Verdu EF, Collins SM; Verdu; Collins (2005). “Is irritable bowel syndrome a low-grade inflammatory bowel disease?”. Gastroenterol. Clin. North Am. 34 (2): 235–45, vi–vii. doi:10.1016/j.gtc.2005.02.007. PMID 15862932

6. Quigley EM (2005). “Irritable bowel syndrome and inflammatory bowel disease: interrelated diseases?”. Chinese journal of digestive diseases 6 (3): 122–32. doi:10.1111/j.1443-9573.2005.00202.x. PMID 16045602

7. Simrén M, Axelsson J, Gillberg R, Abrahamsson H, Svedlund J, Björnsson ES; Axelsson; Gillberg; Abrahamsson; Svedlund; Björnsson (2002). “Quality of life in inflammatory bowel disease in remission: the impact of IBS-like symptoms and associated psychological factors”. Am. J. Gastroenterol. 97 (2): 389–96. doi:10.1111/j.1572-0241.2002.05475.x. PMID 11866278

8. Minderhoud IM, Oldenburg B, Wismeijer JA, van Berge Henegouwen GP, Smout AJ; Oldenburg; Wismeijer; Van Berge Henegouwen; Smout (2004). “IBS-like symptoms in patients with inflammatory bowel disease in remission; relationships with quality of life and coping behavior”. Dig. Dis. Sci. 49 (3): 469–74. doi:10.1023/B:DDAS.0000020506.84248.f9. PMID 15139501

9. García Rodríguez LA, Ruigómez A, Wallander MA, Johansson S, Olbe L; Ruigómez; Wallander; Johansson; Olbe (2000). “Detection of colorectal tumor and inflammatory bowel disease during follow-up of patients with initial diagnosis of irritable bowel syndrome”. Scand. J. Gastroenterol. 35 (3): 306–11. doi:10.1080/003655200750024191. PMID 10766326

10. Paré P, Gray J, Lam S, Balshaw R, Khorasheh S, Barbeau M, Kelly S, McBurney CR; Gray; Lam; Balshaw; Khorasheh; Barbeau; Kelly; McBurney (2006). “Health-related quality of life, work productivity, and health care resource utilization of subjects with irritable bowel syndrome: baseline results from LOGIC (Longitudinal Outcomes Study of Gastrointestinal Symptoms in Canada), a naturalistic study”. Clinical therapeutics 28 (10): 1726–35; discussion 1710–1. doi:10.1016/j.clinthera.2006.10.010. PMID 17157129.

 

 

 

 

 


CHIA SẺ BÀI VIẾT

Bài cùng chủ đề

Bệnh thận - Tiết niệu

    Bệnh tim mạch

      Bệnh cơ-xương-khớp

        Bệnh nội tiết-chuyển hóa

          Bệnh tiêu hóa

            Bệnh phổi - phế quản

              Bệnh Thần kinh - Tâm thần

                Bệnh truyền nhiễm

                  Bệnh nhi khoa

                    Cận lâm sàng

                      Bệnh khác

                        Thuốc

                          Vật lý trị liệu

                            Phục hồi chức năng

                              Tư vấn và Chia sẻ thông tin

                                Sách đã xuất bản của Hà Hoàng Kiệm

                                  Bài báo khoa học

                                    SÁCH CỦA TÔI