PLA2R, Bí mật mới được giải mã trong bệnh sinh của bệnh cầu thận màng nguyên phát

Cập nhật: 17/04/2014 Lượt xem: 5299

 PLA2R là tự kháng nguyên trong bệnh cầu thận màng nguyên phát, một bí mật mới được phát hiện

PGS.TS. Hà Hoàng Kiệm, BV 103


Hình 1. Màng nền cầu thận

             PLA2R (Phospholipase A2 Receptor týp M), một thành phần của màng tế bào podocyte ở cầu thận (là một protein receptor xuyên màng) được phát hiện là kháng nguyên đích ở bệnh nhân bị bệnh cầu thận màng nguyên phát. Sau một thời gian dài hơn 50 năm từ khi khám phá ra bệnh viêm cầu thận màng nguyên phát (David Jones 1957 [3]), kháng nguyên đích của bệnh là gì vẫn còn là một ẩn số. Bệnh sinh của bệnh vẫn còn là các giả thuyết. Có 3 giả thuyết được đưa ra để giải thích sự lắng đọng phức hợp miễn dịch ở cầu thận của các bệnh cầu thận nguyên phát, trong đó bao gồm cả bệnh cầu thận màng. Thứ nhất, phức hợp kháng nguyên - kháng thể hình thành trong máu và lưu hành trong tuần hoàn bị lắng đọng ở cầu thận. Thứ hai, kháng nguyên là thành phần trong cấu trúc của cầu thận (được gọi là tự kháng nguyên), kháng thể lưu hành trong máu tới và phản ứng kháng nguyên - kháng thể xảy ra tại chỗ ở cầu thận. Thứ ba, kháng nguyên lưu hành trong máu và được "cấy" vào cầu thận do quá trình lọc máu hoặc do lực hấp dẫn điện tích và kháng thể trong máu tới phản ứng với kháng nguyên ở tại cầu thận. Việc phát hiện ra PLA2R týp M, một protein xuyên màng ở màng của tế bào podocyte, là tự kháng nguyên trong bệnh cầu thận màng nguyên phát (Beck và cs 2009) đã vén tấm màn bí mật hơn 5 thập kỷ về bệnh sinh của bệnh viêm cầu thận màng nguyên phát.  Đây là một phát hiện mới cho thấy kháng nguyên đích của bệnh cầu thận màng nguyên phát mà kháng thể nhắm tới chính là một tự kháng nguyên ngay trên cấu trúc màng tế bào biểu mô cầu thận. Phát hiện này  mở ra phương pháp không xâm nhập giúp chẩn đoán, điều trị và theo dõi kết quả điều trị bệnh cầu thận màng nguyên phát mà không cần sinh thiết thận.
             Theo Science Daily (10.7.2009) – Các nhà nghiên cứu thuộc Trường đại học y Boston (BUSM: Boston University School of Medicine) với sự cộng tác của các nhà khoa học ở Trường đại học Louiville và Trường đại học Nice Sophia Antipolis ở Pháp, đã phát hiện PLA2R (Phospholipase A2 Receptor) là kháng nguyên đích ở bệnh nhân bị bệnh cầu thận màng nguyên phát. Kháng nguyên này cho phép chẩn đoán và điều trị bệnh viêm cầu thận màng nguyên phát. Phát hiện này đã được đăng trên tờ New England Journal of Medicine số 2 tháng 7 năm 2009 với tiêu đề M-Type Phospholipase A2 Receptor as Target Antigen in Idiopathic Membranous Nephropathy bởi các tác giả Laurence H. Beck, Jr., M.D., Ph.D., Ramon G.B. Bonegio, M.D., Gérard Lambeau, Ph.D., David M. Beck, B.A., David W. Powell, Ph.D., Timothy D. Cummins, M.S., Jon B. Klein, M.D.,  Ph.D., and David J. Salant, M.D. [1]

.             Bệnh cầu thận nguyên phát là bệnh cầu thận do cơ chế miễn dịch gây ra. Nhưng cho đến nay người ta vẫn chưa biết được nguyên nhân của bệnh. Cụ thể, người ta chưa biết được kháng nguyên nào gây ra phản ứng miễn dịch chống lại nó. Có 3 giả thiết được đưa ra để giải thích hiện tượng lắng đọng các phức hợp miễn dịch ở cầu thận như hình 2. Vì thế việc chẩn đoán và điều trị còn rất khó khăn. Người ta dựa vào vị trí lắng đọng của các phức hợp miễn dịch ở cầu thận khi sinh thiết thận để phân loại các bệnh cầu thận nguyên phát khác nhau. Chẳng hạn, phức hợp miễn dịch lắng đọng ở màng nền cầu thận là bệnh cầu thận màng, phức hợp miễn dịch lắng đọng ở khoang gian mạch cầu thận là bệnh viêm cầu thận gian mạch...

Hình 2. Ba hình thức lắng đọng phức hợp kháng nguyên - kháng thể ở màng nền cầu thận. (A): Phức hợp kháng nguyên - kháng thể hình thành trong tuần hoàn tới lắng đọng ở cầu thận; (B): Một thành phần nào đó trong cấu trúc của cầu thận là tự kháng nguyên, kháng thể hình thành trong máu và tới phản ứng với kháng nguyên ở tại màng nền cầu thận; (C): Kháng nguyên lưu hành trong máu và được "cấy" vào màng nền cầu thận, kháng thể tới phản ứng với kháng nguyên ở tại màng nền cầu thận.

              Bệnh cầu thận màng nguyên phát được phát hiện cách đây hơn 50 năm (1957) bởi David Jones [3], biểu hiện bằng dày màng nền cầu thận do lắng đọng các phức hợp miễn dịch trên tiêu bản sinh thiết thận, gây ra rối loạn chức năng lọc của cầu thận, để lọt nhiều protein ra nước tiểu và thường gây ra hội chứng thận hư. Từ trước đến nay để chẩn đoán bệnh cầu thận màng nguyên phát phải sinh thiết thận, chưa có marker nào trong máu giúp cho chẩn đoán được bệnh này, vì người ta chưa biết loại protein nào là kháng nguyên đích của các kháng thể trong bệnh này.

               Để xác định kháng nguyên đích của bệnh cầu thận màng nguyên phát, các nhà nghiên cứu đã sử dụng kháng thể trong tuần hoàn được chiết xuất từ người lớn bị bệnh cầu thận màng nguyên phát để phát hiện các protein cầu thận không bình thường. Các phân tích tiếp theo sử dụng phương pháp khối phổ kế (Mass Spectrometry) và xác định bằng cách dùng phương pháp nhuộm protein đặc hiệu cho phép phát hiện protein chiếm ưu thế gắn với các kháng thể trong tuần hoàn của bệnh nhân bị bệnh cầu thận màng nguyên phát.

               Theo các nhà nghiên cứu, phát hiện này có tầm quan trọng cả trong chẩn đoán và trong điều trị bệnh cầu thận màng nguyên phát. Theo tác giả David Salant giáo sư trường đại học y Boston, trưởng phân môn thận tại Trung tâm y học Boston, thì việc phát hiện các kháng nguyên đích sẽ cho phép phát triển test máu đơn giản thay thế cho sinh thiết thận trong chẩn đoán, và cho phép phát triển phương pháp điều trị bằng miễn dịch và theo dõi tiến triển của bệnh sau điều trị mà không cần phải sinh thiết thận. “Phát hiện của chúng tôi cho thấy rằng PLA2R là kháng nguyên đích chính ở bệnh cầu thận màng nguyên phát. 70% bệnh nhân của chúng tôi với sinh thiết thận được chẩn đoán bệnh cầu thận màng nguyên phát có kháng thể dưới nhóm IgG4 phản ứng với PLA2R, một thành phần trong cấu trúc bình thường của cầu thận” David Salant nói.

                PLA2R (phospholipase A2 receptor týp M) là một protein xuyên màng trong cấu trúc màng tế bào podocyte của cầu thận. Kháng thể kháng PLA2R chỉ thấy ở trong máu bệnh nhân bị bệnh cầu thận màng nguyên phát mà không thấy có ở bệnh nhân bị bệnh cầu thận màng thứ phát và các bệnh cầu thận khác. Tuy nhiên các nghiên cứu cũng chỉ thấy 70 - 80% bệnh nhân bị bệnh cầu thận màng nguyên phát có kháng thể kháng PLA2R trong máu, còn khoảng 20% âm tính được các tác giả cho là có thể do phương pháp xét nghiệm chưa đủ nhậy hoặc nguyên nhân chưa được biết.

                 Với thành công này, chuyên ngành thận học đã có một tiến bộ mới trong việc khám phá nguyên nhân của các bệnh cầu thận nguyên phát, và sẽ có những makers mới từ huyết thanh để chẩn đoán các bệnh cầu thận nguyên phát thay cho sinh thiết thận, một thủ thuật can thiệp có thể gây nhiều biến chứng và đòi hỏi kỹ thuật cao trong nhuộm và đọc tiêu bản mà không phải nơi nào cũng có thể làm được.

Tài liệu tham khảo:

1. Laurence H. Beck, Jr., M.D., Ph.D., Ramon G.B. Bonegio, M.D., Gérard Lambeau, Ph.D., David M. Beck, B.A., David W. Powell, Ph.D., Timothy D. Cummins, M.S., Jon B. Klein, M.D., Ph.D., and David J. Salant, M.D. M-Type Phospholipase A2 Receptor as Target Antigen in Idiopathic Membranous Nephropathy. The New England Journal Medicin. July 2, 2009. N Engl J Med 2009; 361:11-21. DOI: 10.1056/NEJMoa0810457.

2. Richard J. Glassock, M.D. Human Idiopathic Membranous Nephropathy — A Mystery Solved? The new England Journal of Medicine. July 2, 2009. N Engl J Med 2009; 361:81-83. DOI: 10.1056/NEJMe0903343.

3. Jones DB. Nephrotic glomerulonephritis. Am J Pathol 1957;33:313-329. Web of ScienceMedline.

 


CHIA SẺ BÀI VIẾT

Bài cùng chủ đề

Bệnh thận - Tiết niệu

    Bệnh tim mạch

      Bệnh cơ-xương-khớp

        Bệnh nội tiết-chuyển hóa

          Bệnh tiêu hóa

            Bệnh phổi - phế quản

              Bệnh Thần kinh - Tâm thần

                Bệnh truyền nhiễm

                  Bệnh nhi khoa

                    Cận lâm sàng

                      Bệnh khác

                        Thuốc

                          Vật lý trị liệu

                            Phục hồi chức năng

                              Tư vấn và Chia sẻ thông tin

                                Sách đã xuất bản của Hà Hoàng Kiệm

                                  Bài báo khoa học

                                    SÁCH CỦA TÔI