Phì đại lành tính tuyến tiền liệt

Cập nhật: 23/09/2014 Lượt xem: 19604

Ngày xưa như thép như đồng / Như trăn nhả ngọc như rồng phun mưa / Bây giờ như cái cọng dưa / Chỉ mong nước chảy thành tia thành dòng / Đâu còn dám ước như rồng / Chỉ một điều ước còn dòng còn tia.

Phì đại lành tính tuyến tiền liệt (U xơ tuyến tiền liệt)

PGS.TS. Hà Hoàng Kiệm, BV 103

1. Đại cương

1.1. Giải phẫu chức năng tuyến tiền liệt

Tuyến tiền liệt là một tuyến thuộc cơ quan sinh dục, có hình dạng giống như một hạt dẻ, đầu tày hướng lên phía trên, đầu nhọn hướng xuống phía dưới. Ở người trưởng thành, chiều ngang của tuyến tiền liệt vào khoảng 4 cm, chiều dài khoảng 3 cm, độ dày khoảng 2 cm, trọng lượng khoảng 20gr. Tuyến nằm phía trước trực tràng, sau xương mu và ngay dưới bàng quang, bao quanh đoạn niệu đạo tiền liệt. Cấu tạo của tuyến gồm khoảng 20-30 phức hợp tuyến dạng ống - túi được bọc trong một cấu trúc xơ và cơ trơn, bên ngoài là một bao xơ dày. McNeal phân chia tuyến tiền liệt thành 4 vùng: vùng chuyển tiếp, vùng trung tâm, vùng ngoại vi,  và vùng đệm.

Hình 1: Tuyến tiến liệt

 

Hình 2: Phân chia tuyến tiền liệt thành 4 vùng theo McNeal

Ở lứa tuổi nhi đồng, tuyến tiền liệt rất nhỏ, chỉ như hạt đậu và không đảm nhận bất cứ nhiệm vụ nào, có thể nói nó ở trong trạng thái ngủ yên. Đến tuổi thiếu niên, tuyến bắt đầu “lớn lên”, sự phát triển của tuyến do kích thích của hormone nam  androgen. Đến thời kỳ thanh niên, trọng lượng của tuyến ổn định ở trên dưới 20gr, tuyến có chức năng tiết ra chất dịch để hình thành tinh dịch. Dịch của tuyến có màu trắng, đục, PH = 6,5 (kiềm hơn dịch âm đạo) và đóng vai trò bảo vệ tinh trùng cho tới khi thụ tinh. Lượng dịch do tuyến tiền liệt bài tiết chiếm khoảng 30% thể tích dịch phóng ra trong mỗi lần giao hợp. Dịch tuyến tiền liệt chứa nhiều acid citric, ion ca++, nhiều loại enzym đông đặc có tác dụng vào fibrinogen làm đông nhẹ tinh trùng ở đường sinh dục nữ và giữ tinh trùng nằm sát cổ tử cung. Sau 15- 30 phút tinh dịch lại được làm loãng trở lại nhờ enzym fibrinolysin có trong dịch tiền liệt và tinh trùng hoạt động trở lại. Các tiền fibrinolysin, prostaglandin (prostaglandin của dịch tuyến tiền liệt cũng như dịch của túi tinh) sẽ làm co cơ tử cung, tăng nhu động vòi trứng giúp tinh trùng di chuyển trong đường sinh dục nữ.

1.2. Sinh lý bệnh

Sau 40 tuổi quá trình tăng sản tuyến tiền liệt bắt đầu, dưới tác động của 2 yếu tố chính là các androgen và tuổi già.

- Vai trò của androgen rất quan trọng, vì nếu cắt bỏ tinh hoàn trước tuổi dậy thì sẽ không thấy xuất hiện u phì đại tuyến tiền liệt (các quan hoạn). Estrogen cũng có vai trò quan trọng. Ở tuổi già testosteron trong máu giảm, trong khi estrogen tăng. Chính estrogen làm tăng nhạy cảm của thụ thể androgen ở  tuyến tiền liệt.

- Tuổi già xuất hiện sự mất cân bằng giữa các yếu tố tăng trưởng có tác dụng kích thích và tác dụng kìm hãm. Các yếu tố tăng trưởng có tính kích thích gồm : yếu tố tăng trưởng biểu bì (EGF), yếu tố tăng trưởng nguyên bào beta, yếu tố tăng trưởng giống insulin (IGF). Ngược lại yếu tố tăng trưởng chuyển đổi beta có tác dụng kìm hãm tăng sản tuyến tiền liệt. Sự mất cân bằng nữa ở tuổi già là giữa khu vực các tế bào đang tăng trưởng với vực khu vực tế bào định hướng chết theo chương trình (apoptosis). Sau cùng dưới ảnh hưởng của nhiều loại kích thích khác nhau như viêm nhiễm, tinh dịch trào ngược... Hệ thống miễn dịch dưới tác động của tế bào lympho T hoạt hóa có thể sản xuất các loại yếu tố tăng trưởng khác gây tăng sản tuyến tiền liệt.

1.3. Mô bệnh học

- Đại thể: Ở người trưởng thành, tuyến tiền liệt nặng 16- 20 gram. Các tuyến vùng chuyển tiếp chiếm khoảng 5% toàn bộ tuyến cùng các tuyến vùng xung quanh niệu đạo gần ụ núi, là nơi sản sinh u phì đại lành tính tuyến tiền liệt. U phì đại tuyến tiền liệt là một khối hình cầu gồm 2 hay 3 thùy áp sát vào nhau về phía trước nhưng dính chặt về phía sau, phát triển từ vùng chuyển tiếp đến vùng ngoại vi, hướng vào lòng bàng quang hay về phía trực tràng, có khi đội cả vùng tam giác bàng quang lên. Về phía dưới, u phì đại tuyến tiền liệt có thể bè ra hai bên ụ núi. Mô tuyến tiền liệt bị đẩy ra ngoại vi, tạo thành một vỏ có nhiều lớp bao xung quanh u. Trong các phẫu thuật đường trên, u phì đại tuyến tiền liệt có thể bóc tách ra khỏi bao xơ được. U phát triển làm mô lành tính của tuyến bị đẩy ra ngoại vi tạo thành 1 lớp vỏ bao quanh u và khối u có thể tách dễ dàng ra khỏi bao xơ. Trọng lượng u trung bình 30- 40 gram, có thể là 100gram. U làm niệu đạo tuyến tiền liệt bị kéo dài ra, bị chèn ép bởi 2 thùy bên đồng thời bị thùy giữa che lấp. Thành bàng quang dày gấp hai ba lần bình thường do các thớ cơ chóp bàng quang bị phì đại. Mặt trong bàng quang có nhiều hình lồi lõm và gọi hình trụ, hình hốc. Một số hốc có thể biến thành túi thừa. Các ‘van’ niệu quản dễ bị mất tác dụng tạo điền kiện để nước tiểu trào ngược dòng lên thận. Nhiễm khuẩn ngược dòng và suy thận là hậu quả của bệnh lý này.

- Vi thể: U phì đại tiền liệt tuyến bao gồm nhiều nhân. Trong mỗi nhân có sự tham gia nhiều hay ít của các thành phần: tuyến, xơ và sợi cơ trơn. Trong mô đệm có các sợi cơ trơn và chất tạo keo. Quá trình tăng sản các mô tuyến và mô đệm tạo thành những nhân ngày càng phát triển về số lượng và kích thước. Các nhân gồm các thành phần mô tuyến, chất keo và sợi cơ trơn với tỷ lệ khác nhau. Trong đó sợi cơ trơn đóng vai trò quan trọng.

1.4. Vài nét dịch tễ

            Bệnh không tìm thấy ở trước 40 tuổi. Tỷ lệ người có u xơ tuyến tiền liệt tăng dần theo tuổi. Ở lứa tuổi 50 có khoảng 18%, lứa tuổi 60 khoảng 40%,..., ở tuổi 80 tỷ lệ mắc là 88%. Ở những người có u xơ tiền liệt tuyến, 50% không hề có triệu chứng rối lọan tiểu tiện.

Trong số những người có triệu chứng rối lọan tiểu tiện đến khám bệnh, một phần ba bệnh nhân không cần điều trị đặc hiệu cũng hết triệu chứng. Thông thường u xơ thường kèm theo nhiểm trùng đường tiểu nên cần điều trị kháng sinh là đủ. Nếu triệu chứng vẫn tốn tại thì đến khám và điều trị chuyên khoa.

Một số người bị u xơ không có triệu chứng, có thể bị bí tiểu sau khi dùng một vài loại thuốc (lưu ý một số thuốc có ghi là không dùng cho ngừời có u xơ tuyến tiền liệt). Triệu chứng khởi phát sau khi uống bia rượu quá mức, bị lạnh, bất động lâu dài (do một bệnh khác). Ở Việt Nam, có yếu tố khởi phát triệu chứng là sau đi xe đạp trên đường xấu, sau đi xe máy đường dài xuất hiện triệu chứng bí đái, đái khó…

2. Lâm sàng và chẩn đoán

2.1. Lâm sàng

2.1.1. Triệu chứng

Bản thân sự phì đại của tuyến tiền liệt không có triệu chứng gì, các triệu chứng mà u xơ tuyến tiền liệt gây ra là triệu chứng đi mượn của hệ tiết niệu. Vì niệu đạo tiền liệt chui trong tuyến tiền liệt, khi tuyến tiền liệt phì đại sẽ gây hẹp tắc niệu đạo.

- Các triệu chứng kích thích (do đáp ứng của bàng quang với chướng ngại vật): tiểu gấp, tiểu rắt, tiểu đêm, tiểu rặn, tiểu són. Tiểu nhiều lần, lúc đầu ban đêm có thể gây mất ngủ về sau là tiểu nhiều lần ban ngày, cứ hai giờ phải đi tiểu một lần. Đi tiểu vội, không nhịn được, có khi són đái. Cơn bí đái xuất hiện sau uống nhiều rượu bia, ăn nhiều đồ béo.

- Các triệu chứng do chèn ép (khối phì đại chèn ép vào cổ bàng quang):

+ Tiểu khó, phải rặn tiểu, đứng lâu mới tiểu hết.

+ Tiểu không thành tia, dòng nước tiểu yếu, nhỏ giọt, có khi ra 2 tia.

+ Về sau tiểu rớt: nước tiểu rớt xuống mũi giày.

+ Tiểu xong vẫn còn cảm giác đi tiểu không hết.

Hình 3: Liên quan giữa cấu trúc bàng quang - niệu đạo - tuyến tiền liệt

1. Tiểu tràng; 2. Lỗ niệu quản; 3. Xương mu; 4. Khoang Resius;

5. Túi cùng Duglas; 6. Trực tràng; 7 Tuyến tiền liệt

- Các biến chứng:

+ Bí đái hoàn toàn hoặc không hoàn toàn do còn nước tiểu tồn đọng trong bàng quang.

+ Đái đục và đái buốt khi có nhiễm khuẩn.

+ Nặng hơn có đái ra máu do sỏi bàng quang hay viêm nhiễm nặng ở bàng quang.

+ Giai đoạn muộn gây viêm thận - bể thận mạn, suy thận mạn.

- Triệu chứng thực thể: thăm trực tràng, bình thường sờ thấy tuyến tiền liệt nhỏ có hai thùy với rãnh ở giữa, mật độ mềm. Trong trường hợp u xơ tuyến tiền liệt thấy tuyến to, rãnh giữa đầy hoặc mất rãnh, mật độ tuyến chắc.

2.1.2.  Các xét nghiệm cận lâm sàng

- Xét nghiệm PSA (prostate antigen): là xét nghiệm chọn lọc cho các bệnh nhân có nghi ngờ ung thư tuyến tiền liệt và các bệnh nhân trên 75 tuổi. Giá trị bình thường là 4ng/ml, 4- 10ng/ ml thì nghi ngờ ung thư tuyến tiền liệt, cần tiến hành sinh thiết, trên 10ng/ml nguy cơ ung thư cao, sinh thiết là bắt buộc.

- Siêu âm: qua thành bụng trên xương mu với đầu dò siêu âm thông thường hoặc siêu âm qua trực tràng cho hình ảnh trực tiếp hơn, có thể gắn dụng cụ sinh thiết. Qua siêu âm có thể đo đạc kích thước và ước lượng được trọng lượng của tuyến.

Hình 4: Siêu âm tuyến tiền liệt to lấn vào lòng bàng quang

- Đo lưu lượng nước tiểu: bình thường 16- 20ml/s, nếu 7- 15ml/s là đái khó, dưới 6ml/s là bí đái.

- Xét nghiệm máu và nước tiểu:

+ Nồng độ creatinin máu tăng là có nguy cơ suy thận.

+ Xét nghiệm nước tiểu tìm vi khuẩn và làm kháng sinh đồ là cần thiết.

- Đo lượng nước tiểu tồn dư: sau khi cho bệnh nhân đi tiểu xong đặt ống thông bàng quang thu lượng nước tiểu tồn dư (có thể trên 200ml).

2.2. Chẩn đoán và chẩn đoán phân biệt

- Chẩn đoán:

Chẩn đoán xác định dựa vào siêu âm, đo kích thước và ược lượng trọng lượng của tuyến sau khi đã loại trừ ung thư tiền liệt tuyến.

- Chẩn đoán phân biệt:

+ Ung thư tuyến tiền liệt:

* Thường ở người cao tuổi.

* Tiểu khó, đái máu, giao hợp đau, xuất tinh ra máu.

* Thăm trực tràng thấy tuyến tiền liệt có nhân đơn độc hoặc nhiều nhân lổn nhổn cứng một bên mất cân đối hoặc cả hai bên hay cả tuyến tiền liệt cứng như đá dính vào sau xương mu.

* PSA tăng trong trường hợp ung thư tuyến tiền liệt di căn xương.

* Sinh thiết cho kết quả chắc chắn

+ Viêm tuyến tiền liệt mạn:

* Thăm trực tràng thấy tuyến tiền liệt là 1 khối xơ có khi còn đau, dịch tiết tuyến tiền liệt đục mủ, PSA không tăng.

* Điều trị kháng sinh nhóm quinolone: Pefracine 400mg – 2-4 ngày hay Noroxin 400mg trong 7-10 ngày có tác dụng tốt và theo dõi nồng độ PSA bình thường.

+ Xơ cứng cơ bàng quang:

* Có hội chứng kích thích, trong lượng tuyến tiền liệt dưới 30mg, nồng độ PSA bình thường.

* Chụp niệu đạo bàng quang thấy hẹp cổ bàng quang.

2.3. Biến chứng

Do tiểu không hết nên có sự tắc đọng vi khuẩn trong bàng quang làm tăng cao nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu. Một số bệnh nhân bị chứng tiểu khó, trong đó lượng nước tiểu không thoát đủ và bàng quang bị căng phồng. Nếu không chữa, nó có thể dẫn đến suy giảm chức năng thận và thận ứ nước.

- Bí tiểu hoàn toàn: 

Người bệnh cảm thấy đau quặn dữ dội vùng bụng dưới do bí tiểu. Khi gặp triệu chứng này cần đưa bệnh nhân đến ngay bệnh viện để cấp cứu. Thông thường, các bác sĩ sẽ đặt ống senden để thông tiểu cho bệnh nhân.

- Nhiễm khuẩn đường tiết niệu: 

Nước tiểu không đào thải được sẽ kéo theo hiện tượng nhiễm khuẩn với các biểu hiện tiểu buốt, nước tiểu đục. Rất nhiều nam giới đã phải thực hiện phẫu thuật cắt bỏ tiền liệt tuyến để ngăn ngừa nhiễm khuẩn đường tiết niệu kéo dài.

- Sỏi bàng quang: 

Nước tiểu ứ đọng, lắng đọng lâu ngày do không được tiểu hết dẫn đến sỏi bàng quang. Sỏi là nơi chứa nhiều vi khuẩn làm tăng khả năng nhiễm trùng tuyến tiền liệt. Ngoài ra, sỏi còn làm cho tình trạng tắc nghẽn đường tiểu trở nên trầm trọng hơn.

- Tổn thương bàng quang: 

Nếu bàng quang chứa đầy nước tiểu lâu ngày, các cơ thành bàng quang sẽ bị giãn ra, bị suy yếu và mất dần chức năng. Niêm mạc bàng quang bị tổn thương, tạo thành các hang lồi lõm trong lòng bàng quang. Một số hang có thể biến thành túi thừa bàng quang, các túi này làm tăng thêm khả năng tạo thành sỏi bàng quang.

- Suy thận: 

Áp lực nước tiểu tăng tác động lên thận sẽ làm giãn đài bể thận, gây thận ứ nước, viêm thận. Nếu diễn biến kéo dài sẽ dẫn đến suy thận và hỏng thận. Ngoài ra, nhiễm khuẩn đường tiết niệu cũng có thể lan đến thận, làm thận bị tổn thương. Đây có thể coi là biến chứng nguy hiểm nhất, làm suy giảm trầm trọng sức khỏe người bệnh, thậm chí dẫn đến tử vong.

3. Điều trị

3.1. Lựa chọn phương pháp điều trị

Hiện nay có 3 phương pháp điều trị, đó là điều trị bảo tồn, điều trị can thiệp và điều trị bằng phẫu thuật. Lựa chọn phương pháp điều trị nào thường được dựa vào thang điểm IPSS và lâm sàng như sau:

- IPSS 0-7đ (nhẹ): chỉ cần theo dõi.

- IPSS 8- 20đ (trung bình), lưu lượng dòng nước tiểu trên 10ml/s, thể tích nước tiểu tồn lưu trong bàng quang dưới 200ml: điều trị nội khoa.

- IPSS 21-35đ (nặng), lưu lượng dòng nước tiểu dưới 10ml/s, thể tích nước tiểu tồn lưu trong bàng quang trên 200ml: điều trị can thiệp hoặc phẫu thuật.

           Thang điểm IPSS (International prostate symptom score): Thang điểm quốc tế về triệu chứng tiền liệt tuyến.

Thang điểm gồm 7 câu hỏi:

+ Câu hỏi 1 : Trong vòng 1 tháng qua, có bao nhiêu lần bạn cảm thấy khó khăn trì hoãn (hay không thể trì hoãn) việc đi tiểu?

+ Câu hỏi 2 : Trong vòng 1 tháng qua, có bao nhiêu lần bạn có cảm giác tiểu không hết nước tiểu ngay sau khi vừa đi tiểu xong?

+ Câu hỏi 3 : Trong vòng 1 tháng qua, có bao nhiêu lần bạn phải đi tiểu lại cách lần đi tiểu trước dưới 2 tiếng đồng hồ?

+ Câu hỏi 4 : Trong vòng 1 tháng qua, có bao nhiêu lần bạn đang đi tiểu mà dòng nước tiểu bị gián đoạn, ngắt quãng nhiều lần?

+ Câu hỏi 5 : Trong vòng 1 tháng qua, có bao nhiêu lần bạn thấy dòng nước tiểu chảy yếu?

+ Câu hỏi 6 : Trong vòng 1 tháng qua, có bao nhiêu lần bạn phải rặn hoặc gắng sức mới có thể tiểu được?

+ Câu hỏi 7 : Trong vòng 1 tháng qua, bạn thường phải thức giấc bao nhiêu lần để đi tiểu, tính từ lúc đi ngủ đến lúc thức dậy buổi sáng?

          Mỗi câu hỏi có 6 phương án trả lời tương ứng từ 0 điểm đến 5 điểm:

+ Không có lần nào = 0 điểm.

+ Hiếm khi  = 1 điểm.

+ Đôi khi = 2 điểm.

+  Tương đối = 3 điểm.

+ Nhiều khi = 4 điểm.

+ Thường xuyên = 5 điểm.

        Đánh giá kết quả:

+ Mức độ nhẹ: 0 – 7 điểm.

+ Mức độ vừa: 8 – 20 điểm.

+ Mức độ nặng: 21 – 35 điểm.

Bảng 1. Thang điểm IPSS (International prostate symptom score)

Trong 1 tháng vừa qua, có bao nhiêu lần ông có các dấu hiệu?

 

Hoàn toàn không

<1/5 số lần

<1/2 số lần

=1/2 số lần

>1/2 số lần

Luôn luôn

1. Cảm giác tiểu không hết

0

1

2

3

4

5

2. Phải đi tiểu lại dưới 2 giờ

0

1

2

3

4

5

3. Tiểu bị ngắt giữa dòng

0

1

2

3

4

5

4. Mót tiểu không nhịn được

0

1

2

3

4

5

5. Tia nước tiểu yếu

0

1

2

3

4

5

6. Phải rặn mới tiểu được

0

1

2

3

4

5

7. Đêm ngủ phải thức dậy đi tiểu mấy lần

0 lần

1 lần

2 lần

3 lần

4 lần

5 lần

0

1

2

3

4

5

+ Từ 0-7 điểm: Rối loạn nhẹ. Thay đổi lối sống và tập bài tập Kegel

+ Từ 8-20 điểm: Rối loạn trung bình. Đánh giá bằng các xét nghiệm và bắt đầu điều trị nội khoa

+ Từ 21-35 điểm: Rối loạn nặng. Xem xét chỉ định can thiệp hoặc ngoại khoa

3.2. Điều trị bảo tồn (nội khoa)

Hiện nay có ba nhóm thuốc được sử dụng là thuốc kháng alpha 1 adrenegic, thuốc kháng androgen, các thuốc có nguồn gốc thực vật.

3.2.1. Nhóm thuốc kháng alpha 1 adrenegic

- Các biệt dược: 

+ Alfuzosin (Xatral): mỗi viên chứa Alfuzosin hydrochloride 5mg hoặc 10mg.

+ Terazosin (Hytrin): mỗi viên nén chứa terazosin 1mg hoặc 2mg.

Doxazosin: viên nén hàm lượng 1mg, 2mg, 4mg, 8mg

+ Prazosin: viên nang 1mg, 2mg, 5 mg.

+ Tamsulosin: viên nén 0,4mg.

- Cơ chế tác dụng:

Đây là nhóm thuốc kháng thụ thể alpha 1 adrenegic là các thụ thể có ở các mạch máu ngoại biên và cơ trơn. Các thụ thể alpha 1 adrenegic khi hưng phấn sẽ gây co mạch, co cơ trơn, khi bị ức chế sẽ gây giãn mạch, giãn cơ trơn. Vì vậy nhóm thuốc kháng alpha 1 adrenegic là các thuốc hạ huyết áp toàn thân đồng thời có tác dụng giãn cơ cổ bàng quang và các cơ trơn trong tuyến tiền liệt giúp cho lưu thông nước tiểu được dễ dàng.

Nhóm thuốc này chỉ có tác dụng điều trị triệu chứng, không làm chậm phát triển hoặc làm nhỏ được khối u xơ tuyến tiền liệt. Vì thuốc có tác dụng hạ huyết áp nên hết sức chú ý khi dùng cho người cao tuổi để tránh biến chứng tụt huyết áp nguy hiểm đến tính mạng.

3.2.2. Nhóm thuốc kháng androgen

- Biệt dược:

+ Finasterid (Proscar):  viên 1mg, 5mg.

+ Dutasteride (Avodart): viên nang 0,5mg.

- Cơ chế tác dụng: testosterone cần được chuyển thành dihydrotestosterone (DHT) dưới tác dụng của enzym 5 - alpha reductase mới có hoạt tính tác dụng lên tuyến tiền liệt kích thích phát triển tế bào tuyến, tế bào xơ. Việc giảm nồng độ dihydrotestosterone trong tuyến tiền liệt dẫn đến giảm thể tích tuyến và tăng lưu lượng dòng nước tiểu, cải thiện các triệu chứng tắc nghẽn đường niệu dưới, giảm nhu cầu phẫu thuật. Các thuốc nhóm kháng androgen có tác dụng kháng enzym 5 - alpha reductase nên làm giảm nổng độ dihydrotetosterone trong mô tuyến tiền liệt và là chậm phát triển u xơ tuyến tiền liệt, có thể làm u xơ nhỏ đi sau nhiều tháng điều trị. Mặc dù Finasteride làm giảm đáng kể kích thước tuyến tiền liệt ở tất cả các bệnh nhân điều trị nhưng chỉ 50% bệnh nhân có cải thiện đáng kể các triệu chứng của phì đại truyến tiền liệt. Bệnh nhân thường đáp ứng với thuốc sau một vài tuần, nhưng chỉ đáp ứng đầy đủ khi dùng thuốc được 6 tháng. Tác dụng không mong muốn là làm giảm ham muốn tình dục, giảm cương dương.

Bảng 2. Các nhóm thuốc và mức độ khuyến cáo

Nhóm thuốc

Mức độ khuyến cáo

Biệt dược

(hàm lượng)

Nhóm α Blockers (α-adrenergic receptor blockers

1

Tamsulosin

C

Tamsulosin (0,4mg)

2

Silodosin

C

 

3

Alfuzosin

D

Xatral (5mg, 10mg)

4

Terazosin

D

Hytrin (1mg, 2mg)

5

Prazosin

 

Prazosin (1mg, 2mg, 5 mg)

6

Doxazosin

 

Doxazosin (1mg, 2mg, 4mg, 8mg)

Nhóm 5α-Reductase inhibitor

1

Dutasteride

B

Avodart (0,5mg)

2

Finasteride

B

Proscar (1mg, 5mg)

Nhóm thuốc phối hợp

 

Duodart (Dutasteride 0,5mg + Tamsulosin 0,4mg)

Trong điều trị nội khoa u xơ tuyến tiền liệt, hai nhóm thuốc kháng thụ thể alpha 1 adrenegic và kháng androgen thường được phối hợp với nhau để phát huy tác dụng cộng hưởng.

3.2.3. Các thuốc có nguồn gốc thực vật

- Ở châu Âu có các thuốc Tadenan, Permixon, Protamol

+ Tadenal viên 50mg là dịch chiết cây mận châu Phi Pygeum africanum có tác dụng chống tăng sinh ở nguyên bào sợi được kích thích bởi b-FGF (yếu tố tăng trưởng nguyên bào sợi tính kiềm). Mặt khác, dịch chiết Pygeum africanum không can thiệp vào hoạt động kích thích tố của hệ sinh dục nam. Liều 1 viên buổi sáng và 1 viên buổi tối, nên dùng thuốc trước các bữa ăn. Thông thường, điều trị trong 6 tuần, có thể kéo dài đến 8 tuần. Có thể lặp lại điều trị nếu cần thiết. Các nghiên cứu cho thấy thuốc làm nhỏ được khối u xơ tuyến tiền liệt.

Các nghiên cứu được thực hiện ở Pháp vào năm 1960 đã cho thấy chất chiết xuất của cây Pygeum Africanum có tác dụng rất khả quan trong điều trị u phì đại tuyến tiền liệt. Tại Pháp, việc sử dụng cây Pygeum Africanum đã điều trị thành công được 81% bệnh nhân có bệnh tuyến tiền liệt lớn.

Cao chiết Pygeum Africanum đã được cơ quan y tế tại Pháp và Đức chấp thuận cho sử dụng trong điều trị u phì đại tuyến tiền liệt.

Kết quả nghiên cứu cho thấy cao chiết Pygeum africanum tác động lên cơ quan đích là tuyến tiền liệt trên nam giới. Kết quả phân tích thành phần hóa học và những nghiên cứu tác dụng dược lý gần đây chỉ ra rằng thành phần cao chiết từ vỏ thân Pygeum africanum bao gồm ba nhóm hoạt chất:  

Nhóm Phytosterols: bao gồm beta–sitosterol, có hoạt tính kháng viêm do ngăn cản sự hình thành các prostaglandin tiền viêm – một chất có khuynh hướng tích tụ trong tuyến tiền liệt của bệnh nhân u phì đại tuyến tiền liệt.

Nhóm Pentacyclic Terpenes: có hoạt tính kháng phù.

Nhóm Ester của Ferulic Acid: tác động chủ yếu trên hệ nội tiết. Những thử nghiệm trên động vật cho thấy thành phần n-Docosanol của nhóm làm giảm đáng kể nồng độ prolactin trong huyết tương. Hoạt tính này có ý nghĩa quan trọng vì prolactin là nguyên nhân làm gia tăng lượng testosterone và qua đó gián tiếp làm gia tăng sự tổng hợp Dihydrotestosterone trong tuyến tiền liệt, trong khi Dihydrotestosterone được cho là yếu tố tham gia chính trong u phì đại tuyến tiền liệt.

+ Permixon viên 160mg là dịch chiết lipidosterol của cây Serenoa repens chứa acid béo tự do hoặc ester hoá (97%) và một phần chất không xà phòng hoá (3%). Thuốc có tác dụng cải thiện các rối loạn của tiểu tiện liên quan đến phì đại tiền liệt tuyến. Uống mỗi ngày 2 viên nang, vào bữa ăn.

- Ở Việt nam cao cây trinh nữ hoàng cung cũng có tác dụng làm giảm phát triển u xơ tuyến tiền liệt có thể làm nhỏ u xơ sau nhiều tháng điều trị. Biệt dược Nga phụ khang mỗi ngày uống 2 lần mỗi lần 3 viên.

3.3. Điều trị can thiệp

- Vi sóng trị liệu (Transurethral  Microwave Thermotherapy - TUMT):  

Với phương pháp này, người ta đưa một điện cực đặc biệt qua niệu đạo vào tuyến tiền liệt. Dùng năng lượng vi sóng từ các điện cực tạo ra nhiệt để phá hủy các phần bên trong của tiền liệt tuyến, làm thu nhỏ tuyến và làm lưu thông nước tiểu được thuận lợi. Thủ thuật này ít nguy cơ biến chứng hơn so với phẫu thuật nội soi, nhưng nói chung chỉ sử dụng khi u xơ tuyến tiền liệt còn nhỏ. Phản ứng kích thích có thể kéo dài vài tuần và triệu chứng chỉ giảm một phần, có thể phải sau một thời gian mới thấy được kết quả.

Illustration of transurethral microwave therapy (TUMT)

Hình 5. Vi sóng trị liệu (Balloon catheter: bóng giữ catheter; Heating of enlarged tissue): vùng mô tuyến tiền liệt chịu tác dụng nhiệt; Microwave antena: anten phát vi sóng; Cooling of urethra: hệ thống nước tuần hoàn làm mát niệu quản)

- Kim đốt bằng dòng điện cao tần qua niệu đạo.

Qua ống soi bàng quang, đặt kim vào tuyến tiền liệt, dùng dòng điện cao tần truyền qua chúng làm nóng lên 60 độ để phá hủy các mô tuyến. Về cơ bản vùng mô bị đốt hình thành các sẹo trong tuyến tiền liệt, làm cho tuyến co lại. Đây là loại thủ thuật có thể là một lựa chọn tốt ở những bệnh nhân dễ chảy máu hoặc có vấn đề sức khỏe không cho phép can thiệp nặng hơn. Thủ thuật có thể làm giảm triệu chứng một phần và nó phải mất một thời gian mới thấy kết quả.

Hình 6. Đốt bằng dòng điện cao tần qua kim

- Đặt stent niệu đạo: 

Nếu đặt stent bằng kim loại, mô phát triển vào trong stent kim loại sẽ giữ stent tại chỗ. Các stent bằng nhựa phải được thay mỗi 4 - 6 tuần, nhưng đặt stent có thể tránh cho bệnh nhân không phải phẫu thuật. Trong hầu hết trường hợp, đặt stent không phải là phương pháp điều trị dài hạn bởi vì chúng có thể gây tác dụng phụ bao gồm đi tiểu đau hoặc nhiễm trùng đường tiết niệu thường xuyên. Các stent bằng kim loại có thể khó khăn khi cần loại bỏ nên chỉ được sử dụng trong trường hợp đặc biệt. Thông thường, stent chỉ được sử dụng cho những người không thể dùng thuốc hoặc không thể phẫu thuật.

  

- Tiêm ethanol và botulinum toxin vào tuyến tiền liệt:

Hai kỹ thuật này hiện đang trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng, trong tương lai có thể là phương pháp đơn giản để điều trị u xơ tuyến tiền liệt.

+ Tiêm ethanol: Đặt ống nội soi qua niệu đạo vào tuyến tiền liệt, cắm kim qua thành niệu đạo vào tuyến tiền liệt và tiêm ethanol vào tổ chức tuyến để gây hoại tử tổ chức tuyến. Tổ chức hoại tử được hấp thu và thành sẹo làm thu nhỏ tuyến tiền liệt.

+ Tiêm botulinum toxin: kỹ thuật tương tự như tiêm ethanol, nhưng botulinum toxin không gây hoại tử tuyến mà gây liệt các cơ trơn của tuyến, giúp giải phóng dòng nước tiểu.

- Gây tắc mạch:

Đây là phương pháp mới được nghiên cứu và áp dụng có hiệu quả tương đối tốt. Luồn catheter vào động mạch chậu trong tới động mạch nuôi tuyến tiền liệt, bơm chất gây tắc động mạch, tuyến tiền liệt thiếu máu nuôi dưỡng sẽ teo nhỏ lại.

3.4. Điều trị phẫu thuật

3.4.1. Phẫu thuật nội soi

- Sử dụng cắt đốt qua nội soi bằng điện cao tần

 

Hình 7. Cắt đốt qua nội soi bằng điện cao tần

- Sử dụng cắt đốt qua nội soi bằng tia laser

Hình 8. Cắt đốt qua nội soi bằng tia laser

3.4.2. Phẫu thuật mở

Phẫu thuật mở lấy bỏ toàn bộ tuyến tiền liệt, đây là một phẫu thuật lớn, nặng nề, nguy cơ chảy máu cao. 

Hình 9. Mổ mở dùng tay bóc tuyến tiền liệt qua bàng quang

Chú ý bất kỳ loại phẫu thuật tuyến tiền liệt nào cũng có thể gây ra tác dụng phụ, chẳng hạn như tinh dịch chảy ngược vào bàng quang thay vì ra dương vật trong quá trình xuất tinh (xuất tinh ngược), mất kiểm soát bàng quang gây rỉ tiểu (không kiểm soát) và bất lực (rối loạn chức năng cương dương). Một số loại phẫu thuật có nhiều khả năng gây ra các triệu chứng nhất định hơn so với những loại khác.


CHIA SẺ BÀI VIẾT

Bài cùng chủ đề

Bệnh thận - Tiết niệu

    Bệnh tim mạch

      Bệnh cơ-xương-khớp

        Bệnh nội tiết-chuyển hóa

          Bệnh tiêu hóa

            Bệnh phổi - phế quản

              Bệnh Thần kinh - Tâm thần

                Bệnh truyền nhiễm

                  Bệnh nhi khoa

                    Cận lâm sàng

                      Bệnh khác

                        Thuốc

                          Vật lý trị liệu

                            Phục hồi chức năng

                              Tư vấn và Chia sẻ thông tin

                                Sách đã xuất bản của Hà Hoàng Kiệm

                                  Bài báo khoa học

                                    SÁCH CỦA TÔI