Viêm đường tiết niệu và điều trị

Cập nhật: 24/06/2014 Lượt xem: 4018

Khoảng 3 ngày nay cháu bị đi tiểu nhiều lần trong ngày, mỗi lần chỉ đi được rất ít nhưng buốt. Có phải cháu bị viêm đường tiết niệu không và dùng thuốc như thế nào? Nguyễn Thị Thuỳ Dương (Vĩnh Phúc)

Viêm đường tiết niệu và điều trị

PGS.TS. Hà Hoàng Kiệm, BV 103

Bài đã được đăng trên báo Sức khỏe và Đời sống (Bộ Y tế)

            Viêm đường tiết niệu là thuật ngữ người ta dùng để chỉ tình trạng viêm nhiễm đường tiết niệu ở thấp gồm niệu đạo, bàng quang. Thông thường nhất là do vi khuẩn xâm nhập ngược dòng qua lỗ niệu đạo vào niệu đạo gây viêm niệu đạo. Bình thường, cơ thắt ở cổ bàng quang luôn đóng, chỉ mở khi đi tiểu và dòng nước tiểu luôn chảy theo chiều từ bàng quang ra. Hai yếu tố này có tác dụng ngăn cản vi khuẩn xâm nhập vào bàng quang. Một số trường hợp rối loạn cơ thắt, làm vi khuẩn có thể xâm nhập được vào bàng quang hoặc do các thủ thuật thông đái, soi bàng quang có thể đẩy các vi khuẩn từ niệu đạo vào bàng quang gây viêm bàng quang. Đây là những trường hợp viêm đường tiết niệu do các vi khuẩn thông thường. Cũng có thể gặp viêm đường tiết niệu do các vi khuẩn đặc hiệu như lậu cầu khuẩn, nếu trước đó có quan hệ tình dục với người bị bệnh lậu.

              Nếu chỉ bị viêm đường tiết niệu thông thường thì điều trị không khó khăn lắm và có thể khỏi hoàn toàn. Triệu chứng thường gặp là đái rắt (nghĩa là đái nhiều lần trong ngày, có thể 4 - 5 lần nhưng cũng có thể 10 - 20 lần, nhưng mỗi lần chỉ có rất ít nước tiểu) và đái buốt, thường buốt ở miệng sáo hoặc vùng tầng sinh môn vào cuối bãi. Trường hợp của cháu, nếu loại trừ các trường hợp viêm đường tiết niệu do các vi khuẩn đặc hiệu, thì nhiều khả năng là viêm đường tiết niệu cấp tính do vi khuẩn thông thường. Cháu nên đi khám, bác sĩ có thể kê đơn điều trị theo cách sau:

- Cần uống nhiều nước, khoảng 2 lít mỗi ngày để làm tăng lượng nước tiểu giúp thải vi khuẩn ra khỏi đường niệu. Cũng có thể uống nước sắc râu ngô, bông mã đề, rễ cỏ tranh, tua rễ đa, nước rau cải... là các chất gây lợi tiểu nhẹ. Nếu viêm đường tiết niệu chỉ ở mức độ nhẹ (đi tiểu dưới 5 lần một ngày, ít buốt, mới bị 1 -2 ngày) có thể chỉ bằng uống nhiều nước cũng khỏi được.

- Sử dụng kháng sinh loại đào thải chủ yếu qua thận, nên chọn kháng sinh tác dụng lên vi khuẩn gram âm như trimethoprim hoặc ofloxaxin (cần chú ý không dùng ofloxaxin cho trẻ em dưới 16 tuổi vì thuốc gây chậm phát triển sụn).

- Nếu đái buốt nhiều thì có thể uống thêm các thuốc làm giãn cơ trơn như nospa...

           Các thuốc trên uống trong khoảng 5 - 7 ngày, nên uống lúc đói để thuốc được hấp thu tốt hơn. Điều quan trọng nữa là cháu cần đề phòng bệnh tái nhiễm. Vì lỗ niệu đạo rất gần hậu môn, nên các vi khuẩn từ đường tiêu hoá dễ xâm nhập vào niệu đạo. Niệu đạo phụ nữ ngắn và thẳng hơn nam giới, nên vi khuẩn dễ xâm nhập hơn, vì thế hay gặp viêm đường tiết niệu ở phụ nữ hơn là nam giới. Để đề phòng bệnh, cần giữ vệ sinh vùng sinh dục và tầng sinh môn (đoạn giữa hậu môn và cơ quan sinh dục) bằng cách rửa bằng xà phòng mỗi ngày một lần. Với phụ nữ, khi rửa nên phun nước từ phía trước ra phía sau. Đồng thời cần uống đủ nước theo nhu cầu hàng ngày.

PGS. TS. BS. Hà Hoàng Kiệm

 


CHIA SẺ BÀI VIẾT

Bài cùng chủ đề

Bệnh thận - Tiết niệu

    Bệnh tim mạch

      Bệnh cơ-xương-khớp

        Bệnh nội tiết-chuyển hóa

          Bệnh tiêu hóa

            Bệnh phổi - phế quản

              Bệnh Thần kinh - Tâm thần

                Bệnh truyền nhiễm

                  Bệnh nhi khoa

                    Cận lâm sàng

                      Bệnh khác

                        Thuốc

                          Vật lý trị liệu

                            Phục hồi chức năng

                              Tư vấn và Chia sẻ thông tin

                                Sách đã xuất bản của Hà Hoàng Kiệm

                                  Bài báo khoa học

                                    SÁCH CỦA TÔI