Đái dầm ở trẻ em
PGS.TS. Hà Hoàng Kiệm, BV 103
Bài đã được đăng trên báo Sức khỏe và Đời sống (Bộ Y tế)
Đái dầm ở trẻ em là trẻ đái trong khi ngủ hoặc khi chơi mà không biết. Người ta chỉ coi đái dầm ở trẻ em là bệnh lý khi trẻ được trên 3 tuổi. Có hai loại đái dầm ở trẻ em là đái dầm ban đêm và đái dầm ban ngày. Đái dầm ban đêm thường gặp ở bệnh nhi ngủ say hơn những trẻ khác. Đái dầm ban ngày khi trẻ đái ra quần vì mải chơi hoặc do trẻ xấu hổ không dám xin đi tiểu, thường thấy ở những trẻ có tính tình nhút nhát, sợ hãi. Đái dầm cũng có thể do dị tật đường tiểu như hẹp bao quy đầu hoặc bệnh ở cột sống như gai đôi cột sống, viêm đường tiết niệu gây đái dắt, cũng có thể do nước tiểu axít hoặc kiềm. Việc điều trị cần phải căn cứ vào nguyên nhân, nếu do hẹp bao quy đầu nhiều cần cắt bao quy đầu, nếu nước tiểu axít cần cho uống dung dịch natri bicarbonat, nếu nước tiểu kiềm cho uống dung dịch axít phosphoric và natri phosphat acid pha trong nước có thêm một ít đường. Nếu không rõ nguyên nhân, cần chú ý chế độ ăn uống, tránh không cho uống nhiều nước vào chiều tối, cần động viên, khuyến khích tính tự tin của trẻ.
Bạn nên cho cháu đi khám tại chuyên khoa tiết niệu hoặc ngoại nhi để tìm nguyên nhân, từ đó bác sĩ sẽ có chỉ định điều trị cụ thể.
PGS. TS.Hà Hoàng Kiệm