Phân biệt hai khái niệm Ure và BUN

Cập nhật: 21/01/2018 Lượt xem: 31714

Phân biệt hai khái niệm Ure và BUN

PGS.TS. Hà Hoàng Kiệm, BV103, HVQY

Trong thực hành lâm sàng, rất nhiều thầy thuốc thường sử dụng nhầm lẫn hai khái niệm Ure và BUN. Nếu ở cơ sở y tế của bạn sử dụng đơn vị mg/dl mà dùng lẫn hai khái niệm này thì sẽ dẫn đến nhận định kết quả sai (vì kết quả của BUN và Ure là khác nhau), nếu sử dụng đơn vị mmol/l thì may mắn cho bạn vì khi này Ure = BUN nên không dẫn đến nhận định kết quả sai, nhưng bộc lộ khiếm khuyết trong kiến thức của bạn. Vì vậy chúng tôi thấy cần phải viết bài này để phân biệt rõ hai khái niệm trên.

1. Ure

Ure là sản phẩm chuyển hóa của protein. Protein phân giải tạo thành NH3. NH3 là chất độc với cơ thể nên được gan chuyển thành ure là chất không độc. Sau khi tạo thành, ure được gan đưa vào máu và được thận đào thải theo nước tiểu ra ngoài. Khi suy giảm chức năng thận, thận không đào thải đầy đủ ure và các chất thải khác làm chúng ứ lại và tăng lên trong máu. Vì ure là chất dễ định lượng nên tăng ure máu là một chỉ điểm của suy thận.

Protein => Acid amin => NH3 => Carbaminphosphat => Citrulin => Arginin => Ure

                   

Cấu trúc phân tử của ure

Phân tử ure gồm 1 nguyên tử oxy, 1 nguyên tử carbon, 2 nguyên tử nitơ và 4 nguyên tử hydro. Trọng lượng phân tử của ure là 60,1. Bình thường ure có nồng độ trong máu là 6 – 20mg/dl hay 1,8 -7,1 mmol/l.

2. BUN

BUN là viết tắt của Blood Urea Nitrogen, nghĩa là Lượng nitơ có trong ure, như vậy có nghĩa là người ta chỉ định lượng lượng N có trong ure chứ không phải toàn bộ phân tử ure. Vậy BUN và ure là hai khái niệm khác nhau và khi định lượng với đơn vị mg/dl sẽ cho các số liệu khác nhau.

Chúng ta biết N có trọng lượng nguyên tử là 14. Trong phân tử ure có 2 nguyên tử N, do đó có trọng lượng N là 2×14 = 28. Như vậy trọng lượng của BUN = (28/60)×100 = 46,66% ure, hay nói cách khác ure = 60/28 = 2,14 lần BUN.

Ure (mg/dl) = BUN (mg/dl) × 2,14

3. BUN và Ure trong lâm sàng

BUN và Ure là hai cách định lượng khác nhau phản ánh nồng độ ure trong máu, với đơn vị là mg/dl thì chúng cho 2 giá trị khác nhau, nhưng với đơn vị là mmol/l thì chúng có giá trị bằng nhau.

Xét nghiệm BUN thường được sử dụng ở các nước Hoa kỳ, Mehico, Áo và Đức.

Xét nghiệm ure thường được làm ở các nước còn lại. Ở Việt Nam chúng ta định lượng ure, chưa có cơ sở y tế nào định lượng BUN.

Dưới đây là công thức chuyển đổi giữa BUN và ure:

Ure (mg/dl) = BUN (mg/dl) × 2,14            (1)

Ure (mmol/l) = BUN (mmol/l)                   (2)

BUN (mmol/l) = BUN (mg/dl) × 0,3571     (3)

Trong công thức số (1) vì trong phân tử ure thì trọng lượng của ure lớn gấp 2,14 lần BUN (60/28 = 2,14), do đó BUN × 2,14 = Ure

Trong công thức số (2) vì 1 phân tử Ure là 1mol, trong phân tử ure có N2 nhưng nó không phân ly nên cũng chỉ là 1mol, do đó nếu sử dụng đơn vị mmol thì Ure = BUN.

Trong công thức số (3) vì vế phải của phương trình có đơn vị của BUN là mg/dl, do đó phải ×10 để đổi ra lít cho cùng vế trái. Vì trong 1 phân tử ure có 2 nguyên tử N mà trọng lượng nguyên tử N là 14 vì vậy phải chia vế phải cho (2×14) ta có công thức như sau: Ure (mmol/l) = [BUN (mg/dl) × 10]/[2×14] = BUN (mg/dl) × 0,3571.

Hy vọng rằng với những thông tin trên có thể giúp các bạn phân biệt được hai khái niệm Ure và BUN và không dùng lẫn lộn trong lâm sàng.


CHIA SẺ BÀI VIẾT

Bài cùng chủ đề

Bệnh thận - Tiết niệu

    Bệnh tim mạch

      Bệnh cơ-xương-khớp

        Bệnh nội tiết-chuyển hóa

          Bệnh tiêu hóa

            Bệnh phổi - phế quản

              Bệnh Thần kinh - Tâm thần

                Bệnh truyền nhiễm

                  Bệnh nhi khoa

                    Cận lâm sàng

                      Bệnh khác

                        Thuốc

                          Vật lý trị liệu

                            Phục hồi chức năng

                              Tư vấn và Chia sẻ thông tin

                                Sách đã xuất bản của Hà Hoàng Kiệm

                                  Bài báo khoa học

                                    SÁCH CỦA TÔI