Tìm hiểu về Hội chứng thận hư

Cập nhật: 15/11/2016 Lượt xem: 5336

Tìm hiểu về Hội chứng thận hư

(Bài đăng trên tạp chí sức khỏe và đời sống, BYT số cuối tháng 11.2016)

PGS.TS. Hà Hoàng Kiệm, BV 103

Hội chứng thận hư là gì?

Hội chứng thận hư không phải là một bệnh mà là một hội chứng bệnh lý xảy ra ở những bệnh nhân bị các bệnh cầu thận trong giai đoạn tiến triển nặng của bệnh. Hội chứng thận hư được đặc trưng bởi phù, protein trong nước tiểu lớn hơn hoặc bằng 3,5g/24giờ, protein và albumin trong máu giảm nặng (dưới 60g/l và dưới 30g/l), lipid trong máu tăng.

Hội chứng thận hư trước đây còn được gọi là “thận hư nhiễm mỡ” nhưng thuật ngữ này hiện nay không còn được dùng nữa. Hội chứng thận hư có thể xảy ra ở cả trẻ em và người lớn, có thể xảy ra là khởi đầu của bệnh thận hoặc xảy ra ở người đã phát hiện có bệnh thận từ trước.

Nguyên nhân của hội chứng thận hư?

Hội chứng thận hư gồm hội chứng thận hư nguyên phát (không tìm thấy nguyên nhân) và hội chứng thận hư thứ phát.

+ Hội chứng thận hư nguyên phát bao gồm hội chứng thận hư đơn thuần hay bệnh cầu thận tổn thương tối thiểu, loại này thường gặp ở trẻ em và có tiên lượng tốt. Hội chứng thận hư do viêm cầu thận mạn nguyên phát thường xảy ra ở người lớn và có tiên lượng kém.

+ Hội chứng thận hư thứ phát xảy ra ở bệnh cầu thận thứ phát do bệnh đái tháo đường, bệnh lupus ban đỏ hệ thống và các bệnh collagen khác, bệnh thận nhiễm bột, các bệnh cầu thận do nhiễm trùng, nhiễm ký sinh trùng, bệnh cầu thận do thuốc, do hóa chất, do ung thư, do dị ứng…

Biểu hiện của hội chứng thận hư?

+ Phù là triệu chứng nổi bật với đặc điểm phù toàn thân, tiến triển nhanh và nặng, có thể tràn dịch màng bụng, tràn dịch màng phổi, tràn dịch màng tim, tràn dịch màng tinh hoàn. Bệnh nhân có thể tăng vài cân tới hàng chục cân trong vòng vài ngày hoặc vài tuần.

+ Xét nghiệm nước tiểu thấy protein niệu cao trên hoặc bằng 3,5g/24 giờ, nhiều trường hợp lên tới 10-20g/24 giờ. Protein niệu càng cao thì bệnh càng nặng.

+ Xét nghiệm máu thấy lượng protein máu giảm thấp dưới 60g/l, albumin máu giảm dưới 30g/l. Protein và albumin máu càng thấp thì bệnh càng nặng. Lipid máu tăng, tăng cả cholessterol và triglycerid.

Tốc độ máu lắng tăng cao do mất cân bằng điện tích giữa albumin và globulin không phải do nhiễm khuẩn.

Hội chứng có thể gây ra những biến chứng gì?

+ Làm suy giảm chức năng thận, có thể gây ra suy thận cấp hoặc làm suy thận mạn tiến triển nặng thêm, làm mất dần chức năng thận.

+ Gây suy dinh dưỡng nhất là ở trẻ em và cả người lớn do mất nhiều protein qua nước tiểu.

+ Nguy cơ nhiễm khuẩn tăng do mất các globulin miễn dịch qua nước tiểu, hay gặp viêm phổi, viêm mô tế bào, zona, nhiễm khuẩn tiết niệu, viêm phúc mạc tiên phát, nhiễm khuẩn huyết do phế cầu hoặc các vi khuẩn khác.

+ Nghẽn tắc mạch: có thể nghẽn tắc động mạch chi biểu hiện đau chi, da đầu chi tái lạnh, không bắt được mạch ở sau chỗ tắc, có thể gây hoại tử chi và phải cắt cụt chi. Nghẽn tắc mạch não gây đột quỵ nhồi máu não. Nghẽn tắc tĩnh mạch sâu như tĩnh mạch đùi gây phù không cân đối hai chân. Nghẽn tắc tĩnh mạch thận gây suy giảm nhanh chức năng thận….

+ Giảm calci máu có thể gây cơn tetani (cơn co rút các ngón tay làm bàn tay giống bàn tay người đỡ đẻ).

Điều trị hội chứng thận hư như thế nào?

Để điều trị hội chứng thận hư nguyên phát các bác sĩ sẽ phải dùng các thuốc corticoid hoặc các thuốc ức chế miễn dịch khác như cyclophosphamid, cyclosporine…Các thuốc này phải dùng liều cao tấn công trong 2-4 tháng, củng cố 4-6 tháng và duy trì 1 năm do vậy có thể có nhiều tác dụng không mong muốn của thuốc xảy ra. Người bệnh cần tuân thủ đúng yêu cầu điều trị, không được tự ý thay đổi liều thuốc hay dừng thuốc đột ngột và phải được theo dõi bởi các bác sĩ trong suốt thời gian điều trị.

Điều trị hội chứng thận hư thứ phát chủ yếu điều trị bệnh là nguyên nhân gây ra hội chứng thận hư như điều trị đái tháo đường, điều trị lupus ban đỏ hệ thống…

Cả hội chứng thận hư nguyên phát và thứ phát cần điều trị triệu chứng như điều trị phù, bổ xung đạm, điều trị tăng huyết áp nếu có tăng huyết áp, điều trị các biến chứng nếu có biến chứng…

Bệnh nhân cần được nhập viện trong giai đoạn đầu sau đó điều trị ngoại trú. Bệnh nhân cần được nghỉ ngơi hợp lý nhưng cần được vận động phù hợp theo hướng dẫn, tuân thủ chế độ ăn theo hướng dẫn của các bác sĩ, bỏ hút thuốc lá, bỏ uống rượu bia.


CHIA SẺ BÀI VIẾT

Bài cùng chủ đề

Bệnh thận - Tiết niệu

    Bệnh tim mạch

      Bệnh cơ-xương-khớp

        Bệnh nội tiết-chuyển hóa

          Bệnh tiêu hóa

            Bệnh phổi - phế quản

              Bệnh Thần kinh - Tâm thần

                Bệnh truyền nhiễm

                  Bệnh nhi khoa

                    Cận lâm sàng

                      Bệnh khác

                        Thuốc

                          Vật lý trị liệu

                            Phục hồi chức năng

                              Tư vấn và Chia sẻ thông tin

                                Sách đã xuất bản của Hà Hoàng Kiệm

                                  Bài báo khoa học

                                    SÁCH CỦA TÔI