Đau nửa đầu (Migraine)

Cập nhật: 31/03/2016 Lượt xem: 13821

Đau nửa đầu (Migraine)

PGS.TS. Hà Hoàng Kiệm, BV 103 

Hình 1: Đau đầu - Tranh biếm họa của George Cruikshank

1. Đại cương

1.1. Khái niệm

Đau nửa đầu thuộc loại bệnh lý đau đầu do căn nguyên mạch, có đặc điểm cơ bản là: đau nửa đầu từng cơn, thường ở một bên đầu nhưng cũng có thể đổi bên, gặp nhiều ở tuổi thanh thiếu niên, ở nữ gặp nhiều hơn nam và đa số có yếu tố gia đình.

Đau nửa đầu điển hình thường chỉ ảnh hưởng một bên đầu, nhức và kéo dài từ 4 đến 72 giờ đồng hồ, với những triệu chứng kèm theo như buồn nôn, nôn mửa, sợ ánh sáng (nhạy cảm với ánh sáng hơn), và sợ âm thanh (nhạy cảm với âm thanh hơn). Khoảng một phần ba người bị chứng đau nửa đầu cảm nhận được tiền triệu ('aura') là các hình ảnh, mùi vị, hoặc một cảm nhận giác quan không bình thường báo hiệu cơn đau nửa đầu sắp diễn ra.

Nguyên nhân của đau nửa đầu chưa rõ ràng; giả thuyết được chấp nhận phổ biến nhất là bệnh lý của hệ thống thần kinh sử dụng chất dẫn truyền thần kinh serotonin. Có một số loại đau nửa đầu khác nhau, một số bắt nguồn từ thân não (với sự rối loạn vận chuyển ion canxi và kali) và một số là do di truyền. Nghiên cứu các cặp song sinh cho thấy 60% đến 65% có ảnh hưởng của di truyền đến phát triển bệnh đau nửa đầu. Ngoài ra, thay đổi nồng độ hoóc môn cũng có liên quan đến đau nửa đầu: 75% bệnh nhân người lớn là phụ nữ, mặc dù tỉ lệ này ngang nhau đối với trẻ em nam và nữ tiền dậy thì; đau nửa đầu có xu hướng biến mất khi đang mang thai, nhưng một số phụ nữ lại bị đau nửa đầu nhiều hơn khi mang thai.

1.2. Dịch tễ học

Đau nửa đầu là một bệnh rất phổ biến, ảnh hưởng tới 12–28% dân số ở bất cứ một giai đoạn nào trong cuộc sống. Tuy nhiên, con số này (tỉ lệ bệnh trong cả cuộc đời) không cho thấy một bức tranh rõ ràng về số người đang bị bệnh tại một thời điểm nhất định nào đó. Vì thế, bệnh đau nửa đầu thường được đánh giá dựa trên tỉ lệ bệnh trong một năm (là số bệnh nhân có nhiều hơn 1 cơn đau trong năm đó). Con số thứ ba là tỉ lệ mắc mới (là số cơn đau xuất hiện lần đầu tiên ở một lứa tuổi nhất định) và giúp đánh giá diễn biến bệnh tăng hay giảm theo thời gian như thế nào.

Dựa trên các kết quả của một số nghiên cứu, tỉ lệ bệnh trong một năm là khoảng từ 6–15% ở đàn ông trưởng thành và từ 14–35% ở phụ nữ trưởng thành. Con số này thay đổi rất nhiều theo lứa tuổi: khoảng 4–5% trẻ em dưới 12 tuổi bị đau nửa đầu, không có sự khác biệt nhiều giữa nam và nữ. Tỉ lệ mắc mới tăng rất nhanh ở nữ sau tuổi dậy thì, và tiếp tục tăng khi trưởng thành. Đến khi bắt đầu độ tuổi trung niên, khoảng 25% phụ nữ đã từng bị đau nửa đầu ít nhất 1 lần một năm, so với tỉ lệ <10% ở nam giới. Sau khi mãn kinh, các cơn đau ở phụ nữ giảm đáng kể, và cho đến độ tuổi trên 70 thì số lượng bệnh nhân nam và nữ lại xấp xỉ nhau, với tỉ lệ bệnh trở lại khoảng 5%.

Ở mọi lứa tuổi, đau nửa đầu không có tiền triệu phổ biến hơn có tiền triệu, với tỉ lệ trong khoảng từ 1.5:1 đến 2:1. Các số liệu về tỉ lệ mắc mới cho thấy các cơn đau ở phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ nhiều hơn chủ yếu là các cơn đau nửa đầu không có tiền triệu. Vì thế ở lứa tuổi tiền dậy thì và sau mãn kinh, đau nửa đầu có tiền triệu có phần phổ biến hơn lứa tuổi từ 15–50.

Có mối liên hệ mật thiết giữa tuổi, giới tính và các loại đau nửa đầu.

Sự khác nhau về tỉ lệ bệnh giữa các vùng địa lý khác nhau không thực sự đáng kể. Các nghiên cứu cho thấy ở Châu Á và Nam Mỹ, tỉ lệ bệnh tương đối thấp, nhưng cũng không vượt ra ngoài khoảng giá trị của Châu Âu và Bắc Mỹ. Tỉ lệ mắc mới của bệnh đau nửa đầu có liên quan đến tỉ lệ mắc bệnh động kinh trong các gia đình, tỉ lệ đau nửa đầu cao gấp đôi ở những người có người thân bị động kinh, và càng phổ biến hơn ở những bệnh nhân động kinh.

Hình 2: Tỉ lệ mắc bệnh theo lứa tuổi và giới tính. F (Female): nữ, M (Male): nam.

1.3. Phân loại

Hiệp hội Quốc tế về Bệnh đau đầu (IHS) đã đưa ra hướng dẫn phân loại và chẩn đoán bệnh đau nửa đầu trong cuốn "Phân loại chuẩn quốc tế các rối loạn đau đầu, Tái bản" (ICHD-2). Theo ICHD-2, có bảy loại đau nửa đầu (trong đó một số loại được phân loại nhỏ hơn)

(1). Đau nửa đầu không có tiền triệu, hay đau nửa đầu loại thường, là các trường hợp đau nửa đầu không đi kèm tiền triệu (thay đổi cảm giác, thị giác…).

(2). Đau nửa đầu có tiền triệu là các trường hợp đau nửa đầu đi kèm tiền triệu.

- Một số ít trường hợp có tiền triệu nhưng không bị đau đầu, hay có đau đầu nhưng không phải đau nửa đầu. Có hai nhóm khác là

- Đau nửa đầu ảnh hưởng bán thân di truyền

- Đau nửa đầu ảnh hưởng bán thân không di truyền

Trong đó bệnh nhân bị đau nửa đầu có tiền triệu đi kèm sự giảm khả năng vận động. Nếu hai người có họ hàng mật thiết cùng bị thì được coi là "di truyền", nếu không thì được coi là "không di truyền".

(3) Một nhóm khác là "đau nửa đầu liên quan đến động mạch nền", trong đó đau đầu và tiền triệu đi kèm với hiện tượng khó nói, chóng mặt, ù tai, và một số triệu chứng có liên quan đến thân não, nhưng không bị giảm khả năng vận động.

(4). Hội chứng định kỳ ở trẻ em thường là tiền thân của đau nửa đầu bao gồm nôn mửa theo chu kỳ (thỉnh thoảng có giai đoạn bị nôn mửa nhiều), đau bụng liên quan đến đau nửa đầu (đau bụng, thường đi kèm với buồn nôn), và chóng mặt cực điểm lành tính ở trẻ em (thỉnh thoảng bị chóng mặt).

(5). Đau nửa đầu võng mạc liên quan đến đau nửa đầu đi kèm rối loạn thị giác hoặc thậm chí không nhìn thấy gì ở một bên mắt.

(6). Biến chứng đau nửa đầu khi đau nửa đầu và tiền triệu kéo dài bất thường hoặc xảy ra nhiều bất thường, hoặc đi kèm co giật hay tổn thương não.

(7). Khả năng đau nửa đầu khi các triệu chứng có một số đặc điểm của đau nửa đầu nhưng chưa đủ bằng chứng để kết luận là đau nửa đầu một cách chắc chắn.

1.4. Bệnh sinh

- Lý thuyết Sự phân cực:

Lý thuyết này cho rằng ức chế lan tỏa trên vỏ não có thể là nguyên nhân của đau nửa đầu. Trong hiện tượng ức chế lan tỏa trên vỏ não, hoạt động thần kinh bị ức chế trên một vùng vỏ não. Hiện tượng này làm giải phóng các yếu tố gây viêm dẫn đến việc kích thích gốc các dây thần kinh sọ, nhất là dây thần kinh sinh ba, là dây thần kinh truyền đạt các thông tin về cảm giác ở mặt và phần lớn đầu. Quan điểm này được củng cố bởi công nghệ chụp ảnh não, nhờ đó thấy được đau nửa đầu chủ yếu là bệnh lý của não (thuộc thần kinh) chứ không phải của mạch máu (thuộc vận mạch). Sự phân cực lan tỏa (thay đổi điện não) có thể bắt đầu 24 giờ trước cơn đau, và cơn đau bắt đầu khi diện tích não bị phân cực là lớn nhất. Một nghiên cứu của Pháp năm 2007 đã sử dụng kỹ thuật chụp cắt lớp giải phóng positron Positron Emission Tomography (PET) và phát hiện rằng vùng dưới đồi có liên quan đáng kể tới những giai đoạn sớm của cơn đau.

- Lý thuyết Mạch máu:

Cơn Migraine do cả 2 quá trình co và giãn mạch gây nên, đó là 2 pha nối tiếp nhau.

+ Pha co mạch xảy ra ở đầu cơn. Trong giai đoạn này Serotonin được giải phóng  ồ ạt từ  các tiểu cầu gây co mạch của vỏ não và các tổ chức ngoài sọ. Hiện tượng này không gây đau đầu mà gây các triệu chứng khu trú thoảng qua trên lâm sàng. Đồng thời Serotonin làm tăng tính thấm thành mạch tạo điều kiện cho các Plasmakinin thoát ra ngoài gây mẫn cảm các thụ cảm thể đau quanh mạch. Tổ chức quanh mạch bị phù nề, viêm vô khuẩn. Sau đó Serotonin bị phân huỷ bởi các men Monoaminooxydaza. Sự phân huỷ Serotonin kể trên làm cho nồng độ Serotonin trong máu giảm đột ngột dẫn tới mất trương lực thành mạch và gây nên pha thứ 2. 

+ Pha dãn mạch. Trong pha này các động mạch, tiểu động mạch, tĩnh mạch, tiểu tĩnh mạch (đặc biệt ở vùng động mạch thái dương, động mạch chẩm và động mạch màng não giữa) bị dãn, biên độ mạch của các động mạch đó tăng dẫn đến triệu chứng đau đầu trên lâm sàng. Hiện tượng này còn liên quan đến quá trình mở bất thường các Shunt động- tĩnh mạch trong tuần hoàn sọ não.

- Lý thuyết Serotonin:

Serotonin là một chất dẫn truyền thần kinh, hay "hóa chất thông tin" giúp truyền thông điệp giữa các tế bào thần kinh. Nó giúp kiểm soát tình khí, cảm nhận đau, hành vi tình dục, giấc ngủ, cũng như sự co giãn mạch máu. Nồng độ serotonin thấp trong não có thể dẫn đến quá trình co giãn mạch máu và kích hoạt cơn đau nửa đầu. Các thuốc loại Triptan kích hoạt các thụ thể serotonin để dừng cơn đau nửa đầu

- Lý thuyết thần kinh:

Khi một số dây thần kinh nhất định hoặc một vùng trên thân não bị kích thích, cơn đau bắt đầu. Đáp ứng lại sự kích thích, cơ thể giải phóng các hóa chất gây viêm mạch máu. Các hóa chất đó tiếp tục gây kích thích thêm các dây thần kinh và mạch máu và gây ra đau. Hoạt chất P là một trong những hoạt chất được giải phóng khi bị kích thích lúc đầu. Cảm giác đau tăng lên khi hoạt chất P giúp chuyển dấu hiệu đau lên não

- Lý thuyết tổng hợp:

Cả hai ảnh hưởng của mạch máu và thần kinh gây ra đau nửa đầu.

+ Stress kích hoạt những thay đổi ở não.

+ Những thay đổi này làm giải phóng serotonin.

+ Mạch máu co dãn.

+ Các hóa chất bao gồm hoạt chất P kích thích dây thần kinh và mạch máu tạo ra phản ứng viêm thần kinh và đau

2. Lâm sàng và chẩn đoán

2.1. Dấu hiệu và triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng thường khác nhau đối với mỗi bệnh nhân. Vì thế cảm giác của bệnh nhân trước, trong và sau mỗi cơn đau thường không được xác định chính xác. Có bốn giai đoạn phổ biến sau đây trong một cơn đau nửa đầu, nhưng không phải tất cả bệnh nhân đều trải qua. Ngoài ra, các giai đoạn và các triệu chứng trong từng giai đoạn cũng có thể khác nhau trong từng lần đau ở cùng một bệnh nhân:

- Giai đoạn Triệu chứng sớm, có thể xảy ra vài giờ hoặc vài ngày trước khi bị đau đầu.

- Giai đoạn Tiền triệu, xảy ra ngay trước cơn đau.

- Giai đoạn đau.

- Giai đoạn sau cơn đau.

2.1.1. Giai đoạn triệu chứng sớm

Các triệu chứng sớm xảy ra ở 40–60% bệnh nhân đau nửa đầu. Giai đoạn bao gồm: thay đổi tính khí, ngứa ngáy, trầm cảm hoặc tâm trạng phởn phơ, mệt mỏi, ngáp, ngủ rất nhiều, thèm ăn một món gì đó (ví dụ như sô cô la), căng cơ (nhất là cơ cổ), táo bón hoặc tiêu chảy, tiểu nhiều hơn, và các triệu chứng về phủ tạng. Những triệu chứng này xảy ra trước cơn đau vài giờ hoặc vài ngày, và bệnh nhân cũng như người nhà có thể dựa vào kinh nghiệm để dự đoán trước cơn đau.

2.1.2. Giai đoạn tiền triệu

Đối với 20–30% bệnh nhân đau nửa đầu có kèm tiền triệu, hiện tượng này là một hiện tượng thần kinh tập trung xảy ra trước hoặc trong một cơn đau đầu. Chúng xuất hiện dần dần từ 5 đến 20 phút và thường kéo dài không quá 60 phút. Giai đoạn đau đầu thường xảy ra trong vòng 60 phút sau giai đoạn tiền triệu, nhưng đôi khi là vài giờ sau, và thậm chí có thể không có cơn đau đầu. Triệu chứng của tiền triệu trong đau nửa đầu có thể là về hình ảnh, cảm giác hoặc vận động trong tự nhiên.

- Tiền triệu về thị giác là hiện tượng thần kinh phổ biến nhất. Đó là sự thay đổi về hình ảnh bao gồm những tia sáng lóe không định hình màu đen trắng hoặc thỉnh thoảng là những tia sáng có màu (chứng lóe sáng) hoặc sự hình thành của những đường zic zắc chói mắt (ám điểm chói lóa; thường được sắp xếp như lỗ châu mai của lâu đài, vì thế còn có tên là "hình ảnh pháo đài" hoặc tiếng Anh là "teichopsia"). Một số bệnh nhân mô tả hình ảnh mờ ảo giống như đang nhìn qua một lớp kính mờ hoặc dày, hoặc trong một số trường hợp là hình ảnh đường hầmmất hình ảnh một bên.

- Tiền triệu ở thần kinh xúc giác trong đau nửa đầu bao gồm rối loạn xúc giác ở tay và miệng, cảm giác kim châm ở bàn tay và cánh tay cũng như khu vực mũi miệng cùng bên. Rối loạn xúc giác lan tỏa lên cánh tay rồi lên vùng mặt, môi và lưỡi.

- Những triệu chứng khác trong giai đoạn tiền triệu bao gồm ảo giác thính giác và khứu giác, chứng mất khả năng hiểu ngôn ngữ tạm thời, chóng mặt, cảm giác kiến bò và tê ở mặt và đầu chi, và xúc giác quá nhạy cảm.

2.1.3. Giai đoạn đau đầu

Kiểu đau nửa đầu điển hình thường là một bên, đau nhói, mức độ từ trung bình đến nặng và có thể bị nặng hơn khi hoạt động thể chất. Nhưng không phải lúc nào cũng có tất cả các biểu hiện đó. Cơn đau có thể ở cả hai bên khi mới bắt đầu hoặc bắt đầu ở một bên và dần chuyển sang cả hai bên, và thường đổi bên mỗi lần đau. Bắt đầu cơn đau thường từ từ. Cơn đau lên đến đỉnh điểm rồi lắng xuống và thường kéo dài từ 4 đến 72 giờ ở người lớn và 1 đến 48 giờ ở trẻ em. Tần suất các cơn đau rất khác nhau, từ những trường hợp chỉ bị vài lần trong đời cho đến những người bị vài lần một tuần, và trung bình bệnh nhân bị từ một đến ba lần một tháng. Mức độ đau cũng rất khác nhau tùy từng lần đau.

Cơn đau nửa đầu thường đi kèm với các biểu hiện khác.

- Buồn nôn xảy ra ở khoảng 90% bệnh nhân, và nôn mửa xảy ra ở khoảng 1/3 số bệnh nhân.

- Rất nhiều bệnh nhân bị quá nhạy cảm như bị chứng sợ ánh sáng, chứng sợ âm thanh, chứng sợ mùi và có xu hướng tìm khu vực tối và yên tĩnh.

- Cảm giác hình ảnh bị mờ, bị ngạt mũi, tiêu chảy, tiểu nhiều, tái xanh, hoặc đổ mồ hôi cũng có thể thấy trong giai đoạn đau đầu.

- Có trường hợp bị phù cục bộ ở da đầu và mặt, da đầu nhạy cảm, tĩnh mạch hoặc động mạch nổi lên ở vùng thái dương, bị căng cứng hoặc bị mềm ở vùng cổ.

- Mất khả năng tập trung và thay đổi cảm xúc cũng phổ biến. Đầu chi thường cảm thấy lạnh và ẩm ướt. Cũng có thể bị chóng mặt; trong một dạng đau nửa đầu điển hình gọi là đau nửa đầu tiền đình. Bị hoa mắt, chứ không phải chóng mặt thực sự, và cảm giác choáng váng cũng có thể diễn ra.

2.1.4. Giai đoạn sau cơn đau

Bệnh nhân có thể cảm thấy mệt mỏi hoặc chán nản và đau đầu, nhận thức khó khăn, các triệu chứng về hệ tiêu hóa, thay đổi tính khí, và thấy yếu ớt. Một số người lại cảm thấy khoan khoái, tỉnh táo lạ thường sau cơn đau, trong khi đó một số lại cảm thấy trầm cảm và phiền muộn. Thường thì một số triệu chứng nhỏ trong giai đoạn đau đầu vẫn tiếp tục, như chán ăn, sợ ánh sáng, và hoa mắt. Đối với một số bệnh nhân, ngủ từ 5 đến 6 tiếng có thể làm giảm cơn đau, nhưng đau đầu nhẹ vẫn có thể xảy ra khi người bệnh đứng dậy hoặc ngồi xuống quá nhanh. Những triệu chứng này có thể biến mất sau một buổi tối ngủ ngon, mặc dù không phải lúc nào cũng thế. Một số người có triệu chứng và sự hồi phục khác với người khác

2.1.5. Yếu tố kích hoạt cơn đau

Từ điển Bách khoa toàn thư Y học MedlinePlus, đưa ra danh sách các yếu tố kích hoạt cơn đau nửa đầu như sau:

- Dị ứng

- Ánh sáng mạnh, âm thanh lớn, hoặc một số loại mùi hoặc nước hoa nào đó

- Stress về thể chất hoặc tinh thần

- Thay đổi về giấc ngủ

- Hút thuốc lá hoặc ngửi mùi thuốc lá

- Bỏ bữa

- Sử dụng đồ uống có cồn

- Thay đổi trong Chu kỳ kinh nguyệt, sử dụng thuốc tránh thai, thay đổi hoóc môn trong thời kỳ tiền mãn kinh

- Đau đầu căng thẳng

- Sử dụng thức ăn có chứa tyramine (rượu vang đỏ, pho mát lâu ngày, cá xông khói, gan gà, quả vả, và một số loại đậu), Natri glutamat (MSG) hoặc muối nitrat (như trong thịt muối, xúc xích hoặc xúc xích salami)

- Các loại thức ăn khác như sô cô la, các loại hạt, bơ lạc, quả bơ, chuối, các loại quả họ cam quýt, hành, các sản phẩm từ sữa, thức ăn muối hoặc lên men.

Đôi khi đau nửa đầu xuất hiện mà không có một "lý do" nào cả. Lý thuyết về yếu tố kích hoạt coi rằng việc tiếp cận với những yếu tố trong môi trường là tiền đề, hay kích hoạt cơn đau. Bệnh nhân đau nửa đầu được khuyến cáo nên tự tìm ra những yếu tố kích hoạt đối với bản thân bằng cách tìm những mối liên quan giữa cơn đau với các yếu tố khác nhau và làm "nhật ký đau đầu" để ghi lại việc ăn uống vào thời điểm bị đau để tìm những mối tương quan để tránh ăn các món gây ra cơn đau. Cũng cần nói rằng một số yếu tố kích hoạt mang tính chất định tính, ví dụ như một ít sô cô la đen có thể không gây đau nửa đầu nhưng nửa phong sô cô la lại gây đau đối với một người bệnh. Ngoài ra, việc tiếp cận với nhiều hơn một yếu tố cùng một lúc cũng làm người bệnh dễ bị đau hơn là chỉ có một yếu tố tách biệt. Ví dụ như ăn và uống một số đồ ăn thức uống gây đau đầu trong một ngày nóng ẩm, trong khi đang cảm thấy stress và thiếu ngủ sẽ dễ dẫn đến đau nửa đầu, nhưng nếu chỉ ăn một thức ăn gây đau, trong một ngày mát trời, sau một đêm ngủ ngon và không bị stress có thể không gây đau đầu. Vì vậy, có thể khó tránh bị đau nửa đầu, nhưng nếu ghi lại nhật ký đau đầu chính xác và thay đổi lối sống phù hợp thì có thể làm cuộc sống của người bệnh tốt đẹp hơn. Một số yếu tố nói chung là không thể tránh khỏi, ví dụ như thời tiết hoặc cảm xúc, nhưng bằng cách hạn chế những yếu tố có thể tránh được, những yếu tố không tránh được còn lại sẽ có ảnh hưởng tới người bệnh ít hơn.

- Thức ăn: Rất nhiều người bệnh đã giảm số lần đau nhờ xác định và tránh được những loại thức ăn có khả năng kích hoạt cơn đau. Tuy nhiên cần có những nghiên cứu rõ ràng hơn về điều này.

- Gluten: Ở một số bệnh nhân, đau nửa đầu giảm hoặc biến mất hẳn khi loại trừ gluten ra khỏi khẩu phần ăn. Đối với những người bị bệnh celiac hoặc các dạng bệnh dị ứng gluten khác, đau nửa đầu có thể là triệu chứng khi cơ thể không dung nạp gluten. Hình ảnh chụp cộng hưởng từ cho thấy ở một số người bị viêm hệ thần kinh trung ương do phản ứng với gluten. 7/9 người trong một nghiên cứu khi thực hiện khẩu phần ăn không có gluten đều khỏi đau đầu hẳn.

- Aspartame: Mặc dù một số giả thuyết cho rằng aspartame kích hoạt cơn đau nửa đầu và có một số bằng chứng nhỏ, nhưng vẫn chưa được y học chứng minh.

- MSG (Natri glutamat: mì chính) hay MSG được ghi nhận là một yếu tố phổ biến gây đau nửa đầu (12%). Trong một thử nghiệm sử dụng giả dược có kiểm soát (placebo-controlled trial), Natri glutamat (MSG) với liều lượng lớn (2.5 gram) ăn khi dạ dày trống rỗng có liên quan tới các triệu chứng xấu bao gồm đau đầu nhiều hơn nhóm dùng giả dược (placebo). Nhưng một thử nghiệm lâm sàng khác lại không tìm ra sự khác biệt nào khi đưa thêm 3.5g MSG vào thức ăn.

- Tyramine: Tổ chức Quốc gia về Bệnh Đau đầu của Hoa Kỳ có một danh sách các yếu tố thức ăn kích hoạt dựa trên giả thuyết về tyramine trong đó nêu rõ những loại thức ăn nào ăn được, những loại cần chú ý khi ăn và những loại cần tránh. Tuy nhiên, một bài tổng hợp nghiên cứu vào năm 2003 đã kết luận rằng không có bằng chứng khoa học nào về tác động của tyramine đối với bệnh đau nửa đầu.

- Các yếu tố liên quan đến thức ăn khác: Một bài tổng hợp nghiên cứu năm 2005 cho thấy những thông tin có được hiện nay về các yếu tố kích hoạt đau nửa đầu đa phần dựa vào đánh giá chủ quan của bệnh nhân. Một số giả thuyết khi ngờ các yếu tố thức ăn gây đau nửa đầu, song một số khác cho rằng các yếu tố thức ăn chưa được chứng minh là có thể kích hoạt cơn đau nửa đầu. Các tác giả tổng hợp rằng việc cai nghiện đồ uống có cồn và cafein, và bỏ bữa ăn là những yếu tố kích hoạt cơn đau nửa đầu nhiều nhất có liên quan đến ăn uống, rằng việc mất nước cũng cần được chú ý hơn, và rằng một số bệnh nhân có dị ứng với rượu vang đỏ. Có rất ít và hầu như không có bằng chứng cho thấy sự liên quan giữa đau nửa đầu với các yếu tố kích hoạt mà mọi người vẫn nghĩ là phổ biến như sô cô la, pho mát, histamine, tyramine, các muối nitrat hoặc nitrit. Tuy nhiên, các tác giả cũng lưu ý rằng, mặc dù việc hạn chế ăn uống không tỏ ra hiệu quả trong điều trị đau nửa đầu, bệnh nhân vẫn nên tránh các yếu tố chắc chắn gây ra đau nửa đầu.

- Thời tiết

Một vài nghiên cứu thấy rằng một số cơn đau nửa đầu được kích hoạt bởi thời tiết. Một nghiên cứu cho thấy 62% đối tượng nghiên cứu cho rằng thời tiết là một yếu tố nhưng chỉ 51% nhạy cảm với sự thay đổi thời tiết. Trong số những người thực sự bị đau khi thời tiết thay đổi, các đối tượng thường chỉ ra một sự thay đổi thời tiết khác với thông tin thời tiết thực tế. Các yếu tố kích hoạt cơn đau nhiều nhất theo thứ tự như sau:

+ Nhiệt độ và độ ẩm. Độ ẩm cao đi kèm với nhiệt độ cao hoặc thấp là nguyên nhân lớn nhất.

+ Thay đổi đáng kể về thời tiết

+ Thay đổi áp suất không khí

- Các yếu tố khác

Một nghiên cứu thấy rằng, đối với một số bệnh nhân ở Ấn Độ, gội đầu trong khi tắm cũng là một yếu tố kích hoạt cơn đau đầu. Tác động gây đau còn phụ thuộc vào việc làm tóc khô như thế nào sau khi gội. Một số loại nước hoa mạnh cũng được coi là một yếu tố kích hoạt, và bệnh nhân cũng nhạy cảm hơn đối với mùi hương do tác động của tiền triệu.

2.2. Chẩn đoán

Việc chẩn đoán migraine hoàn toàn dựa vào triệu chứng lâm sàng mà chưa có xét nghiệm hoặc dấu ấn sinh học nào là đặc hiệu để chẩn đoán kể cả chẩn đoán hình ảnh. Tuy nhiên, chẩn đoán hình ảnh có thể giúp chúng ta chẩn đoán phân biệt các thể Migraine không điển hình hoặc thể Migraine có biến chứng liệt nửa người với các loại nhức đầu khác có tổn thương thực thể ở não như: Dị dạng mạch não, u não, tụ máu... Ngoài ra, Chẩn đoán hình ảnh còn có thể loại trừ được các tổn thương liên quan đến vùng răng hàm mặt và vùng Tai mũi họng.

- Chẩn đoán đau nửa đầu không đi kèm tiền triệu có thể được thực hiện dựa theo tiêu chuẩn "5,4,3,2,1" của Hiệp hội Quốc tế về Bệnh đau đầu:

+ Nhiều hơn 5 cơn đau

+ Kéo dài 4 giờ đến 3 ngày

+ Có nhiều hơn 2 biểu hiện sau

* Ảnh hưởng một bên, có đặc tính nhức/đau co bóp, đau từ trung bình đến nặng, bị nặng thêm nếu hoạt động thể chất hoặc có xu hướng tránh hoạt động thể chất.

* Có nhiều hơn 1 triệu chứng đi kèm sau: buồn nôn và/hoặc nôn mửa, chứng sợ ánh sáng, chứng sợ âm thanh

- Đối với đau nửa đầu có tiền triệu, chỉ cần 2 cơn đau là đủ để kết luận bệnh.

Đau nửa đầu cần được phân biệt với các nguyên nhân gây đau đầu khác như Đau đầu cụm (đau đầu chuỗi). Đó là kiểu đau đầu một bên rất nặng cảm giác như bị đâm. Thời gian một cơn đau thường là 15 phút đến 3 tiếng. Bắt đầu của một cơn đau thường xảy ra rất nhanh và đa số là không có dấu hiệu báo trước điển hình như đau nửa đầu.

Bảng 1. Tiêu chuẩn chẩn đoán đau nửa đầu không có dấu hiệu báo cơn (aura) của Hội Quốc tế nghiên cứu về đau đầu (International Headache Society)

Nguồn: The Lancet handbook of treatment in neurology, 1st edition. 2006. 

A. Có ít nhất 5 cơn đau đầu hội đủ các tiêu chuẩn B-D

B. Các cơn đau đầu kéo dài 4 – 72 giờ (không điều trị hoặc điều trị không kết quả)

C. Đau đầu có ít nhất hai trong số các đặc điểm sau:

- Khu trú ở một bên.

- Có tính chất mạch đập.

- Cường độ đau từ vừa đến nặng.

- Gia tăng nặng thêm do hoặc khiến bệnh nhân phải tránh các hoạt động thể lực thường ngày (vd: đi bộ hoặc leo cầu thang)

D. Trong cơn đau đầu có ít nhất một trong các triệu chứng sau:

- Buồn nôn hoặc nôn.

- Sợ ánh sáng và sợ tiếng động.

Một bộ câu hỏi sàng lọc ngắn đã được kiểm chứng có giá trị dự báo dương tính 93% (khi 2 trong 3 câu hỏi được bệnh nhân trả lời “có”) và có giá trị dự báo dương tính 98% (khi cả 3 câu hỏi được trả lời “có”)

Bộ câu hỏi này có thể được ghi nhớ bằng từ viết tắt PIN là các chữ cái đầu của các câu hỏi (PIN the diagnosis of migraine).

  • P (photophobia) – Sợ ánh sáng: Trong cơn đau đầu ánh sáng có làm cho ông (bà) khó chịu nhiều hơn khi ông (bà) không bị đau đầu không?
  • I (Impairment) – Suy giảm khả năng hoạt động: Tình trạng đau đầu có làm ông (bà) bị hạn chế khả năng làm việc, học tập hoặc làm công việc cần thiết trong ít nhất một ngày không?
  • N (Nausea) – Buồn nôn: Ông (bà) có cảm thấy buồn nôn hoặc khó chịu ở dạ dày không?

3. Điều trị

Phương pháp điều trị truyền thống tập trung vào 3 điểm:

- Tránh yếu tố kích hoạt.

- Điều trị triệu chứng.

- Điều trị dự phòng:

Bệnh nhân đau nửa đầu thường thấy các loại thuốc dự phòng không đạt được hiệu quả 100% hoặc đôi khi không có tác dụng gì. Các loại thuốc được coi là "hiệu quả" nếu nó có thể làm giảm 50% tần số hoặc mức độ cơn đau.

Đối với những bệnh nhân đau nửa đầu mạn tính, các loại thuốc làm cắt cơn đau có thể dùng để điều trị, và thường có hiệu quả hơn nếu được uống sớm vì khi cơn đau đã bắt đầu thì hiệu quả sẽ giảm. Điều trị cơn đau ngay từ đầu giúp cắt cơn trước khi nó trở nên trầm trọng hơn, và góp phần làm giảm tần số của những cơn đau sau đó.

3.1. Paracetamol hay các loại thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs)

Điều trị bậc 1 đối với đau nửa đầu là các loại thuốc làm cắt cơn đau không cần kê đơn.

- Các loại thuốc chống viêm không steroid, Một thử nghiệm ngẫu nhiên có kiểm soát đã thấy rằng naproxen có thể cắt cơn được khoảng 1/3 trường hợp, nghĩa là kém hơn hiệu quả của sumatriptan 5%.

- Paracetamol (được gọi là acetaminophen ở Bắc Mỹ) có tác dụng với hơn một nửa số bệnh nhân đau nửa đầu nhẹ và trung bình trong một thử nghiệm ngẫu nhiên có kiểm soát.

- Một loại thuốc giảm đau nhẹ kết hợp với caffein cũng có tác dụng. Trong một cơn đau nửa đầu, việc tiêu hóa ở dạ dày bị chậm lại dẫn đến cảm giác buồn nôn và giảm hấp thụ thuốc. Caffein có tác dụng làm giảm điều đó. Excedrin là một ví dụ, trong thuốc đó có sự kết hợp của aspirin với caffein. Caffein được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ công nhận là một loại thuốc trị đau đầu không cần kê đơn khi được kết hợp với aspirin và paracetamol. Kể cả khi không dùng kết hợp thì caffein vẫn có tác dụng, mặc dù nói chung bệnh nhân đau nửa đầu nên hạn chế dùng caffein.

Bệnh nhân thường bắt đầu với paracetamol, aspirin, ibuprofen, và các loại thuốc giảm đau thông thường khác dành cho đau đầu căng thẳng. Các loại thuốc không cần kê đơn có thể làm giảm đau, nhưng thường không có tác dụng với nhiều người bệnh.

Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ đã chứng nhận 3 sản phẩm đặc trị đau nửa đầu là: Excedrin Migraine, Advil Migraine, và Motrin Migraine Pain. Excedrin Migraine, như đã nhắc đến ở trên, là sự kết hợp giữa aspirin, paracetamol, và caffein. Cả Advil MigraineMotrin Migraine Pain đều là thuốc chống viêm không steroid, với ibuprofenthành phần hoạt chất duy nhất.

3.2. Thuốc giảm đau kết hợp với thuốc chống nôn

Thuốc chống nôn có thể giảm triệu chứng buồn nôn và ngăn nôn mửa, và vì thế không làm mất tác dụng của thuốc giảm đau bằng đường uống. Ngoài ra, một số thuốc chống nôn như metoclopramidethuốc làm tăng nhu động ruột và làm tăng cường tiêu hóa trong dạ dày, vì khi đau nửa đầu, tiêu hóa trong dạ dày bị giảm sút. Một số bệnh nhân cũng thuyên giảm khi uống các loại thuốc kháng histamin giảm đau có tác dụng chống buồn nôn như Benadryl ở Mỹ có chứa diphenhydramine (nhưng ở Anh lại chứa một thành phần khác không có tác dụng giảm đau).

3.3. Các chất hỗ trợ Serotonin

Sumatriptan và một số chất hỗ trợ thụ thể serotonin có chọn lọc có tác dụng rất tốt cho các trường hợp đau nửa đầu nặng hoặc những người không đáp ứng với các loại thuốc chống viêm không steroid hoặc các loại thuốc không cần kê đơn. Các loại thuốc Triptan là phác đồ tiếp theo trong điều trị đau nửa đầu và phù hợp với rất nhiều bệnh nhân điển hình. Chúng không hiệu quả lắm đối với những loại đau nửa đầu không điển hình hoặc rất trầm trọng, đau nửa đầu biến thái, hoặc đau nửa đầu trạng thái (liên tục).

3.4. Thuốc chống trầm cảm

Các loại thuốc chống trầm cảm ba vòng từ lâu đã là một phương pháp điều trị dự phòng hiệu quả cao. Tuy nhiên các loại thuốc này có thể dẫn đến một số tác dụng phụ không mong muốn như mất ngủ, tăng cường hoặc giảm sút khả năng tình dục. Thuốc chống trầm cảm nefazodone cũng có tác dụng trong dự phòng đau nửa đầu vì có hiệu quả kháng lại thụ thể 5-HT2A và 5-HT2C có ít tác dụng phụ hơn amitriptyline, một loại thuốc chống trầm cảm ba vòng vẫn được sử dụng rộng rãi trong dự phòng đau nửa đầu. Các thuốc chống trầm cảm có lợi thế trong điều trị bệnh nhân đau nửa đầu song song với trầm cảm.

3.5. Các alkaloid trong cựa lúa mạch

Trước khi sumatriptan có mặt trên thị trường vào năm 1991, các chất chiết xuất từ cựa lúa mạch (tiếng Anh là ergot) là loại thuốc uống chủ yếu dùng để cắt cơn đau.

Các loại thuốc từ cựa lúa mạch Dihydroergotamine (Tamik, Seglor) có thể sử dụng để điều trị dự phòng và cắt cơn đau, tuy nhiên do giá thành tương đối cao và các tác dụng phụ tích lũy nên chúng chỉ được dùng để cắt cơn đau. Nhưng loại thuốc viên ergotamine tartrate (thường kết hợp với caffein), mặc dù có hiệu quả cao và kéo dài (hơn triptan), lại không được ưa chuộng do vấn đề về ngộ độc ergotin. Việc hấp thu thuốc ergotamine bằng đường uống khá hiệu quả trừ khi bệnh nhân bị nôn. Các loại thuốc từ cựa lúa mạch bản thân chúng cũng gây buồn nôn nên các bệnh nhân cũng được khuyên nên dùng cả thuốc chống nôn khi lần đầu sử dụng các loại thuốc đó. Các thuốc viên có tỉ lệ Ergotamine-caffein 1/100 mg cố định (như Cafergot, Ercaf,...) rẻ hơn nhiều so với triptan. Ergotamine-caffein không thể dùng thường xuyên vào buổi tối/đêm vì caffein làm mất ngủ. Ergotamine tartrate nguyên chất có hiệu quả cao cho các cơn đau vào buổi tối/đêm. Dihydroergotamine (DHE), bằng đường tiêm và hít, cũng có hiệu quả tương đương như ergotamine tartrate.

3.6. Steroid

Dựa trên một phân tích tổng hợp gần đây, bổ sung một liều tiêm ven dexamethasone trong phương pháp điều trị chuẩn có khả năng giảm tái phát đau đầu tới 26%.

3.7. Các loại chất khác

Nếu các loại thuốc không cần kê đơn không có tác dụng, hoặc nếu triptan quá đắt, các thuốc Fioricet hoặc Fiorinal, là sự kết hợp giữa butalbital (một barbiturate), paracetamol (trong Fioricet) hoặc axit acetylsalicylic (hay aspirin trong Fiorinal), và caffein. Mặc dù nguy cơ bị nghiện thấp, sử dụng butalbital hàng ngày có thể tạo thành thói quen, và nó cũng có thể dẫn đến đau đầu ngược. Các thuốc chứa barbiturate thường không phổ biến ở Châu Âu.

Amidrine, Duradrin, và Midrin- là sự kết hợp của paracetamol, dichloralphenazone, và isometheptene - thường được kê đơn trong đau nửa đầu. Một số nghiên cứu gần đây cho thấy những loại thuốc này tốt hơn sumatriptan trong điều trị đau nửa đầu.

Thuốc chống nôn cần phải dùng theo đường đặt hậu môn hoặc tiêm trong trường hợp bị nôn nhiều.

Gần đây người ta cũng thấy rằng các peptid liên quan đến gen calcitonin (CGRPs) có vai trò trong bệnh lý học của cơn đau nửa đầu khi triptan cũng giảm hoạt tính. Các chất kháng thụ thể CGRP như olcegepanttelcagepant đang được nghiên cứu cả trong thí nghiệm và trong lâm sàng trong điều trị đau nửa đầu.

3.8. Điều trị trạng thái đau nửa đầu liên tục
Trạng thái đau nửa đầu liên tục là trường hợp đau kéo dài hơn 72 tiếng, và thời gian khỏi đau giữa các cơn đau cũng không quá 4 tiếng đồng hồ. Trạng thái đau nửa đầu liên tục thường rất dai dẳng đối với các bệnh nhân ngoại trú.

Điều trị trạng thái đau nửa đầu liên tục bao gồm điều trị các triệu chứng song song (nghĩa là ổn định lại những rối loạn về dịch và điện giải do chán ăn và buồn nôn/nôn gây ra), và tiêm các loại thuốc để cắt cơn đau đầu.

Mặc dù có rất nhiều báo cáo về việc chữa trị các trường hợp trạng thái đau nửa đầu liên tục, phác đồ điều trị bậc một là truyền dịch, metoclopramide, và triptan hoặc DHE.

3.9. Điều trị bằng thảo dược

Loại thảo dược bổ sung feverfew (thường được dùng để dự phòng đau nửa đầu, xem dưới đây) được tung ra thị trường bởi GelStat Corporation như một loại thuốc cắt cơn đau nửa đầu không cần kê đơn, dùng ngậm dưới lưỡi kết hợp với gừng. Một thử nghiệm mở (do GelStat trả tiền) cho thấy nó có khả năng hiệu quả trong điều trị, nhưng chưa có nghiên cứu khoa học thực sự nào chứng minh điều đó. Cannabis ngoài tác dụng dự phòng còn có khả năng làm giảm đau khi mới bắt đầu cơn đau.

3.10. Thủ thuật trên động mạch thái dương nông

Một số thủ thuật áp dụng trên động mạch thái dương nông như thắt động mạch, áp lạnh động mạch có tác dụng làm hủy các sợi giao cảm quanh động mạch này.

Tài liệu tham khảo

1. https://vi.wikipedia.org/wiki/

2. Nguyễn Văn Chương. http://www.thankinhhoc.net/view/1380_migraine

3. Nguyễn Văn Hướng. http://suckhoe.24h.com.vn/

4. Pearce, J.M.S. (1994). Headache. Neurological Management series. Journal of Neurology Neurosurgery and Psychiatry. 57, 134–144.

5. Mayo Clinic Staff. (2005). Migraine Headache. Truy cập ngày 14 tháng 8 năm 2005

6. Cathy Wong, ND. (2005). Migraine Elimination Diet Retrieved ngày 14 tháng 8 năm 2005

7. Treatment Articles (2005). Butterbur, Co-enzyme Q-10, Melatonin, Folic Acid

8. Buchholz, D. (2002) Heal your headache: The 1-2-3 Program, New York: Workman Publishing, ISBN 0-7611-2566-3

9. Livingstone, I. and Novak, D. (2003) Breaking the Headache Cycle, New York: Henry Holt and Co. ISBN 0-8050-7221-7

10. Izecksohn L, and Izecksohn C.. Fluids' Hypertension Syndromes, ISBN 978-85-906664-0-0.

 


CHIA SẺ BÀI VIẾT

Bài cùng chủ đề

Bệnh thận - Tiết niệu

    Bệnh tim mạch

      Bệnh cơ-xương-khớp

        Bệnh nội tiết-chuyển hóa

          Bệnh tiêu hóa

            Bệnh phổi - phế quản

              Bệnh Thần kinh - Tâm thần

                Bệnh truyền nhiễm

                  Bệnh nhi khoa

                    Cận lâm sàng

                      Bệnh khác

                        Thuốc

                          Vật lý trị liệu

                            Phục hồi chức năng

                              Tư vấn và Chia sẻ thông tin

                                Sách đã xuất bản của Hà Hoàng Kiệm

                                  Bài báo khoa học

                                    SÁCH CỦA TÔI