Các biện pháp can thiệp điều trị thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng

Cập nhật: 17/04/2014 Lượt xem: 6554

Các biện pháp can thiệp điều trị thoát vị đĩa đệm

PGS.TS. Hà Hoàng Kiệm BV103, HVQY

          Các phương pháp can thiệp là các biện pháp xâm nhập tối thiểu, thủ thuật được tiến hành bằng chọc kim qua da nhằm làm giảm áp lực đĩa đệm. Khi áp lực đĩa đệm giảm, phần đĩa đệm bị thoát vị sẽ thu nhỏ không còn gây chèn ép vào các tổ chức thần kinh trong ống sống. Có nhiều phương pháp đã được áp dụng, mỗi phương pháp có những ưu và nhược điểm riêng. Các phương pháp can thiệp được chỉ định trong các trường hợp thoát vị đĩa đệm nhẹ và vừa (độ 1 đến độ 2). Sau đây chúng tôi trình bày một số phương pháp chính:

1. Hóa tiêu nhân

           Hóa tiêu nhân (chemonucleolysis) là kỹ thuật chọc kim vào nhân nhầy đĩa đêm bị thoát vị dưới hướng dẫn của X-quang với màn hình tăng sáng, phải đảm bảo chắc chắn kim đã nằm trong nhân nhầy bằng chụp X-quang với thuốc cản quang rồi bơm vào một hóa chất để làm tiêu nhân nhầy. Hóa chất thường được sử dụng là Chymopapain. Chymopapain là một enzyme có tác dụng phân hủy protein được chiết xuất từ nhựa đu đủ. Chymopapain làm tiêu hủy nhân nhầy mà không ảnh hưởng tới vòng sợi và các tổ chức khác của đĩa đệm. Nhân nhầy bị tiêu hủy làm áp lực trong đĩa đệm giảm hút khối thoát vị thu nhỏ lại. Trong tuần đầu sau thủ thuật bệnh nhân có thể đau tăng do phù nề và viêm, cần dùng các thuốc chống viêm giảm đau, sau đó triệu chứng giảm dần và khỏi.
Biến chứng của phương pháp hóa tiêu nhân có thể gặp:

- Shock phản vệ có gây thể tử vong.
- Viêm đĩa đệm.
- Hoại tử tổ chức lân cận.
- Tổn thương thần kinh.
- Tổn thương mạch máu, viêm tắc động mạch.
- Tổn thương tủy ngang mức thủ thuật.

           Phương pháp hóa tiêu nhân được áp dụng nhiều vào khoảng những năm 1960-1970, nhưng hiện nay ít được áp dụng do có nhiều phương pháp khác thay thế an toàn và hiệu quả hơn như đốt nhân nhầy bằng dòng điện có tần số radio hay làm bốc bay nhân nhầy bằng LASER.

2. Hủy nhân nhầy bằng dòng điện có tần số radio

          Làm giảm áp đĩa đệm qua da bằng dòng điện có tần số radio (Percutaneous Radioprequency Disc Decompression - PRDD) còn được gọi là tạo hình nhân nhầy đĩa đệm (Nucleoplasty). Phương pháp này được Singh V. và Derby R. thực hiện đầu tiên vào năm 2001, đã được FDA công nhận. Tại Việt Nam, phương pháp được Bệnh viện Việt Đức thực hiện từ năm 2007 và hiện nay có nhiều bệnh viện áp dụng. Đây là phương pháp chọc kim có nòng vào nhân nhầy đĩa đệm bị thoát vị dưới hướng dẫn của X-quang có màn hình tăng sáng. Đưa điện cực vào qua nòng kim, dùng dòng điện cao tần để đốt cháy đĩa đệm. Các tổ chức đĩa đệm bị đốt cháy được hút ra ngoài để tạo ra các đường hầm trong nhân nhầy, tạo khoảng 6-10 đường hầm, làm áp lực trong đĩa đệm giảm. Sau thủ thuật trong tuần đầu, bệnh nhân có thể đau tăng do phù nề và viêm, cần dùng các thuốc chống viêm giảm đau, sau đó triệu chứng giảm dần và khỏi.

 

Video giảm áp đĩa đệm qua da bằng dòng điện có tần số radio

 

3. Làm bốc bay nhân nhầy bằng tia LASER

          Làm bốc bay nhân nhầy bằng tia LASER (Percutaneous LASER Disc Decompression - PLDD). Thủ thuật này đã được Choy DSJ và Ascher (1986) áp dụng đầu tiên để điều trị thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng tại Bệnh viên Graz (Australia). Kể từ đó kỹ thuật này ngày càng được ứng dụng rộng rãi trên thế giới. Thủ thuật tiến hành tương tự như giảm áp đĩa đệm bằng dòng điện có tần số radio, nhưng thay vì đưa điện cực qua nòng kim vào đĩa đệm người ta đưa dây dẫn quang vào và dùng tia LASER để để đốt cháy và làm bốc hơi một phần nhân nhầy. Tia LASER thường được sử dụng là Nd-YAG với công xuất 5-25W.

          Nước chiếm 75% trọng lượng nhân nhầy, phần còn lại là chất cơ bản (có bản chất là protein). Khi đốt ở nhiệt độ 300 độ C, nước bốc thành hơi còn protein cháy thành than, và ở 450 độ C thì than biến thành khí CO2. Khí này cùng hơi nước thoát ra ngoài theo khe hở giữa lòng kim và dây dẫn quang. Theo Choy DSJ. Thì với một đĩa đệm có áp lực là 1344mmHg, khi làm giảm thể tích nhờ năng lượng LASER thì áp lực đĩa đệm giảm xuống còn 601mmHg. Áp lực nội đĩa đệm giảm, đồng thời thể tích nhân nhày cũng giảm đi, khối thoát vị thu nhỏ lại và rễ thần kinh được giải phóng khỏi sự chèn ép, những triệu chứng đau rễ sẽ mất hoặc giảm đi nhiều. Trong tuần đầu sau thủ thuật bệnh nhân có thể đau tăng do phù nề và viêm, cần dùng các thuốc chống viêm giảm đau, sau đó triệu chứng giảm dần và khỏi.

Chỉ định và chống chỉ định của thủ thuật giảm áp đĩa đệm bằng dòng điện tần số radio hoặc bằng tia LASER

+ Chỉ định:

- MRI: Bệnh mới chỉ ở mức độ lồi đĩa đệm (thoát vị đĩa đệm độ 1), nghĩa là đĩa đệm thoát vị nhưng còn chứa nhân nhầy, dây chằng dọc sau chưa bị xé rách.

- Bệnh nhân đã được điều trị nội khoa tích cực đúng phác đồ, đủ thời gian ít nhất 3 tháng mà không hết đau hoặc chỉ đỡ đau ít.

- Bệnh nhân chỉ có đau kiểu rễ hoặc tê tay hay chân, không có biểu hiện thiếu hụt về vận động (không bại hoặc liệt), không có rối loạn cơ vòng

+ Chống chỉ định:

- Bệnh nhân đã có bại yếu chi hoặc có hội chứng đuôi ngựa.
- MRI: Thoát vị đĩa đệm mà dây chằng dọc sau đã bị xé rách, mảnh đĩa đệm nằm trong ống sống (thoát vị đĩa đệm từ độ 2 trở lên).
- Thoát vị đĩa đệm kèm gai xương, quá phát sụn gian đốt sống, còn gọi là thoát vị cứng
- Thoát vị và hoại tử đĩa đệm do lao đĩa đệm cột sống.
- Thoát vị kèm trượt thân đốt sống.
- Thoát vị kèm dị tật hẹp ống sống.

          Phương pháp làm giảm áp đĩa đệm bằng dòng điện tần số radio hoặc bằng tia LASER nhìn chung có nhiều ưu điểm, an toàn và hiệu quả, thời gian tiến hành thủ thuật ngắn. Tuy nhiên kết quả lâu dài và chỉ định điều trị vẫn còn nhiều vấn đề cần được nghiên cứu thêm.

 

 


CHIA SẺ BÀI VIẾT

Bài cùng chủ đề

Bệnh thận - Tiết niệu

    Bệnh tim mạch

      Bệnh cơ-xương-khớp

        Bệnh nội tiết-chuyển hóa

          Bệnh tiêu hóa

            Bệnh phổi - phế quản

              Bệnh Thần kinh - Tâm thần

                Bệnh truyền nhiễm

                  Bệnh nhi khoa

                    Cận lâm sàng

                      Bệnh khác

                        Thuốc

                          Vật lý trị liệu

                            Phục hồi chức năng

                              Tư vấn và Chia sẻ thông tin

                                Sách đã xuất bản của Hà Hoàng Kiệm

                                  Bài báo khoa học

                                    SÁCH CỦA TÔI